Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

NHỚ VỀ LÊ TRUNG, HỌA SĨ CỦA GIỚI BÌNH DÂN MIỀN NAM - Phạm Công Luận


Họa sĩ Lê Trung

Năm 1954, nhà văn kiêm nhà thơ Tô Kiều Ngân cùng nhà thơ Thanh Nam làm tờ tuần san Thẩm Mỹ. Trong quá trình làm tờ này, hai ông gặp một chuyện rắc rối không đỡ nổi.
 
Trong cuốn di cảo “Mặc khách Sài gòn” (Nhã Nam - NXB Hồng Đức 2014), ông Tô Kiều Ngân kể lại chuyện này: “Bài phê bình hội họa miền Nam của Tạ Tỵ dùng trong số báo ấy đã đụng chạm đến một số anh em cầm cọ quen biết. Tỵ chê tranh thiếu nữ của Lê Trung là “vẽ bức nào” cũng giống nhau như chụp hình, thiếu sáng tạo” trong khi Lê Trung được đa số độc giả, nhất là phụ nữ ưa thích. Tranh thiếu nữ mượt mà của họ Lê thường được dùng làm bìa báo tết và in lịch. Phản ứng lúc bấy giờ khá dữ dội. Ngày nào tòa soạn cũng nhận được thư hoặc gửi cho chủ báo, hoặc đề gửi cho Tạ Tỵ, mà hầu như thư nào cũng chứa đựng những lời mạt sát nặng nề, thô bạo. Chủ báo rầu thúi ruột. Chúng tôi cũng rầu nhưng sợ Tạ Tỵ buồn nên giấu nhẹm sự việc và hủy các lá thư đó đi.”
 
Lê Trung là ai mà được độc giả thời đó ưu ái như vậy?
 
Hoạ sĩ Lê Trung không hẳn là tên tuổi lớn của hội họa miền Nam trên dưới nửa thế kỷ trước, nhưng chắn chắn nằm trong trong số họa sĩ được nhiều người biết cho dù những người ấy chưa từng đi xem bất cứ cuộc triển lãm tranh nào. Giống như trường hợp họa sĩ Duy Liêm được hâm mộ nhờ hiện diện nét vẽ tài hoa của mình trên các bìa nhạc tờ, họa sĩ Lê Trung nổi tiếng qua những bức tranh làm bìa báo xuân thời gian cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960.
 
Có lần, gặp họa sĩ Kha Thùy Châu, khi tôi cho ông xem bìa báo Tiếng Chuông số Xuân Tân Sửu 1961, ông bảo “Đây là bìa báo xuân đẹp nhất của Lê Trung”. Có thể đây là cái nhìn riêng của ông, nhưng đó là một bức tranh làm bìa rất đặc trưng cho phong cách Lê Trung. Bức tranh vẽ một thiếu nữ đẹp, cái đẹp rực rỡ với đôi mắt to, mí rõ, cổ cao, ngực nở, eo nhỏ, môi trái tim, nửa giống nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, nửa giống nghệ sĩ Mộng Tuyền, có cái nhìn tươi nhưng nghiêm trang. Nhân vật trong tranh ông đều là các cô thiếu nữ có nét đẹp kiểu đó, ra dáng thiếu nữ miền Nam, được vẽ bán thân hay toàn thân, nhìn qua phải hay trái, đứng dựa thân cây hay ngồi ngắm chậu hoa, tóc dài và thường bận áo dài. Các bìa báo và tranh phụ bản do ông vẽ đăng nhiều trên các báo Xuân Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới, Phụ Nữ Diễn Đàn... là những tờ báo nhắm tới độc giả bình dân nói chung và nữ giới nói riêng, có nhiều chuyên mục để giải trí như truyện ngắn, chuyện kể, kịch trường sân khấu và những chuyện khác liên quan đến nữ giới.
 

Họa sĩ Phan Phan, nổi tiếng trong giới thiết kế sân khấu từ nửa thế kỷ qua cho tôi biết hồi còn trẻ, chỉ vì mê tranh Lê Trung mà ông quyết chí đi theo nghề vẽ. Ông lên Sài Gòn học trường Mỹ nghệ Gia Định, vẽ tranh biếm một thời gian rồi chuyển hẳn sang nghề thiết kế sân khấu. Trong cuốn “Sài Gòn – phong vị báo xuân xưa”, nhắc đến câu chuyện lần đầu ông gặp họa sĩ thần tượng của mình và nhờ đó, được giải đáp thắc mắc lâu nay của ông cũng là của những người mê tranh Lê Trung. Câu hỏi đó là: “Nguyên mẫu người đẹp trong tranh Lê Trung là ai?”. Câu chuyện như vầy: Cuối thập niên 1950, Phan Phan lên Sài Gòn và nhờ một người bạn dẫn đến thăm nhà họa sĩ Lê Trung dưới chân cầu Kiệu đường Hai Bà Trưng, trong một con hẻm. Mục đích của ông là được gặp thần tượng, người vẽ tranh thiếu nữ trên bìa báo Xuân mà từ những ngày còn trẻ ở thị xã Bến Tre, ông đã mê mẩn ngắm nhìn, cất giữ và cuối cùng đi đến quyết định theo nghề họa sĩ. 

Trong cuộc gặp này, ông Phan Phan hỏi họa sĩ Lê Trung: “Hình ảnh cô gái đẹp anh vẽ trên mấy tờ bìa báo Xuân, luôn là một thiếu nữ với đôi mắt to ướt át, mày cong, ngực nở eo nhỏ và mái tóc dài đen nhánh, có phải là hình ảnh người vợ của ông như nhiều người đồn?”.
Họa sĩ Lê Trung cười bảo: “Người ta còn bảo là tôi vẽ người yêu nữa, Nhưng thực ra, đó không phải là hình ảnh của vợ tôi, hay của người yêu nào cả. Làm gì có người đẹp được như vậy? Đó chỉ là một phụ nữ do tôi… tưởng tượng ra, tổng hợp lại những nét đẹp nhất mà tôi nghĩ phụ nữ cần có”.
 
Theo Phan Phan, Lê Trung không chỉ vẽ người đẹp. Tranh của ông trong các buổi triển lãm có nhiều bức phong cảnh và các đề tài khác, nhưng người ta chỉ mê tranh thiếu nữ của ông.
Lần giở những tờ báo xuân xưa, mới thấy khả năng của Lê Trung đa dạng. Ngoài việc vẽ tranh bìa, báo xuân, ông còn vẽ minh họa, biếm họa. Thập niên 1940, tranh biếm họa của ông vẽ khá sắc sảo, sinh động và có thể nói là đáng lưu ý trong làng biếm họa thời đó. Tuy nhiên, sau này ông không đi tiếp thể loại này.


Theo một số tài liệu, họa sĩ Lê Trung là người xã Long Phú, quận Tân Châu, Châu Đốc, sinh 6 tháng 10 năm 1919, không rõ năm mất. Tên thật của ông được ghi khác nhau ở các tài liệu, khi thì là Lê Toàn Trung, hoặc là Lê Ngọc Trung. Gia đình ông gốc gác gia giáo, bên nội mấy đời làm quan triều nhà Nguyễn. Thân phụ ông là Lê Quang Hòa, làm thương mãi và bí mật tham gia chống thực dân. Ngoại tổ của ông Lê Trung là cụ Đốc học Đặng Văn Hanh, có tiếng ở huyện Tân Châu.


Từ thuở bé, Lê Trung đã có khiếu về hội họa. Sau khi tốt nghiệp trường mỹ thuật Gia Định, ông đậu vào trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội năm 1933. Ông vẽ chân dung, phong cảnh, tĩnh vật… bằng phấn màu, màu nước theo trường phái tả thực và từng tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh ở Sài Gòn trước 1975. Sau mấy năm dạy vẽ ở trường học, Lê Trung mở xưởng vẽ và lớp dạy hội họa. Ông được mời tham gia nhiều cuộc triển lãm Quốc tế và là cộng tác viên trang trí tập san “Sud Est Asiatique” của Pháp từ 1948-1954. Ông nổi tiếng về khoa vẽ truyền thần. Thỉnh thoảng ông viết bài sưu tầm và khảo cứu nghề nghiệp đăng trên báo dưới bút hiệu là “Tân Châu Tử”.
 


Nhiều người ở tuổi trên dưới lục tuần, gốc gác miền Tây Nam bộ, ở Gia Định vẫn nhớ lại chuyện gần đến Tết xin lịch tờ, hay lấy báo Xuân tách ra, ruột báo đem gói đồ, quấn thuốc hút còn tờ bìa thì đem dán lên vách gỗ để ngắm chơi. Đó là thói quen của ông bà, cha mẹ họ. Khi họ còn nhỏ, mỗi ngày qua lại, ngồi ăn cơm, họ nhìn ngắm bức ảnh nghệ sĩ cải lương tân nhạc, xem tranh Lê Trung... trên vách và thấm sâu vào trí nhớ, hình thành thị hiếu thẩm mỹ. Khi được nhìn lại, nó gợi cả một trời tuổi nhỏ, như thấy lại hình ảnh người yêu trong mộng tưởng hồi trẻ, hay hình ảnh người mẹ, người chị một thời đã xa.
 
                                                                                 Phạm Công Luận
*
Nguồn:
https://www.facebook.com/100064291681309/posts/873850528101329/?rdid=YabAlkcUDfBm9Hk7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ