BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Khôi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Khôi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

THƠ VIẾNG ĐỒNG BÀO CHẾT DỊCH COVID 19 - Nguyễn Khôi


    

              
THƠ VIẾNG ĐỒNG BÀO CHẾT DỊCH COVID 19
 
Tiết tháng bảy trời bừng nắng nóng
Lửa cháy rừng rực bỏng miền Trung
Được thời Covid vẫy vùng
Thành Hồ thất thủ... hãi hùng xiết bao.
Ngày trăm người theo nhau chết Dịch (1)
Bình Hưng Hòa không kịp đốt thiêu
Vaccine đến chậm, ít liều
Thuốc men đặc hiệu " phăng teo" còn chờ...
Sốt, tắc mạch, nghẹn ho... ngạt thở
Bình Oxy chẳng đủ vạn người
Thôi thì là chết thì thôi
Chết không tang lễ, không lời điếu thương !
Đây những kẻ cùng đường nghèo khổ
Hy vọng vào Đất Hứa kiếm cơm
Chen nhau ổ Chuột ven đường
Gặp phen Dịch cúm lặng buồn tử vong.
Đây những kẻ lừng Văn nghệ sĩ
Đấng tài hoa tuyệt mỹ diễn trò
Gặp phen mắc cúm ốm o
"Ra đi" hơ hớ tuổi thơ một mình.
Đây những kẻ đình huỳnh Ông Chủ
Nào xe sang, biệt phủ dollar
Thị trường khuynh loát tài ba
Gặp phen mắc cúm... Tiền mà làm chi ?
Đây những kẻ đua thi Thơ phú
Mải tào lao phố chợ ham vui
Say sưa Bia rượu quên đời
Gặp phen mắc cúm... về Trời đọc Thơ.
Đây những kẻ làm thuê hiện đại
Buộc chân vào cỗ máy Nhật, Hàn...
Trong khu Công nghiệp vây quanh
Gặp phen mắc cúm cũng đành tàn hơi.
Đây những kẻ ngời Blu trắng
Dấn thân vào cứu sống bao người
Dầm trong vùng Dịch mệt nhoài
Nhiễm Virus cúm quá... thời tử vong.
Đây những kẻ trong vòng "giãn cách"
Lo an dân, cấp bách tiếp nguồn...
Ngày đêm canh gác phố phường
Dính con Covid... đáng thương thật là...
Dịch đang Diễn dân ta khổ sở
Sẽ "Quốc tang" tưởng nhớ các người
Rằm này tháng bảy buồn thui
Nén nhang vọng tưởng thương ôi lệ tràn...
 
Hà Nội, rằm tháng 7 Tân Sửu ( 2021)
Nguyễn Khôi  kính viếng...

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

KABUL15. 8. 2021- Thơ Nguyễn Khôi


 
 

KABUL 15-8-2021
        
Quân Talibal
                       súng cắp nách
quần áo lôi thôi
bốn phía
tiến vào Giải phóng Kabul …
Sứ quán Mỹ
                      lên trực thăng
tháo chạy …
Chao ôi, lịch sử luôn lặp lại
Ngày 30/4/1975 thất thủ Sài Gòn !

Các ngài Đế quốc Xâm lăng
nên khắc cốt ghi tâm:
- Hãy để các Dân tộc tự quyết !
Cái bánh vẽ “Thế giới Tự Do”
Các ngài cứ tự xơi
Dân đạo Hồi chả thiết ?
Ôi, Afghanistan
Mồ chôn những Đế chế !
 
Hà Nội 16/8/2021
Nguyễn Khôi
 
...........
 
*Taliban “có nghĩa là: người đi học hay Sinh viên, được Nhân dân Afghan ủng hộ chống các Đế quốc (Nga sô, Mỹ) xâm lược”
 

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

CHẾT DỊCH COVID – Thơ Nguyễn Khôi


                                                                Ảnh: Độc Lập
 
 

CHẾT DỊCH COVID
 
Phổi đặc, ngáp, ngạt thở
Đâu nào bình Oxy ?
Một chiếc Quan tài giấy
Tiền nhiều mà làm chi ?
 
Lò thiêu rừng rực lửa
Không một lời biệt ly
Nào Ô tô, biệt phủ
Chức quyền mà làm chi ?
 
Xếp hàng vào cõi “tử”
Bình đẳng như Cu li
Một lọ tro nho nhỏ
Miễn phí giao tận nhà
 
            Nguyễn Khôi
              12/8/2021

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

PHỎNG VẤN NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI – Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoa

Nguồn:
http://thang-phai.blogspot.com/2020/05/phong-van-nguyen-khoi-nguyen-van-hoa.html



Nhà thơ Nguyễn Khôi  
  

Từ phải qua:
Nguyễn Khôi (ngồi ngoài cùng)
Gặp vợ chồng Thế Phong lần đầu tiên ở Hà Nội, ngày 10/ 10/ 2006.
(Ảnh: Thế Phong chụp tại Khách sạn Phùng  Hưng/ Hà Nội.)

 
              PHỎNG VẤN NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI
                                                 Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoa


27.12.2011: Nhà thơ Nguyễn Khôi bước sang Mùa Xuân thứ 75. Nhân dịp này Ts Nguyễn Văn Hoa (Kinh Bắc) đã công phu tổ chức một cuộc phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Khôi xoay quanh câu chuyện Văn Chương. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng Độc giả yêu thơ Kinh Bắc bài phỏng vấn này.
 
NGUYỄN VĂN HOA (NVH):
Thưa nhà thơ Nguyễn Khôi (NK), Anh sinh vào năm nào ?
NGUYỄN KHÔI (NK):
Nguyễn Khôi sinh vào năm 1938, cầm tinh CON CỌP.

NVH : Vậy là NK cầm tinh Hổ -  Ông Ba Mươi)
NK: Đúng vậy, NK tuổi Mậu Dần.

NVH: Anh sinh ở đâu?
NK : NK sinh ở Yên Bái .

NVH: Nơi sinh là Yên Bái ?
NK: Yên Bái chỉ là nơi sinh. Gốc gác của NK là Làng (nay là Phường) Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. NK từ nhỏ đến này vẫn giữ trọn vẹn Hồn quê Kinh Bắc: NK đẻ ở Yên Bái, nhưng ngay sau đó - gửi về quê ở Vú (U nuôi) tại làng, lên 4 "bắt" về ở nhà Ông bà ngoại (Đồ Nho) đi học, năm 1945, lên 7 tuổi đã học lớp 2 trường tiểu học Đình Bảng, 1946 tản cư lên Yên Thế, 1948 về Bắc phần Bắc Ninh (tự do) rồi lên Hiệp hòa học lớp 3, lớp nhì tiểu học.
Như vậy là từ lên 1 đến 12 tuổi NK sống ở quê hương Kinh Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang). Năm 1950 tản cư lên Thái Nguyên, học cấp 1, cấp 2 / hệ 9 năm, nhưng vẫn sống trong cộng đồng người Bắc Ninh (tản cư ở theo cả họ cả làng thành 1 khu vực kiểu "tự trị")... 1955-1958 học cấp 3 Lương Ngọc Quyến-Thái Nguyên, nhưng trọ học vẫn mấy người Bắc Ninh với nhau... Do đó ăn nói (ngôn ngữ) từ bé đến lớn vẫn giữ được ngôn ngữ phong tục tập quán “Người Đình Bảng - Bắc Ninh.”

NVH: 21 năm công tác ở Tây Bắc, anh còn nhớ gì nhất ?
NK: Khi vác ba- lô đi Tây Bắc (15-4-1963) trong hành trang của NK là tập "Thái dương vu thổ nhưỡng" - "Ánh sáng và phù sa" của Chế Lan Viên (bằng tiếng Trung) và các cuốn Đường thi nhất bách thủ, Tống thi nhất bách thủ, thơ ca Trung Hoa từ cổ đại tới Minh - Thanh, Thơ và từ Mao Trạch Đông (1 bản tiếng Trung và 1 bản tiếng Việt )... Sau này ghiền thêm cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh in ở trong Thành hồi 1950. Lên Sơn La, NK là cán bộ "cắm bản" chỉ đạo HTX nông nghiệp phải học tiếng Thái để 3 cùng với dân bản, thế là có điều kiện đi vào Sống Chụ Son Sao... Thơ Mới (1930-1945) nhất là Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Hoàng Cầm cùng 3 tác phẩm cổ điển Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung Oán ngâm khúc... + thơ Trung Hoa + thơ Thái... đã cho NK cái vốn ( chữ nghĩa) để làm thơ và dịch thơ.

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

CHÙM TỨ TUYỆT THÁNG 8/2021 CỦA NGUYỄN KHÔI

 
  


CHÙM TỨ TUYỆT THÁNG 8
 
“Tháng 8 mùa thu xanh thắm
 ...Mây của ta trời thắm của ta”
                                (Thơ T.H)
 
* 1- Lại được nếm một mùa thu Covid
Trời trong xanh mà đường phố vắng tanh
Dòng người Phố trốn về quê ngút ngát
Không đạn bom kinh hơn cả Chiến tranh.
                            
* 2- Olympic... xem qua màn ảnh nhỏ
Vẫn đua tranh soán ngôi vị hàng đầu
Tàu - Mỹ - Nhật anh nào phen này “nhất” ?
Buồn cho Nga... thời oanh liệt còn đâu !
                             
*3- Ngài Biden đang lấy lại vị thế
Tập Cận Bình đang ở thế thượng phong
- Vẫn là chuyện Tiền Hàng gây sóng bề
Taliban đã có kẻ chống lưng...
                              
* 4- Trời trớ trêu : năm “dịch ‘ lại   “được mùa”
Nông sản ế thừa vì Chặn đường, cấm chợ
Con cá, con tôm... Sầu riêng, nhãn, dứa
Nông dân buồn hái quả gửi đem cho...
                                
* 5- Còn Niềm Tin: toàn dân dồn Chống dịch
Thủ tướng ra tay, Bộ trưởng ra quân
Mong “lò thiêu” chỉ lơ thơ khói nhạt
Có Vaccine hy vọng có mùa Xuân...
 
                            Hà Nội 2/8/2021
                           NGUYỄN KHÔI 

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

VỀ 2 CÂU THƠ THẾ LỮ MƯỢN LỜI CỦA KỸ NỮ - Nguyễn Khôi



                                      
Ngày trước đọc thơ Thế Lữ, đến bài "Bên sông đưa khách", mở đầu là 2 câu thơ cổ Trung Hoa :                     
 
"Lòng em như nước Trường Giang ấy                    
Sớm tối theo chàng tới Phúc Châu"                                              
                                        (Lời Kỹ nữ)
 
Nguyễn Khôi không biết Đường Thi hay Tống Từ, nên có hỏi Nhà thơ Hoài Anh (1936-...) quê Hà Nam, người rất am hiểu thơ Trung Hoa, anh bảo : hồi mới ra Hà Nội , mình hay đến "quán trà Phúc Châu" của chú Khách, chủ quán có treo 2 câu thơ chữ Hán :  
                                   
"Thiếp tâm chính tự Trường giang thủy                         
Nhật mộ tùy lang đáo Phúc Châu".
 
Tìm Đường Thi không thấy, hỏi chú Khách thì chủ quán cũng không rõ xuất xứ của 2 câu thơ trên ?

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 8) - Nguyễn Khôi

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.



 
Tập II
(Phần ngoại biên)
Tặng người em đồng hương – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hoa
 
 
Bài 10:
TRỞ VỀ VỚI BẢN GỐC THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG
 
Cũng giống như “thơ Bút Tre” hiện nay, từ một type thơ “Bút Tre thật” dân gian đã sáng tác cả trăm, ngàn câu thơ “Bút Tre mới”… Thơ nôm Hồ Xuân Hương đi vào cuộc sống dân Việt Nam ta đã ngót 200 năm (bản in sớm nhất là “Xuân Hương di cảo” in năm 1914; các bản khắc ván “Xuân Hương thi tập” in năm 1921, in năm 1923;bản  chép tay “Quốc Văn Tùng Ký” soạn vào thời Tự Đức đến đầu Duy Tân; các bản chép tay “Xuân Hương thi sao”, “tạp thảo tập”, “Quế Sơn thi tập”, “Xuân Hương thi vịnh”,“Liệt truyện thi ngâm” và “Lĩnh Nam quần hiền văn thi văn diễn âm tập”).Vậy bài nào là chính gốc thơ Hồ Xuân Hương trong số 213 bài đang được lưu hành khá rộng rãi?
 

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 7) - Nguyễn Khôi

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.

 


Tập II
(Phần ngoại biên)
Tặng người em đồng hương – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hoa
 
 
Bài 7:
CA DAO HAY THƠ BÀNG BÁ LÂN
 
Hồi năm 1994, Giáo sư Huyền Viêm (Sài Gòn) có gửi cho Nguyễn Khôi (KN) bài viết nghĩ về “một câu ca dao”. Vừa qua Nguyễn Khôi, nhân viết cuốn: “Bàng gia vọng tộc”, lại được gia đình Bàng thi sỹ gửi cho tập: “Thơ Bàng Bá Lân”, gồm các bài thơ chọn lọc trong các thi phẩm: “Tiếng Thông Reo, Xưa, Tiếng Sáo Diều, Vào Thu”, do nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê in 1957 tại Sài Gòn.
Trang 25 phần trích thơ: “Tiếng Thông Reo” có bài:
 
TRĂNG QUÊ
 
Trời cao, mây bạc, trăng tròn
đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non
diều ai gọi gió véo von
cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
 

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 6) - Nguyễn Khôi



Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.
 

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

TÌM HIỂU THÊM VỀ XUẤT XỨ CÂU “NHẤT SINH ĐÊ THỦ BÁI MAI HOA” – Nguyễn Khôi


                                                          
 Ngày 5-6-2006 Nguyễn Khôi có viết bài : Câu đối “Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa” có phải của Cao Bá Quát ? Bài viết có dẫn chứng theo “Như Kinh Nhật ký” thì là của Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tư Giản (năm 1868) nhân đi Sứ sang triều cống nhà Mãn Thanh.
 

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 5) - Nguyễn Khôi

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.
 


Tập II (Phần ngoại biên)
Tặng Người em đồng hương – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hoa
 
Bài 1:
 
VĂN NHƯ SIÊU QUÁT...?
 
Vào giữa thế kỷ 19, tại đất Thần Kinh (Huế) xuất hiện “Trường An tứ kiệt” với hai câu nhận xét cho là của Vua Tự Đức:
 
Văn như Siêu Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường
 
Tạm dịch:
 
Văn như Siêu và Quát, thì đến văn đời tiền Hán cũng không có giá trị gì; Thơ đến Tùng Thiện công và Tuy Lý công thì như bỏ qua cả thời Thịnh Đường.
 
Sở dĩ, cho là của Tự Đức là hai câu trên nói theo khẩu khí Đế Vương, gọi xách mé tên tục Phó bảng Nguyễn Văn Siêu là “Siêu”; cử nhân Cao Bá Quát là “Quát” thì chỉ có Đức Kim Thượng (Vua đương thời) mới dám gọi “thần Siêu, thánh Quát” như thế; còn bình thường tôn trọng đều gọi “Nguyễn Phương Đình”“Cao Chu Thần”. Tùng ở đây là Tùng Thiện công (Nguyễn Phúc Miên Thẩm) và Tuy là Tuy Lý công (Nguyễn Phúc Miên Trinh) - sau hai vị này được truy tặng là Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương (1936) đều là con Vua Minh Mạng, ở vào hàng chú của Vua Tự Đức.
 

HỒN VIỆT TRONG “CỔ PHÁP KÝ SỰ” CỦA NGUYỄN KHÔI * – Phạm Ngọc Hiền

 

 
Chưa lúc nào trong lịch sử Việt, các nhà văn hoá ta lại sốt sắng ra sức kêu gọi bảo tồn nền văn hoá dân tộc như lúc này. Xu hướng toàn cầu hoá nền kinh tế công nghiệp cộng với xa lộ thông tin đã mang theo những ngọn gió xa lạ thổi đến từng luỹ tre, mái rạ làm cho "Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều". Mà "Trách nhiệm của mỗi dân tộc là phải thể hiện rõ bản sắc của mình trước thế giới" (R. Tagor).
 

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 4) - Nguyễn Khôi

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.


Bài Thứ 10:
 
Tiếp theo các chí sỹ - thi nhân tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, đầu thế kỷ 20 Bắc Ninh còn có nhiều thi nhân nổi tiếng.

Độc giả biết Ngô Tất Tố (1892-1954) qua Tiểu thuyết Lều chõng, Tắt đèn và phóng sự Việc làng, ký sự lịch sử Vua Hàm nghi với việc kinh thành thất thủ; với kiến thức uyên bác, ông còn nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực :
– Khảo cứu có “Phê bình Nho học của Trần Trọng Kim”, khảo cứu về Lão tử, Mặc tử, Văn học Lý, Văn học Trần, Hồ, Mạc, Tây Sơn...
– Dịch thuật có Đường thi, Hoàng Lê nhất thống chí, Kinh dịch;
– Về thi ca, ông có bài thơ rất nổi tiếng viết khoảng năm 1929 (Trên báo Thần Chung Sài Gòn):
 
NGHE GÀ GÁY CẢM HOÀI

Tiếng gà xao xác giục bên đường
Trên gối xui người dạ ngổn ngang
Ngày tháng mài mòi đôi má trắng
Nước non đeo nặng tấm gan vàng
Tánh chim mỏi cánh bay về tổ
Kiếp ngựa tù chân lại nhớ đàng
Thôi cái cuộc đời còn thế thế
Làm trai chi giữa gốc tre làng
 
Thơ của một vị túc nho, nhưng không hủ nho. Bình cũ rượu mới. Một nửa là rượu nhà quê làng Cói, còn một nửa là rượu Hà Thành.
 
Đến Phong trào thơ mới (1930-1945), đất Bắc Ninh lại xuất hiện hai nhà thơ lừng tiếng Thế Lữ và Đoàn Phú Tứ.
 
Thế Lữ (1907-1989) quê Phù Đồng (nơi có đền thờ Phù Đồng Thiên Vương – Tháng Gióng).

Theo Hoài Thanh thì: “Độ ấy thơ mới vừa ra đời. Thế Lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam”. Đó là “cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này. Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết. Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ”. Mặc dù bước sau Phan Khôi, nhưng Thế Lữ là nhà thơ đi đầu xuất sắc nhất của phong trào thơ mới. Thế Lữ là “ông Hoàng” của thời đại thơ ca mới.

Cho đến hôm nay, thì quê hương Bắc Ninh thân yêu vẫn hiện lên trong tâm trí ta một cái gì rất Việt Nam (xứ Giao Chỉ ngày xưa và Bắc Ninh đương đại) để ta yêu dấu đến nao lòng xứ sở miền quê quan họ này:
 
Sáng hôm nay sương biếc toả mờ mờ
Như hương khói đượm đầu cau, mái rạ
 
Với Thế Lữ thể thơ 8 chữ đã trở thành thể tiêu biểu của thơ mới. Đó là thể thơ ưu việt bởi tính chất gẫy gọn sinh động và đầy hình tượng hiện đại, đánh dấu một bướcphát triển nhảy vọt của tư duy thơ Việt nam:
 
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi…
 
Thế Lữ chủ trương dùng thơ ca để phụng sự cái đẹp của thế giới, của con người và tình yêu, phải chăng đó cũng là cái đẹp khuynh thành của Bà Chúa Chè, hoà nhịp với văn mạch dân tộc ở chặng đường tuyệt vời hứng khởi?
 
Bắc Ninh còn có Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ (1910-1989). Ông có thi phẩm bất hủ Màu Thời Gian, đồn rằng để tặng một giai nhân là con gái nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh (Nàng là em nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp ?).
Bài thơ chỉ có 18 câu với 101 chữ của một tình yêu đơn phương, viết như thể không đâu vào đâu mà đủ cả nhạc, hoạ, thơ:
 
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình.
 
Từ ngàn năm nồng ấm, ta (như Hoàng Đế) lặng dâng Nàng (phi tần của ta) cả “Trời mây phảng phất nhuốm thời gian”. Lãng mạn và phi thường quá, trên cả tầm hoàng tử yêu công chúa. Bởi thế thời gian mới có Màu và có Hương. Và cho dù như Hạng Vũ - Ngu Cơ, Đường Minh Hoàng - Dương Quý Phi, Trịnh Sâm - Đặng Thị Huệ, Quang Trung - Ngọc Hân… thì tình một thủa còn hương, bởi vì “hương thời gian thanh thanh, màu thời gian tím ngát” kia mà.
 

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 3) – Nguyễn Khôi

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.




Bài Thứ 7.
 
Hoàng giáp Trần Danh Án (1754-1794) người làng Bảo Triện (Bắc Ninh) một cựu thần danh tiếng đời Lê Chiêu Thống, ông có tác phẩm Liễu Am thi tập.
 
Ông là người khăng khăng giữ quan niệm “cô trung”, mặc dù cũng linh cảm được cái triều đại mà mình tôn thờ đã mất vai trò lịch sử. Đó là chuỗi mâu thuẫn trong tư tưởng được chuyển hoá thành nguồn thi hứng bi thiết:
 
Ngày mới sắp tới gần, ngày cũ sắp qua
Ngày mới cười vui, người cũ khóc
                                      (Trừ tịch)
 
Con bướm không biết rằng hoa đã rụng
Lòng ai còn quyến luyến cánh hoa
                                     (Đại Diện)
 

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 2) - Nguyễn Khôi

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.
 


Bài Thứ 4: HÀN THUYÊN – HUYỀN QUANG
 
Tiến sỹ Nguyễn Thuyên người thôn Lai Hạ huyện Gia Lương (Lương Tài) tỉnh Bắc Ninh, năm 1282 đời vua Trần Nhân Tông đã làm bài văn tế cá sấu bằng chữ Nôm rồi ném xuống khúc sông Lô, tương truyền đã đuổi đuọc cá sấu đi. Tiếng tăm Nguyễn Thuyên càng thêm lùng lẫy. Vua thì cho việc này giống như việc của Hàn Dũ bên Tàu nên đã cho Nguyễn Thuyên đổi thành Hàn Thuyên.
 

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

BẮC NINH THI THOẠI (Kỳ 1) – Nguyễn Khôi

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.




Bài Thứ 1 – SUY NGHĨ VỀ THƠ
 
Thơ – là một bài văn gồm những câu ngắn, dài (có vần hoặc không vần) có thanh âm từ điệu của một thứ tiếng mà nhà thơ sáng tác ra, thường theo những niêm luật nhất định. Người ta thường hay nói “thơ ca”, nhưng cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa thơ và ca. Nếu Ca diễn tấu ca ngợi một cái đẹp thì Thơ với ý tứ sâu xa, với cấu trúc độc đáo được kết tinh từ cái đẹp đó làm cho mọi người ngây ngất chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền diệu tâm linh rất thơ đó.
 

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

CẢM ĐỌC BÀI THƠ "QUA SÔNG" CỦA TÔ THÙY YÊN – Nguyễn Khôi

Tô Thùy Yên sinh 1938 tại Gò Vấp, Gia Định; Tốt nghiệp Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Thiếu tá QLVNCH, là một trong những Nhà thơ lớn (cùng lứa với Thanh Tâm Tuyền) ở Sài Gòn trước 1975. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông bị nhà cầm quyền cầm tù ba lần, tổng cộng gần 13 năm. Cuối năm 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư theo dạng tù nhân chính trị ở Saint Paul, Minnesota rồi sau chuyển về sống ở Houston, tiểu bang Texas. Ông mất ngày 21 tháng 5 năm 2019 tại Texas. 

Nguyễn Khôi, tác giả bài bình thơ, trước năm 1975 vốn là người phía chiến tuyến đối nghịch với Tô Thùy Yên. Ông Nguyễn Khôi đề nghị chúng tôi đăng lại bài bình thơ này từ trang web BẠN VĂN NGHỆ (đã đăng từ năm 2013)

 
Tác giả bài viết Nguyễn Khôi
 

Thơ Việt Nam ta xưa nay hiếm có bài tả về một trận đánh...? Năm 1948 có bài "Tây Tiến" của Quang Dũng, và trước 1975 có bài "Qua sông" của Tô Thùy Yên.
 
Thôi, hãy đặt sang bên những gì là "địch/ta" (quan điểm, lập trường, bên này, bên kia) - coi như người đứng ngoài cuộc, cảm nhận theo kiểu "nghệ thuật vị nghệ thuật"... ta thử đọc bài "Qua sông" của Tô Thùy Yên xem Thơ đích thực ra sao ?
 

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

NGÀY 30/4 – Thơ Nguyễn Khôi


 


NGÀY 30/4
“Phe nào thắng thì Nhân dân đều bại...”
                              (Thơ Nguyễn Duy)
                        
30/4 - Vết thời gian
hằn vào Hồn dân tộc
Bên thắng/ bên thua
Mừng Việt Nam thống nhất
Thằng Mỹ cút xa rồi
Họa xâm lăng lại chuyển lên Ải Bắc.
                        
30/4 - 46 năm rồi
Vẫn còn đau nhức
Những mẹ góa, con côi
Những hận thù thời "đấu tranh giai cấp"
Người bỏ Nước
Lưu vong
luôn vọng về Cố Quốc
Nỗi đau này
Đời chắt mới tiêu tan...?
                           
30/4 - ngày Tưởng nhớ
Kinh hoàng
Bao nấm mộ nơi rừng hoang, núi thẳm
Hồn Tử sĩ vấn vương, u ẩn
mong muôn đời Đất Nước bình yên.
                               
30/4 - ôi, Trái tim Việt Nam
đập
khôn tả Nỗi Niềm.
 
                Hà Nội, sắp đến 30/4/2021      
                        NGUYỄN KHÔI