BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

THỜI GIAN VÀ CUỘC SỐNG, ĐỐI DIỆN VỚI THỰC TẾ - Đức Hạnh cùng quý thi hữu


  


THỜI GIAN VÀ CUỘC SỐNG
 
Hoa kia còn biết giờ tàn
Đời người sinh tử vội vàng hơn hoa
Thì giờ chớ để trôi qua
Tuổi xuân là những món quà Trên ban
Tình yêu nhiệt huyết chứa chan
Hãy luôn phấn đấu kẻo tàn ước mơ...
Thời gian chẳng có đứng chờ
Hãy nhanh thực hiện cho đời ngát hương

Dù cho bão tố bấp bênh
Quyết tâm chèo chống chẳng nên u buồn
Thuyền hoa cập bến cội nguồn
Bình minh rực rỡ tỏa muôn nẻo đường
Nhìn xem ngọn núi am tường
Biết dòng mạch chảy nuôi từng mầm xanh
Biết sông hòa nhập biển xanh
Không còn đơn lẻ, biến thành đại dương

Trăng nước còn rõ lối đi
Chân ta chớ để những gì cách ngăn
Tâm hồn chớ để đóng băng
Tình yêu chẳng để nhỏ nhen tầm thương
Chiếc lá còn biết vấn vương
Khi lìa khỏi cội nhớ thương rừng già
Dù cho cuộc sống chóng qua
Ngàn hoa vẫn nở đượm đà hương thơm.

Việc làm bác ái nở hoa
Chớ nên tham vọng mù loà lương tri
Chớ nên gây chuyện sầu bi
Cũng đừng chiếm đoạt điều chi của người
Việc làm chính nghĩa rạng ngời
Tâm hồn tinh luyện thảnh thơi tuổi già
Dù mai Thần chết ghé qua
Bóng chiều tử biệt thoát ra bên ngoài

Tựa xuân trời đất đổi thay
Chắp đôi cánh mới vươn bay lên Trời.
Tiền tài danh vọng thả rơi
Có chăng tội, phúc vẫn mời theo ta
Hành trang chuẩn bị về Nhà
Việc làm tại thế nở hoa ân tình
Thực hành đạo lý công minh
Đi trên đường Chúa thắm tình yêu thương…
 
Đức Hạnh
05 06 2022
 

TA KHÉP LẠI ÁNH NHÌN – Thơ Khaly Chàm



 

ta khép lại ánh nhìn
 
đi…
tâm tưởng được khai phóng
huệ năng có thể sẽ nhói sáng
thèm có giọt nước mắt viền dưới mi
màu lưu li huyền ứng giấc mơ người
 
đứng…
chân gõ nhịp trên mặt đất
điều khác biệt của một niềm tin
sự sống luôn bị vỡ giữa vô vàn va đập
mơ hồ cõi âm những ngọn nến được thắp sáng
 
ngồi…
ngẫm mình như loài bọ ngựa
không hề hiện mặt nòi tình trong trí nhớ
nắng và gió chui vào sự hanh khô hoàn hảo
trên đầu bầu trời dường như đang cao hơn
là tội đồ để dễ dàng làm một kẻ ngoa ngôn
 
niệm…
luôn mở mắt
ta thấy mình luân chuyển trong một phép nhân
tay nâng đỡ tay khi những ngón đang ngủ
kí ức dục tính như mây vân cẩu
biến đổi chăng hồn nhiên ám thị
 
                                                   ttcuchi 6/2016
                                                      khaly chàm
                                                              

TỨ KHOÁI CỦA NGƯỜI XƯA - Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức



Năm 1964, khi tôi thi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, có bác tài phú Gia làm chung chành lúa với ba tôi trong nhà máy xay lúa Công Thành của Thị trấn Cái Răng, bác đọc thấy tên tôi trong Danh Sách Thí Sinh Thi Đậu Bằng Trung Học được đăng trên báo, bác đã chúc mừng ba tôi và khen tôi còn nhỏ mà đã đậu Diplom (diploma) và đọc một câu trong bài thơ Tứ Khoái của người xưa là "Kim bảng tánh danh đề 金榜姓名" cho ba tôi nghe. TỨ KHOÁI của người xưa là 4 cái KHOÁI nào ? Xin kính trình với Quý Thầy Cô và bằng hữu một bài thơ xưa nữa, bài thơ TỨ KHOÁI , nói về bốn cái "KHOÁI" nhất của các Cụ ngày xưa như sau:
 
Cửu hạn phùng cam vũ,         久 旱 逢 甘 雨,              
Tha hương ngộ cố tri.            他 鄉 遇 故 知.             
Động phòng hoa chúc dạ,      洞 房 花 燭 夜,              
Kim bảng quải danh thì.        金 榜 掛 名 時.
                   
Chú thích:
 
    1. CAM là Ngọt. Vũ : Là Mưa. Như Phong Vũ 風雨 : là Mưa gió. Còn được đọc là VÕ. Vd như : Đão Võ 禱雨 : là Cầu cho mưa xuống.
    2. Cố : Là Xưa, là Cũ. Vd : Cố nhân 故人 là Người xưa, Cố Tri 故知 là Người quen biết cũ.     
    3. Quải : Là Treo. Quải danh 掛名 là Tên được treo lên. "Quải danh thì 掛名時" là Khi tên được treo lên.
 
* Nghĩa từng câu:
 
Câu 1: Trời hạn hán lâu ngày, gặp được trận mưa rào (ngọt) đổ xuống.
Cầu 2: Ở nơi xa quê hương mà gặp được người quen cũ, bạn cũ.
Câu 3: Đêm động phòng hoa chúc khi ta kết hôn.
Câu 4: Khi được treo tên trên bảng vàng, tức là khi thi đậu làm quan.
      
Câu chót có dị bản là: "Kim bảng tánh danh đề 金榜姓名". Có nghĩa Tên tuổi được ghi lên trên bảng vàng, nghĩa thì cũng tương tự, nhưng "... quải danh THÌ" ăn vận với "... Ngộ cố TRI" ở trên hơn là "...tánh danh ĐỀ".
 

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

TÌM VỀ - Thơ Nguyên Lạc


   
                  Nhà thơ Nguyên Lạc
 

TÌM VỀ
 
"Về đi tắm lại sông đầy!
Mà nghe con nước gọi ngày ra khơi"
 
Tìm về... cổ độ chiều rơi
Bên trời hụt hẫng người rồi chơ vơ
Còn riêng chỉ những vần thơ
Buồn theo năm tháng đợi chờ mong manh
Cố nhân? Mây trắng bay nhanh
Hững hờ hoa tím biếc dòng phù sa
Nghe môi đắng vị phôi pha!
Lạnh cơn gió bấc đầu mùa căm căm!
Mắt đầy sương khói mông lung
Về chi? nghe sóng vỗ lòng tha hương!
Bến xưa cùng nỗi đoạn trường
"Có ai tắm được hai lần dòng xưa?" *
Thôi tôi tình đó cũng vừa
Điêu linh đời đó đủ chưa... bạc đầu!
 
                                    Nguyên Lạc

.................
 
* Heraclitus

BAN MAI TRẮNG – Thơ Tịnh Bình


  
                           Nhà thơ Tịnh Bình

 
BAN MAI TRẮNG
 
Khi sắc hoa loa kèn trắng đơm lên ngày tinh khôi
Vạt nắng khu vườn trình diễn buổi mai tinh khiết
Chùm sương lóng lánh
Khẽ hát lên bài ca muôn thuở
 
Lặp lại bình yên quen thuộc trong cõi riêng
Ly cà phê sớm bên giá sách
Những bản nhạc giai điệu ưa thích
Tự biến mình thành một làn hương
sắc trắng
Này hỡi hoa loa kèn
Có hay tôi đang trầm mình trong đó?
 
Những bông hoa thức giấc
Và trò chuyện cùng tôi
Trong đôi mắt sương rung rinh
Lời nói vô hình
 
Vạt nắng thôi trình diễn buổi mai tinh khiết
Ánh sáng rực rỡ chạm vào tôi
Vỡ ra mảnh hương từ một bông hoa im lặng...
 
                                                  TỊNH BÌNH
                                                    (Tây Ninh)
 

TẢN MẠN CHUYỆN NGHỆ DANH CỦA CÁC “SAO” VIỆT – Đặng Xuân Xuyến

(In ở phần ĐỌC THÊM trong cuốn PHÍA SAU SỰ THÀNH ĐẠT của Phạm Thị Tuyết; Nhà xuất bản Thanh Hóa 2009)
 
Tác giả bài viết Đặng Xuân Xuyến

Khi bước chân vào làng giải trí, các nghệ sỹ rất cẩn trọng trong việc chọn nghệ danh bởi nghệ danh không chỉ đơn thuần là dùng để phân biệt giữa nghệ sỹ này với nghệ sỹ kia, mà nghệ danh còn khẳng định tên tuổi, đẳng cấp và ảnh hưởng sâu sắc tới tiền đồ... của nghệ sỹ đó. Nghệ danh được chọn lựa phải hội đủ một số yêu cầu: hay, lạ, dễ nhớ, không trùng lặp với tên của các nghệ sĩ khác và điều quan trọng là phải có ý nghĩa may mắn, tốt đẹp.
 

THƯƠNG TIẾC - Thơ Chu Vương Miện & M.Loan Hoa Sử

Nhà văn Trần Đĩnh qua đời người ngày 12 tháng 5 thọ 93 tuổi.
Nhạc sĩ Cung Tiến (1938- 2022) thọ 84 tuổi.
Nhà thơ & văn Hoài Ziang Duy (1948 – 2022) thọ 74 tuổi.

   


THƯƠNG TIẾC
 
Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt
Với bao tiếng tơ xót thương đời
“Tiếng Đàn Tôi”  -  Nhạc của Phạm Duy.

*
Một năm làm thơ không nhiều
Chỉ dăm ba bài
Đa số là cầu chúc và thương tiếc
Cho các nhà văn nhà thơ và nhà soạn nhạc…
Từ giã cõi tạm cõi trần
Để về cõi vĩnh hằng
Vô thủy vô chung
Mấy năm gần đây
Quý vị huynh trưởng “niên trưởng”
Rủ nhau cùng đi quá nhiều
Thương tiếc thì cũng chỉ để nơi lòng
Làm thơ đôi dòng
“tiễn biệt”
Vẫn biết rằng trong cõi đời ô trọc “đầu”
Có sống và có thác
Trong vòng “sinh lão bệnh tử”
Nhân sinh chả có một ai khỏi thoát
Các huynh viết văn làm thơ soạn nhạc
Cống hiến dâng đời
Cũng hoài mong có chút gì còn lại
“bất diệt”
Người già thương tiếc người già
Kẻ tài hoa thương tiếc kẻ tài hoa
Thế gian hạn hẹp
Bụi cát mù sa
Y như lầu Hoàng Hạc
Chim ngừng cánh một chập một thời gian
Rồi cất cánh bay luôn không trở ại
“Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản”
Ôi những “tài nhân & nghệ nhân” của đất trời ?
Đến nơi đây một lúc
Hoặc vài mươi năm
Hay một kiếp làm người
Rồi cũng theo chim Hoàng Hạc bay vút trời xanh
Than ôi!
 
                    Chu Vương Miện & M.Loan Hoa Sử
 

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

ĐINH THỊ NHƯ THÚY, ĐÃ CÓ SAI LẦM Ở ĐÂU ĐÓ - Nguyễn Đức Tùng


Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy

Sự chú ý của chúng ta là món quà tặng gởi cuộc đời. Sự chú ý của một cá nhân đối với một chi tiết tạo ra tâm cảnh. Con người bình đẳng trước ngôn ngữ, được tự do chọn lựa. Không có một tự do nào lớn hơn tự do suy nghĩ và biểu hiện. Những bài thơ hay đòi hỏi người đọc đi xa hơn nữa, nhìn thấy phía sau của sự vật, bên kia chân trời. Chúng ta di chuyển trong một thế giới hỗn loạn, đi tìm sự yên tĩnh ở nơi náo động, đi tìm thăng bằng ở nơi mất thăng bằng. Tất cả đều cần đến sự chú ý hay sự bao quát hoặc cả hai. Ngày hôm nay hầu hết người làm thơ có khuynh hướng viết dài. Đinh Thị Như Thúy cũng là một người như vậy, mặc dù trong các bài thơ của chị , các chi tiết được chú ý. Người đọc hôm nay ngày càng làm quen với các câu thơ dài, sự nối kết giữa chúng với nhau, với các hình ảnh lớn lao, bộn bề, sự mô tả từ xa tới gần. Thơ trữ tình được định nghĩa lại. Ngày trước, người ta tin rằng thơ trữ tình dùng để mô tả những xúc cảm cá nhân, không dùng để mô tả các sự kiện. Ngày nay thơ trữ tình cũng biến đổi, chúng dung chứa nhiều hơn các khả năng, mô tả các sự kiện khách quan, mô tả sự mất mát và sự toàn vẹn, mô tả sự đổ vỡ, đi tìm một năng lượng trữ tình trong những hình thức phi đối xứng.
 
Chiều có giới hạn
thủ đoạn, xảo trá vô hạn
đêm có giới hạn
kiểu cọ, vênh váo vô hạn
biển có giới hạn
nông cạn, dốt nát vô hạn
phi lý mãi đến chẳng còn phi lý nữa
Ào ạt đường về có cơn mưa
hào phóng ném muôn ngàn giọt lành
hào phóng phục sinh màu lá
ào ạt cá mòi phập phồng mang thả
những bọt khí tròn trong suốt
 

KỂ THÊM VÀI CHUYỆN... CỦA TÔI – Đặng Xuân Xuyến



Sáng 11 tháng 05 năm 2019, vào viện thăm người ốm, thằng em (xã hội) than thở: - Năm ngoái mẹ em đi xem, thầy nói năm 2019 đề phòng hao tổn nhân mạng. Về nhà mẹ cứ rầu rĩ, lo mẹ có mệnh hệ gì thì em sẽ khổ. Em càu nhàu là mẹ mê tín vớ vẩn. Giờ nhìn mẹ nằm một chỗ, đến cả em mẹ cũng không nhận ra... Em xót xa lắm.
 

TIẾT ĐOAN NGỌ - Thơ Tịnh Bình


   


TIẾT ĐOAN NGỌ
 
Mủi lòng nhìn một xác ve
Đám tang con kiến bên hè đêm qua
Sớm mai mắt lá sương sa
Một bầy gió vỡ ướt nhòa lệ mưa
 
Râm ran tiếng dế tiễn đưa
Thắp đèn đom đóm cũng vừa ra chơi
Tiết Đoan trải nắng ra phơi
Trong veo dải lụa tơ trời tháng Năm....
 
                                     TỊNH BÌNH
                                      (Tây Ninh)

“ĐỪNG NGHĨ”, CẢM TÁC TỪ BÀI THƠ “ĐỪNG TƯỞNG” ĐƯỢC CHO LÀ CỦA BÙI GIÁNG – Thơ Đức Hạnh


Nhà thơ Đức Hạnh
 
 
ĐỪNG NGHĨ
 
Đừng nghĩ cứ đời là sướng... Cứ hướng là đi, cứ thi là đậu
Đừng nghĩ cứ bạn là thân... Cứ ân là nghĩa, cứ nghĩa là tình
Đừng nghĩ cứ bè là bạn... Cứ bạn là vui, khi xui... chúng biến..!
Đừng nghĩ cứ khỏe là không đau... Cứ câu là được, cứ vượt là qua
Đừng nghĩ cứ nụ là hoa... Cứ hoa là mộng, cứ lọng là che
Đừng nghĩ cứ ghế là ngồi... Cứ đồi là cây, cứ mây là gió
Đừng nghĩ cứ nghèo là khổ... Cứ trổ là lời, cứ mời là thích
Đừng nghĩ cứ yêu là nhớ... Cứ gỡ là ra, cứ qua là lại
Đừng nghĩ cứ mong là được... Cứ vượt là xuôi, cứ lui là chậm
Đừng nghĩ cứ quan là quyền... Cứ tiền là mạnh, cứ cánh là bay
Đừng nghĩ cứ mơ là thấy... Cứ cậy là nhờ, cứ chờ là được
Đừng nghĩ cứ nhớ là thương... Cứ vươn là mộng, cứ giống là trồng
Đừng nghĩ cứ học là hành... Cứ xong là đạt, cứ hạt là gieo
Đừng nghĩ cứ giỏi là tài... Cứ khôn là biết, cứ quyết là nên
Đừng nghĩ cứ bại là thua... Cứ mua là được, cứ ước là thành
Đừng nghĩ cứ gió là bão... Cứ lão là khôn, cứ quyền là oách
Đừng nghĩ cứ thịnh là giàu... Cứ màu là đẹp, cứ lép là non
Đừng nghĩ cứ đượm tháng ngày... Nhiều đêm lạnh lẽo mới hay duyên phần
Đừng nghĩ tham nhũng vài lần...  Đôi khi lộ mánh, ngại ngần tấm thân
Đừng nghĩ chức trọng cầm cân... Điều hành bất chính, tấm thân lao tù
Đừng nghĩ mải miết ngồi ù... Coi chừng gảy ghế, mịt mù khói mây
Đừng nghĩ thắng cuộc đó đây... Nào hay bẫy sập, cả bầy lăn quay
Đừng nghĩ cứ thắng là hay... Nào ngờ đức thắng xe bay xuống cầu
Đừng nghĩ đời đẹp muôn màu... Có khi héo mộng u sầu trầm kha
Đừng nghĩ vật chất của ta... Đến khi nhắm mắt xuôi tay còn gì!
Đừng nghĩ tham vọng được chi... Có chăng tội ác, kéo ghì đời ta
Đừng nghĩ Trời ở quá xa... “Hoàng thiên hữu nhãn” thấy ta làm gì..!
 
☆☆☆☆☆
 
Gác tay lên trán mà suy!
Thân như cát bụi bay đi, sẽ dừng
Việc làm bác ái chớ đừng
Chớ đừng bất nghĩa đã từng hại nhau
Biển tình đạo lý làm đầu
Đừng gây tội ác… lún sâu chẳng bền
Hỡi ơi! Hãy nhớ, chớ quên..!
 
                                         Đức Hạnh
                                        30 05 2022
 

THÁNG SÁU – Thơ Trần Mai Ngân


  


THÁNG SÁU
 
Khươi tàn tro cũ tìm nhau
Nhiệm mầu tháng Sáu trước sau vẫn đầy
Hôm xưa mưa trắng cổng trời
Trên thuyền hoa nở nụ cười khai nguyên
 
Tháng Sáu ve gọi hàn huyên
Đong đưa hoa lá phận duyên vội vàng
Mây bay phụ bạc ngỡ ngàng
Mặt trời che khuất bẽ bàng bóng trưa
 
Tháng Sáu về lại bến xưa
Một con thuyền cũ như vừa đâu đây
Tháng Sáu tình vẫn khẳm đầy
Trong tôi sao đã qua ngày sang đêm
 
In nhòa tường trắng bên thềm
Dáng hoa hoá đá lệ mềm chân như!
 
                               Trần Mai Ngân

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

CŨNG TẠI CÁI ÔNG KHUẤT NGUYÊN CỦA NƯỚC SỞ - Đỗ Chiêu Đức


Tiết Đoan Ngọ: Tết Giữa Năm
 
Mùng 5 tháng 5 là TIẾT ĐOAN NGỌ 端午節, theo Ngũ hành Bát quái, vì số 5 thuộc dương, nên Tiết Đoan Ngọ còn gọi là Tiết ĐOAN DƯƠNG 端陽. ĐOAN: là Đầu mối, là mở đầu; NGỌ: là giờ Ngọ, là giữa trưa; còn DƯƠNG là mặt trời, là khí dương, ĐOAN DƯƠNG có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Còn ĐOAN NGỌ là bắt đầu lúc giữa trưa. Theo truyền thuyết Trung Hoa...
 

VỀ CHI? – Thơ Nguyên Lạc


   
                             Nhà thơ Nguyên Lạc


VỀ CHI?
 
Hỏi quê cây cỏ lắc đầu
Hỏi chiều chim vịt kêu sầu bên nương
Hỏi mây biếc thẫm tà dương
Hỏi mùa gió chướng lạnh luồn lách lau!
Hỏi tình tôi biết hỏi đâu?
Hỏi tôi sao lại quay đầu về chi?
Đã rồi cuộc ấy ra đi
Ra đi có nghĩa biệt li nghìn trùng!
Bể dâu trời đất não nùng?
Tìm chi quá khứ mịt mùng mây trôi
"Nước sông Hoàng bất phục hồi" [*]
Làm sao níu được dòng đời mà mong?
Bâng khuâng Từ Thức nhớ không?
Ngẩn ngơ chốn cũ... Thôi đành thế thôi!
Thôi thì trở lại phương mây
"Chong khuya khêu nguyệt" tháng ngày buồn tênh!
 
                                                            Nguyên Lạc
..............
 
[*] Thơ Lý Bạch
 

GƯỢNG... – Thơ Đặng Xuân Xuyến


   


GƯỢNG...
(viết cho G)
 
Đêm về tải nắng ra phơi
Mà hong không nổi tiếng cười xế trưa
Giận người tạt nước theo mưa
Để tim buốt lại như vừa mới đâm
 
Thì nào có ngọng có câm
Chỉ vì nhẫn nhịn mà thâm nát chiều.
 
Hà Nội, đêm 21 tháng 5-2022
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

MƯA RÀO – Thơ Tịnh Bình


  


MƯA RÀO
(Thơ Thiếu Nhi)
 
Lộp bộp! lộp bộp!
Rơi trên mái nhà
Tiếng mưa giòn giã
Thiệt là vui ghê!
 
Đâu rồi nắng hạ
Chang chói trưa hè
Tiếng ve ướt sũng
Mưa rào cười vang
 
Lộp bộp! lộp bộp!
Bóng mây tan rồi
Mưa trêu nắng đấy
Khóc nhè chút thôi!
 
         TỊNH BÌNH
          (Tây Ninh)

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

GIẢI MÃ ĐƯỜNG THI – Võ Nhựt Ngộ

Nhà nghiên cứu Võ Nhựt Ngộ tặng La Thuỵ tập GIẢI MÃ ĐƯỜNG THI từ năm 2010. Qua tập tài liệu này, xem những bài thơ như bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ của Nguyễn Du, bài ĐẰNG VƯƠNG CÁC của Vương Bột..., ta thấy các nhà thơ xưa tỏ ra rất tiêu sái thanh thoát trong khi tác thi Đường luật, mà chúng ta lâu nay cứ tưởng là phá cách, thất niêm, thất luật, hoá ra không phải thế. Bài viết này chúng tôi đã đăng trên lathuy.blogtiengviet từ năm 2011, giờ đăng lại. Xin mời đọc!
 
Nhà nghiên cứu Võ Nhựt Ngộ


GIẢI MÃ ĐƯỜNG THI – Võ Nhựt Ngộ
 
LỜI PHI LỘ
 
Nhà hiền triết Platon hỏi các bạn thực khách: trong một chậu nước đầy, bỏ cục gạch vào thì nước tràn ra. Còn bỏ con cá lớn bằng cục gạch vào thì nước chẳng tràn ra, là tại sao?
Các thực khách trả lời: kẻ bảo tại con cá nó hít nước, người bảo tại con cá nó ngo ngoe lội tới lội lui.
Phaton cho gia nhân mang chậu nước ra làm thí nghiệm, lúc bỏ con cá vào, thì nước cũng... tràn ra!
 
Với thí nghiệm đó, Platon cho chúng ta câu châm ngôn dùng dạy trẻ là «hãy quan sát trước khi suy luận» (observer avant de raisonner)
Nhưng còn có một câu châm ngôn sâu sắc hơn nằm trong quyển Tự điển Petit Larousse: «tôi rất yêu quí Platon nhưng tôi yêu quí sự thật nhiều hơn» (Platon m’est cher, mais la réalité me l’est davantage).
 
Các tiền nhân chúng ta có công lớn với văn học, trong những tác phẩm của họ, không thể tránh được đôi khi cũng có những sơ sót sai lầm. Khi nhận ra, hẳn các vị ấy cũng khuyên chúng ta một câu tương tự: «đừng vì ta mà phủ nhận sự thật».
 
Quyển GIẢI MÃ ĐƯỜNG THI này rất mong đóng góp được sự giải tỏa một vài thắc mắc của thơ Đường Luật trong tinh thần đó của tiền nhân.
                                                                         Trân trọng kính thưa.
                                                                               Võ Nhựt Ngộ