Đường Thanh Niên tên cũ là đường Cổ Ngư, con đường
lãng mạn nhất của Hà Nội.
Đường
Cổ Ngư và tam quan đền Quán Thánh. Ảnh: Firmin-André Salles.
Trên
đê Cố Ngự
Nhớ
chữ đồng tâm
Hỡi
cô đội nón ba tầm
Có
về Yên Phụ hôm rằm lại sang
(Ca dao ngạn ngữ Hà Nội)
Mùa đông Hà Nội đẹp và lãng mạn. Đi trên đường Thanh
Niên, trông ra hồ Tây mờ sương, cảm nhận mùa đông đến gần lắm.
Đường Thanh Niên tên cũ là đường Cổ Ngư, con đường
lãng mạn nhất của Hà Nội. Có người đã gọi con đường này là “đường tình yêu”,
nơi đã cất giấu bao nhiêu lời tự tình của trai gái Hà thành.
Đường Cổ Ngư, cái tên dẫn dụ ta trở về với Thăng Long
thành thuở “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Con đường với tuổi đời hơn 400 năm ngăn
chia hồ Tây và hồ Trúc Bạch như khe mang của con cá khổng lồ (nếu ta tưởng tượng
hồ Tây là thân và hồ Trúc Bạch là phần đầu của con cá).
Hơn trăm năm trước Hà Nội có rất nhiều hồ. Các hồ nối
tiếp nhau san sát từ hồ Tây đến hồ Tả Vọng - Hữu Vọng. Cứ xem tấm bản đồ Hà Nội
năm 1873 được vẽ bởi ông Phạm Đình Bách thì thấy rõ.
Ở mạn phía bắc, lớn nhất là hồ Tây rồi đến hồ Trúc Bạch,
kế tiếp có hồ Cổ Ngựa rồi hồ Sao Sa. Đi theo hướng đông có hồ Huyền Thiên, hồ Đồng
Xuân, hồ Ngư Võng, Thái Cực rồi đến hồ Tả Vọng, Hữu Vọng.
Trải qua thời gian, các hồ dần bị lấp để quy hoạch
thành đường phố và khu dân cư. Vì thế, giờ đây không còn hồ Đồng Xuân mà thay
vào đó là khu chợ Bắc Qua, cũng không còn hồ Thái Cực mà dấu tích của nó là phố
Cầu Gỗ, rồi có Nhà hát Lớn được xây dựng trên hồ Hữu Vọng.
Thế kỷ thứ XVII, hồ Tây và hồ Trúc Bạch chỉ là một.
Sau này người dân đổ đất, đóng cọc tre tạo thành một con kè nhỏ ngăn một phần hồ
Tây tạo thành hồ Trúc Bạch như bây giờ.
Trong Cổ tích và danh thắng Hà Nội (Nhà xuất bản Văn
hóa, 1958), cụ Sở Bảo Doãn Kế Thiện dẫn sách Long thành dật sử giải thích rằng
con kè ngăn hồ này được đắp vào năm 1620 để ngư dân đánh bắt tôm cá vì phần
trên của hồ Tây khá lặng sóng, vì vậy gọi là đập Cố Ngự (giữ cho vững chắc).
Thời nhà Lê nó được bồi đắp trở thành vòng thành ngoài
của Kinh thành Thăng Long gọi là đê trấn Bắc. Thời Pháp, đê Cố Ngự được gọi là
Cổ Ngư. Người thì bảo tên gọi này do con đường giống như phần cổ (mang) của con
cá, người lại nói cách phiên âm của người Pháp không có dấu nên Cố Ngự thành Co
Ngu là lâu dần đọc chệch thành Cổ Ngư.
Những năm đầu thế kỷ XX, đê Cổ Ngư chưa có dáng dấp của
một con phố. Mặt đường sỏi đá gồ ghề và rất hẹp, chỉ đủ hai xe tay tránh nhau.
Không có đèn đường nên ban đêm khu vực này rất tối tăm. Người ta lắp ở đây hai
hàng cột sắt ở bên đường, trên cột có khung kính, bên trong đặt chiếc đèn dầu.
Mỗi tối có người mang thang đến thắp đèn lần lượt từ đầu
đường đến cuối đường. Theo nhà văn Nguyễn Công Hoan, đến năm 1918 những cột đèn
dầu hỏa này vẫn còn được sử dụng.
Năm 1931, Hội đồng Thành phố cải tạo đê Cổ Ngư bằng
cách đổ đá dọc hai bên mở rộng thành đường. Đê Cổ Ngư không còn ngoằn ngoèo nữa
mà mang dáng dấp của một tuyến đường. Người Pháp đặt tên cho đường này là
Lyautey (lấy tên một viên Thống chế người Pháp). Cuối đường Cổ Ngư là đền Trấn
Vũ, một trong bốn ngôi đền thiêng của “Thăng Long tứ trấn”. Đoạn giữa đường Cổ
Ngư có chùa Trấn Quốc và đền Cẩu Nhi.
Đường
Thanh niên ngày nay.
Nói đến chùa Trấn Quốc, lại nhớ đến một chuyện còn lưu
vết trên trang báo xưa. Vào năm 1935, một thương gia người Pháp - chủ khách sạn
Métropole - đã móc nối với chính quyền định lấy một phần đất chùa làm dịch vụ
giải khát và nhảy đầm. “Dự án” kinh doanh hỗn láo này bị nhân dân Hà Nội nguyền
rủa. Ngay cả những người Pháp văn minh cũng không thể chấp nhận được lối kiếm
tiền bất chấp đạo lý đó.
Tuần báo L’Eveil économique de L’Indochine (Đánh thức
kinh tế Đông Dương) đã thẳng thừng chỉ trích việc kiếm tiền này là hành vi “thô
bỉ”, “thiếu văn hóa” của “kẻ vô ý thức”. Nhờ sự phản đối này mà ý đồ trên không
thực hiện được.
Đáng tiếc thay, những người Pháp văn minh đã ngăn cản
được hành vi kinh doanh “thô bỉ” của gã thương gia tham tiền thì đã có thời kỳ
chúng ta lại đi vào lối kinh doanh của “kẻ vô ý thức” đó. Thập niên 1980, ngay
sát nơi thanh tịnh là chùa Trấn Quốc đã từng có một nhà nổi kinh doanh ăn uống,
nhảy đầm với ánh đèn màu nhấp nháy lòe loẹt.
Đau lòng hơn là đền Cẩu Nhi trên đảo ở hồ Trúc Bạch
cũng bị đập tan tành vào thập niên 1980 để xây dựng cơ sở sản xuất của Hợp tác
xã và sau đó biến thành “quán ăn Cổ Ngư”. Thật may đến nay đền Cẩu Nhi đã được
phục dựng lại để trả lại sự linh thiêng của ốc đảo nhỏ bé này. Một việc làm ý
nghĩa của những người có văn hóa, dù muộn.
Sau tiếp quản Thủ đô, Hà Nội bước vào công cuộc kiến
thiết mới. Vào ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1958, Ủy ban Hành chính Hà Nội khởi
công công trình mở rộng đường Cổ Ngư và xây dựng công viên hồ Trúc Bạch. Công
trình này được giao cho thanh niên Thủ đô “độc quyền” thực hiện.
Hàng nghìn, hàng vạn xe cải tiến chở đất, đá từ bãi An
Dương được đổ xuống để nắn đường Cổ Ngư vốn nhỏ bé, gồ ghề trở nên rộng rãi và
mềm mại. Dốc Yên Phụ trước đây rất cao đã được đổ đất hạ thấp để dễ đi hơn.
Khu vực trước cổng đền Quán Thánh do nước hồ Tây rút
ra xa để lại vũng lầy lội đã được đổ rất nhiều đất tạo thành vườn hoa đẹp (vườn
hoa Lý Tự Trọng hiện nay).
Sau hàng vạn ngày công lao động của thanh niên, việc mở
rộng đường Cổ Ngư đã hoàn thành. Người ta thảo luận đặt tên mới cho con đường.
Đa số các ý kiến đề nghị bỏ tên cũ là Cổ Ngư vì không phù hợp với không khí của
Thủ đô mới. Chẳng hiểu tại sao họ lại muốn bỏ cái tên rất đẹp ấy. Hàng loạt các
“đề cử” tên mới như: đường Lý Tự Trọng, đường Hồ Xuân Hương nhưng vẫn chưa thống
nhất.
Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội lúc đó là bác sĩ Trần
Duy Hưng xin ý kiến Hồ Chủ tịch và được gợi ý đặt tên đường Thanh Niên như một
sự tôn vinh công lao của thanh niên Thủ đô trong việc mở đường.
Vậy là tên đường Thanh Niên đã gắn với Hà Nội hơn nửa
thế kỷ và cũng chứng kiến biết bao vui buồn của Thủ đô. Nhưng tên Cổ Ngư không
vì thế mà mất đi, nó ẩn hiện trong tâm thức của những người yêu Hà Nội, nhẹ
nhàng và lãng mạn trong mỗi câu hát “Cái
rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh. Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều
tan lớp. Đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước ta về”.
Tạ Thu Phong
Nguồn:
https://zingnews.vn/dieu-it-biet-ve-con-duong-lang-man-nhat-ha-noi-post1370204.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ