BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn ÂM NHẠC. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ÂM NHẠC. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2024

NÁO LOẠN NHẠC VIỆT! – Trần Hữu Ngư



Tôi nghe nhạc Phú Quang:   
Em ơi Hanoi phố, Hanoi ngày trở về, Nỗi nhớ mùa đông, Đâu phải bởi mùa thu, Mơ về nơi xa lắm… 
Tôi nhớ anh.
Anh sinh năm 1949, tại Phú Thọ, tên đầy đủ Nguyễn Phú Quang, tên thánh Phero Nguyễn Phú Quang. Qua đời năm 2021 tại Hanoi. 
Và nhớ một câu nói của: NÁO LOẠN NHẠC VIỆT! 
Tôi cũng đã nói nhiều về vấn đề này, nhưng hình như tôi không phải là nhạc sĩ, nên tôi nói không có ai nghe! Thôi, xin đăng lại ý kiến của cố nhạc sĩ Phú Quang, dù sao anh cũng là nhạc sĩ Hà Nội nổi tiếng, may ra nói còn có người nghe.
  
Sau 75, tôi nghe nhạc Phú Quang, Dương Thụ, Phó Đức Phương, Trần Tiến… nghe để thay đổi không khí, vì sợ nghe nhiều Boléro… bị lú! (như ông ca sĩ thiên thần có cánh ở Hà Nôi nói về người nghe Boléro) và nghe để so sánh giữa cũ và mới có gì lạ không?
  
Tôi đã nghe nhạc viết về Hà Nội từ những ngày còn rất trẻ, phải công nhận rằng những ca khúc viết về Hà Nội của nhạc sĩ bên này, hay bên kia, cũ hay mới đều hay. Tôi đã từng mê giọng ca Ngọc Tân trong những tình khúc viết về Hà Nội, trong đó có bài hát của nhạc sĩ Phú Quang.
  
Tiếc rằng nhạc sĩ Phú Quang qua đời rất trẻ (1949-2021). Anh ra đi, để lại cho thế hệ này và mai sau những nhạc phẩm khó quên: Em ơi Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu, Mơ về nơi xa lắm, Nỗi nhớ mùa đông
  
Trên trang mạng “Báo mới” tháng 2.2017, có đăng ý kiến của nhạc sĩ Phú Quang như sau:
  
“… Đài truyền hình Việt Nam đang làm náo loạn nhạc Việt!...
   Nói ra tôi sợ nhà đài Tuyền hình Việt Nam tự ái, không hài lòng nhưng quả thật truyền hình đang làm náo loạn môi trường sáng tác nhạc…”.
  
Và Phú Quang tiếp tục có ý kiến:
   
“… Có các ca khúc vừa được các nghệ sĩ trẻ viết xong đã được truyền hình, giới thiệu theo kiểu: Những bài hát Việt hay nhất. Tôi không hiểu họ căn cứ vào đâu, thử thách ở đâu, theo tiêu chuẩn, hội đồng thẩm định nào để nói rằng những bài hát đó vừa sáng tác là những bài hát Việt hay nhất, mà những bài hát đó thậm chí còn chưa tròn vành, rõ chữ rõ nghĩa.
  
Hay có những bạn trẻ mùa trước là thí sinh, mùa sau đã chễm chệ ngồi vị trí huấn luyện viên, giám khảo. Các vị giám khảo đó đôi khi còn hát sai lời, sai nhạc, thậm chí một nốt nhạc bẻ đôi không biết, không hề có kinh nghiệm, kiến thức cơ bản, nhưng người ngồi ghế bình luận nhận xét như ai. Như vậy là chúng ta đang khiến cho âm nhạc Việt đi xuống, thậm chí biến dạng và suy đồi…”
  
Đây là những lời tâm huyết, đúng và đủ của nhạc sĩ Phú Quang, mà các nhà Đài, TV, Nhạc sĩ, BTV, MC cần phải “phản tỉnh”. “Xin đừng làm náo loạn nhạc Việt”. Một lời nói đau quá cho những ai còn chút văn hóa, có lòng tự trọng, nhưng lại “Phớt tĩnh Ăng Lê” cho những MC lợi dụng Âm nhạc để đánh bóng tên tuổi mình. (Lợi dụng bài hát, để MC xuất hiện trên TV, và những bài hát được cho là hay đó, bây giờ nó ở đâu rồi? Thường thì “lời nói có cánh” của MC hay hơn bài hát!)
  
Riêng tôi, xin có ý một chút suy nghĩ như sau:  
Từ thời kỳ đầu những bài hát Việt đầu tiên ra đời cho đến năm 1975, chúng ta không có nhạc sĩ nữ (?). Sau 1975 xuất hiện nhạc sĩ nữ, điều này chứng tỏ sáng tác ca khúc là một thị trường hấp dẫn và dễ nổi tiếng, và nở rộ những năm gần đây như ca sĩ nữ kiêm luôn nhạc sĩ sáng tác ca khúc.
 
Bây giờ, ra ngõ là gặp nhạc sĩ, thức một đêm sáng ra thành nhạc sĩ, có không ít những ông bà nhạc này, xin lỗi, có người “chưa sạch nước cản”, không biết viết cái khóa Sol bắt đầu từ đâu, viết nhạc như kẻ mộng du, dùng những từ khó nghe, những nốt chói tai, viết theo kiểu làm dáng, đưa cái tôi kệch cỡm… vậy mà được nhà đài lăng xê là nhân tài, với những lời bình luận của phát thanh viên như có cánh, nhưng chưa kịp nghe nó đã biến mất!
   
Nhìn chung những loại bài hát này nó không khác gì một bài văn của những học sinh cấp một, cấp hai được ghép vào những nốt nhạc để thành một bài hát, mà báo đài cho là tài năng trẻ! Sáng tác ca khúc đâu có dễ, cuộc đời viết nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn… đâu có nhiều! (Nghe đâu Văn Cao có tới ba nhạc phẩm Trương Chi, nhưng cuối cùng ông chỉ chọn có một?).
  
Ngày nay Việt Nam có rất nhiều nhà phê bình âm nhạc, cả trong lẫn ngoài nước, cho nên mới có tình trạng ca sĩ trong nước và hải ngoại ngồi ghế giám khảo. Còn về lĩnh vực sáng tác nhạc thì “trăm hoa đua nở”, những nhạc sĩ chỉ có một vài bài nghe được, những ca sĩ có giọng hát chỉ “hơn giọng hát ở đám cưới”, vậy mà họ được lên TV thường xuyên, chương trình nào cũng có họ, lại còn mở lớp dạy ca sĩ hát hay, dạy sáng tác nhạc hay!
   
Việt Nam có một nền văn hóa cao nhất thế giới: Ở bất cứ nơi đâu chúng ta cũng bắt gặp ca sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ… có thể nói nhiều như “cá nuôi bè”. Lớp nhạc sĩ đàn anh, cha, chú… đã qua đời, hoặc còn sống nhưng không sáng tác được nữa, chỉ trông chờ vào lớp trẻ. Nhưng sau vài chục năm nay, những người yêu mến âm nhạc chờ đợi những bài hát hay, mới, nhưng họ thất vọng và tự hỏi, tương lai, bài hát Việt có còn nữa không?
  
Xin thành kính đốt cho nhạc sĩ Phú Quang một nén nhang lòng. Cám ơn anh đã lên tiếng vì một nền âm nhạc nước nhà.
  
                                                                                     Trần Hữu Ngư

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

DANH CA THÁI HIỀN - Long Đàng



Thái Hiền (tên đầy đủ là Phạm Thị Thái Hiền, sinh ngày 24 tháng 4 năm 1958 tại Sài Gòn) là một nữ ca sĩ Việt Nam tại hải ngoại, là người con thứ năm - đồng thời là trưởng nữ của nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Hằng. Thái Hiền bước chập chững bước vào con đường nghệ thuật từ đầu những năm 70 dưới sự dìu dắt của bố.
 
Trước 1975

Ca sĩ Thái Hiền người gốc Hà Nội nhưng lại sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, cô bắt đầu con đường ca hát từ năm 13 tuổi với những bài Bé Ca mà nhạc sĩ Phạm Duy viết dành riêng cho con gái của mình.
Đến năm 1974, khi Julie rời The Dreamers sang Pháp thì Thái Hiền trở thành giọng nữ chính của ban nhạc. Và cô nhanh chóng trở thành một ngôi sao ở độ tuổi thiếu niên nhờ những bài Bé Ca, Nữ Ca và sau này là Thiền Ca, Đạo Ca được bố là nhạc sĩ Phạm Duy viết riêng cho giọng hát của mình.
Khi bắt đầu được yêu mến với Nữ ca, những bài hát cho tuổi mới lớn, là lúc cô rời Việt Nam theo cha.
 

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

TÌNH YÊU TRONG NHẠC KHÊ KINH KHA – Lê Thanh Bình



Nghe nhạc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của tôi.
 
Đã từ lâu, tôi vẫn thường thích nghe nhạc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng…và tôi nghĩ không riêng gì tôi mà rất nhiều người cũng vậy.
 
Điều này cũng dễ hiểu vì nhạc của các nhạc sĩ trên đã đi vào lòng công chúng qua bao thế hệ, những nhạc phẩm này đã thuyết phục chúng ta không những bằng âm nhạc mà còn do ca từ hay, khi thì quyến rũ lãng mạn, khi thì mộc mạc chân quê, khi thì từ bi thánh thiện để rồi có lúc vụt trở nên lộng lẫy, kiêu sa…
 
Và việc yêu thích những dòng nhạc trên của tôi đã trở nên bảo thủ, đã hình thành trong tôi một thói quen bất khả xâm phạm và cứ thế tôi luôn muốn bảo vệ thành trì nghe nhạc của mình một cách cố chấp, bằng chứng là tôi vẫn tìm đến những nhạc phẩm của những nhạc sĩ trên mỗi khi muốn nghe và cả những khi nghêu ngao một mình cũng thế.
 

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

DANH CA THANH LAN, TÌNH DUYÊN LẬN ĐẬN – Long Đàng



Danh ca Thanh Lan là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi ở thập niên 60 thành công vượt trội ở cả 3 lĩnh vực: âm nhạc, điện ảnh và sân khấu. Tuy nhiên, chuyện tình duyên của bà lại không ít truân chuyên.
 
Danh ca Thanh Lan tên thật là Phạm Thái Thanh Lan, sinh năm 1948 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Vào năm 9 tuổi, bà được học piano với các sơ ở trường Saint Paul, sau đó được vợ nhạc sĩ Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi hướng dẫn. Khi còn là nữ sinh của trường Marie Curie, Thanh Lan đã hát trong một số ban nhạc như: ban nhạc Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức, ban nhạc sinh viên Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, sau đó gia nhập đoàn văn nghệ học sinh - sinh viên Nguồn Sống…

LỆ NỒNG MÔI KHÔ - Nhạc Khê Kinh Kha, Ánh Tuyết trình bày

    

               

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

DANH CA THANH THÚY, NÀNG THƠ ĐẦU TIÊN CỦA TRỊNH CÔNG SƠN – Long Đàng

Thanh Thúy (sinh ngày 2 tháng 12 năm 1943), tên khai sinh là Nguyễn Thị Thanh Thúy là một nữ ca sĩ thuộc Tân nhạc Việt Nam. Bà là một trong những ca sĩ có ảnh hưởng lớn nhất tới nền Tân Nhạc Việt Nam và đặc biệt là dòng Nhạc Vàng vì là giọng hát tiên phong thuở sơ khai của dòng nhạc này. Bà được biết đến qua các bài hát thuộc dòng nhạc vàng và nhạc tiền chiến như “Nửa đêm ngoài phố, Mưa nửa đêm, Phố buồn”,...Bà là một ca sĩ được khán giả đặt cho nhiều biệt danh nhất, như “Tiếng hát liêu trai, Tiếng hát lúc 0 giờ,Tiếng hát về khuya”, được một số nhạc sĩ viết tặng nhiều bài hát, như “Uớt mi,Thúy đã đi rồi, Được tin em lấy chồng”,...và làm bài thơ để tặng cô.


Danh ca là nàng thơ đầu tiên trong cuộc đời Trịnh Công Sơn, từng được mệnh danh là 'hoa hậu nghệ sĩ' thập niên 60

Nữ ca sĩ sở hữu giọng hát và nhan sắc trời ban

Danh ca Thanh Thúy, tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1943 tại xứ Huế thơ mộng, trong một gia đình có 5 người con. Do người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo nên cả nhà Thanh Thúy phải khăn gói vào Sài Gòn để chữa trị. Hoàn cảnh khó khăn, cả gia đình bà sống trong một căn phòng nhỏ trong con hẻm trên đường Cao Thắng.
Vào khoảng cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, Thanh Thúy bắt đầu đi hát. Giọng ca của nữ ca sĩ được xem là hiếm thấy với các đặc trưng như tính lưỡng tính, giọng rất sâu, dày, nặng, tối, chắc khỏe, đậm tính thổ và rền như tiếng đại hồng chung; quãng hát thoải mái nằm trên âm khu trung, trầm.

LẠC BƯỚC - Nhạc Khê Kinh Kha, Ánh Tuyết trình bày

 

               

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

DANH CA HOÀNG OANH – Long Đàng



Nữ danh ca đình đám một thời quyết không hát vũ trường, phòng trà dù được săn đón nồng nhiệt
Danh ca Hoàng Oanh được đánh giá là 1 trong 10 nữ ca sĩ có sức ảnh hưởng lớn tại Việt Nam trước năm 1975.
Danh ca Hoàng Oanh (tên thật là Huỳnh Kim Chi) sinh năm 1946 tại Mỹ Tho nhưng lớn lên tại Sài Gòn. Bà được cha dạy hát khi mới 5 tuổi. Đến năm 8 tuổi, bà lần đầu biểu diễn trên sân khấu ở Liên trường Võ khoa Thủ Đức với hai bản nhạc "Hương lúa miền Nam" và "Có một đàn chim".
Nghệ danh Hoàng Oanh được chính người cha đặt năm 1958 khi bà gia nhập ban thiếu nhi của nhạc sĩ Lê Đô. Ông đã lấy câu hát "Chờ tin thư chim hoàng oanh đưa/ Còn xa bay trong áng sương mờ" trong bài "Bản đàn xuân" của nhạc sĩ Lê Thương để đặt nghệ danh cho bà.
 
Nhờ giọng hát trời phú, kỹ thuật điêu liệu, Hoàng Oanh được công chúng mến mộ ngay trong những năm đầu đi hát. Bà liên tục được mời thu âm và biểu diễn. Ở thời hoàng kim, danh ca Hoàng Oanh ngự trị trên hầu khắp các sóng phát thanh và truyền hình. Bà chính là ca sĩ được mời thu âm nhiều nhất, với hơn 200 đĩa nhạc tính đến năm 1975, tại nhiều hãng đĩa khác nhau.
Điều đặc biệt là trong sự nghiệp của mình, Hoàng Oanh không biểu diễn tại các vũ trường và phòng trà, dù thời ấy đa phần nghệ sĩ đều làm điều này. Bà từng giải thích điều này như sau: "Hồi nhỏ, Oanh ở với ông cậu rất nghiêm khắc nên ông không cho Oanh hát phòng trà hay vũ trường, thỉnh thoảng chỉ cho hát đại nhạc hội mà thôi". Dù sớm nổi tiếng, nhưng bà vẫn tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn với bằng Cử nhân văn chương, sau đó mới dành toàn bộ sự nghiệp cho âm nhạc.
 
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã từng so sánh Hoàng Oanh với Chế Linh để lột tả sự cao đẹp trong nhân cách của bà. Ông nói: "Hoàng Oanh thật là một con người trung hậu, nghĩa là cô nghĩ đến mình và cả đến người khác. Thêm một yếu tố quan trọng nữa là những cuộn băng, những đĩa hát, những CD, một khi cô đã phát hành cô đều lưu giữ lại và gìn giữ cẩn thận như đó là những đứa con tinh thần của cô.
Trong khi đó, ca sĩ Chế Linh thì lại khác, cuốn băng nào đã phát hành, những bài bản nào đã hát anh đều quên bẵng đi, giống như kiểu bán tiếng hát lời ca để làm thương mại mà trung tâm băng nhạc nào mời anh và khi "tiền đã trao và cháo đã múc" là anh vội quên ngay".
Không chỉ Bolero, Hoàng Oanh còn nổi bật ở tài năng đa dạng, khi hát được dân ca của tất cả các vùng miền đất nước, từ Bắc tới Nam. Ngoài ra, bà còn có giọng ngâm thơ thần sầu, đong đầy cảm xúc.
 
Chuyện tình đẹp của hai người nghệ sĩ
 
Về chuyện tình cảm, nữ danh ca lên xe hoa với nhạc sĩ Mai Châu vào năm 1972. Họ đã có một chuyện tình rất đẹp trước khi cưới 9 năm. Theo lời kể của nhạc sĩ Mai Châu, ông gặp nữ danh ca Hoàng Oanh lần đầu vào năm 1963, khi ông mới 18 tuổi và bà mới 17 tuổi. Thời điểm ấy, vì quá ái mộ người ca sĩ trẻ nên ông đã gửi thư cho Hoàng Oanh để bày tỏ nỗi lòng. Sau khi kết hôn, nữ danh ca và ông xã sống thuận hòa cho đến ngày nay, với một cuộc hôn nhân được nhiều người ngưỡng mộ.
 
Hoàng Oanh cùng chồng tới Mỹ định cư vào năm 1975. Ban đầu, bà sinh sống tại một thành phố gần New York, tiểu bang New Jersey, nhưng sau đó bà chuyển về tiểu bang California. Bà mở trung tâm ca nhạc và dành nhiều tâm huyết trong việc bảo tồn văn hóa cổ truyền, nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam trong cộng đồng người Việt.
 
                                                        Theo Dân Việt.vn Sa Long Đàng

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2024

NHẠC SĨ HOÀNG THI THƠ – Long Đàng



Hoàng Thi Thơ (16 tháng 7 năm 1928 - 23 tháng 9 năm 2001) là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam. Một số nghệ danh khác của ông là Tôn Nữ Trà Mi, Tôn Nữ Diễm Hồng, Bích Khê và Triệu Phong.
 
Sau Cách mạng Tháng Tám, Hoàng Thi Thơ gia nhập Đoàn Văn nghệ Quảng Trị như một diễn viên ca kịch nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba làm trưởng đoàn.
 

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2024

VÀI DÒNG VỀ BÀI HÁT LỆ ĐÁ - Hà Huyền Chi



Lệ Đá trước hết không phải là một bài thơ phổ nhạc. Phải nói là tôi đã đặt lời cho bản nhạc (vốn không tên) của Trần Trịnh mới đúng. Do một cơ duyên đặc biệt Trung sĩ Nguyễn Văn Đông chơi Clarinet giới thiệu Trần Trịnh với tôi:
  - Nhạc Trần Trịnh khá lắm nhưng rất ít người biết đến. Xin anh giúp thằng bạn em một lần đặt lời ca giùm cho nó.
Tôi rất cảm mến Đông nhưng liền lắc đầu:
  - Em biết là anh vốn mù nhạc mà
Đông tha thiết:
  - Em biết chứ nhưng em thành thực nghĩ rằng chỉ có anh mới giúp được nó.
Trần Trịnh cười hiền:
  - Xin anh giúp cho. Tôi nghĩ là sẽ có cách...
Tôi thẳng thắn đặt điều kiện:
  - Nể thằng em coi như tôi thuận trên nguyên tắc. Tuy nhiên tôi cần nghe anh đàn bản nhạc này vài lần để có khái niệm về nhạc tính. Và tôi cũng cần ý kiến thẩm định về nhạc thuật của bài này với những Pianist như Dzương Ngọc Hoán (chồng Pianist ca sĩ Quỳnh Giao).

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2024

Ý LAN, “BÀ HOÀNG NHẠC NHẸ”, TUỔI U70 VẪN SANG TRỌNG VÀ ĐIỆU ĐÀ – Long Đàng



Ý Lan là nữ ca sĩ người Mỹ gốc Việt. Bà tên đầy đủ là Lê Thị Ý Lan, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1958 tại Sài Gòn, trong một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng: Mẹ là danh ca Thái Thanh, cha là tài tử Lê Quỳnh. Ca sĩ Ý Lan là trưởng nữ trong gia đình gồm 5 chị em (trong đó có ca sĩ Quỳnh Hương). Ý Lan có rất nhiều anh chị em (ruột và họ) là những nghệ sĩ nổi tiểng - trong đó có một người bằng tuổi với bà - đó là ca sĩ Thái Hiền.
Bà học tiểu học và trung học tại Sài Gòn. Tuy gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng bà đi vào lĩnh vực âm nhạc chuyên nghiệp khá muộn: đến cuối thập niên 1980 cô mới trở thành ca sĩ chuyên nghiệp và ra mắt CD nhạc đầu tiên.
 
Từ những năm đầu thập niên 1990, Ý Lan đã là một biểu tượng của tân nhạc Việt Nam với chất giọng điêu luyện và phong cách âm nhạc đa dạng. Với những tình khúc như Nửa hồn thương đau, Mộng dưới hoa, Nghìn trùng xa cách và nhiều ca khúc khác, nữ danh ca đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lòng người yêu nhạc.

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

NGHI ÁN VỀ NHẠC PHẨM “NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI” – Nguyễn Mạnh Hà

“Phổ thơ cũng được nhưng đấy là cái sai lầm nhất của Anh Bằng. Toàn bộ gia tài Nguyễn Bính không có bài thơ nào như lời bài “Nỗi lòng người đi”. Mà lúc đấy Nguyễn Bính tập kết ra Bắc ra Hà Nội rồi, không dính dáng đến miền Nam nữa mà viết cái đó. Đấy là kẽ hở của câu chuyện”.                                               

                                                    Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha


Ông Khúc Ngọc Chân (trái) và nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha. Ảnh: N.M.Hà
 
Mới đây, ông Khúc Ngọc Chân - nguyên nhạc công cello Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam - đứng ra nhận mình là tác giả bài hát. Theo ông Chân, bài hát tên thật là "Tôi xa Hà Nội" với một vài lời ca khác với "Nỗi lòng người đi" vẫn được nghe hơn nửa thế kỷ nay.
 
Khúc Ngọc Chân khẳng định, mãi tới năm kia ông mới biết đến sự tồn tại của "Nỗi lòng người đi". Bởi ông không thích và rất ít nghe nhạc hải ngoại. Thời gian về hưu, ông say sưa sáng tác thơ Đường thuần Việt (không dùng từ Hán Việt), trở thành Trưởng Chi hội thơ, ca nhạc Hương Chiều (Hội thơ Đường luật Việt Nam).
 

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

TÌNH YÊU ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI NGƯỠNG MỘ CỦA NHẠC SĨ MAI CHÂU VÀ CA SĨ HOÀNG OANH – Đông Kha



Có một định kiến cho rằng tình yêu của những người trong giới nghệ sĩ thường không bền vững, vì họ đều là những người đa tình, dễ rung cảm…Tuy nhiên điều đó không đúng với những nữ ca sĩ nhạc vàng Việt Nam trước 75, ít nhất là đối với các ca sĩ Phương Dung, Thanh Thúy và Hoàng Oanh.
 

Với 3 nữ ca sĩ này thì tình đầu cũng như tình cuối: ca sĩ Thanh Thúy và phi công Ôn Văn Tài, ca sĩ Phương Dung và ông Võ Doãn Ngọc, và mối tình của ca sĩ Hoàng Oanh với nhạc sĩ Mai Châu – tác giả của bài hát Một Người Đi – được nhiều người ngưỡng mộ. Hiếm có cuộc hôn nhân nào giữa 2 nghệ sĩ nào mà được hòa thuận và bền vững như Hoàng Oanh và Mai Châu.
 
Nhạc sĩ Mai Châu tên thật là Mã Gia Minh, sinh năm 1945 ở Bạc Liêu. Tốt nghiệp tú tài trường Taberd, ông học Dược khoa và ra trường năm 1971, sau đó phục vụ tại Căn cứ Y dược Trung ương – Cục Quân y Saigon. Ông cũng là tác giả của một số bài nhạc vàng nổi tiếng như Một Người Đi, Tiếng Hát Chinh Nhân, Một Ngày Tôi Đi Qua…
Theo lời kể của nhạc sĩ Mai Châu, ông gặp nữ danh ca Hoàng Oanh lần đầu vào năm 1963, khi ông mới 18 tuổi và Hoàng Oanh vẫn còn là một nữ sinh Gia Long 17 tuổi.
Hoàng Oanh đã đi hát từ khi còn rất nhỏ tuổi, và khi là nữ sinh trung học cô đã thành danh và được hàng triệu người mến mộ, trong đó có chàng trai tên là Mã Gia Minh.

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

NGUYỄN VĂN ĐÔNG, VẦNG TRĂNG XẺ ĐÔI VẪN IN HÌNH BÓNG MỘT NGƯỜI – Phạm Hiền Mây



Nếu như Phạm Duy có Bên Cầu Biên Giới khiến cho hàng triệu con tim khán thính giả phải bồi hồi, say sưa theo giấc viễn mơ của một chàng trai trẻ, một giấc mơ đẹp không biên giới, rất lãng mạn và tình tứ, rất bay bổng và đầy khát khao, được viết năm một ngàn chín trăm bốn mươi bảy, khi Phạm Duy vừa tròn hai mươi sáu tuổi, thì.
Thì, Nguyễn Văn Đông (1932-2018), vào năm một ngàn chín trăm năm mươi sáu, tức sau Phạm Duy mười năm, lúc Nguyễn Văn Đông vừa tròn hai mươi bốn tuổi, có Chiều Mưa Biên Giới.
 

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

TẠI SAO TRƯỚC 75, Ở SÀI GÒN KHÔNG TÂNG BỐC CA SĨ LÀ “DIVA”? - Matthew Nchuong


Bộ tứ Diva Việt Nam: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà

Trong từ điển Oxford, chữ “diva” được mượn từ tiếng Ý, ban đầu nghĩa là “nữ thần" để gọi những
Nữ danh ca opera, đặc biệt cho giọng hát soprano.
Còn nam danh ca opera giọng tenor thì được gọi là “divo”.
Nhưng về sau “diva” đã trở thành một danh từ dùng để dè bĩu đối với loại phụ nữ ngạo mạn, “thượng đội hạ đạp” - (“diva is a woman regarded as temperamental or haughty”)
(một người đàn bà bị xem là có tính nết cáu kỉnh hay ngạo mạn, khinh rẻ nhân gian).
 

NHÂN VẬT BÍ ẨN “TỪ LINH” TRONG BÚT DANH “ĐOÀN CHUẨN – TỪ LINH” LÀ AI? - Đông Kha

Nguồn:
https://nhacxua.vn/nhan-vat-bi-an-tu-linh-trong-but-danh-doan-chuan-tu-linh-la-ai/
 

Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Thậm chí là tờ nhạc của bài hát nổi tiếng Tình Nghệ Sĩ, Thu Quyến Rũ chỉ để tên tác giả là Từ Linh mà không ghi tên Đoàn Chuẩn. Tuy nhiên lúc sinh thời, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nói rằng tất cả các bài hát đó là chỉ một mình ông sáng tác, và không nói rõ lý do vì sao lại có tên Từ Linh trong đó. Vì vậy mà cho đến tận bây giờ, đã có nhiều sự đồn đoán xung quanh cái tên bí ẩn này.

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

NHẠC SĨ NGÔ THỤY MIÊN – Long Đàng



Ngô Thụy Miên là một nhạc sĩ đến từ Việt Nam. Ông nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam và trong cộng đồng người Việt hải ngoại với nhiều tình khúc trữ tình lãng mạn như Áo Lụa Hà Đông, Riêng Một Góc Trời, Niệm Khúc Cuối,...
Ngô Quang Bình sinh ngày 26 tháng 9 năm 1948 tại Hải Phòng, trong một gia đình có bảy người con.
Ông lớn lên trong môi trường sách vở và thơ văn, do gia đình ông có mở một nhà sách tên Thanh Bình ở Hải Phòng, và sau này ở trên đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) khi vào định cư ở Sài Gòn. Tại đây, ông học trường Trung học Nguyễn Trãi và sau đó là Trường Đại học Khoa học Sài Gòn.

QUỐC DŨNG, NGƯỜI NHẠC SĨ VỚI NHỮNG BÀI TÌNH CA BUỒN – Long Đàng

Quốc Dũng - người nhạc sĩ với những bản tình ca buồn đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 24/9/2023, khép lại cuộc đời dài nếm đủ vinh quang, hạnh phúc lẫn cay đắng. Ông là một nhạc sĩ tài hoa và có cuộc hôn nhân nhiều thăng trầm với vợ là danh ca Bảo Yến.

Nhạc sĩ Quốc Dũng (1951- 2023)
 
Quốc Dũng - người nhạc sĩ tài hoa
 
Nhạc sĩ Quốc Dũng sinh năm 1951 tại Thái Lan, theo gia đình về Việt Nam năm 3 tuổi. Ông là người có năng khiếu nghệ thuật và bộc lộ tài năng từ bé: 11 tuổi viết bản nhạc không lời đầu tiên; 15 tuổi tốt nghiệp thủ khoa Nhạc pháp Tây Phương Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, về làm việc tại một đài truyền hình, chơi nhạc 'như sàn gạo'; 17 tuổi rời đài hoạt động độc lập và trình làng ca khúc đầu tay.
 
Nhạc sĩ Quốc Dũng là tác giả của nhiều ca khúc đình đám như: Bài ca Tết cho em, Điệp khúc mùa xuân, Biển mộng, Thư tình không gửi, Ru tôi giấc mộng, Trái tim tội lỗi, Kẻ đau tình, Chuyện hợp tan... Các sáng tác của Quốc Dũng đa dạng về phong cách, đẹp cả về ca từ và giai điệu, khẳng định sức sáng tạo dồi dào và tư duy âm nhạc tiên tiến, hiện đại.
 
NS Quốc Dũng viết "Điệp khúc mùa xuân" vào năm 1974 khi mùa xuân đang tới. Mùa xuân thì phải thanh bình nhưng mùa xuân của những năm 1973 - 1974 vẫn chìm đắm trong chiến tranh khốc liệt

Vào đầu thập niên 1970, khi phong trào nhạc trẻ phổ biến, Quốc Dũng cùng Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà là những nhạc sĩ đầu tiên mở đầu xu hướng Việt hóa nhạc trẻ.
Ông nổi tiếng bởi vẻ điển trai, giọng hát dịu dàng trong cặp song ca với Thanh Mai, 'làm mưa làm gió' phòng trà Sài Gòn. Ông tạo nét riêng bằng việc sử dụng nhiều nhạc cụ như mandolin, guitar, piano, trống, bass, keyboard, organ... trong sáng tác, biểu diễn.

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

TRƯỜNG CA HÒN VỌNG PHU CỦA NHẠC SĨ LÊ THƯƠNG – Phạm Hiền Mây



Sinh năm một ngàn chín trăm mười bốn tại Hà Nội và mất năm một ngàn chín trăm chín mươi sáu tại Sài Gòn, Lê Thương là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất thời kỳ tiền chiến của tân nhạc Việt Nam.
Theo hồi ký của Phạm Duy, Lê Thương vốn là một thầy tu nhà dòng hoàn tục. Suốt hai mươi năm (1954-1975), ông làm ở trung tâm học liệu Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa.
Ông từng là giáo sư dạy Sử Địa tại một số trường tư, dạy tiếng Pháp tại Pétrus Ký và trường Quốc Gia Âm Nhạc - Kịch Nghệ vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước.
Ông đã sáng tác từ thời còn ở ngoài miền Bắc. Nhạc ông tự viết lời cũng có mà phổ từ thơ cũng nhiều. Trước khi viết trường ca Hòn Vọng Phu, ông từng viết những truyện ca và thậm chí, cả nhạc hài hước rất độc đáo. Những bản này được nghệ sĩ Trần Văn Trạch trình diễn nhiều lần vào thập niên bốn mươi của thế kỷ hai mươi.
Quả là đa tài.
Không chỉ thế, ông còn đặt lời cho những bản nhạc ngắn của nước ngoài: Lào, Mỹ, Nhật Bản, Pháp.
Có một thời gian, ông cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non cho trẻ em, phát thanh các truyện cổ tích, khúc dân ca, bài ca nhi đồng. Cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương được xem như những nhạc sĩ mở đầu của dòng nhạc dành cho thiếu nhi, với những bản nổi tiếng, học sinh thời ấy không ai là không biết: Học Sinh Hành Khúc, Thằng Cuội, Ông Ninh Ông Nang.
 

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

NGHỆ THUẬT HÁT Ả ĐÀO - Hoàng Quốc Hải


Hát Ả đào. Tranh sơn dầu của Phạm Công Thành (2005)
 
Như mọi người đều biết, “Ả đào” vốn là lối hát thờ, và nó từ cửa đình vào cung đình, lại từ cung đình trở về gia đình, và trở thành một thứ nhạc thính phòng quý phái tồn tại suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta. Đây là lối hát, múa có nhạc do một tốp nữ trình bày. Nhưng từ hậu Lê sang Nguyễn, không hiểu do những nguyên nhân đột biến sáng tạo nào, mà nó được chuyển sang hình thức độc đáo như còn tồn tại tới ngày nay.