BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Hữu Ngư. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Hữu Ngư. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2024

NÁO LOẠN NHẠC VIỆT! – Trần Hữu Ngư



Tôi nghe nhạc Phú Quang:   
Em ơi Hanoi phố, Hanoi ngày trở về, Nỗi nhớ mùa đông, Đâu phải bởi mùa thu, Mơ về nơi xa lắm… 
Tôi nhớ anh.
Anh sinh năm 1949, tại Phú Thọ, tên đầy đủ Nguyễn Phú Quang, tên thánh Phero Nguyễn Phú Quang. Qua đời năm 2021 tại Hanoi. 
Và nhớ một câu nói của: NÁO LOẠN NHẠC VIỆT! 
Tôi cũng đã nói nhiều về vấn đề này, nhưng hình như tôi không phải là nhạc sĩ, nên tôi nói không có ai nghe! Thôi, xin đăng lại ý kiến của cố nhạc sĩ Phú Quang, dù sao anh cũng là nhạc sĩ Hà Nội nổi tiếng, may ra nói còn có người nghe.
  
Sau 75, tôi nghe nhạc Phú Quang, Dương Thụ, Phó Đức Phương, Trần Tiến… nghe để thay đổi không khí, vì sợ nghe nhiều Boléro… bị lú! (như ông ca sĩ thiên thần có cánh ở Hà Nôi nói về người nghe Boléro) và nghe để so sánh giữa cũ và mới có gì lạ không?
  
Tôi đã nghe nhạc viết về Hà Nội từ những ngày còn rất trẻ, phải công nhận rằng những ca khúc viết về Hà Nội của nhạc sĩ bên này, hay bên kia, cũ hay mới đều hay. Tôi đã từng mê giọng ca Ngọc Tân trong những tình khúc viết về Hà Nội, trong đó có bài hát của nhạc sĩ Phú Quang.
  
Tiếc rằng nhạc sĩ Phú Quang qua đời rất trẻ (1949-2021). Anh ra đi, để lại cho thế hệ này và mai sau những nhạc phẩm khó quên: Em ơi Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu, Mơ về nơi xa lắm, Nỗi nhớ mùa đông
  
Trên trang mạng “Báo mới” tháng 2.2017, có đăng ý kiến của nhạc sĩ Phú Quang như sau:
  
“… Đài truyền hình Việt Nam đang làm náo loạn nhạc Việt!...
   Nói ra tôi sợ nhà đài Tuyền hình Việt Nam tự ái, không hài lòng nhưng quả thật truyền hình đang làm náo loạn môi trường sáng tác nhạc…”.
  
Và Phú Quang tiếp tục có ý kiến:
   
“… Có các ca khúc vừa được các nghệ sĩ trẻ viết xong đã được truyền hình, giới thiệu theo kiểu: Những bài hát Việt hay nhất. Tôi không hiểu họ căn cứ vào đâu, thử thách ở đâu, theo tiêu chuẩn, hội đồng thẩm định nào để nói rằng những bài hát đó vừa sáng tác là những bài hát Việt hay nhất, mà những bài hát đó thậm chí còn chưa tròn vành, rõ chữ rõ nghĩa.
  
Hay có những bạn trẻ mùa trước là thí sinh, mùa sau đã chễm chệ ngồi vị trí huấn luyện viên, giám khảo. Các vị giám khảo đó đôi khi còn hát sai lời, sai nhạc, thậm chí một nốt nhạc bẻ đôi không biết, không hề có kinh nghiệm, kiến thức cơ bản, nhưng người ngồi ghế bình luận nhận xét như ai. Như vậy là chúng ta đang khiến cho âm nhạc Việt đi xuống, thậm chí biến dạng và suy đồi…”
  
Đây là những lời tâm huyết, đúng và đủ của nhạc sĩ Phú Quang, mà các nhà Đài, TV, Nhạc sĩ, BTV, MC cần phải “phản tỉnh”. “Xin đừng làm náo loạn nhạc Việt”. Một lời nói đau quá cho những ai còn chút văn hóa, có lòng tự trọng, nhưng lại “Phớt tĩnh Ăng Lê” cho những MC lợi dụng Âm nhạc để đánh bóng tên tuổi mình. (Lợi dụng bài hát, để MC xuất hiện trên TV, và những bài hát được cho là hay đó, bây giờ nó ở đâu rồi? Thường thì “lời nói có cánh” của MC hay hơn bài hát!)
  
Riêng tôi, xin có ý một chút suy nghĩ như sau:  
Từ thời kỳ đầu những bài hát Việt đầu tiên ra đời cho đến năm 1975, chúng ta không có nhạc sĩ nữ (?). Sau 1975 xuất hiện nhạc sĩ nữ, điều này chứng tỏ sáng tác ca khúc là một thị trường hấp dẫn và dễ nổi tiếng, và nở rộ những năm gần đây như ca sĩ nữ kiêm luôn nhạc sĩ sáng tác ca khúc.
 
Bây giờ, ra ngõ là gặp nhạc sĩ, thức một đêm sáng ra thành nhạc sĩ, có không ít những ông bà nhạc này, xin lỗi, có người “chưa sạch nước cản”, không biết viết cái khóa Sol bắt đầu từ đâu, viết nhạc như kẻ mộng du, dùng những từ khó nghe, những nốt chói tai, viết theo kiểu làm dáng, đưa cái tôi kệch cỡm… vậy mà được nhà đài lăng xê là nhân tài, với những lời bình luận của phát thanh viên như có cánh, nhưng chưa kịp nghe nó đã biến mất!
   
Nhìn chung những loại bài hát này nó không khác gì một bài văn của những học sinh cấp một, cấp hai được ghép vào những nốt nhạc để thành một bài hát, mà báo đài cho là tài năng trẻ! Sáng tác ca khúc đâu có dễ, cuộc đời viết nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn… đâu có nhiều! (Nghe đâu Văn Cao có tới ba nhạc phẩm Trương Chi, nhưng cuối cùng ông chỉ chọn có một?).
  
Ngày nay Việt Nam có rất nhiều nhà phê bình âm nhạc, cả trong lẫn ngoài nước, cho nên mới có tình trạng ca sĩ trong nước và hải ngoại ngồi ghế giám khảo. Còn về lĩnh vực sáng tác nhạc thì “trăm hoa đua nở”, những nhạc sĩ chỉ có một vài bài nghe được, những ca sĩ có giọng hát chỉ “hơn giọng hát ở đám cưới”, vậy mà họ được lên TV thường xuyên, chương trình nào cũng có họ, lại còn mở lớp dạy ca sĩ hát hay, dạy sáng tác nhạc hay!
   
Việt Nam có một nền văn hóa cao nhất thế giới: Ở bất cứ nơi đâu chúng ta cũng bắt gặp ca sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ… có thể nói nhiều như “cá nuôi bè”. Lớp nhạc sĩ đàn anh, cha, chú… đã qua đời, hoặc còn sống nhưng không sáng tác được nữa, chỉ trông chờ vào lớp trẻ. Nhưng sau vài chục năm nay, những người yêu mến âm nhạc chờ đợi những bài hát hay, mới, nhưng họ thất vọng và tự hỏi, tương lai, bài hát Việt có còn nữa không?
  
Xin thành kính đốt cho nhạc sĩ Phú Quang một nén nhang lòng. Cám ơn anh đã lên tiếng vì một nền âm nhạc nước nhà.
  
                                                                                     Trần Hữu Ngư

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

MAI RỪNG MỘT THỜI ĐỂ NHỚ - Trần Hữu Ngư


    Mỗi năm cứ đến 25 tháng Chạp, dạo một vòng quanh Saigon là thấy mai. Những chậu mai lớn nhỏ đủ kiểu, miền Trung xuôi  Nam, miền Tây “ghé bến Saigon”.
    Nhìn mai, tôi nhớ quê tôi da diết! Nhớ Ấp Cây Găng xã Văn Mỹ, quận HàmTân, tỉnh Bình Tuy, một vùng đất có biển, có những đồi cát trắng, có những cánh rừng cho nhiều cây trái, hoa thơm quả lạ. Một vùng đất “xôi đậu”, ban ngày thì M 16, ban đêm thi AK!
   Miền Bắc có đào, Trung, Nam có mai. Ba miền ngược xuôi, xuôi ngược, mang đào, mai đi khắp mọi miền đất nước.
  Có những chậu mai là những cây mai người chơi mướn chủ nuôi, đến Tết nhà vườn mang đến cho chủ, chơi Tết xong, nhà vườn mang về. Lại có những cây mai mướn, nghe đâu tới vài ba chục triệu “là chuyện nhỏ” đem về nhà, cơ quan… chơi trong mấy ngày Tết để gọi là “bằng chị bằng em”, khoe quyền lực. khoe tài, khoe của!
   Người nghèo thì cũng vui, nhưng “vui ké” khi nhìn cây mai ngàn hoa của nhà giàu và tiếc những bông mai rụng theo những đồng bạc triệu!

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

"ĐƯỜNG VỀ BÌNH TUY" NHẠC TRÚC PHƯƠNG - Trần Hữu Ngư




     ĐƯỜNG VỀ BÌNH TUY
                            Trần Hữu Ngư
      *Kính tặng những bạn bè tôi ở Bình Tuy trước 1975

Tôi đã từng viết rất nhiều bài hát của không ít nhạc sĩ, nhưng không hiểu tại sao “Tôi không cảm nhận được một bài hát của quê hương mình?”, tôi muốn nói đến nhạc phẩm “Đường về Bình Tuy” của nhạc sĩ Trúc Phương. Nếu nói không quá lời, thì đây là một tác phẩm viết về Bình Tuy được cho là “tuyệt tác” vì sau đó có năm ba bài hát khác cũng viết về Bình Tuy, nhưng làm sao mà “địch” nỗi “Đường về Bình Tuy” (nó ra đời một thời gian ngắn rồi chết không kịp ngáp). “Đường về Bình Tuy” sáng tác của nhạc sĩ Trúc Phương - một ông vua Boléro - đã gắn bó một thời gian khá dài trên mảnh đất “lắm người nhiều ma sống” được thành lập khá muộn so với tác tỉnh khác, tách ra từ tỉnh Bình Thuận từ 1957. Ngày ấy, Trúc Phương đến Bình Tuy trong Đoàn Văn công Nha Công tác Miền Thượng. Tiếc rằng không ai còn nhớ Trúc Phương đến Bình Tuy năm nào, cũng như ngày ông rời khỏi Bình Tuy? Và cũng tiếc rằng những người quen thân với Trúc Phương đã qua đời, còn tôi, còn rất nhỏ.