BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

CHÙM THƠ VALENTINE CỦA QUÁCH NHƯ NGUYỆT


  


BE MY VALENTINE
 
Vào ngày lễ tình yêu
Ngạc nhiên, vui thật nhiều
Bất ngờ em nhận được
 
Vài chục đóa hoa hồng
“Be my Valentine” anh viết
Ngắn gọn nhưng tha thiết
Thêm nước hoa Chanel N°5
“I LOVE YOU” đi kèm
 
Em khóc mắt ướt nhèm
Khóc như ngày anh viết
Tình bạn mình bất diệt
Anh luôn chịu thua thiệt
Để làm bạn với em
 
“You’re my best friend”
Em nói thế nhiều lần
Anh trầm ngâm ngại ngần
Mĩm cười chẳng nói năng
 
Chả hiểu tại vì sao,
chúng ta lại xa nhau?
Xa nhau từ dạo ấy
Dẫu còn thương biết mấy
 
Valentine năm nay
Nhớ Valentine năm cũ
Tình bạn giờ ủ rũ
Huống chi là tình yêu?
 

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

KHÁI NIỆM TRIẾT HỌC TẠI SÀI GÒN TRƯỚC 1975 - Dương Ngọc Dũng


Về phương diện chính trị văn hóa có thể khẳng định ngay thành phố Sài Gòn là trung tâm của miền Nam, giống như Huế ở miền Trung hay Hà Nội ở miền Bắc. Cái gọi là triết học phần lớn phát xuất từ các trí thức Nam bộ có may mắn được đi học trường Tây và hấp thu văn hóa Pháp, chẳng hạn Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Trần Văn Giàu, Phan Văn Hùm, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long. Mặc dù tất cả những người này không ai được đào tạo chính qui trong ngành triết, nhưng do tình hình lịch sử khách quan đã tập trung sự chú ý của họ (tôi muốn nói Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, và Trần Văn Giàu) vào triết học, chủ yếu là triết học Marx. 

VỀ HIỆN TƯỢNG PHẠM CÔNG THIỆN – Như Hạnh

(Trích bài của Như Hạnh [Pháp danh của Giáo sư Nguyễn Tự Cường], PhD, Harvard University).
 

Nếu có thì giờ mời quý bác đọc trọn bài theo đường link sau:

https://tapchitriet.com/?p=598
 
Đa số những người lớn lên ở Saigon trước 1975 mà có lưu ý đến văn học, triết học thì hẳn cũng nghe đến cái tên Phạm Công Thiện. Theo tôi ông là một scandal [𝑠ự tai tiếng] học thuật đáng tiếc tạo ra bởi một nhóm Phật Giáo. Mà thương thay lại là nhóm elite [𝑡𝑖𝑛𝑙𝑜̣𝑐] của Phật Giáo, tức là nhóm chủ trương Đại Học Vạn Hạnh. Trước đó thì ông có viết báo và xuất bản mấy cuốn sách cũng chẳng ra thể thống gì. Cứ cho ông có credit [𝑡𝑖́𝑛 𝑐𝑖̉] là biết đọc tiếng Anh tiếng Pháp và cũng chịu khó đọc sách. Nhưng vì ông không bao giờ học đại học, ông thuộc loại “tự học miệt vườn”, lại thêm vì sống ở Việt Nam sách vở khan hiếm, cho nên đọc sách không có lớp lang, cuốn đực cuốn cái. Bất cứ cuốn sách ngoại quốc nào ông đọc được thì tác giả đều là “thiên tài”.
 

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

MUÔN NHÀ VIỆT – Thơ Ái Nhân


   
             Nhà thơ ÁI NHÂN
             Hội viên hội VHNT – Hưng yên
             Hội viên Nhà Văn Hà nội
             Đt: 0984470914

 
MUÔN NHÀ VIỆT
(Họa theo nhà thơ Vũ Do)
 
Nhà Văn, nhà Giáo, nhà Thơ
Nhà Trí thức gọi ước mơ con người
Nhà Rông, nhà Thánh, nhà Trời
Nhà Thể chất, nhà Vui chơi đón chào
 
Nhà Tù, nhà Đá, nhà Lao
Nhà Giam, nhà Khám nhốt bao tham tiền
Nhà Thương, nhà Thuốc, nhà Điên
Nhà Xác hẹn gặp lũ nghiền đua xe
 
Nhà Cỏ, nhà Đất, nhà Tre
Nhà Nghèo, nhà Khó, nhà Bè dân đen
Nhà Kiểu mẫu lắm ngợi khen
Nhà Thờ, nhà Mộ, nhà Đèn, nhà Binh
 
Nhà Lê, nhà Lý, nhà Đinh
Nhà Trần… đánh giặc thất kinh vạn đời
Nhà Dân, nhà Nước, nhà Trời
Nhà Vua mạt vận cũng thời phải thay
 
Nhà Ga, nhà Hát, nhà May
Nhà Xe tài xế khoe hay hại mình
Nhà Bác học, nhà Phát minh
Nhà Sáng chế, nhà Nghĩa tình, nhà Tư
 
Nhà Tâm lý với nhà Sư
Nhà Đài, nhà Báo nói như đúng rồi
Nhà Chung cư chín tầng giời
Nhà Bia tưởng niệm bao đời vẻ vang
 
Nhà Tang lễ, nhà Quản trang
Nhà Xanh, nhà Chứa, nhà Hàng sưa say
Nhà Choa, nhà Chú, nhà Mày
Nhà Anh… bài bạc có ngày ra đê
 
Nhà Nông, nhà Phố, nhà Quê
Nhà Mơ ước hẹn nhau về yêu thương
Nhà In, nhà Sách, nhà Trường
Nhà Trí tuệ Việt chỉ đường tương lai
 
Nhà Vuông, nhà Khám, nhà Dài
Nhà Quan tham nhũng trượt hoài vô đây
Nhà Tranh, nhà Lá, nhà Xây
Nhà Lều, nhà Bạt, nhà Tây, nhà Tầu
 
Nhà Hoang, nhà Thổ, nhà Cầu
Nhà Giàn, nhà Táng, nhà Dầu, nhà Công
Nhà Băng, nhà Khách, nhà Rồng
Nhà Biệt thự lắm bỏ không… gió lùa
 
“Nhà Rách vách đất”, nhà Chùa
Nhà Tạo mẫu khéo thêu thùa hoa văn
Nhà Tiêu, nhà Xí, nhà Ăn
Nhà Sạch đẹp khỏi lăn tăn đấy mà
 
Nhà Ông, nhà Bác, nhà Bà
Nhà Buôn mà lậu khéo là trắng tay
Nhà Cô, nhà Trẻ, nhà Thầy
Nhà Võ xin chớ vác chầy đe con
 
Nhà Bát giác, hay nhà Tròn
Nhà Hầm, nhà Khó héo mòn đắng cay
Nhà Dột từ nóc ai hay
Nhà Lò rực cháy năm nay vẫn hồng
 
Nhà Con, nhà Mẹ, nhà Chồng
Muôn nhà tình nghĩa mặn nồng… đáng yêu
 
                                                    ÁI NHÂN
..................
 
(115 - Loại nhà)
 

SAO TA CÒN Ở ĐÂY… - Thơ haiku của Trần Mai Ngân


   

 
SAO TA CÒN Ở ĐÂY…
 
** Chim bay về lối mây
Sao ta còn ở đây
Bầy Ve kêu như khóc!
 
** Buổi sáng pha tách trà
Con bướm bay la đà
Say tình một đóa hoa…
 
** Đôi môi sao run rẩy
Khi nói tiếng yêu em
Con Trăng trôi qua thềm…
 
** Nụ cười trong chiếc gương
Đôi mắt gửi người thương
Thoắt mây băng qua đường!
 
** Màu xanh của bầu trời
Đánh dấu một bình minh
Tĩnh tâm người thức dậy…
 
              Trần Mai Ngân

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2023

NGŨ XUẤT KỲ SƠN - Tam Quốc Chí ngoại truyện của Chu Vương Miện



Để cho cuộc Bắc Chinh kỳ này cho được vẹn toàn, Tướng phụ Khổng Minh Gia Cát Lượng góp ý với Hậu Chúa Lưu Thiện là mở một cuộc họp khoáng đại giữa hai bên, một là Ba Thục hai là Đông Ngô cùng hợp tác lao động, hợp đồng đánh úp tập thể quân Tào Ngụy, chơi một ván bài xả láng, rồi cho toàn quân giải ngũ không thèm đánh với chác nữa. Vốn là vua gật, nên tướng phụ nói gì là ô kê nấy. Cuộc họp song phương Ngô Thục diễn ra rất là hoành tráng bánh tráng ở Kinh Châu. Vua cậu là Tôn Quyền thì cũng có vẻ già nua, đi có người dẫn dắt, vua cháu là Lưu Thiện "tên cúng cơm là Ả Đẩu" thì toàn người bình thường, chỉ duy cái cần cổ là to mà thôi? Vì làm vua nhưng đại quyền trong tay tướng phụ nên chỉ only gật mà gật nhiều quá xá, nên bộ phận cổ phát huy và to ra. 

ĐỌC BÀI THƠ MÙA ĐÔNG “ĐI VỀ NƠI ĐÂU” CỦA HUỲNH TÚY HOA - Châu Thạch


Nhà bình thơ Châu Thạch

Vừa ăn tết xong, lòng đang vui khi đọc được bài thơ “Mở Cửa Trái Tim” của bạn tôi, nhà thơ Bụi Đời Trần Thoại Nguyên, tôi liền viết được ngay bài cảm nhận cho “Mở Cửa Trái Tim” ấy.
 
Sáng nay, nắng hồng xuân làm ấm áp bầu trời. Trong niềm cảm xúc thú vị đầu năm đó, tôi lại vui thêm khi tình cờ đọc được bài thơ không phải viết về mùa xuân mà ngược lại viết về mùa đông, không phải là của bạn tôi mà là của một người tôi chưa quen biết, thấy tên facebook là Tuy Hoa Huynh và bút hiệu đề dưới thơ là THH.
 

BẾN NẮNG – Thơ Tịnh Bình


  
                   Nhà thơ Tịnh Bình


BẾN NẮNG
 
Vàng hoa cải níu xuân vào bến nắng
Tháng Giêng trong ngọt mật ánh nhìn
Sông lơi lả khép hờ yếm thắm
Trộm nhìn ong tình tự với nàng hoa
 
Lặng lẽ lòng tràn ngập khúc bình ca
Bức tranh Giêng thơm nồng hương hoa cải
Hờ hững dáng đò nằm im gối bãi
Chuyến đò chiều vãn khách hàn huyên
 
Vài cánh én giữa trời xanh thơ thẩn
Mùa yên vui mây gió nắng giao hòa
Xuân quê hương thanh bình xứ sở
Đất mẹ bao dung muối mặn cay gừng
 
Rồi chút nữa mùa thành sương khói
Biệt xuân nồng lưu luyến tình vương
Vàng hoa cải bến sông quê hắt nắng
Trĩu nặng chuyến đò hình bóng quê hương...
 
                                               TỊNH BÌNH
                                                 (Tây Ninh)

ĐẦU NĂM ĐỌC “MỞ CỬA TRÁI TIM” THƠ TRẦN THOẠI NGUYÊN – Châu Thạch


             
                                          Châu Thạch và Trần Thoại Nguyên    

Suốt những ngày tết Quý Mão trời mưa lạnh, tôi nằm đọc thơ. Có lẽ một phần bị ảnh hưởng thời tiết làm tâm trí không phấn khởi, một phần không tìm thấy bài thơ nào gây cảm xúc bắt buộc tôi ngồi dậy để viết, nên tôi để cho lảng phí thời gian. 

Sáng nay, 12 tháng 1 Quý Mão, nhà thơ Trần Thoại Nguyên gắn thẻ vào trang facebook của tôi bài thơ “Mở Cửa Trái Tim” có mãnh lực làm cho tôi cảm tác đươc một bài thơ sáng tác nhanh để comment dưới bài thơ của ông và buộc tôi phải trổi dậy để viết hầu “mở cửa” cho cảm xúc lòng mình bay đi, biết đâu cũng làm lan toả niềm vui trong tôi đến một đôi người.

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023

ÔNG PHẠM CÔNG THIỆN – Gs Nguyễn Văn Trung

Việc ông Phạm Công Thiện phê phán kịch liệt GS. Nguyễn Văn Trung và thái độ im lặng khó hiểu của GS. Nguyễn Văn Trung được coi như một “nghi án” trong đời sống văn chương triết học của Sài Gòn trước 1975. Chúng tôi xin đưa bài viết của GS. Nguyễn Văn Trung đăng trên trang Thông Luận năm 2007 để làm rõ một vấn đề có liên quan, và cũng là “trả hết cho đời” những thị phi về những con người có ảnh hưởng lớn trong đời sống trí thức Sài Gòn trước đây, hiện họ đều cùng không còn trên “cõi người ta” nữa... 

Bài viết về Phạm Công Thiện là bài số 4 trong một loạt 7 bài viết dưới chủ đề “Nhìn Lại Những Chặng Đường Đã Qua” mà Gs Nguyễn Văn Trung viết từ năm 2003 ở Montréal và San Jose, sau được Thông Luận đưa lên năm 2007.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung


        ÔNG PHẠM CÔNG THIỆN
                                                          Giáo sư Nguyễn Văn Trung
 
Tôi nhìn lại “Những chặng đường đã qua” trong tinh thần cố gắng nhận ra trách nhiệm về phân minh những gì tôi đã viết, đã làm là đúng hay sai, đã gây hiểu lầm, phiền lòng, xúc phạm đến người khác hay đến những niềm tin xác tín của họ bất kể là thế nào. Trong ý hướng đó, tôi cũng nhận ra trách nhiệm của mình về những gì tôi đã không làm, những vụ đáng lẽ phải làm vì trực tiếp liên hệ đến tôi và trong tầm tay, khả năng của tôi. Tôi xin nói một trường hợp thôi, trường hợp Phạm Công Thiện.
 

PHẠM CÔNG THIỆN PHÊ NGUYỄN VĂN TRUNG – Theo Nhị Linh

Trước năm 1975, giới văn học nghệ thuật xôn xao về vụ “thiên tài nổi loạn” Phạm Công Thiện xuất bản cuốn “Hố thẳm tư tưởng”, dành một chương phê phán luận án tiến sĩ của giáo sư Nguyễn Văn Trung với một thái độ khinh bỉ, trịch thượng, mạt sát thậm tệ. Cuốn sách bán chạy, dư luận bàn tán sôi nổi. Sau đó, một nhóm phật tử Huế trích chương này thành cuốn sách nhỏ in vào mùa hè năm 1973. Xin mời đọc bài viết của Nhị Linh



        PHẠM CÔNG THIỆN PHÊ NGUYỄN VĂN TRUNG 
                                                                            Theo Nhị Linh
                
           
                          
Nhân nói chuyện này xọ chuyện kia, đề cập Phạm Công Thiện ngày sanh của rắn, tôi muốn lôi trở lại một văn bản ngày nay gần như tuyệt mệnh giang hồ, đúng số phận như tập thơ của Phạm Công Thiện, Ngày sanh của rắn bản in đầu (in số lượng hạn chế bên Pháp) gần như chưa ai nhìn thấy bao giờ.
 
Văn bản này (đúng ra là một bài viết cỡ 30 trang) mang tên Phê bình luận án tiến sĩ triết học của Nguyễn Văn Trung, không rõ viết và phát hành lần đầu năm nào nhưng được một nhóm phật tử Huế tái bản thành cuốn sách nhỏ in mùa hè năm 1973, ở "Lý do" đặt đầu sách có viết là không liên lạc được với tác giả nên cứ in ra như vậy.
 

XUÂN DIỆU BÌNH THƠ HUY CẬN

Xuân Diệu có rất nhiều lời bình về thơ của Huy Cận. Vậy thì hãy đọc thử xem từ góc nhìn của người nghệ sĩ, họ đã cảm nhận như thế nào về thi phẩm của nhau nhé!
 

    KHI NHÀ THƠ NÓI VỀ NHÀ THƠ
                              Xuân Diệu - Huy Cận
 
“Chàng như không ở trong thời gian mà chỉ ở trong không gian; người ta muốn tưởng linh hồn Huy Cận là đám mây kia, là nỗi hắt hiu trong cõi trời, hơi gió nhớ thương…
 
Trong thơ Việt Nam, nghe bay dậy một tiếng địch buồn. Không phải sáo Thiên thai, không phải điệu ái tình, không phải lời Li Tao kể chuyện cái tôi, mà ấy là một bản ngậm ngùi dài: có phải tiếng đìu hiu của khóm trúc, bông lau, có phải niềm than vãn của bờ sông, bãi cát; có phải mặt trăng một mình đang cảm thương cũng các vì sao? Tiếng rền rĩ dịu êm sẽ vấn lấy ta như một dải lụa ôm ấp một vết đau; tiếng len thấm thía vào hồn ta như khí hậu của núi đèo; tiếng làm thành sương, đọng lại trên mắt ta…Thơ Huy Cận đó ư? Ai nhắc làm chi những nỗi thê thiết của ngàn đời, ai động đến cái lớp sầu dưới đáy hồn nhân thế. Những lời muôn năm than thầm trong lòng vạn vật, ai thuật lại mà não nuột lắm sao?

NGỤY (LƯƠNG) - Tam Quốc Chí phụ lục của Chu Vương Miện



Sau mười bẩy năm, nam chinh bắc thảo, thừa tướng Khổng Minh Gia Cát Lượng cũng hơi oải tạm thời giao quyền hành lại cho các tướng Triệu Vân, Hoàng Trung, Ngụy Diên phò hậu chuá Lưu Thiện để về nguyên quán ở Long Trung [Kinh Châu]. Một là quá lâu chưa tế tổ, hai là thăm lại chốn cũ làng xưa xem thời gian đã thay đổi gì không? Căn nhà cũ ba gian một chái lợp cỏ thì người em út là Gia cát Quân vẫn bảo quản y như cũ, chỉ thêm người mới là vợ và các con cuả ngươì em út. Khổng Minh lấy trong bọc ra một túi vải đựng một số ngân lượng giao tận tay ngươì em út và căn dặn: “là trong ba ngày nữa thì sẽ làm tàm tạm cho anh một bữa tiệc gia đình, để mờì mấy vị bằng hữu cố cựu tới họp mặt nhậu bàn chuyện thiên hạ chơi cho nó đỡ buồn.
 

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2023

VIẾT BÊN Ô CỬA SỔ MÙA XUÂN – Thơ Tịnh Bình


  
                     Nhà thơ Tịnh Bình


VIẾT BÊN Ô CỬA SỔ MÙA XUÂN
 
Men theo đường bay vùng mây trắng
Những cuộc hành trình đến đi trong ý nghĩ
Là đỉnh núi cô độc
Chóp hoang vu sợ bước chân người
Không cả loài thú hoang
Mõm đá cố oằn mình dựng lên sừng sững
Vài bông hoa không rõ hình hài
Cố chen lấn cùng đám gai góc
Xua tan màn sương khói
Mùi âm khí lởn vởn
Dẫu đông tàn thèm chút hơi xuân
 
Xa xa là bóng núi
Quanh mình không một tiếng chim
Ô cửa sổ trống hoác
Mùa xuân dè dặt từng bước chân hoài nghi
Câu thơ trò chuyện cùng ý nghĩ
Đôi khúc rời lan man
 
Ghét cay ghét đắng màu cúc trắng
Màu tinh khôi giả dối
Sao không thể khước từ
Đôi bàn tay lấm láp
 
Biện minh vô vàn lý do
Chẳng muốn rời bỏ vùng an toàn mà đôi chân cứ chực muốn bay lên
Trên cao kia là nắng gió
Có lẽ chúng sẽ không còn êm đềm và lãng mạn như lời lũ chim thường tự huyễn hoặc
Con đường mòn là nơi trở về an toàn cho mọi bàn chân
 
Bên ô cửa sổ
Ngoài kia là mùa xuân
Vuột mất tứ thơ chưa kịp nghĩ
Vẫn không đành khép cửa đuổi xuân đi...
 
                                                                           TỊNH BÌNH
                                                                             (Tây Ninh)
 

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (2) - Nguyên Lạc

                                                 (Kỳ 2)


Rượu nho được làm từ quả nho. Từ nước ép quả nho, khi ủ ta được rượu Vang (tiếng Pháp: Le vin). Mời các bạn bước vào “khu vườn Rượu nho” rồi thưởng thức “Cam lồ thủy”.
 
Phần I
 
RƯỢU VANG
 
Vài câu nói thú vị về rượu vang:
– Rượu vang là một trong những điều văn minh nhất thế giới và mang lại một mức độ thưởng thức thống khoái hơn bất cứ thứ gì ta có thể mua được trên cõi đời này – Ernest Hemingway
– Đàn ông cũng giống như rượu vang: Một số để lâu sẽ thành giấm, nhưng một số càng “có tuổi” lại càng ngon – Giáo hoàng John XXII
– Tình yêu cũng như rượu vang. Có những loại vài tháng là uống được, nhưng cũng có loại phải lưu giữ rất nhiều năm để đạt độ cần thiết. Điều quan trọng không phải là sớm hay là muộn, mà là đúng lúc. Bởi mọi thứ đều có thời điểm của riêng nó. Vị rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm.
– Nếu muốn biết điều chân thật nhất của phụ nữ là gì, hãy để họ khóc. Nếu muốn hiểu đàn ông nghĩ gì, cứ để họ say.
 

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VÔ THƯỜNG TRONG MỖI SÁT NA – Thơ Quách Như Nguyệt


   


VÔ THƯỜNG TRONG MỖI SÁT NA
 
Nghe tin chị vừa qua đời
Tôi thấy thương tiếc buồn tơi
Khi sống chị luôn tính toán
Hà tiện từng “cent”, từng đồng
Bây giờ ra đi tay không
Chị chẳng mang được theo gì
Thương chị nước mắt tôi rơi
Mong chị đời đời yên nghỉ
 
Chị luôn bon chen, năng nổ
Một thân chống chọi với đời
Nóng tính, sẵn sàng gây hấn
Phấn đấu chẳng chịu thua ai
Hãnh diện có tiền, có của
Tích cóp chị chẳng dám xài
Chuyến đi chơi Canada
Rủ hai mẹ con đi cùng
Một mình chị làm tài xế
Chu đáo từng li từng tí
Phương An lần đầu thoải mái
Không phải lái xe đường xa
 
Thỉnh thoảng tôi than đau nhức
Chị đến cạo gió, bóp chân
Nay chị thoát kiếp trầm luân
Thương chị, thương gấp bội phần
 
Rất khỏe, thể thao mỗi ngày
Ăn uống kiêng khem cẩn thận
Nhìn chị khoảng hơn bốn mươi
Cho dù tuổi thật sáu tám
Vừa trẻ, vừa khỏe, tốt tươi
Nên khi bất thần nghe tin
Chị đã vĩnh biệt cõi đời
Thảng thốt, tôi buồn vời vợi
 
Còn sống, ta quý thương nhau
Giữ cho tình bạn lâu dài
Cần chi mê đắm miệt mài
Đời sống tưởng dài mà ngắn
Vô thường trong mỗi sát na
“Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả” *
Sự chết cách nhau hơi thở
Chỉ cần một hơi thở thôi!
Thở vào chẳng thể thở ra
Thở ra chẳng thể thở vào
 
Nay chị từ giã cõi đời
Tiếc thương chị quá chị ơi!
Tôi làm thơ cho đỡ buồn
Cố gắng sống tốt luôn luôn
 
Bây giờ nằm trong huyệt lạnh
Hết nhìn hoa trắng, trời xanh
Chị đang lênh đênh cõi nào?
Mong chị bình an miên viễn
Không còn lo lắng, ưu phiền
Ngủ yên, hạnh phúc triền miên
 
                 Quách Như Nguyệt
                  January 31, 2023
 
*2 câu này trong bài thơ “Người Biết Sống Một Mình” của thầy TNH

QUÂN THẦN, THÙ BẠN - Tam Quốc Chí ngoại truyện của Chu Vương Miện



Cuộc chiến ở Tam Giang Khẩu tức một nhánh sông Trường Giang tức Xích Bích (biên giới hai tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam) kết quả như mọi người trông thấy và mơ ước, nên có một phiên họp khoáng đại cuả tất cả các thành phần, thua và thắng. Biên cương phần dã lấy thước tây do phân chia rõ ràng, ai khiếu nại thì đưa ra vấn đề ngay bây giờ. Chớ mai mốt để lâu cứt trâu hoá bùn, thì moị chuyện khiếu nại không có ai mang ra xử cả. Trên bàn chủ toạ đoàn thì có các vị tên tuôỉ như sau đây:
 

PHÙNG HIỆU “SỬA THƠ” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN – Vũ Thị Hương Mai

Chúng tôi vào trang web Văn Chương Phương Nam xem, không thấy bài thơ LỠ XUÂN của Đặng Xuân Xuyến đăng ở đây. Có lẽ trang web Văn Chương Phương Nam đã gỡ bài này rồi. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đăng bài bạn Vũ Thị Hương Mai gửi, vì cho đến sáng ngày 06/02/2023 khi bạn Vũ Thị Hương Mai gửi bài cho chúng tôi, bài thơ LỠ XUÂN của Đặng Xuân Xuyến còn chưa được trang Văn Chương Phương Nam gỡ.


 *
"Lỡ Xuân" là bài Tứ tuyệt độc vận về mùa Xuân với vần "uân" rất hay:
 
LỠ XUÂN
(với NTT)
 
Lại tiếng em cười rộn nắng xuân
Lại ngẩn ngơ xuân mấy mươi tuần...
Ờ, ngày năm ấy, xuân chớm nhuận
Ta nỡ vụng về để lỡ xuân.
 
Hà Nội, 19 tháng 02-2021
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
 
Bốn câu, câu nào cũng có từ xuân nhưng mỗi câu là mỗi tâm trạng, mỗi hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau nhưng hợp lại cả 4 câu lại tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh của một sự hối hận tiếc nuối của chàng trai đã vô tình bỏ lỡ mất một tình yêu trong sáng, đẹp đẽ. Điệp từ "Lại" làm tăng thêm sự tiếc nuối khi thi nhân gặp lại "tiếng cười rộn nắng xuân" của người thiếu nữ: Một hình ảnh ấm áp, tươi trẻ, rất đẹp nhờ chữ "rộn" đặt đúng vị trí trong câu thơ, và hình ảnh ấy, tiếng cười ấy khiến thi nhân phải lặp lại cảm giác "ngẩn ngơ xuân mấy mươi tuần", mà thêm lần nữa tiếc nuối, tự trách sự vụng về của mình trong quá khứ đã để "lỡ xuân", lỡ mối duyên tình vừa "chớm nhuận".