BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

TÌM LẠI LỐI XƯA QUẢNG TRỊ – Thơ Lê Cầm

 


TÌM LẠI LỐI XƯA QUẢNG TRỊ
 
Đưa em về lại lối xưa
Qua Trần Hưng Đạo trời mưa giọt buồn
Nhớ chiều đọc sách Tùng Sơn
Ghé nhà máy điện giận hờn vu vơ
Tìm Lương Giang đọc văn, thơ
Em bảo tôi đứng đợi chờ chợ hôm
Có lần tìm sách Hán Nôm
Vô tiệm Văn Hóa lom khom cả chiều
Qua Trưng Trắc kiếm nồi niêu
Em mua cho mạ mấy liều thuốc tây
Nhớ ngày hè nắng phượng bay
Em kẹp sách vở loay hoay Góc Bầu
Duy Tân, Cửa Tả đậm sâu
Quang Trung, Cửa Hậu một bầu trời xanh
Em qua đường ngõ thị thành
Phan Bội Châu với Chu Trinh, Đình Phùng
Xi nê Đại Chúng tương phùng
Hai ta chung mái Nguyễn Hoàng tuổi xuân
Phan Thanh Giản, Trần Cao Vân
Gia Long, Lê Huấn gót chân em về
Nhớ ngày đông lạnh lê thê
Đường Lê Văn Duyện gió về quạnh hiu
Hồ Đắc Hanh mưa tiêu điều
Em đội nón lá yêu kiều Hạnh Hoa
Tôi từ Lê Thái Tổ ra
Em đòi đưa tới Cầu Ga tự tình
Dòng Thạch Hãn nước trong xinh
Đường Nguyễn Thái Học lung linh ánh đèn
Nhớ ngày em mặc áo len
Cũng là lần cuối màu đen nhuộm hồn
 
                                               Lê Cầm
 

NGƯỜI EM XỨ QUẢNG – Thơ Vĩnh Hoàng

 
    
                     Nhà thơ Vĩnh Hoàng


NGƯỜI EM XỨ QUẢNG
 
Em tôi, em tôi người em núi Ấn, sông Trà
Em tôi hay buồn hiền dịu, nết na
Vì chiến tranh tôi còn đi, đi mãi
Đã mấy thu rồi đành phải cách xa
 
Em tôi người em nơi xứ Quảng
Má em hồng không son phấn điểm trang
Ngày tôi đi em nghẹn ngào khẽ nói
Linh hồn này xin gởi trọn theo anh
 
Mắt em còn xanh
Môi em còn thắm
Chinh chiến còn dài
Đâu dám hẹn ngày mai
 
Lỡ ước vọng không thành, tôi không trở lại
Thương cho nàng, uổng một kiếp hồng nhan
Em của tôi, một cô gái Việt Nam
Sống dạt dào tình cảm 
 
Biết thương giống da vàng
Em không đua đòi mơ ước cao sang
Nên em chọn người yêu em là lính
Gặp quê hương chinh chiến
 
Làm lính còn phải đi
Tình đành xin gác lại
Tôi còn đi, đi mãi
Nàng hứa đợi… tôi về.
 
              Vĩnh Hoàng
                   1970

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

THÁNG MƯỜI HAI – Thơ Lê Phước Sinh


  
                                 Nhà thơ Lê Phước Sinh


THÁNG MƯỜI HAI
 
Năm rót cạn, cận kề ngày cuối
Nhà Vườn chen, săn đón nụ  đầu Hoa
Lành lạnh trời, man mác Khách phương xa
Người xuôi ngược xôn xao chờ vị Tết...
 
                                     Lê Phước Sinh

THƯƠNG TIẾC LAM PHƯƠNG - Đỗ Chiêu Đức cùng quý thi hữu

 
   


THƯƠNG TIẾC LAM PHƯƠNG
 
"Thành Phố Buồn" sao cũng đổi ngôi,
"Lam Phương" nhạc sĩ đã xa xôi ...
"Chuyến Đò Vĩ Tuyến" còn vang vọng,
"Nắng Đẹp Miền Nam" mãi rạng ngời.
"Duyên Kiếp" dáng ai tìm vạn nẽo,
"Đèn Khuya" bóng mẹ nhớ không nguôi.
"Đoàn Người Lữ Thứ" đà đi khuất...
"Tình Vẫn Chưa Yên" đã mất rồi !!!...
 
                                Đỗ Chiêu Đức
                                  23-12-2020
 
 
THƯƠNG TIẾC LAM PHƯƠNG
 
Ánh Sao chợt tắt đã lìa Ngôi...
Nhạc sĩ LAM PHƯƠNG tạ thế rồi...!
"DUYÊN KIẾP" thời danh ca cảm động
"ĐÈN KHUYA" nổi tiếng hát cao ngời
"CHUYẾN ĐỎ VĨ TUYẾN" buồn chia cắt
"NẮNG ĐẸP MIỀN NAM" nhớ chẳng vơi
Thương tiếc... tâm nhang dâng khấn nguyện
Phân Ưu tang quyến tiễn đưa Người...!
 
                                           Mai Xuân Thanh
                                                24/12/2020
 
 
THƯƠNG TIẾC LAM PHƯƠNG
 
Ánh sao ca nhạc mất đi rồi !
Thương tiếc Lam Phương mãi chẳng nguôi
''Mưa  Lệ'' ''Ngày Buồn'' ''Duyên Kiếp'' tận
''Đèn Khuya'' ''Phút Cuối'' vẫn cao ngời
''Chuyến Đò Vĩ Tuyến'' sầu ly cách
''Thành Phố Buồn'' đau khóc xa xôi
''Trăm Nhớ Ngàn Thương" người đã khuất
Hào quang nhạc sĩ đã yên ngôi!
 
                                    Nhã My kính điếu 

 

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

TÔI MỘNG NGÀY XUÂN – Thơ Phan Quỳ

  

                                                                                   Nhà thơ Phan Quỳ


TÔI MỘNG NGÀY XUÂN
 
Mưa gieo ngàn hạt, mưa mưa rụng
Lá đổ muôn chiều, lá lá rơi
Mây nước trăm phương, sầu vạn nẻo,
Dặm trường thiên lý, mấy xa xôi.
 
Một nụ tầm xuân cành chưa thắm
Dăm cánh mai vàng, đông chửa tan.
Ai đem băng tuyết về hôm ấy,
Ai lấy tình tôi nhuốm bẽ bàng?
 
Tôi mộng ngày xuân, mộng ngày xuân,
Khi mai vàng ấm một góc sân
Khi trăng huyền ảo rơi trên lối
Khi bóng mây xa bỗng lại gần.
 
Tôi ước tình tôi thuở sáng trong
Đẹp như áo trắng với mây hồng
Đường về hoa cỏ cùng e ấp
Tôi bước chân vui, rộn rã lòng.
 
Tôi thấy tôi về giữa hư không
Tay buồn thôi níu một mùa xuân
Thôi, đông ở lại, đông ở lại
Tôi đã mất tôi giữa đường trần.
 
                                Phan Quỳ

MỘT THUỞ TÌNH BUỒN – Thơ Nguyên Lạc

 
   
                            Nhà thơ Nguyên Lạc


MỘT THUỞ TÌNH BUỒN

 
1. QUỲNH Y CÙNG SỰ ĐỢI CHỜ
     (Người vũ nữ tên M.)
 
Đêm buồn rót nhạc buông mi
Riêng người. một mảnh quỳnh y đợi chờ!
*
Đèn màu. khói thuốc. rượu cay
Quỳnh y trắng màu thủy chung
Riêng người đêm nay
Người đâu? Em đợi mong!
 
Nhạc bập bùng. Tiếng ca vang
Rượu ly tràn
Môi mềm. Miệng cười. Lòng xốn xang
Đâu hình bóng thân quen?
 
Đêm mắt sâu!
Quỳnh chờ nở trọn cánh đêm
chỉ người riêng
Người đâu? Sao chưa đến?
Quay quắt khúc buồn
"Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo
Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi" [*]
 
Đêm sắp tàn!
Nhạc trầm mi khép.
Não nùng "Lệ đá xanh" [**]
thương khúc mênh mang!
 
Thê thiết Trumpet âm khàn
"Năm năm rồi không gặp"
Tình rồi đã li tan
"Nghìn trùng xa cách
Ngày chia tay
lặng lẽ mưa rơi
Một tiếng thương ôi
gửi đến cho người" [*]
Từng khúc não nề
Nhịp bước lê thê
Vòng ôm hững hờ
Đâu ấm nồng đôi tay thân quen?
Đâu ngọt ngào tiếng thủ thỉ bên tai?
 
Mắt trông vời hướng cửa... Không ai!
Buồn thê thiết buồn!
Người ơi có hay?
 
Đêm tàn!
Sao người không đến?
Dạ vũ tan
Nhòe điểm trang
Thôi người lỗi hẹn!
Quỳnh y nát nhàu!
 
Đêm đã tàn!
Ngày sắp sang!
Đường về sao thăm thẳm ngút ngàn?
Rã rời lê nhịp chân vang
 
Sương rơi lạnh mang mang!
Về đâu?
Đưa đón còn đâu?
Thôi người đi rồi!
 
Người đã đi rồi!
Còn lại đây
Niềm cô độc
nỗi tan hoang!
 
Phương đó quan san
Người ơi có biết ngày tháng phai tàn!
Quỳnh y riêng giữ
Trắng màu thủy chung
 
.........
 
[*] Lời nhạc Phạm Duy
[**] Lệ đá xanh: Thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Cung Tiến
 
 
2. THÁNG BA NĂM ĐÓ
    (Người lính tên N.)
 
Tháng ba người nhớ hay không?
“Tháng ba gãy súng” não nùng đời nhau [*]
*
Tháng ba lại tháng ba nào
Tháng ba năm đó làm sao quên người?
Tháng ba vỡ mộng tình đôi
Tháng ba buồn lắm tình tôi nghìn trùng!
 
Tháng ba say khướt bạn chung
Tràn ly tiễn biệt "anh hùng" quan san
Sớm mai vội vã lên đàng
Quên lời hẹn ước xốn xang nỗi lòng !
 
Mười năm Từ Thức về trần
Thấy đời hụt hẫng đoạn trường bể dâu
Tìm người tôi biết tìm đâu?
Tìm trong nỗi nhớ những câu nhạc tình
“Chanh đường uống ngọt môi trinh” [**]
Phố xưa góc cũ …
U minh cuộc đời!
 
Thôi tôi mất dấu em rồi!
Tháng ba năm đó tàn đời thanh xuân!
Chiều nay nâng chén Hồ Trường
Hồn người năm cũ nỗi lòng tháng ba
 
Tháng ba thời đó đã xa
Xa rồi. xa lắm… sao ta đắng lòng?
Tháng ba còn nhớ hay không?
Tháng ba. đừng nhớ!
Dặn lòng… Lại quên!
 
Tháng ba nâng chén mình ên
Hồn người lính cũ buồn tênh cuộc tình
Tháng ba nghiêng chén nhân sinh
Mời
em
chiến hữu…
Yên bình viễn phương!
 
Vô thường. đời đó vô thường
Thôi thì đây rượu... thay hương khóc người!
 
….......
 
[*] Tên sách “Tháng Ba Gãy Súng” – hồi ký Cao Xuân Huy: Ghi lại cuộc “di tản chiến thuật” của các người lính Thủy Quân Lục Chiến (VNCH) tháng 3, 1975 tại cửa biển Thuận An  – Quảng Trị. Ngoài một số bị giết, đa số các TQLC còn lại bị bắt làm tù binh, rồi đi”"cải tạo”.
 
                                                                                  Nguyên Lạc 

CHÙM THƠ “CON ĐƯỜNG...” CỦA LÊ VĂN TRUNG

 



CON ĐƯỜNG
 
Đường xa, không phải tại đường
Xa vì tình đã dặm trường mù khơi
Từ em ướt lệ vai người
Con đường hun hút đất trời quạnh hiu
 
 
CON ĐƯỜNG DÀI NHẤT
 
Không có con đường nào dài hơn con đường ta tìm kiếm chính mình
Và cũng không có con đường nào dài hơn con đường đến với trái tim
 
Khi băng qua sa mạc đời tôi
Không một người dừng lại
Ảo ảnh về một giọt nước ở phía chân trời.
 
Khi băng qua cõi hoang vu đời tôi
Em vẫn hoài nghe phía vô cùng réo gọi
Những ước mơ hồng những khát vọng xanh
 
Và con đường ta qua cũng rất đổi mông mênh
Ta lầm lủi đi không hề định hướng
Ta lầm lủi đi về phương trời ảo mộng.
 
Cho dẫu đôi khi
Cùng trên một chuyến tàu
Mà không hề gặp mặt
Bỡi mỗi người là một toa tàu khác.
 
Đôi khi ta cùng bơi trên một dòng sông
Mà vẫn hoài lạc bến.
 
Con đường ta tìm kiếm chính mình
Con đường tìm nhau
Ngàn năm là con đường dài nhất
 
Và ta lạc mất ta
Ta lạc mất người
Ta lạc nhau từ những nỗi đau
Lạc nhau từ những hạnh phúc nhiệm mầu
Đã bất chợt chảy qua đời ta chìm nổi.
                              
 

NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG TRONG “HỒI KÝ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH”

Nguồn:
https://www.vinadia.org/hoi-ky-nguyen-dang-manh/hoi-ky-nguyen-dang-manh-nguyen-hong/


Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh


Bài nghiên cứu văn học đầu tiên của tôi là bài viết về Nguyễn Hồng. Ấy là một chương trong giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, viết chung giữa Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Vinh, xuất bản năm 1963.
 

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

KHÚC THÁNH CA BUỒN – Thơ Tịnh Bình

 
   


KHÚC THÁNH CA BUỒN
 
Những con đường huyễn hoặc trắng tinh khôi
Ta dỗ mình lạc vào đông mộng mị
Ngôi nhà gỗ giấu bao điều ấm áp
Quả chuông tròn giăng mắc dưới thông xanh
 
Ta giữ riêng mình lấp lánh khúc đông ca
Thuở bên người đêm giáng sinh nồng ấm
Tay trong tay giữa phố phường buốt lạnh
Ngỡ trong tim thiên sứ đã quay về
 
Thôi dỗ mình lạc vào giấc miên du
Đông rất thật, đêm trở mình khe khẽ
Chuông giáo đường vọng âm xa lặng lẽ
Nhớ riêng ai.... Khúc hát thánh ca buồn...
 
                                         TỊNH BÌNH
                                          (Tây Ninh)

SỨ ĐIỆP GIÁNG SINH - Đức Hạnh và thi hữu

 
  


SỨ ĐIỆP GIÁNG SINH [1]
[Thtk]
 
GIÁNG hạ trần gian trải kiếp người [2]
SINH mùa lạnh lẽo tuyết hoài rơi
KẾT đường nhiệm thể tâm hồn tới [3]
NỐI cánh hồng ân sự sống mời
TÌNH cảnh thương yêu ngời Thập giới [4]
NHÂN trần hối lỗi đượm nghìn khơi
LOẠI trừ tội Tổ [4] vui ngày mới
CỨU ĐỘ BAN ÂN NGHĨA CHÚA TRỜI.
 
                                               Đức Hạnh
                                       Giáng Sinh - 2020
 
[1] "Hài Nhi được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra cho chúng ta, là Sứ điệp cao cả của Giáng Sinh. Đó là Thiên Chúa là Người Cha tốt lành và tất cả chúng ta là anh em của nhau.
Sự thật này là nền tảng của cái nhìn Ki-tô giáo về con người. Tình huynh đệ mà Đức Giêsu Kitô đã ban: Chân lý yêu thương - nếu không có tình yêu thương thì những nỗ lực của chúng ta - cũng sẽ trở thành vô ích.."
[2] "Ðấng Thiên Chúa hóa thân làm người ấy lại tự đồng hóa với mỗi một con người sinh ra trên cõi đời này, nhất là những con người bé mọn nhất trong xã hội. Ngài đã nói: tất cả những gì các người làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất là các người làm cho chính Ta. Từ đây, người ta chỉ có thể gặp gỡ được Ngài qua tha nhân. Tất cả những gì người ta làm cho tha nhân là làm cho chính Ngài. Lễ dâng làm đẹp lòng Ngài nhất chính là những gì người ta trao tặng cho tha nhân, nhất là những người nghèo hèn túng thiếu hay bất cứ ai cần sự giúp đỡ".
[3] “Ngài giúp chúng ta luôn luôn sống như là nhiệm thể của Chúa Kitô, được liên kết như một gia đình, như nhiệm thể Chúa Kitô và như một dấu chỉ hữu hình và tuyệt vời của tình yêu của Chúa Kitô.” - Tông Đồ Phaolô
[4] Mười điều răn của Đức Chúa Trời
“Mến Chúa, yêu người” là trung tâm của mọi giới răn, vì tất cả các giới răn khác đều quy hướng về hai giới răn quan trọng này;
“Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy”
[5] Tội Tổ Tông, hay còn gọi là Tội Nguyên Tổ, Tội Tổ Tông truyền, hoặc nguyên tội là một tín điều của Hội thánh Công giáo, ám chỉ đến tình trạng mắc tội ngay từ khi sinh ra của tất cả mọi người, xuất phát từ sự sa ngã của Adam do ăn trái cấm trong Vườn Địa Đàng.
 
 
THƠ HỌA:
 
 
GIÁNG THẾ CỨU ĐỘ
 (Thtk)
 
Giáng sinh kết nối tình nhân loại
Cứu độ hòa lưu nghĩa Chúa Trời
GIÁNG thế cùng đau với phận người
SINH vào đêm lạnh tuyết đông rơi
KẾT muôn thiện mỹ bao dung khởi
NỐI những thanh cao độ lượng mời
TÌNH đượm từ bi thương mọi giới
NHÂN lành bác ái giúp ngàn khơi
LOẠI từng hiểm họa,gìn tươi mới
CỨU ĐỘ HÒA LƯU NGHĨA CHÚA TRỜI
 
                                              Lý Đức Quỳnh
                                                 22/12/2020
 

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC QUA MẤY BÀI VIẾT TÔI ĐÃ ĐỌC – Đặng Xuân Xuyến

 
Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến

1.
 
Trên blog Trang Đặng Xuân Xuyến giới thiệu 2 bài viết về "chân dung": nhà Thơ, nhà Văn, nhà Triết học "số 1 châu Á",... Nguyễn Hoàng Đức. Đó là bài "Nguyễn Hoàng Đức: Kẻ mộng du giữa đời thường" của nhà văn Sương Nguyệt Minh và bài "Anh hề triết học, chàng Đông Ki Sốt văn chương" của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Có lẽ, trong nhìn nhận của Đỗ Minh Tuấn và Sương Nguyệt Minh thì Nguyễn Hoàng Đức chỉ là một "cậu bé" to xác nhưng rất "ngây thơ", rất "đáng yêu" và cũng rất “tội nghiệp” nên 2 nhà văn đều chọn cách viết hài hước để kẻ vẽ diện mạo, bồi đắp chân dung cho thật rõ nhân diện "nhà Triết học (tự xưng) số 1 châu Á" Nguyễn Hoàng Đức.
 

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

THIỀN SƯ TUỆ SỸ VIẾT VỀ THI SĨ NGUYỄN ĐỨC SƠN

 
                                Thiền sư Tuệ Sĩ và thi sĩ Nguyễn Đức Sơn

1.

Sinh ra để làm thơ,
đó là Định mệnh?
Hay lịch sử?
Hay cái gì nữa?
 
Có bao nhiêu câu hỏi tương tợ như vậy, nghĩa và vô nghĩa, để chắp cánh cho ta đi tìm một bóng dáng huyền thoại của một nhà thơ chỉ một mà thôi?
Không; không có câu hỏi nào cả. Neti, neti, Tatt vam asi.
Không có gì cả.
Chỉ có tiếng hú, và huyền thoại của tiếng hú, trong cơn lốc quằn quại của con vượn biết mình đang tan vào lượn sóng, chồm lên hung hãn đòi hỏi phẩm chất làm người. Sóng gào thét với gió ngàn bạt đỉnh, nhận chìm tiếng hú xuống dòng xoáy của hư vô. Từ đó, loài người xuất hiện, lầm lũi bước đi trong bóng đêm u tịch, nghe sau mình tiếng vọng đuổi theo; tiếng vọng của những quá khứ đã chết, những tháng ngày bay vèo theo xác lá khô. Đâu đó, nghe ngân dài: Ôi tình Yêu! Ôi Vĩnh Cửu? Tiếng ngân ấy, rung lên giai điệu nhẹ nhàng, thướt tha, và cũng tha thiết. Tiếng thơ của ai? Hay của con người, chỉ một con người, đứng ôm mặt trời nóng bỏng trên đỉnh Trường Sơn. Thế rồi, thiên địa bất nhân, coi vạn vật như chó rơm, cho sinh thêm một con người nữa, để có thể hỏi: Thơ là gì, là tình yêu hay tội lỗi?
 

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

SOI GƯƠNG UỐNG RƯỢU – Thơ Hoàng Hương Trang



Hồi tiền chiến lắm văn nghệ sĩ thích khoe say. (Có người không uống được rượu cũng khoe say.) Vũ Hoàng Chương “nhịp gõ hàm ca”, Nguyễn Vỹ say và lẫn lộn người với chó, Lưu Trọng Lư say với ca nhi, Tản Đà say với tri âm v,v... Nhưng hồi ấy tửu đồ toàn thị là nam tử, tôi chưa bắt gặp được người đẹp nào say sưa trong thi ca cổ điển và tiền chiến.

Sau 1954, Hoàng Hương Trang là một người đẹp, và là một người say dữ dội. Nói say dữ không phải nói ngoa, vì quả chưa thấy ai trong đám nam tử kể trên say mà hung tợn như Hoàng nữ sĩ. Nửa đêm trằn trọc, bà đào đất lấy ra hũ rượu nếp than, mang uống một mình, uống ngay trong đêm tối, không đèn không lửa, bà uống rượu say và chửi bới inh ỏi, chửi đời chửi người, rồi say vùi trượt ngã.

Hôm nay còn có ông Phạm Thiên Thư chẳng hạn. Gặp khó khăn trong tình yêu, ông rỉ rả, ông thẩn thờ, ông khe khẽ thốt ra những lời than nhẹ phới. Như thế nam phái vốn dịu dàng an phận hơn nữ phái chăng?! Ôi rắc rối

Hoàng Hương Trang có cả một tập thơ về chuyện say sưa: “Túy ca”. Khi thì “soi gương uống rượu”, khi thì “uống rượu trong mưa”, khi thì nhớ cố nhân mà uống rượu, khi thì mất ngủ mà uống rượu v..., uống đến say khướt.

Những trận say như thế nói chung là vì tình cả. Trước bà, dù tình duyên trắc trở đau khổ đến đầu người ta cũng chỉ than thở, có thể than thở rất mực não nuột như Tượng Phố, như Đông Hồ v.v..., nhưng bất khuất táo tợn thì không.

Tuy vậy muốn đem nguyên cái tâm lý thời đại, đem nét đặc điểm “hôm nay” ra mà cắt nghĩa thái độ của bà, e cũng không ổn đâu. Nhưng lao đầu làm chi vào những cái hóc búa ấy? cố gắng cắt nghĩa làm chi cho khốn khổ? Hãy lặng yên ghi nhận thêm một khía cạnh tâm hồn, lặng yên như người ta vẫn lặng yên trước một cảnh tượng thương tâm.

                                                          10/1986
                                                        Võ Phiến
              (Nguồn: Văn Học Miền Nam, Thơ / Nxb Văn Nghệ 1999)
*
Áng thơ kiệt tác “Soi Gương Uống Rượu” của nữ sĩ Hoàng Hương Trang, trong tập thơ “Túy Ca”. Thi phẩm này hẳn là bài mà cô Trang đắc ý nhất trong tập thơ “Túy Ca”, nên đã chọn ngâm bài thơ này khi lần đầu tham dự hội thơ Quỳnh Dao với sự góp mặt của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Bùi Khánh Đản, Đan Quế, Trùng Quang, v.v. . Vương Thanh cũng có dịch bài thơ này qua tiếng Anh trong tập thơ song ngữ “A Vietnamese Garden of Lyrics & Verse, Volume 1”.
Bài này tuy ngâm hơi nhanh, nhưng có lẽ vì cảm khái, nhưng do chính tác giả ngâm, không còn ai có tư cách ngâm hay hơn nữa.
Và sau đó thì cô Trang trong bữa tiệc này được những nhà thơ mời ngâm giùm tới tấp!
 
(Tưởng nhớ tiếng hát, giọng ngâm, và thơ của nữ sĩ Hoàng Hương Trang)
                                                                                     Vương Thanh

VĂN HÓA VĂN NGHỆ DÂN GIAN NINH THUẬN VÀ NHỮNG YÊU CẦU TỪ THỰC TIỄN CUỘC SỐNG – Đình Hy

Tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam lần thứ VIII (2020-2025) tháng 7 – 2020, tại Hà Nội



1. ĐẶC TRƯNG HOẠT ĐỘNG VÀ NHỮNG THÀNH TỰU.

Hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian là hoạt động nằm ở chiều sâu trong lĩnh vực lao động trí óc; đó là một động thái hoàn toàn khác với sáng tác văn học, nghệ thuật. Nếu sáng tác văn học, nghệ thuật, dù cũng lĩnh vực lao động trí óc, song chúng ta chứng kiến trong đời sống, có khi một bài thơ, bản nhạc, bức tranh, một tản văn… người nghệ sĩ sáng tác một cách bất ngờ, từ bắt gặp thực tế, từ ý tưởng đột xuất, cảm hứng và rồi tác phẩm đó trở thành nổi tiếng; trong khi đó nghiên cứu về văn hóa văn nghệ dân gian (folklore) nếu không có phương pháp, không tư duy logich, không có tiền đề/ và cả những tiên đề mặc định, nhất là không nắm rõ đối tượng văn hóa văn nghệ dân gian đang là đối tượng nghiên cứu thì không thể có kết quả sản phẩm. Nói cách khác, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian là nghiên cứu tổng thể hoặc một vấn đề của hiện tượng/ dòng/ nền văn hóa, từ đó lý giải quá trình hình thành, phát triển, tìm được điều quý báu, cũng như hạn chế, của đối tượng đó nhằm phục vụ cuộc sống đương đại. Những nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian ở Việt Nam đang đã đi trên con đường này hơn 50 năm qua, trong đó Ninh Thuận hoạt động gần 25 năm hoạt động.