BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

"KẺ Ở" HAY “DẶM VỀ”, BÀI THƠ CÓ SỐ PHẬN ĐẶC BIỆT - Vân Long

Nguồn:
http://nguyentrongtao.info/2012/06/19/bai-tho-dam-ve-khong-phai-cua-quang-dung/


                    Nhà thơ Vân Long

Nhiều người nhầm lẫn bài thơ “KẺ Ở” là của Quang Dũng, và còn cho rằng nó đã in trong tập thơ Quang Dũng, và tán thêm: Quang Dũng khiêm tốn đến mức từ chối những bài thơ hay của mình khi ông nói “không phải của tôi”. Thực ra bài thơ “KẺ Ở”chính là bài thơ “DẶM VỀ” của Nguyễn Đình Tiên được Quang Dũng rất thích và đã chép giùm vào sổ tay cho bạn…
Để bài thơ “Dặm về” khỏi… bị nhầm tác giả thêm lần nữa, chúng tôi mời bạn đọc xem lại bài phỏng vấn này, do nhà thơ Vân Long trả lời trên phụ san báo Bảo vệ Pháp luật dịp Tết Đinh Hợi 2007:

KẺ Ở HAY “DẶM VỀ”, BÀI THƠ CÓ SỐ PHẬN ĐẶC BIỆT

Ngày 5 tháng 6- 2012, tại Hội trường Trung tâm văn hoá Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm thơ Quang Dũng, nhân giới thiệu tinh tuyển thơ văn Mắt người Sơn Tây của ông (CTy văn hoá truyền thông & NXB Hội Nhà văn), với sự tham gia của các diễn giả: nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, hai nhà thơ Vũ Quần Phương và Vân Long. Sau cuộc tọa đàm, ban tổ chức có thông cáo báo chí qua thư điện tử gửi tới các địa chỉ cần thiết. Người tóm lược những thông tin cuộc tọa đàm trong thông cáo trên đã ghi nhận chưa chính xác:
Bài thơ DẶM VỀ (tức Không đề, Mai chị về) là của đại tá Nguyễn Đình Tiên nguyên phó Cục trưởng Cục xuất bản Bộ Quốc phòng tác giả “Chân dung tướng ngụy Sài Gòn”, không phải của bác sĩ Phan Quang Chấn, nguyên trưởng ban Quân y Trung đoàn Tây Tiến, như thông cáo trên. Sự việc diễn biến: Quang Dũng gạt bỏ bài này trong bản thảo MÂY ĐẦU Ô do Trần Lê Văn tuyển chọn, ông ra dấu “không phải của tôi” (khi ông bị tai biến não, không nói được). Nhà thơ Vân Long đi tìm, bắt gặp trong sổ tay ông Phan Quang Chấn bút tích Quang Dũng chép và đề dưới bài này từ năm 1949: “Không tác giả”, vậy là Quang Dũng rất thống nhất cả khi trên giường bệnh lẫn khi chép thơ hay cho bạn 40 năm trước trong khi vẫn ngâm ngợi phổ biến bài thơ mình yêu thích. Vân Long đủ cơ sở để xác quyết phải tìm ra tác giả DẶM VỀ là ai? Cuộc “truy tìm” này đã được thể hiện trên hai bài báo: Đi tìm xuất xứ một bài thơ (Văn Nghệ số 37, 16/9/1989) và Bài thơ tìm được tác giả (Văn Nghệ số 42-43, 28/10/1989) của Vân Long.  Tuyển thơ kháng chiến 1945-1954 tái bản đã bổ sung bài này vào với tên tác giả Nguyễn Đình Tiên vì nhân thân tác giả: họat động CM từ trước 1945 và thời điểm sáng tác hơn là nội dung bài.
Có lẽ căn cứ trên thông cáo chưa chính xác trên, nên tác giả một   số bài báo vừa in trong hai tuần vừa qua trên các báo đã “suy ra”: Quang Dũng thường từ chối “không phải của tôi” những bài được người đọc, bạn bè khen (!), và còn cho là bài MAI CHỊ VỀ đã in trong tập MẮT NGƯỜI SƠN TÂY vừa xuất bản.
Để khỏi ảnh hưởng đến tư cách nhà thơ Quang Dũng, đến quyền tác giả của ông Nguyễn Đình Tiên, và  bài thơ DẶM VỀ khỏi… phiêu du thêm lần nữa, chúng tôi mời bạn đọc xem lại bài phỏng vấn này, do nhà thơ Vân Long trả lời trên phụ san báo Bảo vệ Pháp luật dịp Tết Đinh Hợi, kèm theo bài thơ đặc biệt này: 

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

CHÙM THƠ HOÀNG HỮU BẢN

Nhà thơ Hoàng Hữu Bản quê làng Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị. Anh có năng khiếu thơ văn, làm thơ từ lúc còn học Đệ Thất (lớp 6). Anh sáng tác rất nhanh, những dòng thơ tuôn chảy theo mối cảm xúc dâng trào trong anh.
Là nhà giáo, nhà thơ có nhiều trăn trở với tình yêu, cuộc đời, quê hương và thầy - bạn cũ. Anh đã hoàn thành hai thi phẩm: “Trăng xưa vàng nỗi nhớ” và “Gom nhặt tình thơ”.
Xin giới thiệu một số bài viết của nhà thơ Hoàng Hữu Bản,  hoài niệm về tình yêu thời xa vắng, về quê nghèo Quảng Trị thân yêu, nhiều kỷ niệm vui buồn cùng thầy cô, bè bạn.

   
     Nhà thơ Hoàng Hữu Bản


NHẶT ÁNH SAO MƠ

Ta còn nửa trái tim côi
Nửa con mắt ngó góc trời liêu xiêu
Trăng xưa vàng sợi tóc chiều
Vàng thu lá rụng, nắng thiêu hạ buồn.
Ta còn mây trắng hoàng hôn
Ráng xưa vùi lấp hồn hoang dại khờ.
Xin làm chú nhện giăng tơ
Dang tay nhặt ánh sao mơ cuối trời.
Ta về tình lặng mù khơi
Mắt thương lệ ứa, ve phơi xác hè.
Lam chiều quyện khối tình quê
Ráo con mắt ngóng sao khuya đêm tàn!

NHỚ (I)

Nhìn trẻ ngây ngô rộn rã cười
Ta hồi tưởng lại tuổi đôi mươi
Bờ thương gởi gió trao ngàn tiếng
Bãi nhớ nhờ trăng trút vạn lời.
Chốn cũ đong đầy hương mãi đượm
Trường xưa lưu luyến sắc còn tươi.
Ân sư nửa chữ lòng ghi tạc
Dẫu nắng mưa phai, mãi nhớ Người!

NHỚ (II)

Bạn với trăng thơ níu tuổi già
Chắt chiu từng kỷ niệm mùa qua
Chút hương phấn thoảng chao trời mộng
Mấy giọt xuân nồng hứng ngõ xa.
Nhặt cánh hoa xưa cài liếp nhớ
Dở chồng sách cũ ép trang nhoà.
Trường xưa man mác trời di niệm
Nhắp chén tình đầy, lệ nhỏ sa!

HOÀNG HƯƠNG TRANG, NỮ SĨ ĐA TÀI - Trần Dzạ Lữ



             Trần Dzạ Lữ

     HOÀNG HƯƠNG TRANG, NỮ SĨ ĐA TÀI
                                                           Trần Dzạ Lữ                                          
       Biết chị từ thập niên 1960 bởi là một nữ sĩ nổi tiếng: “Đầu đội trời, chân đạp đất, không hề biết sợ ai...”. Vậy mà, sau năm 75 mới được quen chị và thân tình. Căn nhà ở đường Tăng Bạt Hổ quận Bình Thạnh là nơi chị ở một mình và khi ghé thăm chị, thường thấy tranh lụa và sách vở ngổn ngang. Thường thì chị nói huyên thuyên về cuộc đời và sự nghiệp của chị. Tôi chỉ lắng nghe để thấu hiểu.

LỚP ĐỆ THẤT 3 CỦA TÔI - Đoàn Minh Phú


      
                        Đoàn Minh Phú
                                (1968)

     LỚP ĐỆ THẤT 3 (NIÊN KHÓA 1968 - 1969)
     TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ 

Niên khóa 1968 - 1969,  chúng tôi thi đậu vào khóa tuyển sinh Đệ thất của trường Trung Học Nguyễn Hoàng. Nói làm sao được sự sung sướng của lũ trẻ chúng tôi khi được vào học trong một ngôi trường danh tiếng như thế. Riêng tôi còn hãnh diện hơn khi thi đậu với thứ hạng 7 trên khoảng 350 học sinh được tuyển. Chúng tôi được xếp vào lớp Đệ thất 3, gồm 53 học sinh do thầy Lê Văn Quýt làm giáo sư cố vấn. Thầy Quýt là giáo sư dạy Pháp văn nhưng niên khóa đó thầy lại được phân công dạy Anh văn. Lớp Đệ thất 3 được thầy bố trí sơ đồ chỗ ngồi theo kiểu “nam nữ hữu biệt”. Lớp chia làm hai: nam ngồi bên trái, nữ ngồi bên phải (vị trí trái, phải ấy nhìn từ bàn giáo sư và bảng lớp xuống). Những học sinh nhỏ con phải ngồi bàn đầu gồm: Đỗ Văn Phước, Hoàng Văn Oanh, Thái Hoàng Nam, Hồ Xuân Phục, Đoàn Minh Phú (bên nam); Nguyễn Thị Hồng Nhạn, Quốc Thị Hoàng Oanh, Võ Thị Nguyên, Lê Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Phi (bên nữ). Những anh chị to cao thuộc dạng “quậy” ngồi phía sau gồm: Võ Đình Mướp, Nguyễn Đức Phong, Nguyễn Gia Ninh, Ngô Phúc, Nguyễn Nam, Phan Hùng Phi (bên nam), Tôn Nữ Bích Nhạn, Lương Thị Ngọc Sâm, Đào Thị Bạch Nhật, Cao Thị Quang… (bên nữ).

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

TRÒN VUÔNG TAM GIÁC - Thơ Trần Mai Ngân


   


TRÒN VUÔNG TAM GIÁC

Nhớ vuông vuông, nhớ tròn tròn
Tròn vuông tam giác héo mòn vuông vuông
Vuông tròn, tròn muộn... muộn thôi
Xa vuông cách biệt để tôi vuông tròn

Bây giờ tròn lại tròn vuông
Hay là tam giác tròn muôn phương nào
Tròn tròn, vuông ngọt, vuông ngào
Tròn vuông tam giác vẽ màu  tròn vuông

        Gửi lời tam giác tròn vuông 
Anh đi học chữ tròn vuông em chờ
Vuông tròn anh viết bài thơ
Gửi về em đọc bất ngờ tròn vuông...

Vuông tròn tam giác hứa suông
Anh quên tròn hết là vuông thuở nào
Vuông tròn tam giác lời chào
Tròn vuông đã hết ngọt ngào từ đây...

Tam giác tam giác mê say
Vẫn tròn vuông đợi từng ngày tròn vuông
Con trăng tháng Tám tròn vuông  
Mà anh tam giác đi luôn vuông tròn !

                                Trần Mai Ngân
                                   11-9-2018

CHÙM THƠ THIỀN 8 CỦA CHU VƯƠNG MIỆN


       


XUÂN VỘI

xăm xăm một mùa đông
cành khói xa vời vợi
góp thêm một mùa xuân
ngẩn ngơ hoài không tới
mỹ tửu ngọa sa trường
giòng Seine ơi ngụt khói
hỡi xuân ơi là xuân
hoa mơ đầy tóc rối
suối cạn rồi em đi
chiêm bao qua quá vội


ĐẾN ĐI

ta ở chốn nào tới đây
tới đây để làm cái gì
xong rồi đi đâu
hỏi tới rồi hỏi lui
thiệt là nhức cái đầu
hai con chim trời
con ngược con xuôi
cùng về chốn này
làm tổ trên cành sồi
con đực tha rác
con mái tha cỏ
đẻ trứng ấp nở
chim con kêu chiêm chiếp cả ngày
tháng sau chim bố mẹ bay trước
sau là chim con

-
một đời quá ngắn
một ngày quá dài
buổi sáng mặt trời nhô lên
ban đêm mặt trăng tà tà
trên mái nhà
đêm năm canh ngày sáu khắc
mới oe oe khóc đó
giờ sắp về hội Long Hoa
một đời quá ngắn
một năm quá dài
mới và cơm mớm đó
giờ ăn bốc bóc củ khoai
cũng nhân chi sơ tính bổn thiện
vợ cùng con
kẻ góc bể kẻ chân trời
học từ thời còn nhỏ
về già đi học nữa
mút chỉ cà tha rừng già

-
Một hồi chuông đã đổ
lá rơi ngập sân chùa
ta vừa thiu giấc ngủ
chập chờn một giấc mơ
chim réo nhau về tổ
ta về đâu bây chừ ?

CHU VƯƠNG MIỆN

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

LAN MAN VỀ CÁC NHÀ THƠ HUY CẬN, XUÂN DIỆU, VƯƠNG BỘT... CÙNG CÁNH CÒ HAY CÁNH VỊT TRỜI - La Thụy


   

      LAN MAN VỀ CÁC NHÀ THƠ HUY CẬN, XUÂN DIỆU, 
      VƯƠNG BỘT... CÙNG CÁNH CÒ HAY CÁNH VỊT TRỜI

Rảnh, mình đọc bài Tràng Giang - thơ Huy Cận, lòng man mác cùng mây trời, hoàng hôn và chim chiều nghiêng cánh

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
                                              (Huy Cận)

Bất chợt liên tưởng mấy câu trong bài "Thơ Duyên" của Xuân Diệu

Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
                                 (Xuân Diệu)

Rồi lan man với lời bình thơ của Hoài Thanh:

“Từ cánh cò của Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân, có sự cách biệt hơn một ngàn năm và hai thế giới”  (Thi nhân Việt Nam)

“Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc”
                                     (Vương Bột)


Ai đó đã dịch thành:

 (Chiếc cò cùng với ráng sa
 Sông thu cùng với trời xa một màu)

Và cứ thế lan man đến Đằng Vương Các Tự của Vương Bột. Ôi chao, cái ông thi sĩ thời Sơ Đường này, ông đã lưu dấu ấn lại trong truyện Kiều của Nguyễn Du qua một câu thơ điển tích thật hay:

“Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa”
                                         (Kiều)

Và trong một câu thơ điển tích khác cũng thật hay của Tô Đông Pha:

Thời lai phong tống Đằng Vương Các

Hai câu thơ điển tích của hai nhà thơ lớn ấy bắt nguồn từ giai thoại:
"Con của vua Cao Tông nhà Đường bấy giờ làm Thái Sử ở Hàng Châu, được phong là Đằng Vương, có dựng một cái gác bên sông Tầm Dương gọi là Đằng Vương Các. Lúc Diêm Bá Dư ra giữ chức Đô Đốc Hàng Châu, đặt tiệc tại gác Đằng Vương để thết tân khách. Muốn khoe tài chàng rể, bảo làm trước một bài tự, rồi mời tất cả các nhà quyền quý, các mặc khách tao nhân xa gần đến dự; và yêu cầu mỗi người làm một bài tự ngay bữa tiệc.
Vương Bột lúc bấy giờ, tuổi vừa 15, 16. Hay tin ấy, nhưng vì đường xá xa xôi có mấy trăm dặm, không đến họp được, lấy làm tiếc. Một ông già khuyên chàng cứ sửa soạn thuyền buồm, tự nhiên sẽ có gió thổi. Quả nhiên đêm đó có gió lớn. Vương cho thuyền khởi hành, và hôm sau tới Đằng Vương các vừa kịp lúc vào tiệc. Và một cuộc thi tài văn học xảy ra, bài Đằng Vương Các Tự đã xuất sắc đoạt giải”

           

Bài tự "Đằng Vương Các" viết theo thể biền ngẫu, dùng nhiều chữ cầu kỳ, nhiều điển khó hiểu nhưng lời thì khá đẹp mà rất khó dịch. Trong bài, Vương Bột nhắc qua địa lý và nhân vật ở quận, nơi xây gác Đằng Vương, rồi tả chủ khách trong tiệc, phong cảnh chung quanh khi ngồi trong gác trông ra, sau cùng kể cảm tưởng của chính mình.

Cuối bài, có 8 câu tuyệt diệu, nhất là 4 câu cuối:

        Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
        Vật hoán tinh di, không độ thu?
        Các trung đế tử kim hà tại?
        Hạm ngoại trường giang không tự lưu.

    Nghĩa:

       Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi,
       Mấy phen vật đổi với sao dời.
       Đằng Vương thuở trước giờ đâu tá?
       Sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài.
                            (Tương Như dịch)

Trong văn nghiệp sáng rực của một cuộc đời ngắn ngủi, tác phẩm làm cho tên tuổi Vương Bột trở nên bất tử lại chỉ là hai câu thơ tả cảnh tuyệt bút, cùng một đoạn thơ tám câu ở cuối bài Đằng Vương Các Tự. Hai câu thơ tả cảnh tuyệt tác đó là:

“Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc”

Hai câu thơ tuyệt bút ấy lại bị người đời sau cho là thừa chữ "dữ", "cộng" ("dữ, cộng" cùng nghĩa “với”,“cùng”).  Nếu bỏ hai chữ này thì càng tuyệt hơn, vừa gọn vừa thanh thoát, lại nhất khí:

 Lạc hà cô vụ tề phi,
 Thu thủy trường thiên nhất sắc.

Lạc hà là ráng chiều buông xuống, cô vụ tề phi là con vịt trời cô đơn đang cùng bay. Thu thuỷ là sông nước mùa thu, trường thiên nhất sắc là trời rộng mênh mông, chỉ có một màu.
Con vịt trời cô đơn này không lẽ cũng là chú Uyên Ương gãy cánh của Kahlil Gibran đang trải mối sầu lẻ bóng vào ráng chiều ?
VỤ (鶩) trong từ  Hán Việt là con vịt trời (dã áp  野 鴨). Khổ một nỗi, các dịch giả Việt Nam đã chuyển ngữ “cô vụ” là “Chiếc cò, cánh cò cô lẻ” nên gây nhầm lẫn trong trí nhớ của một số người, khi họ đọc câu thơ Hán Việt theo hồi ức, thành “Lạc hà dữ cô LỘ tề phi”. Vì LỘ  là con cò (Lộ diệc vũ trùng trung chi nhất - Thơ Nguyễn Công Trứ).

Đằng Vương Các Tự là bài giới thiệu về Gác Đằng Vương, còn được gọi tắt là bài Đằng Vương Các.

Gọi như vậy để phân biệt với “bài thơ Đằng Vương Các”. Cái gọi là “bài thơ” Đằng Vương Các, thật ra chỉ là đoạn thơ cuối cùng trong bài Đằng Vương Các Tự. Tuy chỉ là một đoạn thơ, một bộ phận trong bài Đằng Vương Các Tự, nhưng 8 câu thơ cuối thật hay. Nếu tách riêng ra thì 8 câu thơ này là một bài thơ hoàn chỉnh. Vì vậy, nó được nhiều văn nhân thi sĩ tán dương và ngâm ngợi. Tám câu thơ cuối bài còn được đưa vào giảng dạy trong nhà trường và trở nên “bài thơ Đằng Vương Các” và cụm từ vật hoán tinh di ” (vật đổi sao dời) được sử sụng như thành ngữ. Mời thưởng thức!

ĐẰNG VƯƠNG CÁC

Đằng Vương cao các lâm giang chử
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Họa đống triêu phi Nam phố vân
Châu liêm mộ quyển Tây Sơn vũ.

Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
Vật hoán tinh di kỷ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại ?
Hạm ngoại Trường giang không tự lưu.

 DỊCH:

Gác Đằng cao ngất bãi sông thu,
Ngọc múa vàng gieo nay thấy đâu ?
Nam Phố mây mai quanh nóc vẽ,
Tây Sơn mưa tối, cuốn rèm châu

Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi,
Mấy phen vật đổi với sao dời.
Con vua thuở trước giờ đâu tá ?
Sông lớn hoài hiên luống chảy hoài.

                        TƯƠNG NHƯ dịch

Lan man rồi lại lan man, nhưng cũng đến lúc hết lan man…

                                                                             La Thụy

NGÀY VỀ QUÊ CŨ NGHE TIN CON SÁO NHỎ ĐÃ SANG SÔNG - Thơ Ngô Nguyên Nghiễm

Nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm có họ tên thật: Ngô Tấn Thiền. Sinh năm: 1944. Quê quán: Châu Đốc, An Giang
Tốt nghiệp Đại học Dược khoa Sài Gòn. Thơ văn được giới thiệu trên nhiều tạp chí văn chương trong và ngoài nước.
Chủ trương tạp chí và nhà xuất bản Khai Phá trước 1975. Hiện sống tại Sài Gòn.
Đã xuất bản riêng 14 tác phẩm, một số tác phẩm tiêu biểu: Người hành giả và khúc trường ca sinh tử (thơ, 1974), Hiến dâng cát bụi (thơ, 1989), Chớp bể mưa nguồn (thơ, 1992), Hoàng hạc (thơ, 2004), Trăm năm ngàn năm (thơ, 2008), Tác giả tác phẩm người đồng hành quanh tôi (6 tập)…

       

NGÀY VỀ QUÊ CŨ NGHE TIN
CON SÁO NHỎ ĐÃ SANG SÔNG
(Tặng Phạm Nhã Dự, Hà Thúc Sinh, Võ Thạnh Văn
Trần Yên Thảo, Lâm Hảo Dũng, Lê Quang Đông…)

Rồi gió đêm nay cũng thổi qua
Mon men khe vách bóng trăng tà
Có người lữ khách trăm năm trước
Lộn kiếp giang hồ chinh chiến xa
Góc nhỏ cờ tàn, vó ngựa hí
Gươm cùn treo ngược dưới phong ba…

Hình như nước mắt chảy đâu đây
Tịch mịch năm canh, lá rụng đầy
Khách vén hồn xưa cho thế sự
Nhìn vào giọt máu hóa sương bay

Thì ra, đá cũng hóa tâm hồn
Khơi dậy hoàng hôn thăm thẳm buồn
Một khối oan ương chưa rữa nát
Hiện lên mâm ngọc chén cường toan
Chẳng mong tẩy xóa lòng chung thủy
Chỉ đụt thời gian làm mỏi mòn
Cảnh đợi cảnh chờ, người bạc trắng
Ngàn đời con sáo cũng sang sông!

Ngàn đời con sáo xổ lồng thôi
Khách đốt đèn ma cháy lẻ loi
Soi suốt trăm năm cô độc quá
Một mình như một cánh sao rơi…

Mai sau ai đứng đợi chờ đây
Chờ sóng trường giang lớp lớp đầy
Chờ kẻ vô tình đong đáy mắt
Sót vài hình ảnh với bèo mây

Hôm nay khách trở lại thăm quê
Cảnh cũ người xưa như giấc mơ
Mấy đóa tường vi canh cánh nở
Mang theo hương lửa đời hoang sơ
Ngổn ngang phế tích thăng trầm quá
Vết nứt thời gian chẳng xóa mờ
Kẻ ở lạnh lùng ngồi hóa đá
Ngày về chim khách hót bơ vơ…

               Ngô Nguyên Nghiễm

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

CHÙM THƠ THIỀN 1 - Thơ Chu Vương Miện


       


VÔ NGÃ

hiện tượng là vô ngã
sự vật là vô thường
buổi sáng hoa bụp nở
buổi chiều hoa bụp tàn
ngàn xưa đã như vậy
khởi thủy là chữ duyên
nơi Hà Nhai vãn độ
neo đó một con thuyền
nhổ neo là bến giác
nước chảy rửa ưu phiền
bao si mê sân hận
theo gió lộng từng cơn
vũ trụ là vô ngã
thân ta là vô thường


TRĂNG GIÀ

nhìn lên một mẩu trăng già
chú Cuội đứng hốt lá đa suốt ngày
bầy trâu con béo con gầy
con thời ăn lúa con ngây ngó nhìn
nhìn theo đồng lúc chiền chiền
bầy chim cũng họp chợ phiên tháng mười

CHÙM THƠ HUY UYÊN


       
                                Nhà thơ Huy Uyên


TÌNH VỀ QUẢNG -TRỊ

Mùa hạ đưa em về Dốc-Miếu
Lộ 1 quanh co cuối phố buồn
Năm xưa chiến-trường bom đạn nổ
Gió trên đồi bay tới Gio-Phong.

Em nghiêng tóc thả phía Gio-Linh
Nơi con sông chia hai miền ngày trước
Tiếng gọi người đi bỏ lại mối tình
Bao năm rồi không hề nói được.

Núi xanh mấy mùa tiêu Hướng-Hóa
Lao-Bảo mùa này biên-giới sương mây
Tím trái sim màu hoa rừng nở
Em con gái Brai năm rộng tháng dài.

Lên đồi Bến-Tắc đầy mộ nghĩa-trang
Linh-hồn lính điêu-linh hương khói
Lá xanh héo
trên cây còn lại lá vàng
Vĩnh-Trường chôn thây ngàn năm còn đó...

Khe-Sanh mùa này lạnh gió?
Sân bay Tà-Cơn máu lửa ngày xưa
Người Asoc ngồi quanh nấm mộ
Ở đó Làng Vây ai mãi trông chờ.

Em trao ai trái tim Dakrong
Nhịp cầu quanh co
tình treo đường 9 gởi
Giọng hát Vân-Kiều nước chảy qua sông

Người Pakô uống rượu ngồi ngó núi
Đường đất đỏ theo em về Mỹ-Thủy
Gởi con tim ở lại La-Vang
Đứng chạnh lòng chiều Thành-Cổ

Máu người xưa tuôn
đại-lộ kinh-hoàng.
Thạch-Hãn sông xuôi bến xóm Chài
Đêm đò đưa người sang Sắc-Tứ

Ngó lên Rockpile máu ai đổ từ lâu
Tiếng chuông Đông-Hà
chạnh lòng người cố-xứ.
Mênh mông nước trằm Trà-Lộc

Bước chân đi pha cát vùng đồi
Xanh mấy Trà-Trì thời (con gái) xanh tóc
Hải-Lăng hương tràm ngát một bờ vui.

Buổi sáng cà-phê Giọt-Thương-Huyền
Nhớ người bốn mươi năm xa khuất
Rượu cạn sầu rót chén Thủy-Gia-Viên
Thôi Quảng-Trị còn gì hay đã mất?  

Thương lắm hai bờ sông Thạch-Hãn
Đắng lòng người ngồi quán Sông Xanh
Nước xuôi về đâu đời lận đận
Về chi đây ngày tháng nao lòng!

                                   Huy-Uyên
                                  (QT.2016)

EM HÁT BÀI CA BÓI CÁ - Thơ Châu Thạch


       
               Nhà thơ Châu Thạch


EM HÁT BÀI CA BÓI CÁ
(Tặng Trần Mai Ngân)


"Anh là chim Bói Cá
Em là bóng trăng ngà"
Anh vớt nhầm tiếng ca
Để một đời thương nhớ.

Anh mộng điều cắc cớ
Em là khúc thụy du
Hai ta trong sương mù
Đêm lần tìm từng bước.

Trời không cho gặp được
Anh một đời khóc than
Em sáng như trăng vàng
Hát bài ca Bói Cá.

Thu vườn mình xác lá!
Xuân héo ngàn sắc hoa!
Đông lòng lạnh mưa sa!
Hè hồn anh ve nhớ!

Mùa Đông em than thở
Nơi anh đang vào hè
Còn mùa xuân nơi em
Chỗ anh ngừng tiếng ve...

Chúng mình cứ mãi xa
Cho lời ca nức nở
Những tình khúc Thụy du
Muôn đời làm bở ngở... *

                   Châu Thạch  

* Hai khổ thơ cuối (5-6) là lời recom của 
nhà thơ Trần Mai Ngân ở một STT trên facebook