BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

MÙA THU TRÊN ĐÔI CÁNH CAM, ĐÁNH RƠI BUỔI CHIỀU – Thơ Tịnh Bình


   
             Nhà thơ Tịnh Bình


MÙA THU TRÊN ĐÔI CÁNH CAM
 
Ngỡ phôi thai từ giấc mơ cổ tích
Em hái dùm ta tròn nụ trăng rằm
Con cánh cam bay từ đâu bay tới
Lấp lánh thu vàng chở nắng mùa sang
 
Nhặt đầy tay mùi hương trái thị
Bao lâu rồi thơm vẫn còn thơm
Thu quay quắt tiếng chim gù lơ đãng
Cánh đồng xa mơ giấc rạ rơm
 
Ai gieo hạt mùa thu năm trước
Cúc tựa chiều loang nắng vàng hoe
Chân trời cũ rập rờn khói biếc
Người lạ xa trên lối đã quen mòn
 
Ta tìm ta thuở đầu trần tóc khét
Gập ghềnh mây qua đỉnh núi phiêu du
Như vương vấn miền ấu thơ hò hẹn
Con cánh cam từ xa thẳm bay về...
 

CHÙM THƠ 6 BÁT CỦA CHU VƯƠNG MIỆN


  
 

CHÙM THƠ 6 BÁT
 
 Loại Hình Thơ Phát Điển “*”
 
1
Em à? đất thấp trời cao
Mất nhau? thì có tiếng gào cũng xong
Đầu mùa nhìn lúa ba giăng
Cuối mùa gốc rạ gốc rơm ngút trời
Mất nhau thì chuyện đã rồi?
Còn đâu nải chuối đĩa xôi góc bàn
Từ ngày xẩy bước sang ngang
ối thôi thơ thoét tràng giang tràn hà
bên nhau chả ngại quan hà
không nhau cũng chỉ gọi là quên nhau
lôi thôi hộp bánh buồng cau
dở dang đến tận kiếp sau cũng là
mưa mây trên cửa sông Đà
gió đâu thổi lạnh tạt qua chốn này
quê nhà Bất Bạt là đây
còn đâu? Quang Dũng viễn tây chùng chùng
xa xôi cách trở muôn trùng
người đi kẻ ở mạn rừng mạn xuôi?
 
2
Người theo Nguyễn Bính sang ngang
Còn ta theo chuyến  xe tàn về không
Nên duyên vợ vợ chồng chồng
Hữu duyên con dắt con bồng mỏi tay
hết Tàu rồi lại tới Tây
hết Nhật tới Mẽo ăn mày ăn tao
ở không phi điếu thuốc Lào
thấm vào huyết quản lúc nào im re?
suối ngàn róc rách bờ khe
trên non công múa vịt chè suốt năm
trách người trách chuyến đò sang
đò đi quan cấm đò ngang không chèo
hai bên bến Quảng bến Tiều
Đắm đò chìm nghỉm còn tiêu xái gì?
Chuyện xưa giận bạn lỗi nghì
Chuyện nay nhìn núi Ba Vì xù thôi
Loanh quanh chân núi vạt đồi
Nơi nao cũng rặt phố ngừơi khác xa
 
3
100 dâu đổ hết đầu tằm
100 bùn cũng đổ xuống đầm mất tiêu?
Thoáng qua mới sớm đã chiều
Vừa đây bay bổng chừ diều đứt dây
Bánh chưng sắp cạnh bánh giầy
Bánh chay bánh cốm thức ngày ngáo đêm
Canh một cho đến canh năm
Cả đêm thức nghĩ con ong kiếp người
Tháng giêng cho đến tháng 10
Bến Xuân giờ đã có người lãng quên?
Nước ơi? chẩy xiết xuống gành
đàn chim câu đã vội vàng bay cao
băng qua Bắc Cạn Thượng Lào
về nơi Sầm Nứa rặng đào cuối non
nơi đây rừng núi vẫn còn?
hồn Văn Cao & Quang Dũng còn trơ trơ
1000 xưa cho tới 1000 giờ
Tài hoa Nguyễn Bính ngát bờ cỏ cây?
 
4
Mùa thu cúc mùa xuân mai
Quanh năm suốt tháng khoai mài khoai môn
Hết gió đông lại gió nồm
Ước mơ cũng chỉ bát cơm không “ghế” mì
Tháng ngày vẫn kéo nhau đi
Thành bầy chim chạy thiên di mất rồi
Đông tàn xuân lại tới nơi
Thì thôi đủ thứ đất trời ngả nghiêng
Ngồi ngay cửa biển chiều hôm
Thuyền đâu sót một cánh buồm tẻo teo
Loanh quanh toàn sóng chán phèo
Cuối thu vài trận gió heo thổi về
Dặm dài sơn cận đàm khê
Nhớ nhau chả một lời thề làm tin?
Chờ cho ngọc nát châu chìm?
Chuyện xưa giống một rừng lim chặt rồi
Trên bờ sóng gió lôi thôi
Dẫy Tràng Kênh giữa một trời bao la
Chừ còn lại mỗi mình ta?
 
5
Có thì có cả thợ may
Không thì đến cả thợ giầy cũng không
“em là cục cứt trôi sông
Anh là con chó chạy rông trên bờ”  “**”
Sông Tương một giải nông sờ
Thiếp chàng hai chốn nằm mơ đã đời
Tiếc thay trời vốn quên người
Nên chi? kẻ khóc người cười phụ nhau
Nhớ hoài thêm tóc thêm râu
Xiêu xiêu nhìn mãi dàn bầu không hoa?
Quanh mình toàn những người ta
Toàn là mắt trắng? đâu là mắt xanh
Xế đời nghĩ quẩn lẫn quanh
Kẻ sống người thác cũng đành thế thôi?
Hết luân rồi lại qua hồi
hết anh kẹo kéo đến thời bán kem
80 mắt kẻm kèm nhèm?
 
                                Chu Vương Miện
 
“*”
“Thơ Phát Điển” có từ đầu thế kỷ 19, kế đó là thơ Đầu Điển
Cuối thế kỷ 19 là thơ Cổ Điển, qua đầu thế kỷ 20 là thơ Phong Cổ
Từ năm 1932 trở đi là thơ Mới Bắt Chước thơ Cổ Điển Tây Phương Thế kỷ thứ 16 & 17.
 
“**”
“Ca dao kéo” của dân gian .
 

KHÚC SÔNG CA – Thơ Lê Đình Lộng Chương


   
             Nhà thơ Lê Đình Lộng Chương


KHÚC SÔNG CA
(Gởi tặng Hạ Thái Trần Quốc Phiệt)
 
Khách bạc đầu trong sóng bạc đầu.
Thời gian theo nước chảy qua mau...
Đâu mùa đố lá trăng giao núi
Đâu bến tầm hoan nắng bắc cầu 
Giấc mộng - thực hư thành tiếc nuối
Trái đời - chua ngọt để thương đau
Bàng hoàng thắp đuốc tìm dư ảnh
Khách bạc đầu trong sóng bạc đầu...
 
Sóng bạc đầu đùa tóc phất phơ...
Bâng khuâng soi mãi ngỡ gương mờ
Em còn rãi cỏ thơm quanh gối
Ta bỗng nghe mình thức giữa mơ!
Hình dáng nhân sinh chưa rõ mặt
Cánh buồm biển ái đã sang bờ 
Giờ sông trắng xóa màu lau lách
Sóng bạc đầu đùa tóc phất phơ...! 
 
                           3-4-2014 
                Lê Đình Lộng Chương

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

CHÙM THƠ “XA VẮNG...”, “XIN...” CỦA LÊ VĂN TRUNG


   

 
XA VẮNG
 
Thu về chưa? Sao lòng như sương
Nắng có vàng cho sương tỏa hương
Cho tình phiêu lãng nghìn năm cũ
Cũng nở thiên thu những đóa buồn
Thu không về, sao lòng heo may
Sao xôn xao một nỗi tình hoài
Sao phố buồn im chùng câu hát
Sao mềm bàn chân trên rêu phai
Thu về không? Hẹn đêm chưa tàn
Em về đâu mà ngày chưa sang
Ai buông câu hát ngoài hiên vắng
Hay tiếng sầu tôi vừa thở than
Hay tiếng đàn ai chùng nốt lặng
Hồn thu quạnh quẽ ở phương này
Hay tình em cũng chừng xa vắng
Hay thơ buồn như một cơn say!?
 

MÂY, GIAO MÙA – Thơ Lê Phước Sinh


   
                Nhà thơ Lê Phước Sinh

 
MÂY
 
Cuộc sống đôi lúc chỉ là những chuỗi tình cờ
bỗng nhiên kết thành định mệnh.
 
 
GIAO MÙA
 
Thu làm rơi chiếc áo
ướt đẫm
đợi Đông sang.
 
          Lê Phước Sinh

NHỮNG BÀI THƠ VỀ THU (1) – Nguyên Lạc


    
                        Nhà thơ Nguyên Lạc

 
CHIỀU THU ĐẮNG KHÚC HỒ TRƯỜNG
        
Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?      
 (Nguyễn Bá Trác)
 
1.
Quê hương có gì để nhớ?
Mà thu vàng mắt vời trông
Tha hương còn gì để nhớ?
Chút thôi, ký ức trong lòng
Chút thôi đủ lòng lệ ứa
Áo cơm nát mộng trăng rằm
Quá khứ tôi ơi thôi nhớ
Mây bay níu giữ được không?
 
2.
Lữ khách mùa về nhung nhớ
Người ơi có nhớ ta không?
Thu sang tiếng thu ru mộng
Nâng ly đắng khúc Hồ trường 
Tri kỷ? Chỉ là hoài vọng!
Bên trời miên viễn hư không
Thanh xuân đã rồi tan mộng
Còn gì? Lận đận mà thôi!
 
Thất chí tràn chén li bôi
Mời ai? Này bóng ta mời
Uống đi! Cho lòng ngất ngất
Say đi! Vừa đủ quên đời
 
3.
Quê hương một thời bão loạn
Quê hương một thuở đoạn trường
Tri âm hồng nhan xa biệt
Thế gian lệ khổ đại dương!
 
Thôi nhé đừng nhớ đừng thương
Phù vân đời đó vô thường
Người ơi thu về lại nhớ!
Trông vời mắt đỏ tà dương
 
Chiều thu lưu vong nhung nhớ
Xa kia nghìn trùng quê hương
Xa kia mộng đời ta đó
Một thời... hình bóng khói sương!
 
Chiều thu độc ẩm hồ trường
Nâng ly "hề vọng mỹ nhân" [*]
Em ơi! một phương ta ngóng
Quê ơi! một trời ta thương
 
.........................

[*] "Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương"
                                         - Tô Đông Pha
 

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

THƯ TÌNH XUÂN QUỲNH GỬI LƯU QUANG VŨ

Mỗi khi Lưu Quang Vũ công tác xa nhà, Xuân Quỳnh gửi nỗi nhớ thương, phấp phỏng đợi chờ vào trong từng lá thư.
 
Sách Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn do Lưu Khánh Thơ - em gái Lưu Quang Vũ - biên soạn, công ty Nhã Nam phát hành dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Xuân Quỳnh (6/10/1942-6/10/2022). Sau đây là phần trích đăng nội dung một số bức thư Xuân Quỳnh gửi Lưu Quang Vũ.

Lưu Quang Vũ (áo trắng) và Xuân Quỳnh (giữa) bên các con Lưu Quỳnh Thơ (trái), Lưu Minh Vũ (phải), Lưu Tuấn Anh. Ảnh: Gia đình cung cấp
 

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

"NĂM CỤ KHI KHÔNG RỚT CÁI ÌNH..." – La Thụy sưu tầm và biên tập


 
Một người bạn hỏi tôi có thuộc toàn bài thơ có 2 câu này không, sưu tầm tên 5 vị thượng thư đó và những sự việc liên quan đến họ, giúp bạn với:
 
“Năm cụ khi không rớt cái ình,
Đất bằng sấm dậy giữa thần kinh.”
 
Xin ghi lại những điều tôi đã hồi đáp cho bạn ấy.
 
Năm 1933, vua Bảo Đại muốn cải cách triều đình bèn ban cho về hưu một lúc 5 Thượng thư các Bộ: Lại, Hình, Binh, Lễ, Công vốn chỉ thông nho học, nhường chỗ cho những người thông thạo học vấn phương Tây. 5 vị thượng thư đó gồm:
 
1/ Nguyễn Hữu Bài - Thượng thư Bộ Lại
2/ Tôn Thất Đàn - Thượng thư Bộ Hình
3/ Phạm Liệu - Thượng thư Bộ Binh
4/ Võ Liêm - Thượng thư Bộ Lễ
5/ Vương Tứ Đại - Thượng thư Bộ Công
 
Sự kiện này được ghi lại bằng bài thơ Đường luật, có chơi chữ tên 5 vị quan các bộ bị bãi chức ở từng câu tương ứng do nhà thơ Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn (1900-1946) sáng tác:  
 
Năm cụ khi không rớt cái ình,
Đất bằng sấm dậy giữa thần kinh.
Bài không đeo nữa xin dâng lại,
Đàn chẳng ai nghe khéo dở hình.
Liệu thế không xong binh chẳng được,
Liêm đành chịu đói lễ đừng rinh.
Công danh như thế là hưu hỉ,
Đại sự xin nhường lớp hậu sinh.
 

ÁO TÍM – Thơ Lê Kim Thượng


   
                      Nhà thơ Lê Kim Thượng


ÁO TÍM 1 - 2  
 
1.
Cái thời son trẻ… “Ngày Xưa”
Nhớ sao như thể…Như vừa mới đây?
Ngập ngừng tay nắm bàn tay
Vuốt ve áo tím, guộc gầy lưng ong
Cái nhìn tha thiết nhớ mong
Trải lòng trong mắt… Mắt trong thắm đằm
Đắm say đôi mắt Lá Răm
Yêu nhau từ tuổi trăng rằm liêu trai
Nguýt lườm tia mắt đưa dài
Nõn tơ màu má… Tóc cài hoa xinh
Nắng qua kẽ lá lung linh
Buộc hình với bóng, buộc mình với ta
Nón nghiêng che bóng nắng tà
Tinh khôi áo lụa, thiết tha dịu dàng
Gót son nhẹ bước khẽ khàng
Cỏ thơm theo dấu chân nàng vân vê
Phải chăng em thả bùa mê
Pha trong giọng nói chân quê tự tình
Ước gì như bóng với hình
Mai sau còn mãi cuộc tình trẻ thơ…
 
2.
Bỏ tình vàng úa câu thơ
Bỏ trăng mờ bóng… Bỏ tơ rối lòng
Trải tình ra đếm, ra đong
Tìm câu chung thủy mà không thấy gì?
Rượu hồng, pháo đỏ Vu quy
Để tôi một bóng tình si bẽ bàng
Quán xưa giờ vắng tay đan
Cà phê giọt đắng chậm tan nỗi buồn
Mưa chiều rả rích giọt tuôn
Mưa chiều kỷ niệm… Mưa nguồn về đâu
Cõi thương - Cõi nhớ - Cõi sầu
Buồn dài - Buồn chậm - Buồn sâu - Buồn đầy
Trời buồn, trời tím màu mây
Bàn tay còn nhớ bàn tay ấm đầy
Cuộc tình… đã lỡ mượn vay
Đắng cay trả đến ngàn ngày chưa xong
Vườn yêu còn ánh trăng trong
Chắc giờ hai đứa nặng lòng nhớ nhau?
Thuyền tình trôi giạt về đâu
Để sông uốn khúc… Để cầu còng lưng…
       
                   Nha Trang, tháng 10. 2022             
                          LÊ KIM THƯỢNG
 

CÒN NHỚ SÀI GÒN - Thơ Hồng Thúy, nhạc Liên Bình Định, ca sĩ Diệu Hiền trình bày.


       

 Thơ: Hồng Thúy.
        Nhạc: Liên Bình Định.
        Ca sĩ: Diệu Hiền.
        Hòa âm: Duy studio.
        PPS: Hùng Đặng.

 
CÒN NHỚ SÀI GÒN
 
Sài Gòn hỡi! vẫn trong tim bồi hồi 
Xôn xao mùa mưa nắng gió thênh thang
Từng hàng cây Tao Đàn xanh biếc lá
Lối tan trường mây trắng áo Gia Long
 
Sài Gòn đón những chuyến xe ngược xuôi
Phố rộn ràng nhịp gõ bước chân mau
Qua Chương Dương, Bạch Đằng còn vang sóng
Bến Vân Đồn ai biết nỗi bể dâu
 
Chợ Bến Thành người đông phồn hoa ấy
Thoáng hương xưa xuân Nguyễn Huệ bùng binh
Làn khói chiều Tháp Rùa soi bóng nước
Tiếng chuông vọng Vương Cung Thánh bình yên
 
Đường Tự Do ngày nào mưa lất phất
Rex, Eden… thương xá, hàng cà phê
Brodard buồn hẹn nhau mà không đến
Tiếc nuối hồn lạnh vắng cả cơn mê
 
Sài Gòn nhớ!… quê hương cách ngàn trùng
Cứ chạnh lòng Đa Kao quá … xa xôi
Đò Thủ Thiêm, Thị Nghè, sông Bến Nghé
Ngọn đèn vàng cư xá mờ sương rơi
Sài Gòn ơi! Tình yêu mãi bên trời…
 
                                   Hồng Thúy

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

HAI CHÀNG TRAI NGƯỜI MƯỜNG THUẦN HÓA ONG VÒ VẼ - Xuân Tuấn

1/ Chàng trai Bùi Mạnh Ly

Ong vò vẽ được coi là "sát thủ" của rừng già và nó là loài ong khó thuần hóa nhất. Ấy vậy mà anh Bùi Mạnh Ly (SN 1989, chàng trai người Mường ở xóm Yến Báy, xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), lại sở hữu tới 500 tổ ong vò vẽ.

Anh Bùi Mạnh Ly đang sở hữu 500 tổ ong vò vẽ. Ảnh: Xuân Tuấn
 
Ly còn đang kì công nghiên cứu và tìm cách nhân giống loài ong sát thủ này. 500 tổ ong vò vẽ được anh Ly chia làm 2 khu nuôi, 200 tổ ở sau nhà và 300 tổ trên trang trại. Đây là cơ sở nuôi ong vò vẽ lớn nhất của cả nước. Vừa vào tới đầu nhà Ly đã cảm nhận được tiếng ong vò vẽ bay rào rào sau đồi, khiến bất cứ ai cũng thấy… sởn da gà.
 
"Sát thủ" ong vò vẽ thích ăn gan gà
 
Sau nhà anh Ly là vô số tổ ong được xếp thành hàng dài, kéo từ chân đồi đến đỉnh đồi. Tổ nào cũng được xây dựng tựa như một pháo đài kiên cố, với hình thù kỳ quái. Cả mấy vạn con ong cùng trú trong phạm vi nhỏ, nhưng "nhà" nào nhà nấy bận bịu xây tổ, kiếm mồi. Tổ ong to hơn cái nồi cơm điện xếp thành nhiều hàng, trên mỗi tổ được Ly phủ một tàu lá cọ. Lũ ong đi lại nhịp nhàng tựa như con thoi.
 
Vốn đã quen với đàn ong dữ, anh Ly tiến lại gần nhìn đàn ong làm việc chăm chỉ mà lòng hưng phấn: "Trong các loài vật sống ở rừng, con ong là động vật có kỉ luật nghiêm ngặt nhất. Con nào vào việc nấy, kể cả là lúc đi kiếm mồi, xây tổ và ngủ nghỉ hay "hy sinh" mình bảo vệ tổ… đều được chúng tuân thủ nghiêm túc".

CHÙM THƠ “TRƯỜNG TƯƠNG TƯ” CỦA LÝ BẠCH – Đỗ Chiêu Đức



                                            
THI TIÊN LÝ BẠCH
     
Năm Thiên Bảo thứ ba đời Đường Huyền Tông (744), Lý Bạch vì hạ câu "Khả lân Phi Yến ỷ tân trang 可憐飛燕倚新妝" trong bài thứ 2 của 3 bài Thanh Bình Điệu, nên bị Thái Úy Cao Lực Sĩ dèm pha là Lý đã miệt thị Dương Quý Phi. Cuối cùng Lý đành phải từ quan đi ngao du tứ hải. Trên bước đường phiêu du khắp các vùng giang nam giang bắc để uống hết rượu ngon trong thiên hạ, đôi lúc Lý cũng chạnh lòng nhớ lại thuở vàng son và cuộc sống xa hoa lãng mạn một thời ở đất Trường an mà viết nên những dòng thơ đượm tình ướt át sau đây; Chúng ta cùng đọc lại 3 bài thơ cổ phong "Trường Tương Tư" của Thi Tiên sáng tác trong khoảng thời gian nầy nhé!
 

 長相思 (其一)          TRƯỜNG TƯƠNG TƯ (Kỳ I)
 
長相思,在長安。    Trường tương tư, tại Trường an.
絡緯秋啼金井闌,    Lạc vĩ thu đề kim tỉnh lan.  
微霜悽悽簟色寒。    Vi sương thê thê điệm sắc hàn.
孤燈不明思欲絕,    Cô đăng bất minh tư dục tuyệt,
卷帷望月空長嘆。    Quyển vi vọng nguyệt không trường thán.
美人如花隔雲端。    Mỹ nhân như hoa cách vân đoan.
上有青冥之高天,    Thượng hữu thanh minh chi cao thiên,
下有淥水之波瀾。    Hạ hữu lục thủy chi ba lan.
天長路遠魂飛苦,    Thiên trường địa viễn hồn phi khổ,
夢魂不到關山難。    Mộng hồn bất đáo quan san nan.
長相思,摧心肝。    Trường tương tư, thôi tâm can!
          李白                                                         Lý Bạch
 

CÙNG TỬ, QUÉT, SEN THONG DONG, THOÁT, ĐÈN KHUYA, MÂY THONG DONG, TRƯA, SEN CÂM, SEN VÀ BÙN,... – Thơ Tịnh Bình


   
             Nhà thơ Tịnh Bình


1. CÙNG TỬ
 
Hoa sen ẩn ngọc mặc hoa sen
Cùng tử nằm co trước cổng chùa
Lang thang khắp chốn rao thiên hạ
Ngọc đáng nghìn vàng bớ ai mua?

 
2. QUÉT
 
Sa La dẫn lối Phật đài
Sen ngồi tĩnh tọa mãn khai búp hồng
Một đàn cá lượn thong dong
Sân thiền tiểu quét bụi lòng nhiễm ô...

 
3. SEN THONG DONG
 
Mây xanh xa tầm với
Câu kinh ở ngoài lòng
Bao giờ vơi ưu khổ
Sen một mình thong dong