BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

NON NƯỚC ĐẠI NAM, NƯỚC ĐỔ ĐẦU VỊT, NGHÈO NGHÈO, MUỐN, THƠ “NỤC BÁT” - Thơ Chu Vương Miện


      


NON NƯỚC ĐẠI NAM

tiểu tòng đại
nhược tòng cường
lý thê giã, thiên giã
(Khổng Tử Gia Ngữ) *
lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng **
nhưng theo ta thì kẻ mạnh cũng thua
sử biên niên truyền lại tới giờ
lọc phần chính bỏ đi phần ba xạo
khi dư giả ăn cơm toàn gạo
khi cùng đường nhếch miệng cười trừ
dân tộc nào? mà chả nên hư
khi hưng thịnh khi thì mạt vận
từ Đông Châu Đại Đường Đại Tống
cũng cứ thua dài dài mất nước như không
từ Liêu Kim, Tiên Ty đến Khiết Đan
Dày xéo rách bươm giang san nhà Đại Hán
nước Việt ta trên ngàn năm quốc nạn
một cái vèo đuổi tuốt bọn xâm lược xâm lăng
vào thời nhà Lý
Lý Thường Kiệt xua quân chiếm Châu Ung
làm mưa gió trên đất đai Lưỡng Quảng
thời nhà Trần
3 lần đánh tan quân Thành Cát Tư Hãn
cọc Bạch Đằng cắm sừng sững còn đây ?
kể làm cái gì ?
chuyện đánh Tàu, đánh Nhậ,t đánh Tây
bao bành trướng trên đất này
trước hoặc sau thua hết trọi
rồi tháo lui bất thần không kịp nói
rời âm thầm lặng lẽ chuồn đi ?
ôi bao thời mang tiếng man di
mà sức mạnh như thần
đánh đâu thắng đó
vũ trụ cứ quay
tuần hoàn muôn thủa
đảo Trường Sa, Hoàng Sa, thác Bản Dốc
cũng chỉ là chuyện nhỏ
chả có con đường nào
cách núi ngăn sông là khó
mà chẳng qua đất nước chúng ta
đang sửa soạn trở mình

[*] nhỏ phục lớn, yếu phục mạnh
cái lí là vậy, cái thế là vậy; ý trời cũng vậy
[**] E'dop

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

HAI BÀI THƠ VỀ HOÀNG HẠC LÂU CỦA NGUYỄN THUẬT - Lê Thí

Mời đọc hai bài thơ của sứ thần Nguyễn Thuật viết về lầu Hoàng Hạc, để hiểu thêm một tài năng, một tính cách Quảng!
Lầu Hoàng Hạc qua thơ của Nguyễn Thuật không chỉ với cảnh hàng phong, làn sóng, bến nước với tiếng gió, tiếng sáo… - những cảnh ước lệ vốn có của cổ thi ở hầu hết những bài thơ viết về lầu Hoàng Hạc, mà còn cả “cảnh thuyền máy chạy bằng hơi nước của người Tây phương đậu nơi cửa biển” (Doanh đắc kỳ quan viễn hải chu) đã làm cho Đăng Hoàng Hạc lâu “không rơi vào khuôn sáo, không ngại thơ đề trên đầu” (Tuy Lý Vương).

                                             Hà Đình Nguyễn Thuật.


HAI BÀI THƠ VỀ HOÀNG HẠC LÂU CỦA NGUYỄN THUẬT
                                                                                                  Lê Thí

Những sứ thần Việt Nam làm thơ về lầu Hoàng Hạc 

Lầu Hoàng Hạc là “một di chỉ văn hóa, nơi kết duyên văn tự của thi nhân mọi thời”. Đây là một trong “Tứ đại danh lâu” của Trung Quốc, được Tôn Quyền xây năm 223 dưới thời Tam quốc, nay thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, trên vực đá Xà Sơn bên bờ sông Dương Tử.

SƠ LƯỢC NGUỒN GỐC MỘT SỐ ĐỊA DANH MIỀN NAM - Hồ Đình Vũ




SƠ LƯỢC NGUỒN GỐC MỘT SỐ ĐỊA DANH MIỀN NAM
                                                                                    Hồ Đình Vũ

Có nhiều nơi ở miền Nam mình đã đi qua, đã ở đó, đã nghe nói tới hoặc đã đọc được ở đâu đó...riết rồi những địa danh đó trở thành quen thuộc; nhưng chắc ít khi mình có dịp tìm hiểu tại sao nó có tên như vậy ?
Bài viết này được hình thành theo các tài liệu từ một số sách cũ của các học giả miền Nam: Vương Hồng Sển, Sơn Nam và cuốn Nguồn Gốc Địa Danh Nam Bộ của Bùi Đức Tịnh, với mục đích chia sẻ những hiểu biết của các tiền bối về tên gọi một số địa phương trên quê hương mình.
Xin mời các bạn cùng tham khảo và đóng góp ý kiến từ các nguồn tài liệu khác - để đề tài này được đầy đủ và phong phú hơn.

1.- Tên do địa hình, địa thế 
Bắt đầu bằng một câu hát dân gian ở vùng Ba Tri, Tỉnh Bến Tre: “Gió đưa gió đẩy, / về rẫy ăn còng, / về bưng ăn cá, / về giồng ăn dưa…’’

         


 - Giồng: Là chỗ đất cao hơn ruộng, trên đó nông dân cất nhà ở và trồng rau, đậu, khoai củ cùng một số loại cây ăn trái. Bởi vậy nên mới có bài hát:“trên đất giồng mình trồng khoai lang…’’ 
Một con giồng có thể bao gồm một hay nhiều xã. Ở Bến Tre, Giồng Trôm đã trở thành tên của một Quận (Huyện). Lại nhắc đến một câu hát khác:“Ai dzìa Giồng Dứa qua truông. Gió rung bông sậy, bỏ buồn cho em…’’ Giồng Dứa ở Mỹ Tho, khoảng từ chỗ qua khỏi ngã ba Trung Lương đến Cầu Long Định, ở bên phải Quốc Lộ 4Giồng Dứa. Sở dĩ có tên như thế vì vùng này ở hai bên bờ sông có nhiều cây dứa. (Dứa đây không phải là loại cây có trái mà người miền Nam gọi là thơm, khóm. Đây là loại cây có lá gai dáng như lá thơm nhưng to hơn và dày hơn, màu xanh mướt. Lá này vắt ra một thứ nước màu xanh, có mùi thơm dùng để làm bánh, đặc biệt là bánh da lợn). Vừa rồi có nhắc đến truông, hồi xưa về Giồng Dứa thì phải qua truông, vậy truông là gì ?
Truông: Là đường xuyên ngang một khu rừng, lối đi có sẵn nhưng hai bên và phía trên đầu người đi đều có thân cây và cành lá bao phủ. Ở vùng Dĩ An có Truông Sim. Ở miền Trung, thời trước có Truông nhà Hồ.
 “Thương em anh cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang’’. Tại sao lại có câu ca dao này ? Ngày xưa Truông nhà Hồ thuộc vùng Vĩnh Linh, Tỉnh Quảng Trị, còn gọi là Hồ Xá Lâm. Nơi đó địa hình trắc trở, thường có đạo tặc ẩn núp để cướp bóc nên ít người dám qua lại.

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

MÙA THI VIẾT CHO EM - Thơ La Thụy, nhạc Thanh Chương


   

       

Thơ: La Thuỵ                           
Nhạc: Thanh Chương.                          
Trình bày: Hoàng Thuý.     
        

MÙA THI - VIẾT CHO EM              

Nhành phượng thắm chào em: mùa thi đến              
Tiếng ve ran rộn rã gọi hè về              
Các em yêu, vườn hồng đang chớm nụ              
Ngoan chăm lên, hương dậy ngát trăm bề              

Em yêu ạ! Ngày xanh đang dịu sáng              
Sự biếng lười sẽ huỷ lá nhành non              
Dù vất vả, sách bài như đá tảng              
Cứ kiên trì dần nhẹ chuyển mây bông              

Gạo trắng đẹp chính nhờ xay xát kỹ              
Sắt thép kia mài riết cũng thành kim              
Này em hỡi! Chớ nản lòng em nhé              
Ước mơ hồng rồi tung cánh như chim              

Từng mái đầu nghiêng nghiêng trên giấy trắng              
Mắt xoe tròn ngời sáng tuổi thơ ngây              
Nét mực tím trải đều đang múa lượn              
Trán thiên thần nhíu khẽ - Dáng thơ bay              

Ơi em yêu, chồi xanh ươm hy vọng              
Thầy mãi lặng chèo đẩy nhịp đò đưa              
Dù buồn vui nhấp nhô từng vỗ sóng              
Vẫn dịu lòng chở khách cập bờ mơ                                                         
                                          La Thuỵ                                             
                                           (1990)                 


TRÁCH BẬU - Thơ Trần Mai Ngân


    


TRÁCH BẬU

Bậu đi mất hút dáng kiều
Ta còn ở lại với điều cũ xưa
Hương nồng trên tóc buổi trưa
Vai trần môi ấm chưa vừa chữ duyên

Bậu xa xa khuất triền miên
Con sông bến nước lặng yên nhớ nhiều
Hôm nay trời cũng ngã chiều
Ta về nơi cũ quạnh hiu chốn này...

Nhớ Bậu... ôi! nhớ những ngày
Thâu đêm suốt sáng đã rày cho nhau
Nhớ Bậu lòng cắt như dao
Vết thương mới quá làm đau đớn lòng...

Bậu ơi! đã gọi là chồng
Đã kêu là vợ sao đành lòng xa
Không là dối trá điêu ngoa
Chỉ là duyên phận đổ thừa cho vơi!

“Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra!” **

                          Trần Mai Ngân

** ca dao

ĐỒI TRĂNG PHAN THIẾT (CHUYỆN TÌNH HÀN MẶC TỬ) - Phan Chính


           Nhớ về Lầu Ông Hoàng là nhớ những chuyện xưa - Ảnh: huu5189 [Hữu Khoa]


ĐỒI TRĂNG PHAN THIẾT (CHUYỆN TÌNH HÀN MẶC TỬ)

Đứng ở trung tâm thành phố Quy Nhơn có thể nhìn thấy rất rõ dòng chữ “Ghềnh Ráng - Tiên Sa” màu trắng, nổi bật trên nền xanh lá ở lưng núi nằm cuối cung đường bờ biển đẹp. Đây là một khu du lịch có các địa danh Bãi Trứng, Bãi Tiên Sa được ví như một viên ngọc bích giữa biển xanh. 

           Đến với khu du lịch Ghềnh Ráng để tìm hiểu về truyền thuyết bao đời (Ảnh ST)

       Cảnh biển mây trời núi đá hòa quyện càng tăng nét hoang sơ hút hồn của Tiên Sa.

Nhưng với khách phương xa có lòng ngưỡng mộ, yêu mến thi nhân bạc mệnh Hàn Mạc Tử thì lại phải đến nơi mà nhà thơ nằm bệnh rồi từ trần cũng trên ngọn núi có cảnh quan hoang sơ và lặng lẽ này. Bất cứ tài xế taxi hay xe ôm nào khi đưa khách đến đây đều hiếm nói địa chỉ Trại phong - da liễu Quy Hòa mà chỉ nói mộ Hàn Mạc Tử mà thôi. 

                                             Khu mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử (Ảnh: ST)

Khu vực này bao gồm cơ sở bệnh viện phong - da liễu do Bộ Thương binh - xã hội quản lý và một “làng bệnh phong” được hình thành từ năm 1929, cách đây 90 năm do một linh mục người Pháp làm nơi tập trung chữa trị những người mắc chứng bệnh phong gần như bị cách ly với cộng đồng vì thời ấy do định kiến nặng nề, ruồng rẫy của xã hội… Nay làng phong này có trên 350 hộ gia đình sống dưới những mái nhà riêng và đường sá không khác gì một khu phố nhỏ nhưng đâu đó vẫn lẩn khuất một không khí trầm lắng, an bài… Tại dãy nhà đầu làng đối diện với ngôi thánh đường khá cổ, có một gian nhà được ghi là “Phòng Lưu niệm Hàn Mạc Tử”. Bên trong có bàn thờ nhà thơ và trên vách treo một số bức chân dung người thân và người yêu của Hàn Mạc Tử. Đặc biệt còn đó chiếc giường gỗ cá nhân cũ kỹ, mảnh chiếu ố vàng mà Hàn Mạc Tử đã nằm qua 52 ngày rồi trút hơi thở cuối cùng vào tháng 11.1940, ở tuổi 28.

TÀU ĐÊM, THÂN PHẬN, THANH BÌNH - Thơ Lê Văn Trung


       


TÀU ĐÊM

Nằm nghe mưa quạnh đêm dài
Tàu đi chở nỗi u hoài vào khuya
Tàu đi chở một tôi về
Với toa tàu lạnh úa đầy cơn mơ

Chở đầy khoang nỗi hoang vu
Với phai vàng thuở màu thu chớm tàn
Chở đầy tôi chiều Qui Nhơn
Tay cầm nỗi nhớ tay ôm nhánh sầu

Hồn tôi là một toa tàu
Chở sao cho hết một màu tình phai.

TẠI SAO NGƯỜI VIỆT XƯA XƯNG “TÔI” VỚI CHÚA, VỚI BỐ MẸ? - Tần Tần

Người xưa quan niệm xưng “tôi” là để bày tỏ sự khiêm tốn, hạ mình, còn người bề trên, khi nói với bề dưới thì xưng “tao”.

             Sách Long thần tướng 4 in bài viết của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức.


TẠI SAO NGƯỜI VIỆT XƯA XƯNG “TÔI” VỚI CHÚA, VỚI BỐ MẸ?

Có lẽ, người Việt có hệ thống đại từ nhân xưng rắc rối nhất trong các ngôn ngữ trên thế giới. Chỉ riêng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất cũng có nhiều cách dùng, lại thay đổi qua từng thời kỳ, vùng miền. Vấn đề này được nhà nghiên cứu Trần Quang Đức trình bày trong bài “Lược khảo về đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong tiếng Việt”, in ở cuối sách Long thần tướng 4.

MÙA ĐÔNG SẼ DÀI: LONG SERA D'HIVER - Nguyên Lạc




MÙA ĐÔNG SẼ DÀI: LONG SERA D'HIVER
                                                             Nguyên Lạc

PAUL MAURIAT

Bản nhạc "Long sera l´hiver" được sáng tác bởi nhạc sĩ Jacques Plante và Claude Carrère 1968, được ca sĩ  Sheila thâu vào dĩa lần đầu, sắp xếp và dàn dựng  bởi Paul Mauriat.
Vài hàng về Paul Mauriat:
Paul Julien André Mauriat nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng dàn nhạc Le Grand Orchestre de Paul Mauriat. Ông là người Pháp. Những bản hit nổi tiếng như Love is Blue, El Bimbo, Toccata, Penelope...
Paul  Mauriat và một số nhạc sĩ khác cổ động cho phong trào nhạc nhẹ - the easy listening - ai nghe cũng hiểu và cảm được, khác với nhạc cổ điển - muốn thưởng thức nhạc cổ điển cần phải có "căn bản" kiến thức âm nhạc tối thiểu.

ĐÊM CUỒNG SAY... - Thơ Đặng Xuân Xuyến


      
                         Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến


ĐÊM CUỒNG SAY...

Em nhé, một lần quậy cùng ta
Một đêm giả khướt lướt Ngân Hà
Một đêm vịn cớ vì ta đã
Mà hứng đêm cuồng say với ta?

Ừ, giả lần thôi, đâu chết a
Người ta thiên hạ vẫn thế mà
Thì bởi ả Hằng lả lơi quá
Mà dáng ai kia cứ nõn nà...

Thôi, ngả vào ta, cuộn vào ta
Để đêm thánh thót rót trăng ngà
Để làn gió thoảng loang hương lạ
Để trộn vào ta, nghiến nát ta.

Hà Nội, 2g45 ngày 01-07-2020
         Đặng Xuân Xuyến

MÙA HẠ, MÙA CỦA LỬA - Thơ Lê Phước Sinh


   


MÙA HẠ, MÙA CỦA LỬA

Rừng phát trắng mênh mông tựa Biển
Tro cháy tàn biến Muối, rát lòng đau
Rừng đâu rồi, mai tìm Biển ở đâu...
Trăm năm Lịch sử cúi đầu định danh

                                   Lê Phước Sinh

TÌNH THU – Đức Hạnh & Quý Thi Hữu


   


TÌNH THU
[Thuận nghịch đọc]

Tươi cười nở mộng thắm tình vương
Hỡi đóa hồng! Yêu quý tỏ tường
Đồi trải lá vàng khai ngõ hướng
Cuội vời hoa bướm dệt ngàn hương
Mời thu rủ bạn hòa thi hứng
Tới Nguyệt trao duyên tặng đóa hường
Đời cảnh ngất ngây hồn mãi vướng
Khơi tình nghĩa đượm gửi nàng thương

Thương nàng gửi đượm nghĩa tình khơi
Vướng mãi hồn, ngây ngất cảnh đời
Hường đóa tặng, duyên trao Nguyệt tới
Hứng thi hòa, bạn rủ thu mời
Hương ngàn dệt, bướm hoa vời Cuội
Hướng ngõ khai, vàng lá trải đồi
Tường tỏ, quý yêu hồng đóa hỡi
Vương tình thắm mộng nở cười tươi.

Đức Hạnh
25 06 2020


BÀI HỌA:


TÌNH VƯƠNG
[Thuận nghịch đọc]

Tươi thắm nghĩa này dạ vấn vương
Khởi câu ngàn mộng ấm êm tường
Đồi xanh nắng trải lời đưa hướng
Lối đượm duyên thề tiếng phủ hương
Mời phú ngọt trao sờ sững tưởng
Tới bon bon nguyện nhủ âm hường
Đời lưu luyến thuở cùng duyên vướng
Khơi ý đậm dòng vạn bóng thương

Thương bóng vạn dòng đậm ý khơi
Vướng duyên cùng thuở luyến lưu đời
Hường âm nhủ nguyện bon bon tới
Tường sững sờ trao ngọt phú mời
Hương phủ tiếng thề duyên đượm lối
Hướng đưa lời trải nắng xanh đồi
Tường êm ấm mộng ngàn câu khởi
Vương vấn dạ này nghĩa thắm tươi.

Hằng Nga Trần
26 06 2020

CHÀNG KHỜ - Thơ Vũ Thị Hương Mai


   


CHÀNG KHỜ
(Cảm đọc NGƯỜI DƯNG của Đặng Xuân Xuyến)

Người dưng bỏ hội chả về
Chàng Khờ trách kẻ vội thề vội quên
Chuyện tình viết chẳng nên tê
Mưa xuân nát vụn niềm tin chàng Khờ.

                       Long Biên, 28/06/2020
                          Vũ Thị Hương Mai

Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319  quận Long Biên, thành phố Hà Nội.       
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

VĂN TẾ ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU - Kha Tiệm Ly


  
                   Nhà văn Kha Tiệm Ly


VĂN TẾ ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU 

*Giải nhất toàn quốc năm 2020
*Bản đã chỉnh sửa

Than ôi!

1. Gió dìu mây, mây phủ màu tang,
Sương thức lá, lá rơi nước mắt.

2. Khóc người tuấn kiệt, núi thẳm ngậm ngùi,
Chạnh khúc đoạn trường, dòng sâu man mác!

Nhớ văn hào xưa,

3. Vốn nòi thế phiệt, lời lời hoa thêu gấm dệt, hàng hàng ý ngọc lời châu,
Nhằm cửa danh gia, ngày ngày ngọc dát châu đeo, bữa bữa đũa ngà chén bạc.

4. Hồng Lĩnh đỉnh cao vòi vọi, muôn khí thiêng hun đúc bậc anh tài,
Lam Giang bờ rộng thênh thênh, vạn nguồn mạch sản sinh người khoáng dật.

5. Thông minh đĩnh ngộ, bút văn chương sánh bậc Đỗ, Vương, (1)
Hòa ái khiêm cung, điều nhân nghĩa noi thầy Khổng, Mặc. (2)

6. Cao bằng hiền hữu, luôn chọn bậc trọng nghĩa khinh tài, đâu hiềm nhà cao cửa rộng hay điếm cỏ cầu sương,
Tri kỉ hồng nhan, chỉ lựa người nhả ngọc phun châu, chẳng màng cổng kín tường cao hay lầu ca viện hát.

7. Tài năng đó khó khăn chi danh đề bảng hổ, vinh hiển tổ tông?
Nhân cách ấy trở ngại gì tế thế an bang, chấn hưng xã tắc?

Ngờ đâu,

8. Thời li loạn hốt bạch vân thương cẩu, còn đâu hồi áo gấm hài thêu,
Lửa chiến chinh biến thương hải tang điền, nào ngờ lúc nhà tan cửa nát!

9. Buổi giao thời chia đường hai lối, về phương nào khi thay chúa đổi tôi,
Tiếng đao binh tạo khúc đoạn trường, đàn làm sao khi lạc cung sai bậc?

10. Kinh luân một bụng, đâu anh hùng, đâu tri kỉ, đường trần ai ngoảnh lại bơ vơ.
Kinh điển năm xe, nào trung can, nào khí tiết, đạo thần tử ngẫm càng chua chát!

11. Hùng tâm tráng khí, mà bóng quần hào sau trước vắng tênh,
Viễn trí cao tài, nhưng đường tiến thoái dọc ngang bế tắt!

12. Mộng phù Lê tàn phai lần lữa; làm được gì khi bóng lẻ thân cô?
Vọng cố hương đau xót não nùng; thương biết mấy ngày canh rau cơm lạt!

13. Dằn câu khí tiết, chốn sân chầu che mặt uốn lưng tôm,
Ngậm tiếng thị phi, nơi cửa khuyết nén lòng khum gối hạc!

14. Đã trót đánh rơi thanh kiếm, vinh dự chi lơ láo phận hàng thần.
Thôi đành nương náu bệ rồng, thẹn thùng lắm lất lây hồi đầu bạc!

15. Qua quan ải, giận cuồng ngôn tên ác tướng Phục Ba, (3)
Nhớ Hát Giang, trọng khí tiết vị nữ vương Trưng Trắc.

16. Dù Đồng Trụ rêu đã xanh rì ,
Nhưng Đằng Giang cọc còn nhọn hoắt!(4)

17. Đến viễn phương thấy đời đau khổ, kẻ tù đày, người đói rách, nhớ quê xưa tấc dạ bồi hồi.
Viếng danh nhân chạnh nỗi đoạn trường, nào bi phẫn, nào oan khiên cảm thân phận cõi lòng u uất.

18. Bởi bạo quyền giấu nanh che vuốt, nhai xương người ngọt tợ cao lương. (5)
Nên lê dân bóp bụng thắt hầu, ăn rau dại thường hơn cơm vắt!

19. Đầu Ban Siêu (6) phơ phơ màu tóc, nợ sơn hà tấc đất ngọn rau,
Mây Hoành Sơn bàng bạc đầu non, xót phần số hồng nam nhạn bắc!

20. Đường công danh phủ bao lớp trần ai,
Màu danh lợi nhuộm mấy lần bạch phát!

21. Mãi trông đàn nhạn vỗ cánh nhịp nhàng hướng đỉnh Hồng Sơn,
Mà mặc vó ngựa gõ nhịp u buồn về miền Kinh Bắc!

22. Mỗi bước li hương, mỗi bước não nùng,
Từng hồi nhớ quê, từng hồi quặn thắt!

Mới hay,


23. Li ngự tửu không ngon ngọt lại đắng cay,
Tình đồng liêu chẳng mặn mòi mà nhợt nhạt!

24. Chốn quan trường lỡ thầy lỡ tớ, ích lợi gì chữ tốt văn hay?
Nơi triều trung gượng nói gượng cười, sượng sùng lắm mũ vàng đai bạc!

25. Chán khòm lưng quỳ nơi chín bệ, thùng thình vướng áo rộng hài cao,
Muốn phanh ngực nằm dưới bách tùng, thư thả ngắm trăng thanh gió mát.

26. Sờ tóc trắng thẹn cùng Hồng Lĩnh, thẹn cùng tảng đá, chòm cây,
Nhìn mây chiều nhớ đến Lam Giang, nhớ đến cội tùng, dòng thác

27. Thanh Hiên Thi Tập, gởi gắm phận mình lỡ thời thất thế, đá nát vàng phai,
Bắc Hành Tạp Lục, xót thương bao người ách nước tai trời, mưa vùi gió dập.

Dù cho,

28. Sao văn chương xé toạc lưng trời,
Lòng nhân ái trải dày mặt đất.

29. Viết văn tế độ người thảm tử, xót thập loại chúng sinh sống đọa chết đày,
Mượn tân thanh phổ khúc đoạn trường, thương bao phận hồng nhan hoa trôi bèo dạt!

30. Cảnh tang thương triền miên tám  hướng, nơi ta bà bao người lạc chợ, trôi sông,
Khói binh đao mờ mịt chín tầng, xương vô định bấy kẻ chôn nghiêng, liệm sấp!

31. Sổ đoạn trường hàng hàng lớp lớp, nào giai nhân, nào tài tử, lượn sóng đời dập cuồn cuộn oan khiên,
Đường định mệnh lối lối thênh thênh, nào nghĩa khí, nào trung can, dây oan nghiệt kết trùng trùng u uất!

Ôi!

32. Mang chữ “mệnh” thì nơi đâu không phải bến Tiền Đường?
Chẳng chữ “duyên” làm sao dễ náu nương Quan Âm các?

33. Phận bạc luôn đọa đày bậc khoát luận cao đàm, tú khẩu cẩm tâm,
Con tạo khéo ghét ghen kẻ ngọc diện hồng nhan, thiên hương quốc sắc!

34. Dù bể tang thương trùng trùng gió bão, đầu bút thần vẫn tỏa ánh hào quang,
Ngặt lửa sa trường ngun ngút núi sông, câu khí tiết làm đau lòng ngọc phác!

35. Đâu má hồng mười lăm năm trường đoạn, mà bên tình, bên hiếu luôn sắt son cùng sông núi thênh thênh?
Đâu danh nhân chịu nửa kiếp phong trần, mà chữ tiết, chữ nhân vẫn mênh mang như trăng sao vằng vặc?

Đáng xứng danh:

36. Vô tiền nghệ sĩ aó bố hài gai,
Khoáng hậu thi hào lòng son dạ sắt.
37. Không phải nguyệt mà sáng trong hơn nguyệt; trong rừng bảo điển vĩ nhân, cụ Tiên Điền xứng danh “vạn đại thi hào” .
Chẳng là hoa lại thơm ngát hơn hoa; trong vườn phong tình cổ lục, truyện Thúy Kiều đáng gọi “kỳ thư tuyệt tác”.

38. Cạnh muôn hoa, vua mẫu đơn chẳng muốn tỏa hương, (7)
Giữa bầy chim, chúa phượng hoàng đâu cần khoe sắc! (8)

39. Đẹp làm sao! Nhân dân ngưỡng mộ ngài với biết bao lời châu ngọc thiết tha,
Xứng làm sao! Thế giới tôn vinh ngài cùng trăm linh bảy danh nhân lỗi lạc! (9)

Ôi! Hỡi ôi!

40. Đang cơn mây tạnh ngờ đâu gió thổi ngậm ngùi,
Trong lúc trời quang bỗng dưng mưa bay lất phất!

41. Thu vừa chớm mà vùng đất Tiên Điền (10) mây nhuộm âm u,
Chướng chưa về mà dặm đường Nghi Xuân (10) lá rơi lác đác!

42. Đao định mệnh luôn cướp đường sinh tử, dù thân chẳng còn mà tiếng để danh lưu,
Trận phong lôi sao át sấm tài danh, nên đèn vẫn tỏ dù mưa lùa gió tạt.

43. Lẽ vô thường lại đùa cợt nhân sinh,
Đò li biệt luôn đưa sầu vạn vật!

44. Ơn văn hào tợ trái đồi trái núi, chừng như nước lấp đại dương,
Lời hậu sinh như hạt bụi hạt sương, cầm bằng cát rơi sa mạc!


Hôm nay,

45. Chưa ba trăm năm, mà cả non sông đã đổ lệ vì người nghệ sĩ phong lưu,
Bởi khắp bốn cõi, cứ mỗi tấm lòng đều nghiêng mình trước một thi hào uyên bác.

46. Dù văn chương, dù son phấn, khi thác rồi hậu thế còn ghi,
Dù vô mệnh, dù hữu thần, lúc lìa đời người sau vẫn nhắc.(11)

47. Chén rượu quý kính dâng người tài đức, lượng thứ chúng hậu sinh ý thiển lời thô,
Nén nhang thơm tưởng nhớ bậc cao hiền, cung thỉnh đấng tiền bối lòng thành lễ bạc.

Thượng hưởng!

                                                                                 KHA TIỆM LY

Chú thích:

(1) Đỗ, Vương: Đỗ Phủ, Vương Bật

(2) Khổng, Mặc: Khổng Tử, Mặc Tử

(3) Sau khi đánh thắng Hai Bà Trưng. Mã Viện dựng trụ đồng ở biên giới với hàng chữ khắc trên đó: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (nếu trụ đồng mà bị gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong”

(4)Trộm ý của hai câu:
“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục,
Đằng giang tự cổ huyết do hồng”
(Trụ đồng đến nay rêu còn xanh biếc,
Nước sông Bạch Đằng từ xưa đến giờ vẫn còn đỏ au)

(5) Cao lương: Trong “cao lương mĩ vị”, chỉ thức ăn ngon. Nguyên câu trộm ý 2 câu trong bài Phản Chiêu Hồn của cụ Tiên Điền:
“Bất lộ trảo nha dữ giác độc,
Giảo tước nhân nhục cam như di!”
(Không để lộ ra nanh vuốt và sừng (có nọc) độc
Mà cắn xé thịt người ngọt như kẹo như đường)

(6) Ban Siêu: Vị tướng tài thời Đông Hán. Bình định Tây Vực hồi 40 tuổi, đến 71 tuổi mới trở về kinh đô Lạc Dương; lúc đó đầu ông đã bạc trắng .

(7) (8): Mẫu đơn là chúa loài hoa; Phụng hoàng là chúa loài chim (theo quan niệm xưa)

(9) Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) họp ở Paris đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15 phê chuẩn Quyết định số 191EX/32 và 192EX/32, nhất trí vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa toàn thế giới. Theo đó, hoạt động tôn vinh được triển khai ở Việt Nam và tại các nước trong cộng đồng UNSESCO (niên độ 2014 - 2015).
(Nguồn: https://hanam.gov.vn/…/Danh-nhan-van-hoa-the-gioi--%C4%90ai…)

(10) Làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Tỉnh Hà Tĩnh là quê hương của cụ Nguyễn Du (mộ cụ nằm tại làng Tiên Điền)

(11) Trộm ý 2 câu trong bài “Độc Tiểu Thanh Kí”:
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.”
( Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết .
Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở).