BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2024

NHẠC SĨ PHẠM DUY NÓI VỀ VIỆC PHỔ THƠ NGUYỄN TÂT NHIÊN – Theo Việt Luận Viet's Herald



Saigon 1972. Ðây là lúc những khổ đau của Tết Mậu Thân chưa kịp phai mờ trong đời sống của mọi người thì xẩy ra những nhức nhối của mùa hè đỏ lửa… Tôi hết chạy trốn vào đạo ca thì lại nhào ra với chiến ca, hết hạ mình xuống với vỉa hè ca, tục ca thì lại vươn lên với nữ ca, bé ca, bình ca… Tôi thèm thuồng được soạn tình ca, nhưng phải là tình ca không rầu rĩ cơ…

Thế rồi tôi gặp Nguyễn Tất Nhiên. Trong bầu không khí thơ ở miền Nam hơi nặng nề vào lúc đó, đầy rẫy những bài thơ chủ đề về chiến tranh, hoà bình… thì thơ của chàng thư sinh mới 17 tuổi này là thơ phi chính trị. Thơ rất hồn nhiên, rất ngộ nghĩnh, theo tôi, nếu đem phổ nhạc thì sẽ cũng sẽ rất hợp với giọng hát trẻ trung (Duy Quang) trong ban nhạc gia đình là ban THE DREAMERS mà tôi đang cần “lăng xê”.


Sau khi tôi phổ bài Thà là Giọt Mưa Rớt Trên Tượng Ðá, Nguyễn Tất Nhiên cung cấp cho tôi thêm nhiều bài thơ để tôi biến thành những ca khúc trẻ trung của thời đại như Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Em Hiền Như Ma Soeur, Anh Vái Trời hay là Anh Nam Kỳ Dễ Thương, Hãy Yêu Chàng, Hai Năm Tình Lận Ðận… Những tên bài hát phần nhiều do tôi đặt ra, chẳng hạn CÔ BẮC KỲ NHO NHỎ được rút ra từ bài thơ mang tên ÐÁM ÐÔNG.

Ði qua đời tôi có khá nhiều thi nhân thuộc nhiều thế hệ, đa số đều như tôi, đều khá hồn nhiên, nghĩa là có tí máu điên. Nhưng trong làng thơ Việt Nam, có ba nhà thơ hồn nhiên nhất, có nhiều máu điên nhất, đó là Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng và Nguyễn Tất Nhiên… cả ba vị đều đã từng là thượng khách của DƯỠNG TRÍ VIỆN BIÊN HOÀ, nơi tôi đã có lần đến thăm một trong ba vị đó (Cũng cần ghi thê : Giám Ðốc của dưỡng trí viện này là con trai của nhà văn Bình Nguyên Lộc, bạn tôi).
 
                                                                                         Phạm Duy

Không có nhận xét nào: