Trang

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

VÙNG SÀI GÒN VÀ CÁC TỈNH MIỀN ĐÔNG KHÔNG CÓ CỒN, CHỈ CÓ CÙ LAO - Nguyễn Gia Việt



Chúng ta có thể lấy bằng chứng ở Phú Nhuận có đường Cù Lao ở khu Miếu Nổi để ghi nhớ xưa ở khúc rạch Nhiêu Lộc vùng này có cái cù lao.
Sài Gòn còn có cù lao Phù Châu ở sông Vàm Thuật Gò Vấp, cù lao Nguyễn Kiệu mé quận 4, cù lao Long Phước ở Thủ Đức. Nếu tính ra thì nguyên cái quận 4 là cù lao Khánh Hội. Thanh Đa (Thạnh Đa) là một cù lao.
Nổi tiếng nhứt Miền Nam là cù lao Phố, rồi còn có cù lao Rùa.
 
Miền Tây mới có cồn. Nhưng vẫn có cù lao, thí dụ cù lao Dung, cù lao An Bình, cù lao Thới Sơn, cù lao Mây, cù lao Năm Thôn. Người Miền Tây kêu bốn cái cồn long Lân Quy Phụng trên sông Tiền, trong đó cù lao Thới Sơn là cồn Lân.
 
Bến Tre được là nhờ ba cù lao hiệp thành là cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa. Thành phố Bến Tre nằm ở cù lao Bảo. Huyện Tân Phú Đông của Tiền Giang là cù lao Lợi Quan. Cần Đước có cù lao Long Hựu.
 
Kêu là cồn là nó nhỏ, trước tiên là cồn cát nhỏ giữa sông, không ai ở. Sau nó lớn lên cây cối um tùm, có người ở thì kêu cù lao.
Cái chữ cù lao lâu năm, chữ cồn cũng lâu năm, nhớ Cồn Hến, cồn Dã Viên trên sông Hương.
 
Chúng ta làm rõ chữ cù lao đi! Vì cù lao rất được người Miền Nam xử dụng. Tại sao người ta kêu Cù lao Chàm, kêu Cù Lao Ré là đảo Lý Sơn, kêu Cù Lao Thu là đảo Phú Quí?
Nhiều người giải thích cù lao là 劬勞 là sai, xài Hán tự giải thích là sai rồi.
Cù Lao Chàm là Palao Cham, từ tiếng Chàm “palao” có nghĩa là đảo. Các cố dạo Tây thường phiên âm thành “poulo”.
Tiếng Mã Lai cũng có chữ “palau” là đảo, thí dụ đảo có nhiều người Việt vượt biên tị nạn là đảo Pulau Bidong. Có một nước tên là Palau nằm ở Nam Thái Bình Dương. Đảo Java của Indonesia cũng là Palau Java.
 
Người Chàm ở Việt Nam có gốc Nam Đảo, bà con với Mã Lai  Đa Đảo, gốc từ Malaysia và Indonesia.
Như vậy chữ cù lao ở Miền Nam là từ tiếng Mã Lai và Chàm “palao” có nghĩa là đảo, sau phiên âm thành “poulo”, người Miền Nam đọc thành cù lao.
 
Còn cồn thì cũng ráng tìm chữ này xuất xứ từ đâu. Như đã nói, có cồn Hến, cồn Dã Viên từ xưa ở Huế rồi. Miền Nam nhiều sông rạch thì cồn và cù lao nhiều nhứt Miền Nam.
 
Bài phú “Hoài cổ” của danh nho Võ Trường Toàn có câu:
 
Rỡ rỡ cúc ba thu, ba thu lụn cúc đà tàn héo; hây hây sen chín hạ, chín hạ qua sen cũng rã rời.
Cho hay vực thẳm nên cồn; khá biết gò cao hóa biển.
Quán âm dương rước khách xưa nay, đã mấy mươi năm; đò tạo hóa đưa người qua lại, biết bao nhiêu chuyến.
Nhấp nháy ngọn đèn trong kiếng, linh đinh bóng nguyệt dòng sông...”.
 
Trong bài thơ "Gia Định thất thủ vịnh" viết năm 1859 nhà thơ Phan Văn Trị đã viết:
 
"Thương thay đất Gia Định
Tiếc thay đất Gia Định!
Vực thẳm nên cồn
Đất bằng nổi sóng."
 
Đọc Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ta thấy có cù lao Tân Triều, cù lao Tân Chánh, cù lao Giản Phố châu không thấy ghi cồn. Nhưng tôi chắc chắn cồn là chữ Nôm, chính xác là chữ Nôm nào thì để từ từ tìm ra.
   
                                                                              Nguyễn Gia Việt
Ghi chú:
 
Tra từ điển Hán Nôm về chữ Nôm “CỒN”, có 4 kết quả:
cồn • 𡑱 cồn • 𡑳 cồn • 𪣋 cồn
Chúng đều có bộ thổ và dùng trong các từ: cồn cào; cồn cát...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ