BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

TÌNH HUẾ, TRONG HÀNH TRÌNH THƠ TRẦN THƯƠNG BÁ – Đỗ Tư Nhơn


Nhà giáo - nhà thơ Trần Thương Bá
(1940- 2002)
 
I. Lời trao gởi tin yêu.
 
Nhà thơ Trần Thương Bá quê ở Huế, đã có thời gian dạy Việt văn tại trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị (1964-1969). Anh đã để lại những tình cảm sâu đậm và thân quí trong lòng học trò thuở ấy. Thời gian chập chùng, cuộc đời dâu bể, kiếp người nổi trôi…
 
Sau 1975, tôi được tin anh đang ở Sài Gòn nhưng chưa có cơ duyên gặp gỡ. Bỗng một hôm vào tháng tư 2002 tôi nhận được bưu phẩm cùng dòng thư ngắn gọn nhưng đầy tin yêu của anh: “Bấy lâu nay liên lạc với Đỗ Tư Nghĩa tôi vẫn thường có tin về anh chị. Chưa quen nhưng tôi nghe tiếng anh từ lâu vẫn mong có ngày gặp nhau chuyện trò thỏa thích. Tự nhiên tôi thấy thân với  anh như đã từng thân thiết và thương mến Nghĩa. Nghe anh Bảo nói đi Quảng Trị về. Có tin anh và cả địa chỉ. Tôi xin gởi biếu anh mấy quyển sách anh chị đọc cho vui .Vài dòng vắn tắt thăm anh chị trước đã. Sau có thư dài hơn. Thân ái. Trần Thương Bá”
 
Rất đỗi xúc động trước tấm lòng và tin yêu của anh, tôi đã hồi âm cám ơn anh và ghi những cảm nhận ban đầu về thơ anh. Nhưng hỡi ơi! Lỡ hẹn cuộc tao phùng tri ngộ, anh đã sớm về cõi vĩnh hằng như lời nguyện ước cùng người vợ yêu dấu lúc chị giã từ cõi tạm mười một năm trước, anh đã viết trong bài thơ LỜI NGUYỀN:
 
“Thôi chẳng còn bao lâu, Ta với em làm một. Nâng niu bình tro cốt, Em đã bỏ ta đâu?”
 
Tính đến nay, 2010 anh Trần Thương Bá đã đi xa đồng nghiệp và học trò đúng tám năm. Thế nhưng những bài thơ của anh, các bài viết về anh vẫn hiện diện trên HƯƠNG QUÊ NHÀ, Trường NGUYỄN HOÀNG - Chân dung và kỷ niệm ra đều đặn mỗi mùa Xuân, mỗi mùa Thu là hai mùa gợi nhiều cảm hưng sáng tác cho nhà thơ. Thế thôi, người đi xa đã xa, cuộc hẹn không thành, nhưng tôi đón nhận lòng tin yêu chân tình cùng ba tập thơ anh gởi tặng, lẽ nào không tỏ bày đôi niềm giao cảm với anh. Xin thắp nén hương tưởng nhớ trong ngày Xuân này. Cùng đọc lại tập thơ đầu tiên của TTB, tập thơ TÌNH HUỂ, do nhà xuất bản TRẺ ấn hành vào năm 1995.
 
II.Tình Huế trong hành trình thơ Trần Thương Bá
 
Gần nửa thế kỷ làm thơ, TTB đã để lại những tập thơ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp:
-Tình Huế 1995. NXB Trẻ.
-La Poesie candide. 1996. NXB Trẻ
-Vô Ngôn Kinh. 1996 và một số tập thơ bằng tiếng Pháp chưa xuất bản, thơ phổ nhạc, thơ đăng trên báo Le Courrier du VN, Bulletin de Liaison du CREFAP.
 
Tình Huế  là tập thơ đầu của Trần Thương Bá được sáng tác từ 1959-1993, có 46 bài mang âm hưởng trữ tình Thơ Mới. Về thể loại, anh thích dùng lục bát (20bài), thơ 7 chữ (15bài), thơ 5 chữ (10 bài), thơ 8 chữ (1bài). Cả tập Tình  Huế chia ra 2 phần: Phần một có tựa đề là: Tình Huế (59-69) gồm những bài được làm với cảm hứng về quê nhà, kỷ niệm, tình yêu trong thời gian anh dạy trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị.
 
Phần hai là: Xin cho quên lãng (90-93) là tiếng khóc và khúc kinh cầu hồn người vợ yêu dấu.
 
1) Tình Huế trước tiên là tiếng tơ lòng của nhà thơ rung lên từ cảnh vật thiên nhiên, xóm làng quê hương của miền đất Thừa Thiên - Huế. Cái hồn quê bàng bạc trong từng câu thơ khi bước chân chàng phiêu lãng đó đây. Vì thế Trần Thương Bá tha thiết gọi tên từ những bến bờ cồn đập cầu cống như để vơi đi nỗi nhớ thương chất ngất:
 
- “Nhiều khi nhớ mà không người để nhắn/ Một lời thôi, qua đó bến Bao Vinh”.
 - Gió bao la, sóng vỗ ngã ba Sình/ Qua cồn Hến, ngược đò lên Đập Đá”.
                                                                          (Nhà tôi)
 
Chúng ta đọc được cả dư địa chí vùng đất thần kinh từ Dương Nỗ, chợ Dinh, chợ Nọ… đến đò Thừa Phủ, cầu Bạch Hổ, hồ Tịnh Tâm. . .
 
Không gian thơ Trần Thương Bá được gợi lại qua hồi ức về chốn cũ, một bờ giếng rêu xanh, một mái nhà:
 
- “Bờ giếng rêu xanh ở cuối làng
Người về còn tiếng dậy xôn xang”
                              (Về chốn xưa)
 
- “Nhà tôi đó núp sau vùng cây lá /Đủ rêu phong cho cả một đời người.”
                                                                        (Nhà tôi)
 
Một điều đáng ghi nhận nữa là tình Trần Thương Bá vừa trải rộng vừa lắng sâu ôm chặt trong từng bài thơ. Chàng thân thiết ghi lời đề tặng từng người đồng cảm tri âm sau mỗi bài thơ như muốn cùng sẻ chia hương vị cuộc sống, đánh dấu một kỷ niệm buồn vui, hay tâm trạng cô đơn. Có 20 bài trong 27 bài gởi về mỗi đối tượng yêu thương, khi thì tặng các em gái Thu Tâm, Như Mỹ, lúc thì những cô bạn nữ xinh đẹp một thời, kế đến là học trò trường Nguyễn Hoàng – Quảng Trị, các soeurs dòng Kim Đôi...
 
Trong giọng điệu lục bát du dương, anh thổi vào đó chút phiêu bồng, nức nở, nhớ nhung của tuổi xuân thì để tặng em gái Thu Tâm, Như Mỹ, luôn hiểu cảnh ngộ và nội tâm người anh trai:
 
- “Chợt thương từ buổi chia xa/ Chợt nghe nức nở người ra cõi ngoài. Em về xếp áo phôi phai, Chân không giẫm đất cho chai tháng ngày. Xuân nào đậu cánh hoa mai,Tóc em để rối cho dài mùa đông.
                                                                         (Tóc em để rối)
 
Cảm động nhất là lúc cả nhà chịu tang người mẹ kính yêu, những em gái anh khóc than không dứt thì Trần Thương Bá lặng lẽ ra gốc khế mẹ đã trồng ở vườn sau để nước mắt lặn vào bên trong, anh nói với chiều, với cây, với hoa khế tím rụng trên mặt đất:
 
 - “Chiều ơi chiều vẫn bên sông, Cây ơi, cây vẫn cúi trông bóng mình.Vườn sau hoa khế rung rinh, Tím rơi mặt đất lung linh giọt sầu”
                                                   (Cúi trông bóng mình)
 
Trong giấc mơ của anh, mẹ về cùng các con mỗi đêm đông lạnh như để ấp ủ từng đứa con côi cút.
 
- “Kể từ mẹ thoát cõi không, Bước chân êm cứ đêm đông trở về.”
                                                     (Cúi trông bóng mình)
 
Bài thơ KHÔNG ĐỀ viết tặng cô Nhụ Hương và anh Lê -Đ-Hải đã ghi lại vẻ đẹp tâm hồn về những giăng mắc vấn vương thời áo trắng giữa hai bờ tương tư Đồng Khánh - Quốc Học:
 
- “Chao ơi, bến đợi sông chờ, Thu đi áo tím hững hờ giòng Hương. Chàng về khép một trời thương, Áo xanh chàng khoác ra đường đón ai”
 
Những tháng ngày thơ mộng đó làm sao quên được, bởi cõi thần tiên rất gần gũi trên từng bước chân thư sinh mang hồn tinh khôi: “Cuộc tình đã mấy hôm mai, Thiên đường mút mắt cho dài bước chân”
 
Qua thơ, chúng ta hiểu được thế giới nội tâm Trần Thương Bá vô cùng phong phú, lòng yêu đời hồn hậu, niềm khát khao pha lẫn xót xa vi biết bao nghịch lý ngăn cách.
 
- “Vẫn khung trời ấy khung trời Huế, Vẫn tấm lòng xưa, lòng khát khao.
- Một mai ta về qua vườn cũ, Cúc đã vàng hoa quanh lối đi.”
                                                    (Đong đưa ngày tháng)

- “Môi khô muốn thốt lời vàng đá, Nghe xót xa long nên lại thôi.”
                                                                  (Xót xa lòng)
 
Trong thời gian anh dạy học ở trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị, anh đã làm nhiều bài thơ cho những người học trò thân thiết mến yêu.Thầy Trần Thương Bá đã mượn tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc, Ca dao để gởi gắm nỗi niềm sâu kín của mình .Bài thơ “Chinh phụ và tôi 1”  được sáng tác vào khoảng 1964 -1965 đề tặng các em: Đỗ Tư Nghĩa, Đoàn Đức, Lê Quí Phi  vừa để cảm thông với chinh phụ đồng thời như thổi cả hồn người thầy lãng mạn đa cảm vào thơ...
 
“Xanh kia thăm thẳm từng trên, Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?”
“Tường đông bắc gió heo may, Đã về đem nửa hồn này qua sông.
 
“Lần theo vó ngựa chập chùng, Trong cơn mê tưởng đến vùng Liêu Tây.
“Hoàng anh ra rả đem chầy, Đong thương đếm nhớ cho đầy lầu trai”
 
Đến bài thơ “Chinh phụ và tôi 2” viết tặng cô học trò Lê Thị Vân thì lơi thơ đã thấm thía nỗi buồn chia li của đôi lứa thời binh lửa, nhà thơ đang nói hộ cho ngươi hay tự bộc lộ mình..? Còn bài “ca dao; Trông”, đề tặng Đoàn Đức và Ng. Trinh giọng điệu nhớ thương chất ngất gieo vào tâm hồn trẻ biết bao rung cảm mộng mơ của tuổi mới lớn.
 
“Anh về mau kẻo em mong, Dang tay bức ngọn tơ hồng chia hai.
“Hàng rào em xén hôm mai, Tơ hồng em thả cho dài nhớ thương.
“Con chim sáo hót đầu vườn, Con cu mãi gáy bên tường mãi thôi.”
 
Cuối cùng thầy giáo, nhà thơ Trần Thương Bá đã tự vỗ về mình bằng lời ru dịu dàng thủ thỉ giữa bể dâu của phận người như một liệu pháp tâm lí nhằm cứu chữa căn bệnh tương tư, thất tình:
 
“Chim ơi, mỏi cánh bay về, Ta ơi, hãy ngủ bên lề bể dâu.
“Nhẹ tay hái trái tim sầu, Bước qua cõi mộng, mặc dầu nhớ thương”
                                                                        (Bên lề bể dâu)
 
2) Xin cho quên lãng (1990-1993)
 
Phần này gồm có 19 bài thơ, một ngôi đền với hương trầm tưởng niệm người yêu, người vợ hiền đã đi về cõi khác.
 
Bài thơ mở đầu phần 2 có nhan đề “BÀI ĐẦU CHO NGỌC”, anh viết bằng tiếng Pháp, đề tặng N. T. Ngọc và cô M. Piat nguyên giáo sư ĐH HUẾ năm 1960 -1961, sau đó anh dịch ra Việt ngữ trong thể thất ngôn tứ tuyệt giàu khả năng khơi gợi:
 
“Ngày cuối thu đi đã nửa chiều,
Mây rừng tìm lại bến đìu hiu.
Hồn hoang ta trở về yên ngủ
Trong mắt em buồn mây hắt hiu.”
 
Giờ đây đọc lại bài thơ trên chúng ta nhận thấy hình như anh đã có linh cảm buồn về cuộc tình ngay tự buổi đầu gặp gỡ. Chính trực giác mang tính bi kịch đã tạo ra giọng điệu lặng lẽ, ngôn từ, hình ảnh đều được lựa chọn trong cùng một trương nghĩa, điệp trùng chồng chất...  “cuối thu,  nửa chiều, đìu hiu, hồn hoang, mắt em buồn, mây hắt hiu”. Dường như anh đã dựng lên một thiên đường giữa cõi thế quạnh quẽ gợi lên sự chia lìa mất mát. Những câu thơ Trần Thương Bá tưởng chừng như bị nén chặt nên ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Câu thơ đầu không chỉ là cách tính thời gian bình thường. Mùa thu là qua đi hai phần ba của năm. Cuối thu, ngày cuối thu đi đã nửa chiều. Câu thơ đột nhiên càng tạo nên ám ảnh sự chóng vánh sắp qua sắp mất hút vào hư vô.


Theo lời kể của chị Thu Tâm, em gái gần gũi và sẻ chia với anh thật sâu sắc mối tình giữa anh và chị Ngọc. Họ gặp nhau, yêu mến nơi không gian thơm tho mùi chữ nghĩa nhân văn của ĐH HUẾ. Anh chị đã kết dệt một tình yêu bền bỉ thuỷ chung đằm thắm mươi năm trời dù nhiều khi xa nhau hàng ngàn cây số. Mãi đến khi có sự gợi ý của gia đình anh mới dẫn chị về trong cuộc đời chung. Và nụ hoa hạnh phúc đã nở trong căn vườn tình của anh Bá chị Ngọc, cháu Ngọc Hợp chào đời góp tiếng cười trong trẻo làm nên giai điệu hạnh phúc thương yêu mới mẻ và tinh khôi“Ba trái tim là nhịp đập cả nhà.” Rồi một biến cố đau thương ập đến, tức tưởi, xót xa không thể nào kể xiết, chị đột ngột đi về cõi xa xăm, bỏ lại anh và cô con gái yêu. Với anh đây là lần mất Mẹ thứ hai trong đời. Những câu thơ của Trần Thương Bá từ đây như lửa đốt như uất nghẹn.
 
“Em đi, em đi vội, Mà không kịp trối trăn.
“Lạnh lùng và đêm tối, Hận này đành cắn răng” 
                                                    (Từng cơn mê)
“Ba trái tim là nhịp đập cả nhà, Em mang hết vào cõi trời vô tận”
''Còn lại đây phần đời lận đận, Hai cha con ngơ ngác dắt nhau”
                                                        (Hai trái tim còn lại)

Bài thơ Chiều qua nghĩa trang Bình Hoà anh viết tròn một năm chị mất vẫn chưa chút nguôi ngoai, nghe thê thiết bi ai, hai cõi âm dương như không có ngăn chia, gần lắm, như gặp lại linh hồn đang cùng run rẩy xúc động.
 
“Hồn em lên trên đó, Cứ ngỡ như hôm qua.
“Anh và con đứng ngó, Tay run rẩy cành hoa”
 
“Tim này bao tội lỗi, Thương tích cả cuộc đời.
“Giá băng và đêm tối, Xin giành hết cho tôi”
 
Niềm đau nhức, nỗi oán hận không dứt dày vò trái tim nhà thơ khi nghĩ về sự mất mát lớn lao đó. Anh chỉ còn nguyện cầu mãi mãi đi tìm người vợ yêu giữa cõi mênh mông rộng lớn.
 
“Xin cho trút hết lệ này, Xin cho nuốt hết hận này vào tim”
Xin cho theo dấu chân nàng, Tam thiên thế giới bàng hoàng mông mênh”
                                                                (Nuốt hận vào tim)
 
Cũng có lúc anh đối thoại nhỏ nhẹ, khuyên lơn người quá cố hãy luôn ở gần cha con anh như đã từng vỗ về mỗi khi giận hờn.
 
“Ngoan nhé đừng đi xa, Hãy quanh quất ở nhà.
“Khói hương và lời nguyện, Mỗi ngày một thiết tha”
                                                             (Lời nguyện)
 
Từ đau thương dằng dặc anh đã đi vào suy niệm về biết bao ân huệ mà cuộc đời và tình yêu đã trao tặng anh , không có gì trả được, bài thơ Ơn Em là lời giãi bày như một tổng kết như một tri ân.
 
“Ta ơn đời một nửa, Còn một nửa ơn em.
“Giờ này tim còn lửa, Mà ta đã xa em”
“Em đến làm cơn lốc, Em đi chợt mùa đông.
“Tiễn em ta không khóc, Mà nước mắt lưng tròng”
 
Tình yêu tha thiết sâu sắc có khả năng bất tử hoá hình ảnh người mình yêu, đã thăng hoa cho các bộ môn nghệ thuật, để lại cho thế giới nhưng tác phẩm bất hủ ngợi ca vẻ đẹp tuyêt trần của nhan sắc và tâm hồn phụ nữ. Nhà thơ Trần Thương Bá cũng đi về miền sáng tạo ấy khi tạc tượng vợ hiền yêu dấu giữa thiên nhiên đất trời, như thánh thần cao cả, như nàng tiên diệu vợi
 
-“Áo em mờ ảo màu hoa,
Tóc em bay giữa bao la trời chiều”
                                      (Tiễn em)
 
“Lạy em, em ngủ cho êm,
Lời kinh này tiễn em lên cõi trời”
                          (Tình thiên thu)
 
Nếu chúng ta tin vào luân hồi, chúng ta sẽ cảm thông với nhà thơ Trần Thương Bá và mai sau sẽ gặp lại những ai còn duyên nợ với nhau.
 
-“Em ơi dù có bao giờ...
Nghe cung đàn ấy, xem thơ lời này..
Ngậm ngùi trong cuộc tình này,
Xin em một chút lệ cay muộn màng...”
                                             (Mai sau)
 
- “Anh biết rồi em sẽ trở về”
Nhẹ nhàng tư thế giới bên kia.
Bước êm như lúc em đi ngủ,
Ân ái thì thầm như thuở xưa”
                             (Không đề)
 
Trong hành trình thơ của Trần Thương Bá, TÌNH HUẾ là khúc dạo đầu, đứa con so đầu mang vào thi đàn một điệu ngân một giọng trữ tình dễ xúc động lòng người... Dù mang hình thức lục bát, bảy chữ, năm chữ thơ anh vẫn gieo vào lòng bạn hữu dấu ấn khó quên. Cái hồn của cảnh vật xứ Huế, cái tình người Huế, được chưng cất nhiều ngày tháng xa quê đã kết tinh lại trong nhiều bài thơ làm lay động lòng người. Đặc biệt là những bài thơ khóc thương người vợ dấu yêu ra đi về cõi xa khuất, Trần Thương Bá không như nhà vua Ân Độ Shah Jehan đã xây ngôi đền Taj Mahal bằng đá cẩm thạch trắng để thương tặng tương tiếc hoàng hậu Mumtaz Mahal tuyệt trần nhưng bạc mệnh. Ở đây Trần Thương Bá dựng tượng đài thơ bằng trái tim rướm máu của mình. Và cuối cùng đoạn kết cuộc tình đã đến, bao lời nguyện ước chung đôi thành tựu. Xin có lời chúc linh hồn anh chị ở cõi vĩnh hằng đoàn tụ trong tam thiên đại thiên thế giới.
 
Trong bài sau, chúng ta đi tiếp Hành trình thơ Trần Thương Bá, sẽ thưởng thức nhưng vần thơ mang khuynh hướng thi ca đượm màu sắc triết lí Tây và Đông phương qua hai đỉnh cao là:
La poesie candide. 1996. Nxb Trẻ
Vô ngôn kinh. 1996
 
                                                                      ĐỖ TƯ NHƠN

Không có nhận xét nào: