BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

ĂN CƠM VIỆT NAM

Có hai yếu tố chính tạo thành món ăn của mỗi dân tộc trên thế giới: sản phẩm có sẵn trong nước và nền văn hóa chính của người dân trong nước ấy. Tuy nhiên, mỗi nước có nhiều vùng khác nhau về địa lý, chất đất, khí hậu, lượng nước, và sinh vật (thú vật và cây trái) khiến cho mỗi vùng trong nước có thể có những sản phẩm địa phương khác biệt.  Đồng thời, người dân sống trong một vùng có thể có một nền văn hóa riêng tư trong vùng ấy.  Những yếu tố này khiến xuất hiện những "món ăn vùng" đặc biệt tại những vùng trong cùng một nước.
Ở Việt Nam, quan niệm về "vùng" và "văn hóa trong vùng" được thấy rõ trong 10 "món cơm" khác nhau dưới đây.  Mỗi "món cơm" gồm có cơm - có thể được nấu theo những cách khác nhau - và những "món ăn" đi kèm với cơm để tạo thành "món cơm" thật "đẹp," thật "ngon miệng," thật "địa phương" và thật "văn hóa vùng." 

1. Cơm lam


Cơm lam là loại cơm được làm từ gạo (thường là gạo nếp) cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre, giang, nứa v.v. và nướng chín trên lửa.
Cơm lam bỏ trong những ống tre, đốt trực tiếp trên lửa, khi ăn chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài. Cơm lam ăn ngon, lạ miệng, hương vị khác hẳn cơm thường, chỉ cần bỏ ống cơm ra đó thấy mùi thơm rất hấp dẫn. Bẻ miếng cơm lam, chấm muối vừng hoặc muối lạc cho vào miệng, ta sẽ thấy ngon, thơm, dẻo, rất đậm đà, ngoài hương thơm của gạo nếp còn thoảng hương vị thơm thơm của nứa rừng qua lửa.
Cơm Lam là món cơm đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam, Tây Nguyên.

2.Cơm niêu đập


Theo văn hóa của người Việt cho rằng nồi đất là nồi nấu ăn ngon nhất. Gạo Tám mà nấu bằng nồi đồng hoặc bằng các thứ nồi khác đều không thể có hương vị như nấu bằng niêu đất.
Cái niêu đất nung nâu sẫm be bé, miệng hơi khum to hơn tô canh một chút đậy nắp kín với đôi đũa cả gác một bên. Ăn cơm đập ở các nhà hàng, khi niêu cơm được bê lên, người phục vụ mới gõ nhẹ chiếc búa nhỏ vào niêu, những mảnh đất nung vỡ vụn rơi xuống đất còn lại trên tay là ổ cơm chín mịn màng ở giữa nhưng chung quanh là một lớp cháy ròn đều vàng mỏng.
Thường, cơm niêu được ăn kèm với cá kho tộ, cà pháo chấm mắm tôm, canh cua mồng tơi... 

3. Cơm cháy Ninh Bình


Tương truyền, cơm cháy Ninh Bình được hình thành hơn 100 năm (từ cuối thế kỷ 19), do một chàng thanh niên người Ninh Bình tên là Hoàng Thăng học được và phát triển từ một món ăn của người Hoa, sau đó mở rất nhiều tiệm ăn ở Hà Nội lẫn Ninh Bình. Từ đó món cơm cháy được lưu truyền, phát triển và trở thành một đặc sản của vùng đất Cố đô.
Để làm món cơm cháy thơm ngon, người Ninh Bình dùng gạo nếp hương, chọn hạt gạo tròn và trong để nấu. Khi nấu phải nấu bằng than củi và dùng nồi gang thì mới có miếng cơm cháy vàng thơm, vừa dẻo vừa ngon. Cháy lấy ra từ nồi mang ra phơi từ hai đến ba nắng. Cơm cháy cần được bảo quản nơi khô ráo, tuyệt đối tránh ẩm mốc, lúc gần ăn thì mới mang ra chiên giòn. Nếu chiên để qua buổi hay qua ngày thì cơm đều bị hôi dầu, ăn sẽ không ngon.
Ăn cùng cơm cháy có thể là thịt bò, tim, cật lợn xào với các loại rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua... ăn đến đâu, chan lên miếng cơm cháy đến đó. Miếng cơm kêu xèo xèo, bốc khói, toả ra mùi thơm. Khi ăn, cơm giòn tơi, chứa nhiều hương vị của món ăn thập cẩm nóng sốt mà đậm đà. 

4. Cơm hến Huế  


Người Việt Nam bao giờ cũng ăn cơm nóng, còn cơm hến của xứ Huế lại được chế biến từ cơm nguội đánh tơi nhưng cơm hến được nấu từ thứ gạo ngon nên mềm dẻo. Ăn cơm hến tưởng như là một món trộn với những nguyên liệu phong phú mà đơn giản như cơm nguội cùng hến luộc, nước hến, hoa chuối thái rối, khế chua, rau răm...
Cơm hến hòa cùng vị bùi của đậu phộng, vị cay của ớt, vị đậm đà của mắm ruốc, tạo nên một món thanh đạm.
Cơm hến là món ăn cay, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi. Cơm của cơm hến là cơm nguội, mùi ruốc mặn nồng thơm nức mũi, vị chua thanh của khế, mùi thơm ngây ngất của rau thơm, chuối bắp, bạc hà, vị ngọt đằm thắm của nước hến, béo ngậy của tóp mỡ, vị cay đến xé lưỡi, đến phỏng miệng của ớt tương... Người ăn cơm hến đôi lúc vẫn chưa vừa lòng với món ớt tương cay nồng sẵn có, còn cắn thêm trái ớt tươi" rồi xì xụp, xuýt xoa hít hà cho nước mắt nhỏ giọt, mới thấm thía được cái ngon của cơm hến.

 5. Cơm Âm phủ Huế


Cơm Âm phủ là một món ăn có từ lâu đời của đất cố đô, rất đậm "chất Huế" gồm nhiều nguyên liệu tạo thành, đa màu đa sắc nhưng lại rất bình dân. Cái tên nghe rất lạ, tạo cho thực khách vẻ "sờ sợ" nhưng lại là một món ngon độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực Huế.
Cơm Âm phủ gồm các nguyên liệu như: cơm trắng, tôm, thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo, đồ chua... , cách làm cũng khá công phu. Cơm là thành phần chính nên việc chọn gạo để nấu là rất quan trọng. Để cơm ngon phải chọn gạo thơm, có chất lượng tốt.
Cơm Âm phủ có trong bốn mùa. Nếu có dịp đến thành phố Festival Huế, đắm chìm trong khung cảnh thơ mộng của nơi đây, du khách hãy thưởng thức món cơm đậm chất Huế này.  

6. Cơm gà Hội An


Chưa ăn cơm gà xem như chưa tới Hội An. Cách nói có phần cường điệu ấy có lẽ xuất phát từ lòng tự hào khi đề cập đến cơm gà - một thứ hương vị quê nhà bình dị, khó quên của người dân phố Hội.
Cơm gà đơn giản là cơm nấu ăn với gà luộc nhưng cái đặc sắc là những yếu tố trong món ăn bình dị này như cơm, gà, nước chấm, đồ chua ăn kèm đều mang hương vị, phong cách ẩm thực rất riêng của miền Trung.
Cái đặc biệt của món cơm gà xứ Hội bắt nguồn từ nét riêng của cách chế biến thịt gà theo "gu" miền Trung, nghĩa là gà xé nhỏ, bóp thấm với hành tây, rau răm và gia vị. Cái khéo của người làm là khiến miếng thịt mang thơm thơm, cay cay nhưng vẫn không bở thịt và mất mùi gà.
Nước dùng gà được dùng để nấu cơm nên hạt cơm không trắng mà ánh một sắc vàng nhẹ, căng tròn, ngọt lịm vị gà. Với phong cách nhỏ nhẹ của người miền Trung, món cơm gà được bày trong chiếc đĩa nhỏ chỉ đủ làm lưng bụng thực khách. Đĩa cơm thường trang trí thêm ít lá bạc hà, rau răm, những lát hành tây trắng nõn, tương ớt đỏ tươi, muối tiêu lấm chấm, ăn kèm với loại tương ớt sền sệt, cay xé lưỡi theo khẩu vị của người địa phương.
Có một cách khác làm món cơm gà, nhưng người vùng Tam Kỳ - Quảng Nam hay Đà Nẵng mới thường chế biến theo cách này. Thịt gà không xé sợi mà chặt thành từng miếng vừa phải, vàng ươm. Gà không chỉ luộc, đôi khi còn được chiên giòn. 

  7. Cơm Tấm Sài Gòn


                                                  Cơm tấm bì sườn chả
Cơm tấm vốn là món đặc sản truyền thống của người dân miền Nam mà đặc biệt là người Sài Gòn. Xưa kia, người dân thường sử dụng món ăn này trong bữa sáng, vừa đơn giản mà thuận tiện. Nhưng nay, món cơm tấm độc đáo này được dùng trong nhiều cửa hàng, quán xá, nhà hàng, khách sạn như một món cơm chính trong bữa trưa, tối...
Cơm tấm là món ăn độc đáo bởi lẽ đây thứ cơm được nấu từ những hạt gạo vỡ nhỏ, vụn. Những mảnh hạt gạo vỡ được sàng riêng và nấu chín lên bằng bếp củi.
Cơm tấm có hương vị thật nhẹ nhàng nhưng rất đặc biệt và hấp dẫn người thưởng thức. Một đĩa cơm tấm ăn kèm với sườn, bì, chả, trứng và nước mắm sẽ khiến cho các vị giác của bạn phải trầm trồ bởi vị ngon mà không ngấy.

8. Cơm Dừa Bến Tre


Xứ dừa Bến Tre không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm kẹo dừa, rượu dừa, qua bàn tay tinh tế của người dân nơi đây biến món cơm dân dã hằng ngày trở thành một đặc sản lạ lẫm với người ăn bằng món cơm dừa.
Nấu cơm dừa cầu kỳ. Để được món cơm dừa ngon phải mất gần hai giờ đồng hồ. Những trái dừa xiêm được cắt ngang một phần trên đầu quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy lại. Gạo ngon vo sạch bằng nước rồi sau đó vo lại nước cuối cùng bằng nước dừa, để ráo nước. Cho gạo vào trong trái dừa rồi đổ lượng nước dừa vào vừa đủ, đậy nắp lại cho kín.
Cơm dừa nấu với nước dừa được hấp cách thủy trong nồi nên hương thơm, vị ngọt đều kết đọng lại trong mỗi hạt cơm. Khi cơm chín hơi ngả màu vàng nhạt do bị thấm hơi dầu từ cơm quả dừa. Cơm dừa ăn có vị beo béo nên ăn nóng mới ngon.
Cái thú khi ăn cơm dừa là ăn trực tiếp trên trái dừa, không phải ăn bằng chén. Với trái dừa xinh xắn trắng ngà, mùi thơm của dừa hòa quyện cùng làn khói bốc lên làm cho tất cả các giác quan đều hưởng trọn vẹn hương vị của món ăn.

 9. Cơm Nị


Cơm nị một món ăn truyền thống của người Chăm, Châu Giang, An Giang. Cơm nị thường là gạo nấu với sữa nhưng có người lại thích thêm nho khô vào để tăng thêm khẩu vị.
Người Chăm hay ăn Cơm nị với cà púa là món ăn được chế biến từ thịt bò rất độc đáo. Hai món ăn này thường bổ sung cho nhau tạo nên hương vị độc đáo và cầu kỳ mang khẩu vị người Chăm.
Cơm nị - cà púa mang mùi ngọt béo của sữa, vị bùi của đậu phộng, vị mặn ngọt của thịt bò cùng với vị cay xè của ớt, vị ngọt của nho khô làm ngẩn ngơ lòng thực khách. Tất cả đem lại cho người ăn một cảm giác thơm ngon, thật lạ miệng, no bụng mà chẳng thấy ngán.

10. Cơm Ghẹ Phú Quốc


Cơm ghẹ là món ăn ngon, giàu chất đạm, vị lạ đặc trưng rất ấn tượng và cũng rất khó quên khi đặt chân đến Phú Quốc.
Thành phần chính của cơm xào ghẹ Phú Quốc là cơm trắng, thịt ghẹ bóc sẵn, hành tây xắt lát mỏng, tỏi, ít tương cà vàng, dầu ăn. Thịt ghẹ khoảng 300g bỏ vào chảo xào sau khi phi tỏi vàng cùng với hành tây, cơm trắng khoảng một ký cho năm người dùng. Tương cà giúp cho món ăn có màu sắc đẹp, nêm gia vị vào để có hương vị ngon, khi chế biến cũng thể dùng hạt nêm Knorr thay thế cho gia vị.
Cơm xào ghẹ Phú Quốc khi chế biến có màu vàng ươm của tơ vàng óng ánh rất đẹp. Cơm khi xào xong được ăn kèm với dưa leo xắt nhuyễn, rau tươi, cà chua xắt lát dùng với nước mắm pha chế sẵn

                                                  Theo Yeudulich        

                                     
                                                                         

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

DÁNG XƯA


    


DÁNG XƯA
(Cảm đề "Dáng ai" thơ VTT)                                      

Em đi gót nhỏ kiêu sa                                  
Nghiêng che vành nón, nắng pha má hồng                                  Se se bấc lạnh chớm đông                                 
Chân chim nhẹ bước gió bồng tóc em                                       

Dáng xưa tóc mượt cài trâm                                 
Lòng gương ý lược em thầm mơ ai?                                        
Ờ, em kiều diễm trang đài                                 
Để ta xanh mộng dệt hoài tương tư                                        

Gởi hồn theo với ngàn mây                                 
Dáng xưa thoáng hiện vơi đầy trời mơ 
Chừ đây sóng đã xa bờ                                 
Nụ tình ươm thắm hoá thơ tặng người

                                              La Thụy                                  

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

CÁI HỘP GIẤY


Nguyễn Đức Tùng sinh tại Quảng Trị, hiện là bác sĩ - nhà văn sống ở Canada. Anh làm thơ, dịch thuật, viết phê bình rồi đăng tải trên các trang mạng và các tạp chí văn học trong và ngoài nước. Thơ Nguyễn Đức Tùng thâm trầm và giàu chất suy tưởng về sự vật, hiện tượng và con người xung quanh. Năm 2009, anh công bố cuốn sách “Thơ đến từ đâu” - trước đó đã đăng dài kỳ trên Talawas, bao gồm những bài phỏng vấn các nhà thơ đang sống ở trong nước và ngoài nước về thơ Việt mà đã được đăng rải rác trên các trang mạng văn chương. Cuốn sách ngay lập tức đã trở thành một hiện tượng văn học trong năm đó, và được thảo luận sôi nổi giữa các nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu.
             La Thu xin giới thiệu tu bút CÁI HỘP GIẤY  mà  anh vừa mới gửi qua  email. 
                                                                                        

                                  CÁI HỘP GIẤY
                                                                  Nguyễn Đức Tùng


        Vừa lái xe ra khỏi siêu thị đông đúc ồn ào chiều cuối tuần, hai ngày trước lễ Giáng sinh, đang lúng túng, tôi giật mình nghe tiếng kêu của một gã lái xe chạy vụt qua. Không hiểu hắn ta nói gì, đoán là tiếng chửi thề của bọn thanh niên nóng tính. Trời cuối năm lạnh căm căm, mọi vật sáng lên một lúc như vẫn thường thấy khi bắt đầu đổ tuyết, sáu tháng sau khi tôi lấy bằng lái xe, một năm sau ngày đến Canada. Chạy thêm một quãng, lần này một chiếc xe khác ghé sát vào, chậm lại, cô gái ngồi ghế trước bên phải quay hẳn kính xuống, la: Cái hộp! Cái hộp của mày trên trần! Tóc cô quấn cao, môi son đỏ mọng.
         Tôi giật mình tạt vào lề. Quả nhiên một cái hộp giấy vẫn còn nằm yên trên trần xe.
         Đó là cái hộp không.
         Hồi ấy bà con thường dùng những hộp giấy cứng để đóng thùng gửi quà về Việt Nam. Những người muốn giúp đỡ gia đình hay gặp rắc rối trong việc gửi tiền mặt, phần vì hệ thống chuyển tiền chưa thuận tiện như bây giờ, phần vì sự phản đối trong dư luận. Cách tốt nhất là gởi thuốc Tây, lý do nhân đạo, vẫn dễ hơn. Ngày nghỉ cuối tuần, thay vì đi câu cá hay đi nhảy đầm với bạn bè, uống bia trong các pub house, tôi cặm cụi vào hiệu thuốc tìm mua đủ loại, nhét đầy hộp. Đối với kháng sinh và thuốc đặc biệt, tôi phải đến bác sĩ để xin toa vì không thể mua ngoài thị trường. Những thứ khác, nhất là dầu khuynh diệp xanh lá cây hiệu con Ó, thơm nồng, cay mắt, tôi mua tự do. Cứ mười ve dầu đóng gói trong một hộp lớn, cũng màu xanh. Tôi mua sẵn để dành, gởi lần hồi. Người nhà tôi bị bệnh gì mà phải dùng đến kháng sinh, thuốc hồi dương, steroids, thuốc nấm móng tay, trị lao phổi, chống ung thư nhiều thế?
           Họ chẳng có bệnh gì cả. Mà nếu bệnh, họ cũng chỉ uống thuốc rễ cây, uống nước rau má, xông hơi lá chanh lá sả ngoài hè, chứ chẳng hề dám nghĩ tới thuốc Tây sang trọng. Đến tay người nhận, chỉ vài ngày sau thùng thuốc đã nằm ngoài chợ trời. Ôi chợ trời. Tôi đã đi qua Hàm Nghi, dọc đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Gia Long, chợ Cồn Đà Nẵng, Hố Nai, Tây Lộc Huế, Đông Hà. Ở đâu chợ Trời cũng nhộn nhạo, vui vẻ, nhớp nháp, vừa héo vừa tươi. Ngươi đã nuôi sống bao nhiêu người khốn khó, cưu mang nhiều kiếp lạc loài. Bao người lương thiện nhờ ngươi mà sống sót, bao kẻ lưu manh nhờ ngươi mà thành quý tộc.
           Xếp hàng bưu điện cuối năm đông người, vật lộn với những thùng giấy, những sợi dây bện, những cuộn băng keo đến toát mồ hôi, luống cuống cân đo, bị cô nhân viên mặt đầy mụn trứng cá khó đăm đăm trả đi trả lại vì ghi sai địa chỉ, trả tiền lệ phí, ra khỏi bưu điện trong siêu thị tôi thở phào mừng quýnh. Nghĩ đến những người thân bên kia biển Thái Bình sắp nhận thùng quà của mình, tôi vui quá nên quên trước quên sau. Nghĩ đến quang cảnh tòa nhà Bưu điện Sài gòn sơn xanh cũ kĩ nhưng uy nghi, duyên dáng, với đàn chim bồ cây trắng bay lượn mỗi chiều khi mưa vừa tạnh. Mặt bàn cà phê nhỏ xinh có mùi hành tỏi, mùi tương ớt của tô bún ốc ai vừa bưng đi. Nhớ người thiếu nữ sinh viên sư phạm mái tóc đen tuyền thả ngang vai, nhà ở gần đường Lạc Long Quân, chiều chiều đạp xe dưới hàng cây sầu đông qua trường đua Phú Thọ, về quận mười một, sắp nhận được cục xà phòng Camay thơm thơm, gói thật kỹ, nhét trong hộp thuốc tây, tôi sướng rơn người, tay run lên.
           Rồi lan man nghĩ đến bức thư nhận được tháng trước của đứa cháu gái, con đầu lòng của ông anh họ đi tập kết. Hai vợ chồng anh tôi có bốn đứa con nhỏ, nó là đứa lớn nhất, mười ba tuổi, đứa em nhỏ mới sinh. Thư kể: bốn tháng nay nhà cháu không có cái ăn. Em bé mới sinh, mẹ khắt sữa không có gì bú, tối nào cũng khóc đến kiệt sức, cháu dỗ mãi mà nó không nín. Con bé đi học về liền ném cặp sách, xắn quần lội ruộng, mò cua bắt óc, nhưng trời nắng hạn, bùn khô quánh lại, có gì ăn được thì thiên hạ đã bắt hết. Anh tôi hình như là trưởng phòng công nghiệp huyện. Anh than: sắp sụp đổ rồi em ơi. Đó là những năm tám mươi. Đọc thư, tôi thương các cháu quá.
         Và nghĩ đến mẹ tôi ở Nhan biều, chiều chiều ngồi dưới gốc cau già bên hiên duy nhất còn sót lại sau chiến tranh, giữa giàn lá trầu cả gió rụng sớm, đổ vàng. Tôi lấy cái hộp giấy nhân tiện ném vào băng ghế sau rồi tàn tàn lái đi tiếp. Đang mở cassete trên xe nghe tiếng hát Hương Lan Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, sau một khúc quanh, lại nghe tiếng một người lái xe hét lớn: Cuộn băng! Cuộn băng keo của mày! Tôi hấp tấp dừng xe lần nữa, bước xuống coi đi coi lại, thì ra sau khi lấy cái hộp trên trần tôi vẫn còn sơ ý để quên cuộn băng keo lớn, khá nặng, ở trên mui phía sau. Cuộn băng keo màu xám, trong vắt, nằm ở đó lửng lơ nhưng không rớt dù xe đã chạy cả giờ đồng hồ, như một người hành khách lên trễ xe đò sợ bị đuổi xuống liền cố sức bám chặt vào mặt thép trơn, lạnh.
           Thỉnh thoảng trên đường ta nghe một người lái xe hét lớn: Nắp xăng! Nắp bật ra! Dành cho một người lái xe có chuyện vội vàng quên đóng nắp xăng, mùi xăng bốc ra nửa thơm nửa gắt ngạt mũi. Và khi chiều về, mặt trời tắt sau núi, bỗng nghe một người lái xe khác chạy vút qua vui vẻ kêu lên: Ly cà phê! Ly cà phê trên trần! Có thể đoán kẻ lái xe là một người đãng trí, bị bệnh mất ngủ, thường uống cà phê, vì cái ly còn nóng. Hoặc lúc ấy hắn ta đang thất tình? Hay đang bâng khuâng nhớ nhà, nhớ nước, tưởng tượng đạp xe qua thong thả dưới hàng cây sầu đông hoa nhỏ tím một người muôn năm cũ, mái tóc ngang vai thơm xà phòng Camay, hay cánh tay để trần thoảng mùi dầu khuynh diệp?
                                                                                        Nguyễn Đức Tùng
                                                                                      bachnguyen@shaw.ca
                                                                    

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

HỎI NGƯỜI CÒN NHỚ NHAU KHÔNG ? - Thơ Hoàng Yên Lynh


       
          Nhà thơ Hoàng Yên Lynh       
                                                                

HỎI NGƯỜI CÒN NHỚ NHAU KHÔNG ?

Thơ tình sao ta mãi viết                                        
Hỏi người còn nhớ nhau không ?                                        
Đường đời đôi ta thấm mệt                                        
Ai đi tìm lá diêu bông.                                        

Tháng năm khép mờ quá khứ                                         
Ta giờ mòn gót phiêu du                                        
Người ở bên trời viễn xứ                                        
Thơ tình còn nhớ hay quên.                                       

Đại dương đôi bờ xa ngái                                         
Một lần... Là hết trăm năm                                        
Chút gì trong ta đọng lại                                        
Một thời xa vắng mênh mông.                                        

Rồi cũng chân mòn gối mỏi                                         
Hẹn nhau bến cuối cuộc đời                                        
Thơ tình sao ta viết mãi                                        
Chạnh lòng thôi cũng đành thôi.

                      Hoàng Yên Lynh                                      

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

CHUYỆN XÓM NÚI

                       

                                                                                                            Tác giả: TRẦN DUỆ

         Không biết vùng đất nơi đây tên gọi là gì nhưng nó ở cách những thành phố lớn xa lắm ! Với con đường ngoằn ngoèo băng qua những cánh rừng cây cao vút, làm cho con người thấy mình quá bé nhỏ trước thiên nhiên. Những dãy núi hình vòng cung bao quanh vùng đất bằng phẳng và rộng lớn. Một con sông bắt nguồn từ các dòng suối chảy về và băng qua cánh đồng, tạo cho nơi đây trở thành vùng đất phì nhiêu, cây lá xanh tốt quanh năm. Chiều chiều, hơi đá từ các ngọn núi toả ra làm cho cái thung lũng này như chìm trong sương mù. Cảm giác lành lạnh và cảnh trí u uất đã tạo cho con người nơi đây sự trầm lắng và cam chịu.
         Nghe nói đã lâu lắm rồi, có một đoàn người đi tìm trầm. Họ đi suốt mấy tháng trời mà không tìm ra trầm. Họ tìm đường về xuôi bằng cách đi theo dòng chảy của các con suối. Đoàn người kéo nhau đi trong sự liêu xiêu, ngất ngưỡng và đói rét, bệnh hoạn. Họ xuống sông để tắm và cố gắng mò mẫm những con cá để ăn. Trong họ, ai cũng biết rằng muốn về đến nhà phải đi bộ nhiều ngày đường nữa. Tất cả nằm trên bờ sông để nhìn núi, nhìn trời. Lúc này họ mới nghĩ về chính thân phận của họ. Thật là khốn khổ cho kiếp người ngậm ngải tìm trầm ! Lúc nào trong họ cũng mong một sự đổi đời, bằng cách tìm được một cục trầm thật to để chấm dứt cái nghề khốn nạn này. Nhưng rồi cục gỗ thơm tho màu đen ấy đã cuốn hút gần hết tuổi thanh xuân của họ nơi chốn rừng sâu núi thẳm. Để rồi cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ. Lúc này họ đã biết chính con người của họ đã làm khổ cái thân xác của họ. Nếu trở về nhà thì lấy đâu ra tiền để trả nợ, trả lãi cho những nhà giàu đã cho họ vay tiền để trang trãi cho những chuyến đi rừng. Nếu không trả thì chắc chắn vợ con của họ phải ở đợ để gán nợ. Nếu đã ở đợ cho nhà giàu thì bản thân, vợ con của họ sẽ còn khổ hơn con chó nhà chủ. Nếu lên rừng trở lại để tìm cơ may cuối cùng thì cái đói, cái rét sẽ không buông tha họ và chắc chắn họ sẽ trở thành loại người rừng mà cha ông họ đã mắc phải.
         Vậy là cái xóm nhỏ nằm ven chân núi đã hình thành. Tất cả cùng nhau khai hoang vùng đất ven sông trước mặt nhà. Những cánh rừng đã lùi xa nơi họ ở, thay vào đó là những ruộng lúa xanh tốt. Dần dà trong xóm đã có tiếng khóc của trẻ con, tiếng chó sủa vào ban đêm, tiếng gà gáy sáng… Tất cả dù chưa nhiều nhưng cũng đủ để cho những con người sống ở đây đỡ thấy trống vắng hơn và thấy quý nơi họ đang sống.
         Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, mọi người đã nghĩ ngay tới việc cất lên một ngôi nhà để làm nơi thờ cúng, tạ ơn thần linh của núi rừng đã phù hộ cho những con người sống nơi đây được trúng mùa. Đêm đêm trong ngôi nhà lợp tranh, vách nứa này vẫn được đốt lên đống lửa để những người đàn ông tụ tập lại với nhau. Họ kể cho nhau nghe về cuộc đời của mình cùng những kỷ niệm lúc còn ở dưới xuôi. Trong họ không có ai biết chữ cả ! Cuộc sống ở đây cứ vậy mà sinh sôi. Không ồn ào náo nhiệt. Không có ai mưu lợi cho riêng mình. Hầu như ai cũng đều sống bộc bạch với nhau.
         Có một buổi sáng, mọi người cùng thắc mắc bởi một chuyện lạ thường là trong xóm lại xuất hiện một vị thầy tu. Dù trên đầu đã không còn tóc, mặc áo cà sa, đi chân đất nhưng nhìn vóc dáng thanh mảnh và nước da trắng đã hiện rõ cho mọi người thấy rằng đây là một người giàu sang, quyền quý chứ không phải là một bậc chân tu. Có người thắc mắc là không thấy vị thầy tu đi vào nhưng lại có vị thầy tu từ nhà ông Năm đi ra. Ông Năm nói là thầy vào nhà hồi khuya. Ai cũng biết là ông Năm nói không thật. Ở đây mọi người đều biết đi một mình trong rừng vào ban đêm thì thì chẵng còn ai sống sót với lũ cọp beo. Ông Năm đưa vị thầy tu đến ở trong ngôi đình của xóm. Ban đêm nghe tiếng thầy đọc kinh, có người thắc mắc “ đã là thầy tu thì phải có chuông, có mõ, sao thầy lại không có ”. Hàng ngày thầy vẫn đi làm ruộng với mọi người. Nhìn cách làm ruộng của thầy không giống người làm ruộng thực thụ. Nếu có người thắc mắc thì ông Năm đều có cách biện hộ cho thầy. Vậy rồi mọi chuyện cũng qua đi, không ồn ào náo nhiệt như cái vốn có của nó.

         Vị thầy tu ít nói chuyện, sống âm thầm, lầm lũi trong ngôi đình. Ngôi đình được dọn dẹp sạch đẹp. Mọi người đều vừa lòng. Đêm khuya khi mọi người đã trở về ngôi nhà của mình thì trong đình lại vang lên tiếng đục gỗ lốc cốc. Mấy ngày sau mọi người mới biết thầy đang tạc tượng Phật. Khi tượng được đặt lên giữa ngôi đình, mọi người mới bàn tán. Người nói mặt Phật buồn quá. Người nói ốm quá. Nhưng ai cũng công nhận là mặt tượng không giống ông Phật ở dưới xuôi.

         Bức tượng được ngự trên tòa sen. Những cánh sen được đẻo gọt cẩn thận, nhưng muốn hiểu đó là một bông sen thì người nhìn phải tưởng tượng ra. Những cánh sen nhìn từ phía trước lại nhỏ hơn những cánh sen ở phía sau và cánh cao, cánh thấp không đều nhau, tạo nên một sự sắp xếp lộn xộn, trái ngược với những cánh sen mà thiên nhiên đã tạo ra. Đức Phật to khoảng đứa bé ba tuổi, ngồi kiết già, hai tay chắp lại phía trước ngực. Chiếc áo cà sa mặc chéo sang một bên, còn một bên để trần lộ rõ xương vai và từng dãy xương sườn biểu hiện sự khắc khổ, chịu đựng. Khuôn mặt Đức Phật nghiêm nghị, trầm tư, yên lắng… như một sự bằng lòng với ngoại cảnh. Người xem tượng khó hình dung được đức Phật có còn tóc hay không, bởi do những vết đẽo nham nhở tạo nên những đường gợn sóng không đều trên đầu tượng Phật. Mọi người đều biểu hiện sự thông cảm với điều kiện của thầy.
         Có tượng Phật, có thầy trụ trì, ngôi đình mặc nhiên trở thành ngôi chùa mà chính những người làm ra nó chưa bao giờ nghĩ tới. Đêm đêm mọi người đều nghe thầy đọc kinh. Nghe mãi thành thuộc. Ngày làm ruộng, đêm lên chùa đọc kinh, vậy là họ trở thành phật tử hồi nào không hay, không biết. Có người thắc mắc “ kinh nhà Phật thì nhiều, tại sao thầy chỉ thuộc kinh cầu an và cầu siêu ?. Nghe vậy có người trả lời “Sống thì  cầu an, chết thì cầu siêu chứ biết cầu gì cho nhiều ”. Tất cả  cười ồ lên trong không khí thoải mái, vô tư.
         Một hôm có một toán người tìm trầm, họ đến và ở lại chùa ăn chay, nằm đất ba ngày đêm. Khoảng hai tháng sau, họ đưa lên chùa một cái chuông đồng to bằng thùng gánh nước, nặng chừng hai người khiêng. Họ nói là nhờ Phật phù hộ mà họ tìm gặp một cục kỳ nam, cho nên họ tặng chùa để tạ lễ theo đúng lời khấn nguyện của họ. Mọi người vui vẻ nhận chiếc chuông. Không ai tham gia vào những câu chuyện sặc mùi tiền bạc của người đối diện.
         Tiếng chuông chùa làm cho cái xóm nhỏ vui hẳn lên. Núi rừng chung quanh, muông thú chung quanh dường như im lặng hơn mỗi khi tiếng chuông được cất lên. Buổi sáng khi mọi người đang ngủ say thì tiếng chuông được dóng lên từng hồi như giục giã, réo gọi, vậy là ai cũng thức dậy để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Ngày tháng trôi qua, tiếng chuông vẫn đều đặn ngân vang, chính xác hơn tiếng gà gáy, trung thành như người lính đứng gác. Tiếng chuông vào ban đêm nghe khác hơn buổi sáng. Chỉ có những người sống nơi đây mới hiểu được điều đó.
         Năm tháng qua đi, chiến tranh qua đi. Mọi người ở đây đã làm hết sức mình để bảo vệ vùng quê mới của họ. Xóm núi năm xưa bây giờ đã thay đổi. Có chợ đông vui, đường sá thông thương, rừng chỉ còn ở trên núi. Ngôi chùa bằng gỗ, lợp tranh chỉ còn trong trí nhớ của những người lớn tuổi, thay vào đó là một ngôi chùa được xây dựng bề thế. Riêng vị sư già thì vẫn đầy bí ẩn và vẫn trầm tư như đang thả hồn vào một cõi xa vắng nào đó. Tiếng chuông vẫn được cất lên đều đặn. Khúc ngân của chuông vào mỗi buổi chiều như kéo dài hơn, nghe như một điệu nhạc trầm buồn. Dù không lý giải được nhưng ai cũng hiểu mỗi khi nghe thầy đánh chuông, lòng có buồn thì cũng thấy vui, lúc quá vui thì cũng làm cho lòng người như lắng lại.
Một hôm trong chùa xuất hiện một người phụ nữ có vóc dáng cao to, đầy đặn, trên người đeo nhiều nữ trang đắt tiền. Người phụ nữ khóc. Mặt thầy không biểu hiện một nét buồn vui nào cả. Thì ra người đàn bà đẹp và sang trọng này chính là con gái của thầy. Vậy là những điều bí ẩn đã được hé mở. Hồi ở dưới xuôi thầy đã có vợ và một người con gái. Vợ thầy là một người phụ nữ đẹp và lanh lợi. Gia đình thầy giàu có, ruộng đất rất nhiều. Nếu không có trí nhớ tốt thì không thể nhớ hết những người làm công trong nhà. Không có ai biết được thầy đã học hết lớp mấy, nhiều người chỉ nghe nói được rằng từ nhỏ đến lúc trưởng thành, thầy chỉ biết đi học. Rồi gia đình giàu sang, quyền quý đó thật sự tan nát kể từ khi người chồng tận mắt trông thấy vợ của mình đang nằm bên cạnh một người đàn ông khác. Lúc đó người chồng đã đã bộc lộ hết bản năng ích kỷ của người đàn ông. Vợ chết. Người chồng tìm lên rừng để gặp ông Năm là người đầy tớ lâu năm trong nhà của mình.
         Không hiểu sao từ hồi thầy trở về thành phố để thăm đứa con gái của mình thì tiếng chuông được đánh lên nghe khác hơn. Nó không còn ngân vang, kéo dài như để đưa hồn người nghe vào cõi sâu lắng của tâm linh, hay dẫn dắt, níu kéo sự tham dục trở về với nhân bản. Tiếng chuông nghe như đứt quãng từng hồi, có lúc lại hối thúc, dứt khoát như tiếng trống trận. Người con gái của thầy trở lại thăm và nói với thầy cùng các phật tử là xin được cúng dường cho chùa một tượng Phật to và một cái đại hồng chung để thay thế cho những cái đã cũ. Thầy im lặng. Có người nói: “ Thầy xem thường lòng tốt của đạo hữu”, người nói: “ Thầy không lo việc xây dựng chùa”.
         Đã hai đêm rồi không nghe tiếng chuông chùa được đánh lên. Đây là một điều không bình thường. Nhiều người chạy lên chùa tìm thầy. Khung cảnh chùa vẫn vắng lặng như mọi ngày. Thầy đang quỳ trước chánh điện, một tay xá phía trước ngực, một tay để tựa trên quyển kinh. Nhìn vết máu chạy dài từ miệng xuống và đông cứng lại trên trên chiếc áo cà sa, mọi người đều biết là không còn sống. Ông Năm ân hận là mấy hôm nay bị đau lưng nên ông không lên chùa. Đứa cháu gái sắp được chồng cưới  phải bỏ đi làm ruộng để thay ông làm các việc chẵng tính công ở chùa. Cô bé vừa khóc vừa kể “ Trưa, chiều con đều đưa cơm lên cho thầy và con vẫn thấy thầy quỳ như vậy. Con nghĩ là thầy bận xem kinh”. Có người hỏi lại “ Sao con không nhắc thầy ăn cơm”. Cô bé lau nước mắt “ Sợ thầy giật mình nên con không dám gọi”. Bây giờ thì ai cũng hiểu thầy đã đến sống và đi khỏi xóm núi này đều là sự lặng lẽ, khó hiểu…
         Nhiều người đến để tiễn thầy ra an nghỉ ở một góc rừng, nơi có những cây gỗ quý còn sót lại của thuở khai hoang. Riêng con gái của thầy thì không có mặt. Đúng là cô ta không biết, do không có ai biết nơi ở của cô để báo tin.
         Hàng ngày tiếng chuông lại được ngân vang dội vào vách núi./-

                                                                                                             TRẦN DUỆ
                                                                                                      Điện thoại: 0989.870.698 

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

XÓM “LÂM TẶC”


                    

Trần Duệ hiện ở Tánh Linh, Bình Thuận và đang sinh hoạt trong hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Thuận, xin giới thiệu truyện ngắn XÓM LÂM TẶC của  anh đến cùng bạn đọc


                                      XÓM “LÂM TẶC”

                                                                              Tác giả : Trần Duệ

    Nghe nói cái xóm nhỏ này đã hình thành từ lâu lắm rồi, tôi có biết ông nội, ông ngoại của tôi đến sống ở đây lúc còn trai tráng. Hồi mới đầu lập xóm chỉ có khoảng vài chục nóc nhà nhưng người đi, kẻ đến rồi sinh đẻ thêm, nên đến nay cả xóm có hơn trăm nóc nhà đang sinh sống. Trước đây người ta gọi xóm này là Xóm Rừng, bởi vì chung quanh là rừng và cách đường lớn của huyện  hơn chục cây số và phải đi qua bốn con suối lớn, nhỏ. Vào mùa mưa, nước ở những con suối này chảy cuồn cuộn nhưng chưa bắc cầu qua suối nên người đi đường  chỉ biết đứng nhìn chứ không ai dám lội qua. Cái tên xóm “ Lâm Tặc” được hình thành từ lúc người ta nghe trên đài và mấy cán bộ huyện gọi những người làm nghề rừng là lâm tặc. Nghe hoài cũng quen, nên nhiều người đã quen gọi tên xóm nhỏ này là “ Lâm Tặc” và hầu như ít ai nhắc đến cái tên do chính quyền đặt cho là xóm Năm hay xóm Sáu gì đó! Gọi là làm nghề rừng nhưng thật ra người dân trong xóm chỉ vào rừng những tháng mùa nắng, còn mùa mưa thì họ lên rẫy để trồng lúa, trồng bắp…

   
   Có một buổi sáng mùa khô, cả xóm vui như hội. Mới tờ mờ sáng đã có bốn chiếc xe to chạy vào trong xóm.Tiếng còi xe inh ỏi. Từng đoàn người mặc đồng phục, đội mũ trắng, tay xách, vai đeo cây kèn Tây sáng bóng, trông thật đẹp. Một lúc sau bà con mới vỡ lẽ ra đây là đoàn đưa đám ma. “ Đám ma con Mơ”. Có người ngỡ ngàng, có người tiếc rẽ: “ Con Mơ đẹp gái vậy mà chết sớm thì uổng quá !”. Người lớn lũ lượt kéo nhau đến thăm đám ma, con nít và đám thanh nhiên choai choai say mê những bản nhạc do nhóm nhạc công cất lên. Họ thổi đủ các loại nhạc, có lúc “ Oan ta là mê ra” nghe vui vui, lúc thì chùng xuống thật lắng dịu “ Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Bọn nhỏ đang nhìn thấy một đám ma lạ lùng, không giống với những đám ma trước đây chỉ biết thổi những điệu nhạc ọ e, ọ e  nghe muốn não lòng. 
     Tin Mơ chết đến với tôi là một sự bất ngờ quá lớn. Nhà Mơ ở cách nhà tôi mấy cái nhưng thật ra cách cũng khá xa do nhà nào vườn cũng rất rộng. Chúng tôi cùng học cấp hai, cấp ba ở trường huyện. Mơ học không giỏi nhưng rất chăm. Trong xóm chỉ có có tôi và Mơ học đến cấp ba nên nhiều người trong xóm cũng quý chúng tôi. Trường chúng tôi học nằm ở dưới huyện, nên hàng tuần chúng tôi cùng đi bộ về thăm nhà một lần, do vậy tôi và Mơ chơi thân với nhau. Nhiều thanh niên thấy chúng tôi đi về cùng nhau mà thèm thuồng mong được như tôi. Điều dễ hiểu là Mơ rất đẹp. Nhìn đôi mắt màu nâu sáng nằm giữa những quầng đen tự nhiên quanh đôi mắt làm cho đôi mắt của Mơ như một màu nhung đen. Nụ cuời của Mơ như toả những nét tươi vui, hiền hậu. Nói thật lòng, đối với tôi dù Mơ có cười hay không tôi cũng thấy đẹp. Có những chiều thứ bảy chúng tôi từ trường về nhà. Trời mưa, nước suối dâng cao, tôi phải dìu Mơ qua suối. Áo quần chúng tôi đều ướt. Mơ mắc cỡ. Tôi nói: “ Không sao !”.
      Đến năm lớp 11, Mơ phải nghỉ học vì mẹ của Mơ bị chết do sốt rét ác tính. Biết được tin mẹ mất lúc chúng tôi còn đang ngồi học bài. Mơ khóc. Những giọt nước mắt chảy thấm đẩm trang sách. Tôi thấy Mơ đẹp và thánh thiện hơn ngày bình thường. Cha của Mơ là một người đàn ông bị mù do tai nạn trong một lần đi khai thác gỗ. Mơ ở nhà chăm sóc cha mình và thay mẹ đi làm rẫy. Nhà của Mơ lợp tranh nằm khuất ở góc rừng, vốn đã buồn bây giờ chỉ có hai cha con nên trông càng buồn hơn. Ngày tôi trúng tuyển vào trường Đại học Kinh tế thì nghe tin Mơ đã có người yêu. Nghe nói người này lớn tuổi và chuyên nghề mua bán gỗ. Ông ta mua gỗ của bà con trong xóm “ Lâm Tặc” khai thác được, rồi chở về xuôi để bán. Từ chỗ mua một nhưng lại bán bán năm, bán mười nên ông ta rất giàu. Ai cũng thầm khen Mơ may mắn gặp được người giàu có để sớm thoát khỏi cái xóm rừng này. Học xong năm thứ nhất, tôi nghỉ hè về và được biết Mơ đã sinh được một đứa con gái. Còn lão đầu nậu gỗ kia đã chuyển đi mua gỗ ở nơi khác và không trở lại làm đám cưới với Mơ như đã hứa. Cuộc sống của Mơ cứ khổ chồng lên khổ. Mơ tránh gặp mặt tôi
       Còn tôi, một anh sinh viên học mãi mà không ra trường được. Học hết năm thứ hai, trong nhà không có tiền đóng học phí, tôi xin được bảo lưu kết quả để về nhà vào rừng cưa gỗ, kiếm tiền rồi năm sauvào học tiếp. Cứ hết đợt bảo lưu này đến đợt bảo lưu nọ mà đã bảy năm, tôi vẫn còn làm sinh viên. Đến khi đứa con của Mơ được năm tuổi, Mơ vào Sài Gòn may thuê cho một công ty nào đó. Tôi có đến thăm nhưng hình như Mơ không muốn gặp tôi.  Đám tang của Mơ chắc là sang trọng nhất từ trước tới nay ở cái xóm này. Có người nói “ con Mơ chết mà gặp may”. Nghe kể là vào lúc 9 giờ đêm, Mơ đi làm tăng ca về, trên đường cò một tốp thanh niên đua xe. Một tên đã tông Mơ văng sang bên đường. Đám đua xe chạy mất dạng. Mơ tắt thở tại bệnh viện ngay trong đêm đó. Sáng hôm sau, một người đàn ông trung niên đi cùng hai cán bộ công an đến nhận xác Mơ. Sau này nhiều người biết được rằng người đàn ông đó là cha của người thanh niên đua xe, gây ra tai nạn. Anh thanh niên này đi chơi về khuya, người cha ra mở cổng, thấy đứa con có thái độ khác thường. Ông ta gặng hỏi. Người con nói thật với cha là đã gây tai nạn rồi bỏ chạy. Thấy lòng day dứt, ông điện thoại cho công an ngay trong đêm đó và sẵn sàng nuôi dưỡng và đền bù cho người bị nạn. Nhưng ông không ngờ nạn nhân lại không thể sống được.




     Đám tang Mơ thật là đông người, thật ồn ào. Cha của Mơ được người ta dắt lên xe tang, mặt ông chng vui, cũng chng buồn. Đứa con gái của Mơ lăng xăng chạy theo đội kèn trống để nhìn, để nghe những âm thanh lạ tai. Khi chuẩn bị hạ huyệt, tôi nhìn sang một góc xa của nghĩa địa, thấy thằng Khang đang ngồi quay lưng lại với đám đông đang ồn ào trước huyệt mộ. Tôi thấy vai thằng Khang rung lên, giật giật liên tục, hai tay hắn đang ôm đầu. Thằng Khang cũng khóc ư, đối với nhiều người thì đó là điều lạ. Chính tôi cũng ngạc nhiên về chuyện này.Trước đây Khang là thằng uống rượu suốt ngày. Vốn tính nó đã ngang tàng nhưng khi nốc rượu vô thì trông mặt hắn còn dữ hơn, nên ai trong xóm cũng sợ hắn. Sau đám tang, cha của người gây tai nạn đã giao cho cha Mơ 10 cây vàng và xin ông làm giấy bãi nại. Ở cái xóm rừng này 10 cây vàng là to lắm, bởi vì người dân ở xóm tôi dù có lặn lội quần quật suốt đời trong rừng cũng không thể làm ra số vàng nhiều như vậy. Người đàn ông mù lòa lăn tay vào một tờ đơn người ta đã soạn sẵn. Mắt ông nhìn vào khoảng không một cách vô hồn.
Xóm “Lâm Tặc” dù còn rất nghèo, nhưng mỗi ngày mỗi đông thêm bởi vì đây chính là nơi để những mảnh đời nghèo khổ, phiêu dạt từ đâu đó tìm đến nương thân. Bà con trong xóm còn nhớ cách đây gần hai chục năm, có một người đàn bà ăn mặc rách rưới có dắt theo một đứa con trai còn rất nhỏ về xóm này. Bà ta nấu cơm thuê cho những người thợ cưa gỗ thuê. Bà cứ  đem thằng nhỏ đi theo đám thợ cưa từ cánh rừng này qua cánh rừng khác. Không hiểu sao, sau đó bà đi theo một người thợ cưa góa vợ, bỏ lại thằng Khang bơ vơ. Thằng Khang lớn lên như rong rêu, như bọt bèo ở trong cái xóm này. Nhiều ông chủ đầu nậu gỗ thấy hắn hung dữ nên luôn thuê hắn để trừng trị những thợ rừng muốn bỏ chủ cũ để sang làm cho chủ mới. Thằng Khang đã trở thành một đại diện của luật rừng ở đây. Ông chủ của hắn thấy công lao cống hiến của hắn cũng khá nhiều, nên thưởng cho một chuyến về thành phố thăm chơi. Chủ của hắn dắt hắn đi chơi đĩ. Hắn bị bệnh lậu. Ông ta cho hắn uống mấy viên thuốc thì lành bệnh và không quên dặn hắn nếu ăn thịt gà thì bệnh sẽ tái phát. Từ đó thằng Khang sợ thịt gà như người ta sợ nó. Biết được chuyện này đàn bà, con gái trong xóm sợ hắn như sợ rắn. Sau này, có một lần tôi uống rượu với Khang ở trong rừng, hắn nói với tôi là có thời gian nó rất buồn vì không biết chữ. Nhưng bây giờ hắn đã biết đọc được chữ trên tờ báo và viết được tên của chính mình là do Mơ dạy cho.
Sau đám tang của Mơ, cả xóm như buồn hẳn đi. Tôi đã kiếm đủ tiền đóng học phí để vào học tiếp. Thằng Khang đổ ra uống rượu nhiều hơn. Những “ lâm tặc” chính hiệu bây giờ không còn sợ hắn nữa nhưng vẫn thích mời hắn uống rượu. Trong xóm có Hoàng – một thợ cưa lành nghề - một lâm tặc khôn khéo nổi trội. Có một lần hắn nhậu ở một quán thịt chó ngoài huyện, nghe đánh lộn hắn nhảy ra can. Lúc đó có đông người quá, hắn chẵng biết ai lại ai. Có một người xông ra, hắn tức giận vì tự dưng lại đánh vào đầu hắn. Hắn vung tay đấm vào mặt người kia một cái thật mạnh. Máu chảy tràn mặt, người đó bất tỉnh. Ngày hôm sau công an đến bắt hắn vì tội đánh người thi hành công vụ. Lúc đó hắn mới biết người bị hắn đánh là một cán bộ của huyện. Có người đến nói với hắn là cứ yên tâm nhận tội đánh người thi hành công vụ thì sẽ được gia đình anh cán bộ đó chu cấp trong những ngày ở tù. Hồi đầu hắn cũng ưng bụng nhưng nghĩ lại sợ người ta không giữ đúng lời hứa thì thêm khổ. Tòa xử hắn một năm tù ở vì tội đánh người gây thương tích. Hắn không kháng án. Sau khi ra tù ít ngày, hắn đến nhờ tôi viết cho người yêu hắn một lá thư báo tin hắn đã hết hạn tù và xin được cưới cô ta làm vợ. Hắn tâm sự với tôi là thời gian ở trong tù, mấy bạn tù khen hắn là can đảm và công bằng. Nếu trước tòa, hắn nhận tội chống người thi hành công vụ thì người cán bộ đó sẽ trở thành thương binh, trong khi vết thương do hắn gây ra không đáng là bao. Hoàng huyênh hoang tuyên bố mình là thằng đã từng vào tù, ra tội làm cho mấy thằng thợ rừng có máu mặt phải kiêng nể. Những tay buôn gỗ giàu có cũng biết sợ Hoàng. Hắn đảm nhận việc bốc gỗ lên xe cho các chủ gỗ. Thằng Khang cũng được Hoàng thu nhận vào đám bốc gỗ của hắn. Chủ gỗ trả cho Hoàng bao nhiêu tiền một xe gỗ khi đã bốc lên thì không ai biết, người ta chỉ biết nhận tiền công từ Hoàng trà mà thôi. Kiếm được tiền kha khá, Hoàng cưới vợ, mua xe tải để chở gỗ thuê, sắm dàn Karao ké để mỗi tối cho đám bốc vác hát thoải mái, khỏi trả tiền. Thằng Khang trước đây mang tiếng dữ dằn vậy mà cũng lép vế trước Hoàng. Theo tôi biết máu lạnh của thằng Khang không thua gì Hoàng nhưng chỉ có điều là Hoàng khôn ngoan hơn.
      Cái số thằng Khang đã nghèo thì đành chịu nhưng không hiểu sao nó lại lây lan cái nghèo cho người khác mới đáng buồn chứ ?.  Trong một cuộc nhậu, đang dở chừng thì Hoàng sai Khang đi mua thêm rượu, thêm mồi. Khang tính đi bộ nhưng Hoàng bảo cứ lấy xe máy của Hoàng mà đi cho nhanh. Một lúc sau đám nhậu tan rã do có người chạy đến báo tin là Khang đã gây tai nạn cho người đi đường. Nạn nhân là một thằng bé và vết thương cũng khá nặng. Ác thay, thằng nhỏ là con của một “ lâm tặc” bữa đó, bữa no ở trong xóm. Người ta đưa thằng bé về bệnh viện huyện, rồi chuyển lên bệnh viện tận trên Sài Gòn. Ba thằng nhỏ phải đi vay tiền của những đầu nậu gỗ để có tiền đưa con đi bệnh viện và cam đoan sẽ trả bằng gỗ khai thác trong rừng. Công an bắt thằng Khang trong ngày hôm đó, ngay trong lúc hắn còn nồng nặc mùi rượu.
    Công an bắt Khang cũng là điều may mắn cho hắn. Ai cũng biết thằng Khang chỉ có “trên răng dưới rứa” thì biết lấy cái gì mà bồi thường cho người ta. Nếu hắn còn ở ngoài chắc cũng khó sống với bà con thằng nhỏ mà hắn gây tai nạn. Điều may mắn cho Khang là thằng nhỏ không chết.
    Thằng Khang đang ở trong tù thì nghe cán bộ trại giam thông báo là hắn được lệnh tha. Được ra tù mà hắn lại không muốn ra. Hắn xin ở lại trong tù cho yên thân. Anh công an nói với hắn là cứ yên tâm, do gia đình thằng bé đã làm đơn xin bãi nại cho hắn rồi. Chân hắn bước không muốn nổi để ra khỏi trại giam khi hắn nghe anh công an nói là có một người đàn ông bị mù trả toàn bộ tiền bồi thường cho gia đình thằng nhỏ mà nó gây tai nạn. Ra khỏi cổng trại giam thằng Khang gào lên thật to: “ Ba ơi”
     Đến nay nhà nước đã xây cầu qua bốn con suối ở trên đường đến xóm “Lâm Tặc”. Tôi đã ra trường và làm ở một cơ quan của huyện. Thằng Khang về ở với cha của Mơ. Hoàng bị kết án ba năm tù vì tội phá rừng. Hôm tôi đến thăm Hoàng trong trại giam, Hoàng nói đi, nói lại với tôi một câu nói đã trở thành lời nguyền: “ Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”./.                                                                                            

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

CHỚM NỤ TÌNH ĐẦU


         La Thụy năm 1973

      CHỚM NỤ TÌNH ĐẦU

      Em có biết rằng anh đã yêu
      Nhìn em anh đã vấn vương nhiều
      Tơ lòng sao cứ ngân vang mãi
      Thổn thức reo lên tiếng hắt hiu

      Cũng muốn cùng em tỏ nỗi niềm
      Trao bao tơ tưởng trút tình điên
      Nhưng lòng e ấp ươm tình mãi
      Đành dấu trong tim một bóng hình

      Nếu được ngày kia em biết cho
      Mối tình câm nín - Mối tình thơ
      Xin đừng cô phụ tình anh nhé
      Đừng để hồn anh phải dại khờ

      Thôi thế chúng mình sắp cách xa
      Em ơi mắt ướt thấm lệ nhoà
      Bao nhiêu thương tưởng bao sầu nhớ
      Cùng bóng hè sang ám ảnh ta

      Hè đến rồi đây em biết không ?
      Vắng tiếng ve ran, vắng phượng hồng
      Về ta , em nghĩ gì chăng nhỉ !
      Hay chỉ thờ ơ xem như không ? 
            
                                 LA THUỴ                 
                                   (1973)