BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

MƯA SON – Thơ Tịnh Bình


  

 
MƯA SON
 
Lập xuân ngấp nghé đông tàn
Giêng hai vũ thủy ra ràng mưa son
Nuột nà từng búp tay thon
Nàng xuân e ấp như còn thơ ngây
 
Tắm xuân giọt giọt lay phay
Mưa như rắc bụi lên ngày thanh tân
Cành cao lá nhỏ không phân
Cỏ non lấm tấm rửa chân gội đầu
 
Đàn chim én nhỏ về đâu
Liêu xiêu đôi cánh lẫn vào hư vô
Mưa như dáng bụi hiền khô
Mơ màng sương mỏng cam lồ phải chăng?
 
                                                  Tịnh Bình
                                                 (Tây Ninh)

MỖI NGÀY MỘT TÂM TÌNH – Trần Vấn Lệ




Tin thời tiết Thứ Sáu:  "Thứ Bảy trời không mưa, Chúa Nhật, tuần tới, hoa / mừng Năm Mới, đua nở".
Phải vui như thế chớ!  Tin thời tiết lần đầu /
nói về chuyện ngày sau, dễ thương như tiểu thuyết!
Ai cũng tin là thiệt và dĩ nhiên là mừng.  Ngày mai có hay không... hãy để mai rồi thấy!
Bây giờ... hãy giận lẫy:  "Em mất gì hôm qua? Ngày Mồng Tám Tháng Ba / anh quên nói lời chúc?".
Anh muốn nhìn em khóc... dễ dàng mưa bóng mây!

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

MỘT BÀI CA DAO VIỆT NAM ĐƯỢC CHUYỂN SANG HÁN NGỮ - Chuyện phiếm của La Thụy



La Thụy đọc trên báo SỐNG của Chu Tử trước 1975 một bài viết ngộ nghĩnh. Bây giờ chỉ còn nhớ một đoạn ngắn về việc chuyển ngữ bài ca dao Việt Nam sang chữ Hán. Post lên chia sẻ anh chị em đọc cho vui...
Bài ca dao nói về “sự đời em cái lá đa” đó mà...
 
“Sáng trăng em ngỡ tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời.”
 
Bài ca dao được “dịch” sang chữ Hán như sau:
 
“Minh nguyệt ngộ u dạ
Ngã tọa phô thế sự
Thế sự như đa diệp
Hắc như khuyển khẩu
Trảm phụ thế sự...”
 
明月悞幽夜
我坐舖世事
世事如栘叶 
黑如犬口
斬父世事

(Ghi lại theo trí nhớ bài viết của Chu Tử đăng trên báo Sống trước 1975)
*
Bài ca dao chỉ gồm 4 dòng lục bát (28 chữ), nhưng “được” chuyển sang thể ngũ ngôn đến 5 dòng (trong đó 2 dòng cuối chỉ có 4 chữ mỗi dòng), nên chỉ gọn 23 chữ thôi. Chữ “đa” (trong cụm từ “lá đa”) chỉ có trong tiếng Việt nên người dịch mượn chữ (đa) trong Hán tự có nghĩa là “nhiều” rồi thêm bộ mộc để viết thành . Âm Nôm chữ đọc đúng là “đa”, nhưng có âm Hán Việt là “di” nghĩa là cây “đường lệ” 棠棣 (theo truyền thuyết).
Người dịch chỉ cà rỡn dịch thôi. Khi chữ Hán không có từ ngữ viết về lá đa, nên chúng ta tạm chấp nhận vậy.


MƯỜI KHÚC THÁNG BA – Thơ Ái Nhân

 
   
        ÁI NHÂN
        139 ngõ 399 Ngọc lâm – Long biên- Hà nội
        ĐT: 0984470914
        TK: 10524096395016 Tecombank
 

MÀU NẮNG THÁNG BA
 
Tìm trong màu nắng tháng ba
Gót son một thuở kiêu sa sang đò
Bên sông chấp chới bóng cò
Lúa xanh con gái thập thò chen nhau
 
Ngang chiều bất chợt mưa mau
Sấm non náo nức, theo sau mưa rào
Tinh khôi hương bưởi thầm thào
Gọi ta về với ngọt ngào ấu thơ
Tìm trong màu nắng mộng mơ
Thẳm xanh ánh mắt em chờ xa xôi
Tầm xuân xanh biếc nở rồi
Đầu làng hoa gạo hát lời quê hương
 
Tìm trong màu nắng yêu thương
Hân hoan áo trắng trên đường ban mai
Biết tìm đâu thuở xoan trai
Hoa xoan rụng tím bên ngoài giấc mơ
 

MẤT BAO LÂU ĐỂ VIỆT NAM BẮT KỊP THẾ GIỚI? - Trong Nhan Nguyen



GDP đầu người hiện tại của Việt Nam là $3,600 và mức tăng trưởng là 7%. Vậy mất bao lâu để có thế bắt kịp các nước khác?
- Thái Lan, GDP $7,200. Việt Nam cần 11 năm.
- Malaysia, GDP $11,000. Việt Nam cần 17 năm.
- Hàn Quốc, GDP $31,000. Việt Nam cần 32 năm.
- Đài Loan, GDP $33,000. Việt Nam cần 33 năm.
- Nhật Bản, GDP $39,000. Việt Nam cần 36 năm.
- Pháp, GDP $43,000. Việt Nam cần 37 năm.
- Đức, GDP $50,000. Việt Nam cần 39 năm.
- Mỹ, GDP $69,000. Việt Nam cần 44 năm.
- Singapore, GDP $72,000. Việt Nam cần 45 năm.
- Luxembourg, GDP $135,000. Việt Nam cần 54 năm.
 
Với điều kiện là các nước khác không tăng trưởng, không phát triển gì thêm và dặm chân tại chỗ. Nếu họ phát triển ở mức 1-3% thì Việt Nam phải mất 100 năm để bắt kịp Hàn Quốc và 200 năm để theo kịp Singapore.
 
"Tất cả số liệu đều công khai trên các tổ chức như Ngân Hàng Thế Giới, IMF và CIA."

Ngày xuất bản bài viết này là 24/12/2022". Mong năm 2023 sẽ khác. Yêu các độc giả.
                                                                         Trong Nhan Nguyen
*
Nguồn:
https://www.vietnambusinessinsider.vn/mat-bao-lau-de-viet-nam-bat-kip-the-gioi-a29125.html

TRƯỜNG CA HÒN VỌNG PHU CỦA NHẠC SĨ LÊ THƯƠNG – Phạm Hiền Mây



Sinh năm một ngàn chín trăm mười bốn tại Hà Nội và mất năm một ngàn chín trăm chín mươi sáu tại Sài Gòn, Lê Thương là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất thời kỳ tiền chiến của tân nhạc Việt Nam.
Theo hồi ký của Phạm Duy, Lê Thương vốn là một thầy tu nhà dòng hoàn tục. Suốt hai mươi năm (1954-1975), ông làm ở trung tâm học liệu Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa.
Ông từng là giáo sư dạy Sử Địa tại một số trường tư, dạy tiếng Pháp tại Pétrus Ký và trường Quốc Gia Âm Nhạc - Kịch Nghệ vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước.
Ông đã sáng tác từ thời còn ở ngoài miền Bắc. Nhạc ông tự viết lời cũng có mà phổ từ thơ cũng nhiều. Trước khi viết trường ca Hòn Vọng Phu, ông từng viết những truyện ca và thậm chí, cả nhạc hài hước rất độc đáo. Những bản này được nghệ sĩ Trần Văn Trạch trình diễn nhiều lần vào thập niên bốn mươi của thế kỷ hai mươi.
Quả là đa tài.
Không chỉ thế, ông còn đặt lời cho những bản nhạc ngắn của nước ngoài: Lào, Mỹ, Nhật Bản, Pháp.
Có một thời gian, ông cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non cho trẻ em, phát thanh các truyện cổ tích, khúc dân ca, bài ca nhi đồng. Cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương được xem như những nhạc sĩ mở đầu của dòng nhạc dành cho thiếu nhi, với những bản nổi tiếng, học sinh thời ấy không ai là không biết: Học Sinh Hành Khúc, Thằng Cuội, Ông Ninh Ông Nang.
 

NHỮNG CHIỀU ĐÔNG CUỐI NĂM – Thơ Khê Kinh Kha


   
                 Nhà thơ Khê Kinh Kha


NHỮNG CHIỀU ĐÔNG CUỐI NĂM
 
những chiều đông cuối năm ngồi nhớ quê hương
nhớ vắt cơm nếp nhớ cọng rau thơm nhớ vị ớt cay
nhớ mùi trầm trên bàn thờ ngoại
nhớ mẹ cha mắt mờ theo ngày tháng
nhớ em thơ từ cay đắng lớn lên
nhớ chị hiền theo chồng ra biên giới
nhớ họ hàng bỏ làng xóm ra đi
 
những chiều đông cuối năm ngồi nhớ quê hương
nhớ bạn bè đã chết nhớ những thằng còn sống
những thằng mặc cảm những thằng còn cầm súng
 
và nhớ Tĩnh nhớ Thục nhớ Phượng nhớ Sai-gòn nhớ Huế
 
những chiều đông cuối năm ngồi đốt thuốc tư lự
trên cành khô mùa thu nào đã chết
loài chim nào đã bỏ đi tình yêu nào đã vắng
nỗi hờn nào đã băng gía trong tim
kỷ niệm nào theo về trong lối gío
kỷ niệm nào vang vang lời tình xưa
kỷ niệm nào còn khua động trong hồn
 
những chiều đông cuối năm ngồi mong đợi
mà đã mong đợi hơn hai mươi năm
một cuộc tình êm dịu một ánh mắt trong
một nụ hôn một vòng tay một an ủi một sự thật
một hòa bình
 
những chiều đông cuối năm ngồi mặc niệm
những lãng phí nửa đời để lại lệ xót
và bây gìơ còn lại nỗi buồn trong mắt sâu
 
                                               khê kinh kha

BÃO MÙA XUÂN – Thơ Trần Vấn Lệ


  
                 Nhà thơ Trần Vấn Lệ


BÃO MÙA XUÂN
 
Bão mùa Xuân?  Không ai nói thế! 
Mà... tới kìa!  Ứa lệ đi, coi!
Tháng Ba Tây, mùa Xuân tới rồi,
Vẫn còn bão như tháng Mười Năm Ngoái?
 
Nếu bây giờ, anh với tôi cứ hỏi,
Ai trả lời cho thỏa dạ vừa lòng?
Chấp nhận nha!  Cơn bão mùa Đông!
Coi như Có, coi như Không... tự thân thời tiết!
 
Đáo Bỉ Ngạn là một điều cần thiết
khi cái gì rơi xuống nước, nổi lên.
Có thể nổi bồng bềnh
rồi trôi, trôi vô định!
 
Hồi Đầu Thị Ngạn cũng không ai tính
bến bờ nào may rủi tắp lên?
Giữa trời nước mông mênh,
niệm hai chữ "Vô Thường"... là mặc định!
 
*
Thuở chiến tranh có nhiều người trốn lính,
họ chết vì tai nạn rất vô duyên!
Cũng thuở chiến tranh, ai cũng nhủ sống hiền...
Thì anh thấy:  Sài Gòn Giải Phóng!
 
Lỗi chung của chúng ta:  không Nhân Chia Trừ Cộng,
Công đức của chúng ta:  mặc kệ chuyện Sang Giàu.
Mặt trời chiều đỏ rực đỏ au...
Chúng ta tưởng mặt trăng cũng vậy!
 
Và những gì anh và tôi nhìn thấy:
Bão Mùa Xuân... tự nhiên không mong!
Tôi có viết thêm, thơ được mấy dòng?
Thôi, không viết...để nhìn ngày xế bóng!
 
Thôi, không viết để nhìn ngày xế bóng
nhìn phù sa bao la bao la đại dương...
Ai ở trong lao, không giấu được nỗi buồn!
Ai trên biển... hiểu:  Không Còn Gì Để Tiếc!
 
                                                 Trần Vấn Lệ

NẮNG VƯỜN THIỀN, CẢM ƠN NGÀY MỚI – Thơ Tịnh Bình


   

 
NẮNG VƯỜN THIỀN
 
Man mác lòng ta cảnh đông tàn
Bốn mùa bình thản... lại xuân sang
Trăm hoa đua nở chào gió sớm
Ong đưa bướm lượn cảnh huy hoàng
 
Vạn vật hồi sinh như thắm lại
Tiếng chim trong trẻo nắng vườn thiền
Trà xuân thong thả tiêu dao khách
Rơi cánh mai vàng đóa uyên nguyên
 
Chuông xa đồng vọng không thương ghét
Chùa xưa phảng phất thoảng hương trầm
Tết đến xuân về người phơi phới
Nhành mai sân trước nụ cười thầm...
 

TÔI BIẾT – Thơ Đặng Xuân Xuyến


  
TÔI BIẾT
 
Tôi biết người ta cố quên tôi
Ước thề chỉ để thoảng đầu môi
Gặp tôi người cứ ne né vội
Như sợ chạnh buồn phía xa xôi
 
Tôi đã dằn lòng phải thế thôi
Người ta giờ đã khác xa rồi
Chữ tình khéo bẻ thành trăm lối
Dụ khách say tình, lén chuốc vôi.
 
Tôi sẽ về thăm lại lần thôi
Để nghe gió lạnh thốc mé hồi
Để xem u uẩn chiều loang lối
Để ngó mây trời lững lững trôi.
 
Hà Nội, ngày 06 tháng 03-2024
          Đặng Xuân Xuyến

VĂN CHƯƠNG HẠ GIỚI, TÌNH CHỪ, ƯU ÁI VỀ, MỒI, TỰ TỰ DO - Thơ Chu Vương Miện


   


VĂN CHƯƠNG HẠ GIỚI
 
rẻ như bèo *
viết mỏi cả tay lẫn cả chân
rụng rời cả mình
cong cả đuôi
mèo vẫn hoàn mèo
nghèo vẫn hoàn nghèo
có anh xơi cơm bằng tay
có anh đói meo
cứ mãi mãi một kiếp ku li
xưa thời phong kiến
sĩ phu sĩ thê nho sĩ
phủ phịc trước bệ
và chỉ only quỳ
mòn sân tướng phủ huyện
thời này đi đoong
thì giới văn nhân nghệ sĩ
đa số là khóc không cười
vừa khom lưng vừa cúi đầu
không dám ấm ức
miệng ngậm hột thị
chỉ cười ruồi
đủ mọi thời
vào luồn ra cúi
chỉ đồng tình cùng vỗ tay
một chuyện văn chương thôi cũng nhảm **
trẻ già lớn nhỏ giống nhau thôi?
bằng bằng trằc trắc nom mà chán
hết cà lơ chăm lại lẫn hời
thời thế lem nhem lâu dài quá
100 năm rơm cỏ rạ tơi bời
nhà văn An Nam khổ như chó ***
số phận phơi trần một trò chơi
 
* thơ Tản Đà
** thơ Tú Xương
*** thơ Nguyễn Vỹ
 

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

THƠ ĐUỔI CHIM – Trần Vấn Lệ


Nhà thơ Trần Vấn Lệ

 
THƠ ĐUỔI CHIM
 
Hôm nay chắc không mưa.  Không mưa thì trời nắng?  Hỏi ai đây?  Im lặng!  Im lặng.  Buồn.  Buồn ghê!
 
Ôi câu thơ không dè đuổi bay bầy chim sẻ, những con chim be bé, hoa đào tàn rụng theo...
 
Mới vừa Rằm Nguyên Tiêu, mặt sân còn ánh nguyệt long lanh thảm cỏ biếc, long lanh nắng bình minh...
 
Tôi nhìn cái bóng mình, một vệt dài như gió.  Gió sáng nay không có.  Ngọn cỏ không ai đùa!
 
Nắng vàng vàng như tơ áo dài ai óng ánh.  Hình như còn chút lạnh trên bàn tay ai kia... 
 
Bây giờ là ban khuya ở quê nhà em nhỉ...trên cái giàn thiên lý hoa từng chùm sao đêm!
 
*
Buổi sáng anh nhớ em, thơ vài câu thêm nhớ... nhớ thơ Nguyễn Đình Chiểu có hai câu dễ thương:
 
"Lời quê dù vụng hay hèn / cũng xin lượng biển uy đèn thứ cho!".
 
Em có nghe trong mơ xin chìa anh ngón út, anh tin anh níu được tình em cả đại dương...
 
                                                                                       Trần Vấn Lệ

ĐỌC “BÓNG NÚI VÀ ANH” THƠ VẠN LỘC - Châu Thạch


   

 
BÓNG NÚI VÀ ANH
(Nhớ nhà thơ Tường Linh!)
 
Duyên thơ mới được gặp anh
Bốn mươi năm nhớ thời xanh một thời
Yêu thơ lại được gặp người
Khiêm nhường bóng núi, dáng ngồi cao hơn
 
Nhớ anh, nhớ Ngũ Hành Sơn
Nhớ mây đầu ải Hải Vân, Sơn Trà
Mỗi làng, mỗi xóm anh qua
Quảng Nam đâu chỉ ruột rà yêu thương
 
Nhúm nhau mẹ chôn sau vườn
Quế Sơn, Trung Phước nương hồn về quê
Chim vịt kêu chiều đèo Le
Trà My, Tiên Phước, sơn khê chín chiều
 
Thơ anh từng chữ chắt chiu
Nỗi niềm xa xứ luôn neo tim người
Lúc vui đọc nghe thơ vui
Khi buồn thơ cũng ngậm ngùi với ta
 
Bây giờ vời vợi chiều xa
Ngó bóng núi, thương quê nhà thơ anh                     
  
                                              Vạn Lộc

BÀI TẠ ƠN, BÀI NGỢI CA, LỜI XIN – Thơ Lê Văn Trung


  

 
BÀI TẠ ƠN
 
Xin cảm tạ ơn đất trời độ lượng
Cho tôi còn biết khóc giữa đời vui
Cho tôi còn mỉm cười trong vô vọng
Tạ ơn Người soi sáng cuộc đời tôi
 
 
BÀI NGỢI CA
 
Câu thơ viết mười năm còn thơm mực
Tóc mùa xanh xin thắm lại hương rằm
Hoa vẫn nở giữa nghìn thu nhan sắc
Tạ ơn NGƯỜI - ĐẤNG - MẦU NHIỆM vô biên
 
 
LỜI XIN
 
Cho tôi xanh với mây trời
Xanh như từ thuở áo người còn xanh
Cho tôi những giọt sương lành
Long lanh như thuở nụ tình đơm hương
Cho tôi say với rượu nồng
Như lòng Xuân nữ say cùng men Xuân
Đi cùng tôi đến vô cùng
Cho tôi trọn nghĩa thủy chung với đời
 
                    Tháng Giêng, Giáp Thìn
                           Lê Văn Trung

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2024

DÙNG TỪ NGỮ “GA TÀU THỦY BẠCH ĐẰNG” NHƯ VẬY CÓ ĐÚNG KHÔNG? - Nguyễn Gia Việt



Lịch sử, văn hóa Sài Gòn đã có sự khó hiểu, sai lệch từ những năm sau này, khi mà chữ nghĩa Miền Nam đã bị thay đổi.
 
Lịch sử Bến Bạch Đằng đơn giản. Đây vốn là đất Kompong Luông vùng Sài Gòn. Pháp qua đặt tên đường từ cột cờ Thủ Ngữ tới công trường Mê Linh là Quai le Myre de Vilers, đoạn còn lại tới Ba Son là Quai d’Argonne.
 
Sau 1955 tổng thống Ngô Đình Diệm nhập hai đoạn đường lại đặt thành Bến Bạch Đằng. Kêu là bến vì đây là đại lộ ven sông, dưới là bến sông nhiều ghe tàu. Sau 1975 Bến Bạch Đằng bị xóa tên, đặt thành đường Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên người Sài Gòn vẫn kêu là Bến Bạch Đằng. Và nay xuất hiện “ga tàu thủy” tại bến Bạch Đằng.

THÁNG GIÊNG CHƯA CỎ NON – Trần Vấn Lệ


Nhà thơ Trần Vấn Lệ


THÁNG GIÊNG CHƯA CỎ NON
 
Tháng Giêng mưa liên miên, bão rập rình kéo tới, cỏ xanh trên triền núi chỉ là tuyết đang rơi!
 
Thế là tháng Giêng vui không như người ta đợi!  Tháng Ba Tây sắp tới, tháng Giêng mình vẫn còn...
 
Cái còn đây là buồn...vì không vui thì vậy!  Rét mùa Đông còn đấy, chim én xa chưa về...
 
Santa Barbara mưa lê thê, chỗ quê chim én trống.  Những mái vòm lồng lộng, gió luồn vô luồn ra...
 
Đây không tháng Giêng Ta -  người Việt mình rất ít.  Người Tàu cũng quên hết những ngày tháng phương Đông!
 
Chỉ cần qua con sông là bắp đồng hết ngọt! Chỉ nhìn đồng mía sót là thấy trời hoang vu...
 
Nhiều khi tưởng còn Thu vì hơi Thu phảng phất.  Mùa Đông đang là thật khi băng ngang Parking!
 
Bão rập rình rập rình... Ta hay mình, cam phận.  Little Saigon nắng hay mưa, đều ngỡ ngàng...
 
Nhiều người về Việt Nam hẹn tháng Hai trở lại... hèn chi cỏ tai tái... hèn chi tuyết bay bay...
 
Nói thật lòng, thẳng, ngay:  Tôi làm thơ cho có. Nhập đề, tôi nói cỏ...nhớ Mai Thảo, nhà văn!
 
Mai Thảo từng bâng khuâng khi quê nhà đổi chủ... Nhiều năm ông cú rũ ngó cánh đồng cỏ non...
 
Ngó lại mình:  không còn thanh Xuân lòng phơi phới!  Rồi thì đi để tới... những tờ lịch tả tơi...
 
Rồi thì đi để tới những tờ lịch tả tơi, những con nai lạc loài đứng trên đồi...tát gió!
 
Nhiều nấm mồ xanh cỏ.  Cỏ đó, màu...Thiên Thu!
 
Trần Vấn Lệ

THEO THỜI, EM, THƯ BẠN, CAO THẤP, TRÂU BÒ CHẾT – Thơ Chu Vương Miện


   


THEO THỜI
 
Thời nhà tranh vách đất
Thì cô đầu cô đít con hát
Khi nhà ngói thị thành
Có vũ trường và borden militaire
Kèn trống xập xình
Inh tai nhức óc
Có đủ loại Tây trắng đen nhẩy đầm
Có villa ngói đỏ ngói xanh
Có snack bar có sexy có cởi truồng
Có nhộng
Có quay phim và báo ảnh
Playboy
Chung chung thì cũng là cái Ấy
Cái bướm và con chim
Cu đất & cu cườm
 

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

TRỊNH CÔNG SƠN VÀ TÔI - Trần Hoài Thư

 


I. NGÀY SINH CỦA MỘT THIÊN TÀI...
    
Ngày 28-2-1939 là ngày sinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong nước, ngoài nước, bạn bè ông đang tưởng nhớ đến ông, người yêu nhạc ông đang tưởng tiếc ông, và người ghét ông chắc thêm một lần không vui hay muốn quên. TCS là một thiên tài được may mắn. Như một bông hoa quý được chọn từ một vùng đất mà nẩy mầm.
   
Thử xem. Nếu ông được sinh ra ở miền Bắc, thì chắc chắn sẽ chẳng có bao giờ có TCS, như chẳng bao giờ có thêm những sáng tác của Văn Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân mà ta ngưỡng mộ như trong thời tiền chiến. Hoặc nếu có chăng, thì nhạc ông sẽ như thơ Tố Hữu, càng làm say máu căm thù trong buồng tim buồng phổi của tuổi trẻ miền Bắc.
Bởi vì, làm sao miền Bắc có thể chấp nhận gia tài của mẹ, ca khúc da vàng, nỗi buồn nội chiến, hay những bản nhạc tình đầy ủy mị, lãng mạn, không một chút gì đảng tính…   
Hoặc TCS sẽ điên hay sẽ tự sát, hoặc “sinh Bắc tử Nam” không biết chừng.