Trang

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

TÔ CANH HẸ - Vũ Thế Thành



Một chuyện kể hàng tuần mà tôi học trong sách “Tập đọc lớp Năm” (lớp 1 bây giờ) là truyện “Tô canh hẹ”, đại khái thế này:
Một người bị tội phải giam trong ngục. Lính gác đưa vào cho người tù tô canh hẹ. Anh ta cầm tô canh nức nở khóc. Lính hỏi vì sao, người tù trả lời, ở nhà tôi thích canh hẹ, mẹ tôi thường nấu cho tôi ăn. Nhìn tô canh hẹ này, tôi chắc mẹ tôi lặn lội đường xa nấu canh đến thăm nuôi tôi. Tôi chưa báo hiếu ngày nào, lại để mẹ khổ cực vì tôi thế này, nên tôi khóc.
 
Truyện chỉ có thế, 2 trang: một trang in chữ to, khoảng 80 chữ, còn trang kia là hình minh họa. Tôi còn nhớ tranh vẽ người lính đội nón lá đứng nhìn, còn người tù ngồi bệt dưới đất, một đầu gối co lên, mặc áo rách, hai tay bưng tô canh trước mặt, nước mắt rơi lã chã.
 
Thuở đó tôi không biết rau hẹ thế nào, nói mẹ tôi nấu ăn thử. Mẹ tôi ngạc nhiên, thằng con tự nhiên đòi ăn… rau. Bà nấu canh hẹ với đậu hũ, tôm khô. Tôi ăn thấy cũng được, nhưng không thích lắm. Sau này lớn khôn, đi làm rồi, đôi khi mẹ tôi lại hỏi, có ăn canh hẹ không, bà nấu. Nghĩ đến tô canh người tù, tôi gật đầu.
 
Đời phong ba khó nói hết. Mỗi khi có những giao dịch, bị quà cáp “trên mức tình cảm”, tôi lại nhớ đến hình ảnh người tù bưng tô canh hẹ…
 
Quyển sách “Tập đọc lớp năm” đó, tôi nhớ mang máng do nhà xuất bản Thanh Đạm (tư nhân), nằm dưới chân cầu Trương Minh Giảng ấn hành.
Sách giáo khoa bây giờ là mỏ vàng của các nhà giáo dục (lớn), đủ thứ lý sự, cao siêu trong đấy. Những thứ này sẽ đeo đuổi cuộc đời học sinh sau này. Khi nào chúng hiểu ra sự thật về “Mặt trời chân lý”, thì lúc đó mặt trời không còn “chói qua” mà sẽ đốt cháy con tim.
 
Tôi không phải là nhà giáo dục, không phải là nhà soạn sách giáo khoa cho học sinh. Tôi không biết câu chuyện “tô canh hẹ” đã gây ấn tượng và kéo dài đến gần 60 năm sau trong đầu một đứa trẻ như thế có xứng đáng nằm trong sách giáo khoa lớp Một không? Có đúng là một trong những chỉ tiêu giáo dục nhân cách cho trẻ không?
 
Còn nhiều câu chuyện hàng tuần trong sách “Tập đọc lớp Năm”, đến giờ tôi vẫn còn nhớ, thậm chí nhớ cả hình minh họa. Khi nào quỡn sẽ từ từ kể, không phải kể cho bọn trẻ lớp Một (chúng có đọc được status này đâu), mà là kể cho “bọn trẻ” cỡ… tôi (hoặc trẻ hơn) để hiểu về nhân cách. Biết đâu chúng run tay một chút trước khi treo cái bảng “giáo dục” trước ngực, còn sau lưng là bảng “thương mại”.
 

Hình dưới đây là một học sinh tiểu học giơ tay trong lớp. Nhìn mặt mũi nghiêm trang và cách giơ tay của con bé rất dứt khoát. Gọi là “con bé” chứ bây giờ em cũng gần… 60. Một thời đã qua.
 
                                                                                    Vũ Thế Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ