NƯỚC MẮT CỦA EM - CaDao
Cúc Hương là một đứa con gái lì lợm!
Tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ truy bài bắt
đầu. Ngập ngừng, Cúc Hương liếc nhìn mẹ.
Rồi không chịu nổi ánh mắt như van nài, nó quay người bước nhanh vào sân trường.
Cô Nguyệt đã có mặt trên lớp. Cô đang hướng dẫn cho một
số đứa làm mấy bài cảm thụ văn học. Cúc Hương lầm lì đi thẳng vào chỗ ngồi. Mới
đến lớp có hai ngày, nó không ưa cô giáo mới cũng như những đứa bạn thành phố
đang ngồi học trong lớp này. Nó ghét tất cả mọi điều đang diễn ra. Ghét cả những
đổi thay về mặt tâm sinh lý của nó. Cúc Hương chẳng nói gì với mẹ mình.
Nó sợ những giọt
nước mắt của bà lắm!
Không biết bao nhiêu năm rồi, bà Mai và mấy chị em Cúc
Hương phải chịu đựng cảnh đòn roi quát nạt của ông Tình. Là người đàn ông trụ cột
trong gia đình nhưng hiếm khi ông ở nhà, lúc về thì nồng nặc mùi rượu. Bà bôn
ba với đủ thứ công việc để nuôi ba đứa con gái đang lớn. Gia đình nhà chồng đã
không thương cảm mà còn tiếng bấc tiếng chì. Ông bà nội và người cha ghét Cúc
Hương nhất bởi nó là con gái chứ không phải thằng con trai như họ mong muốn. Những
trận đòn in hằn lên thịt da và khắc sâu vào tâm trí non nớt của nó. Trên môi
Cúc Hương không hề có nụ cười và cũng chẳng có nước mắt rơi. Không chịu đựng nổi,
bà Mai đưa các con rời cái huyện nhỏ bé đầy đau khổ đó về lại thành phố Nha
Trang, nơi ngày xưa bà đã sống.
Vậy là Cúc Hương phải chuyển trường, chuyển lớp. Nó
hơi vui khi không phải nghe những lời la mắng, không phải chịu đòn roi của cha
và nhất là không nghe, không thấy tiếng khóc cùng những giọt nước mắt của mẹ.
Tuy nhiên, nó chưa biết rồi chuyện học hành của nó sẽ ra sao! “Thây kệ! Mới lớp
9 thôi mà” Nó chậc lưỡi nghĩ thầm.
Cúc Hương giật mình khi có bàn tay vuốt nhẹ trên mái
tóc nó:
- Con có sao không?
- Không, cô!
- Sao con lại nằm dài trên bàn vậy? Con mới vào lớp
chưa quen, có gì thì nói cho cô biết để giúp con nhé.
Cúc Hương gật đầu rồi gạt phắt bàn tay cô Nguyệt trên
tóc nó. Dù nhìn thấy ánh mắt cô buồn buồn nhưng nó thản nhiên quay đi. Nó không
quen với sự âu yếm ngọt ngào này!
- Cúc Hương, bạn xem nè!
- Gì đó?
- Bạn xem bức tranh này có đẹp không? Tớ vẽ bạn đó.
Cúc Hương hờ hững đưa mắt nhìn. Trên tờ giấy A4 là
hình ảnh một cô bé có đôi bím tóc dài, đôi mắt to nhưng buồn rũ, cái miệng như
chực chờ muốn khóc.
- Tớ thế này á?
- Ừ, mình không
muốn vẽ bạn như thế đâu, nhưng có điều gì như thế trên khuôn mặt bạn.
- Bạn vẽ hay nhỉ!
- Tớ học vẽ từ lớp 1. Ba tớ dạy cho tớ.
Cúc Hương ném tia nhìn sang cô bạn với vẻ hằn học, đẩy
bức tranh ra xa rồi quay người sang chỗ khác.
Nó chua xót.
Tình cảm người cha dành cho nó là những vết bầm trên
thịt da.
Nhìn bạn bè
trong lớp được cha mẹ đưa đón đi học nó càng tủi thân, càng tách biệt với bạn
bè, thầy cô ở trường.
Mới hai tháng mà không biết bao nhiêu lần Cúc Hương trốn
học. Bà Mai vừa quay xe đi là nó cũng quay lưng lẹ bước ra khỏi khu vực nhà trường.
Nó chán lớp học, nó chán những đứa cùng lớp là con mọt sách. Những bản kiểm điểm
nó đã viết và những giọt nước mắt của mẹ không lung lay được cái bướng bỉnh của
nó.
Giờ này mẹ và các chị đã đi làm. Bạn bè cùng lớp thì
đang chúi mũi vào sách vở. Nó yên tâm rảo bước.
Nơi nó ngồi hàng giờ là chiếc ghế đá trong công viên ở
bãi biển. Nó tha hồ thả ước mơ lên bầu trời cao xanh thẳm đang lồng lộng gió,
tha hồ căng mắt tìm cánh buồm đỏ thắm ngoài khơi trong giấc mơ thần tiên. Rồi
nó cắm cúi viết. Quyển sổ tay chi chít những dòng chữ. Những điều nó viết chỉ
mình nó biết, chỉ mình nó hay.
Có một bàn tay đặt nhẹ trên vai.
Cúc Hương giật mình rồi tái mặt đứng dậy. Cô Nguyệt đứng
bên cạnh nó tự lúc nào.
Cúc Hương ấp úng: “cô…con…con.”
Cô Nguyệt mỉm cười: : “Con ngồi xuống đây với cô nào.”
- Cô không lên lớp à?
- Cô dạy có một tiết thôi. Đi ngang qua đây, thấy con,
cô ghé vào ngồi cùng cho vui.
Cúc Hương bối rối, xoắn chặt hai bàn tay
Cô Nguyệt vòng tay ôm nó. Cô không bảo nó về lớp học
mà ngồi lại cùng nhau trò chuyện. Sự gần gũi, thân mật của cô giáo làm nó bỗng
thấy như lâu ngày được gặp lại người bạn thân. Bỗng dưng nó kể hết mọi chuyện:
về hoàn cảnh gia đình, lí do những lần trốn học; kể về những bản kiểm điểm nó
đã viết, về những giọt nước mắt đau xót của mẹ mình; kể vì sao mình bướng bỉnh,
sống tách biệt với mọi người…
Cô Nguyệt im lặng lắng nghe, đôi mắt long lanh. Cúc
Hương khóc, lần đầu tiên nó thả lỏng cảm xúc, những giọt nước mắt tủi hờn lần đầu
tiên thi nhau rơi xuống. Cô Nguyệt ôm siết lấy bờ vai nhỏ đang rung lên từng
cơn. Trưa hôm ấy, cô gọi điện thoại cho bà Mai và xin phép bà cho nó về nhà cô
chơi. Sau bữa ăn, hai cô trò nói chuyện nguyên cả một buổi chiều rồi cô mới chở
nó về.
Cúc Hương có một chút hứng khởi với cuộc sống. Nó
không trốn học nữa và thấy vui khi nghe bạn bè khen nụ cười của nó rất đẹp. Nó
có những bài viết được đăng tập san Học Đường ở trường rồi đăng báo Thiếu Niên.
Mọi người nhìn nó bằng ánh mắt khác. Bà Mai cũng vui hẳn bởi việc học của nó có
nhiều tiến bộ. Cúc Hương thường xuyên ngồi trò chuyện cùng cô Nguyệt trên ghế
đá sân trường giờ ra chơi. Không biết từ lúc nào nó mong đến giờ học Văn của cô. Nó thèm được ngắm
dáng cô đứng trên bục giảng và mong được thấy ánh mắt cô nhìn nó. Đôi mắt ấy đã
khơi gợi trong nó biết bao ước mơ và hi vọng. Vậy mà ông trời không chìu lòng
người. Gần cuối năm học, cô đã ra đi vĩnh viễn vì một căn bệnh nghiệt ngã. Cúc
Hương ân hận vô cùng vì sự ích kỉ của mình. Nó không hề biết cô bệnh đã lâu,
cũng chưa một lần hỏi thăm cuộc sống của cô ra sao, chưa hỏi cô bao nhiêu tuổi…
Nó chỉ biết kể về mình, chỉ mong muốn được nghe cô cho ý kiến về những băn
khoăn của nó trong cuộc sống, thích thú khi được nghe cô nhận xét về những bài
văn nó viết mà thôi.
Cúc Hương xin phép bà Mai đạp xe lên chùa, nơi tro cốt
cô Nguyệt nằm lại sau khi hỏa táng.
Vừa đốt tờ phiếu liên lạc với những con điểm 9, 10 đỏ
rực, Cúc Hương vừa nức nở: “Cô à, con đã cố gắng học hành, con đã và sẽ luôn
nghe lời cô dặn. Nhưng mà cô có biết không, CÔ LÀ MỘT NỬA THẾ GIỚI CỦA CON, cô
nỡ lòng nào ra đi như thế, cô ơi!”
Cúc Hương chít vành khăn trắng trên đầu, ngồi trước Phật
đài như hóa đá.
Những giọt nước mắt của nó lặng lẽ rơi giữa bóng tà
huy loang lổ đang ngân vọng tiếng chuông chùa…
Ca Dao 6/ 4/ 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ