BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

BA NGÀY VỚI BÙI GIÁNG - Phan Thị Như Ngọc




“Tháng Năm” ở Sài Gòn khao khát mưa, chói chang phượng vĩ. Tôi đi dọc những lối nhỏ râm ran ve trong công viên Tao Đàn, nghe âm thầm xô tới câu thơ cũ của Appolinaire:
 
Tháng Năm về điểm sơn xuyên
Trên tàn phế dựng muôn ngàn cỏ hoa
Bây giờ em đứng nơi đâu
Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao
 
Bài thơ “Tháng Năm” có những câu sống dai dẳng cùng năm tháng, phần lớn nhờ tài dịch của Bùi Giáng. Và đã bao nhiêu người tốn nhiều giấy mực vì ông, một hiện tượng hơn là một thiền án. Gần đây nhất, báo Hà Nội đăng nhiều bài về Bùi Giáng thời chăn bò chăn dê, thời làm thơ, thời mê các kỳ nữ, thời điên loạn khiến nhiều người hiếu kỳ muốn xem mặt nhà thơ. Tiếc thay! Cánh hạc đã bay bổng tuyệt vời….
 
Tôi thỉnh thoảng nhớ về Bùi Giáng. Mỗi lúc mỗi khác, khi thì nhớ ông, lão già bẩn thỉu dắt một xâu chó lôi thôi đứng ngơ ngáo trên đường. Khi thì nhớ tới một lão nông tẩn mẩn nhặt gạo nấu cơm ăn với muối mè. Cũng không hiếm khi nhớ cặp kính dầy cộm cúi trên trang giấy viết, nét bút như trẻ con, to và không thẳng hàng cho mấy. Còn thì chưa dám nói với ai rằng nhớ Bùi Giáng, một ông già phóng đãng say sưa nằm mọp xuống nhìn phụ nữ…làm ra mưa móc (xin lỗi!)
 
Hình ảnh về Bùi Giáng xa xưa cứ đan vào nhau rối rắm, ảo thì không phải là thực e chừng cũng không phải. Tất cả bắt đầu từ mấy ngày trước năm 75. Tôi và “chàng” share phòng chung trên một đại học nọ. Do một nhân duyên ngắn ngủi, trớ trêu!
 
Người bạn trai tôi là một tăng nhân, làm việc gì đó trong trường này. Quen nhau nhiều năm, anh ta khiến tôi làm thơ, mơ mộng kha khá dĩ nhiên toàn mơ về những nơi chẳng ăn nhập gì tới niết bàn. Áo cà sa chỉ là một lớp vỏ, còn thực chất thì không phải, trần tục và bí hiểm. Tôi biết một ít về hoạt động của anh, vừa đủ để có cảm giác mạnh.
 
Mùa đông Đà Lạt, nơi tôi ở có một cây đào nở sớm. Sáng chiều đếm hoa, tôi nẩy ra ý nghĩ, chừng nào hoa nở năm mươi bông ta sẽ tặng đôi mắt mầu mây tuyệt đẹp của…người. Khi đem cành hoa xinh xinh hồng thắm đi 300 cây số, tôi đã mua cho hoa một ghế cạnh mình, cành hoa cắm trong xô nước không bị dập dù chỉ là môt cánh lụa mỏng manh.
 
Bước lên lầu bốn, tim tôi đập rộn ràng. Không báo trước, tự nhiên hiện ra như tố nữ trong tranh, mắt tình tứ, môi chúm chiếm. Tôi nghĩ con gái thích làm như thế đối với chàng trai cô ta yêu. Nhưng ra mở cửa không phải là…mà là…
 
Không có trận mưa hôn nào cả. Chỉ có đôi mắt tròn xoe lóng lánh trẻ thơ của người mà sau này tôi biết là Bùi Giáng. Đôi má tôi đỏ chín và cả cành hòa đào…Tất cả đều trẻ trung, chan chứa sắc xuân. Tôi chôn chân ngoài cửa một phút, rồi đi lui, mặc cho tiếng gọi sau lưng. Chàng của tôi gãi đầu bối rối, ông này mới dạt về mấy hôm. Mấy phòng khác chật hết cho nên tạm thời xếp ông ở chung. Thôi thì…Mấy câu “thôi thì” liên tiếp bày ra một cảnh dở khóc cho tôi, dở cười cho Bùi Giáng. Hai tôi share một phòng, còn chủ nhân ôm gối lên thư viện hàng đêm. Hoa đào đâu biết tôi khổ, vẫn yêu kiều tối sáng một góc bàn làm việc. Tôi đếm được 56 bông nở. Lại lầm thầm. đủ 100 thì ta về. Ngồi ngắm Bùi Giáng trên cái vạt giường kê dưới đất, xa tít cuối phòng, tôi chán quá. Ông nội này có tập thơ Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn. Tôi biết. Viết về M. Heidegger rồi lằng nhằng cái gì về Thi Ca Tư Tưởng, rồi dịch Nhà Sư Vướng Lụy, Hamlet, Cõi Người Ta…Nhiều thứ, nhiều tài. Nghe khen nhiều, bây giờ mới thấy con người trước mắt tôi, sao mà xoàng xĩnh, và lặng lẽ! Suốt buổi chiều chàng của tôi đi làm. Tôi chỉ ngồi đếm hoa và nhìn suông Bùi Giáng. Không dám đi đâu một mình. Bùi Giáng nói tự nhiên, cô viết thư cho nó, nó cho tôi coi hết. Cũng hay đó…Tôi ngẩn người. Còn hơn cả giận. Những bức thư riêng tư của tôi, tôi tưởng chỉ một người xem. Té ra cả ông này cũng “duyệt”. Còn khen hay mới lạ đời!
 
Bùi Giáng nhỏ người, mặc bộ bà ba trắng rộng. Chung quanh ông ngồi là mùng màn, quần áo, mấy cái bị giang hồ bừa bộn. Chưa đủ lỉnh kỉnh, còn thêm một lồng chim cút dưới chân giường, cái siêu sắc thuốc, cái bếp dầu, soong nồi…Cứ như đàn bà nhà quê đi tản cư…Ông chỉ đống sách vở, giấy bút trên đầu giường, vẫy tôi, những cái này hay, qua đây coi. Tôi ghé đọc một mớ ngôn ngữ kiếm hiệp, lắc đầu hỏi bác viết làm gì cái này. Bùi Giáng lắc đầu, dịch, không phải viết, là Kim Kiếm Điêu Linh của Ngọa Long đó.
 
Tôi nhìn nồi cơm đang sôi, màu đỏ quạnh và chén muối mè thơm thơm, hiểu là ông đang theo phương pháp Oshawa ăn gạo lức, muối mè. Bác bị làm sao mà ăn uống cực vậy? Bị điên! Sao lại có thể nói tỉnh táo về khái niệm không tỉnh táo thế nhỉ. Điên mà còn biết là điên thì có thực điên không? Tôi hỏi như vậy. Ông nói tự nhiên, điên thiệt chứ. Mỗi khi gần tới cơn thì đón xe lên Biên Hòa. Mấy ông trong đó quen. Bớt thì lại ra. Tôi hơi hãi. Không biết bây giờ ông đang sắp thế nào? Đã “sắp” chưa!?
 
Hoa không còn tươi như hôm qua, nhiều cánh lả tả rụng trên bàn. Hy vọng hoa nở 100 cái cho ngày mai, ngày mốt xem như là không thể. Tôi nhớ núi và sương mù trên các dẫy đồi nhuộm nắng quái của mình, cả hồ nước, cả cái lạnh cắt da cắt thịt buổi sáng tới trường. Ở đây, nóng và tù túng, sợ phập phồng một người chả biết lúc nào tỉnh lúc nào điên. Chàng của tôi bảo Bùi Giáng rất hiền, chỉ phải mỗi tội ở dơ, lại luộm thuộm, không chỗ nào muốn chứa lâu. Em chịu khó mấy bữa, để nói ông ta đi chỗ khác. Tôi lắc đầu, khỏi cần! Hoa ơi! Mộng và thực chả bao giờ là một. Bẽ bàng cho cả hai ta? Về thôi!
  
Buổi tối, tôi cuộn mình trên giường không ngủ, cũng không đọc gì. Nghe đi nghe lại Mozart. Nhớ không khí phòng trà ấm áp và vui vui hồi nãy. Mấy anh lớn nói chuyện tiếng Pháp với nhau, tôi và mấy anh em chọc nhau chí chóe. Họ gọi tôi là sơn nữ….
 
Để nhớ Bùi Giáng
Sơn dầu trên giấy 18 x 24 in
Đinh Cường

Thấy tôi vào nhà tắm, Bùi Giáng bật dậy, vào theo. Tôi tái mét. Ông ta ôn tồn. Cho coi một chút thôi. Cô ngồi xuống tưới cỏ cây đi, tui nằm coi. Mát mẻ con mắt vậy mà, mai mốt cỏ trên mồ cũng mát theo. Trời ơi! Toàn “m” mát mẻ, mai mốt, mồ mả,…lùng bùng đầu óc. Tôi không giận, nghĩ ông ta không đùa giỡn, suồng sã. Chỉ là ngạc nhiên. Sao lại lúc này, lại là tôi. Những “mẫu thân” của ông đâu hết? Tại sao ông trở đi trở lại câu thơ Nguyễn Du “Sè sè nấm đất bên đường, dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” khi nằm nhai gạo lức trong bóng đêm?
 
Tôi biết ông từng học với Phan Khôi, từng lậm chuyện Kiều, giỏi nhiều ngoại ngữ, lăn lộn với thế giới triết đông triết tây, viết như đùa giỡn mọi người, sống múa may điên dại nhiều phen. Nhưng để làm gì những thứ đó. Có cần phải băng qua ý thức, qua vô thức, phá chấp tiệt để trước khi tái sinh thành trẻ thơ? Tôi hỏi như vậy. Nhưng Bùi Giáng không nói gì. Ngày hôm tôi quyết định từ đỉnh núi leo xuống mặt đất, hoa đào ngưng nở ở con số 59. Còn xa mới tới 100. Niết bàn ơi, xa quá! Tôi sẽ lên xe vào buổi trưa. Bùi Giáng đi đâu không biết. Giường chiếu như bãi chiến trường. Kiến và gián đang lục lọi nồi cơm đang ăn dở. Không thấy cái lồng chim cút nữa, chỉ thấy mấy tờ giấy viết chữ trẻ con rất to: “Lễ hội tháng ba…Bà Trời gửi ông Trời…Bà Khổng Tử gửi ông…” theo gió bay loạn. Tồi tần ngần. Một mảnh giấy có chiếc dép chặn ngang, nằm dưới đất, rõ ràng viết cho tôi: “Đợi một ngày, còn chuyện nhờ đó”
Chuyện nhờ vẫn là chuyện cũ, song thái độ thiết tha và ánh mắt trẻ con rưng rưng chỉ cần tôi nói không là òa khóc khiến tôi cầm lòng không được, lảy câu Kiều “Đà lòng dậy đến, dạy thì xin vâng” trút bớt xiêm y, ngồi xuống, và…mưa.
 
Bùi Giáng nằm dán mắt nhìn mưa móc cỏ hoa và mặt đất tràn bờ, dập dềnh. Mặt ông chói rực luồng sáng riêng tư, hoàn toàn không thể hiểu biết và chia sẻ. Mái đầu nhiều tóc bạc, gương mặt dãi dầu, gầy gò, hai tay nhăn nhúm đen xạm…tất cả như nở hoa, hân hoan từ mặt đất, mặt nước trên lầu 4. Dưới đường vẫn ngược xuôi xe cộ, tiếng động của đời sống con người vẫn vọng lên đều đặn. Không ai biết mắt người điên Bùi Giáng sáng và đẹp rực rỡ…
 
Giải phóng xong, từ Đà lạt tôi về Sài Gòn. Chàng của tôi hoàn tục, nhanh chóng thành một người tôi không thích. Đại học nọ không còn như xưa. Xuống cấp đến đau lòng khi đổi chủ. Tôi lên lại căn phòng cũ, có cảm giác ngớ ngẩn như Lưu Thần Nguyễn Triệu mất dấu nguồn đào. Mới một hai năm mà dâu bể chóng mặt!
 
Càng chóng mặt hơn khi gặp lại Bùi Giáng trước cửa trường. Ăn mặc nhếch nhác, đủ thứ giẻ xanh đỏ trên người. Một mớ xích lằng nhằng. Đầu mỗi sợi xích là một con chó, con khỉ. Như người Bohemien. Không! Như người cõi khác thì đúng hơn. Tôi gọi. Ông quay lại, đôi mắt như hai vũng nước mưa trong vắt, không in chút hồi ức con người, không nhận ra người con gái từng ôm hoa đào vào phòng, ở chung ba ngày và tặng ông một cơn mưa mãn nhãn. Tôi không dám thốt ra chữ điên.
 
Ngày Bùi Giáng mất, tôi đang ở xa, vật lộn với cảnh ngộ. Khi thoát ra được thì mọi sự đã xong. Tôi không chào ông, không theo lời dặn xưa tha thiết “Chừng tui chết, cô ngồi lên mộ tui…Ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây”. Cũng không buồn biết nơi chốn ông. Ngày tôi mất, nơi chôn tôi và những cơn mưa nữa. Tôi còn chưa lo nổi thân mình!
 
Sinh thời có nhiều người “lậm” ông, bắt chước từ lối múa may tay chân cho chí múa may thơ thẩn của thần tượng như khỉ bắt chước người, cũng có phần giông giống. Nhưng đôi mắt của ông là sự kỳ diệu trời ban, không ai sao chép nổi vẻ ngây thơ tuyệt đỉnh của nó. Bùi Giáng nói năng nhỏ nhẹ nhưng Bùi Giáng lại gây ồn ào tranh cãi cho những người nghiên cứu về ông. Tầm vóc ông thấp nhỏ, gầy gò, đi đứng nằm ngồi chẳng choán chỗ mấy không gian. Thế mà cái bóng của ông hắt vào văn học miền Nam trước năm 75 sừng sững một biên thùy riêng, vượt thời gian.
 
Tháng Năm về điểm sơn xuyên
Trên tàn phế dựng muôn ngàn cỏ hoa
 
Bùi Giáng đã có một “Tháng Năm” đầy hoa cho mình. Thỉnh thoảng nhớ những ngày ngắn ngủi bên ông, tôi hay đọc lại bài “Tháng Năm”, không dám giải mã con người mà tôi chỉ mới chạm vào lớp vỏ bên ngoài trong ba ngày ngắn ngủi trên tầng trời thứ 4 năm xưa.
 
Chàng của tôi bây giờ có vợ con đề huề, xách cặp chạy trường cần mẫn. Tôi thấy có vài lần, và tiếc cho đóa anh đào diễm lệ năm cũ. Với chàng, xem ra không cần một “Tháng Năm”. Người xa tôi nửa vòng trái đất, không có đôi mắt như vũng nước mưa đựng cả mây trời viễn xứ, không có cỏ hoa, chỉ có tâm hồn phế tích từ những năm tháng nhọc nhằn quá sức. Phải chi anh trẻ thơ được và quên được nhiều điều như thi sĩ họ Bùi kia và đọc được bài viết này…
Những bông hoa đào của tôi nay đã nở trăm bông. Thật tiếc!
 
                                                                         Phan Thị Như Ngọc
                  (Đã đăng trên Văn số 101 & 102 – Tháng 5 & 6, 2005)
 
Nguồn:
https://sangtao.org/2014/03/29/ba-ngay-voi-bui-giang/
 

1 nhận xét:

Trần Cố Quận nói...

Không hiểu vì sao khi đọc xong bài viết này tôi cảm thấy một cảm xúc bùi ngùi giữa cuộc gió bụi của trần gian, một chút xót xa cho tác giả bài viết.
Bùi Giáng điên mà TỈNH, tác giả tỉnh trong ĐIÊN. Cả hai đủ DUYÊN hòa quyện vào nhau, tạo thành một bức tranh chưa từng được vẻ nên giữa ĐỜI THƯỜNG.
Ở BÙI GIÁNG tôi học cái QUÊN còn ở tác giả bài viết tôi học cái NHỚ.
Xin cảm ơn tất cả.