BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thơ thiền. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thơ thiền. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2025

XUÂN HIỂU (春曉) THƠ THIỀN CỦA TRẦN NHÂN TÔNG – Phan Lương, Trần Khâm.

Trần Nhân Tông (陳仁宗, 1258–1308) là vị hoàng đế thứ ba của triều Trần, nước Đại Việt. Ông trị vì từ năm 1278 đến tháng 4 năm 1293, sau đó lui về làm Thái thượng hoàng và dấn thân vào con đường tu hành, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Trần Nhân Tông không chỉ là một nhà chính trị kiệt xuất mà còn là một nhà thơ, một thiền sư với những đóng góp quan trọng cho văn hóa và tư tưởng của dân tộc.


 
春曉 
睡起啟窗扉,
不知春已歸。
一雙白蝴蝶,
拍拍趁花飛。
 

XUÂN HIỂU 
 
Thuỵ khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ quy.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi.
 
Dịch nghĩa:
 
BUỔI SÁNG MÙA XUÂN

Ngủ dậy mở cánh cửa sổ,
Nào hay mùa xuân đã về.
Một đôi bướm trắng,
Đập cánh bay về phía hoa.
 
Dịch thơ:
 
Ngủ dậy ngỏ song mây,
Xuân về vẫn chửa hay.
Song song đôi bướm trắng,
Phấp phới sấn hoa bay.
                (Ngô Tất Tố)
 
Ngủ dậy mở cửa sổ,
A, xuân về rồi đây!
Kìa một đôi bướm trắng,
Nhằm hoa, phơi phới bay.
                 (Trần Lê Văn)
 
Bài kệ này được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, ngắn gọn nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu sắc. Câu mở đầu như một sự khai mở, vừa mang ý nghĩa đen là mở cửa sổ, vừa mang ý nghĩa bóng là sự thức tỉnh tâm hồn sau giấc ngủ.
 
Câu thứ hai là khoảnh khắc nhận ra xuân đã về, biểu tượng cho sự giác ngộ khi con người thấu hiểu sự vận hành tự nhiên của đất trời. Từ đó, hai câu cuối khép lại bài thơ bằng hình ảnh đôi bướm trắng bay lượn giữa những khóm hoa – một biểu tượng tinh tế của đạo lý và sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên.
 
Đây là tinh thần của thiền, nơi mọi điều bình dị trong cuộc sống đều chứa đựng vẻ đẹp và sự giác ngộ sâu xa.
 
                                              Phan Lương và Trần Khâm giới thiệu

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH – Thơ Thích Tuệ Sỹ


   


THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH

1.
 
Ta về một cõi tâm không
Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn
Còn yêu một thuở đi hoang
Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya
 
2.
 
Ta đi dẫm nắng bên đèo
Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều
Nguyên sơ là dáng yêu kiều
Bỗng đâu đảo lộn tịch liên bến bờ
Còn đây góc núi trơ vơ
Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao
 
3.
 
Bên đèo khuất miễu cô hồn
Lưng trời ảo ảnh chập chờn hoa đăng
Cây già bóng tối bò lan
Tôi ôm cỏ dại mơ màng chiêm bao
 
4.
 
Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn
Bóng người cô độc dẫm hoàng hôn
Bởi ta hồn đá phơi màu nắng
Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn
 
5.
 
Từ thuở hồng hoang ta ở đâu
Quanh ta cây lá đã thay màu
Chợt nghe xao xuyến từng hơi thở
Thấp thoáng hồn ai trong khóm lau
 
6.
 
Trên đỉnh đèo cao bát ngát trông
Rừng, mây, xanh, ngắt tạnh, vô cùng,
Từ ta trải áo đường mưa bụi
Tưởng thấy tiền thân trên bến không
 
7.
 
Khi về ngả nón chào nhau
Bên đèo còn hẹn rừng lau đợi chờ
Trầm luân từ buổi ban sơ
Thân sau ta vẫn bơ vơ bụi đường
 
8.
 
Bóng tối sập, mưa rừng tuôn thác đổ
Đường chênh vênh vách đá dọa nghiêng trời
Ta lầm lũi bóng ma tròn thế kỷ
Rủ nhau đi cùng tận cõi luân hồi
 
Khắp phố thị ngày xưa ta ruổi ngựa
Ngang qua đây ma quỷ khóc thành bầy
Lên hay xuống mắt mù theo nước lũ
Dẫm bàn chân lên cát sỏi cùng trôi
 
Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu
Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi
Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu
Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi
 
9.
 
Gởi lại tình yêu ngọn cỏ rừng
Tôi về phố thị bởi tình chung
Trao đời hương nhụy phơi hồn đá
Thăm thẳm mù khơi sương mấy từng
 
10.
 
Một thời thân đá cuội
Nắng chảy dọc theo suối
Cọng lau già trầm ngâm
Hỏi người bao nhiêu tuổi
 
11.
 
Bước đi nghe cỏ động
Đi mãi thành tâm không
Hun hút rừng như mộng
Tồn sinh rụng cánh hồng
 
12.
 
Thân tiếp theo thân ngày tiếp ngày
Mù trông dư ảnh lá rừng bay
Dõi theo lối cũ bên triền đá
Sao vẫn còn in dấu lạc loài
 
13.
 
Khi về anh nhớ cài quai nón
Mưa lạnh đèo cao không cõi người
 
                                        Tuệ Sỹ
                                     (2011-2012)

   


Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

THƠ CỦA THIỀN SƯ (POETRY OF ZEN MASTER) - Nguyên Lạc



 
Lời phi lộ:
 
Trước khi vào bài, tôi xin bàn về chữ ZEN MASTER.
 
ZEN MASTER có bạn đã dịch là Tăng Sư, theo tôi nên dịch là Thiền Sư, vì nếu dịch ra Tăng Sư thì không chính xác lắm: Tăng Sư / Thầy Tu, thuộc giới Tăng Lữ, người đã xuất gia, gia nhập Tăng Đoàn/ Giáo Hội. Thiền Sư có thể tu tại gia (gọi là Cư sĩ), có thể xuấ́t gia tự mình tu Thiền nơi núi động nào đó, hoặc là gia nhập Tăng Đoàn tu tại chùa. Tăng Sư có thể không tu theo Thiền phái, mà tu theo các phái khác.