BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

BIỂN MAI HỒNG - La Thụy cùng thi hữu


       

       BIỂN MAI HỒNG

        Hòn Bà ngắm sóng trầm tư
        Đồi Dương ửng nắng liễu ru ven bờ
        Sương lam sực tỉnh hồn mơ
        Chao mình theo gió lượn lờ cùng mây
        Cỏ xanh, mượt trải đất dày                  
        Dã tràng se cát lạnh gầy dấu chân 
        Bay cùng cánh mộng bâng khuâng
        Tình thơ ý nhạc như lần tuôn ra
        Tiếng lòng xưa vẫn mặn mà
        Ồ sao gờn gợn âm ba nỗi mình                           
        Lặng lờ rùa biển đinh ninh
        Nghìn năm hóa kiếp đọng tình rong rêu                   
        Dạt dào biển dậy niềm yêu                                       
        Lung linh khói sóng phiêu diêu mộng lòng    
                                                                         
                                                         LA THUỴ

        HỌA:

         DƯỜNG NHƯ LÀ XUÂN

         Én về đùa sóng vô tư,
         Mừng xuân sắp chín vi vu lạc bờ.
         Em ngoan hiền còn mãi mơ,
         Bên cồn ai gọi vọng lờ lững mây.
         Triền đê cỏ ướt xanh dày
         Dìu nhau mấy lối hao gầy gót chân!
         Đường về gió nổi bâng khuâng,
         Cho phai tím áo đôi lần chẳng ra,
         Tình trao vừa đủ thôi mà,
         Vẫn còn chút ngại bôn ba một mình.
         Bánh chưng bếp lửa còn ninh,
         Vây quanh đón đợi ân tình xanh rêu.
         Lộc non nhú chút hương yêu,
         Mừng ngày mới đến lá diêu ấm lòng.

                                           NHẬT THỦY
                                           (Hoành Trần)

        TÌNH NON NƯỚC

        Non ngàn cũng biết suy tư
        Biển xanh có hát có ru theo bờ!
        Trăng lên thấy cảnh mộng mơ
        Ân tình hờ hững lập lờ theo mây
        Nước non non nước tình dày
        Hãy gìn nguồn cội hãy gầy thiện chân
        Vọng nghe tiếng sóng Bâng khuâng
        Biển nhà xao động.. những lần thuyền ra
        Quân thù truyền kiếp đây mà
        Cớ sao tạo cảnh phong ba xứ mình
        Cán cân công lý còn ninh…
        Công bằng chân chính kẻo tình mọc rêu
        Non sông gấm vóc thân yêu
        Nở hoa hi vọng thật nhiều niềm tin…

                                               Đức Hạnh
                                              05.07.2017


          

          

          

          

          

          

          

         

         

         

         

         




Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

SLIDESHOW VỀ SINH HOẠT ĐỒNG MÔN NGUYỄN HOÀNG LA GI - HÀM TÂN

Ừ! Đã qua tuần giỗ 49; 50 ngày -  tưởng nhớ ngày mất của  thầy Lê Văn Quýt  (vị giáo sư cao niên đã dạy trường trung học Nguyễn Hoàng - Quảng Trị từ lúc thành lập trường - những năm đầu thập niên 1950 của thế kỷ 20) rồi. Mới đó, ngay đầu năm Tân Mão (2011) này thôi, quý cựu giáo sư  - cựu học sinh  Nguyễn Hoàng khắp nơi về Hàm Tân, cùng hoan hỉ mừng đại thọ 90 tuổi của thầy. Thế mà bỗng chốc Thầy đã về cõi vĩnh hằng ! Còn biết bao nhiêu thầy bạn cũ, giờ cũng hóa thành người thiên cổ! Ngày mai , biết ai còn, ai mất! Lòng rưng rưng xúc động, mình tải lại slideshow SINH HOẠT ĐỒNG MÔN NGUYỄN HOÀNG HÀM TÂN – LA GI đã thực hiện trước đây, bâng khuâng ôn kỷ niệm một thời còn chưa xa.
        Rất cám ơn anh Lê Bảo Lâm đã hỗ trợ hết sức nhiệt thành về phần kỹ thuật vi tính  khi thực hiện slideshow này  

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

THƠ TẶNG NGÀY VỢ NGHỈ HƯU


        

              THƠ TẶNG NGÀY VỢ NGHỈ HƯU

                      Ừ thì mình cũng qua cầu
              Rồi đây bục giảng thành màu khói sương
                      Còn đâu bụi phấn rắc vương
              Một thời sinh hoạt học đường mê say...!

                     Giã từ giáo nghiệp hôm nay
              Giao thoa: khoảng lặng... , nhẹ bay cung trầm
                     Tơ vương ý kén lòng tằm
              Miên man kỷ niệm bâng khuâng dặm về
                     Thì ừ ! Chào biệt bạn bè
              Chia tay trường lớp, lắng nghe tiếng lòng
                     Chúc người ở lại tâm đồng
              “Trồng người” góp sức, thỏa lòng đợi mong

                                                          LA THUỴ
                                                        (31/12/2010)    

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

NHÌN LẠI ĐỜI MÌNH - Thơ La Thụy





NHÌN LẠI ĐỜI MÌNH

Sáu mươi sắp tới : chửa phai xuân
Tàn cuộc chơi rồi mới tỏ phân
Thơ túi rượu bầu bay bướm mãi
Cờ bàn sách kệ thảnh thơi dần
"Trồng người" một thuở đang chờ quả
 "Gieo hạt" bao năm vẫn chọn nhân
 Quá nửa đời a! Còn xanh mộng
"Vô vi" đỡ nhọc đến phàm thân

                               LA THUỴ

               HỌA

NHÌN LẠI ĐỜI MÌNH

Ba bảy vừa tròn vẫn nét xuân
Ngời ngời nét ngọc chẳng cần phân
Mày hoa rạng rỡ đang còn tiếp
Mắt phượng long lanh chửa hết dần
Dựng nghiệp bao năm chờ tựu quả
Trồng người nửa kiếp ước thành nhân
Gian nan mỏi gối đời bươn chải
Quẳng gánh đi rồi mới nhẹ thân.

                       BÌNH NGUYÊN

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

LIÊU TRAI CẢM TÁC - Thơ La Thụy






LIÊU TRAI CẢM TÁC
"Cô vọng ngôn chi, cô thính chi"
          VƯƠNG NGƯ DƯƠNG

Chiêu niệm hồn hoa chờ hiển linh
Hay là em hát khúc vong tình
Trăng xưa tròn khuyết trời còn thắm ?
Hạc cũ tụ tan đất có xinh !
Một phút tâm đầu mơ dáng bướm
Ngàn năm ý hợp mộng hình tinh
Sao khuya chếch bóng soi hoài vọng
Lãng đãng vàng gieo rợn nét trinh

                           La Thụy         

TRANH TỐ NỮ - Thơ La Thụy




     TRANH TỐ NỮ

     Người đứng đó vai gầy tóc liễu rũ
     Môi bồng bềnh chao cánh võng nghiêng lơi
     Mắt thẳm đọng sóng hồ thu nhẹ vỗ
     Chớm u hoài mộng tỏa vút ngàn khơi

     Thân đọng gió lung linh ngàn phấn bướm
     Dưới sương mờ diễm ảo nét mi lay
     Xiêm áo mỏng ủ men tình thắm đượm
     Tiếng hồ cầm huyền hoặc dáng liêu trai

     Ta níu mộng để lòng hoài phơi mở
     Thoáng ơ thờ, tình vẫn mãi đong đưa
     Trăng xế bóng, thời gian đành hẹn lỡ
     Cung tơ trầm đồng vọng nuối âm thừa

                                                   La Thụy

DẠNG THƠ BÌNH THANH - La Thụy sưu tầm và biên tập


      


        DẠNG THƠ BÌNH THANH                          

        Thi ca Việt Nam vừa phong phú súc tích về nội dung, cú pháp, ngôn từ; vừa đa dạng về thể loại (thất ngôn, bát ngôn, tứ tuyệt, bát cú, lục bát, song thất lục bát, thơ tự do…) Hầu như thơ các nước như Trung Hoa, Nhật Bản, thơ các nước Tây phương đều gieo vần ở cuối câu (VẦN CHÂN – CƯỚC VẬN), thơ Việt Nam còn gieo thêm vần ở giữa câu (VẦN LƯNG – YÊU VẬN) như trong thể THƠ LỤC BÁT, THƠ SONG THẤT LỤC BÁT (có khi còn gieo nhiều vần trong một câu). Ngoài ra, nhiều nhà thơ Việt Nam còn sáng tạo thêm nhiều dạng thức mới như : thơ đọc nhiều cách, thơ hình, thơ Việt chèn ngoại ngữ, thơ bình thanh... Hôm nay, tôi xin giới thiệu DẠNG THƠ BÌNH THANH đến các bạn yêu thơ

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

CÁC DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT

Ngoài DẠNG THƠ BÌNH THANH đã đăng :

 a/ http://www.art2all.net/tho/lathuy/dangthobinhthanh.htm
 b/ https://phudoanlagi.blogspot.com/2011/09/dang-tho-binh-thanh_21.html

Sau đây, mời các bạn đọc một số dạng thơ đặc biệt khác. Gồm 3 phần và 4 dạng thơ khác:

        
                               La Thụy


          CÁC DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT

PHẦN II: 
THƠ ĐỌC NHIỀU CÁCH, THƠ VIỆT ĐỆM NGOẠI NGỮ

I - THƠ ĐỌC NHIỀU CÁCH

1. Đọc theo 2 cách:

 Đọc xuôi là bài thơ thuần Việt

      ĐỀ TRANH MỸ NỮ
      (Thuận nghịch độc)
   
       Hương tiên gác vắng nhặt ca oanh             
       Bận mối sầu khêu gượng khúc tranh                       
       Sương đỉnh trướng gieo từng dục mộng,                              
       Nguyệt bên rèm tỏ dễ si tình.                       
       Vàng thưa thớt cúc tan hơi dạm,                             
       Lục phất phơ sen đọ rạng thanh                           
       Trang điểm ngại chăm dừng trục gấm                               
       Phòng tiêu lạnh lẽo khoá xuân xanh
                     
 Đọc ngược là bài thơ Hán Việt  

      Thanh xuân toả liễu lãnh tiêu phòng                           
      Cẩm trục đình châm ngại điểm trang.                           
      Thanh rạng độ liên phi phất lục,                             
      Đạm hi tan cúc thát sơ hoàng.                                 
      Tình si dị tố liêm biên nguyệt,                             
      Mộng xúc tằng liêu trướng đỉnh sương.                               
      Tranh khúc cưỡng khiêu sầu mỗi bận,                             
      Oanh ca nhật vĩnh các tiên hương                  
                                     PHẠM THÁI

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

LƯƠNG MINH VŨ VỚI LÃNG ĐÃNG KHÓI SƯƠNG HOÀI NIỆM


                

            LƯƠNG MINH VŨ 
            VỚI LÃNG ĐÃNG KHÓI SƯƠNG HOÀI NIỆM

Tôi đã đọc “Sơn Nữ”, “Nằm Nghiêng Nhớ Núi”, Làng Của Những Người Mơ Mộng”… các truyện ngắn trên của Lương Minh Vũ đã gieo trong tôi một ấn tượng chung - Một không khí hoài niệm bàng bạc bao trùm. Những tình tiết, những sự kiện, những kỷ niệm xưa cũ như đan kết thành màn khói sương mờ ảo hư hư thực thực, với những nét chấm phá đậm nhạt của một bức tranh thủy mặc, trôi về trong tâm cảnh của nhân vật chính trong truyện.

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

CẢM ĐỀ SƠN NỮ - Thơ La Thụy




CẢM ĐỀ SƠN NỮ
(Truyện ngắn của LMV)

Ngày tháng lặng, buồn tênh vòng cơm áo
Ta chồn chân mỏi gối với đời mòn
Thu mình lại ẩn thân vào ốc đảo
Chút khẽ khàng liệm kín khối tình son

Tóc đà bạc sao lòng còn hoài vọng
Một đời ta luôn dõi mắt tìm trông
Em hồn hậu trong ta thành vang bóng
Mắt môi xưa đọng ngấn ngát hương lòng

Rồi lãng đãng gần xa huyền dáng mộng
Nét thơ trinh vằng vặc ánh trăng ngần
Em thoáng hiện cho thơ đời ngân vọng
Ta ngậm ngùi nhìn lại đã tàn xuân

                                 La Thụy

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

BUỒN CÔ PHỤ - La Thụy cùng thi hữu


       

BUỒN CÔ PHỤ

Thiếu phụ bên song dáng võ vàng
Mắt buồn hoen lệ lúc thu sang
Đàn xưa ai oán như đồng vọng
Sáo cũ du dương cứ ẩn tàng
Bóng nhạn mù tăm đau dạ héo
Cánh hồng khuất nẻo lạnh hồn hoang
Chàng ngoài muôn dặm hay chăng tá !
Níu mộng ngày xanh phận lỡ làng

                                La Thuỵ

              HOẠ

Bài 1

VÔ ĐỀ

Heo may về lại lá thu vàng
Nối tiếp bao mùa đã chuyển sang
Nắng hạ tươi màu gieo biếc ngọn
Mưa xuân tốt sắc nảy xanh tàng
Cô phòng thiếu nữ hờn chăn lẻ
Độc ẩm nam nhân giận cốc hoang
Một kiếp phù dung đời cách biệt
Cây đa bến cũ ở đầu làng

                          Ký Gàn

Bài 2

LỠ LÀNG

Cám cảnh duyên ai lỡ mộng vàng
Đêm ngày ngóng đợi bóng xuân sang
Hương đào lan toả phai trong gió
Ngõ trúc đong đưa nguyệt lộ tàng
Tiễn hạ ve sầu thân liễu héo
Đông buồn cuốc tủi quạnh vườn hoang
Lời xưa thề ước còn nguyên vẹn
Trong trắng tình em phận gái làng

                             Trần Ngộ

Bài 3

HẬN THÓI LỀ

Nhớ buổi thu xưa ngập lá vàng
Một chiều giã biệt lúc mùa sang
Phượng hồng cánh ép còn lưu giữ
Thư huyết tình loang mãi trữ tàng
Lắng đọng nỗi lòng cơn rét muộn
Vấn vương duyên nợ cánh chim hoang
Lề xưa thói cũ hay chăng nhỉ ?
Ấm ức buồn đau ngọn gió làng.

               Trần Văn Hạng

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

VỀ THĂM QUÊ - Đoàn Minh Phú


               
                                    
            “Hai mươi năm chưa hề trở lại
             Nợ áo cơm dặm đường xa ngái
             Lòng hẹn lòng tôi nhé về quê”


      Những câu thơ của Tạ Nghi Lễ gieo vào hồn mình nỗi nhớ quê khắc khoải. Ừ ! Cũng đã nhiều năm mình chưa trở lại quê nhà. Bà con , bạn bè mỗi lần điện thoại thư tín đều thôi thúc, réo gọi mình về. Nhất là thằng Bình , bạn học cũ lớp 10A3, cứ mỗi lần điện thoại là hắn cứ châm biếng đọc thơ Tạ Nghi Lễ rồi gây với mình một cách gay gắt. Phải về thăm lại quê hương thôi! Quyết định xong, rứa là ngày 28/5/2011 mình bắt xe vào Sài Gòn dự đám cưới con gái của Cường - Thắm (bạn học cũ lớp 10A3 NH niên khóa 1972 – 1973). Trong tiệc cưới, mình gặp lại một số bạn học NH cũ như Hoàng Đức Nghiêm, Hoàng Văn Ân, Thuận Thân, Mỹ Trúc, Hường, Mú, Cúc, Hoa,…


        

                                Phú, Hùng, Cường, Thắm, Trúc


             

               Cúc, Trúc, Thân, Hường, Thắm, Hoa, Mú, Cường, Ân


Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

TRI KỶ - Lương Minh Vũ


 TRI KỶ     
              (Tặng L.T.)

"TRI KỶ" là truyện ngắn hay của Lương Minh Vũ (hội viên Hội VHNT Bình Thuận) đã đăng trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn VN năm 1997. Sau đó được in trong tập truyện "NẰM NGHIÊNG NHỚ NÚI", NXB Hội Nhà Văn 2006. Xin mời đọc

*
Quách Phong tên tự Tầm Cầu, dòng danh gia vọng tộc. Dòng họ này như có thiên hướng đặc biệt về lãnh vực văn chương, học thuật và nghệ thuật. Đời nào cũng sản sinh những bậc thức giả khoa bảng lại lỗi lạc về các môn cầm kỳ thi họa .
Người ta đồn : Dòng họ Quách có một điểm di truyền. Ấy là một nốt ruồi son, hình trái tim, đỏ như máu, mọc dưới rốn, ngay đan điền. Đó chính là nguyên nhân của tài năng. Người nào có nốt ruồi càng lớn, tài năng càng nhiều. Không biết hư thực ra sao, nhưng đến Quách Phong thì rõ là có thực. Nó không còn là nốt ruồi nhỏ mà cộm lên thành một cục tròn vo, to tướng, rắn đanh. Giới văn nghệ gọi đó là “ nốt son thi ca” còn dân gian thì gọi là “ cục thơ ”.
Quả thực, Quách Phong là một thiên tài thi ca, biết làm thơ trước khi biết viết. Càng lớn dường như cục tinh ba lạ lùng kia cũng lớn theo và liên tục phát tiết. Thơ chàng tuôn chảy như suối, mọi lúc mọi nơi, mọi thể loại hình thức. Xuất khẩu một bài tứ tuyệt, phóng bút một bài thất ngôn. Xong tuần rượu cũng xong luôn một bài hành trường thiên. Khắp kinh thành người ta tôn vinh nể trọng Quách Phong, từ vua quan đến thứ dân, từ giới văn nghệ đến bọn công khanh. Không phải vì chàng là quan lại triều đình - đã đỗ tiến sĩ, đương chức Lễ bộ thượng thư kiêm Hàn lâm học sĩ – mà vì chàng có tài móc thơ từ trong trái tim mình ra cũng dễ như người ta móc tiền trong túi.
Bấy giờ là cuối đời Nam Tống. Giặc giã loạn lạc, thiên hạ nhiễu nhương. Bao giá trị cũng theo tình hình đất nước mà suy vi. Thi ca cũng cùng số phận, mặc dù thời nào cũng có thi sĩ, thậm chí thời sau nhiều hơn thời trước. Người ta còn ăn còn mặc thì còn làm thơ. Song, cái hào quang rực rỡ, chói lọi nhất của tư tưởng thi ca thời Đường Tống thì đã qua từ lâu. Những Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị đến Thôi Hiệu, Lý Thương Ẩn, Vương Xương Linh cùng hàng trăm tên tuổi lẫy lừng khác đã thành người thiên cổ. Rồi đến Tống, những Tô Thức, Âu Dương Tu, Vương An Thạch ... cũng lần lượt về làm bạn với giun dế. Nhưng những gì họ sáng tạo ra thì sống mãi với thời gian để thành bất tử.
Quách Phong đọc, cảm và khâm phục họ. Thâm tâm chàng nghĩ, mình là người cùng hội cùng thuyền. Nghe như máu huyết, tinh anh của họ đang lưu thông trong mạch máu mình. Nhưng chàng vẫn luôn cảm thấy một nỗi buồn trống vắng. Cái buồn của bậc tài hoa không ai chia sẻ. Một thi nhân chính hiệu không có một bạn thơ tri kỷ. Nỗi buồn của Tử Kỳ thiếu Bá Nha. Rất nhiều lần, chàng mơ được sinh ra cùng thời với bọn Lý, Đỗ... Hoặc bọn họ sinh muộn hơn để gặp chàng. Ôi! Thú vị biết bao, hạnh phúc biết bao. Gặp địch thủ xứng đáng, chàng sẽ như long hổ gặp phong vân. Có dịp đàm thi luận bút, ca ngâm xướng họa, thù tạc ân tình. Cục thơ trong chàng sẽ liên tục phát triển, biết đâu sẽ thành viên ngọc hiếm hoi trong kho tàng thi ca nhân loại. Biết đâu đối diện với thơ chàng, Lý Bạch cũng buông bút như đã từng buông bút trước một “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu.
Còn bây giờ, thi sĩ quanh chàng đều rỗng tuếch và giả tạo “ chẳng qua là trò vần vũ với chữ nghĩa, ngôn từ ”, chàng nghĩ, với một sự khinh bạc, thờ ơ. Lãnh đạm với những kẻ bái phục, suy tôn mình. Bởi vì “chúng chỉ biết khen nhưng không hiểu cái quái gì những điều ta viết bằng tâm huyết ”.
Trong tâm trạng đó, Quách Phong vẫn tiếp tục làm thơ, đều đều không mệt mỏi, như thể đó là mục đích duy nhất, là lẽ sống đời chàng.
Và cũng như những thi sĩ cô đơn khác, chàng cũng thích nhấm nháp những câu chữ mình làm ra một cách khoái trá, như con gấu nhấp nháp vị ngọt mật ong, với một lý do: Chính ta là kẻ hiểu cái hay của ta hơn ai hết.
Bỗng một ngày kia, xảy ra một biến cố quan trọng với Quách Phong.
Một thi nhân tài ba vừa xuất hiện.
Một người tên Âu Dương Túc, mà thiên hạ đồn đại là cháu chắt, hậu duệ của Âu Dương Tu, một trong bát đại gia Đường Tống “ lại một gã Trương Tam, Lý Tứ nào nữa đây? ”. Quách Phong nghĩ với sự thờ ơ cố hữu. Cho đến khi tiếng tăm gã thi sĩ có bà con cỡ súng thần công bắn không tới với Âu Dương Tu ngày một vang dội, rồi cuối cùng người ta đặt cho gã danh hiệu “Âu Dương thi tôn ” thì họ Quách không còn thờ ơ được nữa. Chàng bắt đầu quan tâm và lần đầu tiên để mắt đến thơ của một người cùng thời, được truyền tụng trong giới bằng hữu thi ca.
Và chàng rúng động tâm hồn.
Bằng trực cảm thi nhân, Quách Phong biết đó là những tuyệt tác. Tiếp tục tìm đọc càng sửng sốt. Quả thật, cõi thơ của gã có cái gì lâu nay chàng miệt mài vươn tới mà dường như chưa thỏa mãn. Nó đầy ắp tính vũ trụ và nhân sinh. Mọi sự quen thuộc qua thơ của họ Âu Dương dường như mới mẻ và tinh khôi như thể mới nhìn thấy lần đầu. Có sự già dặn u trầm của người thống khổ. Sự tinh tế, hoằng viễn của bậc minh triết. Có cái phóng túng, cuồng lãng của Lý Bạch, cái tài hoa bác học của Đỗ Phủ, có sự dung dị của Bạch Lạc Thiên, lại cũng có nỗi niềm mang mang sâu lắng của Lý Thương Ẩn v.v ... và v.v... không sao kể xiết.
Lòng Quách Phong nhức nhối. So với thơ hắn, thơ ta ra sao? Hắn là thi tôn, còn ta, Quách Tầm Cầu là thi gì? Sao ta chưa đạt danh hiệu ấy? Cùng với trái tim nhức nhối, cục thơ trong chàng cũng ngọ nguậy dữ tợn hơn. Đòi tuôn ra để minh chứng, khẳng định, để chiếm lĩnh ngôi thứ. Chàng sống trong tâm trạng phức tạp: khâm phục và tự ái, hoang mang và háo hức. Ôi! Phải chi thời ấy có tờ báo văn nghệ nào tổ chức thi thơ, có lẽ sẽ ngã ngũ. Nói vậy, chứ nếu có cuộc thi nào như thế, vị tất chàng đã tham gia. Ai là ngươi thứ ba tài giỏi hơn họ để chấm thi. Cho đến giờ, ngoài chàng, Túc chính là người thứ hai, cũng là kẻ xứng đáng cho chàng kết giao: Một tri kỷ.
Dò tìm tung tích Âu Dương Túc, không ai biết. Diện mạo, tuổi tác, thân thế chẳng ai tường. Có người bảo hắn là thiền sư, một du tăng hành cước giang hồ. Người khác bảo hắn là ẩn sĩ, đã từng làm quan ở một phủ. Lại có người nói, hắn thuộc phái Đạo gia, luyện đan ở Nga My Sơn. Tóm lại, là một kẻ dị thường. Thỉnh thoảng, lại có những bài thơ mới của hắn bay về kinh thành, đập chát chúa vào tai, vào mắt, vào trái tim bức bối của Quách Phong, còn hắn thì mịt mù mây khói.

Cục thơ càng ngọ nguậy, chàng bắt đầu nhìn lại mình. Đem tác phẩm mình ra xem xét, suy gẫm, hiệu đính. Nghiên cứu luôn những tác phẩm danh gia đời trước để so sánh, đo lường. Chàng chìm đắm vào việc đó. Muốn biết, đâu là bí quyết, chìa khóa của những vần thơ bất hủ kia? Chân lý của thơ là gì? Chàng loay hoay suốt ngày trong thư phòng : lục lọi, tìm kiếm, suy nghĩ, vò đầu bứt tai, viết, xóa, xé, phùng mang trợn mắt, đổ mồ hôi mồ kê. Vật lộn với đống sách vở hữu hình để tìm cái nguyên lý vô hình. Xao lãng, bê trễ việc quan triều đình và việc tư gia đình.
Cuối cùng, chàng vẫn chẳng hiểu thơ là cái quái quỷ gì dù đã thuộc lòng một núi thơ của thế gian, và tự mình cũng đã làm ra một núi thơ khác.
Dù sao, cũng chẳng bõ công. Thời gian làm nhà nghiên cứu lý luận, phê bình bất đắc dĩ. Phong cũng rút ra vài điều. Ấy là những nhà thơ lớn, thơ họ nồng nặc mùi đời, nhập thế hóa thân với đời. Chàng đọc thơ và hiểu về thời đại họ. Thơ họ như bánh xe gập ghềnh, nảy xốc theo con đường tồn sinh, hay nói tắt: thơ là cuộc tồn sinh. Bất giác chàng kinh hãi. Hình như đó là điều khác biệt với ta. Lâu nay, ta sống trong tháp ngà, thơ ta thiếu sinh khí cuộc sống, thiếu gió bụi đường đời.
Những điều ấy, tuy mới phát hiện lờ mờ, cũng đủ làm xáo động cuộc sống, rẽ hướng đời chàng. Chàng trả ấn từ quan, lên đường, bắt đầu cuộc sống du sơn ngoạn thủy, phiêu lãng giang hồ để “hít thở không khí đời, sâu sát với quần chúng nhân dân” một công hai việc, chàng sẽ tìm và diện kiến với Âu Dương thi tôn.


*
* *


Nhưng hỡi ơi! Âu Dương Túc đã thành người thiên cổ.
Quách Phong biết tin, khi ngao du đến núi Lô Sơn. Sau một thời gian giong ruổi, thơ có phần nhuận sắc hơn. Chàng thấy hạnh phúc, có điều vẫn chưa gặp Âu Dương Túc và lạ thay không còn nghe bài thơ mới nào của họ Âu Dương nữa. Bỗng Quách Phong biết được tin: vào tiết đoan ngọ hàng năm, Túc thường đến viếng Lô Sơn, thăm người bạn là một thiền sư đang ẩn tu ở đó. Đúng thời gian, Quách Phong đến Lô Sơn.
Đó là một danh thắng kỳ tuyệt, nổi tiếng nhiều đời, thu hút bao tao nhân mặc khách. Nơi đây, còn lưu lại những bút tích đề vịnh của những tay cự phách nhất: Lý Bạch đến Mạnh Hạo Nhiên, Hàn Dũ đến Tạ Linh Vận, Tô Đông Pha… và có cả Âu Dương Túc.
Chàng gặp vị thiền sư cho biết, Âu Dương Túc đã chết năm trước vì một cơn bạo bệnh. Chính vị sư đã an táng trong núi sâu. Quách Phong chới với, bàng hoàng. Chàng đi xem những bài thơ cuối cùng của Túc trên vách núi. Khác trước, lời lẽ dường như cuồng thống, một sự thiết tha yêu đời của kẻ sắp từ giã trần gian. Thế là từ nay không còn ai trên đời để họ Quách chia sẻ và thi thố. Bao miệt mài khổ luyện của chàng như quả đấm, đấm vào không khí. Cục thơ của chàng hình như cũng teo tóp đi chút ít.
Sau nỗi ngậm ngùi, tiếc thương là sự trống trải, chán nản. Chàng từ giã Lô Sơn, dĩ nhiên không quên để lại sáu bài thơ liên hoàn trên vách núi của thắng cảnh trứ danh này.


*
* *


Khi ghé bến Tầm Dương, cảnh vật có phần khác xưa. Vẫn khói sóng, mây trăng, trên bến dưới thuyền, vẫn thiên nhiên lạnh lùng trơ gan tuế nguyệt, mà con người như u buồn, xơ xác hơn giữa đời tao loạn, phù sinh. Quách Phong nghe như có tiếng tì bà réo rắt đâu đây, còn người xưa đã về tận nơi đâu ? Chàng ở lại Tầm Dương sau thời gian mỏi mệt dặm trường. Vả lại “vốn thực tế ” đủ để chàng sáng tác. Chàng chọn một cô thôn, dựng một thảo lư. Đó là Hắc Sa thôn, lác đác vài nóc nhà dân dã. Trong sinh hoạt đời thường, Phong cũng gặp gỡ, giao tiếp, rồi thời gian chàng kết giao bằng hữu với một số người ở đó : bọn Lý Cựu, Trương Tấn, Triệu Ngưu và Đỗ Thử, giai cấp thứ dân, mưu sinh bằng việc trồng trọt, lưới cá hoặc đốn củi, săn bắn. Họ thanh bần và đơn giản khác với cuộc sống quý tộc công hầu mà Quách Phong từng trải qua. Giữa bọn họ chàng học được nhiều điều. Chàng yêu mến hơn cả là Lý Cựu, một kẻ tiềm ẩn tư chất đặc biệt, hàng ngày Lý Cựu hành nghề mổ trâu bò hoặc đốn củi gánh ra chợ bán nuôi mẹ già. Tóm lại, bọn họ làm những công việc không lấy gì gần gũi với văn chương lại vô cùng ngưỡng mộ thi phú văn chương. Họ đặc biệt tôn kính, thần tượng Quách Phong, không phải vì chàng từng là quan lớn, là giai cấp tôn quý mà chính vì chàng là một thi sĩ kỳ tài, sản xuất ra những bài thơ tuyệt vời, giải bày hộ họ những ẩn ức, sinh lão bệnh tử, hỉ nộ ái ố, mà ở tầng lớp lê dân nghèo khổ họ không dám hoặc không khả năng làm được. Đó là công việc của bậc thánh hiền. Họ xem việc Quách Phong đến ẩn cư ở Hắc Sa thôn là một vinh dự lớn lao. Một con hạc mòng đỏ quý hiếm giữa bầy gà ri. Chàng thấy ấm lòng, vơi đi phần nào cô đơn, nỗi nhớ gia đình, vợ con, thê thiếp đang gởi gắm ở kinh thành. Nên dù những hạn chế của họ, tình cảm chàng ngày thêm đẹp đẽ. Hơn nữa còn có Lý Cựu, một kẻ không đến nỗi nào, gã tỏ ra mẫn cảm với thơ Quách Phong. Gã cục mịch ít nói, nhưng có lúc làm chàng bất ngờ khi đột nhiên phun ra những nhận xét, luận bình thơ với một sự thông minh rất bản năng.
Bỗng một hôm, Phong nhận ra Lý Cựu hình như không còn hào hứng khi nghe thơ mình. Ngạc nhiên, bèn hỏi:
- Sao thế Lý bằng hữu ? Bài này dở chăng ?
- Quả là dở thật.
Kinh ngạc hơn là mếch lòng, lần đầu tiên Quách Phong nghe lời chê bai của Lý Cựu.
- Lâu nay, bằng hữu vẫn bảo thơ ta rất hay cơ mà.
- Quách huynh thứ lỗi. Có lúc hay nhưng càng làm nhiều, càng về sau càng dở.
- Tại sao?
- Vì thiếu chân thật.
Quách Phong biến sắc, tai lùng bùng trước lời lẽ Lý Cựu, cũng là lần đầu tiên gã nói nhiều:
- Thiển ý đệ: Thơ cốt cái thật. Viết gì mình cảm thấy. Tâm can người giống nhau. Viết điều tâm can ta xúc động thì người khác xúc động. Thơ huynh cố trau chuốt, cầu kỳ, tìm tòi mới lạ vô tình xa sự thật, giống như chú ý da dẻ bên ngoài mà quên xương cốt bên trong. Huynh chưa thật cảm điều huynh viết. Tỷ như sự cô đơn, nỗi đau khổ, niềm yêu thương. Thơ huynh diễm ảo, tú lệ như tranh. Nhưng cuộc đời thì có đất đá, bụi bặm, bùn lầy...
- Những điều đó bằng hữu học từ đâu? Phong hỏi, lòng bàng hoàng.
- Đệ ngày xưa là một hàn sĩ thất cơ lỡ vận, có đọc chút ít sách thánh hiền. Nhưng thơ thì không sách nào nói cả, chỉ cảm bằng cái tâm thô lậu. Chẳng qua vì lòng tôn quý, ưu ái với sự nghiệp thi ca của huynh, mong huynh chớ phật lòng.
- Thì ra Lý bằng hữu học vấn nhiều hơn ta tưởng. Lý lẽ sâu xa, thông tuệ sự đời. Không chừng bằng hữu còn biết làm thơ. Cứ nói về thơ, Quách mỗ xin lĩnh hội.
- Không dám, nhiều lần huynh khuyên đệ thử tập làm thơ. Theo ngu ý đệ: thơ là nhu cầu, viết vì nhu cầu ấy thúc bách, nếu không sẽ không sống an nhiên được. Còn như không viết mà vẫn sống tự tại được, thì không cần phải viết, vì sẽ không bao giờ đạt đến cõi thượng thừa của thơ. Vậy hà tất phải tập làm gì cho khổ. Huynh quá quan trọng với thơ nên tâm không yên. Thơ do đời sinh ra, có đời mới có thơ, khởi đi từ Kinh Thi. Sao gọi là Kinh ? Vì nó không là của ai cả, nó của CUỘC ĐỜI, của CON NGƯỜI. Nói những điều đơn giản, chân thật của lòng người, ai cũng thấy, ai cũng biết, vậy mà vẫn làm lòng người xao xuyến. Tại sao? Đệ không biết. Đó là ẩn ngữ của thơ.
Quách Phong thật sự kinh ngạc. Lão này cũng khá. Chàng nghĩ, lòng không khỏi băn khoăn. Tất cả những điều đó chàng cũng mơ hồ cảm thấy, cũng là điều chưa sở đắc.
Cũng từ đó tình bạn hai người không còn tự nhiên. Phong đối với Cựu ra chiều hờ hững, lạnh nhạt. Lời của hắn như mũi dao thọc vào lòng tự tôn, ngã mạn, làm xì cục thơ đang phình lớn của chàng. Dù thế nào, sáng tác vẫn là việc vô vàn khó khăn. Lý Cựu, dù mẫn tiệp, cũng không là kẻ cầm bút, hắn không biết nỗi khổ sáng tạo. Nói bao giờ cũng dễ.
Quách Phong hoàn thành một tập thơ mới. Ở mãi cũng chán, chàng lại lên đường, rời bến Tầm Dương, thôn Hắc Sa, lại dấn bước vào sơn thanh, thủy tú. Dĩ nhiên không quên ghé kinh thành thăm nhà, đồng thời lấy ít kim ngân vốn còn nhiều ở kho bổng lộc gia đình, làm hộ phí hành trình.
Lúc chia tay, Lý Cựu u buồn nói:
- Quách huynh ra đi, không biết bao giờ gặp lại. Đời đầy bất trắc, người sống nay chết mai, đệ có tâm sự bộc bạch và xin huynh giúp cho một việc.
- Bằng hữu cũng bi quan sao? Cứ nói, ta sẵn lòng.
- Đệ xưa gốc Giang Lăng. Có người vợ mới cưới, ba sinh chưa bén. Vì có nhan sắc nên bị tiến cung, nhưng trốn thoát. Rồi thời cuộc chinh chiến không biết lưu lạc phương nào. Còn đệ là một nho sinh nghèo, thi rớt, bị xung lính, văn dốt võ dát, chỉ làm một chức võ quan nhỏ rồi bị thương trở về. Công danh lận đận, sinh kế bủa vây. Vì còn mẹ già phụng dưỡng, nên không có cơ hội tìm kiếm thê nhi. Nay huynh lên đường xuôi ngược mong huynh để tâm tìm giúp. Vạn nhất mà biết được tin hay gặp được tiện nội, nhờ huynh trao kỷ vật này, nàng khắc hiểu. Nhược bằng không gặp, xin huynh giữ lấy, xem như món quà tỏ lòng ngưỡng mộ với Quách huynh.
Nói xong, lấy ra một bức tranh vẽ chân dung một người con gái dung nhan mỹ miều và một chiếc quạt trầm hương. Lý Cựu viết vào bức tranh tên tuổi, lai lịch vơ, rồi viết vào chiếc quạt tình cảm nhắn gửi riêng tư, mà người trong cuộc mới hiểu.
Từ đó, Quách Phong xuôi ngược, mang theo bầu rượu túi thơ, cùng kỷ vật của Lý Cựu. Qua phố phường kẻ chợ hay thủy tận sơn cùng. Có dịp Quách Phong không quên dò tìm. Đã ba năm, việc Lý Cựu phó thác chẳng kết quả, chỉ túi thơ càng đầy và bầu rượu ngàn lần vơi đi. Tiếng tăm họ Quách, theo bước chân, càng trải xa, lan rộng.

Một buổi chiều, ngồi độc ẩm trong một quán trọ giữa tiết xuân. Có một người ở bàn bên đến thi lễ:
- Có phải đây là thi hào Quách Tầm Cầu tiên sinh chăng?
- Không dám, đích thị vãn sinh.
Người kia xưng tên Chu Thiên Bút. Thì ra là một họa gia nổi tiếng đương thời, đại biểu tầm cỡ phái Thủy- thái- họa, lại giỏi Thư pháp. Cũng cầm tinh con ngựa, lang bạt kỳ hồ. Thi sĩ gặp họa sĩ, kẻ sáng tác gặp người sáng tạo, chẳng mấy chốc họ thành tương đắc. Tửu phùng tương đắc thiên bôi thiểu. Rượu và lời thi nhau tuôn ra. Biết Thiên Bút là người kinh lịch, từng trải, Phong đem việc Lý Cựu hỏi thử với hy vọng mong manh, cho họ Chu xem kỷ vật. Lạ thay, gã họa sĩ nhìn chăm chú vào những dòng chữ trong tranh và quạt, biến sắc, hỏi:
- Ai viết những chữ này ?
- Một người bạn của vãn sinh, có điều gì thế ?
- Đây là thủ bút của thi tôn Âu Dương Túc.
Quách Phong cả cười:
- Chu huynh lầm lẫn rồi, đấy là Lý Cựu, hành nghề đồ tể. Không biết làm thơ. Chẳng phải thi tôn thi tiếc nào cả. Những chữ này hắn viết lúc chia tay ở Tầm Dương.
Chu Thiên Bút vuốt râu, nói như đinh đóng cột :
- Tiểu sinh một đời nghiên cứu thư pháp, thuộc biết tự dạng của khách văn chương nổi danh kim cổ. Chữ viết của Âu Dương thi tôn càng không hề lầm lẫn.
Rồi rút trong bọc ra một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp, bên cạnh có bốn câu thơ, ký tên Âu Dương Túc , nói :
- Tiểu sinh tình cờ được một lần hạnh ngộ với Thi tôn giống như với Quách tiên sinh hôm nay. Tiểu sinh vẽ và Túc đề thơ kỷ niệm.
Quách Phong nhìn kỹ, quả nhiên hoàn toàn giống dạng chữ trong tranh và quạt lâu nay chàng vẫn mang theo. Chàng kinh hoàng chợt nhớ bài thơ của Túc ở Lô Sơn, cũng tuồng nét chữ. Chàng lắp bắp, bán tín bán nghi :
- Nhưng Âu Dương Túc đã chết lâu rồi, sao lại là Lý Cựu ?
- Điều đó tiểu sinh cũng không hiểu, nhưng nếu Lý Cựu là Âu Dương Túc thì đến nay, e Lý Cựu cũng không còn trên đời này nữa.
- Tại sao vậy ? Quách Phong thất sắc.
- Lần gặp đó, tiểu sinh biết Túc mắc chứng bệnh trầm kha, không thể sống hơn 5 năm. Chính Túc cũng biết điều đó. Có lẽ khi cái chết đã gần kề bèn cải danh gác bút ở ẩn chăng ?
Quách Phong chấn động tâm can, tinh thần bấn loạn. Ngồi bất động mà lòng như dậy sóng. Chợt nhớ những lời như trăn trối của Lý Cựu trước lúc chia tay. Chàng đã bị một đòn nặng nề để khám phá ra mình. Trong cơn suy tưởng, chàng thấm thía lẽ vô thường của kiếp sống. Tất cả là phù vân, có gì phải quan trọng, bận tâm, kể cả cái mà lâu nay chàng cho là quan trọng nhất : Cõi thơ. Giờ đây trong ý nghĩ chàng, Lý Cựu có phải là Âu Dương thi tôn không, cũng không còn quan trọng nữa. Chàng chỉ còn hình ảnh một gã đồ tể bần hàn, lận đận, mang trên vai bao khổ lụy hình hài. Có lúc, đã chia sẻ cùng chàng những ngày tháng đẹp ở Hắc Sa thôn.
Quách Phong quay trở về chốn cũ, dù không biết còn gặp Lý Cựu hay không. Vẫn nghe loáng thoáng lời Chu Thiên Bút trước lúc chia tay như mũi kim đâm vào tim nhỏ máu :
Cõ lẽ Âu Dương Túc vì biết trước cái chết nên đã trở thành Thi Tôn. Khi con người ý thức đời mình ngắn ngủi, sức sống càng mãnh liệt. Thơ cũng vậy chăng ?
                                                                          
                                                                              Lương Minh Vũ

* "Nằm nghiêng nhớ núi" Tập truyện, NXB Hội Nhà Văn 2006