BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

PHẠM NGỌC THÁI VỚI CHÙM THƠ TÌNH THÔN NỮ


   


NGƯỜI THÔN NỮ QUÊ HƯƠNG

Em thơm thảo tựa nàng tiên trong cổ tích
Dịu mềm như áng mây bay
Hồn anh trôi theo khúc thơ say
Dẫn em qua mùa thu hoang dại.

Cánh chim bằng anh, bốn phương gió xoáy
Về chân trời rộng mênh mông
Vẫn ghi lòng nhớ tới em thương
Cõi vô thường, tình trao anh trọn vẹn.

Bình dị chốn người, cao xa khát vọng
Trái tim anh không có vách ngăn
Tất cả cho đời... Tất cả cho em...
Như gió mây, không tôn vinh đảng phái.

Với quê hương, em là hoa trái
Bốn mùa thơm ngát hương thơ
Nếu sông núi này không có em ta
Mọi lẽ sống sẽ trở thành vô lý !

Anh từng qua cả cuộc chiến tranh thế kỷ
Vật lộn đời trần, đổ máu vì chủ nghĩa
Tìm đến nghiêng mình trước mộ phần
Hồ Xuân Hương, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Du
Nguyện sống suốt đời... lưu danh đến thiên thu...

Nếu mai sau...
Người lập cho tôi ngôi miếu, khói hương đưa
Xin cứ mặc rêu phong, gió mưa bao phủ
Chàng thi sỹ lang thang, yêu tận cùng xứ sở
Nay chẳng làm được gì. Tạ lỗi trước nhân gian.

Chỉ có mỗi trái tim này, dành để thương em.

                                                       9.6.2019

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

ĐƯỜNG TÔI ĐI HỌC – Nguyễn Văn Quang


       
                 Tác giả Nguyễn Văn Quang


         ĐƯỜNG TÔI ĐI HỌC 
                     
Quê tôi - làng An cư, là một ngôi làng nhỏ thuộc xã Triệu Phước. Làng nằm cạnh một dòng sông, đoạn cuối của hợp lưu hai sông Thạch Hãn và sông Hiếu đổ ra cửa Việt. Tên làng, tên xã nghe thì bình yên, hạnh phúc thế, nhưng quả thực dân chẳng an cư và chẳng được phước lộc là bao!
Sống nơi nước mặn đồng chua, dân thuần nông không đủ gạo ăn, phải đi làm thuê khắp bốn phương trời. Nghe câu hát của Duy Khánh (một người con của làng) thì đủ thông cảm:

Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn!

Nhà tôi không đến nỗi ba đời ăn củ chuối nhưng cũng ba đời đi ở đợ, làm thuê! Ông nội tôi lên làm thuê tận trên vùng sơn cước, Cha tôi và hai chú tôi phải đi ở giữ trâu, phụ cày cho nhà giàu tại ba xã khác nhau; tôi mồ côi cha lúc bảy tuổi, hai em tôi chết từ nhỏ vì thiếu ăn và bệnh tật không có thuốc chữa. Mẹ tôi đi làm thuê, tôi đi mót lúa, mót khoai để nuôi nhau sống qua ngày! Thế nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn ước ao được đi học!

MÙA HÈ ĐẾN THĂM EM - Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc Ngô Bảo Quốc, hòa âm & trình bày: Nguyễn Hà


       
                             Nhà thơ Như Nguyệt       
    

MÙA HÈ ĐẾN THĂM EM

Đến thăm em vào mùa hè rực nắng
Hè Cali không phượng đỏ ve sầu
Được gặp em, người em hằng mong nhớ 
Đã lâu rồi, anh mơ ước bên em

Làn mây trắng lững lờ trên phố vắn
Đàn chim xanh đang ríu rít trên cành
Hè Cali nhìn em anh ngây ngất
Phượng tím buồn tim anh thấy xôn xao

Đời đẹp quá, đẹp như những bài thơ
Em đã làm gửi anh đầy nhung nhớ
Anh đang ở thiên đường hay trần thế?
Mà bên em, anh say đắm chơi vơi

Ôi thương quá tiếng cười em yêu dấu
Mắt em nhìn làm xao xuyến tim anh
Cali hỡi, nắng Cali êm quá!
Có em yêu, đời như nắng mùa hè

                    Quách Như Nguyệt


       

Thơ: Quách Như Nguyệt
Nhạc: Ngô Bảo Quốc
Hòa âm & Trình bày: Nguyễn Hà

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

TOÀ TUYÊN ÁN... - Thơ Trần Mai Ngân


   
             Nhà thơ Trần Mai Ngân


TOÀ TUYÊN ÁN...

Toà tuyên án người đàn bà nông nổi
Xoã tóc đêm dài giấu kín niềm riêng
Đã vì ai trót gánh những ưu phiền
Vai bé nhỏ gầy guộc-tình lận đận...

Toà tuyên án đàn bà không biết hận
Người đàn ông lừa dối bội tình xưa
Phai má hồng nhạt nắng sớm chiều mưa
Nuôi con dại khoá trái tim thổn thức

Toà tuyên án người đàn bà quá mức
Chẳng nụ cười, ánh mắt mãi xa xăm
Nước mắt đêm trường tường vách lặng câm
Mà không oán, không than hay trách cứ

Toà tuyên án người đàn bà cư xử
Cứ dịu dàng chịu đựng với điềm nhiên
Làm cái bóng cạnh ưu phiền năm tháng
Sao không xa, không sống cho riêng mình...

Toà tuyên án chung thân cho bị cáo
Tội lạnh lùng, tội hoá kiếp hư vô
Tội vùi chôn xuân sắc xuống nắm mồ
Và lấp lại dĩ vãng đầy hương khói...

Toà tuyên án người đàn bà không khóc
Chỉ giấu đêm vào tóc... nỗi niềm riêng!

                             TRẦN MAI NGÂN

ĐƠN GIẢN THẾ THÔI... - Thơ Quang Tuyết


   
                                     Nhà thơ Quang Tuyết


ĐƠN GIẢN THẾ THÔI...

Đơn giản chỉ là niềm riêng
Thăng trầm theo từng nốt nhạc
Buồn, vui trào dâng tiếng hát
Thoắt đưa hồn ta bay xa

Đơn giản chỉ là bài ca
Đưa người ngược dòng bến cũ
Quên thời nắng mưa lam lũ
Quên tóc mây nhuộm trắng sương mù

Chỉ vì xưa mẹ cất lời ru
Bốn tao nôi vỗ về con yên giấc
Đơn giản thế... là con thích nhất
Câu ví von gieo vào đất nẩy mầm xanh

                                        Quang Tuyết

ĐI TÌM... - Thơ Hiệp Kim Áo Tím


   
                   Nhà thơ Hiệp Kim Áo Tím


ĐI TÌM...

Đi tìm một khoảng xa xăm
Để ta nhặt mảnh trăng rằm thuở nao
Đi tìm một mớ thanh tao
Nụ cười chớm nở ngọt ngào trên môi

Đi tìm cái của riêng tôi
Một thời áo tím xa rồi người ơi
Đi tìm cánh phượng rụng rơi
Sân trường vắng vẻ chơi vơi nỗi buồn

Đi tìm chút nắng chiều buông
Giọt tình lặng lẽ tiếng chuông ngân dài
Đi tìm một chút tình phai
Ngẩn ngơ với dáng trang đài dấu xưa

Đi tìm ngày tháng đung đưa
Nhắm đôi con mắt ngỡ vừa hôm qua
Đi tìm một chút thật thà
Lời thơ gửi trọn trong tà áo bay

Đi tìm một chút hương say
Rượu hồng một ngụm ngất ngây tim người
Đi tìm... tìm cả một đời
Ai người để trái tim rơi... trong đời

                         Hiệp Kim Áo Tím
                          Đà Lạt, 9/6/2019

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

VỀ CHỮ “BẬU” - Nguyên Lạc


       
                              Nhà thơ Nguyên Lạc         


         VỀ CHỮ “BẬU”
                      Nguyên Lạc

"Bậu" là tiếng dân dã, tiếng thân yêu của vùng tây nam bộ chúng tôi. Mỗi lần nghe ai nói, hoặc gặp trong thơ văn là lòng tôi cảm thấy bồi hồi. Tiếng"Bậu" nầy hình như bây giờ trong nước ít ai dùng, ít ai nhắc đến! Tại sao? Vì quê mùa? Tôi xin được tìm hiểu và giới thiệu đến các bạn vài bài thơ có liên quan đến chữ "Bậu" thân yêu nầy.

KÝ ỨC THÁNG NĂM - Thơ Văn Thiên Tùng


   

   


KÝ ỨC THÁNG NĂM

Tết Đoan Ngọ - Mồng Năm hằng lưu dấu
Tuổi thơ mình với tục lệ xưa từng
Tàn canh tư tay liềm lủi vô rừng
Bứt cây- lá phơi khô dành nấu uống

- Lá mồng Năm ắp đầy công năng sống
Là tinh hoa trời đất cấp dưỡng cây
Sau một đêm sinh khí tụ tích đầy
Làm lá mát uống tựa y thần dược…

Tiệc cộ bày dẫu ngày sau hay trước
Nồi bánh đúc đặc sản khéo khắt dằm
Rượu nếp chưng truyền thống tự ngàn năm
Xôi đậu nếp - chè kê đặc quánh đũa

Nồi xáo vịt - bún quê hương ném tỏa
Thịt heo phay - nước mắm chấm pha gừng
Cá nục tươi - hấp cuốn quả béo lừng
Nuốt một đĩa - rau thơm cùng vả... chát

Mâm cổ lắm vị sắc quy tính mát
Dâng tổ tiên báo hỷ vụ mùa xong
Sau cộ này tất bật việc ruộng đồng
Lo vụ tới với lưng còng nắng xát

Đời nông dân công việc đồng tất bật
Chiếc áo tơi - đường đọi vốn theo mình
Thêm bù* nước bên hông đậm ý tình
Tăng sức lực để cày sâu cuốc bẩm …

Ai cũng biết ! sau tiết trời Tiểu Mãn
Là lúc vào đỉnh điểm hạ nóng sao
Với tháng năm hiếm có giọt mưa nào
Nẳng xém da - gió Lào xua rát rạt…

Tuổi thơ ai… cũng đã từng nếm trải
Hương vị quê… mặn chát - ấm - cay nồng
Năm tháng qua luân mùa chuyển chất chồng
Làm chất liệu
                      điểm- sắc màu
                                              cuộc sống…

                                 Quảng Trị, 30.5.2017
                             Mai Vân Văn Thiên Tùng

* Ngày xưa dân gian thường lấy quả bù eo, cắt bỏ ruột rồi phơi khô, dùng làm bình đựng nước uống khi đi ra ngoài.

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

VỀ TRUYỆN NGẮN CỦA LÊ MAI - Đặng Xuân Xuyến


              
                        Nhà văn Lê Mai


              VỀ TRUYỆN NGẮN CỦA LÊ MAI

Biết nhà văn Lê Mai qua nhà thơ Nguyễn Khôi và blog Trang Đặng Xuân Xuyến cũng đã giới thiệu một số bài thơ và 7 truyện ngắn của ông nên khi nhà thơ Nguyễn Khôi có nhã ý muốn trang nhà đăng lại bài Nguyễn Khôi cảm nhận về thơ Lê Mai - người bạn, người em tri kỷ của ông - tôi đã đắn đo khá nhiều, bởi blog Trang Đặng Xuân Xuyến không đăng lại những bài đã đưa lên trang nhà, đang hiện diện trên trang nhà nhưng trước tấm chân tình dành cho người bạn, người em của nhà thơ lão niên làm tôi cảm động. Dù lưng rất đau, tôi cũng cố ngồi đọc để viết đôi lời giới thiệu về một số truyện ngắn của nhà văn Lê Mai đã đăng trên blog Trang Đặng Xuân Xuyến.

ĐỌC “LỜI KINH 2” THƠ TRẦN MAI NGÂN VÀ “KINH THƠ” CỦA QUANG TUYẾT - Châu Thạch


            
               Nhà bình thơ Châu Thạch


        ĐỌC “LỜI KINH 2” THƠ TRẦN MAI NGÂN
        VÀ “KINH THƠ” CỦA QUANG TUYẾT
                                                                    Châu Thạch

BÀN VỀ “LỜI KINH 2” CỦA TRẦN MAI NGÂN

Bài thơ có đầu đề là “Lời kinh” mà nó chẳng tả gì về lời kinh. Vậy thì “Lời Kinh” là lời kinh chỗ nào?. Một người như nhà thơ Trần Mai Ngân mà dám viết lời kinh thì có kiêu ngạo quá chăng? Muốn biết có kiêu ngạo hay không ta phải tìm hiểu bài thơ thì mới có kết luận.
Đọc câu thơ đầu tiên tôi hoảng hốt: “Trú trong kinh Bát Nhã”. Kinh Bát Nhã là gì?
“Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là một bộ kinh rất ngắn của Đại Thừa Phật giáo, có ý nghĩa rất thâm sâu, rất cơ bản, nhằm phá thói quen chấp thật rất nặng nề của chúng sinh. Kinh này được các chùa tụng niệm rất thường xuyên, các thầy cúng đám ma, ngay cả ở nông thôn miền nam Việt Nam cũng tụng kinh này. Có thể nói kinh này rất quen thuộc với Phật tử, nhưng mọi người có hiểu rõ ràng tường tận ý nghĩa của nó không, thì không dám chắc. Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là quyển Tâm Kinh nhằm phá chấp thật để hiển hiện trí bát nhã của bờ bên kia (ba la mật) tức là bến bờ giác ngộ”.

NGỒI YÊN VÀ IM LẶNG - Trần Mai Ngân


       
                             Tác giả Trần Mai Ngân


NGỒI YÊN VÀ IM LẶNG

Tình yêu là cái có có không không... đến và đi cũng bất ngờ.
Chấp nhận một tình yêu thì cũng phải chấp nhận sự rủi ro nếu không may mắn người phụ ta hay ta phụ người.
Và dù đến để rồi đi cũng xin tạ ơn người...
Tạ ơn người đã cho những mặn nồng tưởng như không thể nào phai nhạt được, không thể nào tan biến được vào hư vô... Thế mà vẫn mất, vẫn xa!

Và có phải khi quên đi, mất đi một tình yêu thì người ta lại vội vã lấp ngay vào một cuộc tình mới, màu sắc mới. Đôi khi nó chỉ là sự lập lại cái cũ, nói điều cũ nhưng lại với một người mới...

Tình yêu là những mối dây tơ rối mù giam kín người vào để ở đó có nụ cười, có niềm hân hoan rộn ràng và rồi cũng không bao lâu có nước mắt, có lời chia tay.
Thế thì không có cuộc tình nào là miên viễn là vĩnh cữu sao. Có đó!
Đó là một tình yêu không cần ở cạnh, không cần thốt lên lời... Tình yêu chân thành và độ lượng. Miễn người tôi yêu hạnh phúc với bất cứ ai là tôi hạnh phúc. Rất khó, nhưng thật lòng yêu ta sẽ làm được. Nhất định thế!

Tình yêu khi này là vĩnh viễn trong lòng ta không còn có sự chia xa nữa... Tôi yêu người và tôi hạnh phúc.
Bởi thế tôi ngồi yên và im lặng.

                                                                       TRẦN MAI NGÂN
                                                                       Cho ngày 7-6-2019  

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

KÝ ỨC VỤN VỀ CHUYỆN HỌC Ở MIỀN NAM THỜI ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA - Lê Nguyễn


                     Trường Sư phạm Sài Gòn, tiền thân là Trường Quốc gia Sư phạm.


        KÝ ỨC VỤN VỀ CHUYỆN HỌC
        Ở MIỀN NAM THỜI ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA
                                                                              Lê Nguyễn

Thế hệ những người sinh vào thập niên 1940 tại miền Nam nay còn không ít, cũng không nhiều. Số người không còn phần vì tuổi tác, bệnh tật, phần vì đã trải qua nhiều thăng trầm dâu bể của những năm trước và sau 30-4-1975: chiến trận, tù đày, những cuộc vượt biển kinh hoàng…, số người còn trụ lại kẻ thì sống tha hương trên xứ người, người ở lại Việt Nam thì phần đông cũng lang thang bên lề cuộc sống, tuổi tác chất chồng, sống bằng ký ức hơn là những dự phóng tương lai.
Trong tay không còn bao nhiêu tư liệu chính thức về một thời kỳ giáo dục đã trải qua năm, sáu mươi năm, chỉ còn một mớ ký ức sót lại trong đầu, hy vọng rằng những bạn đọc là chứng nhân của thời kỳ này sẵn lòng bổ khuyết, đính chính cho những sai sót của một bộ nhớ đã trải qua nhiều thử thách của thời gian và thời cuộc. Bởi vậy mà mấy bài viết này có tên là “Ký ức vụn”, không mang ý nghĩa một biên khảo, mà chỉ nhằm giúp người đọc có chút ý niệm tổng quát về một nền học đã mai một từ hơn nửa thế kỷ đã qua.

ĐÊM ĐÔNG CHẠNH NHỚ MƯA THU - Thơ Nguyên Lạc


       
                              Nhà thơ Nguyên Lạc         


ĐÊM ĐÔNG CHẠNH NHỚ MƯA THU

"Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân" (*)

Lột thơ
lộ ngực nguyệt rằm
Hôn em
nhan sắc hương trầm nhung tơ
Tay xuôi
hé nụ quỳnh mơ
Điếng đôi mắt nhắm
ngọt bờ môi son

Ơn em
điếng ngất thân cong!
Đôi tay cuống quýt
ghì ôm ân tình!
Thương yêu chẳng chút ngại ngần
Nguyên trinh thơ dại ân cần trao nhau!

Đêm thu. mưa trói chân nào
Thương ai ngấn lệ. nỗi sầu hiến dâng
Đời rồi dù có phù vân
Xuân thu sương điểm. vẫn ngần trầm hương !

Có người tuyết lạnh tứ phương
Nhớ ai nhan sắc nguyệt rằm đêm xưa!
Phương người đời có đẩy đưa?
Nguyệt rằm vẫn rạng?
nắng mưa lưng còng?

Đêm nay băng tuyết trổ bông!
Người đời cô lữ chạnh lòng mưa thu!

                                      Nguyên Lạc
...............

[*] [Gió mưa không có then khóa mà giữ được khách/ Nhan sắc không phải sóng lớn mà dìm chết người]
(Đàm Thuận Huy, Nguyễn Giản Thanh)

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2019

NẮNG LỬA - Thơ Phan Quỳ


   


        NẮNG LỬA

        Nắng như thắp lửa
        Cháy cả khung trời
Nắng đầy trên cao
Nắng tràn xuống thấp
Nắng nhoà trong mắt
Nắng rát đôi tay
Người qua phố nhỏ
Hối hả cuối ngày
...
Nắng như cơn say
Qua chiều ngày hạ
Thiêu đốt lòng nầy
Thảng thốt trời mây.
Người qua phố nhỏ
Nghe lòng nhớ thương
Mưa xuân mùa cũ
Ướt mềm tóc sương.
...
Nắng ơi đừng nữa
Thắp lửa cả trời
Bỏng rát lòng tôi...

           Phan Quỳ

NĂM, MƯỜI, MƯỜI LĂM, HAI MƯƠI…- Thơ Phan Thạch Nhân


   


NĂM, MƯỜI, MƯỜI LĂM, HAI MƯƠI…

Em trốn biệt đi đâu?
Giữa dòng đời xuôi ngược
Chiều tàn thu, tôi bước
Bên đời... Rơi lá bay

Qua xóm đạo chiều nay
Chuông giáo đường lung lay
Mưa buồn bay khắp lối
Chúa buồn giăng hai tay

Em ở đâu chiều nay?
Hỡi cô em vai gầy
Trò chơi tôi giữ lấy
Tìm em giữa đời này

Giáo đường mưa bay bay
Chiều thu buồn tôi ghé
Chúa có buồn cho kẻ
Si tình đi lang thang

Giờ này em ở đâu?
Năm mười tôi đếm đủ
Làm gã khờ một thuở
Nắng phủ gốc mù u

Em trốn biệt đi đâu?
Dòng đời trôi vội vã
Chen chân tìm mọi ngả
Ngả nào đây?
Em ơi!

       Phan Thạch Nhân
        Tháng10 / 2017

MÙA PHƯỢNG ĐÃ QUÊN - Thơ Châu Thanh Thủy


    
           Tác giả Châu Thanh Thủy


MÙA PHƯỢNG ĐÃ QUÊN

Hình như quên rồi hạ ấy
Chao nghiêng cánh phượng ngập ngừng
Có người nghiêng vai để thấy
Một màu đỏ ấy rưng rưng

Bây giờ ta năm mươi tuổi
Bây giờ anh bạc tóc rồi
Tình yêu ta còn rong ruổi
Còn anh mộng viễn đôi nơi

Ta gieo lòng vào nắng hạ
Tung tăng hồn thả cuối trời
Phiêu du những miền đất lạ
Bóng anh dường cũng xa xôi...

               Châu Thanh Thủy
                  27 - 5 - 2019

GÁ TÌNH - Thơ Đặng Xuân Xuyến


   
                  Tác giả Đặng Xuân Xuyến


        GÁ TÌNH

Rồi em cũng phải gả chồng
Rồi tôi cũng phải làm chồng người t
Thôi thì hai bảy mười ba
Bữa nào trời đẹp tôi qua bỏ trầu.

Người ta lấy bạc bắc cầu
Để tôi sấp ngửa cơi trầu lỡ duyên
Người ta khát lộc say quyền
Để em phận gái thuyền quyên bẽ bàng.

Gặp nhau khi đã trễ tràng
Dở dang duyên phận nhỡ nhàng lời yêu
Chỉ là gạo nấu chung niê
Chẳng mong củ ấu khéo yêu thành tròn
Đã quen ngậm trái bồ hòn
Nào đâu nghĩ đến vuông tròn nặng sâu…

Bữa sau tôi sẽ bỏ trầu
Để em thôi gả làm dâu nhà người.

Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2013
         ĐẶNG XUÂN XUYẾN

(Đã in trong tập CƯỠNG XUÂN)


THƯ GỬI NGƯỜI CHỊ ĐỒNG MÔN NGUYỄN HOÀNG - Khang Hồ


           
                                Tác giả Khang Hồ


THƯ GỬI NGƯỜI CHỊ ĐỒNG MÔN NGUYỄN HOÀNG
                                                                                            Khang Hồ

Chị Thùy.
Tôi biết chị, khi tình cờ đọc một truyện ngắn do chị viết. Rồi thông qua Đồng môn Nguyễn Hoàng tôi càng biết chị nhiều hơn.
Quảng Trị của tôi, vốn là một tỉnh nhỏ, rất nhỏ nữa là đằng khác, cho nên mỗi con người xứ này thấy gần gũi lạ. Sự gần gũi đó có lý do của nó, vì đây là một vùng đất đã hoang tàn do bom đạn chiến tranh. Mọi người đều giống nhau một điểm là mất mát, từ vật chất của cải cho tới tình cảm, người thân.


CHUYỆN MIỀN TÂY... – Ngô Hương Thủy




    CHUYỆN MIỀN TÂY... 
              Ngô Hương Thủy


Mùa Xuân này tôi quyết định về miền Tây ăn Tết theo lời mời của một người bạn văn chương. Chuyến xe khởi hành sáng sớm ngày hai mươi bảy tháng chạp mang theo không khí vui tươi của những ngày cuối năm. Khoang hành lý đầy ắp bánh mứt, những bó hoa giấy màu sắc rực rỡ, sự náo nức của những người con xa quê được trở về nhà thể hiện rõ trên gương mặt hành khách.