BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn BÌNH THƠ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn BÌNH THƠ. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2023

BÙI GIÁNG VÀ NI CÔ TRÍ HẢI – Trích trong tác phẩm “Đi vào cõi thơ” của Bùi Giáng


Bùi Giáng qua nét vẽ Đinh Cường
 
Bùi Giáng tự viết về mình:
 
BÙI GIÁNG
 
Nguyễn Du
Phạm Thái
Nét vẽ bút bi của Bùi Giáng 1988
 
Những bài thơ “chuồn chuồn châu chấu” của ông quả thật là có ý nghĩa. Nó bay nhẹ vi vu quả có đúng như là phận mỏng cánh chuồn. Vào những buổi sáng mùa đông lạnh lạnh ở Trung Việt, vào những buổi chiều mùa thu ở Bắc Hà, hình bóng những con chuồn chuồn bay lượn cuối ngõ, đầu xuân, quả thật là tha thướt.
Đôi phen mất cái tiết điệu riêng biệt ấy cũng còn tái hiện trong đôi vần phồn hoa, mặc dù ở chồn phồn hoa không bao giờ có chuồn chuồn bay vòng múa lượn.

Bài thơ “Giữa phố” sau đây là một thí dụ:

Thiên tiên đẹp cũng như người
Ngẫu nhiên kỳ ngộ miệng cười nửa môi
Miền xanh đứng bóng mặt trời
Cõi xanh cung nguyệt cạn lời cảo thơm

Đi qua làn gió xanh rờn
Đi về ở lại còn hơn xanh rì
Phút giây đè nặng như chì
Thoảng qua như mộng không kỳ hạn qua

Chiêm bao nàng ghé lại nhà
Môi cười nửa miệng như là ngẫu nhiên
Nửa môi còn ngậm phi tuyền
Tuyết pha in mặt thần tiên như người.

Tuy nhiên vì Bùi Giáng là chỗ quen biết với tôi nên không tiện bàn luận chi nhiều. Chê thì mất lòng nhau. Mà khen thì mang tiếng “mẹ hát, con vỗ tay”.

Dù sao, bài sau đây cũng nên trích thêm vào tập:

Bóng dương buồn ngủ qua chiều
Qua sông tại hạ toan liều dấn thân
Đường sông bóng đổ cơ trần
Gẫm chông gai ấy ai từng đạp qua

Ghì môi cơn mộng la đà
Tiêu dao suốt cõi mù sa bên rừng
Nửa vời trăng rộng mông lung
Đường hoa nghi hoặc tháp tùng ni cô
 
*
TRÍ HẢI

 
Chân dung Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải

Bùi Giáng viết về ni cô Trí Hải:
 
Trí Hải Ni Cô làm thơ cho trẻ con tập đọc. Đọc mấy bài của Ni Cô, chúng ta có cảm tưởng mình biến thành trẻ bé bỏng, được phép gọi Ni Cô là Mẫu Thân bát ngát.
 
dê mẹ ở hè
nó kêu be he
bé cho nó cỏ
và ba lá tre
*
se sẻ qua đò
cú xo té ngã
quạ ta kẻ cả
chê cú hồ đồ
*
chú quạ bị què
lê ra bờ đê
mổ mè no nê
trở vô ngủ lẹ
*
cú ho sù sụ
quạ qua vỗ về
ru cú ngủ mê
ở kề cổ thụ
*
mơ mơ hồ thu
gió khẽ vi vu
tứ bề ngủ cả
như là mẹ ru
*
gió đi lơ ngơ
gò đá bơ vơ
chả có lá gì
cho gió ru mơ
*
khe ca tỉ tê
mà ru đã ngủ
lá kè ủ rũ
mơ xa gió về
*
gió thở vi vu
nghe xa lá đổ
bò dê đi ở
cỏ mơ sa mù
 
AC
thu về man mác
xơ xác chim vạc
ngơ ngác nai tơ
bơ vơ chú hạc
 
AP
mưa sa gió táp
tiêu điều bò cạp
chó Pháp ngáp dài
nhớ nai Hy-lạp
 
AT
mưa sa hạt mát
giải khát lạc đà
cát vàng bát ngát
bãi xa mờ nhạt
 
ANG
gió đi lang thang
lá vàng mang mang
mình nghe lành lạnh
mùa thu đã sang
 
AY
gió nhẹ nhàng lay
lảo đảo vàng bay
ngày thu biền biệt
đất trời như say
 
ĂNG
băng ngàn tìm trăng
mây mù bủa giăng
như màn the rũ
che mặt ả Hằng
 
ĂM
gió rét căm căm
người đi xa xăm
tháng năm biền biệt
quê nhà đăm đăm
 
ĂP
trắng mây về khắp
núi đồi tăm tắp
gió xa sắp về
mây làm cánh chắp
 
        (Thơ Trí Hải)
                                                                          Bùi Giáng

Nguồn:
http://www.vancong.com/_doku/PDF/BuiGiang_DiVaoCoiTho.pdf

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

CẢM NGHĨ VỀ “TỐNG BIỆT HÀNH” CỦA CỐ HÒA THƯỢNG TUỆ SỸ - Nguyễn Hùng Dũng



Hôm nay, nhục thể của thầy Tuệ Sỹ sẽ được hóa thân nơi đài hoàn vũ và sau đó theo di nguyện, hòa vào biển cả, thành mây trời ngao du sơn thủy, ta bà...
 
Bỗng dưng tôi muốn viết vài tâm tình về bài thơ của Tuệ Sỹ có tựa đề “Tống Biệt Hành”; dường như ngẫu nhiên bằng việc viên tịch của Hòa Thượng, trong tang lễ, tôi đọc được câu “Thiên lý độc hành” trước kim quan. Điều đó biểu cảm ước lệ cho “Tống Biệt Hành” mà tôi mặc nhiên chọn, và có thể tôi là người Công giáo đầu tiên mạn đàm về thơ thầy (có thể thôi).
 
TỐNG BIỆT HÀNH
 
Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?
 
Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời.
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi.
 
Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà.
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa.
 
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh.
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh.
 
                                      Thích Tuệ Sỹ
 
Những ngày qua, diễn đàn online sôi sục nhiều bài viết về vị chân tu siêu việt này, dễ cả trăm năm mới có đuọc thiền sư uyên bác và thâm sâu như thầy Tuệ Sỹ... làm cho kẻ đối đầu phải thán phục trước khí tiết “Uy vũ bất năng khuất” phi phàm và Phật học vô biên của Hòa thượng Tuệ Sỹ. “Cọng lau nằm xuống mà đại ngàn rung chuyển”
Tôi không lạm bàn điều đó thêm, chỉ có thể dám cảm nghĩ về thơ của thầy qua bài “Tống Biệt Hành”

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

PHIẾM LUẬN VỀ BÀI BÌNH THƠ “TUỆ SỸ” CỦA BÙI GIÁNG - La Thụy

Tiếc thương Hòa thượng Thiền sư Thích Tuệ Sỹ viên tịch chiều 24.11.2023. Trong niềm suy niệm về Tuệ Sỹ khi Thầy vừa tạ thế, chúng ta hãy cùng thắp nén hương cầu nguyện cho linh thức của Người được siêu thoát.
 

PHIẾM LUẬN VỀ BÀI BÌNH THƠ “TUỆ SỸ” CỦA BÙI GIÁNG

Trong quyển “ĐI VÀO CÕI THƠ”, Bùi Giáng viết về Tuệ Sỹ:
 
“Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u...
Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:
 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
 
Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ Ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:
 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty
 
Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình.
 
Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ “KHÔNG ĐỀ” của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ”

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

BÙI GIÁNG VIẾT VỀ THƠ TUỆ SỸ


Tuệ Sỹ - Tác phẩm của Dominique de Miscault
 
Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u...
 
Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:
 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
 

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

ĐỌC “CHỜ ĐẾN THIÊN THU MỘT BÓNG NGƯỜI” THƠ PHƯƠNG TẤN - Châu Thạch


   
                                   Nhà thơ Phương Tấn

 
CHỜ ĐẾN THIÊN THU
MỘT BÓNG NGƯỜI
 
Chiều xuống sâu buông tiếng thở dài
Đêm Sài Gòn chạm bóng thu phai
Có cô gái nọ ngồi hong tóc
Ngỡ gió lùa mây xỏa xuống vai.
 
Sóng cuộn đời sông, sông bạc phếch
Giang hồ xếp vó tự bao năm
Nhớ em mình nhớ thời yêu mệt
Ngóng mãi bên đường bóng biệt tăm.
 
Ai lỡ đưa người qua bến sông
Hình như bến lạc sóng mênh mông
Sóng xô thuyền mắc bờ nước lạ
Mình, kẻ lạc loài giữa gió đông.
 
Và như pho tượng bên triền núi
Chờ đến thiên thu một bóng người
Chờ đến xuân già sông rã nhánh
Ô hay, mình cứ tuổi hai mươi.

                      (Sài Gòn 2017)
                        Phương Tấn

 
ĐỌC “CHỜ ĐẾN THIÊN THU MỘT BÓNG NGƯỜI” 
       THƠ  PHƯƠNG TẤN - Châu Thạch

           

Nhà thơ Phương Tấn được GS Nguyễn Đại Hoàng gọi là “Nhân vật văn chương” bởi những cống hiến của ông cho nền văn học nước nhà. Với tôi nhà thơ Phương Tấn còn là một “Chàng trai trẻ mãi” bởi trong bài thơ “Chờ Đến Thiên Thu Một Bóng Người” tác giả đã chờ em “chờ đến thiên thu”, đã chờ em “chờ đến xuân già xuân rã nhánh” mà vẫn thấy mình “Ô hay, mình cứ tuổi hai mươi”.
 
Thật vậy, đọc “Chờ Đến Thiên Thu Một Bóng Người” của Phương Tấn ta sẽ thấy tình yêu dầu có “Chạm bóng thu phai”, dầu có thành “Sông bạc phếch”, dầu có “Bóng biệt tăm”, dầu có “Xuân già rã nhánh”, dầu có “chờ đến thiên thu” thì nó vẫn tuổi hai mươi. Tất nhiên đó là thứ tình yêu lớn của những con tim si tình mà đời ca tụng như Kim Trọng, như Phạm Thái, như Hàn Mạc Tử và như Phương Tấn trong bài thơ nầy.
 
Đọc khổ thơ đầu của bài thơ ta thấy một Sài Gòn buồn, một nỗi buồn êm ái bàng bạc trong không gian, xỏa xuông vai, hong lên tóc và thấm thía vào tâm hồn:
 
Chiều xuống sâu buông tiếng thở dài
Đêm Sài Gòn chạm bóng thu phai
Có cô gái nọ ngồi hong tóc
Ngỡ gió lùa mây xỏa xuống vai.
 
“Chạm” là đụng nhẹ nhưng “Chạm” cũng là chạm trổ. “Thu phai” có thể hiểu là mùa thu phai lá, có thể hiểu màu thu đã nhạt, hay hiểu là đã cuối mùa thu cũng đúng. Vậy câu thơ “Đêm Sài Gòn chạm bóng thu phai” là đêm Sài Gòn vào cuối mùa thu, hoặc có hình bóng mùa thu trong quá khứ chạm khắc vào trong đêm Sài Gòn hiện tại. Nói rõ hơn, “Đêm Sài Gòn chạm bóng thu phai” có hai nghĩa. Một nghĩa là đêm Sài Gòn hiện tại đã vào độ cuối thu. Một nghĩa khác là đêm Sài Gòn hiện tại khắc ghi những kỷ niệm mùa thu Sài Gòn trong qúa khứ xa xưa.
 
Dầu hiểu như thế nào thì hình ảnh cô gái ngồi hong mái tóc của mình trong đêm mùa thu Sài Gòn đẹp vô cùng. Hình ảnh đó nên thơ hơn cô gái mặc áo lụa Hà Đông làm cho nắng Sài Gòn chợt mát. Nên thơ hơn bởi vì hình ảnh đó cùng với “tiếng thở dài” của Sài Gòn trong đêm len lỏi vào tâm hồn ta nỗi sầu nhè nhẹ vấn vương, vuốt ve nỗi nhớ một Sài Gòn xa xưa ngày nay không còn nữa.
 
Khổ thơ thứ hai là sóng gió, là lênh đênh, là chia ly với nỗi nhớ triền miên mà tác giả ôn lại đời mình trong đêm Sài Gòn:
 
Sóng cuộn đời sông, sông bạc phếch
Giang hồ xếp vó tự bao năm
Nhớ em mình nhớ thời yêu mệt
Ngóng mãi bên đường bóng biệt tăm.
 
Nhà thơ đã ví đời mình như con sông. Con sông có sóng cuộn đến bạc phếch là con sông lớn. Đời người như con sông lớn thì thăng trầm nhưng đầy ý nghĩa.
 
Câu thơ “Giang hồ xếp vó tự bao năm” bày tỏ thêm tư cách người trong thơ. Đó không là Dũng trong tiểu thuyết Đôi Bạn của Nhất Linh thì cũng là chàng trai được đưa qua sông của Thâm Tâm trong “Tống Biệt Hành”, hoặc là chàng tráng sĩ gọi đò trên Bến My Lăng của Yến Lan, hay có thể là một Phạm Thái dừng chân xếp vó để mài gươm dưới nguyệt. Dầu chàng là ai thì hình ảnh sóng trên sông lớn và xếp vó giang hồ cũng nói lên được tư cách anh hùng, hảo hán của một con người.
 
Con người hảo hán đó còn mang nặng một mối tình theo suốt cuộc giang hồ, với những thăng trầm của cuộc sống. Tình yêu đó có từ thời “Yêu mệt” có nghĩa là yêu nhiều, yêu say đắm. Tình yêu đó chia ly vì sao ta không biết nhưng để chàng trai giang hồ mang nặng trong tim và ngóng chờ mãi trên mọi nẽo đường phiêu linh của chàng.
 
Hai khổ thơ một và hai đưa ta vào một khung trời trầm lắng. Trong khung trời trầm lắng đó có tiếng thở dài của vạn vật hòa với tiếng sóng dậy lên trong lòng. Hình ảnh cô gái ngồi hong tóc xỏa xuống vai như gió lùa mây, hình ảnh sóng cuộn trên dòng sông lớn, rồi bước chân giang hồ, rồi xếp vó ngồi nhìn con đường xa xăm biệt bóng người, tất cả sự xao động như khắc vào hình bóng thu phai của một bức tranh tỉnh lặng. Điều đó khiến khi đọc thơ, ta nghe tiếng thở dài của buổi chiều xuống sâu lắng, tràn ngập trong lòng ta một thứ hương tình yêu thắm thiết trong trầm tư, tịch mịch, cô liêu. Thơ như thế là thứ thơ đem cho ta nỗi buồn diệu vợi, nỗi sầu quyện vào hồn ta thứ tình say đắm.
 
Rồi thì khổ thơ thứ ba là sự ân hận của một lần “Ai đã đưa người qua bến sông”. “Ai” chính là người ấy. Người ấy đưa ta qua sông để người ấy và cả ta “Như có tiếng sóng ở trong lòng”. “Người đi? Ừ nhỉ người đi thật”. Tâm trạng người đi và người đưa tiễn lúc ấy chẳng khác chi tâm trạng trong bài thơ Tống Biệt Hành của Thâm Tâm. Để rồi khi qua sông rồi thì “Hình như bến lạc sóng mênh mông”, người đi không quay về được nữa:
 
Ai lỡ đưa người qua bến sông
Hình như bến lạc sóng mênh mông
Sóng xô thuyền mắc bờ nước lạ
Mình, kẻ lạc loài giữa gió đông.
 
Bài thơ “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm thì không đưa người qua sông, còn khổ thơ nầy của Phương Tấn thì đưa người qua sông, nhưng chắc chắn tâm sự hai người đưa li khách đi đều giống nhau, đều phải nhận chịu nỗi đau và thổn thức như Thâm Tâm đã thổn thức: “Mây thu đầu núi, giá lên trăng/Cơn lạnh chiều nào đổ bóng thầm/Ngừng ở bên trời nghe tiếng khóc/Tiếng đời xô động tiếng lòng câm”. Thế nhưng khác với “Tống Biệt Hành” người đi thề không quay lại nếu chưa tròn chí lớn, còn đối với Phương Tấn thì người đi đã bị “Sóng xô thuyền mắc bờ nước lạ”, dầu muốn quay lại cũng chẳng thế nào quay lại!
 
Qua khổ thơ chót Phương Tấn biến thành hòn đá như hòn đá vọng phu, đứng chờ thiên thu bên triền núi, đợi người yêu của mình quay lại:
 
Và như pho tượng bên triền núi
Chờ đến thiên thu một bóng người
Chờ đến xuân già sông rã nhánh
Ô hay, mình cứ tuổi hai mươi.
 
Đây là một khổ thơ như sông núi hùng vĩ, như vách đá trường tồn, như tùng bách đứng sừng sững giữa phong ba, như mùa xuân chín, như dòng sông chảy mãi vô biên, như đất trời tán dương tôn vinh một mối tình tươi trẻ hoài qua năm tháng. Khổ thơ có 4 câu thơ kết, tuyệt vời cho một bài thơ hay, nó như lời thề non nước, nó như tiếng vọng ngàn thu, nó như một phán quyết cuối cùng mà thiên thu không làm lay chuyển được.
 
Bài thơ “Chờ Đến Thiên Thu Một Bóng Người” mở đầu bằng một tiếng thở dài của không gian chiều, đóng lại bằng một pho tượng đứng thiên thu bên triền núi, để nói về một khối tình thủy chung mãi mãi, một tình yêu sống mãi, trẻ mãi không già. Thứ tình đó nếu là tình yêu trai gái, thì sẽ là tầm thường với người có chí lớn. Đối với người từng giang hồ qua sóng nước mênh mông, bất đắc chí vì bị “Sóng xô thuyền mắc bờ nước lạ” thì tình yêu thiên thu đó để dành cho chí tang bồng của mình, vì sông vì núi, vì hạnh phúc con người, vì lý tưởng cao xa. Từ đó ta sẽ hiểu nối lòng của tác giả chờ đợi một người hay chờ đợi một Sài Gòn đẹp lại như xưa tùy theo ý của ta. Dầu ý ta hiểu thế nào thì bài thơ vẫn lung linh một khối ngọc tình làm ngây ngất mắt ta nhìn, tai ta nghe và tâm hồn ta đồng cảm.
                                                    
                                                                                     Châu Thạch

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2023

ĐỌC BÀI THƠ “QUA PHỐ” CỦA THÙY LINH – Châu Thạch


   
                  Nhà thơ Thùy Linh


QUA PHỐ
 
Hôm qua có người qua phố
Bên thềm chiếc lá vàng rơi
Hình như đông về rồi nhỉ?
Sương giăng trên mắt cỏ buồn
 
Chiều qua mưa về ướt tóc
Phố quen chẳng thấy chim chào
Hoàng lan nghiêng mình cười khẽ
Giữa trời rơi giọt mưa ngâu
 
Đêm qua sao khuya đi vắng
Bài thơ lạc mất một vần
Ngủ quên thơ bay theo gió
Ai người nhặt hộ... cảm ơn
 
                         Thùy Linh
                           27/10/23
 

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

ĐỌC “CÁNH CÒ QUA SÔNG” THƠ TRẦN MAI NGÂN - Châu Thạch


CÁNH CÒ QUA SÔNG
 
Chiều nay mênh mông mênh mông
Cánh Cò trắng bay qua sông qua sông
Nước lũ tràn về ngập đồng
Cánh Cò bay trong bão giông một mình…
 
Đôi cánh chao nghiêng tội tình
Chở lao đao nỗi buồn in bóng nước
Thân Cò lặn lội sau trước
Thương sáng chiều trăm vết xước đường bay…
 
À ơi… đôi cánh chẳng may
À ơi… chập chùng đường dài quạnh quẽ
Cánh Cò về - con chờ mẹ
Đường chông gai mẹ mạnh mẽ vượt qua…
 
 
Chiều nay mênh mông mênh mông
Cánh Cò trắng bay qua sông qua sông…

                                          Trần Mai Ngân

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

ĐỌC “VÀO TRẠI PHUNG QUY HÒA LÀM THƠ GỬI HÀN MẠC TỬ” THƠ PHƯƠNG TẤN - Châu Thạch


  
 
VÀO TRẠI PHUNG QUY HÒA
LÀM THƠ GỬI HÀN MẠC TỬ
 
Ta cười cợt với yêu ma xương cốt
Thoáng trong mây rờn rợn bát trăng sầu
Đất sẽ ướt tình ta như chuột lột
Trời cũng buồn như lớp lớp mộ bia.
 
Ta nhảy nhót với bóng ta vã xuống
Một đời vui đem gói lại cho người
Một đời buồn gửi lại ở bên ta
Trong khuya khoắt nụ tầm đông chợt nở.
 
Ta sẽ sớt hồn ta cho cây cỏ
Cây sẽ xanh và cỏ hết bạc lòng
Ta sẽ thả hồn ta cho trời đât
Trời ra hoa và đất hết vô tâm
 
Ta vui quá ôi chao ta vui quá
Dịch Thủy buồn đâu vì lỗi Kinh Kha
Trong tiếng kêu có chút gì là lạ
Sao dưng không thinh lặng đến vô thường.
 
Nơi quạnh vắng cõi lòng ta thăm thẳm
Ấy bao dung lồng lộng gửi cho người
Trong chiu chắt tình ta phơi phới lắm
Ngó xuống đời bạc phếch tuổi hai mươi.
              
                                         Phương Tấn             
                                     (Quy Nhơn 1973)

ĐỌC “VÀO TRẠI PHUNG QUY HÒA LÀM THƠ GỬI HÀN MẠC TỬ” THƠ PHƯƠNG TẤN
                                                              Châu Thạch
 
Thơ Phương Tấn có nhiều bài đọc thấy hay và dễ hiểu. Thơ Phương Tấn cũng có nhiều bài đọc khó hiểu, khó hiểu mà vẫn biết hay, như nhìn một bức tranh trừu tượng với nét vẽ ẩn dụ nhiều ý tưởng. Những ý tưởng ấy, mơ hồ trong sâu xa ta cảm nhận được sự “Trong sáng vô biên và quyến luyến” của nó . Tôi không đủ trình độ để xác nhận những bài thơ như thế có phải là thơ siêu thực hay không, nhưng thật sự đọc những bài thơ ấy ta cảm nhận được hư và thực lẩn lộn trong nhau như một giấc mơ đem đến cho ta những cảm xúc phiêu bồng, tưởng mình được nhẹ như chỉ có linh hồn bay trong cõi thơ hư hư, thực thực!