BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn BÙI GIÁNG. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn BÙI GIÁNG. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

CHUYỆN ĐỜI BÙI GIÁNG: CÁI NHÌN BÙI GIÁNG VỀ KIM DUNG - Giao Hưởng

Trong các tài liệu do gia đình thi sĩ Bùi Giáng vừa cung cấp qua đợt tưởng niệm 15 năm ngày mất của ông, có một số nội dung liên quan đến tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung mà ông viết đến...


Bùi Giáng đã dịch Kim kiếm điêu linh của Ngọa Long Sinh và nhận định: “Những kiệt tác của Ngọa Long Sinh đi song song với Kim Dung và Gia Cát Thanh Vân - thực hiện cuộc chuyển biến dị thường trong lịch sử văn học tư tưởng Trung Hoa”. Không chỉ đọc suông, theo Bùi Giáng, đọc truyện võ hiệp là “một trong những phép tu dưỡng ký ức và khơi dẫn nguồn vui ẩn mật trong mình. Đọc theo lối hồn nhiên, hoặc vừa đọc vừa suy gẫm. Chưởng lực, kiềm chế, nội kình phát ra có thể là tinh thể của tinh thần phát hiện”. Riêng với thi sĩ, sách võ hiệp sẽ “giúp bạn làm thơ lai láng một cách không ngờ - điều đó không có chi lạ: ban sơ vũ học, văn học, thi nhạc cùng phát khởi tại một cỗi nguồn: uyên nguyên của tinh thần xuất phóng”
                        (Sương Bình Nguyên, NXB Võ Tánh, Sài Gòn 1969).
 
Đoạn trên do nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến trích dẫn về Bùi Giáng và Đỗ Long Vân với truyện võ hiệp trong tài liệu chúng tôi mượn được, có ghi nhận xét của Bùi Giáng về cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta - hay Hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân (NXB Trình bày, Sài Gòn 1967): “Ông Đỗ Long Vân nhận định thâm viễn khoảng vắng lặng vô ngôn trong sách vũ hiệp... Những khuyết điểm của bản dịch không làm trở ngại Đỗ Long Vân. Vì những kẻ tư tưởng chân thành, vốn thường nhận ra rất mau những gì gọi là “ý tại ngôn ngoại” hoặc “huyền ngoại chi âm” (âm thanh ngoài cây đàn - H.N.C) - hoặc “ngôn tại thử nhi ý tại bỉ” (lời ở đây mà ý nằm ở nơi khác - H.N.C)”. Bùi Giáng cũng viết “Sách tôi bị cháy hết, nhưng tôi sẽ tìm riêng cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta để đọc lại”.

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2022

NGƯỜI VỢ CỦA BÙI GIÁNG - Vũ Đức Sao Biển



Đọc thơ Bùi Giáng, người ta nghĩ ông chỉ có những tình yêu viễn mộng. Ít ai biết ông đã có một người vợ đẹp và những bài thơ tình hay nhất của ông là dành cho vợ. Người phụ nữ ấy chỉ sống với ông trên đời có 3 năm.
 

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

“ĐỪNG NGHĨ”, CẢM TÁC TỪ BÀI THƠ “ĐỪNG TƯỞNG” ĐƯỢC CHO LÀ CỦA BÙI GIÁNG – Thơ Đức Hạnh


Nhà thơ Đức Hạnh
 
 
ĐỪNG NGHĨ
 
Đừng nghĩ cứ đời là sướng... Cứ hướng là đi, cứ thi là đậu
Đừng nghĩ cứ bạn là thân... Cứ ân là nghĩa, cứ nghĩa là tình
Đừng nghĩ cứ bè là bạn... Cứ bạn là vui, khi xui... chúng biến..!
Đừng nghĩ cứ khỏe là không đau... Cứ câu là được, cứ vượt là qua
Đừng nghĩ cứ nụ là hoa... Cứ hoa là mộng, cứ lọng là che
Đừng nghĩ cứ ghế là ngồi... Cứ đồi là cây, cứ mây là gió
Đừng nghĩ cứ nghèo là khổ... Cứ trổ là lời, cứ mời là thích
Đừng nghĩ cứ yêu là nhớ... Cứ gỡ là ra, cứ qua là lại
Đừng nghĩ cứ mong là được... Cứ vượt là xuôi, cứ lui là chậm
Đừng nghĩ cứ quan là quyền... Cứ tiền là mạnh, cứ cánh là bay
Đừng nghĩ cứ mơ là thấy... Cứ cậy là nhờ, cứ chờ là được
Đừng nghĩ cứ nhớ là thương... Cứ vươn là mộng, cứ giống là trồng
Đừng nghĩ cứ học là hành... Cứ xong là đạt, cứ hạt là gieo
Đừng nghĩ cứ giỏi là tài... Cứ khôn là biết, cứ quyết là nên
Đừng nghĩ cứ bại là thua... Cứ mua là được, cứ ước là thành
Đừng nghĩ cứ gió là bão... Cứ lão là khôn, cứ quyền là oách
Đừng nghĩ cứ thịnh là giàu... Cứ màu là đẹp, cứ lép là non
Đừng nghĩ cứ đượm tháng ngày... Nhiều đêm lạnh lẽo mới hay duyên phần
Đừng nghĩ tham nhũng vài lần...  Đôi khi lộ mánh, ngại ngần tấm thân
Đừng nghĩ chức trọng cầm cân... Điều hành bất chính, tấm thân lao tù
Đừng nghĩ mải miết ngồi ù... Coi chừng gảy ghế, mịt mù khói mây
Đừng nghĩ thắng cuộc đó đây... Nào hay bẫy sập, cả bầy lăn quay
Đừng nghĩ cứ thắng là hay... Nào ngờ đức thắng xe bay xuống cầu
Đừng nghĩ đời đẹp muôn màu... Có khi héo mộng u sầu trầm kha
Đừng nghĩ vật chất của ta... Đến khi nhắm mắt xuôi tay còn gì!
Đừng nghĩ tham vọng được chi... Có chăng tội ác, kéo ghì đời ta
Đừng nghĩ Trời ở quá xa... “Hoàng thiên hữu nhãn” thấy ta làm gì..!
 
☆☆☆☆☆
 
Gác tay lên trán mà suy!
Thân như cát bụi bay đi, sẽ dừng
Việc làm bác ái chớ đừng
Chớ đừng bất nghĩa đã từng hại nhau
Biển tình đạo lý làm đầu
Đừng gây tội ác… lún sâu chẳng bền
Hỡi ơi! Hãy nhớ, chớ quên..!
 
                                         Đức Hạnh
                                        30 05 2022
 

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

BA NGÀY VỚI BÙI GIÁNG - Phan Thị Như Ngọc




“Tháng Năm” ở Sài Gòn khao khát mưa, chói chang phượng vĩ. Tôi đi dọc những lối nhỏ râm ran ve trong công viên Tao Đàn, nghe âm thầm xô tới câu thơ cũ của Appolinaire:
 
Tháng Năm về điểm sơn xuyên
Trên tàn phế dựng muôn ngàn cỏ hoa
Bây giờ em đứng nơi đâu
Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao
 
Bài thơ “Tháng Năm” có những câu sống dai dẳng cùng năm tháng, phần lớn nhờ tài dịch của Bùi Giáng. Và đã bao nhiêu người tốn nhiều giấy mực vì ông, một hiện tượng hơn là một thiền án. Gần đây nhất, báo Hà Nội đăng nhiều bài về Bùi Giáng thời chăn bò chăn dê, thời làm thơ, thời mê các kỳ nữ, thời điên loạn khiến nhiều người hiếu kỳ muốn xem mặt nhà thơ. Tiếc thay! Cánh hạc đã bay bổng tuyệt vời….
 

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

BÙI GIÁNG VIẾT TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP – Lê Văn Nghĩa

Theo hồi ký của Hoàng Hải Thủy: “Tôi không nhớ tên truyện của Bùi Giáng, chỉ nhớ anh dùng thật nhiều hai tiếng liên tồn, tồn liên trong truyện. Anh tả và cho nam nữ nhân vật khơi khơi nói hai tiếng trên đại khái: “Nàng có sắc đẹp tồn liên; Nàng nở nụ cười liên tồn. Đa tạ đại hiệp đã có dạ tồn liên…”.
 
Kỳ nhân Bùi Giáng

Có một thời tiểu thuyết võ hiệp tràn đầy các mặt báo Sài Gòn. Truyện chưởng của Cấm Dùng (Kim Dung) xếnh xáng thì gần như báo nào cũng phải có. Thấy tiểu thuyết võ hiệp là mảnh đất màu mở, dễ câu khách, các tờ nhựt trình cũng mời nhà văn Việt ta sáng tác tiểu thuyết võ hiệp.
 

CÙNG BÙI GIÁNG ĐỌC TRUYỆN VÕ HIỆP – Huỳnh Ngọc Chiến

(Tưởng niệm hai nhà nghiên cứu Kim Dung kiệt xuất Bùi Giáng và  Đỗ Long Vân)
 
Nhà nghiên cứu, biên khảo Huỳnh Ngọc Chiến

Nhan đề bài viết có thể khiến bạn đọc ngạc nhiên, vì nói đến Bùi Giáng, người ta thường nghĩ đến các trước tác đồ sộ của ông về thơ ca và triết học. Ông nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, nhưng lại không có một tác phẩm hoặc một bài viết hoàn chỉnh nào về Kim Dung hoặc các tác giả võ hiệp nào cả. Song có lẽ ít ai biết vị “Hồng Thất Công trong thi ca tư tưởng” này lại rất mực mê sách kiếm hiệp (mà ông thường gọi là vũ hiệp), và đã để lại cho đời những tản văn bình phẩm tuyệt vời.
 

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI BÙI GIÁNG - Mai Thảo

Thuở sinh tiền, khi nói đến thơ, nhà văn Mai Thảo thường nhắc nhiều đến Vũ Hoàng Chương và Bùi Giáng. Mỗi người một phong cách, nhưng theo Mai Thảo, đó là những “ngôi sao Bắc Ðẩu trên vòm trời thơ ca của ta”. 
Chúng tôi cho đăng lại bài viết này (Văn, số 26 tháng 8/1984, USA) như một hình thức tưởng nhớ đến một người yêu thơ rất mực: nhà văn Mai Thảo, và một người làm thơ tài hoa cũng rất mực: thi sĩ Bùi Giáng. 
Cả hai đã ra đi. 
Bên kia thế giới, có lẽ nhà văn Mai Thảo lại có dịp mời thi sĩ Bùi giáng một chai bia lớn, và lại sẽ được nghe ông nói, bằng chất giọng Quảng Nam đặc sệt: “vui thôi mà”, như độc giả sẽ thấy, trong bài viết dưới đây.
 
                                                                                          HỢP LƯU
 


MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI BÙI GIÁNG 
                                                                     Mai Thảo
 
Đặc San Hợp Lưu (số 44, tháng 12/1998 tháng 1/1999)
 
Nhiều buổi chiều Sài Gòn, tôi chẳng còn có thể nhớ đích xác vào những năm nào, đâu như năm 1962, đâu như năm 1965 (nếu sai, nhờ hai anh Cung Tiến, Phạm Công Thiện nhớ lại dùm cho) tôi thường được mời tới những họp mặt ăn nhậu trên căn lầu ngăn nắp, thoáng mát của thầy Thanh Tuệ ở đường Lý Thái Tổ.
 
Mỗi họp mặt với Thanh Tuệ, hồi đó là giám đốc nhà xuất bản An Tiêm, là nhà sư trẻ tươi tắn chưa cởi áo hồi tục, thường vì một cuốn sách. Một cuốn sách mới, vừa in xong chưa ráo mực. Và trước khi gởi sách vào nắng mưa đời, họp mặt An Tiêm với thân hữu là một tiệc rượu lạc thành cho sách.
 

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

MÌ QUẢNG CỦA BÙI GIÁNG – Mặc Thu

Mặc Thu là nhà văn, nhà báo tên thật Lưu Đức Sinh, là một kiện tướng góp phần tạo nên sinh hoạt văn chương báo chí của miền Nam Việt Nam. Năm 1954, sau khi di cư từ Hà Nội vào Nam, ông là chủ nhiệm nhật báo Tự Do. Cùng với những nhà văn, nhà báo lỗi lạc cùng thời với ông. Sau đó, ông làm giám đốc nhật báo Thách Đố, tuần báo Phụ Nữ Mới. Sau 1975, nhà văn Mặc Thu bị cầm tù 12 năm, phong cách của ông luôn là tấm gương sáng, được bằng hữu và bạn tù nể trọng.

Nhà báo Mặc Thu


Nhà thơ Bùi Giáng

Lần đầu tôi gặp Bùi Giáng vào năm 1957, tại Sài Gòn. Khi ấy, mỗi chiều tối, gần như thường lệ, Đinh Hùng và tôi gặp nhau ở Câu Lạc Bộ Văn Hóa, đường Tự Do (Catinat cũ) để uống bia. Quán này của anh chị Phạm Xuân Thái, thường tụ họp khá đông giới văn nghệ sĩ của thủ đô miền Nam. Anh Phạm Xuân Thái lúc ấy đã rời chức bộ trưởng Bộ Thông Tin. Anh đại diện giáo phái Cao Đài trong chính phủ Ngô Đình Diệm.
 

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

HOA HẬU ĐẦU TIÊN CỦA MIỀN NAM & CÂU THƠ "CÒN 2 CON MẮT KHÓC NGƯỜI 1 CON" CỦA BÙI GIÁNG – Đông Kha

Nguồn:
https://nhacxua.vn/hoa-hau-dau-tien-cua-mien-nam-va-cau-tho-con-2-con-mat-khoc-nguoi-1-con-cua-bui-giang/



Trong bài hát “Con Mắt Còn Lại” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có câu hát: Còn hai con mắt khóc người một con...
 
Nhiều người cho rằng bài hát này được Trịnh Công Sơn được dựa theo 1 câu thơ trong bài thơ Mắt Buồn” của thi sĩ Bùi Giáng. Khi nghe bài hát “Con Mắt Còn Lại”, ai cũng hiểu nội dung của bài hát nói rằng có 2 con mắt, dùng 1 con mắt để khóc người, còn con mắt còn lại thì “nhìn cuộc đời tôi…”“nhìn cuộc tình phai…”
 
Tuy nhiên, nội dung gốc của câu thơ “còn hai con mắt khóc người một con” của Bùi Giáng có phải có ý nghĩa như vậy hay không?
Thực ra, ý nghĩa của câu thơ Bùi Giáng không phải là “tâm thần phân liệt” như vậy, mà “Còn hai con mắt khóc người một con” tức là Bùi Giáng đã dùng cả hai con mắt để khóc cho người đẹp đã có một đứa con, là “gái một con trông mòn con mắt”.
 

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

DÂNG – Thơ Bùi Giáng


   
                       Thi sĩ Bùi Giáng


DÂNG
 
Đêm trần gian! Đêm trần gian!
Đêm mưa xuống biển, lạnh tràn lên non
 
Người sẽ hỏi: Vì sao con khổ?
Thuở trần gian con đau đớn những gì?
Giờ con muốn về đâu, con nói rõ
Dù nơi nào, Ta sẽ để con đi!
 
Con sẽ đáp: Từ xưa con biết
Sẽ có ngày đứng trước Chí Cao
Con đã định sẽ rồi con nói hết
Những u tình không giãi tỏ từ bao
 
Trần gian lạnh, con từng không chịu nổi
Người với người cứ làm khổ nhau luôn
Chiều trời đẹp gió về có thổi
Vẫn không ta những sầu tủi giận hờn
 
Con cũng thế và mọi người cũng thế
Những con người đáng lẽ yêu nhau
Tình có đến nồng nàn vô kể
Tình đã đi không nói hết lòng đau
 
Con đã thấy khắp nơi khắp nẻo
Diễn bao lần tấn thảm kịch nhân gian
Màu sắc đỏ hồng tươi đã héo
Nói làm sao những mộng thắm úa tàn!
 
Tuổi trẻ yêu thương ngó nhìn trong dạ
Một vườn hoa hồng cúc dậy lừng hương
Rồi cứ thấy dần dần cánh rã
Cúc theo hồng rơi rụng giữa mù sương
 
Con vẫn biết đời người nhỏ bé
Đau vô cùng, dù có cũng nên thôi
Nhưng bắt gặp những mấy lần nhỏ lệ
Hỏi vì sao cánh rụng lá hoa rơi?
 
Những đêm khuya con tìm chổ con ngồi
Xa bè bạn, để nhìn Trời ngó Đất
Con có hỏi "Đâu là Sự Thật?"
Lời của con thốt lại có nên lời...
 
Con đã ngó những mái đầu xanh tóc
Con đã nhìn những răng mọc trắng phau
Con đã định trong giờ vui đừng khóc
Chỉ lúc này, đừng tiên cảm mai sau!
 
Nhưng khó quá hết làm sao ray rứt
Khi nghĩ mình chính sắp phụ các em
Gió thổi mãi, tơ lòng con sẽ đứt:
Bàn tay con không đủ sức gắn hàn
 
Thân là máu, thịt và xương chia biệt
Quả tim mềm sao quá dễ tổn thương!
Tình cao quý vẫn là dây oan nghiệt
Ngắn vô cùng, lần phùng ngộ với vô biên...
 
Mồng ba Tết ra đường con gặp
Một trẻ em đi bán đậu phụng rang
- "Thầy mua giúp! Đầu năm, dịp Tết..."
Con mua nhiều, rồi nước mắt chứa chan
 
Vì con biết ngày Mồng ba một dịp
Không còn về cho bao đứa trẻ con
Bán đậu phụng hay lau giày lau dép
Đã lang thang đầu gối rụng mỏi mòn
 
Và khách rộng lòng, ngày mai sẽ hẹp
Sẽ tàn nhẫn vô cùng với tất cả các em
Mà con biết vẫn không sao trách được
Vì tim người cũng canh cánh một mũi tên
 
Con chỉ kể những tủi buồn riêng rẽ
Lời của con không đủ sức nói thêm
Những đau thương mênh mông như trời bể
Đương giày vò nhân loại suốt ngày đêm
 
Hỡi Thượng Đế! Cúi đầu con thưa lại
Ở trần gian ai cũng khổ liên miên;
Người đã dựng cảnh tù đày đạo mãi
Để làm gì! Cho sáng nghĩa Vô Biên?
 
Con có nghĩ ắt là phải thế
Một đôi lần con ghì siết hai tay
Nàng Thơ đẹp của trần gian ứa lệ
Bảo con rằng "Hãy nhớ lấy Phút Giây!"
 
Con hoan hỉ xin tạ lòng Thượng Đế
Ban hồng ân cho con nhớ nhiều ngày
Người đã hỏi vì sao con khổ
Muốn nơi nào, Người cho phép đi ngay.
 
Con xin đáp: Nơi nào cũng được
Miễn là đừng quá tủi lạnh lầm than
Một kiếp sống con lĩnh thu bài học
Xin đợi làn suối ấm tấm thân con
 
Nơi nào đó dù sao cũng được
Con muốn nhìn lại mặt những người thân
 
Từng đã khổ cùng con đã khóc
Từng đã vui chung cười một đôi lần
 
Gặp nhau lại ở nơi nào tùy Thượng Đế
Để chúng con có thể vui với nhau
Ngó lại mặt, mắt chúng con trào lệ
- Nhưng không còn là lệ của thương đau 
 
Con quỳ xuống, nhịp lòng con đứng lại
Con gục đầu tim thổn thức run run
Những lầm lỗi thuở nào con ghi lại
Người cầm giùm và xóa hết cho con
 
                                      BÙI GIÁNG
      (Trích trong tập “Chớp Biển”, 1996)

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

BÀI THƠ TỨ TUYỆT VÔ ĐỀ - Nguyên Lạc


             
                        Tác giả bài viết Nguyên Lạc


            BÀI THƠ TỨ TUYỆT VÔ ĐỀ
                                                                            Nguyên Lạc    

VÀI HÀNG TIỂU SỬ

1. HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SĨ

 a.
- Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tục danh Phạm Văn Thương sinh ngày 15 tháng 2 năm 1943 tại Paksé, Lào. Thầy quê tại Quảng Bình, Việt Nam, là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với Chính phủ Việt Nam. Ông hiện là Đệ nhất phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. 
- Thầy thông thạo tiếng Trung Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Thầy được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật. [Viết theo Wikipedia]


         
                                      Thiền sư Tuệ Sĩ

b.
TUỆ SỸ, MỘT THIÊN TÀI CỦA VIỆT NAM :
Thầy xuất gia từ thuở còn thơ và sống ở Lào, làm chú tiểu Sa Di sớm chiều kinh kệ, công phu bái sám, đó là bổn phận của người làm điệu, trong nếp sống nhà chùa. Bằng bản chất thông minh, thiên tư từ thuở nhỏ, cho nên sau khi xuất gia, Thầy đã miệt mài học hỏi kinh điển, siêng năng nghiên cứu nghĩa lý đạo mầu.  Quí sư Lào sau một thời gian dạy dỗ, thấy được trí tánh thông minh của Thầy, chư sư Lào tự thắy không đủ khả năng dạy nữa, để không làm mai một thiên tư trác việt, trí tuệ tuyệt vời, các vị Bổn sư Lào đã gởi Thầy về Việt Nam, cho quí Hòa thượng tiếp tục hướng dẫn, dạy dỗ.

Thầy được đưa về Huế, cùng tu học với quí chư Tăng và thành đạt sở học một cách nhanh chóng. Do vậy, sau một thời gian tham học với chư Tổ Đức về phần kinh luật và chữ Nho, Thầy đã thông suốt và tự mình phát huy sở học mà không cần thầy dạy. Từ đó, Thầy tiếp tục vân du tham học ở chư bậc kỳ tài, hữu danh đương thời, lần hồi Thầy đã vào Sài Gòn để tiếp tay xây dựng và giáo dục đàn em, học trò của mình. Là vị giáo sư gương mẫu, nồng cốt của Đại học Vạn Hạnh, mà cứ mỗi lần gặp nhau thăm hỏi, những người đồng nghiệp đều gọi Thầy là "chú Sỹ" vì Thầy còn quá trẻ.

Thầy phụ trách dạy tại Đại học Vạn Hạnh chương trình Triết học Tây phương, văn học Đông Phương, luận đề Phật giáo : triết học Tánh Không, Trung Quán luận, A Tỳ Đạt Ma, đại cương Thiền Quán... Mặc dầu ở vào lứa tuổi đôi mươi, nhưng Thầy đã đóng góp một phần không nhỏ trong nền văn hóa, giáo dục của nước nhà và Thầy đã xuất sắc hơn trong lãnh vực ngôn ngữ : sinh ngữ và cổ ngữ. Thầy tự học, rèn luyện lấy chính mình vì vậy mọi người ai cũng kính mến, thán phục và có nhiều bạn vong niên dưới mái trường Đại học Vạn Hạnh.
                                                          [Viết theo Thích Nguyên Siêu]

2. THI SĨ BÙI GIÁNG

Thi sĩ Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.mất ngày 7 tháng 10 năm 1998 tại Sài Gòn. Ông  là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng...Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa nguồn.
Ông là nhà trí thức lớn, là giáo sư đại học, là học giả, dịch giả, là triết gia, là thi sỹ, là phù thuỷ ngôn ngữ, là kẻ lãng du thiên tài không màng thế sự...

         
                              Thi sĩ Bùi Giáng


BÀI THƠ TỨ TUYỆT XƯA

Các bạn thơ chắc ai cũng biết bài tứ tuyệt rất nổi tiếng của Trương Kế (nhà thơ Trung Quốc, thời Đường Túc Tông). Đây là bài thơ.

PHONG KIỀU DẠ BẠC

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hà San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
                                           Trương Kế

NỬA ĐÊM ĐẬU BẾN PHONG KIỀU

Trăng tà tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
                              Nguyễn Hàm Ninh dịch

(Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Hàm Ninh, thường bị nhầm là bản dịch của Tản Đà - Wikipedia)


BÀI THƠ TỨ TUYỆT NAY

Theo tôi, bài tứ tuyệt VÔ ĐỀ sau đây cũng hay không kém.
Lạ lùng thay, bài tứ tuyệt này được hai người nổi tiếng làm:  Đó là thầy Tuệ Sỹ và thi sĩ Bùi Giáng. Thầy Tuệ Sỹ làm hai câu đầu, Bùi Giáng tiếp theo hai câu cuối.
Đây là bài tứ tuyệt của hai người:


VÔ ĐỀ

 Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
 Hiện tiền vi liễu lạc hoa phi.  
                                     (Thầy Tuệ Sỹ)

 Phiêu bồng tâm sự, tân toan lệ, 
 Trí hải đa tàm, trúc loạn ty.          
        (Thi sĩ Bùi Giáng tiếp thơ)

Dịch thơ:

Tôi tạm dịch thoát như sau:

Đêm sâu bóng nghiệp theo làn gió
Rõ ràng làm lạc liễu hoa bay
Tâm sự nhẹ dâng cùng lệ khổ
Biển học thẹn lòng trúc tơ  xoay (*)
                              (Nguyên Lạc)

***
Tính nhân bản là một thuộc tính của thơ hay, nước nào cũng có, chỉ có trước hay sau thôi. Nước người có thì nước Việt chúng ta cũng có. Hãy trân trọng cái hay cái đẹp của tiền nhân, của đất nước.

                                                                                 Nguyên Lạc     
.................

Chú thích:

(*) -  Rừng trúc như tơ rối: không thâu đắc được.
                                                  (Trần Việt Long)

- Trí hải:  biển hiểu biết (biển học), nhưng cũng là Trí Hải, tên của một ni sư. Thi sĩ Bùi Giáng  muốn đùa giỡn với thầy Tuệ Sỹ

 [Có tham khảo các bản dịch: Hoàng Quốc Bảo, Trần Việt Long - trang art2all]

@ Phần phụ lục

1. Tuệ Sỹ

Sẵn đây, Nguyên Lạc xin giới thiệu thêm bài thơ KHÔNG ĐỀ của thầy Tuệ Sỹ làm sau này. Bài thơ này khác với bài thơ tứ tuyệt Vô Đề ở trên, gồm 3 khổ như sau:

KHÔNG ĐỀ

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn 
                                               Tuệ Sỹ

2. Bùi Giáng

Nguyên Lạc cũng xin giới thiệu thêm bài dịch thơ G. Apollinaire của trung niên thi sĩ Bùi Giáng. Bài thơ dịch nổi tiếng này đã được nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy phổ nhạc: "Mùa Thu Chết". Bài này rất nổi tiếng trong thập niên 70 tại Sài Gòn, và gắn liền với tên tuổi ca sĩ Julie Quang.

LỜI VĨNH BIỆT

Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng đựợc nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó…
                                         Bùi Giáng dịch

(“Ði vào cõi thơ”. Bùi Giáng, trang 80-82, nhà xuất bản Ca Dao, Sàigòn, Việt Nam.1969)

Nguyên tác:

L’ADIEU

J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends
                                     Apollinaire

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

ĐỌC “BỊN RỊN TRẦN GIAN” CỦA LÊ THỊ QUỲNH DUNG VÀ “PHỤNG HIẾN” CỦA BÙI GIÁNG - Châu Thạch


        
                    Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC “BỊN RỊN TRẦN GIAN” CỦA LÊ THỊ QUỲNH DUNG VÀ  “PHỤNG HIẾN” CỦA BÙI GIÁNG
                                                                                    Châu Thạch

Sẽ có người không đồng ý khi tôi đem thơ Lê Thị Quỳnh Dung và Bùi Giáng để cạnh nhau. Họ sẽ cho rằng sự so sánh nầy thật là khập khiễng. Thật ra tôi chỉ muốn tá khách hai bài thơ vào nhau để được nhìn hai cái đẹp được trọn vẹn từ những góc cạnh của nó. Tôi không hề muốn so sánh mức độ cao thấp, vai vế trên văn đàn, hay nhiều hoặc hay ít của mỗi bài thơ. Cái đó tùy cảm nhận của mỗi cá nhân, người đọc sẽ tự thấy khi thưởng thức nó. Hai bài thơ của hai tác giả ở thời đại khác nhau, ý tưởng thơ họ giống nhau mà phong cách thơ họ khác nhau, cùng bin rịn trần gian và cũng phụng hiến trần gian. Tiếng lòng họ giống nhau nhưng tiếng thơ họ khác nhau, như hai loại đàn riêng biệt cùng hòa âm một cung đàn, vọng vào hồn ta một bản nhạc vàng êm ái.   
Đầu tiên ta hãy nghe cả hai nhà thơ thương tiếc và bịn rịn trần gian nầy nếu họ phải lìa đời:

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

VỀ THƠ BÙI GIÁNG, NÓI THẾ NÀO CHO PHẢI ? - Trần Nhuận Minh


        
                Nhà thơ Trần Nhuận Minh


Tiểu sử Nhà thơ Trần Nhuận Minh:
Nhà thơ Trần Nhuận Minh quê ở làng Điền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Bút danh: Trần Nhuận Minh, Trần Bình Minh
Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1982, uỷ viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam.
Hiện ông đang sống và viết tại Hạ Long, Quảng Ninh.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh là anh ruột nhà thơ Trần Đăng Khoa (người nổi tiếng là thần đồng thơ văn ở miền Bắc những năm 1966-1971, từ khi mới tám tuổi)


       VỀ THƠ BÙI GIÁNG, NÓI THẾ NÀO CHO PHẢI ?
                                                                   Trần Nhuận Minh
                                                                                 
      Tôi đọc thơ Bùi Giáng cũng được khoảng 2 -300 bài và tương đối hệ thống trong mươi năm trở lại đây.
      Tôi cũng đọc rải rác hầu hết các bài viết về Bùi Giáng. Nói chung là hơi giông giống nhau của nhiều tác giả. Có người so Bùi Giáng với Nguyễn Du. Có người cho rằng, phải đến Bùi Giáng, thì thơ Việt Nam mới có biển có trời. Sự sáng tạo trong ngôn ngữ thơ Bùi Giáng là rất rõ, nhưng ca ngợi đến mức ấy, tôi cho là quá lời. Và như thế, dù không muốn, cũng là cách làm hại ông.

       
                             Nhà thơ Bùi Giáng

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2018

TƯỞNG NHỚ 20 NĂM NGÀY BÙI GIÁNG RA ĐI (7/10/1998)

Nguồn:
https://kontumquetoi.com/2018/10/02/tuong-nho-20-nam-ngay-bui-giang-ra-di7-10-1998/

          

                   TƯỞNG NIỆM 20 NĂM BÙI GIÁNG 
                   “ĐI LÀ ĐI BIỆT TỪ KHI CHƯA VỀ” 
                                        (1998-2018)

Năm 17 tuổi, đang học ở trường Viên Minh – Hội An, Bùi Giáng phải lòng và kết hôn với một nữ sinh xinh đẹp cùng tuổi cùng lớp – bà Phạm Thị Ninh. Kháng chiến nổ ra, Bùi Giáng bỏ học đưa gia đình vợ tản cư lên Trung Phước. Ngày ngày, Bùi Giáng cùng người em vợ là Phạm Văn Hoà vào núi chăn dê đọc sách. Ông Hoà, hiện đang sống ở Hội An, trí nhớ còn minh mẫn (thời điểm năm 2002 – tác giả), kể: “Dạo ấy chúng tôi thường thả dê ở Gò Lu, bầy nhiều cả trăm con. Gia đình khá nên chỉ nuôi chứ chẳng bán, cũng chẳng thịt. Anh Sáu Giáng thỉnh thoảng vắt sữa dê hâm nóng đưa cho cha mẹ và vợ. Đi chăn dê, ảnh mang theo cả gùi sách tây tàu, đọc miết”. Do phải trèo đèo lội suối tránh bom đạn, bà Ninh đã bị sẩy đứa con duy nhất của hai người. Rồi lam chướng núi rừng cuối cùng cũng đang tay cướp nốt người vợ nữ sinh phố thị của chàng thi sĩ, khi nàng mới tròn 26 tuổi.