BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2023

NHẬN ĐỊNH VỀ HỌC THUẬT PHẬT GIÁO CỦA NHÓM GIAO ĐIỂM – Gs Dương Ngọc Dũng


Ông Dương Ngọc Dũng - tiến sĩ tôn giáo học

Nhân dịp đọc cuốn Đối Thoại Với Giáo Hoàng Phaolô II do nhóm Giao Điểm biên soạn và xuất bản (1995, Hoa Kỳ), tôi cảm thấy cần phải viết để phê phán tất cả những sai lầm nghiêm trọng đầy rẫy trong một tác phẩm đối thoại với Đức Giáo Hoàng được tiến hành do những người có bằng cấp Ph.D (tiến sĩ) và tự nhận có trách nhiệm phải bênh vực cho Phật Giáo. Những tác giả này chỉ trích sự hiểu biết về Phật Giáo của Đức Giáo Hoàng và nhận định, phê phán toàn bộ triết học tư tưởng Thiên Chúa Giáo một cách ngây thơ nông cạn (có nghĩa là họ lại làm đúng cái công việc mà họ chỉ trích nơi Giáo Hoàng). Ngay cái tựa đề "Đối Thoại" cũng đã sai lầm vì các trí thức Phật Giáo trong nhóm Giao Điểm (ngoại trừ một vài tác giả thực sự có ý định đối thoại) chỉ làm một việc là công kích Thiên Chúa Giáo một cách phiến diện, nông nổi chứ không hề có ý muốn đối thoại trong tinh thần bao dung tôn giáo. Một tác giả trong tuyển tập nói trên (Hoàng Hà Thanh) thậm chí lên giọng chưởi bới Giáo Hoàng là "bố láo. Nói xàm". (sđd:158).
 

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2023

NỤ CƯỜI NẮNG MỚI – Thơ Tịnh Bình


  


NỤ CƯỜI NẮNG MỚI
 
Uốn cong lời chim ban sớm
Nghiêng nghiêng một vạt tre già
Gió lá bâng khuâng hòa quyện
Trong mường tượng nỗi quê xa
 
Chìm trong mùa đông buốt giá
Mù sương hay khói chập chờn
Ô cửa ban mai ùa đến
Nụ cười nắng mới tơ non
 
Chuông gió treo ngoài hiên lạnh
Khẽ khàng đôi nhịp bâng quơ
Chợt nghe thẳm sâu miền nhớ
Dư hương mùa cũ dại khờ
 
Lối rêu bao mùa trăng đợi
Quê nhà niềm nỗi thiên di
Mái ngói bầy chim sẻ nhỏ
Âm thầm vỗ cánh bay đi...
 
                     TỊNH BÌNH
                        (Tây Ninh)

CHỮ NHO... DỄ HỌC (1) – Đỗ Chiêu Đức


                             
LỜI NÓI ĐẦU
         
"CHỮ NHO... DỄ HỌC". Trước tiên, đây là những hồi ức của một thời giảng dạy chữ Nho trên lớp, được viết lại để gợi nhớ cho một thuở vàng son đã đi qua, và cũng để tự ôn tập lại những kiến thức đã lâu ngày bị bỏ xó vùi chôn trong đống tro tàn của dĩ vãng. Vì thế, "CHỮ NHO... DỄ HỌC" là những bài viết trao đổi trên mạng qua hình thức email với các bạn bè, thân hữu, cựu học sinh, sinh viên ... ở hải ngoại trên khắp thế giới với mục đích vừa tiêu khiển, vừa gợi nhớ, vừa nhắc nhở lại những gì của quê hương Tổ Quốc đã qua để làm ấm lại chút lòng của những kẻ tha phương cầu thực đang sống tạm dung nơi xứ lạ quê người.
         
Vì là những bài viết trao đổi nhau để cùng học tập, nên "CHỮ NHO... DỄ HỌC" không phải là những bài học nghiêm chỉnh như sách giáo khoa chính thống. Đây chỉ là những bài giảng mang tính chất phiếm luận, tùy hứng và tự nhiên như là những lời đang giảng trên lớp của một giảng viên thỉnh giảng không một chút chính quy nào cả!
        
Cho nên, " CHỮ NHO... DỄ HỌC " được viết với những thói quen như sau:
   - Sử dụng từ ngữ tự nhiên của người dân đồng bằng Nam Bộ theo tập quán của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh. Sử dụng nhiều từ " Thì, Là, Mà..." như đang nói chuyện.
   - Giảng lan man tùy hứng như một bài phiếm luận không theo một trình tự nào nhất định cả. Vừa cổ vừa kim, khi Đông khi Tây, lúc văn ngôn lúc thì bạch thoại....
   - Đôi khi lặp tới lặp lui nhiều lần một điển tích, một giai thoại văn học, một từ ngữ đặc biệt... để người đọc dễ nhớ và khỏi phải tra cứu lại tài liệu hay mất công tìm lại ở những bài viết trước.
   - Không có phần bài tập cho mỗi cuối bài, mà thay vào đó là phần Câu Đố Chữ lý thú cho mỗi cuối bài học.
       
"CHỮ NHO... DỄ HỌC" được soạn là do sự cổ vũ khuyến khích của các thân hữu gần xa với chút lòng của kẻ tha hương dị quốc ước mong được góp một chút gì đó để duy trì văn hóa dân tộc cho các thế hệ mai sau.
   
Học hải vô nhai, biển học mênh mông, dù cho có cẩn trọng như thế nào cũng không thể tránh khỏi có điều sai sót. Kính mong các bậc cao minh niệm tình hạ cố chỉ giáo cho.       
Rất lấy làm hân hạnh ! 
                                                                                        杜紹德
                                                                                   Đỗ Chiêu Đức 
*             
CHỮ NHO ... DỄ HỌC 
                                      
Bài 1:
          
Như ta đã biết, chữ NHO tức là chữ Hán cổ, công cụ dùng để truyền bá đạo Nho của đức Khổng Phu Tử mà thành tên. “Chữ Nho … Dễ Học” là cách nói khuyến khích cho người học bớt thấy khó khi học chữ Nho mà thôi.            
Chữ Nho được hình thành bởi Lục Thư là : Tượng Hình, Chỉ Sự, Hội Ý, Hài Thanh, Chuyển Chú và Giả Tá. Bây giờ thì ta bắt đầu ...Vỡ Lòng bằng chữ Tượng Hình nhé!

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

CÂY MĂNG TÂY: CÔNG DỤNG, CÁCH CHẾ BIẾN VÀ BẢO QUẢN - Hoàn Mỹ

Măng tây cung cấp nhiều vitamin và dưỡng chất quan trọng cho sức khỏe của cơ thể con người, giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, cung cấp năng lượng, bảo vệ sức khỏe xương, da và hệ miễn dịch. Theo dõi bài viết dưới đây của Hoàn Mỹ để nắm được cách bảo quản cũng như phương pháp chế biến măng tây ngon nhất.
 

Thành phần dinh dưỡng có trong măng tây

Cây măng tây chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe con người. Thông thường, trong mỗi 100gr măng tây sống thường chứa:
 
Calories: 20 calo
Nước: 93,22 gram
Chất đạm (protein): 2,2 gram
Chất béo: 0,12 gram
Carbohydrates: 3,88 gram
Chất xơ: 2,1 gram
Đường: 1,88 gram
Vitamin C: 5,6 mg
Canxi: 24 mg
Sắt: 2,14 mg
Magie: 14 mg
Phốt pho: 52 mg
Vitamin K, vitamin A, vitamin B6, vitamin B2, vitamin B1, vitamin B9, crom,…
 

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

ĐỌC “BẾN ĐÒ CHIỀU” THƠ NGUYÊN LẠC, VẺ ĐẸP CỔ ĐIỂN - Châu Thạch


   
                            Nhà thơ Nguyên Lạc

 
BẾN ĐÒ CHIỀU
 
Chiều ru tím dòng sông rầu đứt ruột
Phiêu lưng trời mây trắng thiết thê!
"Hạc bay xa, hạc chẳng quay về"
Người xa bến mang theo trời xuân mộng
 
Chiều ru tím nỗi niềm thăm thẳm
Ước mơ xưa? Ngấn lệ trong lòng!
Bến đợi chờ biếc cả dòng sông
Và một bóng hồn nghìn trùng sóng vỗ!
 
Chiều đất khách tha hương buồn thiên cổ
Bến đò đây, nhân ảnh ở phương nao?
"Ngày tàn cố lý nơi đâu?
Trên sông khói tỏa gợi sầu lòng ai" [*]
 
                                         Nguyên Lạc
.............

[*] Ý thơ Thôi Hiệu
 

THU MONG CHỜ - Lời Nhã My, nhạc và hòa âm Trần Nhàn, ca sỹ Tâm Thư trình bày.

  
   
                          Nhà thơ Nhã My.


THU MONG CHỜ
 
Chiều thu xao xuyến lá rơi về đâu
Bâng khuâng xa vắng ôm một nỗi sầu
Nhớ hôm nào tay trong tay ngàn yêu thương
 Cùng mơ về tương lai trọn đời bên nhau
Ngày xưa thân ái bướm hoa cùng vui
Đùa trong cơn gió thoảng hương sáng ngời
Mát yêu kiều môi xinh tươi dệt uyên ương xây mộng lòng
Ước mỏ đời ta chung đôi
Rồi thu năm ấy tiển bao người đi
Trường xưa lớp cũ còn nghe câu thề
Hẹn chung vui ngày về
Niềm vui học trò có nhau ngày xanh
Người xa xăm năm tháng biết bao chờ mong
Đời trai chinh chiến phủ áo phong sương
Xót xa mình ai bơ vơ
Nhặt chiếc lá thu gởi người
Có hay rằng bao thu qua chờ mong
Chờ mong

     

Lời: Nhã My.
Nhạc & hòa âm: Trần Nhàn.
Ca sĩ Tâm Thư trình bày.
Video clip: Huỳnh Tâm Hoài.

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

CHỮ NHO... DỄ HỌC (12) – Đỗ Chiêu Đức


Thầy đồ Đỗ Chiêu Đức

Trong các bài viết của tôi hay nhắc đến "Chữ Nho...Dễ Học". Mời bạn xem bài số (12) có bộ ĐÃI trong đó. Nếu thấy thích, tôi sẽ gởi cho toàn bộ gồm 38 bài "Chữ Nho... Dễ Học".                                                                                                                       Thân mến 
                        
CHỮ NHO ... DỄ HỌC  (12)
                               
Các Bộ 4 Nét
               
                         
                   
 
        
Như lần trước, trước khi đề cặp đến bài viết mới, ta giải đáp câu đố của bài  viết trước .
            
Thượng nhi bất thượng,      上而不上,           
Hạ nhi bất hạ.                     下而不下。          
Thả nghi tại hạ,                   且宜在下,            
Bất khả tại thượng.             不可在上。
 
Giải Đố:         
- Trên mà không trên, Chữ THƯỢNG mà không có phần trên thì chỉ còn lại chữ NHẤT .       
- Dưới mà không dưới. Chữ HẠ mà không có phần dưới thì cũng chỉ còn lại co chữ NHẤT .        
- Nhưng nên ở dưới, Trong chữ THẢ và chữ NGHI thì chữ NHẤT nằm ở phía dưới. Còn...         
- Không thể ở trên. Trong chữ BẤT và chữ KHẢ thì chữ NHẤT nằm ở phía trên cùng.       
Bốn câu đều xoay quanh chữ NHẤT , nên đáp án là chữ NHẤT. Nghĩa của 2 chữ THẢ NGHI là Nhưng Nên, và nghĩa của 2 chữ BẤT KHẢ là Không Thể, chỉ để đánh lạc hướng suy đoán mà thôi!        
1. BỘ TỈ :
    TỈ  : là SO SÁNH. Đây là chữ dùng Tượng Hình để Chỉ Sự theo diễn tiến như sau:

                 
       Giáp Cốt Văn  甲骨文                            Kim Văn 金文 

                 
             Đại Triện 大篆                                 Tiểu Triện  小篆

                                          Lệ Thư 繁体隶
Ta thấy:   
Hình vẽ 2 người song song như đang so sánh nhau xem ai cao, ai thấp, ai béo, ai gầy vậy. Nên TỈ là So Sánh, là Ngang Bằng, là Hơn Thua. Từ kép của SO SÁNH là TỈ GIẢO 比較, ngoài ra ta còn gặp các từ bằng chữ TỈ sau đây: 
    
TỈ THÍ 比試 : là Thi đua xem ai giỏi hơn ai.   
TỈ VĂN TỈ VÕ 比文比武 : So tài Văn Võ với nhau xem ai giỏi.     
TỈ DỤ : là Đem cái gần giống để so sánh cho người ta hiểu.     
TỈ NHƯ 比如 : là Giống như là...     
TỈ LÂN 比鄰 : là Nhà hàng xóm sát vách. Trong bài 送杜少府之任蜀川 Tống Đỗ Thiếu Phủ chi nhâm Thục Xuyên, người đứng đầu Tứ Kiệt đời Sơ Đường là Vương Bột đã viết :
                  
內存知己,      Hải nội tồn tri kỷ,                    
天崖若比鄰.      Thiên nhai nhược TỈ LÂN.
 
Có nghĩa:     
Trong bốn bể còn có người tri kỷ với nhau, thì dù cho ...    
Xa cách tận chân trời, cũng giống như là đang ở sát vách với nhau vậy!

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

TẠP LỤC THI 22, 23, 24 – Thơ Chu Vương Miện


   


TẠP LỤC THI 22 

chồng ăn chả
vợ ăn nem
ông uống bia
bà xơi cà rem
không ăn
nhịn thèm
 
đời trong mà mình đục
càng nghĩ càng không vui
càng tức
bận tâm làm chó gì?
xả xui một bữa
mắn tôm bánh đúc
 

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2023

BÙI GIÁNG BÌNH THƠ “KẺ Ở” VÀ SỰ CẦN THIẾT TRẢ LẠI TÊN TÁC GIẢ CHO “CHÍNH CHỦ” BÀI THƠ... - Bùi Giáng, Vân Long


Quang Dũng thời Tây Tiến

Trong tác phẩm “Đi vào cõi thơ”, Bùi Giáng đã viết về các nhà thơ, nhà văn: Tuệ Sỹ, Nguyễn Du, Nguyễn Trải, Chu Mạnh Trinh, Trần Trọng Kim, Huy Cận, Xuân Diệu, Hồ Xuân Hương, Rimbeaud,  Apollinaire, Chế Lan Viên, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Nhượng Tống, Nhất Hạnh, Trí Hải, Nguyễn Thị Hoàng, Hoài Khanh, Kiên Giang,Quang Dũng .v.v...
Các bài bình thơ các tác giả nêu trên được Bùi Giáng viết như tùy bút văn học. Đọc những tùy bút này, ta nhìn thấy tâm hồn ông mênh mang ảo diệu, thăm thẳm như bầu trời. Ông cảm nhận được những điều tinh vi huyền bí nhất của thi ca. Ông đúng là tri âm của các thi văn sĩ.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Bùi Giáng về Quang Dũng.
 
“KẺ Ở” là môt bài thơ độc đáo được giới yêu thơ ở miền Nam trước 1975 chép tay và chuyền nhau đọc. Đặc biệt “KẺ Ở” được thi sĩ BÙI GIÁNG viết lời bình và nhạc sĩ CUNG TIẾN phổ nhạc. Do hoàn cảnh chiến tranh, thiếu tư liệu văn học để tham khảo nên thi sĩ BÙI GIÁNG và nhạc sĩ CUNG TIẾN cũng như rất nhiều người cho rằng tác giả bài thơ “KẺ Ở” là QUANG DŨNG. Thực ra, bài thơ đó chính là bài “DẶM VỀ” của nhà thơ NGUYỄN ĐÌNH TIÊN. Dù có chút nhầm lẫn về tác giả bài thơ, nhưng thi sĩ BÙI GIÁNG đã rất tài hoa khi bình thơ - Một cách bình thơ đặc dị “rất Bùi Giáng’. Xin mời đọc!
 
 BÙI GIÁNG BÌNH THƠ: “KẺ Ở”
 
Mai chị về em gửi gì không
Mai chị về nhớ má em hồng
    
Chỉ hai câu đầu đã khiến người tê lạnh. Không có gì cả, không lời nào tha thiết, nhưng đúng như ông Huy Trân nói: “Thơ Quang Dũng ý đã nhiệt thành, cao đẹp, mà lời thơ lại êm ái gợi cảm vô cùng. Nói về thơ nhẹ nhàng, êm dịu, mà đọc tới đâu lâng lâng chết cả lòng đến đấy, thì thi ca hiện đại chỉ có Quang Dũng.”   
Thi ca hiện đại hay thi ca ngàn đời, thi ca Việt Nam hay thi ca thế giới – vâng – cũng chỉ riêng một Quang Dũng thôi.
 
Mai chị về em gửi gì không
Mai chị về nhớ má em hồng
Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong
 
Đó là chỗ sơn cùng thủy tận của ngôn ngữ. Ngôn ngữ thần tiên hiển hiện tinh thể một cách không thấy hình hài máu me đâu cả. Người ta đã bao đời đi tìm cõi huyền nhiệm của ngôn ngữ thơ. Mỗi phen trở về, mỗi phen như bó tay lắc đầu, tuyệt nhiên không biết ăn nói ra sao cả. Đành chỉ nói quanh co. Và biết bao thy sỹ hoằng viễn đã nghĩ rằng, nguyệt rằng, mình sẽ suốt đời không làm một vần thơ nào cả - một phen để hội cái chỗ dị thường trống trải vắng vẻ trong lời man mác thiên tiên kia.
Lại có những nhà tư tưởng như Heidegger, viết bao pho sách lịch kịch nêu bao câu chất vấn u ẩn, đáo cùng vẫn chỉ nhằm mục đích nhiếp dẫn tư tưởng tới chỗ mép bờ bất khả tư nghị của thi ca.
Nerval sau những lần thành tựu cõi miền ngôn ngữ đó, ông bèn lao mình vào cõi ẩn mật vô ngần của một nguồn siêu thực không tiếng không lời Les Chimères.
Apollineire, sau phút dị thường bước lên tột đỉnh đạm nhiên kia, lập thời nhảy lùi làm thơ theo thể thái bông lông tầm phào, bất sá lam hồng tố bạch.
 
Mai chị về em gửi gì không?
 
Câu hỏi cũng lững lờ như lời đáp cũng lửng lơ. Hỏi mà cũng không hỏi, không nói, không ngó, không nhìn nhau …Và chỉ sau khi lên ngựa, chia bào, con người mới để lòng mình bay tỏa khắp đường đi.
 
Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong
 
Tâm sự của người đi, nhưng nhan đề là kẻ ở. Kẻ ở hay người đi cũng một tâm tình ly biệt. Đi giữa không gian, thì cũng như đứng ở trên dâu biển. Lòng sao lạnh? Vì lòng mang chứa tất cả khoảng vắng lạnh? Vì lòng mang chứa tất cả khoảng vắng lạnh không gian… Và tiếng “mong nhớ mong” kia cũng chỉ vọng vào được trong không gian xa hút mà thôi.
Nghĩa là vọng trở lại vào lòng mình. Từ lòng mình toả vào lòng vũ trụ. Lại từ lòng vũ trụ dội lại lòng mình. Đó là cái vòng kỳ ảo của mong nhớ mong. Và mong nhớ mong mênh mông như thế, thì mong nhớ mong là cõi của từ bi tế độ vậy.
 
Quê chị về xa tít dặm xa
 
Vì đó là một quê hương nào riêng biệt nằm tại một bến bờ bỉ ngạn nào vô tức vô thanh, vô biên vô tế.
 
Quê chị về xa tít dặm xa
Rừng thu chiều xao xác canh gà
Hoa rơi khắp lối sương muôn ngả
Ngựa lạc cành hoang qua lướt qua
 
Ngựa lạc? Dẫu ngựa không lạc đường vẫn cứ là lạc nẻo. Nghĩa là: ở trong cõi hư không bao la như thế, thì đâu cũng là lênh đênh, nhưng lênh đênh theo nghĩa vô ngần: trụ vô sở trụ.
Người ngồi trên ngựa cũng lạc ngựa luôn. Hươu trong rừng cùng một cảnh ngộ lạc loài như nhau, lại tam trùng lạc lõng nhau, vì bất ngờ sợ hãi nhau, quay đầu bỏ chạy. Lời thơ lại thêm một chút niêm hoa vi tiếu “theo ngó theo”.
 
Ngựa chị dừng bên thác trong veo
 
Nếu thác đục lầy cho một chút, ắt có phần gần gũi bụi hồng hơn. Nhưng tại sao thác lại trong veo cắc cớ ra như thế? Thì trần gian còn biết đem tâm sự hồng trần ký thác vào đâu? Đó là chỗ đạm nhiên huyền bí lô hỏa thuần thanh vậy. Nó đốt cháy linh hồn bằng một tiếng trong veo. Nhưng đốt cháy mà đâu có bỏng da bỏng thịt. Nó cháy để thăng hoa cho linh hồn về ba la mật, sau một phút linh hồn tạm dừng trong một phen tư lự. Vì dù sao trận giũ áo cũng còn vướng víu với nhân nghĩa nhân tình.
 
Ngựa chị dừng bên thác trong veo
Lòng chị buồn khi nắng qua đèo
Nơi đây lá giạt vương chân ngựa
Hươu chạy quay đầu theo ngó theo
 
Rồi sẽ xin khóc một cơn vô ngần cho trùng sinh trong vĩnh biệt:
 
Rừng đêm nhòa bóng nhớ hoang mang
Ngựa chị dừng bên thác sao vàng
Sao rơi đáy nước vương chưn ngựa
Buồn dâng đôi mi hàng lại hàng
 
Ta lại gián tiếp với một sự tình kỳ dị. Nói ra là buồn dưng đôi mi hàng lại hàng, nhưng có bao giờ mối sâu mênh mông và hầu như vô đối tượng lại tràn ra thành hàng lệ. Nhưng đây là hàng lệ riêng biệt của hư không đi về vui chơi êm đềm với không hư thái thiên nhiên tĩnh tịch. Người ta có thể khóc, nhưng không phải khóc vì một mối đoạn trường riêng tây trong một cảnh ngộ nhất định.
 

BÙI GIÁNG VÀ NI CÔ TRÍ HẢI – Trích trong tác phẩm “Đi vào cõi thơ” của Bùi Giáng


Bùi Giáng qua nét vẽ Đinh Cường
 
Bùi Giáng tự viết về mình:
 
BÙI GIÁNG
 
Nguyễn Du
Phạm Thái
Nét vẽ bút bi của Bùi Giáng 1988
 
Những bài thơ “chuồn chuồn châu chấu” của ông quả thật là có ý nghĩa. Nó bay nhẹ vi vu quả có đúng như là phận mỏng cánh chuồn. Vào những buổi sáng mùa đông lạnh lạnh ở Trung Việt, vào những buổi chiều mùa thu ở Bắc Hà, hình bóng những con chuồn chuồn bay lượn cuối ngõ, đầu xuân, quả thật là tha thướt.
Đôi phen mất cái tiết điệu riêng biệt ấy cũng còn tái hiện trong đôi vần phồn hoa, mặc dù ở chồn phồn hoa không bao giờ có chuồn chuồn bay vòng múa lượn.

Bài thơ “Giữa phố” sau đây là một thí dụ:

Thiên tiên đẹp cũng như người
Ngẫu nhiên kỳ ngộ miệng cười nửa môi
Miền xanh đứng bóng mặt trời
Cõi xanh cung nguyệt cạn lời cảo thơm

Đi qua làn gió xanh rờn
Đi về ở lại còn hơn xanh rì
Phút giây đè nặng như chì
Thoảng qua như mộng không kỳ hạn qua

Chiêm bao nàng ghé lại nhà
Môi cười nửa miệng như là ngẫu nhiên
Nửa môi còn ngậm phi tuyền
Tuyết pha in mặt thần tiên như người.

Tuy nhiên vì Bùi Giáng là chỗ quen biết với tôi nên không tiện bàn luận chi nhiều. Chê thì mất lòng nhau. Mà khen thì mang tiếng “mẹ hát, con vỗ tay”.

Dù sao, bài sau đây cũng nên trích thêm vào tập:

Bóng dương buồn ngủ qua chiều
Qua sông tại hạ toan liều dấn thân
Đường sông bóng đổ cơ trần
Gẫm chông gai ấy ai từng đạp qua

Ghì môi cơn mộng la đà
Tiêu dao suốt cõi mù sa bên rừng
Nửa vời trăng rộng mông lung
Đường hoa nghi hoặc tháp tùng ni cô
 
*
TRÍ HẢI

 
Chân dung Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải

Bùi Giáng viết về ni cô Trí Hải:
 
Trí Hải Ni Cô làm thơ cho trẻ con tập đọc. Đọc mấy bài của Ni Cô, chúng ta có cảm tưởng mình biến thành trẻ bé bỏng, được phép gọi Ni Cô là Mẫu Thân bát ngát.
 
dê mẹ ở hè
nó kêu be he
bé cho nó cỏ
và ba lá tre
*
se sẻ qua đò
cú xo té ngã
quạ ta kẻ cả
chê cú hồ đồ
*
chú quạ bị què
lê ra bờ đê
mổ mè no nê
trở vô ngủ lẹ
*
cú ho sù sụ
quạ qua vỗ về
ru cú ngủ mê
ở kề cổ thụ
*
mơ mơ hồ thu
gió khẽ vi vu
tứ bề ngủ cả
như là mẹ ru
*
gió đi lơ ngơ
gò đá bơ vơ
chả có lá gì
cho gió ru mơ
*
khe ca tỉ tê
mà ru đã ngủ
lá kè ủ rũ
mơ xa gió về
*
gió thở vi vu
nghe xa lá đổ
bò dê đi ở
cỏ mơ sa mù
 
AC
thu về man mác
xơ xác chim vạc
ngơ ngác nai tơ
bơ vơ chú hạc
 
AP
mưa sa gió táp
tiêu điều bò cạp
chó Pháp ngáp dài
nhớ nai Hy-lạp
 
AT
mưa sa hạt mát
giải khát lạc đà
cát vàng bát ngát
bãi xa mờ nhạt
 
ANG
gió đi lang thang
lá vàng mang mang
mình nghe lành lạnh
mùa thu đã sang
 
AY
gió nhẹ nhàng lay
lảo đảo vàng bay
ngày thu biền biệt
đất trời như say
 
ĂNG
băng ngàn tìm trăng
mây mù bủa giăng
như màn the rũ
che mặt ả Hằng
 
ĂM
gió rét căm căm
người đi xa xăm
tháng năm biền biệt
quê nhà đăm đăm
 
ĂP
trắng mây về khắp
núi đồi tăm tắp
gió xa sắp về
mây làm cánh chắp
 
        (Thơ Trí Hải)
                                                                          Bùi Giáng

Nguồn:
http://www.vancong.com/_doku/PDF/BuiGiang_DiVaoCoiTho.pdf