BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

RẠP XI NÊ ĐẠI CHÚNG TỈNH QUẢNG TRỊ - Đinh Hoa Lư


                Rạp xi nê Đại Chúng theo đồ hoạ của Trương Quốc Hòa                                             

Tôi hay viết về QUẢNG TRỊ, nhắc lại thành phố cũ mà quên đi cái rạp xi nê (CINEMA) hay rạp chiếu bóng thì thật là thiếu sót lớn. Tôi cho rằng nhắc về hình ảnh kỷ niệm xưa trong đó có một rạp xi nê không cứ do nội dung cuốn phim mà là hình ảnh một rạp chiếu bóng thôi. Cũng như nhắc đến những gánh hàng rong dân dã một thời do không phải thời này không có, mà là vì một hình ảnh giờ không còn tồn tại, đã trôi hết vào quá khứ xa vời. Hôm nay có bạn đọc thấy người viết kể lại gánh hàng bún xáo Quảng Trị mà xúc động nhớ về gánh bún thịt nướng bên thềm rạp Đại Chúng. Bạn đọc này kể rằng:
 
"Ơn HLĐ đã nhắc đến bún xáo QTrị và từ "kéo ghế" của xứ mình. Làm tôi nhớ lại phở gõ ở Huế trong những năm tháng định cư lai thí.
Cứ mỗi chiều về khi nghe tiếng gõ lốc cốc thì gọi vào nhà trọ, những tô phở nhỏ gọn bốc hơi và mũi thơm quyện lên hưởi nghe là thèm.
Cũng cùng hương quê nhà này tôi còn nhớ tô bún thịt nướng tại thềm sân rạp chiếu phim Đại Chúng Quảng Trị. Với tuổi trẻ, cái hương vị thơm ngon của tô bún thịt nướng Đại Chúng hồi đó làm tôi còn nhớ và lưu luyến đến ngày hôm nay, cái ngon không chỉ của thực phẩm mà còn thêm gia vị của củ hành chua thật là đậm đà béo ngọt cay nồng ấm áp vào những chiều có mưa bay lất phất.
HLĐ có biết nhớ chỗ này không?  Xin cho một vài cảm nhận có thậtt không, hay chỉ là cảm nghĩ của riêng tôi về quê hương thương nhớ Quảng Trị của chúng ta.
Cảm ơn Đinh Hoa Lư và chúc bạn vui khỏe."
 
Trước hết người viết cám ơn bạn đọc đã nhắc đến mấy sạp hàng vặt trước khi vào xem phim. Đúng! Đinh Hoa Lư có nhớ thấp thoáng có hàng bún thịt nướng cạnh rạp nhưng chưa có cơ hội ngồi xuống ăn một tô. Gánh này có sau mấy cái sạp hàng vặt như đậu phụng rang, bánh kẹo nhất là trái cây dân dã từ miệt rừng núi QT như Nam Đông Tân Lâm Cam Lộ... chở vô. Nào sim nào ổi quít tắt chen lẫn mấy khúc mía ngọt ngào cho khách xem phim mua vào rạp. Nhớ cách gói đậu phụng rang nguyên hột: đậu phụng rang thơm giòn nguyên vỏ gói thành những gói chóp nhọn không nhiều. Về đêm mới vui. Những sạp hàng này, vào cổng là thấy ngay. Những bóng đèn điện treo tạm đong đưa vui mắt. Trước khi vào mua vé khách thấy vui vui nhờ vào những hình ảnh thân thương của bà con mình...
 
Tưởng cũng xin nhắc lại một chút về tôi, do thuở đó tôi là một đứa bé "ghiền xi nê" vô cùng! Và coi phim thì một thời chỉ đi vé dưới hạng chót: nghĩa là 'dúi' cho chú Sinh vài ba đồng là chạy tọt vào trong...
 
Riêng với các bạn hiện nay đang sinh sống tại thành phố Quảng Trị mới xây dựng sau này  thì cái danh từ "rạp xi nê" chắc hẳn đã vào quá khứ. Phương tiện hiện đại biết bao nhiêu thứ giải trí đến nỗi gì phải vào rạp xi- nê như tôi vừa nói. Hơn nữa Quảng Trị giờ này chưa hẳn đã có ai đầu tư vào loại rạp này. Tôi vẫn mong kể lại vì tôi hi vọng các em thế hệ sau này có thể hình dung hình ảnh xa xưa - một thành phố thật sự xóa nhòa.
 
Rạp ciné Đại Chúng có khoanh dấu tròn trong không ảnh
 
Hiện nay nền đất cũ của rạp Xi nê Đại Chúng xưa là 
THÁP CHUÔNG THÀNH CỖ (hình Võ thị Ngọc Anh, làng Nại Cữu)
  
Sau lưng tòa hành chánh cũ có nhà Đại Hội, ngó qua chênh chếch là Tòa Án Quảng Trị, đều nằm theo đường Trần Hưng Đạo. Nhà Đại Hội chỉ để hội họp hay các buổi ca vũ nhạc kịch do chính quyền hồi đó tổ chức. Nhưng rạp xi nê Đại Chúng đã đi vào "lịch sử giải trí " của người dân Quảng Trị. Nó nằm ngay cuối đường Trần Cao Vân; tôi nhớ mang máng là của bà chủ cây xăng Shell tại bến xe Nguyễn Hoàng hồi đó [theo bác Hoàng Xuân Định thì chủ cây xăng này là chủ tiệm ăn Như Ý hồi xưa tại Quảng Trị].
Truyện kể ở đây phải là lúc chưa có cái T.V trắng đen, và thiên hạ kể cả thằng bé như tôi chưa hình dung ra TV là gì!
Như thế, niềm vui giải trí về hình ảnh, hay nói khác đi là "Nghệ thuật thứ bảy" cho dân thành phố dạo này chỉ còn cái rạp xi nê Đại Chúng thôi.
Tôi là đứa "ghiền xi nê, mê xi nê", đến nỗi còn hằn sâu trong trí nhớ cảnh 'làm nũng' với mạ tôi do mỗi khi mạ tôi không còn cho vài ba đồng nữa là tôi 'kéo mền- quăng gối' làm 'nư' cho được mới nghe!?
 
Sung sướng làm sao khi mạ tôi 'thua' thằng con trai "cưng"! có được ba đồng ($3) trong tay tôi 'te- còng' chạy mau tới rạp Đại Chúng. Tôi xin thưa với bạn đọc rằng: ngang đây không phải là tôi dám tới mua một vé hạng trẻ em ($5.)-  hạng chót- mấy dãy ghế ọp ẹp gần sát với tấm màn trắng khổng lồ.  Ba đồng - có nghĩa là tôi "lấm lét" chen tới gần bác giữ cửa tức là bác Sinh, tôi còn nhớ tên,"chuồi' cho bác có chút "tiền bỏ túi" thế là "a- lê -hấp" tôi chạy tọt vào trong.
  
Rõ khổ! hạng trẻ em tức là 5$, ngồi trước, ngăn cách với các hạng người lớn tức là hạng ba tới hạng nhất một hàng rào kẽm gai. Cũng khổ cho mấy đứa nhỏ ít tiền phải ngồi trước tức là chịu đựng mùi "khai nồng " từ mấy lỗ tiểu hai bên ở phía trước. Thế mà chẳng đứa nào ca cẩm than phiền gì? Vào được trong rạp là "sướng như tiên' dù "chuồi' cho bác Sinh hay mua vé 5 đồng cũng là con nít, chẳng ai để ý. Bạn đọc thấy đó, tên bác giữ cửa tôi còn nhớ, chứng tỏ tôi là khách "thường trực" của rạp Đại Chúng rồi.
 
Phía sau cùng là hạng nhất, giá vé tôi còn nhớ khoảng 20$ (có nghĩa là bằng 4 tô bún bò thời giá lúc đó). Còn trên đầu hạng nhất là balcon tức là hạng lầu 30$. Tôi quên kể rằng hạng nhất nhì và lầu có thể cho kèm theo 1 em nhỏ miễn vé. Em nhỏ này là con em họ nhưng nếu hảo tâm họ có thể dắt em nào sạch sẽ cho vô theo, cũng thế thôi, chẳng ai quan tâm tò mò. Khổ nỗi tôi chẳng dám xin ai bao giờ!
 
Giây phút vui thú nhất là lúc đèn phụt tắt. Trước tiên lúc nào cả rạp cũng phải chào quốc kỳ, phim thời sự VN của bộ thông tin, rồi đến phim chiếu dạo để ‘chào hàng’ các phim mà bà chủ sắp thuê từ HUẾ ra kỳ sau. Tôi thỉnh thoảng liếc nhìn những lằn sáng trắng từ 3 cái lỗ vuông sau lưng hạng lầu đang thay nhau làm việc. Chúng thi đua chiếu tới cái màn trẳng cao, rộng thênh thang trước mắt. Đừng có trở ngại kỹ thuật nghe! vì mỗi lần có trở ngại là thiên hạ la hét chí chóe điếc cả tai tôi, tiếng huýt gió, gõ ghế, cười cợt ôi thôi đủ loại âm thanh. Tội cho chú chiếu phim! chắc chú đang "lính qua lính quýnh" trên đó.
 
Hercules và Samson thiên thần sức mạnh
  
Mấy anh chị lớn thì mê phim tình cảm còn gọi là phim Pháp. Nhưng những loại "siêu phẩm" thì mấy khi ra đến thành phố địa đầu giới tuyến này, nên mấy vị hay vô Huế coi. Còn tôi thì mê phim Hercules, Samson mạnh như thiên thần. Những tảng đá lớn Hercules, Samson bưng nhẹ như chơi. Sau này thì phim cao bồi Django, chú cao bồi vừa cỡi ngựa vừa bắn súng "đoàng đoàng " thật oai. Còn phim Ấn Độ khi nào cũng "ế khách" vì vừa phim trắng đen lại khi nào cũng múa hát. Trai gái ưa nhau, phải tình nhau xong là đến màn vừa múa vừa đuổi theo nhau tán tỉnh. Chuyện mới kỳ cho phim Ân Độ- phim đóng tân thời cũng múa và hát theo nhịp trống--không có không được.
 
DJango 1966 (Sergio Corbucci)
 
Té ra ai ai trong cái thành phố này cũng "mê xi nê" như tôi mới lạ. Tôi thương cảm cái thành phố bé nhỏ này là vậy đó. Nhớ về những buổi phim hay, thiên hạ mua vé đứng chờ vào cửa nhưng mấy cuốn phim thì đang trên "đường thiên lý", có thể phim còn 'bon bon' chạy trên chiếc xe đò Huế -  Quảng Trị, chưa về đến bến Nguyễn Hoàng cũng nên? 
Người này hỏi người kia- rồi người kia hỏi người nọ:
- Phim về chưa mi?
- Răng xe chạy chậm dữ rứa?
 
Thiệt tội! nhưng rồi cái gì đến sẽ đến thôi. Khoảng gần hai giờ chiều, chiếc xích lô đạp đổ phịch trứơc cửa rạp. Trên xe, chồng phim còn nằm trong cái bao bố hở miệng. Mọi người đồng loạt reo lên, mừng rỡ như thấy đứa con đi lạc phương xa mới về. Khách ùn ùn vô cửa. Chú chiếu phim hấp tấp vác chồng phim hình bánh xe đi mau lên lầu...
 
Lý Tiểu Long
 
Thời gian sau này những phim võ hiệp Hồng Công Đài Loan với những siêu phẩm quyền cước làm người thành phố Quảng Trị mê mệt. Từ Khương Đại Vệ, Địch Long và sau này là Lý Tiểu Long... đều là thần tượng quyền cước trong lòng bao lứa trẻ cũng như tôi trong đó. Nhớ làm sao những cú đá liên hoàn hay cú đấm thần tốc của Lý Tiểu Long! Người kể còn nhớ rạp xi nê Đại Chúng chỉ chiếu đến Đường Sơn Đại Huynh còn chờ Mãnh Long Quá Giang. Rồi phim Việt Nam đang say mê với Chân Trời Tím còn chờ Nắng Chiều thì Quảng Trị...CHẠY?
 
Hùng Cường - Kim Vui trong phim “Chân trời tím”
 
Thật tiếc làm sao!
Thú giải trí của người thành phố Quảng Trị có gì đâu? Dĩ nhiên chỉ còn rạp phim Đại Chúng là số một!
 
***
Gần qua đầu thập niên 1970, sau vụ nổ lựu đạn trong rạp, Đại Chúng sang lại cho một bà chủ giàu có Ấn Độ nghe đâu tên là "Fatima" hay gì đó? Rạp mang tên mới là KIM CHÂU. Ngoài Kim Châu ra, Quảng Trị chẳng có thêm cái mới ngoại trừ cái tháp nước máy khổng lồ mới xây bên cạnh. Người kể nhớ không lầm, nước máy này chưa hoạt động gì thì đã xảy ra chuyện 1972 Mùa Hè Đỏ Lửa.
 
Đã nửa thế kỷ qua, nếu giờ đây các em nhỏ đang sống trong thành phố Quảng Trị chỉ quen giải trí với thế giới digital, của remote, của điều khiển từ xa cùng bao nhiêu phương tiện hiện đại -  nào TV màu với nhiều phim truyện dài lê thê hàng cả trăm tập! nào compact disc, DVD, youtube, online...! Kể không hết. Có thể đến một thời điểm chúng ta không còn hứng thú hay rung động với một khúc phim hay bản nhạc nào nữa. Do mọi thứ đều trong tầm tay, quá sẵn! quá dễ dàng và nhất là quá 'thừa mứa'?!
 
Trở ngược thời gian khi một thành phố chỉ có một rạp xi nê, khi TV chưa phải là hình ảnh phổ thông cho mọi nhà, người thành phố chắc hẳn phải thích thú sau những buổi đi vào Đại Chúng. Một thời, khi người ta chưa hề nghe Internet là gì hay có nhiều phương tiện giải trí như thời đại hôm nay. Có nhiều niềm nhớ về một thành phố năm xưa.  Lưu lạc bốn phương trời, nhưng vẫn còn lắm kẻ ra đi còn nhớ về ĐẠI CHÚNG, một rạp xi nê một thời thủy chung với số phận của một thành phố nay đã chìm khuất trong dĩ vãng xa vời.
 
                                               Edit by Đinh Hoa Lư  27/6/2021 USA
  

Không có nhận xét nào: