BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2022

THIÊN DI – Thơ Trần Mai Ngân


  


THIÊN DI
 
Sau những bộn bề tất bật ngày
Là tôi cùng bóng mình lặng lẽ
Đêm rất dài âm thầm chia sẻ
Vết lăn trầm đi qua - đi qua…
 
Rồi tôi như cánh chim Di mỏi
Bay đến cuối chân trời xanh ngọc
Ở đó… tôi mơ loài người sẽ học
Lẽ ở đời biết gánh vác cùng nhau…
 
Tôi mơ - ở đó đẹp những sắc màu
Để nhẹ tênh như mây trời lãng đãng…
 
                                 Trần Mai Ngân

NGỠ NGÀNG – Thơ Lê Phước Sinh


   
            Nhà thơ Lê Phước Sinh

 
NGỠ NGÀNG 
 
Phố giật mình thức ngủ
Hàng xóm vẫn lơ mơ
Rải rác người đi chợ,
thói quen tự thường giờ...
 
Ngoại Ô ngày xơ xác
Ổ gà ấp ổ voi
Hôm qua mưa nước đọng,
hạt tóe vướng chân người.
 
Chủ Nhật buồn đến nổi
chỉ mở hé cửa nhà
dẫu cái Dịch đã chạy,
 đồng Tiền lại trốn xa...
 
          Lê Phước Sinh

ĐỌC “ĐI THEO THỜI GIAN”, THƠ PHAN THẠCH NHÂN - Châu Thạch


   
 

ĐI THEO THỜI GIAN  
 
Đêm Nhan Biều
Nằm nghe
Tiếng gà gáy khuya giữa trời đêm lạnh
Tiếng gió vi vu giá rét lạnh trong lòng
Tiếng thạch sùng chắp lưởi giữa buổi tàn đông
Tiếng tơ lòng nơi quê nhà ray rứt phận đời lữ thứ
Chỉ một thoáng qua
Tôi chỉ dừng chân bên dòng đời muôn nẻo
Có chị tôi già
Ngồi nhắc chuyện một thời xa
Ngày tháng phôi pha
Tuổi thơ tôi đâu mất giữa quê nhà
Xa lắm rồi!
Ôi! Một thời giông bão
Trời đang xuân mà một chút tàn đông còn lưu lại
Gặp vội bạn bè
Gặp lại người quen
Mình chẳng nhận ra nhau
Nhưng câu chuyện xưa vẫn chưa quay về hồi kết.
 
Đêm Nhan Biều
Đêm suy tư ngồi lắng nghe mà ngẫm
Năm mươi năm xa quê
Ngồi bên chị tối nay
Khi quay về chân em còn mười ngón
Nhìn hai bàn tay mình, em còn đủ bộ ngón thong dong
Dù bao phen roi đời quất lên phận người chua chát
Nếm đắng nuốt cay xa xót cả nỗi lòng.
 
Đêm Nhan Biều
Tôi đến rồi đi thật vội vã
Một thoáng quê hương bên góc nhỏ cuộc đời
Dấu chân người ra đi
Tìm nơi xa vời vợi
Vuốt mắt nhìn trời xa xót một niềm riêng
Tôi thao thức
Cứ triền miên đêm không ngủ
Cũng muốn ghé thăm ai
Nhừng F0 đang chặn kín cửa nhà
Cửa đóng then cài
Nằm im đêm thị trấn
Buồn tênh.
 
Thôi tạm biệt
Tạm biệt sông quê
Tạm biệt quê nhà để bay về bên phố lớn
Có con đường tha hương gió bụi
Số phận nối dài theo kiếp người vùng vẫy giữa trời Nam
Xin tạm biệt
                      
                                                              Phan Thạch Nhân
 

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2022

LẠY TRỜI... – Thơ Tịnh Bình


 
                                     Nhà thơ Tịnh Bình


LẠY TRỜI...
 
Lạy trời đừng múc nắng chan
Cá ngoi bờ cạn đồng làng hoang vu
Se lòng ngõ vắng lời ru
Sương chiều đọng nhánh mù u tủi lòng
 
Lạy trời đừng sa mưa giông
Chim non ngóng mẹ đằng đông chưa về
Bếp hờn củi ướt cơm khê
Ngậm ngùi mái lá vân vê khói buồn
 
Lạy trời đừng giọt mưa tuôn
Ướt đôi cánh mỏng chuồn chuồn vụt bay
Bờ đê vấn vít cỏ may
Thương người tần tảo cấy cày hong phơi
 
Thuận mưa vừa nắng ai ơi !
Cơm thơm dẻo hạt ơn trời ấm no
Lấm bùn mà vẫn thơm tho
Áo tơi bạc thếch sáng lòa nghĩa nhân...
 
                                       TỊNH BÌNH
                                         (Tây Ninh)

TRÍCH: TÌNH KHÚC TẶNG BẠN BÈ – Thơ Khaly Chàm


   


trích: tình khúc tặng bạn bè

.lời thiên cổ vọng
 
lời thiên cổ vọng xa xăm
đất đai dọn chỗ ta nằm ngát hương
oằn vai nặng gánh tang thương
thấy ta khát giữa khói sương mơ hồ
 
.xanh miền cỏ hoang
 
thời gian réo gọi hư vô
sương bay trắng tóc giang hồ tiền khiên
mai sau tìm gặp lửa thiêng
tro tàn cõi hoá xanh miền cỏ hoang
 
.ru hồn cát bụi
 
khúc âm xưa bật phím đàn
ru hồn cát bụi cưu mang phận người
ru ta ly rượu mồ côi
ru tình lỗi nhịp một đời nhớ, quên
 
                                    khaly chàm
 

TỰ TÌNH VỚI QUÊ HƯƠNG... – Thơ Phan Thạch Nhân


   
                       Nhà thơ Phan Thạch Nhân


TỰ TÌNH VỚI QUÊ HƯƠNG
 
Nhớ lắm quê mình đất Triệu Phong
Bởi tại sinh ra kiếp tang bồng
Đôi lần tìm lại qua lối cũ
Phố đẹp người xinh tựa hoa hồng
Thạch Hãn sông quê chiều man mác
Mạn thuyền ai gõ hẹn rong chơi
Chèo qua chợ Sãi ăn nem lụi
Mới uống mấy ly chếnh choáng đời.
 
Triệu, Hải song hành đôi bạn thân
Đi qua chạy lại thế mà gần
Hải Lăng tôi ghé thâm bia mộ
Đại lộ u buồn đứng lặng câm
Số phận cong queo thời niên thiếu
Lửa cháy đời ta chuyện đã rồi
Thôi ghé làng xưa gò cát trắng
Bánh ướt Phương Lang nhớ suốt đời.
 
Du lịch tham quan Cửa Việt mà
Lắng nghe biển dạo khúc tình ca
Gio Linh ơi! Quê mình đẹp lắm
Ngắm hoài cồn cát rộng bao la
Đứng trước biển xanh mình nhỏ bé
Ru đời trên đất mẹ đêm thâu
Mai xa Cửa Việt lên thăm huyện
Không quên ăn bánh sắn Chợ Cầu
Hướng Hoá bây giờ đã khác xưa
Khe Sanh - Lao Bảo đẹp dư thừa
Hoa tím ven đường thêm quyến rủ
Tiếng hò ai đó vọng đong đưa
Thị trấn xinh xinh chiều phố núi
Dập dìu điệu nhạc vướng hồn ai
Giọt đắng níu chân đời phiêu lãng
Đi xa mà vẫn nhớ nhau hoài.
 
Nhớ ghé về thăm huyện Dakrông
Qua chiếc cầu treo gió mênh mông
Đồi núi vùng cao chiều xuống thấp
Chim hót tìm nhau lạc giữa đồng
Tìm em cô gái hái hoa rừng
Để kịp quay về bản PaCô
Vân Kiều em hởi chiều biên giới
Mi cong, má đỏ đẹp mơ hồ.
 
Hiếu giang ơi! Dừng chân chiều hạ
Cam Lộ đây rồi nắng rát da
Chợ Phiên ngày ấy giờ đâu nhỉ?
Đi mãi tìm hoài lạc lối ra
Đến Cùa thăm lại chút hoang vu
Đất đỏ vùng cao gió mịt mù
Uống nước chè xanh say tình nghĩa
Đợi bạn về chơi đãi gà Cùa.
 
Vĩnh Linh ngoài ấy xa xôi quá
Chưa có một lần tôi ghé qua
Nghe đâu bom đạn thời chinh chiến
Cày nát một thời thêm xót xa
Có gặp một O ở Đông Hà
Ba lô nặng trĩu vượt đường xa
Quê O Vĩnh Thuỷ người nho nhỏ
Theo nhau Nam tiến đến Biên Hoà.
 
Quê nhà tôi có bao nhiêu đó
Những địa danh xưa tự thuở nào
Địa đầu giới tuyến miền gian khổ
Mưa - lụt, hè sang vướng gió Lào.
 
                     Saigon tháng 4/2022
                       Phan Thạch Nhân.

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

TỪ BUÔN MÊ THUỘT – Thơ Kha Tiệm Ly, nghệ sĩ Minh Loan diễn ngâm.


  


TỪ BUÔN MÊ THUỘT
 
Mưa bụi triền miên trên xứ Buồn Muôn Thuở.
Lạnh hàng cây, lạnh chén rượu nồng.
Trái cà phê đỏ hồng màu thương nhớ
Tóc sậy phương trời có bạc trắng chờ mong?
 
Đất chan mưa, ta chan nắng gió,
Rượu châm hoài sao cứ mãi vơi !
Bao dâu bể há mềm lòng đá sỏi
Vì áo phong trần chưa nhạt dấu son môi.
 
Đá rong rêu thương nước nguồn tuôn chảy,
Gió chướng về làm rối tóc em bay?
Hương tóc năm xưa, bây giờ còn lại
Nên rượu ân tình uống mấy cho say?
 
Mai gầy vóc, liễu gầy thương nhớ
Núi gội sương, ta gội gió mưa đời
Lạc lối Nại Hà nên kiếp nầy không nợ,
Chẳng có em, thơ rượu cũng lạc loài!
 
Đâu phải đợi cả rừng hoa sim nở,
Chút hương yêu cũng đủ tím lưng đồi.
                                   
                                         Kha Tiệm Ly


       

ÂM THƯA – Thơ Quang Tuyết


   
             Nhà thơ Quang Tuyết


ÂM THƯA
 
Gió bạt về đâu tiếng gọi người
Con đò bỏ bến bọt bèo trôi
Rong rêu từ thuở lênh đênh sóng
Trăng chạnh lòng người mây nước ơi
 
Em như khúc nhạc hương mùa cũ
Hòa quyện bên đời một dáng xưa
Mây che đỉnh núi mờ sương lạnh
Sỏi đá cũng buồn lặng tiếng thưa
 
Thuyền chở trăng về soi bóng nước
Tìm trong câu hát lý tình tang
Ai đã quên rồi câu ước hẹn
Trăng buồn rơi xuống đáy Tương Giang
 
Gió bạt về đâu tiếng gọi người
Chuyến đò lỡ khách bỗng chơi vơi
Mòn mỏi thân gầy thu héo úa
Một mình tôi đợi cuộc tình tôi.
                        
                          Quang Tuyết

XUÂN DIỆU, CHỦ SOÁI TRƯỜNG THƠ TÂN CON CÓC - Trần Mạnh Hảo.


Tác giả bài viết Trần Mạnh Hảo
 
Đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường tập tọe làm thơ, chúng tôi thành khẩn thú nhận từng là đệ tử của trường thơ “tân con cóc” do thi sĩ Xuân Diệu làm chủ soái. Vì sao một thi hào từng có hai tập thơ lớn: “Thơ, thơ”“Gửi hương cho gió” trước 1945 nay lại lập ra trường phái thi ca không giống ai thế?
 
Từ bỏ dòng thơ lãng mạn, Xuân Diệu đi theo cách mạng, lên chiến khu Việt Bắc kháng chiến, được đảng cộng sản cải tạo thành con người mới, nên ông đã phải từ bỏ hai tập thơ lớn trên để được công nông hóa, giai cấp hóa, để được vào đảng. Hồi đầu kháng chiến, nhà văn Nguyễn Tuân, sám hối đến mức treo các tập tùy bút tuyệt vời của mình viết trước năm 1945 lên cây như treo một con dê cỏn (chữ của Hồ Xuân Hương) lên cành cây rồi dùng roi quất nát bét tác phẩm của mình để đẹp lòng đảng mà hóa thành người vô học, là con người lý tưởng của thời bần cố nông cai trị treo khẩu hiệu diệt trí thức.
 

NHỚ NHÀ ĐỌC THƠ - Lê Văn Trạch



Người xưa, xem chuyện thưởng thức Thơ như một nghệ thuật, được chuẩn bị kỹ lưỡng về không gian cũng như cách thức bày biện: có hoa, có rượu, hương trầm, tri kỷ và đôi khi cả người đẹp nữa!  Cố tạo nên một cảnh quan thanh thoát, ở đó chỉ có tâm hồn và ý Thơ.  Cái sảng khoái họ đạt được lên đến đỉnh cao của sự hoà nhập giữa thân -tâm và nhịp điệu Thơ ca…  Ngày nay điều kiện có khác, không cần thiết phải bị ràng buộc bởi những cung cách rối rắm, chỉ cần một nơi chốn tĩnh lặng và một tấm lòng…

HÀNH LUNG TUNG – Thơ Chu Vương Miện


   


HÀNH LUNG TUNG
 
tết đến quê người trời rét mướt
nhớ về quê cũ dạ xót xa
bốn phương tám hướng đều núi cả
nhìn lòi con mắt nẻo quê nhà
 
một biển một trời xa hút mắt
chốn nào là Quảng Trị quê ta
ra đi vào đầu năm 59
55 năm thôi đủ cõi ta bà
 
hồi nớ chưa tròn 20 tuổi
mà chừ thì cũng bẩy mươi tư
thời gian đâu khác gì con nước
dưới cầu năm tháng chẩy phôi pha
 
hết loạn tới bình, bình tới loạn
an cư một chập lại can qua
tan hợp, cứ là tan với hợp
xoay nhanh chưa cạn một ly trà
 
bom đạn xua người đi tứ xứ
thị xã nay chuyển tận Đông Hà
phố cũ còn chăng đầy gạch vụn
em có bao giờ về lại Bích La
 
con kênh vẫn vòng quanh chợ Sải
dọc bờ Thạch Hãn tới cầu ga
thương con tàu suốt không ngừng nghỉ
còi còn vang vọng tới Hạnh Hoa
 
Qui Thiện, Trí Bưu trời lộng gió
Linh Yên, Ngô Xá mấy canh gà
Hải Lăng Diên Sanh còn y đó
Hải Trí cũng thành bãi tha ma
 
vòng thôn Thạch Hãn theo quốc lộ
nhìn dẫy Trường Sơn mây trắng nhạt nhòa
phế tích vẫn còn là phế tích
toàn là lau dại trắng lơ thơ
 
cũng mong có một ngày trở lại
ngắm giàn bông giấy ngắm hoa trà
dầy cỏ gươm cùn mùa chinh chiến
tóc dầy dấu bụi của phong ba
 
loáng thoáng cũng qua thời thất thập
không khóc mà sao mắt lệ nhòa
người xưa không rõ còn hay mất
hỡi Phan Phụng Thạch dấu tài hoa
nằm xuống khi vừa 32 tuổi
Đạo Đầu cây mận trắng còn hoa?
thắp nén hương lòng nơi chốn cũ
thương quê thương quán nẻo sơn hà
 
gắng một lần lên La Vang Thượng
nơi cuối cùng an nghỉ mộ người cha
loạn lạc từ khi chưa mọc tóc
tang thương kéo mãi tuổi đang già
bốn phương tang hải đang tang hải
ta vẫn còn, ta vẫn còn ta.
 
                          Chu Vương Miện

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

HỘI CHỨNG CÁ THÁNG TƯ – Truyện ngắn của Ái Nhân



Bảnh mắt Hắn đang sửa soạn đi đánh cầu lông thì điện thoại reo. “Gọi ra để ‘tỷ thí’ chứ giề...(lại Thắng Béo đây)”! – Hắn nghĩ vậy, xỏ nốt chiếc tất vào chân phải rồi mới bấm điện thoại để nghe máy.
   - A lô....
   - Ông... à, hôm nay sang Hồ Tây câu đi! – tiếng gọi sang sảng, chắc Lão Trọc có điều gì vui lắm đây?
- Ờ đi, hôm nay mình phải câu con Cá to nhất Hồ Tây nhé!
Hắn cất vợt rồi đi ra cổng...
Lão Trọc và Hắn chọn một vị trí đẹp dưới bóng liễu xum xuê bên bờ Hồ Tây (Chỗ gần nhà hàng mà năm ngoái hội Off line Mùa Thu tụ hội. Nơi mà bọn con gái và Thanh Quế Hoa chụp ảnh làm dáng bên cây liễu đó)
Đầu tháng tư màu xuân còn nồng nàn lắm. Mặt hồ lao xao, những con sóng lăn tăn quyến rũ. Phía xa xa mấy chiếc thuyền kéo ốc thong thả chậm rãi. Nắng cuối xuân làm hưng phấn tâm hồn hai kẻ câu cá mộng mơ.
Hắn thả hồn theo bản nhạc du dương của quán cà phê gần đó mà mơ tưởng.
Lão Trọc ngồi dạng lang kẹp cái cần câu giữa hai đùi. Cái lưng lão cong cong, còn cái đầu vừa cạo bóng nhoáng như bức tranh Đoạn Tuyệt Mùa Xuân của họa sĩ Thiết Phan. Trông Lão ngồ ngộ, khôi hài giống Chu Văn Quềnh trong phim Đất Làng.
 - Cắn rồi! – Lão Trọc thất thanh – cá to đấy!
Hắn nhoài người túm sợi cước trước mặt Lão Trọc phụ gìm con cá.
Phải mươi phút sau con cá mới chịu thua để Lão lôi lên bờ.
Con cá chép to quá, hai bên mép có những sợi râu nâu vàng như sợi mỳ hảo hảo ngâm nước nóng quá độ. Mắt cá xếch ngược dữ tợn như mắt hung thần.
Lão ôm con cá như chiến sĩ Ngô Mây ôm bom ba càng sắp xông trận.
Cả đường Trích Sài đông nghịt người, họ đứng vòng trong, vòng ngoài xem cá như xem đấu vật ở hội làng Gióng.
Hàng chục chiếc ô tô nối đuôi nhau bấm còi inh ỏi vì bất đắc dĩ bị tắc đường.
Những cú điện thoại được gọi đi các nơi cho bạn bè. Thấp thoáng cả mấy tay nhà báo, cùng Nhà Báo Kiều Sơn cũng có mặt. Người thì sờ vào cá, có người còn nằm bên cạnh, có kẻ còn nghiêng đầu tình tứ với cá để chụp ảnh...

CÁ THÁNG TƯ – Thơ Trần Mai Ngân


   


CÁ THÁNG TƯ
 
Đủ rồi lời dối gian
Thêm chi ngày một tháng tư
Để lòng người hoang mang…
Những gương mặt giả bình an dối lừa trắc trở
Đi qua từng ngày, từng ngày thấp thỏm âu lo…
 
Đủ rồi lời dối gian
Sự giàu sang giả tạo
Lường gạt những tâm hồn nghèo tơi tả
Không tình yêu và chia sẻ. Mặc bay!
 
Bày ra chi ngày một tháng tư
Bày ra chi trò chơi dối gian
Để em một lần ngây ngô tin
Lời hoa mỹ rằng anh đã yêu em
 
Bày ra chi lời dối gian
Tội nghiệp lòng thành hoang mang, hoang mang…
 
                                                     Trần Mai Ngân

NGÀY CÁ THÁNG TƯ – Thơ La Thụy, nghệ sĩ Minh Loan diễn ngâm.


  


NGÀY CÁ THÁNG TƯ
 
Anh rất yêu em
Mong rằng biển cứ vẫn xanh
Và CÁ mãi tươi
Trong THÁNG TƯ, NGÀY MỒNG MỘT     
Để chúng ta được nói dối ngọt ngào     
Không ai phải hờn ghen giận dỗi     
Dù là chồng em hay vợ anh - cũng rứa     
Dù thật sự     
Có những phút ngoại vợ ngoại chồng     
Mà hình như ai cũng có     
Ngay nhà thơ Thuận Hữu    
Chắc cũng đắn đo     
Khi viết ra điều đó !
 
Anh lại nói to cùng hoàng hôn     
Anh yêu em hơn kia nhé !     
Dù gió có chuyển lời tình tự     
Hay mây mang lời giận dỗi     
Dù mưa nắng thất thường     
Như tính tình em     
Yêu giận ghen hờn     
Đổi thay từng buổi
 
Anh xót lòng vì hôm nay     
"Em buồn như con chó ốm     
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh     
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình     
Để anh giận     
Sao chẳng là nước biển" *     
Như thơ NGUYÊN SA anh thuộc
 
May rằng CÁ không ươn     
Vì NGÀY MỘT THÁNG TƯ     
Không đòi lỗi chuộc     
mọi người thi nhau nói dối
 
                         LA THỤY
(Chúc mọi người ngày CÁ THÁNG TƯ nói dối thật hay và vui nhé !)
 
* Thơ Nguyên Sa