BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

PHẢN BIỆN VỀ NHỮNG SAI LẦM CỦA THƯỢNG TỌA THÍCH CHÂN TÍNH - Vũ Thế Ngọc

TS Vũ Thế Ngọc học Triết học, Văn học và Khoa học xã hội ở Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn trước năm 1975. Sau sang Mỹ học tiếp, tốt nghiệp Cao học xã hội, Tiến sĩ Nhân chủng học và tiến sĩ Kinh tế, Đại học California Santa Barbara. . Ông là tác giả và dịch giả của một số tác phẩm triết học Đông phương: Trí tuệ giải thoát, Lão Tử Đạo đức kinh, Thế giới thị ca thiền hàn, Trà kinh,...
Ở Việt Nam vào năm 1981, giáo sư Vũ Thế Ngọc đã dịch và giới thiệu một phần. Đến tiết thu phân Quý Mùi giáo sư đã dịch toàn bộ tác phẩm Đạo Đức Kinh – bản Mã Vương Đôi ở trên ra Việt ngữ dưới dạng: Hán – Hán Nôm – Việt ngữ – Anh ngữ.

TS Vũ Thế Ngọc 


Vừa qua, nhân sự kiện sư Thích Minh Tuệ nổi tiếng trên mạng xã hội, TT Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, đã có bài nói chuyện, tuy ít người chú ý nhưng tôi cho rằng đó chính là cơ sở lý luận học thuật của GHPGVN và của những người không đồng ý với pháp tu Đầu Đà khất thực của sư Minh Tuệ.
    
Trước hết bài của TT Thích Chân Tính đã sai lầm khi cho rằng giáo pháp Đầu Đà là giáo pháp tu hành khắc kỷ quá khích của ngoại đạo mà Thái tử Tất Đạt Đa đã từ khước nên sau đó mới trở thành Đức Phật với giáo lý Trung Đạo. Trong bài nói chuyện này, vô tình hay cố ý TT Thích Chân Tính đã cho rằng hạnh Đầu Đà (dhutanga) mà sư Minh Tuệ đang hành trì “không phải là giáo pháp Phật giáo chính thống vì chính Đức Phật đã khước từ bỏ để theo giáo pháp Trung Đạo nên mới chứng ngộ giải thoát”. Điểm quan trọng là lời giảng này của TT Thích Chân Tính lại trùng khớp với tuyên cáo “Ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo” trong thông báo của TT Thích Đức Thiện, nhân danh GHPGVN, bố cáo với toàn thể tổ chức GHPGVN và đồng bào để nhờ chính quyền can thiệp.

TT.Thích Chân Tính

Thứ nhất, có lẽ vì quá bận rộn với sự quán xuyến đại tự Hoằng Pháp nên TT Thich Chân Tình không có thời gian đọc kỹ kinh luận. Sự thật Đức Phật chỉ khước từ lối khổ tu đương thời là trừng phạt thân xác (danta) từ hạn chế ăn uống hoạt động đến hành hạ thân xác như tự đánh đập, tắm nước bùn, tắm phân bò để “sinh thiên” (svarga) mong kết quả thống nhất hiệp thông với Thượng đế Brahma – Cho đến ngày nay chúng ta còn thấy còn một số tu sĩ Ấn Độ gầy gò lõa thể ở giữa phố chợ, đứng suốt ngày một chân và dùng roi tự đánh đập thân thể - Đây chính là phép khổ tu ép xác mà Đức Phật từ khước vì cho rằng đây chỉ là pháp tu hình tướng, ép xác khổ hành đè nén dục vọng thân xác nên chưa thể đưa hành giả đến giải thoát (mokṣa).
     
Đầu Đà (dhuta - 頭陀) nguyên nghĩa là “rũ sạch”. Đầu Đà là pháp hạnh chính thống của Phật giáo và không phải lối tu hành xác mà Đức Phật khước bỏ. Hạnh tu Đầu Đà đã được ngài Pháp Âm (Buddhagghosa) giải thích rất cặn kẽ rõ ràng trong luận Thanh Tinh Đạo (Visuddhi-magga) Thượng Tọa Bộ (Theravāda) của Đại Tự (magāvihāra). 
Vắn tắt theo luận này, Đầu Đà gồm 13 pháp hành trì gọi là Đầu Đà TamThập Pháp gồm: 

(1) pamsukūlika-aṅga: tức phấn tảo y là mặc phục rách vá bằng vải nhặt
(2) tecivarika-aṅga: mặc y phục ba phần
 3) pindātika-aṅga: chỉ khất thực để sống
(4) sapadānacārika-aṅga: tức thứ đệ khất thực có nghĩa là khất thực giao duyên không phân biệt nhà giầu nghèo
(5) ekāsanika-aṅga: chỉ ăn một lần trong ngày
(6) pattapindika-aṅga: chỉ ăn một phần
(7) khalupacchābhattika-aṅga: tức tàn thực là không ăn giữa bữa; (8) araññika-aṅga: ở rừng
(9) rukkhamūlika-aṅga: ở gốc cây
(10) abbhokāsika-aṅga : ở giữa trời
(11) sosānika-aṅga: ở nghĩa địa
(12) yathāsanthatika-aṅga; ngủ đâu cũng được
(13) nesanjjika-aṅga: chỉ ngồi mà không nằm.
    
Tóm lại, thứ nhất hạnh tu Đầu Đà (dhuta - 頭陀) là pháp tu chính thống của Phật giáo chứ không phải là pháp tu ép xác ngoại đạo mà Đức Phật khước từ. Tu hạnh Đầu Đà rất gian khổ, đòi hỏi hành giả ngoài nỗ lực ý chí phi thường còn cần phải có một thân thể kiên cường, cho nên rất ít hành giả có thể tu theo pháp môn này. Cho nên Đức Phật từng tán dương Ca Diếp (Mahākāśyapa) cả đời là một vị tu theo giáo pháp Đầu Đà (và sau đó trao truyền “chánh pháp nhãn tạng” cho Ca Diếp như truyền thừa Thiền tông tin tưởng). Trong lịch sử Phật giáo không chỉ có ngài Ca Diếp mà xưa nay cả Nam tông lẫn Bắc tông đều có một số tu sĩ tiếp tục tu theo pháp hạnh này. Trong lịch sử Việt Nam chúng ta còn biết vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia đã từng tu theo hạnh này nên ngài còn mang tên là Trúc Lâm Đầu Đà (竹林 頭陀) hay Hương Vân Đại Đầu Đà (香雲大頭陀). 

Sư Minh Tuệ không phải là người sáng tác ra hạnh tu này, đúng theo lời sư Minh Tuệ luôn nói “con chỉ là một người tập tu theo mười ba hạnh Đầu Đà khất thực theo kinh Phật”. Hiện nay Sư Minh Tuệ khác biệt và chói sáng vì là một vị sư cương quyết và có ý chí nguyên thực hành pháp tu này trong thời đại hiện tại, và đặc biệt là trong thực tế đặc thù Phật giáo VN đang trong trào lưu dùng các các phương tiện phát triển hình tướng chùa to tượng lớn, phát triển lễ hội, du lịch tâm linh và pháp thoại trên truyền thông đại chúng.
     
Thứ hai, giáo pháp Trung Đạo (madhyamapraripad) của Phật giáo không đơn giản là pháp tu “không thái quá không bất cập” như tư tưởng Trung Dung của Nho Giáo, hay lý thuyết “trung bình cộng” của chủ thuyết duy vật phổ biến như TT Thích Chân Tính giải thích trung đạo là ở giữa thái cực giữa đời sống vật chất và ép xác khổ hạnh. Giáo lý Trung Đạo không đơn giản và nặng hình tướng vật chất như chọn lựa giữa cách ăn ba bữa và ăn một bữa, hoặc tập trung tu học trong tự viện hay độc tu trong rừng núi, hoặc đi khất thực từng ngày hay nấu nướng trong tự viện, mà là một giáo pháp vượt thoát mọi nhị biên để tiến vào tính không giải thoát. Giáo lý Trung Đạo luôn luôn là một giáo lý thông suốt mọi giáo lý tông môn. Giáo lý Trung Đạo dù thường được nói nhiều ở VN nhưng rất ít người tu học vì kinh luận vừa thiếu và Trung Quán Tông cũng không có truyền thừa ở VN. Tôi đã cho xuất bản mười biên khảo trong Tùng Thư Long Thọ và Tính Không đã in ở VN trong thập niên vừa qua là cũng mong phổ biến thực sự giáo lý Trung Đạo này, rất hy vọng độc giả VN quan tâm.
    
Thứ ba, khi cho rằng thời Phật còn tại thế các sư chỉ tập họp sống ở các tự viện như Kỳ Viên Tịnh Xá thì quả rằng TT Thích Chân Tính đã không đọc kỹ kinh luận khi cho rằng lối sống độc cư của hạnh Đầu Đà không phải là giáo pháp chính truyền đã có từ thời Đức Phật hành đạo. Người thực học kinh điển Phật giáo đều biết rằng ngay từ thời Đức Phật còn tại thế đã có rất nhiều tăng sĩ ngài độc cư hay rời xa Đức Phật mà đi truyền pháp bốn phương. Hạnh độc cư luôn luôn được Đức Phật ca ngợi trong nhiều kinh luận. Quyển kinh quen thuộc Kinh Pháp Cú (dhammapada) trong phẩm Tỳ Khưu (bhikku-vagga) từng kể chính Đức Phật chúc mừng nhóm đệ tử “vào rừng sống độc cư” đều đắc quả A la Hán so với nhóm tu sĩ tu học kinh điển ở tịnh xá. Cũng trong phẩm Bà La Môn (bhahmana-vagga) của kinh này, Đức Phật cũng ca ngợi đại đức Kisa Gotami “đắp bộ ý vá bằng giẻ rách lượm ở đống rác đi vào độc cư trong rừng”. Coi thường pháp hạnh độc cư hay xem hạnh tu Đầu Đà “không phù hợp với đời sống 4.0 hiện đại” thì quả thật TT Thích Chân Tính mới chính là người đã rời bỏ cứu cánh của đạo Phật là đạo giải thoát (mokṣa) khi sư vội vã tìm cách thích nghi hay thỏa hợp với trào lưu đời sống hiện đại theo các phong trào đạo Phật ngày nay hay hiện đại hóa gọi là “tốt đời đẹp đạo”.
   
Thứ tư, điều lo sợ của TT Thích Chân Tính là nếu người ta bỏ đi tu theo hạnh đầu đà thì không còn ai dịch sách, in kinh hay tu học kinh điển thì vô cùng thơ ngây và đơn giản. TT Chân Tính quên rằng Phật Pháp ngoài pháp hạnh Đầu Đà còn có rất nhiều pháp hạnh (thường gọi là 8400 pháp môn) mà người học Phật có thể tùy theo hoàn cảnh và nhân duyên mà theo đuổi. Xin nhắc lại pháp hạnh Đầu Đà chỉ là một giáo pháp chính truyền nhưng xưa nay rất khó có người thực hành, nên bây giờ người Việt Nam dù ca tụng sư Minh Tuệ tu hạnh Đầu Đà thì giống như chúng ta dù có ca tụng thi sĩ Nguyễn Du nhưng không ai lo sợ rằng toàn nước chỉ toàn người chỉ biết làm thơ.  
     
Bây giờ tôi mới xin thảo luận cũng rất vắn tắt về ý nghĩa tích cực của hiện tượng sư Minh Tuệ trong tình hình Phật giáo VN. Nguyên nhân và bối cảnh của “cuộc cách mạng thầm lặng” này là tổng thể thì chúng ta thấy hiện tượng toàn cảnh chung của thế giới và VN mà rất nhiều người đã và đang thảo luận. Ở đây chúng ta tạm không thảo luận về thực tế toàn cảnh thế giới về chiến tranh, dịch bệnh và thiên tai, chỉ riêng về hiện tình Phật giáo VN và cũng bỏ ra ngoài các khác biệt tông môn giáo phái hay quan điểm chính trị. Bên cạnh các thành quả là các chùa to tượng lớn hay các lễ hội đông đảo, đại đa số người Phật giáo VN đều chứng kiến rất nhiều hình ảnh tiêu cực của các sinh hoạt Phật giáo từ các đường lối hành trì đến phẩm chất của rất nhiều tu sĩ (tôi không muốn lập lại tên tuổi ở đây vì biết rằng bên cạnh các con người bất xứng này vẫn có các tu sĩ thực tu thực học). Nhưng dù sao nhiều tin tức tiêu cực cũng đã khiến người tin Phật không khỏi mỏi mệt và mất niềm tin vào các tổ chức giáo hội hiện nay.
    
Cuộc hành trì khất thực của sư Minh Tuệ, dù chính bản thân của sư không tự nhận là tu sĩ hay đăng đàn giảng pháp, nhưng quả thật lối sống thuần khiết hành trì giới luật của pháp tu Đầu Đà đã là một giáo pháp thân hành, dù không hùng hồn ngôn thuyết nhưng đã là một dòng nước mát làm sống lại trong quần chúng niềm tin vào chính pháp chân chính của Phật giáo mà trong những năm qua đã bị ẩn dưới các pháp môn hình tướng. Tôi mong rằng giáo pháp vô ngôn này sẽ tạo thành một cuộc cách mạng trong toàn diện sinh hoạt xã hội. Như kinh Phật từng nói hương thơm đạo đức sẽ tỏa hương ngược gió lan tràn trong mọi sinh hoạt, cuộc cách mạng thầm lặng này sẽ là một trùng sinh lại giáo pháp mà Đức Phật từng chuyển pháp luân. Tôi mong rằng các tôn túc vẫn còn trong mọi giáo hội. Đặc biệt rằng GHPGVN, sẽ có dịp tự chỉnh đốn lại các khiếm khuyết của mình. Thay vì đứng vào lập trường phê phán và mỉa mai sư Minh Tuệ thì hãy theo ý kiến của đa số quần chúng Phật giáo đồ mà thanh tịnh lại các thành phần bất xứng trong mọi thành phần tăng chúng.
    
Tôi gọi hiện tượng sư Minh Tuệ là “cách mạng thầm lặng” với lạc quan mong rằng hiện tượng sư Minh Tuệ không chỉ là tiếng kêu trầm thống giữa thời đại nhiều người gọi là mạt pháp (paścimkāla) mà còn là một nguồn gió mát làm sống lại các phẩm chất cao quí mà trong nhiều năm tháng vừa qua chúng ta đã chỉ sống trong các giá trị vật chất của cuộc sống bị bủa vây bởi các thực tế ngắn hạn, từ đời sống kinh tế cho đến đức tin tôn giáo. Để cuối cùng chúng ta có thể thức chứng giáo một cách sống động lý vô thường, vô ngã mà Đức Phật đã chỉ ra từ hơn hai mươi sáu thế kỷ trước.
 
                                                                                     Vũ Thế Ngọc
                                                                                       (15-6-2024)

Không có nhận xét nào: