BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Đằng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Đằng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

HỐI LỘ - Truyện ngắn của Lão Gàn


        
                    Tác giả Lão Gàn 


                           HỐI LỘ (1)
                                                                            Tác giả: Lão Gàn

Đã hai tháng rồi, chị Hồng tắt kinh. Chị cảm thấy trong người không bình thường; chị thường nôn oẹ. Chị nghĩ là đã có thai.
Lấy chồng hơn mười năm, bây giờ, có con, đáng lẽ mừng, chị lại lo, lại sợ - lo sợ lắm.

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

“CON GÁI RƯỢU” - Tạp bút của Hoàng Đằng


        
                  Tác giả Hoàng Đằng


         “CON GÁI RƯỢU”
                                                       Tạp bút của Hoàng Đằng

Trước đây, do đặc thù của công việc mưu sinh, tôi ít có cơ hội tiếp xúc với nhiều giới trong cộng đồng. Giai đoạn về già, tôi may mắn sống giữa bà con, xóm giềng – người già có, người trẻ có, người lăn lộn với công việc đầu tắt mặt tối có, người ăn không ngồi rồi sáng chiều cờ bạc rượu chè có, người lựa lời ăn tiếng nói có, người bỗ bã ăn ngang nói ngược có … Nhờ môi trường sống đó, tôi thường nghe được cụm từ “con gái rượu” hay “thằng cu rượu”.

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

NÓI THÊM VỀ NHÀ THƠ PHẠM VĂN BÌNH - Lê Đình Bì


     
              Lê Đình Bì (phải) và công trình kỷ lục của anh, 
                          cuốn "Từ điển cách dùng tiếng Anh".


Kính gửi Thầy Hoàng Đằng

Qua email của anh Đoàn Minh Phú, em có đọc được bài viết của Thầy: “GÓP PHẦN DỰNG TIỂU SỬ NHÀ THƠ PHẠM VĂN BÌNH (1940-2018). Vì bà xã của em là người Đông Hà nên hai đứa em khá thân với Anh Bình. Hồi còn ở Nam Cali 2007, 2008, em cũng thường cà phê với anh ấy, cùng với anh Chánh (ba của Quỳnh Như mà mọi người thường biết đến là ca sĩ Như Quỳnh). Sau này lên định cư ở Bắc Cali, cứ vài tháng xuôi Nam về thăm bạn bè, cũng hay gặp anh Bình, tụ tập ở cà phê hay nhà của Vang+Diệp, mà nhiều nhất là ở nhà của Hùng+Hà (là cặp vợ chồng dễ thương mà 2 đứa em rất thân nên mỗi khi xuống Nam Cali “bị” ở lại đó). Cũng chính vì vậy nên có rất nhiều dịp la cà với anh Bình, và một dịp khi có nhiều bạn bè Quảng Trị tụ họp tại nhà của Hùng+Hà hồi tháng 7, 2010, anh Bình đã hát cho mọi người nghe cả 3 bản nhạc, cũng như kể lại “tình sử” dẫn đến sự ra đời của bài thơ bất hủ “Chuyện Tình Buồn”, được Phạm Duy phổ nhạc mà hồi đó, những “tên lãng tử thời chiến” như tụi em thường hay nghêu ngao một vài đoạn. Điều may mắn là lần đó, em có thu hình đầy đủ rồi để quên bẵng, đến khi anh Bình qua đời, tìm lại được thì video cũ bị trục trặc. Nay thì em đã nhờ phục hồi lại được, hình ảnh, âm thanh rõ ràng, và mới đưa lên youtube để phổ biến. Đây có thể xem là một tài liệu quý. Hồi đám tang anh Bình, vì không đi dự tang lễ được, nên em có cho nhân viên dưới Nam Cali thu hình làm phóng sự chiếu trên Viettoday TV, và nay, em dự định đến tháng 7/2019, sẽ làm một Talkshow tưởng niệm 1 năm ngày mất của anh, đồng thời trình chiếu trên TV 3 bản nhạc do chính anh ca và tự đệm đàn.

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

PHẢI VỀ THÔI ! - Thơ Hoàng Đằng


        
                  Tác giả Hoàng Đằng


PHẢI VỀ THÔI !
(Thân tặng các đồng môn Nguyễn Hoàng xa quê)

Anh nói với em:
- Về Quảng Trị mần chi?
Cha mẹ không còn, anh em đi hết;
Phố xá, cửa nhà … không còn dấu vết;
Làng xóm mình xưa …
Có còn ai quen biết chi mô!”

- Nhưng anh yêu! Em phải về vì đã quá lâu,
Em chưa nếm thế nào
… Là cái nóng trưa hè
Vã mồ hôi… khi ngồi dưới hàng tre nứt nẻ.

Em phải về... tìm bóng hình thời trẻ,
Mẹ không còn,
Mà quê mẹ còn đây.
Cha đã mất,
Nhưng đồng ruộng cha cày e vẫn còn nguyên đấy!

Em phải về... xem dòng Hãn giang xuôi chảy,
Nước có còn trong... như thuở ấy không nào?
Em phải về xem ngọn gió Lào,
Có còn thổi ào ào xác xơ cành lá?

Anh ơi anh!
Em phải về cho thoả
... Nỗi ước mong:
Dự họp mặt Nguyễn Hoàng...

Ngôi trường mà ngày xưa anh với em đứng nơi hành lang tâm sự.
Nay tên xoá rồi… em thương nhớ khôn nguôi.
Em phải về… tuổi đời chúng ta không còn đợi.

Anh yêu ơi! Thôi đừng bàn lui bàn tới.
Chúng ta lên đường,
Bạn vẫy gọi… kia kìa!

                                          Hoàng Đằng                    
                                 27/5/2019 (23/4/Kỷ Hợi)

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

NHÂN NĂM HỢI - KỶ HỢI, NÓI CHUYỆN VỀ HEO (Phần 2) - Hoàng Đằng


        


        NHÂN NĂM HỢI - KỶ HỢI, NÓI CHUYỆN VỀ HEO
                                            (Phần 2)

Hiện nay, ngoài heo nuôi nhỏ lẻ ở từng gia đình, heo nuôi ở trang trại chiếm số lượng nhiều, nuôi heo xem như một ngành kinh doanh thu dụng nhân công cả nữ lẫn nam.
Ngày xưa, nuôi heo chỉ để kiếm thu nhập phụ, ngoài trồng trọt là sinh kế chính.
Trong mỗi gia đình nông dân, việc nuôi heo được phân công cho phụ nữ: “Heo, ca (gà) đàn bà; cửa nhà đàn ông”. Ở một xã hội trọng nam khinh nữ, việc phân công này chắc do nam giới bày ra. Tội nghiệp là nữ giới chỉ biết chấp hành, không so bì thiệt hơn, dù sự chia việc này không công bằng chút nào!

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

NHÂN NĂM KỶ HỢI NÓI CHUYỆN VỀ HEO - Hoàng Đằng


     

        NHÂN NĂM KỶ HỢI NÓI CHUYỆN VỀ HEO 
                                                                              Hoàng Đằng

Năm tới (2019) là năm Kỷ Hợi theo Âm Lịch. Biểu tượng của năm Hợi là con heo. Nhiều người nói rằng ai sinh năm Hợi thì có số sướng; chắc ý họ muốn nói là khỏi làm gì hết, chỉ nằm mà được nuôi ăn như con heo.
Con heo ăn nhiều và muốn ăn nhiều bữa trong ngày. Do đó, người ta có phong tục dùng con heo bằng đất nung để bỏ tiền tiết kiệm, thể hiện mong muốn sự tiết kiệm liên tục, nhiều lần nhất trong ngày có thể được.
Tôi không tin người tuổi con heo thì sướng.
Con heo được nuôi ăn càng đầy đủ thì càng chóng lớn; mà lớn thì heo sẽ chóng bị giết lấy thịt; nghĩ thế thì những người tuổi Hợi nên có phần lo!!!.
Nhưng hãy xem lại … Trước khi nuôi trong chuồng để thành một gia súc, heo vốn là thú hoang trong rừng. Để tồn tại, heo phải chống chọi, cạnh tranh sinh tồn với các loài thú hoang khác, phải ngày đêm săn lùng, đào bới tìm thức ăn.
Thành thử, người tuổi Heo cũng như người tuổi Trâu, tuổi Cọp … phải “tay làm" thì hàm mới có nhai. Người nào đó tuổi Hợi mà giàu có, chức phận hơn người, cứ tin theo Phật Giáo, ấy là nhờ kiếp trước khéo tu.
Và coi chừng! Người có tiền tài nhiều, danh vọng cao chưa chắc đã hạnh phúc; "càng cao danh vọng càng dày gian nan"!!!

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

ĐEN BẠC GIỮA ĐỜI - Truyện ngắn của Hoàng Đằng


         
                         Tác giả Hoàng Đằng


        ĐEN BẠC GIỮA ĐỜI
         Truyện ngắn của Hoàng Đằng

Anh Đông đi làm đồng về, gần tới nhà, thấy nhà mụ Thòi bên cạnh đông người, hỏi ra mới biết mụ Thòi vừa qua đời.
Anh vô nhà, chưa vội rửa chân tay vấy đầy bùn ruộng, anh xao xác tìm mẹ anh là mụ Thiệt.
Mụ Thiệt đang rút rơm ở góc vườn, nhen lửa nấu bữa ăn trưa. Anh đến bên mẹ, nói nhỏ kẻo sợ người khác nghe:
- Mụ Thòi mất, nhà mình có đi đám không mạ hè?
Ngẩng cái đầu đang chúi khuất ra khỏi lỗ hẵm nơi cây rơm, mái tóc bạc trắng phủ đầy rác rơm, mụ Thiệt khoan thai trả lời:
- Đi … chớ răng … không, con hè?

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

ĐỂ HIỂU NGHĨA CÂU NHẠC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN - Nguyên Lạc


       
          Trịnh Công Sơn qua nét vẽ của Bửu Chỉ

    Đ HIỂU NGHĨA CÂU NHẠC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
                                                                                   Nguyên Lạc

SƠ LƯỢC Ý CHÍNH BÀI CỦA GS HOÀNG ĐẲNG VÀ NHỮNG PHẢN HỒI

Nhân đọc bài viết: “Hiểu Đúng Nghĩa Câu Hát Của Trịnh Công Sơn Như Thế Nào?” của giáo sư Hoàng Đằng trên Văn Nghệ Quảng Trị, tôi xin “góp vui” mấy ý.
Độc giả có thể đọc bài viết theo link dưới:
HIỂU ĐÚNG NGHĨA CÂU HÁT CỦA TRỊNH CÔNG SƠN NHƯ THẾ NÀO? [1]
Đây là ý chính của bài viết cùng những bình luận đồng và không đồng thuận
Ý chính
Trịnh Công Sơn viết trong một bài hát: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng! - Hỏi làm gì, em biết không? - Để gió cuốn đi!" Bài hát được hát nhiều trong dịp tổng kết chiến dịch từ thiện của các nhóm, các tổ chức …
Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của mấy lời hát trên chắc còn ít người hiểu đúng. Đại đa số nghĩ rằng "để gió cuốn đi!" là làm được chi đó rồi,  xong việc, cho nó chìm vào quên lãng, đừng nhắc đi nhắc lại.[Hoàng Đằng]

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CÂU HÁT CỦA TRỊNH CÔNG SƠN NHƯ THẾ NÀO? - Hoàng Đằng


        
                        Tác giả Hoàng Đằng


        HIỂU ĐÚNG NGHĨA
        CÂU HÁT CỦA TRỊNH CÔNG SƠN NHƯ THẾ NÀO?

Chiều 19/11/2018 vừa rồi, trời đẹp, một học trò cũ đem xe đến nhà mời tôi – một thầy giáo già “mất dạy” từ 1975 – đi thăm một thầy giáo cũ của em đang bệnh hoạn, già yếu ở một làng quê xa trong dịp ở Việt Nam Ngày Nhà Giáo Việt Nam đang được cả xã hội quan tâm rộn ràng.
Đi xong về, tôi nói với em học trò – gọi là em nhưng đã xấp xỉ 70 tuổi:
- Tối nay, thầy sẽ viết vài dòng về chuyến đi này, đưa lên facebook cho những người thân quen biết.
- Đừng, dạ thưa thầy, đừng! Em học trò cản ngay.
Tôi thắc mắc:
- Tại sao?
Em trả lời:
- Như Trịnh Công Sơn đã viết đó, thầy nờ! “Để gió cuốn đi!”
Tôi hiểu “gió cuốn đi” khác với em học trò của tôi, thành thử, tôi đã đưa lên facebook mấy dòng, đại khái, như thế này:
Trịnh Công Sơn viết trong một bài hát: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng! - Hỏi làm gì, em biết không? - Để gió cuốn đi!" Bài hát được hát nhiều trong dịp tổng kết chiến dịch từ thiện của các nhóm, các tổ chức...

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

GÓP PHẦN DỰNG TIỂU SỬ NHÀ THƠ PHẠM VĂN BÌNH (1940 – 2018) - Hoàng Đằng


          
                   Tác giả Hoàng Đằng


GÓP PHẦN DỰNG TIỂU SỬ NHÀ THƠ PHẠM VĂN BÌNH                                                (1940 – 2018)
                                                                                    Hoàng Đằng

Nhà thơ Phạm Văn Bình - người quê tôi – đã qua đời ngày 22/7/2018. Đông Hà – quê tôi – có nhiều người làm thơ. Mà không riêng gì quê tôi, trên cả nước Việt Nam, nơi nào cũng vậy; Việt Nam là “cường quốc thơ” mà!
Tôi không có may mắn và điều kiện đọc nhiều, nên không biết trong số người làm thơ ở quê tôi những ai có tác phẩm hay; chỉ biết  anh Phạm Văn Bình từng nổi tiếng về thơ trong thập kỷ 1960 và thập kỷ 1970, đặc biệt, anh có 2 bài thơ được nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy phổ nhạc: Đó là bài “Chuyện Tình Buồn” và “Mười Hai Tháng Anh Đi”; và có lẽ với hai bài thơ này, anh sẽ lưu danh thiên cổ.
Sau này, sự nghiệp của anh đã có tác phẩm của anh làm chứng; còn cuộc đời của anh chắc sẽ ít người biết rõ. Vì vậy, là người đồng hương với anh, tôi muốn góp phần dựng lại tiểu sử của anh qua tìm hiểu những mảnh đời, chặng đời của anh mà người Đông Hà và một số thân nhân của anh biết kẻo rồi thời gian có thể xoá mất.

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

NGÀY TẾT VỚI NGƯỜI CAO TUỔI Ở QUÊ TÔI - Hoàng Đằng


                            Tác giả Hoàng Đằng


       NGÀY TẾT VỚI NGƯỜI CAO TUỔI Ở QUÊ TÔI
                                                                        Hoàng Đằng

       Trong ngôn từ, Tết thường đi theo với sự nghỉ ngơi, sự vui chơi, sự hưởng thụ – nghỉ Tết, chơi Tết, hưởng Tết. Tuy nhiên, phần lớn người ta nghỉ Tết là chỉ ngưng công việc mưu sinh; nói phần lớn mà không nói tất cả vì một số người vẫn tận dụng dịp Tết để kiếm thu nhập: tham gia gian hàng ở hội chợ, chủ sòng bài, xem bói … 
       Thực tế trong ngày Tết, những người lớn tuổi phải làm những công việc tổn hao sức lực, đôi khi với nhịp độ còn cao hơn ngày bình thường.
      Mỗi người cứ tự ngẫm trường hợp bản thân của mình. Riêng tôi,  một người cao tuổi ở vùng quê, thì nhiều việc lắm, mệt mỏi lắm. Mời bạn đọc nghe tôi kể nhé!
Tôi chỉ giới hạn thời gian trong ngày MỒNG MỘT THÁNG GIÊNG.
        Từ tối hôm trước (30 tháng Chạp) cho đến giờ giao thừa, người cao tuổi quê tôi không ngủ, loay hoay chuẩn bị lễ cúng: têm cau trầu, xếp vàng bạc, giấy áo … bên cái TV bật sẵn để theo dõi tin tức đón Tết từng giờ ở các địa phương trong nước và trên thế giới, chờ nghe lời chúc đầu năm của vị nguyên thủ quốc gia; lời chúc Tết này quan trọng lắm vì đó là thông điệp phác họa những hướng đi của quốc gia trong thời gian tới. Chúng ta hãy ngẫm lại: Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lời chúc đọc giao thừa Tết Mậu Thân, có mấy câu “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua; thắng lợi tin vui khắp mọi nhà …” là qua ngày mồng một nổ ra cuộc tổng công kích vào các đô thị miền Nam.
          Con dâu nấu xong lễ cúng giao thừa, ra mâm ra dĩa: xôi, chè, cháo thánh - ở nhiều nhà, thêm con gà trống tơ để nguyên con luộc chín, lấy giò, cúng xong, xem quẻ đầu năm. Lễ cúng bưng đặt ở 2 nơi: bàn thờ gia tiên trong nhà và bàn thờ đặt bên ngoài, giữa trời, nên dân gian dùng từ “Cúng Giữa Trời”, “cúng giữa trời” dâng lên các vị thần linh điều hành mọi việc trong năm mới, các âm hồn cô hồn vãng lai, hay quanh quẩn trong vườn ngoài ngõ. Kể một chuyện “hơi tệ” nhưng có thật: Trước đây, kinh tế khó khăn, việc ăn uống thiếu thốn, cúng xong lễ này, con cháu đang ngủ say, các cụ cao tuổi lợi dụng cơ hội xử nguyên cả con gà cho “đã thèm thịt”. Bây giờ thì khác rồi, các cụ bưng vô đặt giữa bàn ăn, tìm lồng bàn đậy lại, sáng mai ai xử thì xử, rồi nằm xuống nghỉ lưng cho đỡ mỏi.
        Sáng mồng một Tết, các cụ dậy hơi trưa hơn thường ngày vì do thiếu ngủ, rửa ráy mặt mày, bận quốc phục vào, ngắm lui ngắm lại, xem đã tề chỉnh chưa, bật căng dù che lên nếu trời có mưa xuân lất phất hay nắng gắt, nếu không mưa thì xếp dù cầm ở tay; từ các đường xóm, các cụ ra đình làng, đốt hương, lễ bái thần linh của làng, rồi đi thăm các cơ quan công quyền đóng trên lãnh thổ địa phương: Ủy Ban Xã, Trạm Xá, Trường Học. Ở những nơi này, vị đứng đầu cơ quan thường có mặt đón tiếp; có nơi, các cụ còn nhận được tiền lì xì – người ta gọi là tiền mừng thọ - đựng trong phong bì đỏ do các trưởng cơ quan trao tặng. Các cụ hãnh diện lắm, mừng lắm, vì có thêm tiền để chơi cờ sau này; chốc nữa, về đến nhà, các cụ khoe ngay với các cụ bà.
          Nhận phong bì xong, cụ nào thuộc họ nào thì về từ đường họ của mình, đốt hương, lễ bái Tổ Tiên.  Các cụ cũng làm như vậy  ở các nhà thờ chi, phái; nếu chưa có nhà thờ chi, phái thì đến các nhà đang thờ gia phổ chi, phái.
          Tới lúc này, nếu còn khỏe, các cụ đi thăm nhà con cháu nội ngoại; sự xuất hiện của các cụ ở nhà con cháu nào thì con cháu ấy rất tự hào; các cụ là biểu tượng của “Ông Thọ” – một trong 3 biểu tượng cho 3 điều ước của mọi nhà: Phúc, Lộc, Thọ. Nếu đã mệt, các cụ về nhà, ngồi tiếp các cụ bạn đồng trang lứa, người thân thích, con cháu tới thăm, chúc Tết. Những con cháu “ăn nên làm ra” đều không quên chuẩn bị sẵn phong bì lì xì cho các cụ. Nhờ thế, cái túi của một số cụ tối đến là căng đầy. Các cụ đưa tay xoa túi, rồi mỉm cười ra vẻ hạnh phúc lắm.
         Đến xế chiều, các cụ trở lại tập trung ở nhà thờ họ để cúng đưa Tổ Tiên. Tổ Tiên đã được rước về trong lễ cúng sáng 30 tháng Chạp. Lễ đón Tổ Tiên thường có cỗ bàn để dân họ liên hoan tất niên; còn lễ đưa, xưa kia có bánh trái, bây giờ chỉ hương, đèn, cau trầu và rượu. Việc sắm sửa các lễ cúng ở nhà thờ họ, ngày trước có định mức rõ ràng, lấy từ hoa lợi của ruộng hương hỏa do Tổ Tiên khai phá, tậu mua để lại, bây giờ, ruộng hương hỏa không còn vì đã đưa vào hợp tác xã, thành thử, dân họ, đến dịp, đóng góp; được nhiều thì lễ cúng sắm nhiều; được ít thì lễ cúng sắm ít. Theo đà tiến hóa của xã hội và theo cách nghĩ của các lớp trẻ sau này, việc cúng tế Tổ Tiên chắc chắn càng ngày càng giảm dù người ta đang có chủ trương duy trì “bản sắc văn hóa” truyền thống. Mỗi thời đại mỗi thay đổi; đó là cái đà lịch sử, ai mà cản được!
          Ngày đầu tiên của Tết trôi qua như thế. Ngoài việc đi thăm và tiếp đón khách, các cụ phải 3 lần - sáng, trưa và tối - cúng mứt, trà, bánh, trái trên bàn thờ gia tiên. Người ta quan niệm: Sau lễ cúng “lên nêu” ngày 30 tháng chạp năm trước, gia chủ đã mời gia tiên về cùng ăn Tết, thế nên đến bữa phải dọn mời các Ngài. Trước đây, phụ nữ trong mỗi gia đình phải nấu cơm, đồ ăn để dâng cúng từng bữa, nay, phần đông các gia đình đã cho qua việc nấu cúng. Kể ra đó cũng là một điểm đáng ghi nhận trong công cuộc giải phóng phụ nữ.
          Những điều viết trên đây là dựa vào phong tục tập quán ở quê tôi. Có thể mỗi nơi mỗi khác. Bài viết chỉ để chia xẻ và trao đổi.
                                                          Hoàng Đằng
                                 11/02/2015 (23 tháng Chạp năm Giáp Ngọ)

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

THƯ THĂM THẦY HỒ XUÂN DIỆN NHÂN NGÀY 20/11/2014 - Hoàng Đằng


                        
             
              Tác giả Hoàng Đằng

 Đông Hà, ngày 12 tháng 11 năm 2014
Thầy Hồ Xuân Diện thân kính,

Ở Việt Nam, đã phảng phất không khí ngày NHÀ GIÁO VIỆT NAM – 20/11. Có người gọi đó là Ngày Tết của thầy cô giáo, vì học trò đang nô nức mua hoa, mua quà tặng thầy cô. Nhìn cảnh ấy, tự nhiên em bùi ngùi xúc động, nhớ đến Thầy nhiều hơn.

Thầy đến dạy em – thuộc khóa đầu tiên của trường bán công Đông Hà – từ 1957. Năm học 1957 – 1958 ấy, em đã lên đệ lục (lớp 7 bây giờ). Cũng gọi là trường, nhưng bán công Đông Hà, về cơ sở vật chất, chỉ có một dãy gia binh dành cho vợ con lính đi theo chồng bỏ lại. Vách xây qua loa, không tô trát, mái lợp tôn đã ố rỉ, nền đất. Trước đó, dãy nhà này chia ra bao nhiêu “căn hộ” không biết, khi dùng làm nơi học, được phân thành hai phòng học: một dành cho lớp đệ thất (lớp 6) và một dành cho lớp đệ lục (lớp 7), không có chỗ nào nữa làm nơi nghỉ ngơi cho các thầy ngồi chờ trước khi dạy. Thế mà vì chúng em, Thầy đã đáp lời mời đến với trường. Năm học đó, trường có 3 giáo sư: thầy Nguyễn Viết Trác, thầy Trần Tu và Thầy. Cụ Nguyễn Khắc Thảo – người có công lớn trong việc vận động mở trường – vừa dạy Hán Văn, vừa làm giám thị, vừa quản lý văn phòng.

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

NHÂN SỰ VIỆC CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN - Hoàng Đằng


  chau-ban-trieu-nguyen-7715-1406697974.jp

Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Hà Nội, bà Katherine Muller Marin trao bằng công nhận Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam, ông Nguyễn Thái Bình.                                                                                                 Ảnh: Quỳnh Trang

NHÂN SỰ VIỆC 

CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN


Ngày 30/7/2014 vừa rồi, chính phủ Việt Nam đón nhận “Bằng Di Sản Tư Liệu Thuộc Chương Trình Ký Ức Thế Giới Khu Vực Châu Á – Thái Bình Dương” do UNESCO trao tặng công nhận đối với Châu Bản Triều Nguyễn.
Châu Bản Triều Nguyễn là những văn bản hành chánh quan trọng quản lý nhà nước về mọi mặt dưới triều Nguyễn (1802 – 1945) từ vị vua đầu tiên là Gia Long đến vị vua cuối cùng là Bảo Đại; những văn bản này gọi là Châu Bản vì có bút phê cho ý kiến bằng mực màu son đỏ (châu) của vua.
Trong Châu Bản, phần có tính thời sự nhất hiện thời là sự xác lập chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang có tranh chấp quyết liệt với Trung Quốc. Trung Quốc là một nước lớn, mạnh hơn nước ta nhiều lần về mọi mặt. Việc đấu tranh chỉ trông cậy về mặt pháp lý và ngoại giao. Vì vậy, những gì còn ghi trong Châu Bản được đánh giá là bằng chứng lịch sử có giá trị cao.

          
Châu bản triều Nguyễn không chỉ là di sản chứa đựng những sự kiện lịch sử có giá trị, mà còn là minh chứng về chủ quyền biển đảo

Các vị vua triều Nguyễn đặc biệt là 2 vị đầu: Gia Long và Minh Mạng có tài năng, có kiến thức về trị nước, có tâm huyết với giang sơn. Hai vị vua ấy đã thống nhất trọn ven lãnh thổ quốc gia không những trên đất liền mà còn vươn ra các đảo xa trong vịnh Bắc bộ, trong biển Đông và trong vịnh Thái Lan. Hai vị vua ấy còn có công kiện toàn bộ máy quản lý lãnh thổ mà cho đến ngày nay dấu vết còn in ở một vài lãnh vực.    


Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

DỰ GẶP MẶT TRƯỜNG TRIỆU PHONG LẦN III - Hoàng Đằng


Tác giả Hoàng Đằng


DỰ GẶP MẶT TRƯỜNG TRIỆU PHONG LẦN III

Sáng 22/6/2014, mình được mời dự GẶP MẶT THÂN MẬT các thế hệ học sinh trường trung học Triệu Phong 1960 – 1975 tại nhà hàng khu Sinh Thái Tích Tường - thị xã Quảng Trị.

Tại Triệu Phong, trường không còn dấu tích, buổi Gặp Mặt không biết tổ chức nơi mô, nên mới chọn khu vui chơi giải trí. Tội nghiệp! Hiện tại, huyện Triệu Phong có đến 30 trường bậc trung học: 04 trung học phổ thông và 26 trung học cơ sở; mà chẳng có trường nào nhận bà con – làm em út - trường Triệu Phong cũ!

Khu Sinh Thái nằm bên hồ nước lớn, trước mặt là mương chính thủy lợi Nam Thạch Hãn chảy qua, phủ bóng cây cối, thoáng. Gió Lào thổi từng luồng mạnh cuốn hơi nước tạt vào làm không khí mát mẻ; trời hè nóng bức mà quạt không cần sử dụng. Sướng thiệt!

Khu Sinh Thái Tích Tường ngày Gặp Mặt Triệu Phong 2014

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

ĐI TÌM NGUỒN VUI PHẦN III - Hoàng Đằng

Thầy Nguyễn Văn Thị, người cầm hoa

       ĐI TÌM NGUỒN VUI - PHẦN III
     (Viết về thầy giáo già Nguyễn Văn Thị)

Sáng 13/4/2014, tôi cho in ĐI TÌM NGUỒN VUI phần 1 và phần 2. Con trai tôi chở tôi đem lên giao cho anh đọc. Anh không xài vi tính nối mạng. Mắt anh mờ, đọc chữ được chữ mất. Anh bảo tôi đọc cho anh nghe. Anh lắng nghe chăm chú, gặp đoạn nào tâm đắc, anh cười.  

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

ĐI TÌM NGUỒN VUI PHẦN II - Hoàng Đằng


       
                Thầy Nguyễn Văn Thị người cầm hoa


               ĐI TÌM NGUỒN VUI
                                Hoàng Đằng 
       (Viết về thầy giáo già Nguyễn Văn Thị - Phần 2)

- Ngày ni anh em mình đi chơi nữa hi?
Anh cả gọi về khi tôi đang “nằm gắng” trên giường; lúc đó khoảng 6 giờ sáng 10/3/Giáp Ngọ (09/4/2014). Hàng đêm, anh chỉ ngủ nhiều lắm là từ 21 giờ đến 02 giờ. Anh dậy thắp hương cho chị, rồi đi lui đi tới trong nhà; chân yếu, độ bật của cơ không có, kéo lệt bệt hai bàn giữa sàn nhà, tiếng sột soạt làm cho con cháu không ngon giấc. Rõ khổ ông già nầy!
 Tôi hỏi:
- Đi bằng phương tiện gì rứa anh?
- Đi ô-tô chứ còn gì nữa. Anh tự hào trả lời.
Biết anh không làm gì có thu nhập từ lâu, trong tình anh em, tôi thật thà hỏi:
- Rứa tiền mô mà mới thuê xe đi bữa kia hôm nay lại thuê nữa? 

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

ĐI TÌM NGUỒN VUI PHẦN I - Hoàng Đằng


      
          Thầy Nguyễn Văn Thị, người cầm hoa


                 ĐI TÌM NGUỒN VUI
                                 Hoàng Đằng
      (Viết về thầy giáo già Nguyễn Văn Thị - Phần 1)



Sao đời thì ngắn mà ngày thì dài!”. Dạo này, ông anh cả tôi thường thở than như vậy. Anh già quá rồi, quỹ thời gian trên đời không biết còn bao nhiêu, nhưng chắc chắn ít, không nhiều. Hàng đêm, anh ngủ không ngon giấc, hàng ngày ngồi bên bàn thờ khói hương nghi ngút, không biết làm gì; đọc sách hay xem TV thì mắt đã mờ, cũng khó khăn. Trí óc, lòng dạ anh dành cho những kỷ niệm trong quá khứ rồi ngậm ngùi. Rứa mới khổ!     

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

TRỌN TÌNH VẸN NGHĨA - Hoàng Đằng


Di ảnh cô Lê Thị Dạn


TRỌN TÌNH VẸN NGHĨA

Lúc 11,15 giờ, ngày 27/3/2014 (27/2/Giáp Ngọ), chiếc quan tài đựng thi hài chị Lê thị Nhạn, hiền thê ông anh kết nghĩa của tôi Nguyễn Văn Thị, đã từ từ hạ huyệt tại Nghĩa Trang Nhân Dân thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Đông Hà là nơi chị đã sống gần một nửa phần đời.
Chị không về nghĩa trang làng Bồ Bản, nơi Tổ Tiên chị đã yên nghỉ; chị cũng không vào nghĩa trang bên chân núi Ngự Bình, nơi yên nghỉ của các vị gia tiên chồng chị. Chị nằm đây bên cạnh chỗ nằm của anh đang để chờ; xóm giềng chị giờ đây là những người chọn Đông Hà làm quê hương.
Quả tim chị đã ngừng thở lúc 8,15 giờ ngày 24/3/2014 (24/2/Giáp Ngọ). Chị từ biệt cõi trần trong nỗi ngậm ngùi của người chồng đã chia ngọt xẻ bùi với chị 54 năm qua.   


Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

TỪ TRÒ CHƠI ĐÁ DẾ TRẺ CON ĐẾN TRÒ CHƠI CHỌI CHÓ NGƯỜI LỚN - Hoàng Đằng


         
                              Tác giả Hoàng Đằng


            TỪ TRÒ CHƠI ĐÁ DẾ TRẺ CON 
            ĐẾN TRÒ CHƠI CHỌI CHÓ NGƯỜI LỚN                                                                                        Hoàng Đằng

Bây giờ đang là tháng 2 Âm Lịch, khoảng một tháng nữa, lúc sáng tinh mơ, ai có dịp đi ra đồng, đều nghe được tiếng dế vang lên chỗ này chỗ nọ.
Thuở trước, ở quê lão, trong những trò chơi trẻ con, có trò “đá rế” (rế là tiếng quê lão chỉ con dế). Dế đực mới đá nhau, dế cái thì không. Dế đen gọi là dế mọi, dế vàng gọi là dế lửa, dế có màu giữa đen và vàng gọi là dế pha.  


           

Bọn trẻ làng, cứ trời hửng sáng, chạy ra đồng, lần theo tiếng kêu tìm bắt dế. Dế bắt về được thả vào một hộp rộng; trẻ dùng một cái que đót nhỏ quét nhẹ vào miệng; dế mở rộng 2 càng hàm ra, căng 2 cánh trên lưng, xát kèn kẹt vào nhau, tạo thành tiếng kêu “reng reng” rất vui tai. Nếu trong hộp có 2 con đều được kích động như thế, chúng sẽ xáp đầu đấu. Khi thì húc nhau, con mạnh húc con yếu văng lui, khi thì giao hàm, cắn nghiến nhau. Con thua bỏ chạy, con thắng hùng dũng vừa chạy lui chạy tới, vừa cất tiếng “reng reng”. Thấy cũng “đã mắt”. Lũ trẻ phố thị muốn chơi đá dế, phải mua. Mỗi mùa dế, nhiều trẻ thôn quê kiếm được khá tiền, có thể may được quần áo, sắm được sách vở.



Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

PHIẾM LUẬN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI - Hoàng Đằng







 Ảnh tác giả:
 Thầy Hoàng Đằng (cựu giáo sư trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị và Trung Học Đông Hà Quảng Trị trước 1975)



     PHIẾM LUẬN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
           (Viết nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3)

      “Em ơi có bao nhiêu. Sau mươi năm cuộc đời...”.

      Trong một bữa cơm thân mật tổ chức tại hội trường khu phố, một bác nông dân trạc tuổi 50 lên giúp vui phần văn nghệ với bài hát “Sáu mươi năm cuộc đời” của nhạc sĩ Y Vân. Bác vừa hát vừa nhún nhẩy. 
      Cả đời lăn lộn với ruộng vườn, bác chưa hề học phong cách biểu diễn. Bác biểu diễn tự nhiên như thế là nhờ xem ti-vi; bác đã bắt chước các ca sĩ trên ti-vi. Ở thôn quê bây giờ, nhà nào mà chả có ti-vi!
        Năm bảy phụ nữ đang ngồi uống bia Huda bên dĩa mồi thịt vịt – nói là thịt nhưng chỉ còn lại xương. Họ cầm ly đưa lên ngang mặt rồi chồm tới, đồng thanh la to: “dzô”. Từ dzô này mới tới làng tôi khoảng cuối những năm 50 của thế kỷ trước, nó được số thanh niên đi quân dịch ở trong  Nam, giải ngũ, đem về làng.
       Hơi men đã thấm, họ bỏ ly và đũa xuống bàn, đứng dậy dẹp ghế dành khoảng trống làm sàn nhảy. Họ chen lách nhau, uốn éo thân mình, ngoắt mông qua ngoắt mông về, hai tay gấp khuỷu, đưa lên đưa xuống, trông cũng khá điệu nghệ. Số chị em này xấp xỉ 40, chồng con hẳn hoi, nếu không có kế hoạch sinh đẻ, mỗi người cũng đã chín, mười đứa con.