BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

LƯU BÚT MÙA HẠ - Phan Phụng Thạch

Nguồn:
http://vanthientungqtlh.blogspot.com/2009/09/luu-but-mua-ha-thay-phan-phung-thach.html



********************

Cố giáo sư Trường Trung Học Nguyễn Hoàng - Quảng Trị
Thầy PHAN PHỤNG THẠCH
(1942  - 12/02/1973)
Quê quán: Đạo Đầu - Triệu Trung - Triệu Phong - Quảng Trị

Nơi khung trời Xứ Quảng tập thơ của thầy vừa ra mắt với thầy cô, bằng hữu và học sinh Trường Trung Học Nguyễn Hoàng tại khu nhà vòm trại 5 Non Nước và Hòa Khánh Đà Nẵng. Với những ý thơ như trút hết nỗi lòng và lời nhắn nhủ cuối cùng của thầy. Cũng tại nơi đây Thầy vĩnh viễn ra đi không một lời từ biệt. Lời thơ vẫn còn lắng đọng trong tâm khảm bằng hữu và học trò xưa qua tập thơ màu hồng, xanh và tím Thầy đã tặng ngày xưa đó:

Hân hạnh giới thiệu tập thơ:

LƯU BÚT MÙA HẠ

"Lưu bút mùa Hạ" Hạnh Nhơn xuất bản


LƯU BÚT MÙA HẠ
 
Khi nắng hạ trở về trong mắt biếc
Các em rồi trăm đứa sẽ trăm phương
Ta đứng đó giữa muôn ngàn cách biệt
Mắt rưng buồn và hồn cũng mù sương.
 
Trang lưu bút gói cho trong kỷ niệm
Gom chút tình ngày tháng đã trôi qua
Rồi mai mốt nơi chân trời gốc biển
Làm hành trang cho những cuộc chia xa
 
Từng buổi học sân trường loang nắng đổ
Các em ngồi trong ý nghĩ chia ly
Trời ngày mai nắng vàng hay bão tố?
Khi đàn chim sắp rồi tổ bay đi.
 
Rồi một mai khi mùa thu trở lại
Các em còn về với tuổi thơ hồng?
Hay cuộc chiến đưa các em đi mãi?
Và trường đời sẽ lắm núi nhiều sông!


NẮNG HẠ TÌNH PHAI
 
Lòng ta đó như sân trường nắng hạ
Có các em chân nhỏ bước tung tăng
Nếu ngày mai thầy trò người mỗi ngã
Ta chia lòng theo muôn hướng xa xăm.
 
Ta đâu ngỡ thời gian trôi mau quá
Nên ngỡ ngàng khi nghe tiếng ve ca
Hởi các em! Buổi học chiều êm ả
Có bâng khuâng tưởng nhớ một quê nhà ?
 
Ôi ta muốn cúi hôn từng mái tóc
Gởi tấm lòng cho lớp tuổi thơ ngây
Mai ta đi đường xuôi hay lối ngược
Vẫn nhớ hoài hình ảnh buổi hôm nay.
 
Thôi từ giã - một lời cho tất cả
Chín mươi ngày xa cách chẳng là bao
Chỉ e tình sẽ tàn trong nắng hạ
Và khi về sẽ đứng giữa mòn hao.

TRONG NẮNG HẠ BUỒN 
 
Ta về đứng giữa trường xưa
Các em yêu dấu cũng vừa ra đi
Còn trong nắng hạ những gì
Hỡi các em - loài chim đi đầu mùa
 
Ta về hồn bỗng già nua
Tìm trên sân cũ tuổi thơ ngọc ngà
Các em giờ đã phương xa
Mơ hồ trong nắng những tà áo bay

 

NĂM THÁNG MÙ SƯƠNG
 
Rồi các em mỗi người đi mỗi ngã
Mang vào đời thêm nhiều nổi cô đơn
Thầy đứng đó từ đầu thu - cuối hạ
Mỏi mắt nhìn sách vở cũ tang thương.
 
Rồi những mùa thu - mùa thu lá rụng
Thầy bâng khuâng trong từng buổi tựu trường
Một ngày kia quê hương ngừng tiếng súng
Còn em nào trở lại tự muôn phương?
 
Hãy tất cả sẽ cùng nhau nằm xuống
Sẽ cùng nhau thành tiếng núi lời sông
Thầy đứng đó nghe tâm hồn biển động
Những buồn thương như sóng cả mênh mông
 
Thầy đứng đó giữa cuộc - đời- góc - cạnh
Nhớ ngày xưa hoa - bướm - lạ- thiên đường
Thương các em chưa đầy lông đầy cánh
Bay vào đời trong năm- tháng mù sương
 
 
THÁNG HẠ
 
Khi trở lại với nổi buồn tháng hạ
Lối xưa giờ hoa phượng nở rưng rưng
Tình nghĩa đó đã phai vàng như lá
Các em còn lưu luyến chút gì không ?
 
Các em còn thương về ngôi trường cũ?
Vườn thiên đàng của tuổi nhỏ vàng son
Thầy đứng đó như một loài cổ thụ
Chút bóng hiền che nắng lũ cây con
 
Buổi học cuối môi cười nhưng mắt khóc
Hồn rơi theo lá phượng rụng sân trường
Các em về với nắng vàng trên tóc
Với ve sầu cất tiếng hát bi thương.
 
Từ hôm đó bay đi muôn vạn ngã
Trời quê hương có mỏi cánh ngàn chim?
Lòng các em có xanh màu lá mạ?
Và lời thầy còn vang dội trong tim?
 
Những âm vang của giờ chơi giờ học
Đã chìm theo cùng tiếng trống tan trường
Nhưng tin yêu thầy gieo giờ đã mọc
Hay cũng tàn theo khói lửa quê hương ?
 
Khi trở lại với nổi buồn tháng hạ
Lối xưa giờ hoa phượng nở rưng rưng
Tình nghĩa đó đã phai vàng như lá
Các em còn lưu luyến chút gì không?

 
SÂN TRƯỜNG NẮNG HẠ
 
Bây giờ mùa thu qua chưa
Hay vẫn con nắng hạ ?
Bây giờ các em đã về hay còn mãi đi xa ?
Sao ta vẫn buồn như lá ?
Xin thời gian xin thời gian đi qua.
 
Ôi ở đâu mùa thu sao bây giờ nắng hạ ?
Sao bây giờ hoa phượng đỏ còn rơi ?
Và sao hồn mênh mông mênh mông biển cả ?
Những vui buồn ngày tháng cũ đang trôi.
 
Ta trở về giữa sân trường vắng lặng
Hồn bơ vơ và chân lạc trong đời
Mới hôm nào các em đùa trong nắng
Sao bây giờ tất cả quá xa xôi !
 
Lòng ta đó như trời thương biển nhớ
Yêu vô cùng những dáng bước chân chim
Những thiên thần, những thiên thần tuổi nhỏ
Là các em, là các em, các em, các em.
 
 
CON ĐƯỜNG ÁO LỤA
 
Ta trở lại con đường xưa áo lụa
Hàng cây cao đứng đợi các em về
Các em không về cây buồn lá úa
Ta cũng buồn đi giữa nắng lê thê.
 
Từ bờ bên ni nhìn qua Thành nội
Phượng đã tàn rụng xuống buổi đầu thu
Làm sao quên những ngày qua bóng tối
Lửa kinh thành ngùn ngụt khói âm u.
 
Những chuyến đò ngang qua về Thừa phủ
còn chở tình bên nớ tới bên tê?
Ta mỗi bước càng thêm dài nổi nhớ
Những chiều mưa sớm nắng các em về.
 
Ta trở lại giữa sân trường Đồng Khánh
Lòng hoang vu như cỏ dại quanh tường
Ơi ! những nấm mồ hương tàn vắng lạnh
Có lời gì muốn nhắn với quê hương ?
 
 
* Bài thơ này đã được nhạc sĩ Cao Hữu Điền phổ nhạc. Mời  click chuột vào đường link phía dưới để nghe bài hát :
 
http://www.art2all.net/nhac/chd/trolaiduongxua_t.mp3


GIÃ TỪ THÁNG HẠ
 
Hôm nay mây trắng trôi nhiều quá
Trời đã vào thu tự bữa nào!
Em có nghe lòng muôn ý hạ
Trên đường đi áo trắng xôn xao.
 
Hãy vẫy tay chào ngày tháng hạ
Trở về trong nắng ấm sân trường
Vì hoa phượng đã tàn theo lá
Trơ lại cành khô đứng nhớ thương.
 
Thôi nhé xin em đừng tiếc nhớ
Âm vang tiếng hát của loài ve
Những hoa bướm ép trong lòng vở
Và cả buồn vui những tháng hè.
 
Ngày mai trở lại ngôi trường cũ
Với nắng vàng rơi trên tóc mây
Trên lối đi hàng dương liễu rủ
Ôi thiên đường của tuổi thơ ngây.
 

SAU CƠN BÃO HẠ
 
Như một đàn chim sau cơn bão hạ
Các em trở về giữa nắng thu xưa
Sân trường cũ áo dài ai trắng quá !
Cỏ cũng mềm lòng theo bước chân đưa.
 
Ta ngủ quên từ lâu trên xác lá
Cũng trở mình lay động mái chèo khua
Tháng ngày trôi như giòng sông nước hạ
Ta soi mình, ôi những nét già nua !
 
Nhưng bỗng thấy qua từng khuôn mặt mới
Bóng hình ta của một thuở mười lăm
Của một thuở lòng ta xuân phơi phới
Chân nô đùa trên lối cỏ tung tăng.
 
Rồi bên nhau các em tìm lẽ sống
Vun xới tin yêu trên đất của lòng
Cây sẽ xanh và đâm chồi hy vọng
Các em cùng ta làm lớn quê hương.
 

LỜI GIÃ TỪ CUỐI NĂM
 
Hình như nắng của một mùa xuân cũ
Lay hồn ta thức dậy giữa tàn đông
Sân trường đó mầm cây đang hé nụ
Sao đời ta mãi mãi vẫn hư không ?
 
Các em vui như một bầy chim sẻ
Trong nắng vàng đang ríu rít đùa bay
Ta bỗng thấy một thoáng buồn rất nhẹ
Thoảng qua hồn như chút gió heo may.
 
Ta không ngỡ ta đã già quá đổi
Lòng dửng dưng khi thấy nắng xuân về
Các em gửi lời cầu chúc năm mới
Hay chia buồn ta ngày tháng lê thê ?
 
Các em còn trái tim hồng tuổi nhỏ
Tấm lòng xanh thơm ngát lúa ban mai
Chiều cuối năm ta đứng nhìn trong gió
Các em về như những giọt sương phai
 
Ở đâu mùa xuân các em sẽ đến ?
Ta còn đây đời sống vẫn mùa đông
Lòng các em có chút gì lưu luyến ?
Sao hồn ta sương khói bỗng mênh mông.
 
 
BÀI THƠ LÀM KHI SAY RƯỢU
 
(Gởi Lê Lợi, Trần Văn Lữ và Hà Mẫn Luyện
để nhớ buổi tối uống rượu ở trại 5 Non Nước Đà Nẵng.)

Buổi tối tiêu sầu - chai rượu đắng
Tri âm này hãy uống cho say
Lỡ mai có chết - không ân hận
Vì đã ngồi chung một chiếu này
 
Thằng bạn chưa già nhưng tóc bạc
Bụng đầy Kinh Lễ với Kinh Thư
Chuyện đời hư ảo xin mày gác
Không lẽ mày là Ngũ Tử Tư?
 
Hay mày muốn làm một Nhan Hồi
Thôi ! Hãy vì nhau uống mềm môi
Đã biết đời người cơn gió thoảng
Thì mau, kẻo rượu sẽ bay hơi.
 
Bên ta có cả người Lê Lợi
Hình như chưa biết một lần say
Đêm nay cũng thấy lòng như mới
Cất tiếng cười vang giọng ngất ngây
 
Còn nữa, thằng kia sao mầy khóc?
Nhớ em hay buồn nghĩa thầy trò?
Nếu đã chọn lầm nghề dạy học
Hãy xem tình ấy cũng như tro.
 
Xem ta hơn nửa đời lưu lạc
Bắt chước Tú Xương với Tản Đà
Ta cũng có người yêu bội bạc
Mà có bao giờ ta nói ra?
 
Còn nốt chút này xin cạn hết
Say mèm sẽ ngủ suốt đêm nay
Uống đi! nếu lỡ mai ta chết
Thì cứ coi là chiếc lá bay
 
              Phan Phụng Thạch

 
NHỚ THẦY XƯA
KHI NGHE BẠN CŨ TÂM TÌNH
 
(Tưởng nhớ thầy tôi – Cố GS.THI SĨ PHAN PHỤNG THẠCH)
Quí tặng Lan Lan  & đồng môn Nguyễn Hoàng của tôi
 
Đã có bao giờ ta quen thân chựa nhỉ!
Câu hỏi nhâp vào tôi khị nghe bạn tâm tình
Thầy cũ trường xưa ban bè biền biêt..
Ta nằm nghe ta lạc bầy kêu sương.!...
Nhắc chi em những tháng ngày lưu lạc
Thầy trò ôm đàn ngồi hát dưới mưa
Trường sơ tán hàng phượng hồng ở lại
Ta lấy mái vòm tiền chế thay trăng
 Chiều phi đạo em tan trường áo  ngắn
Áo dài xưa em đâu  kịp mang theo!
 Em ngồi học trên chiêc thùng đạn Mỹ
Nghe thầy cô giảng bài trong tiếng máy bay qua!
 Nhắc lại chi em buổi nghe thầy đọc thơ
 Thầy mới  khóc trong thơ
 đứa học trò đã rơi nước mắt
 Thầy “ cạn chén
 rồi cười vang” (*)
 
Học trò chưa hiêu hết
Để hôm nay lòng  “đắng” ký ức buồn
 Để chiều nay một mình nơi đất khách
Anh khóc thương thầy,
Thương  “chiếc lá bay”
Thôi em ạ!  “Đời người Cơn gió thoảng”
Hãy như thầy xưa cứ “thầy lòng như mới”
“Cất tiếng cười vang giọng ngất ngây”
Em biết thầy  “cũng có người yêu  bội  bạc
Mà có bao giờ thầy… nói ra đâu!..”
Như chưa một lần thầy “chọn lầm nghề dạy học”
Em biết khi uống dòng lệ nóng buồn
Trong những đôi mắt của bạn bè em…
Đã có bao giờ ta quen thân chưa nhí!
Mà lờì tâm tình em ta như đã quen lung
Và bạn nữa, “còn nốt chút nầy xin cạn hết “
"lỡ mai ta chết 
coi là chiếc lá bay !..."
 
LÊ THIÊN MINH KHOA
Vũng Tàu - 05.4. 2012.
 
Chiều buồn đọc lại thơ thầy: “Bài thơ làm khi uống rượu “
(Cố Thi Sĩ Phan Phụng Thạch)



TA TRỞ LẠI CON ĐƯỜNG XƯA ÁO LỤA

 

Thơ: Phan Phụng Thạch

Nhạc: Cao Hữu Điền

Ca sĩ: Trần Quang Lộc

 

 

Ta trở lại con đường xưa áo lụa       

Hàng cây cao đứng đợi các em về    

Các em chưa về cây già bóng xế     

Ta cũng buồn đi giữa nắng lê thê                  

 

Những chuyến đò ngang qua về Thừa Phủ

Còn chở tình bên nớ tới bên ni       

Ta mỗi bước càng thêm dài nỗi nhớ            

Những chiều mưa sớm nắng các em về

 

Từ bờ bên ni nhìn qua Thành Nội             

Phượng đã tàn rụng xuống buổi đầu thu           

Làm sao quên những ngày qua bóng tối     

Lửa kinh thành ngùn ngụt khói âm u

 

Ta trở lại giữa sân trường ngày cũ

Lòng hoang vu nhớ cỏ dại ven đường

Ôi những con đường cây già lá úa

Có điều chi muốn nói với quê hương

 

                            Phan Phụng Thạch



        

*
Mùa Hạ 2006,
 
Những ngày mùa Hạ, trời khi nóng khi thì âm u, những sáng mai ngồi uống cà phê bên bờ dòng sông tuổi thơ, những buổi chiều được người ta chở về phía biển tắm nước khóang nóng Mỹ An, xong về ngồi nhìn biển xanh như người tình , nhai đậu phụng luộc, không biết sao lòng bỗng nhớ ! mà không rõ là nhớ gì!
 
Tối qua ngồi trên sân thượng nhà Phước Nhã cùng với Ái Anh, nhậu xúp măng cua và bê thui chấm mắm nêm, cũng lại nhớ, lần này thì biet nhớ cái gì ! Chẳng qua là từ trên cao nhìn xuống, thấy thành quách lâu đài trong bóng tịch dương mới nhớ đến Nhà Thơ Phan Phụng Thạch, và nhớ đến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Nhớ là một hiện tượng cho biết Mùa Thu đã qua rồi đó Em, phải không nhạc sĩ hoangngocduc !
 
Năm 1972, vào mùa Thu, từ SàiGòn tôi có về Đà nẵng, thăm mái trường xưa, thăm các bạn đồng nghiệp của trường Nguyễn Hòang cũ. Gặp Phan Phụng Thạch ở một căn nhà về phía biển Thanh Bình. Thạch tặng một tập thơ có đánh dấu 4 bài, bảo tôi phổ thành bài hát. Vào lại Sài Gòn, tôi phổ bài Ta trở lại con đường xưa áo lụa.
 
Cuối năm đó về Đà Nẵng gặp Phan Văn Cẩn mới hay Phan Phụng Thạch đã qua đời! Thầy Phan văn Cẩn mới tổ chức họp mặt giáo sư và học sinh Nguyễn Hoàng để nghe Thầy Điền hát, chủ yếu là hát bài Ta trở lại... để tưởng niệm Phan Phụng Thạch! Thầy Phan văn Cẩn ơi ! hôm nay bên kia bờ sinh tử, thầy nhớ mở ADSL, trang bị âm thanh tốt để mời Phan Phụng Thạch nghe bài hát "Ta trở lại con đường xưa áo lụa" . Bên này bờ sinh tử, tôi không biết anh Phan văn Hồng, em của Phan Phụng Thạch bây giờ đi đâu, về đâu? Ôi những người con trai, con gái của Một Thời Tao Lọan.
 
Xin mời các bạn nghe "Ta trở lại con đường xưa áo lụa" để cùng Phan Phụng Thạch, Phan văn Cẩn... tưởng nhớ một thời đã qua !!!!! qua tiếng hát Trần Quang Lộc.


                                                                                         Thân ái
                                                                                        caohuudien
 

trang cao hữu điền

chân trần

art2all.net

      

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

NGƯỜI BẠN CŨ


                       Truyện ngắn của Nguyễn Khắc PhướcPhóng tác theo chuyện QT kể.
                       Quý tặng đồng môn Nguyễn Hoàng nhân ngày hội trường 6/2912.
                                  
                                     

      Nếu không có buổi họp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường thì tôi đã không có dịp gặp lại Khoa, người bạn cùng lớp, sau 40 năm cách mặt.
       Khoa ngồi cùng bàn với tôi từ những năm đệ nhất cấp sang đệ nhị cấp, sau đó, khi rời Hội An ra Huế, mỗi thằng học mỗi trường, nó học luật, tôi học sư phạm, ở cư xá khác nhau,  phần tôi túi bụi lo chuyện học hành vì sợ quân dịch nên thỉnh thoảng mới gặp nhau ở quán cà phê đường Trương Định, chỗ sinh viên thường hay lui tới.
       Khi tôi đến dự buổi họp thì không biết Khoa đang có mặt ở đó. Nó ngồi đối diện với tôi nhưng tôi không nhận ra. Chỉ khi anh đại diện ban liên lạc giới thiệu, chúng tôi mới ồ lên ngạc nhiên rồi tay bắt, mặt mừng. Sau buổi họp, tôi mời Khoa ra quán nước để hai người tâm sự cho thỏa.
      Hồi trung học, nó không những là bạn thân của tôi mà nó còn léng phéng tán tỉnh Thúy- cô em gái của tôi - nên thường la cà đến nhà tôi, giả bộ trao đổi chuyện học hành với tôi, nhưng thực ra chỉ để gặp Thúy và tặng thơ tình mà nó hầu như luôn để sẵn trong túi, kể cả khi ở lớp. Thúy thường cho tôi đọc thơ của nó, nhưng vì tế nhị, tôi không bao giờ kể gì với Khoa, với lại, tôi cho đó là việc của trẻ con, không cần quan tâm. Tuy nhiên, tôi không phải là thằng tốt đẹp gì nên  thường tỏ ra có quyền hành với nó, và ngược lại, nó cũng luôn tử tế với tôi.
       Mấy năm ở đại học, vì quá bận học hành nên tôi không biết hai đứa nó có còn liên lạc với nhau không. Nếu hai đứa nó đến được với nhau thì tôi cũng mừng vì Khoa có đến hai giấy hoản dịch, một vì lý do gia cảnh vì nó là con trai độc nhất, một vì lý do học tập. Tôi mà rớt thì phải ra chiến trường, còn nó rớt thì chẳng hề hấn gì, vẫn tiếp tục học thoải mái. Thế nhưng khi tôi sắp hết năm thứ hai thì Thúy buồn bả bỏ ăn mấy ngày, hỏi ra thì Khoa đã bỏ lên rừng theo Mặt trận, chỉ để lại cho Thúy ít dòng. Chuyện sinh viên bỏ lên rừng theo cách mạng là chuyên thường, không làm ai ngạc nhiên. Riêng Khoa, chẳng bao giờ nghe nó nói chuyện chính trị, chỉ biết làm thơ tình, với lại, nó cũng chẳng hoạt động gì nổi trội như viết báo hay tham gia trong ban đại diện sinh viên, và ba nó, vì một chân có tật, phải đi khập khiểng, nên bên nào cũng chê, do đó,  sự ra đi của Khoa làm tôi ngạc nhiên. May mà tôi không phải đi lính, nếu ngược lại, e rằng có lúc hai thằng chúng tôi sẽ bắn vào nhau trên chiến trường.
       Mọi chuyện đều đi vào quên lảng trong cái vòng xoáy của thời cuộc đổi thay nhanh chóng. Chiến tranh thì lo không biết còn hay mất, hòa bình thì lo miếng cơm manh áo, nên trong suốt mấy chục năm, thú thật,  tôi quên phéng nó. Quên cũng là may cho nó bởi nó đã khiến em gái tôi phải sầu muộn một thời gian dài. Chỉ một hai năm gần đây, nhờ công nghệ thông tin nên các bạn cùng lớp lập một danh sách gởi về cho tôi, trong đó, tên Lê Chí Khoa kèm ghi chú: "Nghe nói ở miền Nam, không rõ địa chỉ."
        Bây giờ, thằng Khoa bằng xương bằng thịt với mái tóc muối tiêu dài kiểu nghệ sĩ đang ngồi trước mặt tôi bên bờ sông Hoài và kể về phần đời của nó mà tôi không hề biết tới.
        Khoa kể khi tổ chức đưa nó lên chiến khu (à, thì ra nó thuộc một tổ chức cơ sở hoạt động bí mật ở nội thành mà tôi không hay). Sau một trận đánh nó bị thương nhẹ, được đưa ra Hà Nội chữa bệnh và học tiếp, không phải luật mà là văn. Sau ngày giải phóng, tổ chức phân công Khoa về miền Tây, giữ chức phó ty thông tin. Trước khi đi, Khoa có về thăm nhà và thấy cha mẹ nó đang nuôi một bé trai lai, môi dày, da ngăm, nên nó khá bực tức. Bao năm đi đánh Mỹ bây giờ về nhà lại thấy trong nhà mình có thằng con của Mỹ, thật là trớ trêu. Nó thấy thằng bé cũng dễ thương nhưng lại sợ ảnh hưởng đến lý lịch trơn tru không dính dáng một chút gì đến chế độ cũ của mình, lại thuộc vào thành phần cơ bản, được chiếu cố. Khoa khuyên cha mẹ nên gởi thằng bé lại cho cô nhi viện, nơi cha mẹ nó tản cư đến ở, nhưng lúc đó. một vì phần cô nhi viện nơi nuôi thằng bé đã giải tán, một phần vì cha mẹ nó nhất quyết không chịu, nói: Bao năm ba mẹ không biết con sống chết thế nào, nên cố xin thằng bé về nuôi để sau này nhờ cậy nó, bây giờ để người khác nuôi, sao đành. Với lại, những người phụ trách cô nhi viện đã tin tưởng gởi gắm và mình lại chịu ơn họ nên không thể phụ lòng. Mình đưa nó về nhà mình chớ nó đâu có tự đến. Mình không nuôi nó thì có người khác xin ngay. Hơn nữa, nó khỏe mạnh cùi cụi, dễ bảo, sai đâu chạy đó. học hành thông minh.
         Khoa đành khăn gói lên đường làm nhiệm vụ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình nếu chuyện này lộ ra.
         Chừng hơn mười năm sau, Khoa được tin Minh - thằng em nuôi của Khoa - được xuất cảnh theo diện con lai, và vài năm sau thì cha mẹ Khoa được xuất cảnh theo diện gia đình có con lai. sang sinh sống với Minh ở nước ngoài. Hôm cha mẹ Khoa vào Sài Gòn ở nhà người bà con để chuẩn bị lên máy bay, vợ chồng Khoa và hai con có đến thăm để tiển đưa. Đó là lần Khoa gặp cha mẹ sau cùng và đó là lần cuối. Chừng hai năm sau khi cha mẹ Khoa ổn định chỗ ở, vợ chồng Khoa và hai con được bảo lãnh xuất ngoại. Khoa quyết đinh để vợ và hai con đi, còn Khoa ở lại một mình, nói lúc nào có điều kiện sẽ sang. Lý do mà Khoa không muốn đi là do trước đây Khoa đã lỡ khuyên cha mẹ đuổi Minh, mặc dù Minh không hề biết, nhưng tư cách sĩ khí đâu mà nay lại chịu để Minh giúp đỡ? Điều cha mẹ Khoa mong mỏi trước đây bây giờ trở thành hiện thực và Minh đúng là một người con có hiếu. "Nó là một thằng con nuôi lai nhưng tốt hơn nhiều thằng con ruột không lai, trong đó có tao," Khoa nói.
        Hai lần Khoa cần phải đi nhưng đi không được vì đều đang đi công tác nước ngoài, đó là lúc cha  nó mất đột ngột, rồi không lâu sau, mẹ nó cũng mất đột ngột vì đột quỵ. Rồi vì chờ quá lâu,vợ Khoa làm đơn ly dị và đã lấy chồng khác. Khoa không nói nhiều về chuyện vợ nó ly dị, có lẻ bởi đó là chuyện khó tránh của nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự và tôi cũng tế nhị không hỏi gì thêm.
         "Mấy năm làm việc bân rộn nên không biết buồn, nay về hưu, cảm thấy trống trải quá. Chợt nhớ quê hương, bà con, bạn bè nên bò về thăm," Khoa nói.
         "Tại sao mầy không sang sống với hai con cho sướng?" tôi hỏi.
         "Sướng cái con khỉ chùa cầu thì có! Mầy nghĩ mình không thạo tiếng người ta thì chỉ có mà ngồi nhà xem ti vi suốt ngày. Thì cũng được đi, nhưng oái oăm là thằng rể và con dâu tao đều là người bản xứ, cha chúng nó đều đã tham chiến tại Việt Nam và đều đã chết trận, ai cấm chúng nó nghĩ có thể bố vợ và bố chồng chúng nó đã từng bắn nhau  với cha chúng?" 
         "Người ta đang kêu gọi bỏ qua quá khứ,  cùng nhau hợp tác, hướng đến tương lai, còn mấy cứ ôm khư khư dỉ vảng nặng nề đó   làm gì. Giả dụ như mày có đánh nhau với cha chúng nó cũng là chuyện thường tình của chiến tranh," tôi nói.
         "Biết vậy nhưng đó là chuyện quốc gia, còn riêng mình vẫn cảm thấy khó ở. Trong trường hợp của tao, vì cùng là thành viên của một gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà nên cái tâm của mình không thể thoải mái được," Khoa nói.
         "Nghĩa là bây giờ mày sống tự do một mình bằng lương hưu, lâu lâu có các con tài trợ, phải không? Thỉnh thoảng giao du với em út? Vậy thì có tiên mới sướng hơn mầy, còn đòi gì nữa? "
         "Nhưng vẫn thường trực cô đơn và không biết làm gì cho hết thì giờ," Khoa nói,
         Khoa chuyển đề tài: "Cho tao gởi lời xin lỗi Thúy và cả mầy nữa, dù muộn."
         "Mầy có lỗi gì đâu. Bỏ một người để lo cho triệu người là chuyện chính đáng," tôi nói.
          "Mầy lên lớp chính trị thì thua tao dù mầy là giáo viên dạy văn. Bây giờ Thúy ra sao, đang ở đâu, gia đình thế nào?" Khoa nói.
          "Nó đang ở với con gái trên Đà Lạt. Chồng nó mất lâu rồi."
          "Tôi nghiệp Thúy! Thôi được, mầy cho tao địa chỉ của Thúy. Sau ngày hội trường, tao sẽ đi Đà Lạt."
                                                                                                                   
                                                                                                 Nguyễn Khắc Phước
                                                                                                           18/4/2012