BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

EM CÓ HAY? – Thơ Phan Quỳ


     


EM CÓ HAY?
 
Em có hay rằng ta đã quên.
Quên trăng bóng nhỏ chiếu qua thềm.
Quên sao mờ tỏ trên trời mộng
Quên hết cơn mưa với ước nguyền?
 
Em có hay rằng ta đã tin
Tin trong cuồng dại những êm đềm
Ai mang nồng ấm ngày rét buốt.
Ai về lồng lộng buổi chiều lên?
 
Em có hay rằng ta đã mơ
Mơ ngày đan dệt mấy vần thơ.
Mơ đêm thắp sáng bao nguồn sống
Mơ đời tiếp nối những non tơ ?
 
Em có hay rằng ta đã đau
Ngày xuân mòn mỏi với hư hao.
Ngày đông lành lạnh làn mây phủ,
Thu về man mác nỗi cô liêu?
 
                                     Phan Quỳ

ĐÊM CUỒNG SAY, NGÕ LẠ, ĐỜI “HOA”... - Chùm thơ độc vận của Đặng Xuân Xuyến


                  

                                 Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến


ĐÊM CUỒNG SAY...
 
Em nhé, một lần quậy cùng ta
Một đêm giả khướt lướt Ngân Hà
Một đêm vịn cớ vì ta đã
Mà hứng đêm cuồng say với ta?
 
Ừ, giả lần thôi, đâu chết a
Người ta thiên hạ vẫn thế mà
Thì bởi ả Hằng lả lơi quá
Mà dáng ai kia cứ nõn nà...
 
Thôi, ngả vào ta, cuộn vào ta
Để đêm thánh thót rót trăng ngà
Để làn gió thoảng loang hương lạ
Để trộn vào ta, nghiến nát ta.
 
Hà Nội, 2g45 ngày 01-07-2020
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

DÁNG XƯA ! – Thơ Phạm Ngọc Thoa



   


DÁNG XƯA !
(Viết tặng anh trai B Đ)
 
Ba mươi năm một cuộc tình
Dài như một cuộc trường chinh ấy mà
Khép lòng anh với người xa
Chờ khi nắng trở hong tà huy em

Em về từ độ đông lên
Mùi hương tóc thả bồng bềnh dáng xưa
Nửa mơ nửa thật như vừa
Muộn màng tóc cũ trắng mùa phai thu
Những là sương khói khuất mù
Ba mươi năm nhốt ngục tù đời nhau

Giá mà còn có kiếp sau
Vết thương lỏng vẫn thấm màu thời gian
Tóc xuân, em những dịu dàng
Chỗ em ngồi trước khảm vàng phía anh
Lối xưa khói trắng xây thành
Ước lên ngõ mộng ngày xanh đẫm hồn

Trong mơ thấy dáng em buồn
Tình cờ gặp lại vô ngôn tỏ bày
Tay cầm chưa ấm bàn tay
Nghe dòng sông cũ trải dài trong nhau.
 
                                   Fountain Valley
                                  Phạm Ngọc Thoa

BUỔI SÁNG NGỦ TRÊN RỪNG – Thơ Lê Văn Trung


   

BUỔI SÁNG NGỦ TRÊN RỪNG
 
Sớm mai nằm ngủ trên rừng
Tôi nghe như đến chín tầng mây cao
Thiên nga lạc tiếng năm nào
Hay ai về giữa chiêm bao gọi mình
Lạc rồi trăm cõi u minh
Cho tôi với niềm linh hiển này.
 
                                  Lê Văn Trung
 
………
 
(Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, Tập I, Thư Ấn Quán 2007)

“ẤY VÀ MÌNH”, CÁCH GỌI NHAU CỦA PHỤ NỮ HUẾ - Hoàng Hương Trang



Cũng lạ cho cái xứ Huế của tôi, cái chi cũng khác hơn thiên hạ. Nắng thì nắng cháy da phỏng trán, mưa thì mưa thúi đất thúi đai, dầm dề không dứt. Vài ba năm lại một trận lụt, trận bão to đùng. Đường phố Gia Hội, nơi tôi ở, trở thành sông, đò chèo từ Bãi Dâu lên tới đường Trung Bộ (nay là Tô Hiến Thành). Nghe tới bão năm Thìn là ai cũng kinh hãi. Mùa lụt, người lớn lo đến sốt vó, không buôn bán làm ăn gì được, nhưng tụi con nít thì rất khoái lụt, rủ nhau đi lội chơi suốt buổi (vì lụt to được nghỉ học) lội lụt cho đã, đói bụng, về ăn cơm mắm cà, ăn vét đến thủng nồi.

SÁNG NGHE THU KHẼ, THU NHỚ CẦN THƠ ĐÊM GIÃ TỪ - Thơ Nguyên Lạc

 
   


SÁNG NGHE THU KHẼ
 
1.

Sáng nay hiu hắt thu phong
Ngồi nghe thu khẽ nỗi lòng thu xưa
Cạnh bên có một tách trà
Mình tôi ngồi uống sao mà không em?
 
Cô đơn đời chắc đã quen
Sáng nay sao lại ưu phiền mênh mông?
Có ai chia với tôi không?
Sớm thu cô lữ nỗi lòng tha phương
 
Em ơi tôi nhớ mùi hương
Trầm ngon môi ngải ngoan thương thu nào
Hôm nay không biết tại sao?
Thu phong se lạnh lại trào môi xưa!
 
Thì ra tôi vẫn mãi chưa
Quên đi kỷ niệm mộng mơ thiếu thời
Làm sao quên được người ơi?
Cái thời huyết phượng chung đôi đường tình
 
2.

Có ai chia với tôi không?
Sớm thu se lạnh nỗi lòng sương rơi
Bao năm thu vẫn một tôi
Thu phong lạnh lắm sao ngồi chi đây?
 
Vời chi lá đỏ mắt đầy?
Mở chi ngăn nhớ để bay hương người?
Ngồi đây tôi với riêng tôi
Tách trà. Nỗi nhớ. Một đời buồn tênh!
 
Dặn lòng đừng nhớ ... hãy quên!
Cách nào quên được thân thương một thời ... ?
Thu về tôi lại một tôi
Nghe hồn lá khẽ ... Một đời tan hoang!
 
Hồn tôi chùng một cung đàn
Mùa thu cùng với điêu tàn lưu vong!

 

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

TÔI TRỞ VỀ - Thơ Phan Quỳ


    


TÔI TRỞ VỀ
 
Tôi trở về thăm tuổi thơ tôi
Mơ làm thiếu nữ giữa xuân tươi
Mơ đem ánh trăng lên màu má
Mơ lấy tơ trời giăng mắt vui.
Tôi trở về thăm mộng trôi xuôi
Mảnh hồn lưu lạc giữa chơi vơi
Mỏng manh tay nhỏ làm sao níu
Ước vọng tan đi mấy cung trời.
Tôi trở về thăm quãng đời tôi
Chiều nao hoa thắm nở trên môi
Gió lùa qua tóc niềm thao thiết
Tôi bước chân vui giữa vạn lời.
 
Tôi trở về thăm quán tôi xưa
Lòng tôi nương náu đã bao mùa
Ai đem hoa gấm lên tà áo
Ai gởi hương nồng những đêm mưa?
Ai người đã gọi có tôi thưa
Tôi vẫn về thăm mỗi sớm trưa
Đường trần thêu nắng hay trơn ướt
Có bước chân tôi giữa bốn mùa.
 
                                  Phan Quỳ

ƠN THẦY – Thơ Bùi Thị Minh Loan


   


ƠN THẦY
 
Yêu hình ảnh những người thầy
Trong vai ông lái ngày ngày đò đưa
Chẳng quản sương gió nắng mưa
Bao nhiêu lượt khách cũng vừa đôi tay
Gừng càng già tháng càng cay
Tóc thầy càng bạc, tình thầy càng cao
Mỗi bài giảng thầy gởi trao
Thấm vào cuộc sống chở bao ân tình
Mượn gương thầy soi bóng mình
Chắp thêm đối cánh cho tình bay xa
Ơn thầy!
 
                          Bùi Thị Minh Loan


    

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

TRÊN BỤC GIẢNG NGÀY NÀO – Thơ Lãng Uyển Châu


    


TRÊN BỤC GIẢNG NGÀY NÀO
 
Dù nhắm mắt lại thật lâu đi nữa
Vẫn dáng tôi trên bục giảng ngày nào
Của một thời mơ lá gió xôn xao
Của hoa cỏ đầu thu còn khép nép
 
Tôi đứng đấy thuở mộng đời ngoan đẹp
Nét thanh xuân làm bạn áo trắng quen
Thu đã về bên bảng phấn bao phen
Cơ hồ tiếng giảng bài quanh cửa lớp
 
Nhắm mắt lại… ôi, một mùa nắng ngợp
Vẫn chói chang cánh phượng vỹ sân trường
Xuân đã về bao tim rợp yêu thương
Đông se lạnh ôm trùm muôn nỗi nhớ !!!
 
                                 Lãng Uyển Châu 
                                     (Vĩnh Long)

TÂM SỰ NGƯỜI HỌC TRÒ CŨ – Thơ Đoàn Giang Đông


                                                                             Nhà thơ Đoàn Giang Đông


TÂM SỰ NGƯỜI HỌC TRÒ CŨ
(Kính dâng quý thầy cô nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20 /11)
 
Khi những đám mây bay về từ phương xa.
Khi muà Đông thiếu từng cơn nắng
Là lúc lòng em bâng khuâng lắm
Nghĩ về thầy về bạn về cô
Về con đường ngày tháng đã đi qua
Hàng phượng vỹ hè về ngôi trường cũ
Dãy bàn dài những chồng sách vở
Vào lớp đầu giờ gọi sổ điểm danh
Viên phấn trắng với chiếc bảng đen
Những buồn vui cùng bạn chung lớp học
Người bạn gái dáng hiền vai xoã tóc
Áo bay bay chung lối buổi tan trường
Đã lâu rồi kí ức vẫn còn vương
Ôi! Tất cả một thời thương nhớ mãi
Vẫn còn đây lời thầy cô dạy bảo :
“Học để biết. Học để làm Người”
Nghĩ đến đó lòng cảm thấy tự hào
Nuôi chí lớn miệt mài theo đèn sách
Chữ nhân nghĩa lương tâm tri thức
Sống trên đời phải biết yêu thương
Tâm niệm vậy nên dẫu xa trường
Em vẫn dặn lòng: Sống đừng lỗi ĐẠO.
        
                              Đoàn Giang Đông

NIỀM VUI NGHỀ GIÁO! – Thơ Võ Bích Phượng

 

   


NIỀM VUI NGHỀ GIÁO!
 
Cô học trò nhỏ ngày xưa
Giờ là đồng nghiệp tình cờ ghé thăm...
Ra trường đã mười sáu năm
Mà như vẫn tuổi trăng rằm...vậy thôi!
Vẫn duyên dáng lắm nụ cười
Hồn nhiên cắp sách một thời mộng mơ...
Đã là cô giáo (ai ngờ !)
Mười hai mùa phượng... đưa đò sang sông
Lặng thầm viết những ước mong
Làm người khai sáng ươm mầm tương lai...
Vững lòng tin đến ngày mai
Yêu nghề tháng rộng năm dài nhé em!
 
                                      Võ Bích Phượng

“NGHIÊNG BẬC CỬA ĐÊM”, MỘT KHỐI TÌNH THU – Vũ Hồng

 


Nghiêng bậc cửa đêm là tập thơ in cùng năm với tập Nắng trao mùa (2017), sau tập Hoa cau (2015) của nhà thơ nữ Ngọc Tình, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

THU VÀNG – Đinh Hoa Lư



THU VÀNG
(Viết tặng Bà Xã tôi – Đinh Hoa Lư)

Mùa thu vẫn tới, vẫn dịu dàng một màu vàng thu của những hàng phong hai bên con đường vắng. Vợ chồng tôi vẫn còn may mắn rảo bước vào những buổi sáng sớm như hôm nay.

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

ĐỐ KIỀU – Nguyên Lạc

 


SƠ LƯỢC ĐỐ KIỀU

Truyện Kiều càng được đông đảo người đọc say mê thì thuộc Kiều cũng là niềm tự hào của người Việt. Dân Việt thường đố nhau xem ai thuộc kỹ cuốn truyện, nghĩa của từng chữ, tình ý của từng câu. Lại còn đố nhau về vị trí của chữ này, số lượng của chữ kia trong toàn bộ Truyện Kiều…
Đố Kiều là một hình thức tiếp nhận Truyện Kiều sinh động và độc đáo. Đố Kiều có thể có hai loại: mượn Kiều để đố và đố về Truyện Kiều.

GIẾNG LÀNG – Đoàn Giang Đông

 

   


GIẾNG LÀNG
 
Giếng làng xưa ấy nay còn lại
Mang dấu ấn xưa của một thời
Mưa gió bão giông thêm vững chãi
Nghĩa tình sâu đậm với đời người
 
Gạch đá bên nhau tình giữ trọn
Nghệ nhân ngày ấy mất hay còn.?!
Và cơn nắng gắt Chiều vào Hạ
Vọng tiếng mo cau giếng nước trong
 
Bao đêm trai gái vui hò hẹn
Dưới ánh trăng thề kết nợ duyên
In bóng diều Chiều vào đáy giếng
Muà về mát rượi lúc nồm lên
 
Trải qua năm tháng bao dâu bể
Dấu vết hao mòn bởi chiến tranh
Hồn giếng vẫn còn vương vấn để
Chạnh lòng thương nhớ thưở cha anh
Giếng Làng vẫn mãi ngọt ngào
Như lời non nước hoá vào ca dao
 
                        Đoàn Giang Đông
                              (Thu 2018)

KHI CÒN BÉ TÔI ĐỌC SÁCH – Nguyễn Đức Tùng

 


1.
Khi còn bé, tôi đọc sách. Tuổi thơ của tôi rơi vào buổi bình minh của miền Nam, một trong những thời kỳ phát triển tốt đẹp của văn hóa nghệ thuật dân tộc. Cuộc đời rộn ràng bắt đầu, học sinh, công nhân, công chức, tư chức, người đi chợ búa tấp nập trên đường, những cánh cửa mở ra, đóng lại, tiếng xe máy, tiếng chuông xe đạp leng keng, chuông nhà thờ, chuông chùa. Trường học xây lại, nhà ga hoạt động, cầu cống, quán xá nhộn nhịp, đời sống rộn ràng mở cửa khi tôi sinh ra, lớn lên. Môi trường ấy thích hợp cho một nền văn học tươi trẻ, lành mạnh, cho những cuốn sách thiếu nhi, tiểu thuyết, phim ảnh, sân khấu. Chiến tranh chống Pháp vừa kết thúc, hòa bình lập lại, mọi người muốn trở về với cuộc sống thanh bình, bắt tay làm lại. Người ta muốn viết sách, muốn đọc sách. Người ta muốn thí nghiệm giống lúa mới, trồng cây ăn quả, muốn học nướng bánh mì, tìm hiểu ý nghĩa của cuộc đời, đi chùa, đi nhà thờ, đến trường. Người ta muốn sinh đẻ và được sinh đẻ, muốn sống và muốn người khác được sống. Tinh thần của Tự lực văn đoàn, của Thơ mới, của văn chương tiền chiến tưởng đã chết trong thời kỳ kháng chiến nay hồi sinh mạnh mẽ. Trong một xóm quê hẻo lánh, ở nơi xa kinh đô nhất, nơi ánh sáng của ước mơ dân tộc chiếu rọi tới chỉ vừa le lói mà thôi, tôi ngồi đọc.
 

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

CẢM NHẬN BÀI THƠ VỀ BẦU CỬ Ở MỸ CỦA BÙI CHÍ VINH – Châu Thạch

 

                                                Nhà thơ Bùi Chí Vinh


TỪ CUỘC XUỐNG ĐƯỜNG CỦA HÀNG TRIỆU NGƯỜI DÂN MỸ BẢO VỆ TRUMP 
 
Hơn một triệu người xuống đường ở Washington DC để ủng hộ Trump 
Đám đông thần thánh đã nói lên tất cả 
Cây cỏ có thể mọc lên từ đá 
Nhân dân mọc lên từ xó xỉnh đầm lầy 
Dụ ngôn rời khỏi Thánh Kinh như phép lạ 
Cuộc chiến cuối cùng rồi ai sẽ thắng ai 
 
Hơn một triệu người tay nắm chặt tay 
Báo động trước “Âm Thanh Và Cuồng Nộ” 
William Faulkner không phải bà Valga nhà tướng số 
Linh hồn nhà văn chắc chắn cũng biểu tình 
Hợp Chủng Quốc là của 50 tiểu bang đủ màu da sắc tộc 
Chứ không phải của lũ truyền thông thổ tả yêu tinh 
 
Hơn một triệu người rửa mặt văn minh 
Hơn một triệu người làm vệ sinh dân chủ 
Cuộc chiến cuối cùng giữa Con Người và Con Thú 
Lật lại từng trang trong sách Khải Huyền 
Lật lại từng trang để chờ Thiên Sứ 
Sẽ không có thế chiến thứ ba và không có ác mộng lúc nửa đêm 
 
Và Trump đã khóc như một đứa trẻ, thưa em
Nước mắt của vị Tổng Thống “đơn kiếm diệt quần ma” đã làm anh rơi lệ 
Biển Đông của đất nước anh không chấp nhận bọn Tàu Cộng gieo rắc ngày tận thế 
Nước Mỹ của Trump cũng không chấp nhận đầu hàng 
Hơn một triệu người mở đầu cho cuộc dời non lấp bể
Cây cỏ mọc lên từ đá, phải không em ?
 
                                                                                        15-11-2020
                                                                                       Bùi Chí Vinh
 

TÌM TÂM Ý TRONG THƠ - “Cảm nhận khi đọc bài thơ Hoa Nhài của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến”, Trần Thị Hồng Châu



Để cảm nhận được TÂM Ý mà tác giả muốn gửi gắm vào thơ thật không hề dễ chút nào! Rõ ràng mình vừa nhận ra ý bài thơ là thế này, định chia sẻ với bạn đọc. Vậy mà khi đọc được những cảm nhận của mọi người thì lại ra ý khác. Nhiều cảm nhận đâu có phải là lèng èng. Nó là của những nhà thơ, nhà văn, nhà bình luận... Cảm nhận của họ đã làm cho bài thơ được cất cánh, làm cho bạn đọc hiểu sâu thêm về mọi khía cạnh chìm, nổi trong bài thơ. Lý lẽ của họ có sức thuyết phục được rất nhiều bạn đọc và xoay chuyển được cả cảm nhận chớp nhoáng của tôi về bài thơ đang định vung ra, lại đành thu hồi, hạ bút...

Vì điều này mà tôi không những chỉ mê đọc thơ mà còn rất rất ghiền đọc tất cả những câu COM, bài BÌNH, bàì CẢM... cho thơ. Không những để tôi hiểu sâu hơn về bài thơ, mà còn cân, đo, đong, đếm xem bản thân còn sức cảm thụ được bao nhiêu.

DÌU NHAU... – Thơ Trần Mai Ngân

 

    


DÌU NHAU...
 
Dìu nhau dưới bóng nợ nần
Nửa trăm năm giữa đã gần đã xa
Bây giờ như bóng mây qua
Đã không còn nữa chỉ là buông xuôi...
 
Hôm nay tôi với một tôi
Vẫn còn ở đấy mà thôi hết rồi
Lòng như sóng nước mồ côi
Đã không quay lại đã thôi chẳng còn!

Nương nhau năm tháng mỏi mòn
Để cho an lạc vỗ tròn muôn niên
Dìu nhau với cả tôn nghiêm
Ưu phiền cất giữ lặng im đi cùng...

Xin cho ẩn náu trùng phùng
Xin nhau xoá vết lạnh lùng đã tô...
 
                            Trần Mai Ngân

KÍNH MỪNG QUÝ THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM – Thơ Đức Hạnh


    


KÍNH MỪNG QUÝ THÁNH
TỬ ĐẠO VIỆT NAM
 
KÍNH mến ân tình tỏa ngát hương
MỪNG tâm trung tín dạ kiên cường
QUÝ Ngài nhân chứng ngời sự thật
THÁNH đức tình yêu đẹp những đường
TỬ dẫu đầu rơi - hồn vẫn hát…
ĐẠO thì dạ vững - nghĩa luôn tràn
VIỆT - nguồn Bác ái hoa Thiên nở
NAM - “Một Trăm Mười Bảy” [1] ngát hương.
 
KÍNH “Một Trăm Mười Bảy” ngát hương
TRỌNG yêu lẽ phải đức khiêm nhường
QUÝ ông dũng cảm luôn theo Chúa
THÁNH giá tươi cười mãi mến thương
TỬ biệt trần gian ngời Sự sống [2]
ĐẠO khai sự thật thắm Thiên đường
VIỆT hùng thể hiện con đường sáng
NAM - “Một Trăm Mười Bảy” ngát hương.
 
                                                   Đức Hạnh
                                                  15 11 2020

[1] 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam
[2] “Ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống”
                                                                       (Lc 17, 26-37)

 
MỘT TRĂM MƯỜI BẢY NGÔI SAO
 
Mừng các Thánh dũng cảm xưng đạo
Dẫu đầu rơi gươm giáo chẳng sờn
Niềm tin chân lý sắt son
«Một Trăm Mười Bảy» Linh hồn Hiển vinh
Mừng các Thánh vượt qua thử thách
Dù tù đày hạch sách không ngừng
Các Thánh loan báo Tin mừng
Con đường Sự thật tưng bừng nở hoa
Làm chứng tá ngợi ca tình Chúa
Là Hạt giống nở giữa trần gian
Đức tin vững mạnh muôn vàn
Đồng xanh thắm nở lúa vàng trăm bông
Đời các Thánh tâm hồn sáng tỏ
Yêu người mến Chúa rõ đường đi
Theo đường Thánh giá gian nguy
Kiên cường chiến đấu ngại chi bão bùng
Mừng các Thánh Anh hùng Tử Đạo
Niềm vinh hạnh chung khảo tái sinh
Thiên Thần trỗi nhạc thắm tình
«Một Trăm Mười Bảy» hiển vinh nước Trời.
 
                                                      Đức Hạnh
                                                     15 11 2020

BÍ MẬT ẨN GIẤU SAU CÁI CHẾT CỦA DƯƠNG QUÝ PHI - Vũ Phong

Câu chuyện tình yêu giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi trở thành giai thoại thiên cổ, thế nhưng tình yêu giữa hai người không hề trung trinh chung thủy đến vậy. Hơn nữa, cái chết của Dương Quý Phi có liên quan tới Đường Huyền Tông, quả thực khiến người ta phải đau lòng.


Chuyện tình của Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi được mỹ hóa rất đẹp nhưng kết cục của bà lại liên quan đến Đường Huyền Tông (Ảnh minh họa)
 

BÍ MẬT ẨN GIẤU SAU CÁI CHẾT CỦA DƯƠNG QUÝ PHI.
                                                                                          Vũ Phong

Bài thơ “Trường ca hận” của Bạch Cư Dị đã biến câu chuyện tình yêu giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi trở thành giai thoại thiên cổ, tuy nhiên trong bài thơ này lại mỹ hóa quá nhiều tình cảm giữa hai người. Thực tế thì Đường Huyền Tông quả thực vô cùng sủng ái Dương Quý Phi, thế nhưng tình yêu giữa hai người không hề trung trinh bất du đến vậy. Hơn nữa, cái chết của Dương Quý Phi cũng có liên quan tới Đường Huyền Tông, sự thật của nó khiến cho nhiều người biết đến đều sẽ thấy đau lòng.

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

THAO THỨC – Thơ Lương Mùi


   
                 Nhà thơ Lương Mùi


THAO THỨC
 
Nổi chìm bọt sóng trần ai
Mơ hồ mộng thực, thắm say dáng hình
Tháng ngày cuộc sống lặng thinh
Trăm năm chồng vợ duyên tình sâu xa
Tuổi qua sáu mấy nhạt nhoà
Nhìn đi nhìn lại còn ta với mình
Tình thương như lúc còn xinh
Sẻ chia cơm cháo gia đình thiết thân
Mình ơi! Trao gửi ân cần
Con khôn cháu dại quây quần thơ ngây
“Tình già” vui trải lên mây
Cầu vồng ngời sắc, vun đầy hỉ hoan.
 
                                            Lương Mùi

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

CHÙM THƠ CỦA THI SĨ LINH PHƯƠNG

Nhà thơ Linh Phương sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn.
. Cha người Phong Điền (Thừa Thiên - Huế ). Mẹ người Cần Thơ.
. Thư ký Tòa soạn Tuần san Tinh Hoa Nữ Sinh 1967.
. Tác giả bài thơ “Để Trả Lời Một Câu Hỏi”, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc “Kỷ Vật Cho Em” trước năm 1975.
 
- TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:
 
. Thơ tình Linh Phương (Thơ - NXB. Ngựa Hồng, Sài Gòn 1967)
. Kỷ vật cho em (Thơ - NXB. Động Đất, Sài Gòn 1971)
. Lời tự tình phương Đông (Thơ – NXB, Đồng Nai 1995)
. Lời ru của gió (Thơ - NXB. Thanh Niên 2000)
. Kỷ vật cho em (Thơ - Thư Ấn Quán tái bản tại Hoa Kỳ 2006)
. Tuyển tập Linh Phương (Thơ - NXB. Phương Đông 2006)
. Tiếng bước chân khuya (Thơ - NXB. QĐND 2006)

                    

                         Nhà thơ Linh Phương


TA TRỞ VỀ
TRONG GIẤC CHIÊM BAO
 
Ta trở về trong giấc chiêm bao
Cô gái Sài Gòn vẫy tay chào
Chiến y còn thơm mùi khói lửa
Khăn tang em quấn vội lên đầu
 
Ta trở về tìm kinh thành xưa
Bao oan khiên ngày ấy chưa mờ
Người yêu ta chết chiều Xuân Lộc
Không mộ bia - không một nấm mồ
 
Ta trở về hương linh theo gió
Mơ hồn em tám nẻo đường thành
Bốn mươi mốt năm lòng vẫn nhớ
Thua cuộc nhìn em mắt thoáng buồn
 
Ta trở về nón sắt ngụy trang
Súng trên vai chân bước thẳng hàng
Giày saut mòn gót rưng rưng máu
Từ núi non - rừng thẳm - ruộng đồng
 
Ta trở về Hòn Ngọc Viễn Đông
Chợt nghe thôi thúc tiếng kèn đồng
Xuất quân xuất quân ra trận mạc
“Này bao hùng binh…” (*).Ta khóc ròng
 
Trời ơi ! Cứ theo bóng đoàn quân
Đạp cỏ cây thăm lại Sài Gòn
Thủ đô - thủ đô mừng ứa lệ
Ta trở về tóc đã hoa râm
 
(*) Xuất quân - nhạc Phạm Duy