BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

BÓNG THIÊN ĐƯỜNG CUỐI TRỜI THÊNH THANG

     Cháu Đoàn Minh Tuấn - thứ nam của vợ chồng chúng tôi, bất ngờ vĩnh biệt cõi thế sau tai nạn giao thông đầy thương tâm. Gia đình chúng tôi quá đỗi bàng hoàng sững sốt và vô cùng đau xót khi cáo phó cho thân bằng quyến hữu, đồng nghiệp, đồng môn, cộng đồng giáo xứ, thi văn hữu xa gần... 
      Cháu Tuấn đột ngột ly trần để lại niềm đau cùng nỗi thương nhớ dâng đầy cho gia đình chúng tôi: Cha mẹ phải bàng hoàng đứt ruột khi lìa xa người con trai yêu dấu đang còn phơi phới tuổi thanh xuân. “Lá xanh rụng xuống, lá vàng trên cây”, ai oán  làm sao! 
      Anh em ruột thịt, người chị dâu… trong phút chốc bất ngờ, phải nghìn thu vĩnh biệt người anh, người em trai dễ tính, tốt bụng, sống chan hoà cùng mọi người. Cu Bin - cháu trai đang còn tuổi măng sữa cứ bập bẹ nhắc tên người chú ruột yêu dấu thường bồng bế vỗ về chăm sóc cháu.
      Bà con thân tộc xót xa nhỏ lệ thương tưởng người cháu, người anh, người em,… biết sống hiếu thuận, kính trên nhường dưới của họ sớm phải bạc mệnh khi tuổi đời còn trẻ - cái tuổi 30 phơi phới, sung sức đang độ chín, với bao ước vọng tươi hồng đang ấp ủ đành dang dỡ !
     Bạn bè buồn bã ngậm ngùi chia tay với người bạn tốt bụng sống hết mình cho tình thân hữu. Hàng xóm xót xa thương tiếc người láng giềng trẻ sống hoà đồng, cởi mở cùng mọi người phút chốc bỗng lìa xa dương thế.
      Chú Đoàn Minh Lợi đã bày tỏ lòng thương tưởng người cháu ruột của mình qua bài viết sau:


                  

             BÓNG THIÊN  ĐƯỜNG CUỐI TRỜI THÊNH THANG

           Tuấn ơi,
          Khi chú viết những dòng này cháu đã nằm dưới lòng đất lạnh. Nhưng chú tin linh hồn cháu đang tới cửa thiên đường. Người phàm thì chẳng thể thấy được thiên đường và thiên đường có tồn tại hay không luôn là dấu hỏi to tướng. Chú là người tin vào đời sống tâm linh, tin  con người có linh hồn. Vì vậy chú tin rằng sau khi linh hồn lìa khỏi thể xác, vẫn con một cõi nào đó cho linh hồn trú ngụ. Cõi đó có thể là cõi trời, cõi thiên đàng, là niết bàn, hay miền tây phương cực lạc... Chắc chắn là có một nơi chốn trong những cõi đó, mà cũng có khi tất cả những chốn đó chỉ là một.
        Trong kinh thánh chúa Ki Tô có nói phúc cho những ai không thấy mà tin. Chúa lại nói phúc cho những ai khốn khó trong linh hồn, vì nước trời là của họ. Chú là người không theo đạo, lâu lâu lại ngang ngang như... em Kiệt của cháu. Vì vậy cho phép chú cải biên lời của Chúa thành: " Phúc cho kẻ hèn mọn là cái thằng tôi đang viết những dòng này vì tin rằng nước trời là của cháu tôi, Phao Lồ  Đoàn Minh Tuấn."  Câu cải biên này chia ở thì hiện tại y như thì của hai câu thánh kinh bằng tiếng Latinh vừa trích dẫn.
        Ở cõi trời cháu thấy chú có đúng không? Cháu được lên trời còn chú thì được hưởng phước. Chú cháu mình đều hưởng lợi. Phật dạy cái gì có lợi cho mình mà cũng lợi cho người thì nên làm. Chú tin lời Phật nói. Vì vậy Phật dạy chú vâng lời.
        Đưa di thể của cháu về quê, lòng chú buồn vô hạn và có khi lẩn thẩn tự hỏi phải chăng cõi trần này quá chật hẹp nên cháu buồn, cháu chán, cháu mới bỏ về trời ?
        Hai ngày cùng cha mẹ cháu lo lễ tang chú lại suy nghĩ khác, rất khác đi nhiều. Này nhé, để chú kể cho cháu nghe nhé:
        23h45' đêm 14 tháng tám cô Hoa gọi điện cho chú báo tin cháu mất. Giọng cô nghẹn ngào và đau đớn, điện thoại rơi và máy tắt. Hay tin, chú hốt hoảng rụng rời. Thím Sửu và em Hà biết tin ngồi khóc. Chú Vững đến nhà tang lễ An Bình và khóc suốt đêm. Cô Lan cũng đau đớn khóc không kém. Khi chú báo tin cho cô Vinh và cho cô biết chú đang chạy xuống nhà cháu. Cô Vinh lấy bụng mình mà đo bụng chú. Cô dặn chú chú chạy xe chậm và chạy cẩn thận. Cô sợ lòng chú bấn loạn nên đi đường dễ bị tai nạn. Đến nhà cháu khoảng 24h đêm, nhà cửa lặng im, mẹ cháu một góc và ba cháu một góc, buồn và im lặng không biết phải làm gì. Buồn như giọt máu lặng lẽ nơi này. Ở bên kia nước Mĩ, em Nhi gọi điện về giọng thảng thốt có phải anh Tuấn mất thiệt không ba. Nhi gọi điện vào lúc cả điện thoai của chú và điện thoại thím Sửu hết pin vì liên lạc qúa nhiều. Anh Khanh, em Kiệt, chị Mây của cháu cứ tự trách phải chi trước đó làm cái này, làm cái kia thì cháu đâu bị tai nạn như vậy. Người thân thích ruột thịt của cháu cứ làm như tai nạn cháu gặp này là lỗi của mình.
       Cháu thấy đó cả nhà ai cũng yêu mến cháu. Cha mẹ, anh em ruột, cô, chú ruột, anh em cô cậu, chú bác ruột đều yêu mến cháu hết. Đó là chú chưa kể các bà con khác nữa như chú Bảo ở nguyên đêm tại nhà tang lễ An Bình (quận Tân Phú - TP. HCM) với anh Khanh và chú Vững. Gần sáng Bác Lành cũng đến thăm cháu, rồi nhiều người thân nữa...
         Được gia đình yêu thương như vậy làm sao mà cõi trần này chật hẹp và buồn chán cho được?
        Nhã Trúc, bạn gái cháu thời xưa đang ở Mĩ đã khóc hết nước mắt khi nghe tin cháu mất. Mây đen vần vũ bầu trời Cali. 18h chiều ngày 16 tháng 8, Quỳnh - một bạn gái nữa của cháu từ Sài gòn lặn lội thuê xe ra để thắp nhang cho cháu. Thắp xong lại lên đường về ngay. Nước mắt và nỗi buồn của Quỳnh có thể làm tím cả trời chiều thành phố. Chú e rằng tím cả những chiều sau đó nữa. Giờ hạ huyệt, Thanh Trang - một bạn gái học cùng lớp thời cấp II của cháu lặng lẽ thổn thức khóc. Huyệt vừa lấp đất, bạn lặng lẽ ra về, một mình. Ừ, chú  thấy.ra về chỉ một mình và lặng lẽ.
         Làm sao mà trần thế này chật hẹp được  khi lòng người rộng mở ??
        Hai đêm cháu yên nghỉ tại nhà ba mẹ cháu. Cháu lắng nghe nhân thế bằng hai tai. Một tai ngoài rạp và một tai trong nhà. Ngoài rạp là bạn bè cháu đến tiễn biệt cháu. Mỗi đêm có chừng 30 bạn đến chia tay, bạn ở công ty Đại Dương có 14 người đến lúc 12h đêm và sáng 4h về thành phố HCM để kịp làm ngày thứ năm.  Bạn học của cháu thì nhiều, đến lai rai suốt ngày và về đêm thì tụ họp khoảng mươi lăm người, thức sáng đêm. Ai cũng khen cháu hiền và dễ mến cả. Bạn bè thì đông, lại có bia, có mồi, có bài 52 lá, có cả cờ tướng nữa. Thế hệ 8X khi chia tay mang niềm vui nhân thế cho bạn làm hành trang lộ phí lên đường đến cõi trời. Cõi trần vui cháu hỉ. Vậy thì sao cháu vội đi ?
      Ở nhà trong cứ 6h đến 10h tối là thay phiên nhau từng tốp, từng tốp khoảng mươi, mười lăm người đến đọc kinh cầu nguyện. Chú ngồi lắng nghe lời nguyện mang máng như thế này: Kiếp người mong manh, thân người từ cất bụi mà thành nên sẽ trở về với cát bụi. Chết không phải là hết, đừng lo sợ. Chết chỉ là chuyển đổi đời sống này sang một đời sống vĩnh hằng hơn nếu có niềm tin và có phẩm hạnh tốt. Nói cháu đừng cười, chú nghe giáo họ La Vang đọc lời chúa Ki Tô mà chú tưởng lời Phật dạy. Này con, đời là vô thường, cõi đời là cõi tạm. Thân này do tứ đại có duyên mà hợp thành. Chết hay chưa chết có khác nhau là mấy. Không tức thị sắc, sắc tức thị không. Nếu con dẹp được tham sân si, không còn sợ  hãi, nếu tâm con vô quái ngại thì con... nhập niết bàn.
      Chú biết, Chúa là Chúa mà Phật là Phật. Tư tưởng của hai tôn giáo không như nhau. Nhưng ở thời khắc đất trời giao hoà đó chú thấy điểm gặp nhau của hai cội nguồn bầu sữa của nhân loại.
       Khi đưa cháu từ nhà thờ ra nghĩa trang. Chú lại nhớ Ỷ thiên Đồ long kí của Kim Dung : "Sống có gì vui, chết có gì khổ, bao hỉ lạc bi sầu, đều trở thành cát bụi, thương thay cho con người, sao lo buồn lắm vậy?"  Lời kinh giáo chúng Minh giáo và giáo chúng Bạch Mi giáo  đọc trên Quang Minh Đỉnh có khác gì lời Chúa, lời Phật? Chú cháu mình là con trai Đoàn tộc, phái Nhâm, chi Thượng, mê kiếm hiệp là yếu tố  truyền tông.
       Đi ngang qua nhà chú, bỗng nhiên cháu rắc hoa. Cả đoàn xe dừng chừng ba phút. Chú hiểu, cháu nói lời chia tay. "Những hẹn hò từ nay khép lại, thân nhẹ nhàng bay lên. Có nụ hồng ngày xưa rớt lại, bên cạnh đời tôi đây". Ừ, thì chú cháu mình chia tay. Cháu đến cuộc đời này ba mươi năm. Còn chú sinh ra ở vai trên, chú sinh trước cháu những hai mươi ba năm. Nên chú làm chú, mà cháu làm cháu. Ba mươi năm chú cháu mình bồng bềnh bình thuỷ tương phùng. Giờ thì chia tay.
       Và đột nhiên chú hiểu. Cuộc đời đẹp, lòng người rộng mở, cháu đã đến cuộc đời này và đã sống hết mình, sống chan hoà, vui vẻ với nụ cười trên môi. Đến giờ cháu phải đi. Cháu chào cuộc đời bằng nụ cười. Nụ cười mà ba cháu thấy, chú thấy, anh Khanh thấy, em Kiệt cũng thấy. Một nụ cười thật tươi với khuôn mặt an nhiên.
      Vậy thì lên đường cháu nhé. Chú mắt phàm không thấy cổng thiên đường, chỉ thấy bóng dáng thiên đường. Chú mượn nhạc Trịnh công Sơn tiễn cháu đi. "Xin cho một người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang".
                                                                                         
                                 Thị xã La Gi, 22h  ngày 17  tháng 8 năm 2012
                                                             Chú Lợi

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

MẸ CỦA CHÚNG TA LÀ MỘT NGÀY - Nguyễn Đức Tùng

     

     



         MẸ CỦA CHÚNG TA LÀ MỘT NGÀY

                                                                   Nguyễn Đức Tùng

           Mẹ của chúng ta là một ngày

           Khi về nhà buổi trưa nóng nực
           Anh nằm lăn ra ngủ một giấc
           Trên tấm phản bóng như gương

           Như một người đã làm xong bổn phận
           Không nghe cột kèo kêu răng rắc
           Mối mọt thời gian

           Cái còn lại của một ngày
           Không phải là tro bụi
           Tỉnh dậy, mặt trời sắp lặn
           Ánh sáng gỡ xong tấm mạng che mặt
           Ra khỏi tâm hồn anh

           Ngoài hiên con ong bay rì rào rì rào
           Đó là một ngày
           Anh có thể làm bất cứ điều gì

           Đi thăm mối tình đầu
           Gõ cửa phòng chị anh và hỏi
           Đôi giày của em đâu?

           Đó là ngày anh gặp lại
           Kẻ thù xưa trong ngõ hẻm
           Kẻ cướp đi của anh: nhà cửa, bạn bè, mẹ cha, tuổi trẻ
           Một tên cướp đã già, lưng cong, má hóp, mắt mờ
           Đi bán ve chai, rao khản giọng
           Anh chửi thề một chặp

           Rồi phá lên cười
           Rồi lại khóc
           Rồi quay mặt đi
           Rồi lại cười
                                           
           Đó là một ngày
           Anh mở toang các cánh cửa của dòng sông
           Quét sạch mạng nhện trên mặt hồ sen hồng

           Nằm ngửa trước sân đình
           Mơ màng nhớ người con gái
           Hôn anh đánh chụt một cái
           Năm 13 tuổi
                                          
           Đó là ngày
           Anh đứng
           Ngắm một người tòng teng miệng vực
           Trên đầu: con cọp, dưới chân: hang núi
           Hai con chuột : trắng, đen

           Sắp cắn đứt dây leo. Một ngày nước giếng trong leo lẻo
           Anh về đầu làng gặp một cây đa
           Thấy “con chim phượng hoàng bay qua hòn núi bạc
           Con cá ngư ông móng nác ngoài khơi”

           Trong quán hớt tóc có cây đàn ghi-ta
           Và cuối xóm: một nàng thiếu nữ
           Đó là một ngày
           Anh đã làm xong bổn phận

           Khi về nhà
           Anh đi thẳng xuống bếp

           Như mẹ anh vẫn còn ở đó

           Anh đi thẳng tới cái chết
           Hỏi thăm tin tức của người thân

           Như chưa bao giờ có cuộc chiến tranh
                                         Nguyễn Đức Tùng

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

NGHIÊNG, KHÔNG DƯNG - Thơ La Thụy


   


NGHIÊNG              

Ai từng nghiêng chao              
Chắt lắng hết hương mê              
Chừ hoài niệm              
Len lỏi ngoằn ngoèo trong ký ức              
Tình xưa hẹn ước              
Chông chênh rơi mất ánh trăng thề ?  
            

KHÔNG DƯNG              

Không dưng... dấn bước phiêu bồng              
Tìm về biển vắng rừng tòng hoang sơ              
Thì ừ bèo dạt xa bờ              
Ta bà gạn lắng chân như... tính thiền              
Đáo bĩ ngạn , tâm như nhiên               
Dưng không hốt ngộ... luỵ phiền... sắc không

                                                  La Thụy     

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

HỎI - Thơ La Thụy


   


HỎI ?                            

Hỏi sông tuôn chảy âm thầm                      
Tri âm có gặp nghìn trăm bến bờ ?                            
Hỏi lòng sao cứ ngẩn ngơ                        
Người xa xăm ấy lặng lờ... bặt tin                            
Lá vàng rơi rụng bên thềm                      
Sao khuya lẻ bóng niềm riêng u hoài                              
Hỏi trăng chếch bóng non đoài                      
Vì sao Cuội vẫn đêm dài... tương tư                             
Hỏi tình sao cứ ơ thờ                     
Hỏi sương  nhỏ giọt... cho thơ... ướt mềm

                                                     La Thụy                                

BÂNG KHUÂNG, THẢ, KHÔNG ĐỀ - Thơ La Thụy


       


BÂNG KHUÂNG                          

Bâng khuâng trước bến giang đầu                   
Thoáng nghe sương phấn rắc vào tâm tư                          
Thôi thì chắp cánh cho thơ                   
Gieo muôn ý nhạc cập bờ... chân như ..                                             

THẢ                           

Chừ đây mình thả hương nồng                    
Phiêu phong hoài vọng phiêu phong cõi người....                           
Mai kia thả nốt tuổi trời                    
Thời gian cuốn hút phận đời mong manh                           
Sắc không ừ thả bồng bềnh                    
Mộng lòng dù đã ươm xanh... thả dần   
                                  

KHÔNG ĐỀ                           

Hoàng hôn bảng lảng chơi vơi                    
Vẳng ngân âm vọng một thời xanh rêu                             
Ta xin lượm chút bóng chiều                    
Nhen cho hoài niệm dáng kiều xa xăm                            
Ờ sao thi tứ biệt tăm...

                                              La Thụy
                                

GIAO MÙA

                    


                                          GIAO MÙA
                               Heo may xào xạc lá vàng rơi
                               Vạt nắng vàng hanh nhuộm góc trời
                               Chao cánh đùa mây bầy hải yến
                               Nghiêng đầu hé nụ đóa mân côi *
                               Niềm đau hạ cũ dường đang cạn
                               Nỗi nhớ thu xưa tựa đã vơi
                               Cốm nếp đầu mùa hương nhẹ thoảng
                               Phím đàn ngân vọng nhạc lòng rơi
                                                              La Thuỵ   
                              * Mân côi (hoặc mai khôi): Hoa hồng 

                                               HOẠ


                               Bài  hoạ 1
                                            TIỄN MÙA
                               Bụi lốc thời gian đọng nắng rơi
                               Xa xăm mây bạc rẽ chân trời
                               Tràn đầy vị đắng thu vườn độc
                               Rỗng tuếch nụ mềm hạ bóng côi
                               Tìm rượu giải sầu - sầu chất ngất
                               Mượn đàn quên lạnh - lạnh chơi vơi
                               Khăn thêu mùa cũ còn nguyên nếp
                               Buồn ngập hiên lòng gót phượng rơi
                                                                       Ca Dao

                               Bài  hoạ 2 
                                          GẶP THU
                               Thu dắt tôi về đếm lá rơi
                               Heo may mấy ngọn nấp bên trời
                               Mưa buồn hiu hắt ngày đau ốm
                               Nắng ngủ vật vờ giấc cút côi
                               Hạ rớt gật gù đêm tối lặng
                              Cúc cười bẻn lẻn ánh tà vơi
                              Áo vàng ai vắt ngang mùa đó
                              Tắm gội hương tình mộng có rơi 
                                                                        PyN

                              Bài  hoạ 3      
                                             VÔ ĐỀ
                              Nắng nhạt mây mù thoảng lá rơi
                              Sương khuya nguyệt lạnh úa khung trời
                              Thiên nga gác mỏ vài con lẻ 
                              Cái ngỗng chúi đầu một bóng côi
                              Sắc đỏ rừng phong ngày mãi thắm
                              Màu xanh cành liễu lúc dần vơi
                              Heo may chợt rét đêm vàng vọt
                              Mái rạ xì xèo tiếng nước rơi

                                                              Ký Gàn

                              Bài  hoạ 4
                                                VÔ ĐỀ
                              Dông bão phương nào mưa nặng rơi
                              Mây giăng thấp nhuộm xám chân trời
                              Ngư ông gác mái nằm cô quạnh
                              Hành khất về nơi ngủ cút côi
                              Thời tiết vô thường khi ấm lạnh
                              Nhân tình bất ổn lúc đầy vơi
                              Giao mùa cơ cực vì cơm áo
                              Mấy thuở an nhàn ngắm lá rơi.
                                                        Cao Linh Tử


Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

NGUYỄN QUANG THIỀU: TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA - Nguyễn Đức Tùng

                                    
       

  Làm thế nào để biết một nhà thơ đang nói thật?
  Người đi, người đi, người đi. Vừa bước vừa vấp

Tác giả cho phép người đọc đến gần, nhìn thấy những nhược điểm của mình.
Trong văn chương, có hai cách nói thật. Một là thành thật, tức là tự bộc lộ trước người khác. Hai là tuyên bố về sự thật, kể lại sự thật. Như chúng ta sẽ thấy sau đây, nhiều lần Nguyễn Quang Thiều nghiêng về phương pháp thứ nhất, đi đến cùng phương pháp ấy, ngay cả khi có vẻ như anh đang nói về một người khác. Vừa bước vừa vấp ở đâu? Trên đường. Con đường là lịch sử văn hóa, nhưng lịch sử có thể nhầm lẫn, văn hóa có thể là huyền thoại.

       Con đường
       Con đường
       Con đường
       Dắt ta về hồ nước cũ

      Phăng phắc một lá sen già               

Tuyển tập thơ Châu thổ mở đầu với bài Lễ tạ. Chỉ có lá, không hoa. Trước anh một thế hệ:

      Đường ra trận mùa này đẹp lắm
                            (Phạm Tiến Duật)

     Hồn nhiên, thẳng tắp.
     Hoặc, rất khác:

      Con đường đáo nhậm xa như nhớ
                                   (Tô Thùy Yên)

     Phân vân, mờ ảo.
     Ngược lên trước đó hai thế hệ, một người trẻ tuổi từng mơ ước:

       Ngày trở lại quê hương
       Đường hoa khô ráo lệ
                   (Quang Dũng)

Nhưng lệ vẫn chảy trên đường. Con đường là một ý tưởng, nhưng sự xuất hiện tự phát của một hình ảnh không có nguồn gốc, trong ý thức, là điểm khởi đầu của quá trình sáng tạo. Con đường dắt ta về hồ nước cũ là một hình ảnh, hơn thế nữa, trở thành một trong những đầu mối tương thông giữa bài thơ và người đọc, khơi dậy ở người đọc những đường dẫn liên kết họ với nhau, như trong khái niệm ý thức tập thể của Jung. Nguyễn Quang Thiều tạo ra hình ảnh mới, nhiều hơn là tạo ra ngôn ngữ mới. Anh tìm thấy chúng trong môi trường quen thuộc, phát hiện trở lại điều có sẵn, chưa ai nhận ra. Phương pháp của anh giản dị và, do đó, lạ thường:

   Tôi đi tìm vợ tôi
   Người đàn bà cài chiếc cúc đoan trang

Một người đàn bà đoan trang nhưng đã thất lạc? Chuyện gì xảy ra? Khi bỏ lại sự giản dị phía sau để mô tả ý tưởng mới, anh loay hoay với cách dùng chữ:

  Ta giấu một tình yêu chưa giới tính
  Sau nâu nâu vạt áo học trò

Tình yêu chưa giới tính là một chữ mới, nhưng khó lặp lại.
Cũng với ý thức rõ ràng, nhưng anh đã thành công hơn, cũng trong bài Mười Một Khúc Cảm, một trong những bài thơ hay nhất của anh:

   Tiếng người gọi hai bên thiêm thiếp cỏ
   Ta khổ đau lần thứ nhất trên đời

Sức nặng nằm ở câu thứ hai. Nhưng cái mới trong thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn chung lộ ra ở cặp ý tưởng- hình ảnh. Khi đi với nhau, hình ảnh dễ gây chú ý; tuy thế, vẫn có một ý tưởng đơn tuyến xuyên suốt bài thơ, xâu chuỗi. Chính điều này làm cho thơ anh dễ hiểu so với nhiều nhà thơ mới khác, mặc dù anh dùng nhiều chữ, dùng kỹ thuật lập lại, làm nản lòng một số người đọc.
Tôi nghĩ rằng trong tương lai, nếu tiếp tục sáng tạo, thơ anh sẽ phải khó hiểu hơn nữa, dĩ nhiên không phải để đánh đố người đọc. Khó hiểu hay dễ hiểu không phải là đức tính của thơ. Có một sự dịch chuyển trong thơ đương thời, từ chỗ là thơ của công chúng trở thành thơ của cá nhân. Nhà thơ trước đây cần nhiều sự tán đồng của người đọc; hiện nay sự cần thiết ấy không tuyệt đối. Thơ càng riêng tư, gắn bó với một số độc giả chọn lọc, càng đánh mất các độc giả khác. Khoảng cách giữa nhà thơ và số đông ngày càng xa, và cái cầu giữa họ với nhau các nhà phê bình của chúng ta chưa bắc xong. Thơ mới bao giờ cũng có tính thách thức vì chúng chứa các bí mật. Một bài thơ cần được đọc nhiều lần, mỗi lần đem lại một ý nghĩa khác. Muốn biết, đối với bạn, bài thơ thành công hay không, cần đọc lại vài lần. Mặc dù mỗi ngày bạn đến gần hơn, nhìn sát mặt nó, trở đi trở lại như người quen, một bài thơ thành công dù mới hay cũ bao giờ cũng giữ được sự tươi mới lộng lẫy, như một người đàn bà đẹp ngay lúc giận dữ trước số phận vẫn tỏ ra duyên dáng. 

Mày xanh trăng mới in ngần. Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa (Kiều).

*

Thiên nhiên của Nguyễn Quang Thiều vừa là chất liệu sáng tạo, là chủ đề, vừa là môi trường nuôi dưỡng quá trình sáng tạo ấy. Ngày càng trở thành một hiện thực hoảng loạn, thiên nhiên vẫn còn là nơi trú ẩn của tâm hồn giữa những vấn nạn xã hội mà nhà thơ không tìm thấy câu trả lời.

Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được thấy
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được dàn dụa nước mưa sông.

Hình như so với những thế hệ trước, ngày nay tâm hồn chúng ta phức tạp hơn nhiều quá, thiên nhiên buồn hơn, vừa chật chội vừa trống trải; trong những câu thơ của anh đọc thấy nỗi chán chường, mệt mỏi, vừa chối bỏ, vừa tha thiết trở về. Ngày nay có vẻ người đọc cần phải thông cảm với nhà thơ nhiều hơn, kiên nhẫn hơn, chịu khó hơn, “miễn thứ” cho tác giả nhiều hơn, thì mới mở được cánh cửa của thơ mới. Khi đọc:

      Đêm mưa làm nhớ không gian
      Lòng run nghe lạnh nỗi hàn bao la
                                           (Huy Cận)

Khung cảnh hiện ra xa vắng, giá lạnh, tác giả cô đơn, nhưng tâm trạng ấy hoàn toàn có thể hiểu được: trời mưa, vì mưa nên mờ tối, vì mờ tối nên chật hẹp, vì chật hẹp nên làm nhớ không gian, vì nhớ không gian nên đã lạnh càng lạnh thêm vân vân. Mặc dù vắng vẻ cô đơn, cả hai, nhân vật và không gian, vẫn hiện ra như những khái niệm toàn vẹn. Nhưng:

 Đã khóc, chìm vào mê sảng, và bắt đầu nức nở
 Những chiếc lá trên đầu ta mang số phận sẵn rồi

Là một thiên nhiên tuy gần gũi, không xa cách, mà vẫn giá lạnh, là một hiện thực suy tàn mà các nhân vật của thơ anh mắc kẹt vào:

 Trong ký ức buồn bã và mãi mãi thì thầm

Nhịp điệu đẹp, máy móc, lạnh lùng. Người ta ngơ ngác: có một điều gì rất ngăn cách giữa nhà thơ và người đọc, không phải kiến thức, hiểu biết mà là ngăn cách tâm hồn. Họ khác nhau nhiều quá: nhà thơ và người đọc ngày nay có vẻ không thích nhau lắm. Lỗi của nhà thơ hay của người đọc? Cả hai, hay chẳng của ai cả. Lỗi của thời đại, của sự đảo lộn các giá trị, của các cuộc chiến tranh, của khuynh hướng phát triển bằng mọi giá, của các học thuyết, các ảo tưởng về chân lý, của sự dối trá đầy rẫy trong lịch sử chúng ta, giữa chúng ta, bên trong chúng ta. Thơ cố gắng chống lại điều ấy, sự tan rã ấy, làm cho cấu trúc tinh thần của xã hội trở nên chặt chẽ, thế giới bớt tan tác, nối kết vào nhau. Nhưng trong thơ, giải ảo tưởng, giải huyền thoại cũng có những nguy hiểm, vì thơ không thuyết minh, không đặt ra những bước chuẩn bị, lập tức phá tan các vòng đai an toàn, đặt người làm thơ và người đọc vào trạng thái bị chiếu sáng gay gắt. 
*
Có hai loại thơ không thành công: những bài thơ dở của một nhà thơ hay, như là cái bóng của những bài thơ hay của nhà thơ ấy, tuy không hay nhưng có vai trò cần thiết. Loại thứ hai là: những bài thơ dở đứng một mình, không cần thiết cho ai, vì chúng chứa các phẩm chất giả tạo. Nguyễn Quang Thiều là một trong vài nhà thơ đầu tiên chỉ ra một số tính chất căn bản, trước đó vốn là những cấm kỵ văn học, của người cùng thời quanh anh. Một cách nhiều lời:

Họ chạy trốn, không. Không kẻ nào nhìn thấy con đường thật của họ
Bởi thế họ hiện ra trên con đường khác trong cái nhìn của ảo giác đê hèn
Họ chạy trốn, không, họ chỉ nhóm lửa không giống và thì thầm không giống

Khi đạt tới sự trong sáng, gọn gàng hơn, câu thơ đầy sức mạnh:

 Lặng lẽ đi qua cầu
 Chúng ta chọn con đường đến với nỗi sợ hãi

Nỗi sợ hãi của ai? Anh thuộc về truyền thống nào? Thơ anh tách ra khỏi dòng thơ truyền thống, trở thành tiếng nói riêng biệt. Như người đi trong mơ, anh xác lập một hiện thực thứ hai của lịch sử và ngôn ngữ, của khát vọng và hoài niệm, tình yêu nam nữ và tình thương xót đối với phụ nữ, thiên nhiên như vấn đề văn hóa và thiên nhiên như vấn đề môi trường, và từ trên nền của những kết hợp ấy, anh là kẻ phê phán nghiêm khắc nhưng lặng lẽ. Giấc mơ: đó là một đời sống được xem xét kỹ về mặt nghệ thuật; hay cái mà các nhà sinh lý học sáng tạo thường gọi: bán cầu não phải hoạt động mạnh hơn trong các bước nhảy. Cách anh chọn chất liệu là một ví dụ. Các nhà thơ xưa thường chọn chất liệu: mây xưa, hạc cũ, trăng vàng, một đời sống hiền hòa, nhưng sang trọng và xa vắng. Các nhà thơ Thơ Mới gần hơn với đời sống hàng ngày, nếu có lãng mạn cũng là cái lãng mạn cụ thể. Thật ra chính phương cách sử dụng của nhà thơ đối với chất liệu mới làm nên tính đặc trưng của chúng. Chúng ta xét hai trường hợp sau đây trong cùng một bài thơ khá nổi tiếng của anh:

Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi
Bàn tay kia bấu vào mây trắng


Nguyễn Quang Thiều vốn không hẳn là nhà thơ siêu thực. Anh đã chọn phương thức biểu hiện thành công vì ngôn ngữ của anh tham gia vào các hình ảnh, vận động giữa các giác quan như một hình ảnh, tức là một hình tượng. Nhưng khi anh viết tiếp:

      Sông gục mặt vào bờ đất lần đi

Thì không thành công lắm, vì ngôn ngữ biến thành phương tiện diễn đạt. Sông gục mặt không phải là một hình ảnh thuyết phục. Ẩn dụ là dùng một vật này để nói một vật khác, là sự dịch chuyển của ý nghĩa từ nơi này đến nơi khác, nhưng trong trường hợp đạt đến mức nghệ thuật, chúng không được quá xa nhau, mà phải nằm trong các mối liên kết sẵn có từ trước (pre-existing connections), trong tấm lưới của vô thức cộng đồng. Trong bài thơ này, anh không nhận ra điều ấy, và quả nhiên lập lại một lần nữa, ở đoạn gần cuối:

     Và cá thiêng lại quay mặt khóc

Và một lần nữa, khi hạ chữ ngơ ngác, có phần không thích hợp.

   Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi.

Mà đây là bài thơ có khả năng trở thành bài thơ rất hay. Tôi không có ý cho rằng mỗi câu thơ của anh đều phải chứa một hình ảnh quan trọng, mỗi chữ phải là một thông điệp. Thơ cũng như người, cần vận động trong không gian rộng, thoáng, nhiều không khí hơn là giữa chiếu chăn, bàn ghế chật hẹp: nó cần rất nhiều khoảng trống hư từ.


      Bầy kiến đen đi qua bàn tiệc
      Như lang thang qua bãi chiến trường
      Đầy mảnh thịt của gia súc
      Đầy xác chết của rau thơm
      Quả ớt đỏ như lá cờ rách nát

Hiếm khi Nguyễn Quang Thiều có một ngôn ngữ hài hước, châm biếm, trong khi vẫn mượt mà, như thế. Đó là về một bữa tiệc, không khí sau bữa tiệc, chán ngán, thất vọng, phẫn nộ.  Trích từ một trong những bài thơ thành công, tiêu biểu cho phương pháp nhân cách hóa.
Anh viết dàn trải, ngôn ngữ phủ rộng khắp, hơi thơ dàn dụa mạnh mẽ. Nhưng những người có khuynh hướng viết dài có thể thừa chữ, thừa câu và tự lập lại.

Bóng đêm vẫn vây bọc chàng mỗi lúc một dày trong thị xã bé nhỏ này không ai thức cùng chàng
Chỉ có chàng đang ngồi trước một kẻ là chàng, kia những ngón tay thô, kia cặp môi dày luôn luôn nung trong lửa

Thơ trữ tình phát sinh từ cảm xúc, nhưng đôi khi anh cũng rơi vào trạng thái quá mẫn cảm:

   Con ốm đau ngồi ho bên cửa
   Những con thuyền ốm đau nằm đâu

Tập thơ Châu Thổ, sự tuyển chọn lại từ các tập trước đây của Nguyễn Quang Thiều, gồm những bài thơ về cuộc sống hàng ngày, thơ tình, thơ về những chuyến đi xa, về cây cối, mùa màng, về súc vật, về gia đình, người thân, bi ca, thơ tự do, thơ có vần. Những bài thơ thành công của anh có nhịp điệu gần với âm nhạc, như trong hầu hết các bài anh viết về cha, mẹ, con trẻ, người thân yêu, sự vận động của câu thơ dồn dập. Những bài thơ không thành công rơi vào tình trạng: ngôn ngữ nhiều hơn hình ảnh, hình ảnh nhiều hơn ý tưởng, xúc cảm không mạnh, kết thúc có thể đoán được, nhưng anh vẫn ít khi phạm lỗi cliché. Cộng đồng các nhà thơ tiếng Việt là một tập thể rời rạc chia cách, Nguyễn Quang Thiều lại thuộc dòng thơ tách rời khỏi truyền thống, vì vậy sự phát triển của riêng anh, đối với tôi, vừa có nhiều nguy nan, vừa đáng thán phục: anh gần như không dựa vào ai, không xuất phát từ ai, chỉ nối kết về mặt nghệ thuật với một vài nhà thơ cùng thời; trong tình cảnh ấy không có gì đáng ngạc nhiên là, trong một số trường hợp, thơ anh bị chê, được khen vì những lý do ngoài văn học, và thiếu một mạch phê bình dành riêng cho nó. 

*
Đọc thơ cần có cảm hứng. Cảm hứng đến từ đâu? Từ hai phía, người đọc và bài thơ. Người đọc không nhất thiết đi tìm toàn bộ các ý tưởng, tổng số hình ảnh, nhưng kẻ ấy phải mở được đường vào. Đường vào bài thơ có khi như cánh cửa, có khi là toàn bộ bài thơ xuất hiện cùng lúc, trong giây phút ấy người đọc tiếp nhận tất cả kinh nghiệm. Trường hợp Nguyễn Quang Thiều, đối với tôi, gần như bao giờ cũng là hình ảnh. Vì sự tiếp nhận ấy không đầy đủ, nên tôi muốn trở lại. Mỗi lần đọc, bài thơ của anh xuất hiện một cách khác. Tác phẩm có thể được sáng tạo nhiều lần, có thể được viết trong năm phút hay trong năm năm, điều ấy chẳng hề chi. Vì vậy mà trong văn chương, chuyện xuất khẩu thành thơ, đi bảy bước làm bảy câu thơ, chỉ có tính cách giai thoại mua vui. Điều quan trọng là mỗi lần đọc, bao giờ cũng là một lần đọc mới, ở thì hiện tại. Bởi vì thơ trữ tình được viết ở thì hiện tại.

  Cỏ đuôi chó em tết con chó nhỏ
  Ta xa nhau chó héo đuôi rồi

Hình ảnh đẹp, ý đẹp, nhưng anh lập lại ba lần một chữ khó, hơi vụng về. Thế mà tôi vẫn cứ quay lại với hai câu thơ này, vì nếu người đọc được dẫn dụ, anh ta sẽ đi ngược thời gian, tìm cách sắp xếp lại các sự kiện. Khuynh hướng của một số nhà thơ hiện nay là sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện biểu đạt cho sự làm mới, vốn là nhu cầu tất nhiên của sự phát triển. Sau khi thoát khỏi những ràng buộc chặt chẽ của các quy luật của thơ truyền thống, sau khi chính những kẻ cầm cân nảy mực cho các quy luật ấy cũng sa vào trạng thái mơ mơ hồ hồ, ngơ ngác, vì hệ quy chiếu thẩm mỹ của họ đang bị đe dọa sụp đổ, thì những người viết mới như chim sổ lồng sung sướng bay lên bầu trời tự do, nhưng họ không bay xa vì quên để ý đến vần điệu, tức là quên đập cánh thường xuyên, vốn là một thứ lao động đơn điệu và nặng nhọc, không lãng mạn chút nào.
Vần điệu trong thơ là thứ làm ổn định, làm cho các yếu tố gắn bó với nhau, các quan hệ bớt lỏng lẻo, trở nên chặt chẽ. Nhờ nén lại như thế mà không gian của bài thơ mở rộng ra. Thơ tự do dàn trải, như thơ của Nguyễn Quang Thiều và các nhà thơ mới khác, khi cởi bỏ các ràng buộc của thơ truyền thống, lập tức đối diện với thử thách mới: họ phải làm cho không gian của bài thơ rộng ra hơn nữa trên một nền đã giãn nở, một công việc khó khăn hơn so với các nhà thơ trước đây. Đôi khi họ nhận ra điều ấy; đôi khi không. Bài thơ của Nguyễn Quang Thiều thường khởi đầu bằng một ý tưởng mạnh và kết thúc bằng một hình ảnh hoặc là ngược lại, làm cho khả năng triển nở của bài thơ trở nên dễ dàng hơn. Như khi anh mở đầu:

  Tôi tựa lưng vào bức tường xám mốc

Và kết thúc:

 Tôi sẽ ngủ với họ thế nào

Có những trường hợp khác, anh cố gắng đem nhiều thứ vào một câu. Vì vậy mà câu cuối bài thơ Cánh đồng:

 Xa tít một lưỡi cày mơ tên gọi vì sao

Là một hình ảnh phức, hoặc hai hình ảnh, mà mối liên kết giữa chúng lỏng lẻo, hoặc là một cấu trúc rối. Thơ có thể mờ nhưng không nên rối. Câu kết thúc một bài thơ thường là điểm “hạ cánh” quan trọng, từ đó nhìn ngược lại có thể thấy toàn bộ quá trình sáng tạo của bài thơ. Thơ Nguyễn Quang Thiều có những đoạn kết gây cảm giác thỏa mãn, mở ra, dồi dào ý tứ như sau đây, nhưng chúng không xuất hiện đều đặn.

   Hình như có một bậc cửa cho tôi bò qua
   Nơi ấy sóng trăng đang vật vã.
*
Thơ Việt Nam mấy mươi năm qua có phải là người làm chứng của thời đại mình? Tôi nghĩ là không. Hầu hết các nhà thơ của chúng ta im lặng hoặc chọn im lặng trong tác phẩm trước những sự kiện xã hội, khi ngôn ngữ bị giày vò, thoái hóa. Khi đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, như trong tập Châu Thổ, tôi có một thứ ảo giác, ngày một dâng lên, như sương khói. Các ý nghĩa của bài thơ khi mờ khi tỏ, các phần khác nhau của bài thơ có liên hệ mật thiết nhưng không kém bất ngờ, đó là mối liên hệ giữa ý thức và vô thức, giữa bán cầu não trái và bán cầu não phải, chỗ lằn ranh của quầng ánh sáng một ngọn đèn trong đêm tối. Đọc thơ anh là sự thách thức, là cảm giác sợ hãi trước số phận con người, là cảm giác đứng trước thương tổn. Anh là trường hợp điển hình của cố gắng vượt ra khỏi đám đông, bằng ý thức, trong khi chính anh tự nguyện hoặc bắt buộc phải bước vào đám đông ấy, sống với họ mỗi ngày, vật vã, trả giá, để giữ được bản sắc, một thứ bản sắc vừa nhân bản vừa hoang dại.

   Đó là những từ vựng mệt mỏi và đổ đốn
   Nhưng có một buổi trưa
   Tôi phải chung sống
   Như chúng ta từng chung sống với ruồi

Những vấn đề cấp thiết đương thời không thể hiện trực tiếp trong thơ Nguyễn Quang Thiều, mặc dù vậy phía sau mỗi bài thơ của anh, bất kỳ anh viết về đề tài nào, với chất liệu gì, đều trang trải một nỗi buồn nhân thế rất chín, rất dày, những suy tư gần chạm tới triết lý về con người.

Những con chim xanh của tâm hồn nàng đập cánh không ngưng nghỉ
Tìm lối thoát ra khỏi thân xác của nàng

Đó là ngôn ngữ đẹp, vô tội, ngôn ngữ thân phận. Tuy thế, thỉnh thoảng đối với tôi, như trong một ngày đầy tin dữ, chúng vẫn toát ra vẻ đẹp phù phiếm. Bạn có thể hỏi: nhưng liệu thơ có phục vụ cho một mục đích cụ thể nào không? Chính trị, luân lý, giáo dục, gợi ý cho các giải pháp xã hội hay môi trường? Các nhà thơ của chúng ta hiện nay có nhiệm vụ gì? Hay họ đã được người đọc cởi bỏ khỏi tất cả các nghĩa vụ rồi?

  Và lúc đó có người đứng dậy
  Đi vào bóng tối
  quay nhìn lại
  Thấy mình mẩy chúng ta cắm đầy giáo
  Phóng tới từ một đấu trường khác


Kết thúc mạnh mẽ, nhưng nội tâm hóa, phi xã hội. Các nhân vật “chúng ta” của bài thơ có trích đoạn trên đây không lên tiếng phản đối nhưng từ chối tham dự vào trò chơi của lịch sử, từ chối làm kẻ đồng phạm: anh đang tiến dần tới một nền văn chương của nạn nhân.

Họ chạy trốn không nguyền rủa, không tuyên bố, không hoảng hốt, chỉ đau đớn, chỉ có chuẩn bị.

Tôi cho rằng trong khi việc đòi hỏi nhà thơ phải phục vụ xã hội là một đòi hỏi hoặc ngây thơ hoặc quá độc đoán, người đọc vẫn có quyền chờ ở họ sự lắng nghe, chia sẻ. Các nhà thơ Canada Lorna Crozier và Patrick Lane, trong một lần đến thăm Chile, đã nghe người dân nói: “chúng tôi kể cho các bạn nghe chuyện này vì các bạn là người nhạy cảm, vì các bạn là những nhà thơ” (“we are telling you this because you are sensitive people, because you are poets”). Có phải Nguyễn Quang Thiều đã chọn cách trả lời riêng cho anh về vấn đề này: như một nạn nhân, trở về với sự cứu rỗi?

Hỡi Chúa Trời, xin cho con được quỳ dưới chân người, xin cho con được cất lời cầu nguyện

Ngôn ngữ thơ ca chỉ biểu hiện một trong ba thứ sau đây: sự đau khổ của con người, đối thoại giữa những người đau khổ ấy, và sự thăng hoa. Tập thơ Châu thổ có nhiều yếu tố của khuynh hướng siêu nghiệm (transcendence), trong bối cảnh thiên nhiên thơ mộng và sụp đổ, vượt lên từ  chứng nghiệm cá nhân. Dịu dàng đối với cuộc đời, ít hài hước, ít châm biếm, thơ Nguyễn Quang Thiều buồn rầu nhưng không nghiêm khắc. Ở trên tôi có nói rằng, Nguyễn Quang Thiều đã chọn phương pháp thứ nhất để nói lên sự thật. Thật ra, nhiều hơn một lần, anh đã viết khác. Khi đó, anh gây ngạc nhiên ở người đọc, làm họ bực bội, như chúng ta có thể đọc rải rác đây đó.

Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
Người họ bọc kín bởi những lớp vải nâu và đen
Chỉ đôi tay, đôi chân và đôi mắt lộ ra

Anh đã giản lược hóa các nhân vật, tối thiểu hóa các xúc cảm thành hình ảnh của thị giác (khác với hình ảnh trong tâm trí), lột hết phần hồn của họ, đi rất xa về hướng hậu hiện đại, vốn không phải là trung tâm của thơ anh, ít nhất là cho đến nay. Anh là người kháng cự lặng lẽ.

*
Nhiệm vụ quan trọng nhất của một bài thơ là chỉ ra cho người đọc cách đọc nó.
Nhưng người đọc đi tìm điều gì trong thơ? Họ đi tìm sự bù đắp cho một tâm hồn thiếu sót, lời cắt nghĩa cho một vết thương, sự toàn hảo cho thế giới không toàn hảo. Họ đi tìm lại giấc mơ trong đêm bị xóa dưới mặt trời, sự tò mò hăm hở đối với vạn vật, lời an ủi trước khi nhắm mắt, bàn tay đặt lên cuộc tình lầm lỗi, sự phẫn nộ trước nghịch cảnh, tội ác. Khi những nhu cầu ấy của người đọc không được thỏa mãn, họ bỏ sách xuống, bài thơ thất bại. Họ hứa quay trở lại, nhưng bạn tin tôi đi, never, jamais. Người ta than phiền: thơ mới ngày càng khó hiểu và tối tăm.
Khó hiểu và tối tăm là hai tính chất khác nhau.
Khó hiểu là đặc trưng của thơ mới, tối tăm là đặc trưng của thơ dở. Khi một vật đập vào mắt ta, đánh thức sự lãnh đạm của người quan sát, sẽ làm bật lên sự chú ý. Sự chú ý có thể xảy ra trong chốc lát rồi biến mất, có thể kéo dài nhiều ngày, hay biến mất rồi trở lại. Khi nào sự chú ý này trở thành nỗi ám ảnh, dù đó là hình ảnh, âm thanh hay ý tưởng, lúc đó sự chú ý mới chuyển thành trạng thái khác là cảm xúc có tập trung.
Hình như cho đến nay dư luận báo chí đối với thơ Nguyễn Quang Thiều chỉ chú ý đến sự khác lạ của cách dùng chữ của anh, ví dụ:

 - Cầu thang gỗ đến giờ đau răng, rên rỉ
 - Những chân trời gập khúc xuống mùa đông
 - Những sư tử, những báo gấm, những hổ của rừng mang dáng vẻ kỳ vĩ đang mục ruỗng từ bên trong

Nhưng sự khác lạ này, ngay khi hoàn toàn thích hợp, như vẫn thường xảy ra, không phải là tính chất cốt tủy của sự làm mới. Đó là sự khác lạ của các thủ thuật tu từ, vốn có tính chất bài tập, và sẽ dễ dàng bị vượt qua bởi các nhà thơ đến sau và dĩ nhiên, trước hết bởi chính anh.  Nhưng khi sự làm mới nằm sâu hơn, như trong bài thơ dưới đây, nó sẽ gây rung động như câu chuyện được bồi hồi nhớ lại vào buổi sáng tinh sương:

 Thức dậy từ cơn mơ, cả cúc áo cũng không cài hết
 Cả tóc không kịp buộc, không kịp cả dặn dò
 Tôi và em chạy về từ hai miền xa lạ
 Qua những cánh đồng, cỏ bần bật run lên

Một giấc mơ trong một giấc mơ.
Có một yêu cầu chung đối với các nhà thơ làm mới đương thời: khả năng tự làm trống rỗng mình.
Không còn căn cước nữa.
Nguyễn Quang Thiều không viết nhiều thơ tình, nhưng hình ảnh người phụ nữ bàng bạc trong thơ anh. Anh mô tả họ với tình yêu nồng nàn và bao giờ cũng với lòng thương xót, nghĩ ngợi, với một niềm hối hận mà tôi không rõ nguyên cớ từ đâu.

    Đêm nay anh không biết em ở đâu
    Nhưng chúng ta cùng chung một cơn mưa

Đó là nghệ thuật của tính riêng tư. Khi anh nói về phụ nữ, ngôn từ tìm được sự giản dị, bộc lộ trước hết trong nhịp điệu. Thơ Nguyễn Quang Thiều có nhịp dồn dập vì anh có nhiều gánh nặng: gánh nặng của đời sống đô thị, gánh nặng của giấc mơ đầy tình yêu con người, và gánh nặng của quá khứ, của những người khác. Tôi có cảm giác anh không hoàn toàn miễn nhiễm trước một thứ gì như là sự ngưng trệ quanh anh, như vũng lầy của đời sống, nhưng anh, như một người thừa bản sắc tốt đẹp, mãi mãi, mỗi ngày, tìm cách vượt lên khỏi chúng. Gánh nặng quá khứ trong anh là gì? Đó là sự chia sẻ các truyền thống, là sự kế thừa các giá trị ngắn hạn và dài hạn do hoàn cảnh riêng. Từ rất sớm, anh đã bước đi trên mảnh đất của văn hóa đương thời, nhưng mặt khác thỉnh thoảng vẫn quấn chân vào đám cỏ dại ven đường, vốn là thứ cũng thân thuộc. Nếu phải chọn hình ảnh tập trung nhất, nỗi ám ảnh thường xuyên, tôi sẽ chọn cánh đồng và người phụ nữ.
Thiên nhiên và phụ nữ. Đó là hai mối nương tựa chính yếu của thơ anh, bao giờ cũng gắn bó mật thiết với ký ức nông thôn, với bụi bặm kinh thành, với mối thương yêu mà trời ban cho để anh sống qua những thời kỳ đen tối của trí tuệ cộng đồng. Có một quan hệ, một đường dẫn truyền về hình tượng cắm sẵn trong vùng sáng tạo, khiến chúng ta quay đi rồi trở lại, có thể đi thật xa mà không lạc đường, khi nào mối quan hệ ấy trở thành chất liệu, chúng ta thấy ngôn ngữ và ý nghĩa được sắp xếp đẹp đẽ.

 Da thịt nàng là buổi hừng đông, tóc nàng lấp lánh
 Ta không thể tin đêm qua nàng thiếp ngủ bên ta

Nguyễn Quang Thiều viết nhiều về sự khổ đau, sợ hãi, bóng tối, nhưng thơ của anh cũng đầy hạnh nguyện và tình yêu đời. Bằng cách di chuyển mau lẹ, băng qua những lối tắt, trong những bài đạt tới, anh có thể tìm kiếm lại dấu vết con đường chúng ta đi qua. Nếu đọc lại thơ anh, đọc chậm, thong thả, đặt mình vào tâm trạng người viết, tự cho phép mình can dự vào hành động của các nhân vật, chúng ta có khả năng nhìn thấy cánh cửa, những cánh cửa khác nhau, trong một bài thơ của anh. Khác với nhiều người hiểu, đọc thơ không phải là một hành vi thụ động, đọc là quá trình vận động, một hành vi có chủ ý. Thơ mới ngày nay cần nhiều sự can dự của người đọc, vì bài thơ bao giờ cũng là gợi ý, là dàn bài, là sự phóng chiếu của các cuộc đối thoại lẽ ra đã có thể xảy ra, điều mà anh muốn nói và điều mà anh thực sự đang nói, điều mà chúng ta đọc và điều mà chúng ta thực sự muốn đọc, bởi vì bài thơ không đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng, như nơi ngã ba đường người bộ hành hoang mang lựa chọn. Người đọc phải đi qua ngã ba ấy nhiều lần, lắng nghe, nhìn ngắm, tìm kiếm, đặt câu hỏi với văn hóa đã mất, nương tựa vào bài thơ để thăm dò sự im lặng, phá vỡ sự im lặng, quay về với im lặng, tìm đường trở lại mái nhà xưa, đôi khi bằng cách dấn bước về phía tương lai.
                                                                                                                                                 Nguyễn Đức Tùng
                                                                  Vancouver, Phục sinh 2012