Giáo
sư Nguyễn Châu (tác giả bài viết)
Dường như hầu hết thơ văn, ca nhạc... trên khắp năm
châu của thế giới đều dành rất nhiều đề tài cho mùa xuân. Văn nhân, thi sĩ Á
đông, đặc biệt là Trung Hoa và Việt Nam, cứ mỗi độ xuân về thì hồn thơ lai
láng...
Tất cả những gì tốt đẹp, thắm tươi, nồng nàn của cuộc
đời đều được hiển hiện bằng mùa xuân: Lòng xuân phơi phới, tình xuân nồng nàn,
lượng xuân (1) vân vân.
XUÂN LÀ GÌ?
Thế nhưng Xuân là gì? Xuân là mùa đầu tiên trong năm.
Cũng là một trong bốn mùa, sao người ta lại ưu ái mùa Xuân như thế? Vì mùa Xuân
đẹp chăng? Mùa Thu đâu có kém gì?
Phải chăng mùa Xuân thường đem lại hạnh phúc cho cuộc
đời như người xưa đã ghi nhận:
“Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường!”
(Trời thêm năm, tháng, người thêm tuổi
Xuân đầy vũ trụ, phúc đầy nhà)
Trong thực tế, điều này còn tùy vào tâm tư, tâm trạng
và hoàn cảnh của con người ở-đời, bởi vì đã có một số người không chờ đợi mùa
Xuân...
“...Tôi có chờ đâu, có đợi đâu?
Mang chi Xuân lại gợi thêm sầu!”
(Chế Lan Viên - Xuân)
“Mùa xuân khó chịu quá đi thôi!
Cảnh đẹp làm em thấy lẻ loi...”
(Xuân Diệu - Ðơn Sơ)
Nhân lúc mọi người rộn rã chuẩn bị đón xuân, tôi muốn
tìm hiểu mối tương quan giữa cái Tết truyền thống Á đông với mùa Xuân của vũ trụ
để góp phần đáp ứng những băn khoăn, thắc mắc nơi nhiều người.