BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

TIẾNG LÒNG - Thơ Hoàng Yên Lynh


        
                          Nhà thơ  Hoàng Yên Lynh                       


TIẾNG LÒNG
                         
Buồn xuống ngang vai sầu cô quạnh
Rừng chiều chuếnh choáng bước loanh quanh
Rượu rót không đầy ngăn dĩ vãng
Thương nhớ hoen vàng giọt nắng hanh.

Chim rừng gọi bạn về xây tổ
Ta gọi đời ta cuộc tỉnh mê
Gươm cùn rượu nhạt trăng lều cỏ
Hỏi người, người có nhớ đến ta.

Chiều lại buồn rồi ta đối bóng
Tình như sương khói giữa mênh mông
Thời gian đã nhuốm từng sợi bạc
Ơi đất khách hề! Kẻ bại vong...

Ta uống cho đời ta ly cạn
Chỉ với rừng thôi rượu tri âm
Rừng khuya thác đổ ta bầu bạn
Nhân nghĩa tình đời mây khói bay.

                                 Hoàng Yên Lynh

MỘT CÂU HỎI, LỬA TÌNH... - Thơ Tịnh Đàm


   
                 Nhà thơ Tịnh Đàm


MỘT CÂU HỎI

Vẫn còn đó... một nỗi buồn
Tôi không biết nữa... Cội nguồn vì đâu ?!
Còn
Cứ da diết...
Cứ rưng sầu !
Đôi khi
Chợt lắng vào sâu đáy hồn !
Hỏi tôi
Với những bồn chồn
Thấy chiều tím nẻo hoàng hôn ..
Chạnh lòng !


LỬA TÌNH...

Lửa tình
Thắp ở mắt, môi
Đủ không em ?
Nỗi bồi hồi anh trông.

Anh xin làm gió phiêu bồng
Mang lời yêu
Rải...
Cánh đồng mơ em.

         TỊNH ĐÀM
(Hóc Môn,TP. HCM)

GIÁ NHƯ... - Thơ Quang Tuyết


   
                 Nhà thơ Quang Tuyết


GIÁ NHƯ...

Giá như trời cho giọng hát hay
Tôi sẽ ôm đàn...
Hát những bản tình ca từ thơ mình sáng tác
Để nhịp con tim theo từng nốt nhạc
Là lòng tôi gởi gắm đấy người ơi
Thăng, trầm thổn thức chơi vơi
Rồi trăn trở theo mệnh đời dang dở
Thả ngu ngơ vào mây bay sóng vỗ
Vào tiếng mưa
Vào hơi thở yêu thương
Để bước đi như vó ngựa can trường
Tan vỡ
Chia ly
Không làm chân chùn bước
Ai có biết
Bài ca là toa thuốc
Dịu cơn đau lành vết sướt tình xưa
Em sẽ hát
Chẳng cần hay anh nhỉ?
Từ những bài thơ
Hoà cung bậc cứ như mơ

                  Quang Tuyết

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC: “CON CUỐC GỌI HÈ” – Đỗ Chiêu Đức


         Ã„á»— Chiêu Đức
                           Tác giả Đỗ Chiêu Đức
 
                
        ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC: “CON CUỐC GỌI HÈ” 
                                                                       Đỗ Chiêu Đức
                               
          Ai xui con cuốc gọi vào hè,
          Cái nóng nung người nóng nóng ghê

     Con Cuốc, ta còn gọi là Con Chim Quấc, đồng âm với chữ Quốc là Nước; tên chữ Nho là Chim Đỗ Quyên với thành ngữ Đỗ Quyên Đề Huyết như sau :

    ĐỖ QUYÊN ĐỀ HUYẾT  杜鵑啼血: là Chim Đỗ Quyên kêu đến mửa máu miệng ra vì nhớ nước thương dân. Chim Đỗ Quyên còn có tên là Đỗ Vũ, Tử Quy, Tử Quyên, giới bình dân Miền Bắc gọi là Con Quốc, Miền Nam gọi là con Cuốc.
Đỗ Quyên kêu suốt ngày đêm từ đầu xuân cho đến cuối hạ, sang thu thì tắt tiếng. Tiếng cuốc kêu đều đều trầm buồn gợi nhiều cảm xúc trong những đêm hè và khi há miệng ra kêu thì da bên trong miệng toàn một màu đỏ, nên mọi người lầm tưởng là chim kêu đến thổ huyết mà chết.
Khoảng thời gian chim cuốc kêu lại nhằm lúc có một loại hoa đỏ thắm nở rất đẹp khắp núi đồi, nên dân gian lại truyền tụng rằng : Hoa có màu đỏ thắm là do nhuộm máu của chim Cuốc thổ ra, vì thế mà gọi loài hoa đẹp đó là Hoa Đỗ Quyên. Theo như bài thơ Ngũ Ngôn của Thành Ngạn Hùng 成彦雄 đời Đường như sau :
                 
          杜鵑花與鳥, Đỗ Quyên hoa dữ điểu,
          怨艷两何賒, Oán diễm lưỡng hà xa.
          疑是口中血, Nghi thị khẩu trung huyết,
          滴成枝上花.  Trích thành chi thượng hoa !

Có nghĩa :

      *  Đỗ Quyên là tên của hoa và của cả chim,
      *  Một bên là oán hờn, một bên là đẹp rực rỡ, hai bên cũng
          không xa cách là mấy, nên...
      *  Ngờ là máu ở trong miệng (của con chim) đã...
      *  Nhỏ xuống nở thành hoa đẹp ở trên cành !

Diễn Nôm :

         Đỗ Quyên chim với hoa,
         Oán đẹp có nào xa.
         Ngờ là máu trong miệng,
         Nhỏ xuống cành nở hoa ! 

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

VỊ VÕ QUAN TRIỀU NGUYỄN CỦA LÀNG ĐIẾU NGAO (ĐÔNG HÀ, QUẢNG TRỊ) - Hoàng Triêm sưu tầm


   
                Đền thờ Ngài Phó Vệ uý Cẩm y Hoàng Văn Quý


VỊ VÕ QUAN TRIỀU NGUYỄN CỦA LÀNG ĐIẾU NGAO (ĐÔNG HÀ, QUẢNG TRỊ)

Ngài Phó Vệ uý Cẩm y Hoàng Văn Quý thuộc chi Đệ Nhị, họ Hoàng Phái Nhất, làng Điếu Ngao, nay là Phường 2, Thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị.
Nhân kỷ niệm 178 năm ngày mất của Ngài, để tỏ lòng ngưỡng vọng đối với vị Võ quan triều Nguyễn đã “Vị quốc vong thân”, chúng tôi xin trích dẫn những tư liệu lịch sử có liên quan đến hành trạng của Ngài được sách Đại Nam Thực Lục (Phần chính biên), bộ sử ký viết theo thể biên niên của triều Nguyễn ghi chép:
• Tháng 9 năm 1833 (Minh Mạng thứ 14) “Cho Cai đội vệ Cẩm y Hoàng Văn Quý làm Quản cơ, Thự Phó vệ uý vệ Định Võ, Tả dinh quân Thần Sách phải đi ngay Sơn Tây đốc suất vệ binh và đóng lại đồn thú ở đó”. ( Đại Nam Thực Lục, NXB Giáo Dục, tập 3, trang790).
• Tháng 2-1834 ( Minh Mạng 15 ) “Nhân việc Đề Đốc đạo Trấn Tĩnh, tỉnh Nghệ An đánh nhau với giặc Xiêm bị thua. Thự Phó vệ uý vệ Định Võ Hoàng văn Quý được lựa phái mang 100 quân đến Tấn Sở, Quy Hợp, Nghệ An đóng giữ quân lương làm thanh thế cứu viện từ xa” (Sách đã dẫn, tập 4, trang 80).
• Tháng 3-1840( Minh Mạng 21) “Cho Phó vệ uý vệ Hậu dinh Long Võ Hoàng Văn Quý đổi bổ làm Phó vệ uý vệ Cẩm Y chuyên quản các đội quân Thường Trực và Trường Trực”. (Sách đã dẫn, tập 5, trang 812).
• Tháng 9-1840( Minh Mạng 21).
“Vua sai Phó vệ uý Cẩm y Hoàng Văn Quý đi An Giang, đều theo thượng ty sở tại sung đem lính dõng tới nơi quân thứ đánh dẹp”. (Sách đã dẫn, tập 5, trang 675).
• Tháng 10-1840( Minh Mạng 21).
“Chuẩn cho Tổng Đốc Dương Văn Phong rút về An Giang, đốc suất với Thự Lãnh Binh Nguyễn Duy Tráng và Quản Vệ ở Kinh phái ra Hoàng Văn Quý chia đi các huyện Thượng Phong, Phong Nhương ở Nghi Hoà và Hà Âm, Hà Dương ở Tịnh Biên, tìm bắt bọn giặc đều có chuyên trách”. (Sách đã dẫn, tập 5, trang 820).
• Tháng 11-1840( Minh Mạng 21).
“Vua dụ: Xem lời tâu thì Lê Quang Huyên tựa hồ có ý sợ khó, tránh chỗ nọ tới chỗ kia, không nghĩ đến việc nước. Chuẩn cách bỏ hàm Tham Tri Bộ Binh. Còn Dương Văn Phong thì lập tức cùng với Lãnh Binh Nguyễn Duy Tráng và Quản Vệ Hoàng Văn Quý đi ngay đến Tịnh Biên đánh dẹp, nhận việc ấy làm trách nhiệm của mình”. (Sách đã dẫn, tập5, trang 845).
• Tháng 11-1840 (Minh Mạng 21).
“Dương Văn Phong về đến An Giang, thương lượng và uỷ cho Nguyễn Duy Tráng mang 300 quân đi đến phủ hạt Tịnh Biên đánh dẹp, còn mình và Hoàng Văn Quý quản lĩnh 700 binh dõng thẳng đến phủ hạt Nghi Hoà. Lúc này ở huyện Phong Nhương có bon giặc đang tụ họp, Tổng Đốc Dương Văn Phong và Quản Vệ Hoàng Văn Quý đã đánh tan bọn thổ phỉ, số còn lại đều chạy trốn vào rừng”. ( Sách đã dẫn, tập 5, trang 851).
• Tháng11-1840. “Tin thắng trận tâu lên, Vua khen ngợi, thưởng cho quan quân đi đánh chuyến ấy Cấp, Kỷ, tiền bạc có thứ bậc. Lại dụ rằng, chuẩn cho Dương Văn Phong liệu lượng để lại cho Hoàng Văn Quý cùng 300 đến 400 biền binh chuyên ở Nghi Hoà còn Dương Văn Phong lập tức quay về Tịnh Biên đốc suất cùng Nguyễn Duy Tráng đánh dẹp cho yên mặt ấy”. (Sách đã dẫn, tập 5, trang 852).
•T háng 1-1841 (Thiệu Trị thứ nhất). “Bọn giặc tụ họp ở xứ Liệt Điệt, Hà Tiên. Tổng Đốc Dương Văn Phong cùng Cẩm Y Phó vệ uý Hoàng Văn Quý cùng chia đường tiến đánh, lấy luôn được bốn đồn, thừa thắng chuyển sang ở Cần Sư. Phong cùng Lãnh Binh Nguyễn Duy Tráng và Phó Vệ Uý Cẩm Y Hoàng Văn Quý, Quản Cơ Trần Tri và Trần Văn Hoằng đẵn phá nơi đường tắt hiểm trở, đánh phá được sào huyệt của bọn giặc ở hai núi Chân Chiêm và Tham Đăng. Lại phục binh ba mặt đánh ập lại, chém ngay ở mặt trận được ba tên đầu mục và 20 tên đồng đảng, còn thì bắn chết đâm chết cũng nhiều, lấy được khí giới các hạng. Vua thấy quân ta thắng luôn mấy trận rất khen ngợi, thưởng cho các loại nhẫn vàng, kim tiền Phi Long hạng to, nhẫn vàng mặt thuỷ tinh cùng gia thưởng Quân công kỷ lục có thứ bậc”. ( Sách đã dẫn, tập 6, trang 44).
• Tháng 2-1841(Thiệu Trị thứ nhất).
“Nghe tin bọn giặc có 2000 đứa tụ họp ở cổ thành Lò Gò, Phong lập tức chia quân làm 3 đạo sấn lên trước đánh dẹp rất dữ, các đạo quân chém được mười thủ cấp, đâm và bắn chết vài chục tên giặc, giặc bỏ thành chạy trốn. Dương Văn Phong lại dâng tập Thỉnh An: đến như vùng Nghi Hoà thần xin tự mình cùng Quản Vệ ở Kinh phái ra là Hoàng Văn Quý tự đem binnh dõng đi đến nã bắt bọn thổ phỉ (giặc Chân Lạp, giặc Man). Vua chuẩn y, thưởng cho Phong và Quý tiền, áo quần và nhẫn vàng”. (Sách đã dẫn, tập 6, trang 94 và 95)
•Tháng 3-1841 (Thiệu Trị thứ nhất). “Bọn giặc Thổ và giặc Thanh trốn vào các xứ Mã Tộc và Sóc Trăng, đồ đảng đến hơn 6000 tên. Phong tập hợp binh dõng được hơn 1200 quân, chia làm 3 đạo. Phó vệ uý Thần cơ Trung vệ Phạm văn Đại, Phó cơ Chu văn Tuyên, Nguyễn văn Nội đốc suất quân Trung đạo. Phó quản cơ Nguyễn văn Tuấn, Thí sai (tập sự) Phó cơ Nguyễn văn Niên, Bang biện ( trợ lý ) Phó cơ Nguyễn văn Nhạn, Lê văn Thú đốc suất quân Tiền Đạo. Phó vệ uý Cẩm y Hoàng văn Quý, Thí sai Phó cơ Trần văn Nguyệt, Bang biện Phó cơ Nguyễn văn Long đốc suất quân Hậu Đạo, định ngày tiến quân đi đánh. Đến ngày tiến quân Tráng ra hiệu cho quân các Đạo tiến vào. Lúc ấy bọn giặc đương mở tiệc uống rượu, đều bỏ chạy trốn. Các binh dõng đi đấy đều tranh nhau xông vào, người thì cướp lấy tài vật, kẻ thì ngồi xuống ăn uống, ngã cờ, vất khí giới, không chuẩn bị một chút nào. Bọn giặc thừa cơ đánh úp toán quân Hậu Đạo, giết hại quân lính, cướp lấy súng và khí giới. Hoàng văn Quý kêu gọi quân cứu viện, Tráng nói truyền đi là không có quân nào cứu viện được. Bọn giặc nghe thấy nói thế, càng đánh gấp. Văn Quý và Văn Nguyệt đều bị bọn giặc đâm chết, quân Hậu Đạo bị tan rã, quân hai đạo Trung và Tiền vất cả khí giới mà chạy” .
Ngoài những trích dẫn từ sách Đại Nam Thực Lục ở trên, một số thông tin có liên quan đến ngài Hoàng văn Quý từ những nguồn khác được trích dẫn lại:
“Trấn thủ Nam Định Lê Mậu Cúc, Phó Vệ uý Trang võ Phạm văn Toản, Phó Vệ uý Cẩm y Hoàng văn Quý, Cai đội Nguyễn văn Hoà, Hồ văn Vạn, Mai văn Biên, Nguyễn văn Phú, Thành Thủ uý Dương Phúc Tứ, Án sát Thái Nguyên Nguyễn Mưu đều người huyện Đăng Xương và lần lượt chết trận được liệt thờ ở đền Trung Nghĩa”. ( Đại Nam Nhất Thống Chí, NXB Thuận Hoá, Tập 1, trang 289).
• Trong văn tế hàng năm ở đình làng Điếu Ngao, “Trước năm 1972, sau tiên tổ 5 Họ, danh sách mời kế tiếp là:
- Đinh Tri phủ quý công.
- Cai tổng nhị vị.
- Chánh phó lãnh binh Hoàng quý công tam vị: đây là ba ngài thuộc họ Hoàng 1, theo ông Hoàng văn Dự, chỉ hai ngài làm chánh phó lãnh binh thật, còn một ngài được triều đình phong tặng vì đã sinh hạ ra quan. Các vị này, vì có công đức với làng, được làng đưa vào thờ ở đình làng, gọi là hâu thần.” ( Hoàng Đằng, Chuyện Làng Tôi, trang 19).
“Ngài được Triều đình Huế tặng Phấn Dũng Tướng Quân. Sau khi hy sinh Ngài được phong tặng Phó Lãnh Binh, có án thờ tại đình Trung Nghĩa từ năm 1847 ở kinh thành Huế. Thân phụ ngài có Sắc tặng Tín Nghĩa Đô Uý, thân mẫu có Sắc tặng Vi Cung Nhơn. Sau khi Ngài hy sinh, con trai trưởng của Ngài được Tập ấm Phó Quản Cơ, cháu nội trưởng của Ngài được Sắc tặng Tùng Tinh Anh- Danh Giáo Dưỡng”. (Gia phả gia đình) .
• Gia phả viết: “Ngài hy sinh tháng 3 năm 1841, thi hài không mang về được quê nhà, gia đình làm mộ gió và nhờ thầy Pháp chiêu hồn liệm cốt”.
Chúng ta cùng kính cẩn nghiêng mình trước anh linh ngài Phó Vệ uý Cẩm y Hoàng văn Quý nhân kỷ niệm 178 năm ngày mất của Ngài, Người đã hy sinh thân xác của mình để giữ vững cương thổ và mở rộng bờ cõi ở vùng đất phương Nam của Tổ Quốc.

                                                                    Hoàng Triêm sưu tầm
                                                                         (Tháng 3 / 2019)

            


EM ĐÃ YÊU- Thơ Hồng Thúy, nhạc Đỗ Quân, ca sĩ Lâm Dung


 


      

Thơ: Hồng Thúy
Nhạc: Đỗ Quân
Trình bày: Lâm Dung

                

THỜI GIAN - Nguyễn Thị Vĩnh Phước


      


         THỜI GIAN                                                               
                                                        Nguyễn Thị Vĩnh Phước

“Thời gian không đo lường bằng năm tháng mà bằng những gì chúng ta làm được.” (H.Cason)                                                                                                                                                                     
Trời cuối hạ với những cơn mưa chiều bất chợt đôi khi làm tôi xốn xang nhớ về những cơn mưa của tháng ngày xa xưa. Ngày ấy, đối với tôi có khi như vừa mới hôm qua, cũng có khi như đã quá xa xôi trong miền dĩ vãng… Giã từ quê nhà Lam Thủy tôi theo gia đình chồng vào miền Nam tìm kiếm cuộc mưu sinh. Bước thẳng vào cuộc sống mới toanh - ở cái nơi chốn mà chưa hề hình dung ra được trong trí tưởng tượng của tôi. Đó là một vùng đất bỏ hoang lâu ngày nên cỏ tranh và lau sậy ngút ngàn.  
 

CHỊ TÔI... - Quang Tuyết


           
                               Chị Thủy An


             CHỊ TÔI...
                                   Quang Tuyết

Viết về chị cả đời không hết chuyện... Khen suốt ngày cũng không cạn ý, và có cố gắng học mãi đức tính tốt của chị cũng khó thành công vì đó là bẩm sinh.
Chỉ mỗi phong thái ngồi, đi... của chị thôi mà tôi học hoài sao cứ lóng cóng vụng về, đừng nói chi đến lời ăn tiếng nói điềm đạm, ôn nhu cùng lối xử thế luôn một mực nhẹ nhàng với tất cả mọi người chung quanh...
Tôi không nhớ là đọc ở đâu bài viết về những người mẹ, người chị Việt Nam..., những hình ảnh và nội dung bài viết làm tôi liên tưởng đến chị: Nhu mì, hiền thục, chu đáo và hy sinh... Chưa hết, còn tiềm ẩn trong lòng một chữ TÂM đậm nét.

CON ĐI TÌM LẠI MÌNH - Thơ Nguyễn Thành Tâm


   
                    Nhà thơ Nguyễn Thành Tâm


CON ĐI TÌM LẠI MÌNH

Quá nửa đời con chợt biết thương mình
Bỏ hành trình hư danh con về bên mẹ
Chút nắng đầu mùa chưa đốt khô cây cỏ
Đã thấy lòng cháy khúc hạ sang

Con thả mình vào chốn mênh mang
Nghe tiếng gà, trưa bình yên đến lạ
Con về đun lại bữa cơm bằng lửa rạ
Gội tóc bằng hoa lá làng quê

Con về bỏ giày cao gót chạy dọc triền đê
Thèm thả cánh diều mải mê dĩ vãng
Con về ôm mẹ xin một ngày quên mình đã lớn
Quên bộn bề phía thành phố xôn xao

Tìm bình lặng
trong mùi mồ hôi áo mẹ tự thuở nào
Ứa nước mắt khói lam chiều vờn quanh xóm
Vui thắt lòng tiếng làng quê chộn rộn
Quá nửa đời con lại đi tìm con

Ở thành phố
con lạc mình mẹ ạ
Thành phố ồn ào vội vã
Con trầm mình trong câu thơ rơi

Chẳng biết tại sao con làm thơ mẹ ơi
Câu thơ rơi ngay trang Toán con đang viết
Đi qua bão giông con nào đâu biết
Sẽ có lúc ngồi mải miết làm thơ

Những câu thơ chưa biết luật bao giờ
Cứ xối xả như mưa mùa nước lũ
Như khát vọng ngàn đời chưa đủ
Mà cũng chỉ là ảo vọng rồi thôi

Con về nhìn mẹ tảo tần để lau giọt lệ rơi
Lại đức hạnh như lời mẹ dạy
Nhặt khói lam chiều, gom tiếng quê vời vợi
Con mang đi để không lạc giữa thị thành

                                Nguyễn Thành Tâm
                                (Viết đầu năm 2016)

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

QUÊ HƯƠNG - Thơ Hiệp Kim Áo Tím


    
                              Nhà thơ Hiệp Kim Áo Tím


QUÊ HƯƠNG

Trong lòng ai cũng có quê hương
Người mẹ già một nắng hai sương
Bát gạo thơm tay người vất vả
Đường con về với cả yêu thương

Dòng sông tuổi thơ ngày trốn học
Hoa phượng đầu bờ hái rước dâu
Tắm sông bạn bè cười trêu chọc
Ngày tháng qua rồi nay còn đâu

Ta yêu những con đò đơn độc
Đưa bao thế hệ trẻ qua sông
Về chốn xưa ai buồn muốn khóc
Cảnh vật đổi thay xót xa lòng

Quê hương của con là lòng mẹ
Nhớ tiếng à ơ suốt đêm hè
Ngủ đi con mai này sẽ lớn
Khoảnh khắc này nhớ mãi con nghe

Mẹ yêu ơi... đi xa con nhớ
Từng câu Kiều và những giấc mơ
Tiếng ai hát ru đời ta mãi
Quê hương muôn đời là bài thơ...

                    Hiệp Kim Áo Tím
                    Đà Lạt, 16/3/2018

XA XĂM THÁP CỔ - Thơ Châu Thanh Thủy


   


XA XĂM THÁP CỔ

Sáng nay trên tháp cổ Chăm
Nắng reo với gió, rêu nằm rong phơi
Ta làm vũ nữ trông vời
Năm mong, tháng nhớ, ai người xa xăm?

Thời gian mòn mỏi dấu chân
Phai sương mái tóc, người gần hóa xa!

                               Châu Thanh Thủy
                                   17 - 3 - 2019

THÁNG BA LỖI HẸN - Thơ Trần Mai Ngân


   
                                  Nhà thơ Trần Mai Ngân


THÁNG BA LỖI HẸN

Hít hà... tháng Ba đánh rơi hò hẹn
Em quay lưng cúi mặt nói... đừng anh...
Hôm ấy trời chẳng xanh đâu... mưa giông
Từ chối anh, em bão tố trong lòng...

Hít hà tháng Ba nắng hanh vàng cháy
Đốt rụi tình nhen nhúm đã từng lâu
Từ chối anh em giấu biệt nỗi sầu
Cay mi mắt lòng đau ai thấu tỏ

Hít hà tháng Ba cung đường bỏ ngỏ
Em giận hờn không duy chỉ mình em
Chất ngất này em sẽ mãi lặng im
Đâu cần nói nghĩa là yêu đã hết

Hít hà tháng Ba ngọt ngào mỏi mệt
Em không cần vì đã hoá hư vô
Chuyện xưa nay em chôn lấp vào mồ
Hương và khói bay lên lời ly biệt !

                             Trần Mai Ngân
                                 18-3-2019

CHÙM THƠ TÌNH NGUYÊN LẠC


       
                         Nhà thơ Nguyên Lạc


1. HỜN DỖI

KHÚC TÌNH 1

Có chút sầu bi trong mắt em ?
Chiều rơi bên đồi vắng êm đềm
Môi ngoan không tiếng dù than trách
Chết điếng hồn tôi yêu lắm thêm !

Có nỗi niềm chi trong mắt ai ?
Lặng im ngồi dõi áng mây trời
Dáng gầy tóc xỏa bờ vai mỏng
Buồn hỡi người ơi nhói tim này !

Có giận hờn không trong mắt nâu ?
Buồn giăng sợi nắng phai ngang đầu
Ve ơi thôi nhé đừng vang tiếng
Kẻo phượng hồng rơi mắt lệ nào!

Hè nơi xứ lạ không phượng thắm
Chỉ tiếng ve thôi đủ sầu đời!

Nhớ ơi mắt lệ chiều xưa ấy!
Có cách nào quên mối tình đầu?!


KHÚC TÌNH 2

Nói đi em kẻo nắng phai
Chiều nghiêng bóng xế thở dài với tôi
Khẽ nhe em chuyện buồn vui
Để tôi vẫn thấy nụ cười hồn nhiên
Dỗi chi em để mưa nghiêng
Thấu tôi nỗi lạnh hồn phiền muộn thôi!

Chiều nay cô lữ bên trời
Dương lam màu nhớ một thời đã xa
Nhớ làm sao mắt lệ nhòa
Thương gì đâu những xót xa tình đầu!

Dại khờ rồi cũng qua mau
Thời gian để lại nỗi sầu tóc ai
Tình đầu như sợi tóc dài
Dẫu màu có bạc vẫn hoài vấn vương

Sợi thương sao vẫn âm thầm
Ve sầu phượng thẫm siết lòng tôi chi?!


2. HAI CHIẾC LÁ THU

Hợp tan có phải là định mệnh?
Mỗi đời riêng cùng nỗi oan khiên
Người mất mát, còn ta luân lạc
Ta người đều có nỗi buồn riêng

"Đến với nhau đem nỗi buồn kết lại" [*]
Lẽ tự nhiên buồn với buồn ... buồn thêm
Và dĩ nhiên sẽ là mãi mãi
Chuyện đôi ta ... hai chiếc lá thu tàn

Chuyển mùa thu đến người có hay?
Hắt hiu gió lạnh bóng cây gầy
Đôi ta chiếc lá sầu cô lẻ
Lưu luyến làm chi bay cứ bay!
...............

[*] Câu thơ Hồ Chí Bửu


3. CHIỀU TIỄN ĐƯA

Đất trời gầy cuộc ly tan
Tôi mang áo trắng khăn tang tiễn người
Nắng chiều nhuộm tím bờ vai
Lay hồn nỗi tiếc thương hoài ngàn năm!

                                          Nguyên Lạc

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG TÔI - Nguyễn Quang Lập

Nguồn:
http://khovanbolap.blogspot.com/2017/12/sai-gon-giai-phong-toi.html

         
                   Tác giả Nguyễn Quang Lập


            SÀI GÒN GIẢI PHÓNG TÔI
                                      Nguyễn Quang Lập

Mãi tới ngày 30 tháng 4  năm 1975 tôi mới biết thế nào là  ngày sinh nhật. Quê tôi người ta chỉ quan tâm tới ngày chết, ngày sinh nhật là cái gì rất phù phiếm. Ngày sinh của tôi ngủ yên trong học bạ, chỉ được nhắc đến  mỗi kì chuyển cấp. Từ thuở bé con đến năm 19 tuổi chẳng có ai nhắc tôi ngày sinh nhật, tôi cũng chẳng quan tâm. Đúng ngày “non sông thu về một mối” tôi đang học Bách Khoa Hà Nội, cô giáo dạy toán xác suất đã cho hay đó cũng là ngày sinh nhật của tôi. Thật không ngờ. Tôi vui mừng đến độ muốn bay vào Sài Gòn ngay lập tức, để cùng Sài Gòn tận hưởng “Ngày trọng đại”.

NGÀY ẤY NGẬM NGÙI - Nguyễn Thị Vĩnh Phước

Nguồn:
http://son-trung.blogspot.com/2018/07/nguyen-thi-vinh-phuoc-ngay-ay-ngam-ngui.html


          NGÀY ẤY NGẬM NGÙI
                        Nguyễn Thị Vĩnh Phước

Tháng 5 năm 1976 - mùa gặt chính. Đây cũng là thời điểm đầu tiên tôi bỏ lại sau lưng tất cả những mộng ước một thuở áo trắng học trò để bước chân vào đời trong vai trò mới. Tôi trở thành lao động chính. Nghề nghiệp: Trồng cây lương thực. Nơi làm việc: Hợp I - tên gọi tắt từ mấy chữ Hợp tác xã Nông Nghiệp số I của đội sản xuất quê nhà Lam Thuỷ - nơi mà mẹ con tôi dắt díu nhau trở về sau ngày 30/4/1975. Ngày đầu tiên tôi tham gia lao động đúng vào mùa gặt. Đó là một ngày mùa hạ đầy nắng gió.
Những cơn gió Lào quăng quật rát bỏng vào mặt, vào những bước chân non nớt của tôi đang cùng đoàn người tay cầm đòn xóc, tay cầm vằng (lưỡi hái) hướng về phía ruộng trũng có tên là Bàu, Đội. Ruộng ở đây sâu nhất làng, quanh năm ngập nước. Bao năm rồi chiến tranh, ruộng đồng bỏ hoang. Nghe đâu thời giao tranh ác liệt đã có không ít xác người nằm lại nơi đây mà chẳng được mai táng. Có lẽ đó là lý do để Bàu là nơi tích tụ nhiều thứ ô nhiễm nên bất cứ ai một lần lội xuống đó đều bị ngứa, gãi trầy da tróc vảy đến tận xương mà chưa “đã” ngứa...