BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

YÊU THƯƠNG VÀ NHÂN ÁI - Thơ Trần Mai Ngân


   
                        Nhà thơ Trần Mai Ngân


YÊU THƯƠNG VÀ NHÂN ÁI

Trong muôn trùng chấp ngã
Ta trở về quán ta
Thoát khỏi mộng mị ngà
Đôi tay tình miên viễn...

Trong phút chốc vô biên
Ở sát na dừng lại
Đôi ta chẳng là hai
Đã hoà chung nhịp thở

Trong cõi lòng rộng mở
Dung thứ và lãng quên
Những ngày chưa đặt tên
Đã vội vàng trăn trối...

Trong sinh tử hôm nay
Như lời nói thoát thai
Trọn đời tôi yêu mãi
Một tiếng nói, hình hài

Trong thiện mỹ cuộc đời
Cho đi và mất được
Cũng xin mãi giữ lời
Yêu thương và nhân ái !

Dẫu tình có thoát thai
Dẫu đời đã nhạt phai.

       Trần Mai Ngân
           3-1-2019

KHÓC HÀN MẶC TỬ - Thơ Phạm Ngọc Thái


   


KHÓC HÀN MẶC TỬ     
                        
Tôi khóc Tử, khóc hào quang, khóc huyết
Khóc gió mưa, cây cỏ đến chân trời
Khóc tạo hoá: từ thiên và địa
Rồi khóc người: Đời, con tạo quay chơi...

Hàn Mặc Tử ơi ! Ới , Tử ơi !
Sống chơi vơi cũng giống người
Khác chi là con chim cánh lá
Giọt thơ này hoà lệ máu tôi rơi

Nơi Tử nằm trong mồ hoa thơm nở
Đầu Tử gối lên sườn sóng gió
Với sao sương vằng vặc trăng ngàn năm
Nỗi đau đè nặng cõi dân gian.

Hỡi biển Đông, núi cao Gành Ráng !
Thơ của Tử mai sau còn sáng láng
Sóng nước non non nước vỗ ngày đêm
Quạnh hiu buồn rờn rợn bóng thi nhân

Ngồi đọc Tử tim vỡ toang máu đỏ
Tôi khóc biển, khóc trời xanh, khóc gió
Chúa ở đâu? Thượng đế có trên đời?
Người Thơ Xưa hoá chốn nao rồi ?

Thì tham vọng vinh quang ai chẳng muốn
Ngu cũng buồn! Tài lại lắm tai ương ?
Giữa đời nhiều khi phải cười nhăn răng mà sống
Thương nhau để mặc lệ rơi tuôn ...

Tử dù đau nỗi đau ngang bể
Nhưng đã có bao người khóc Tử
Suy cho cùng: tuyệt đến thế thì thôi,
Trên này nhiều chuyện lắm, Tử ơi !

Rót mắt thành thơ khóc Tử lại khóc đời
Chúng tôi đang quần cuộc sống...
Có khi phải tập nén mình như bánh nén
Thỉnh thoảng cũng thương nhau, phần lớn chỉ đấu tranh

Niềm sướng đau khôn dại dại khôn
Em gái - Nhà thơ - Nhà chính khách
Tuốt tuồn tuột mấy ai không bất trắc
Buồn làm chi! Đời, sắc sắc không không ...

Đời vậy mà -  Người thế, chuyện thế gian
Suy cùng lý chẳng gì phải chán
Lại thương Tử không được dự phần bon chen, xô lấn
Giây phút khóc cho nhau, hoá hạnh phúc lớn trên đời

Hàn Mặc Tử ơi ! Ới, Tử ơi !
Bao đêm nghiền ngẫm chữ thơ Người
Châu rỏ đầm đìa trang giấy trắng
Bay về Gành Ráng đẫm hồn tôi

Thắp nén nhang chùa tôi khấn anh
Tài hoa xuất sắc vóc giai nhân
Vung tay búng bút xô báu ngọc
Chữ thơ như tuyết máu lênh đênh

Qui Nhơn biển sóng vỗ mây lừng
Tài này, phận ấy ! Những bi thương,
Nay đã yên mình khe nước ngọc (*)
Hẹn nhau mai mốt bữa tương phùng

Tôi khóc Tử, khóc hào quang, khóc huyết
Khóc gió mưa, hoa cỏ lẫn sao sương...
Tử có nghe! Thơ Người - Tôi viết tiếp
Cúi lậy không gian cả tám phương (*)
 
                               Phạm Ngọc Thái
                                         
(*) Dựa theo ý thơ Hàn Mặc Tử.


    Đài tưởng niệm Hàn Mặc Tử ở Gành Ráng
    - Qui Nhơn

ĐÔI TAY - Thơ Đoàn Giang Đông


        
         Nhà thơ Đoàn Giang Đông


ĐÔI TAY

Ta đã đi hơn nửa cuộc đời
Sao mà vẫn thấy cứ chơi vơi  
Cao nguyên đầy gió Chiều sương xuống
Nghĩ lại thương thầm năm tháng trôi

Ai bỏ ta đi nửa chừng đời?
Nửa chừng còn lại nhớ thương ơi!
Gửi về nơi ấy đôi chim nhạn
Lạc cánh chim trời mây nước trôi

Ta muốn thời gian qua Vút đi
Để làm sống lại cuộc tình si
Hôm nao cô bé bên song cửa
Len lén nhìn ai tuổi dậy thì !?!

Thôi ta cứ thế Chiều sương gió
Tóc phủ thời gian áo bạc màu
Đồi núi miền cao chân Ngựa vó
Một ngày nào đó trắng đôi tay...

                Đoàn Giang Đông
             Đà Lạt, tháng 8 /2018

TÔI VỀ VẼ MỘT CƠN MƠ - Thơ Lê Văn Trung


        


TÔI VỀ VẼ MỘT CƠN MƠ
        (Trích thơ của Ngói)

Thương nhớ mãi một dòng sông
Ngày em áo lụa khăn hồng sang ngang
Có người về bến Tam Thương
Nghe câu hát cũ mà buồn trăm năm

Thương nhớ mãi một mùa đông
Ngày mưa vàng với nắng vàng, vàng phai
Người về, về để chờ ai ?
Nghe bàn chân bước u hoài đường xưa

Tiếc gì không ? Một cơn mơ !
Câu thơ vàng rụng bên bờ hoàng hôn
Gió thiên thu thổi vô cùng
Thổi về đâu ? Giữa mênh mông đất trời

Đừng đánh thức giấc mơ tôi
Đừng rung chuông gọi nỗi đời lặng im
Để lòng tôi hãy ngủ yên
Chiêm bao tôi vẽ chuyện tình trăm năm.

                               NGÓI
                               LÊ VĂN TRUNG


Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

HAI LẦN GẶP NHÀ THƠ HỮU LOAN Ở BÀ RỊA - Lê Thiên Minh Khoa


       
                           Tác giả Màu tím hoa sim - 
                     Tranh dán giấy của Phạm Hoan


          HAI LẦN GẶP NHÀ THƠ  HỮU LOAN Ở BÀ RỊA
                                                                Lê Thiên Minh Khoa

   Tôi gặp nhà thơ Hữu Loan chỉ 2 lần, nhưng lần nào cũng dài ngày.
   Lần đầu, vào đầu năm 1988, vào dịp tết Nguyên đán, gia đình tôi được đón tiếp nhà thơ Hữu Loan ở Bà Rịa khi ông du hành phương Nam.
  Đây là cuộc hành phương Nam đầu tiên của ông sau ngày 30.4.1975. Sau nhiều năm bị quản thúc tại địa phương, đến năm 1986, ông mới được ra Hà Nội thăm bạn bè và cuối năm 1987, làm một chuyến du hành phương Nam. Trạm dừng chân đầu tiên là Huế, rồi Quảng Ngãi, Nha Trang và cuối cùng là Biên Hòa và Bà Rịa. Đến địa phương nào, ông cũng được giới văn nghệ sĩ đón tiếp nồng hậu. Riêng ở Bà Rịa, ông  trú lại suốt tết năm đó, đầu năm 1988, ăn ngủ với  chúng tôi, cùng đi chơi hội vui xuân, chụp hình, đàm đạo, dẫn các cháu bé đi dạo, dự các tiệc thơ với Hội thơ Lan Đình, giao lưu với văn nghệ sĩ, trí thức Bà Rịa yêu thơ ông, ngồi làm mẫu cho HS Phạm Hoan ký họa, nhậu “xoay tua” với bợm nhậu đất rượu Hòa Long… Ôi, biết bao là kỷ niệm  đẹp với ông, về ông!…

XƯỚNG HỌA TÂN NIÊN – Đức Hạnh và Thi Hữu


   


XƯỚNG HỌA TÂN NIÊN
“Tung hoành trục khoán”

Anh trao ngọn bút duyên trăng nước
Em mở của lòng mộng thế nhân

ANH thấy mai đào…trổ thắm sân
TRAO vui xướng họa thỏa tinh thần
NGỌN xoay quý hữu mời sông núi
BÚT trỗi hồn thi trổ nụ xuân
DUYÊN phận chuyển giao tình mãi nở
TRĂNG hoa phối hợp cảnh hoài ngân
NƯỚC non thể luật ta đà thuộc….
EM MỞ CỬA LÒNG MỘNG THẾ NHÂN.

Đức Hạnh
01 01 2019

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

SINH NHẬT THI HÀO NGUYỄN DU - Nguyên Lạc





     SINH NHẬT THI HÀO NGUYỄN DU

Hôm nay ngày 3 tháng 1 là ngày sinh của thi hào Nguyễn Du (1766).
Để tưởng niệm ngài, Nguyên Lạc tôi post lại vài bài thơ ngắn chữ Hán của ông và bản phóng dịch

I. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NGUYỄN DU
Sinh: 3 tháng 1, 1766, Bích Câu, Thăng Long.
Mất: 16 tháng 9, 1820 (54 tuổi) Huế.
Bút danh: Tố Như, Thanh Hiên, Hồng Sơn lạp hộ, Nam Hải điếu đồ.
Nguyễn Du đã để lại một di sản văn chương đồ sộ với những tác phẩm kiệt xuất, ở thể loại nào ông cũng đạt được sự hoàn thiện ở trình độ cổ điển.
Thơ chữ Hán: Nguyễn Du có 3 tập thơ: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, và Bắc hành tạp lục.
Thơ chữ Nôm: Nguyễn Du có hai kiệt tác Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) gồm 3254 câu thơ lục bát và Văn tế thập loại chúng sinh gồm 184 câu viết theo thể song thất lục bát.

MƠ ƯỚC TẬT NGUYỀN - Thơ Kha Tiệm Ly


        
                               Nhà thơ Kha Tiệm Ly


MƠ ƯỚC TẬT NGUYỀN

Những niềm đau bất chợt
Thường len lén vào đời
Giọt buồn nào em rớt
Giọt lệ nào ta rơi?

Dù biết là ảo mộng,
Dù ai nhớ, ai quên.
Dù biết là vô vọng
Ta vẫn mãi đi tìm!

Chén tình nào thơm ngát
Em dành riêng cho ai
Chén tình nào chua chát
Ta chìm trong cơn say!

Được chút tình ngây ngất,
Để làm duyên với đời.
Em nỡ vò tan nát,
Làm đau trái tim côi!

Giấu lệ buồn thổn thức
Chôn ước mơ tật nguyền.
Cả khung trời kí ức
Rơi vào trong đêm đen!

              Kha Tiệm Ly

QUẺ DỊCH: CÁCH LẬP VÀ GIẢI ĐOÁN (tt) - Nguyên Lạc


          

              QUẺ DỊCH: CÁCH LẬP VÀ GIẢI ĐOÁN (tt)
                                             (Bài 4)
                                                                        Nguyên Lạc  

C. GIẢI ĐOÁN QUẺ

"Quẻ vạch đã lập, liền có lành dữ vì là Âm Dương đi lại giao thác ở trong. Thời của nó thì có tiêu đi, lớn lên khác nhau: cái lớn lên là chủ, cái tiêu đi là khách; việc của nó hoặc có nên chăng khác nhau, cái nên là thiện, cái chăng là ác. Theo chỗ chủ khách thiện ác mà phân biệt thì sự lành, dữ sẽ rõ. Vì vậy nói rằng: Tám Quẻ định sự lành dữ. Sự lành dữ đã quyết định không sai, thì dùng nó để dựng các việc, nghiệp lớn sẽ từ đó sinh ra. Đó là thánh nhân làm ra Kinh Dịch, dạy dân xem bói, để mở cái ngu của thiên hạ, để định cái chí của thiên hạ, để làm nên các việc của thiên hạ, là thế. Có điều từ Phục Hy về trước chỉ có sáu vạch, chưa có văn tự truyền được; rồi đến Văn vương Chu công mới đèo thêm lời, cho nên nói rằng: “Thánh nhân đặt quái xem Tượng, đèo Lời vào để tỏ lành dữ”. Khi Quẻ chưa vạch, nhân xem pháp tượng tự nhiên của trời đất mà vạch ra; đến lúc Quẻ đã vạch rồi, thì quẻ nào riêng có Tượng của quẻ ấy. Tượng nghĩa là có chỗ giống giống, cho nên thánh nhân mới theo tượng đó mà đặt ra tên. Văn vương
coi hình tượng của quái thể mà làm Thoán từ. Chu công coi sự biến đổi của quái hào, mà làm Hào từ, cái Tượng của sự lành dữ lại càng rõ rệt." (Ngô Tất Tố)

NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH VÀ “TỈNH GIẤC CHIÊM BAO” – Nguyễn Ước

Nguồn:
http://www.hocxa.com/VanHoc/VnsCs/NB_NguyenUoc_NhaThoNguyenBinhvaTinhGiacChiemBao.php

               
           


 NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH VÀ “TỈNH GIẤC CHIÊM BAO” 
                                                                                     Nguyễn Ước

 I. Cuộc Đời Của Nguyễn Bính

Nguyễn Bính là bút danh của Nguyễn Trọng Bính. Ông sinh năm 1918 (khoảng cuối mùa xuân đầu mùa hạ năm Mậu Ngọ) tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đông Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Gia đình ông thuộc loại nhà nho thanh bần, sinh sống tại vùng đất nổi tiếng đồng chua nước mặn. Thân phụ là cụ Nguyễn Đạo Bình (thường gọi Ông Cả Biền) làm nghề dạy học, tính tình điềm đạm, hiền lành, trọng chữ nghĩa hơn của cải vật chất. Thân mẫu là cụ bà Bùi Thị Miện, đức hạnh và xinh đẹp, thuộc một gia đình khá giả và có lòng yêu nước, ở thôn Vân, xã Đông Đội (nay là xã Minh Tân), cùng huyện. Bà sinh cho chồng được ba người con trai là Trúc Đường Nguyễn Mạnh Phát, Nguyễn Ngọc Thụ và Nguyễn Trọng Bính. Sau khi sinh Nguyễn Bính được đôi ba tháng, bà ra cầu ao rửa chân thì bị rắn độc cắn, mất lúc 24 tuổi. Mấy năm sau, vì cảnh nhà cô quạnh, thân phụ của Nguyễn Bính tái giá với bà Phạm Thị Duyên, rồi sinh thêm được hai con trai và hai con gái.

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

THÁNG GIÊNG - ANH... / Thơ Trần Mai Ngân


   
                      Nhà thơ Trần Mai Ngân


THÁNG GIÊNG - ANH...

Tháng Giêng về em gửi tặng anh
Lời nồng nàn hạnh phúc
Nghe trái tim thúc giục
Mình hẹn hò đi anh, nha anh!

Tháng Giêng về trời đẹp rất xanh
Và mùa Xuân từ đó
Để nơi em bắt đầu
Yêu anh như thuở còn thanh tân

Tháng Giêng về lòng những bâng khuâng
Ta sẽ đến từ đâu
Để xua đi khoảng cách
Ùa về anh chung đôi nhịp đập...

Tháng Giêng về yêu đến khôn cùng
Em nói bằng tiếng hôn
Bằng đôi tay trọn vẹn
Tháng Giêng hò hẹn quấn chặt nhau

Như dây trầu đắm đuối thân cau
Để mình mãi bên nhau
Để chênh chao chênh chao
Tháng Giêng... tháng Giêng màu tuyệt đỉnh!

                                            Trần Mai Ngân
                                               01/01/2019

MÀU ÁO NGƯỜI YÊU DẤU - Thơ Quách Như Nguyệt


      
                         Nhà thơ Quách Như Nguyệt


MÀU ÁO NGƯỜI YÊU DẤU

Em mặc áo dài trắng
Tôi thấy cả trời mây
Em ơi trái tim đây
Đưa tặng em đấy nhé

Mặc áo tím hoa cà
Cả một trời mộng mơ
Hai ta ngắm chiều tà
Tím mây chiều... tím quá!

Em mặc áo hoa vàng
Long lanh mầu nắng ấm
Nhớ mầu hoa cúc đậm
Vàng hoàng hậu kiêu sa

Áo lụa em thướt tha
Tóc buông dài óng ả
Nhìn em tim tơi tả
Tôi yêu em vất vả!
Yêu em, tình bao la...

          Như Nguyệt


     

Thơ : Như Nguyệt
Nhạc Lý Kiến Trung
Trình bày: Ca sĩ Cao Huy Thế

     

Thơ : Như Nguyệt
Nhạc Lý Kiến Trung
Trình bày: Ca sĩ Nguyễn Hưng Long

SUY TƯ CHIỀU CUỐI NĂM - Thơ Phạm Ngọc Thái


     phamngocthai
            Nhà thơ Phạm Ngọc Thái


SUY TƯ CHIỀU CUỐI NĂM

Chiều cuối năm ngẫm cả cuộc đời
Cũng là chút phận kiếp người thôi !?
Khổ nhiều... Sướng lắm... Ôi, khổ sướng !
Tình đến, rồi đi - mảng đời trôi...

Ta tính xem ta được những gì ?
Dựng cả tòa đài nghiệp ca thi...
Xế chiều còn vướng vòng nhi nữ
Nửa lòng thì chán, nửa lòng si

Đã tưởng rằng đây bóng tri âm
Nâng niu cất giữ ở trong lòng
Ai ngờ cũng chỉ bèo hoang cả
Nửa tình muốn phá, nửa tình mong

Chiều cuối năm ngẫm cả cuộc đời ?
Tiền tài, danh vọng thỏa mãn rồi
Có cả đất trời cùng nhân thế
Tham làm gì nữa, hỡi người ơi ?

Tôi khóc cho tôi ! Đáng lẽ cười ?
Vì nàng còn níu mãi chân tôi...
Mai sau hậu thế mà viết sử
Rằng, ta chỉ kém mỗi EM thôi !

                     Phạm Ngọc Thái
                    Chiều 31.12.2018

KHÚC GIAO MÙA - Thơ Nhật Quang


       
                 Nhà thơ Nhật Quang


KHÚC GIAO MÙA

Đêm ru…
chuyển gió sang mùa
Nhẹ như hơi thở
khẽ lùa tháng năm
Tiễn đông
nghinh đón xuân xanh
Lao xao lộc nhú
trên cành xum xuê

Sương mai
đánh thức cơn mê
Long lanh  lá biếc
tràn trề nhựa xuân
Mai, đào
E ấp…bâng khuâng
Trở mình
hấng giọt nắng xuân ngọt ngào
Trời xanh
níu cánh én chao
Dáng xuân tha thướt, dạt dào ý thơ.

                                  Nhật Quang


GỞI TRĂM NĂM MỘT CHÚT TÌNH, ĐÂU CÒN NGHE TIẾNG MẸ XƯA - Thơ Tịnh Đàm


      
         Nhà thơ Tịnh Đàm


GỞI TRĂM NĂM
MỘT CHÚT TÌNH

Em về,
Cho một lần vui
Hanh hao nỗi nhớ
Bùi ngùi niềm thương.
Dáng xưa
Gầy tựa hình sương
Còn bao hương phấn
Vấn vương bước đời !

Nhân gian này
Cõi chơi vơi
Mình dìu nhau nhé
Xa nơi bụi trần  .
Rồi mai
Thắm lại duyên phần
Gởi trăm năm
Chút tình thân...
Tặng người.

30 BÀI THƠ HAY VÀ 70 BÀI THƠ DỞ NHẤT THẾ KỶ XX - Trần Mạnh Hảo

Nguồn:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9806&rb=0101

   

   30 BÀI THƠ HAY VÀ 70 BÀI THƠ DỞ NHẤT THẾ KỶ XX
                                                                                 Trần Mạnh Hảo

Tập sách 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX do Trung tâm Văn hoá Doanh nhân (TTVHDN) và Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) vừa ấn hành đã bị dư luận trong nước và ngoài nước phản ứng. Theo lời nói đầu của TTVHDN và NXBGD cho tuyển tập này, thì đây là cuộc thi bình chọn các bài thơ hay của thế kỷ XX, diễn ra trong suốt hai năm, có hàng nghìn thí sinh khắp nước và hải ngoại tham gia; cuối cùng, qua “mắt xanh” của ban chung khảo gồm năm vị: nhà thơ Hữu Thỉnh (trưởng ban), nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Trần Đăng Khoa, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh và nhà thơ Bằng Việt, mới lọc ra “vàng ròng” là 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX này.

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

BỞI TẾT LÀ TIẾNG GỌI THIÊNG LIÊNG CỦA SỰ TRỞ VỀ ! - Truyện ngắn của Hồ Thị Thúy An


     


BỞI TẾT LÀ TIẾNG GỌI THIÊNG LIÊNG CỦA SỰ TRỞ VỀ !

Thức dậy vào thời khắc tuyệt đẹp khi ngày mới bắt đầu.Ngày cuối cùng của năm.Bên tai tôi chợt vang vẳng bên tai những câu hát :

"Mùa xuân nói với em điều gì ?
 Mà sao mắt em vui thế..."

Chắc hẳn trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có nhiều nẻo đường để đi nhưng có một nơi để quay về là nhà . Với những người đang sống nơi đất khách quê người thì Tết là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm. Trở về… đó là điều thiêng liêng nhất đối với những người con xa quê. Ở đó, khoảnh khắc trở về hội tụ muôn vàn cung bậc cảm xúc. Những ngày này, có người hối hả hoàn tất công việc, tạm ngưng dời non lấp bể, mọi bon chen nơi đất khách luôn đếm từng ngày trong tiếng gọi thân thương: Trở về... Có những người ngậm ngùi khi phải ăn Tết xa quê với muôn vàn lý do khác nhau song dường như hai tiếng quê hương vẫn luôn trong tiềm thức của họ…

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

SÓNG BẠC ĐẦU - Thơ Lê Văn Trung


        


SÓNG BẠC ĐẦU

Trăm năm chén rượu không đành uống
Ta rót chưa tàn nỗi nhiễu nhương
Ta gọi ta rền vang đáy mộ
Ai về đứng khóc giữa đêm sương

Cố quận ? Mười phương mù cố quận
Mắt mờ muôn dặm bóng tà huy
Có con chim khách ngang đầu ngõ
Gửi một lời đau buổi biệt ly

Ta rót lòng ta đã mỏi mòn
Rượu nghìn năm cũ men chưa tan
Ôi lòng dâu biển hòa trong rượu
Ta rót về đâu hỡi thế gian

Em mãi mù xa trời viễn xứ
Ta con thuyền giạt cuối bờ đau
Dòng rượu đời ta như sóng vỗ
Ta vỗ ngàn năm sóng bạc đầu.

                       Lê Văn Trung            

TÌNH ẢO - Thơ vui của Đặng Xuân Xuyến


        


TÌNH ẢO
(Tặng những cuộc tình qua mạng)

Anh ạ. Thật lòng thích em không?
Thì em đang đến bãi ngô đồng
Em già, em xấu, không như ảnh
Chỉ sợ gặp rồi anh chả thương.

Đấy, bữa hôm xưa, ở Định Tường
Có người thề thốt nặng lòng thương
Thế mà vừa gặp đã cao chạy
Còn rủa em rằng: con ẩm ương.

Vâng, thế nên em muốn tỏ tường
Gặp rồi có xấu cố mà thương
Đành rằng tình ảo không như mộng
Cũng đừng làm tội những triền sông.

Thì hẵng, em vừa ghé bến Đông
Qua đò mới tới bãi ngô đồng
Áo em xanh thẳm màu nước biển
Em nghĩ, gặp em, anh thích liền.

Thì bởi chồng em, gã khùng điên
Suốt ngày lẩn thẩn chuyện thần tiên
Bỏ em vò võ năm canh trắng
Lạnh lẽo cô phòng, đông mấy đông.

Vâng. Đúng là em đã qua sông
Thì em đang ở bãi ngô đồng
Đúng rồi, em đứng bên cây sấu
Gớm. Chả ra chào còn cố trêu!

Cái gì? Mày bảo bà quá xấu?
Mày đứng ở đâu? Nấp ở đâu?
Tiên sư thằng chó! Bà tìm được
Xé xác mày ra chấm muối tiêu!

Hà Nội, 28 tháng 10.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

NGUYỄN GIA THIỀU, HỒN THƠ ẤY CHIẾC PHAO TRÊN CẠN - Trần Mạnh Hảo


      

Chưa bao giờ như hôm nay, nước Việt Nam chúng ta cần một chiếc phao cứu nạn trên cạn ( phao vật chất và cả phao tinh thần) như lúc này, để cứu thoát cả một dân tộc sắp chết đuối trên mặt đất, chết đuối trên cao nguyên, chết đuối trong chính tâm hồn mình, xin đọc bài:

NGUYỄN GIA THIỀU – HỒN THƠ ẤY CHIẾC PHAO TRÊN CẠN

Khi tiếp cận một số tác gia văn học lớn thời phong kiến như Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương…hầu như giới nghiên cứu văn học “quy phạm” ở nước ta đều dùng khái niệm “trung đại” (trung cổ) là phạm trù văn hóa khu biệt của phương Tây để làm hệ quy chiếu đo đạc, thậm chí còn làm phương pháp luận tiếp cận nữa.
Chính sự lầm lẫn “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong phương pháp luận ấy đã dẫn đến những đánh giá khá sai lạc về 9 thế kỷ văn học dân tộc thời phong kiến của ông cha ta. Chúng tôi xin vứt bỏ cái kính chiếu yêu trung cổ – kinh viện lầm lạc kia để nhìn nhận các tác gia văn học thời phong kiến của ta dưới một cái nhìn khác, không phụ thuộc vào những định kiến hay những bùa chú, những công cụ tiếp cận gông cùm lỉnh kỉnh ngoại lai nào. Trước hết, chúng tôi xin đề cập tới một đại tác gia: Nguyễn Gia Thiều.

ÁO VÀNG THU XƯA - Thơ Nhật Quang


     


ÁO VÀNG THU XƯA

Gió thầm thì mang Thu về ngang cửa
Bướm lả lơi say tình cúc vàng mơ
Bóng em qua, áo lụa vàng phơi phới
Nghe hương mùa xao động chạm hồn thơ

Thu bềnh bồng suối tóc huyền nhung thắm
Buông vai mềm là lụa dáng tinh khôi
Như  đắm đuối hồn tôi theo làn gió
Ngây ngất tình, hương thoảng vút lên ngôi

Mùa Thu đi, thẫn thờ bên song vắng
Mơ áo vàng thon thả gót hiên xưa
Tôi ngơ ngác nhìn mây bay lãng đãng
Kỷ niệm đầu còn in dấu trong mưa

Có lẽ nào, dáng Thu giờ quên lối?
Ngõ phố khuya, lạc lõng bước chân về
Áo lụa vàng nhạt phai màu, em hỡi!
Đêm Đông hờn, sương phủ buốt lê thê.

                                      Nhật Quang