Cuốn sách “Trương
Vĩnh Ký, nỗi oan thế kỷ” do nhà nghiên cứu lão thành nổi tiếng Nguyễn Đình
Đầu chủ biên, là một công trình công phu tập họp các bài viết của nhiều tác giả
xưa và nay, đã được Cục Xuất bản chấp nhận và đã qua thời hạn lưu chiểu theo luật
định, tức được phép lưu hành, được các đơn vị xuất bản tổ chức ra mắt tại Đường
Sách Sài Gòn vào sáng Chủ nhật 8/1/2017. Giấy mời tham dự buổi ra mắt đã được gửi
đi. Nhưng bất ngờ ngày 4/1/2017, một “lệnh miệng” được ban xuống yêu cầu hủy bỏ
buổi ra mắt sách. Nhiều thông tin từ nội bộ giới hữu quan cho biết lệnh này xuất
phát từ ý kiến của một cựu quan chức lãnh đạo TPHCM đã nghỉ hưu gửi tới “cấp
trên” có thẩm quyền. Áp lực đang gia tăng đối với cuốn sách về học giả Trương
Vĩnh Ký, thậm chí có nguy cơ đến số phận cuốn sách đáng quý này.
Học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là một nhà bác học
lớn của Việt Nam, một tên tuổi được bàn luận nhiều trong chiều dài lịch sử văn
hoá, chiều hướng ghi nhận công trạng của ông với nền văn hoá hiện đại của dân tộc
ngày càng áp đảo. Tên ông đã được đặt cho một trường học tại TPHCM
(http://www.truongvinhky.edu.vn/) và một trường học tại Bến Tre, một đường phố
tại TPHCM và một đường phố ở Đà Nẵng. Năm 2015, Trương Vĩnh Ký được Quỹ Văn hoá
Phan Châu Trinh tôn vinh là “Danh nhân Văn hoá Việt Nam thời hiện đại”
Nhà
Bác học Trương Vĩnh Ký
(06/12/1837 - 01/09/1898)
(06/12/1837 - 01/09/1898)
Những người tha thiết với văn hoá dân tộc, tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng nền văn hoá hiện đại Việt Nam của các bậc tiền bối kiên quyết phản đối mọi âm mưu xoá bỏ công lao của học giả Trương Vĩnh Ký, tước đoạt quyền tự do tư tưởng và học thuật của người trí thức, tố cáo trước công luận những thủ đoạn bóp nghẹt quyền tự do xuất bản đã được Hiến pháp và Pháp luật chính thức bảo hộ.
Để rộng đường dư luận về cuốn sách này, Văn Việt xin
trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết sau đây của GS Phan Huy Lê, bài mở đầu
sách.
Văn Việt
LỜI
GIỚI THIỆU
Trương Vĩnh Ký hay Petrus Ký (1837-1898) là một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực từ ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, từ điển đến văn học, nghệ thuật, văn hóa… Ông sớm theo đạo Thiên Chúa và được đào tạo tại nhiều chủng viện, từ tiểu chủng viện Cái Nhum (Nam Kỳ) đến chủng viện Pinhalu (Campuchia) rồi đại chủng viện Poulo-Penang (Malaysia). Ông rất thông minh và có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ, thông thạo nhiều ngôn ngữ từ Hán, Nôm đến tiếng Latin, Pháp, Anh, Hy Lạp, Ấn, Nhật, cả tiếng Khmer, Thái, Lào. Ông để lại một di sản đồ sộ với khoảng gần 100 tác phẩm sách, báo, luận văn, bao gồm những khảo cứu về lịch sử, địa lý, ngôn ngữ đến bút ký, sáng tác thơ văn, dịch sách Hán, phiên âm truyện Nôm, từ điển. Ngoài ra, ông còn để lại nhiều thư bằng tiếng Pháp, tiếng Latin và quốc ngữ giao thiệp với các nhân vật đương thời và một số di cảo, tư liệu chưa ai có thể thống kê đầy đủ.
Trước khi làm giám đốc trường Thông ngôn, Trương Vĩnh
Ký còn làm chủ bút Gia Định báo. Trên phương diện quốc tế, ông đã từng là thành
viên Hội Nhân đạo và Khoa học miền Đông Nam nước Pháp, thành viên thông tấn trường
Đông phương Ngữ học, hội viên Hội Á châu. Ông còn được ghi nhận là một trong 18
học giả hàng đầu quốc tế (1873-1874).
Ngoài công việc giảng dạy, biên phiên dịch và viết
lách, Trương Vĩnh Ký có thời gian tham gia vào các hoạt động chính trị khác như
tham gia Hội đồng thường trực nghiên cứu tổ chức lại nền giáo dục Nam Kỳ, Hội đồng
thị xã Sài Gòn, được cử vào Viện Cơ mật của Nam triều, làm Giám quan cố vấn cho
Đồng Khánh. Chính từ những hoạt động này mà trong giới nghiên cứu đã từng có những
nghi vấn, phê phán gay gắt.
Học giả Nguyễn Đình Đầu là người đã dày công nghiên cứu
về Petrus Ký, đã thu thập được nhiều tư liệu về Trương Vĩnh Ký trong Thư viện Hội
Nghiên cứu Đông Dương (Société des Études indochinoises), Trung tâm lưu trữ Hội
Thừa sai Paris (Société des Missions étrangères de Paris) và đã dịch, chú
thích, xuất bản một số tác phẩm của Trương Vĩnh Ký.
Trên cơ sở chuẩn bị nhiều năm, học giả Nguyễn Đình Đầu
đã hoàn thành một công trình như một hồ sơ Trương Vĩnh Ký mang tên Petrus Ký –
Nỗi oan thế kỷ.
Trong công trình biên khảo này, trong chương một, tác
giả viết về thân thế và sự nghiệp Trương Vĩnh Ký, trình bày một cách hệ thống
cuộc đời và hành trạng của Trương Vĩnh Ký cùng những sáng tác của ông. Tác giả
lập danh mục các tác phẩm và niên biểu Trương Vĩnh Ký; viết lại các hoạt động
và thái độ hành xử của Trương Vĩnh Ký trong từng bối cảnh lịch sử cụ thể để người
đọc tự rút ra các nhận xét, bình luận. Theo đó, cuối đời, Trương Vĩnh Ký cũng tự
thấy những mâu thuẫn trong cuộc sống của mình khiến hậu thế khó hiểu khi căn dặn
chôn mình trong một nhà mồ đơn sơ với dòng chữ Latin “Sic vos non vobis” (Ở với họ mà không theo họ) và đôi câu đối bằng
chữ Hán: “Lưu bì văn dự dị thiên địa – Ủy
thế linh thần tại tử tôn” (Tiếng thơm ngưng đọng trong trời đất – Ý chí lưu
truyền tại cháu con). Tác giả Nguyễn Đình Đầu không tranh luận về sự đánh giá
công và tội của Trương Vĩnh Ký mà chỉ tỏ ra thông cảm với những uẩn khúc khó xử
của Trương Vĩnh Ký và muốn chiêu tuyết cho ông.
Một nội dung quan trọng của cuốn sách dành cho một số
trước tác của Trương Vĩnh Ký trong chương hai và ba. Đó là một số sách, báo,
bài viết chọn lọc và một số thư từ trao đổi của Trương Vĩnh Ký với nhà cầm quyền
Pháp, với vua Đồng Khánh, và với các nhân sĩ trí thức đương thời.
Nội dung chủ yếu của cuốn sách là những bài khen tặng
Trương Vĩnh Ký lúc sinh thời và những bài khảo cứu, phê bình Trương Vĩnh Ký từ
khi ông qua đời cho đến ngày nay. Đó là các chương từ chương bốn đến chương bảy
qua các giai đoạn khi Trương Vĩnh Ký còn sống (chương bốn), từ khi qua đời đến
năm 1945 (chương năm), từ năm 1945 đến 1975 (chương sáu) và từ khi Việt Nam thống
nhất năm 1975 đến nay (chương bảy). Qua từng giai đoạn này, người đọc sẽ thấy,
trải qua hơn một trăm năm với nhiều thăng trầm của lịch sử, lúc nào Trương Vĩnh
Ký được tôn vinh và lúc nào bị phê phán. Trong lịch sử Việt Nam, việc bình luận,
đánh giá không ít nhân vật lịch sử thường bị chi phối bởi bối cảnh lịch sử như
vậy. Nhưng xu hướng chung vẫn là sự thắng thế của kết quả nghiên cứu khoa học
nghiêm túc, khách quan và thái độ công minh trước lịch sử. Petrus Ký cũng trải
qua nhiều sóng gió của khen – chê, tôn vinh – phê phán, nhưng cuối cùng xu thế
khách quan, trung thực vẫn chi phối. Những hội thảo và bài nghiên cứu về Petrus
Ký gần đây đánh giá cao những cống hiến văn hóa, những di sản ông để lại, đồng
thời bày tỏ sự cảm thông với những uẩn khúc trong thời gian cộng tác với Pháp,
coi ông là một học giả uyên bác, một nhà bác học.
Cuốn sách của học giả Nguyễn Đình Đầu không chỉ là một
công trình khảo cứu về Trương Vĩnh Ký mà còn là một công trình tổng hợp bao gồm
các trước tác tuyển chọn của Trương Vĩnh Ký và hệ thống theo thời gian các
sách, báo nghiên cứu, phê bình Trương Vĩnh Ký kể cả khen và chê. Trong sách,
tác giả còn sưu tập và công bố một số tư liệu mới về Trương Vĩnh Ký, đóng góp
thêm cơ sở tư liệu về nhân vật lịch sử này.
Tôi đánh giá cao công lao sưu tầm, biên soạn công phu
với thái độ khách quan, trung thực của học giả Nguyễn Đình Đầu. Tôi coi đây là
một công trình tổng hợp có giá trị về Trương Vĩnh Ký, cung cấp một hệ thống tư
liệu khá đầy đủ và khách quan với nhiều góc nhìn khác nhau, cho tất cả các nhà
khoa học trên mọi lĩnh vực muốn nghiên cứu sâu về nhà bác học Trương Vĩnh Ký.
Hà
Nội, ngày 5 tháng 7 năm 2016
Giáo sư Sử học Phan Huy Lê
Nguồn:
http://vanviet.info/.../sch-truong-vinh-k-noi-oan-the-ky.../
Trương Vĩnh Ký hay Petrus Ký (1837-1898) là một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực từ ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, từ điển đến văn học, nghệ thuật, văn hóa… Ông sớm theo đạo Thiên Chúa và được đào tạo tại nhiều chủng viện, từ tiểu chủng viện Cái Nhum (Nam Kỳ) đến chủng viện Pinhalu (Campuchia) rồi đại chủng viện Poulo-Penang (Malaysia). Ông rất thông minh và có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ, thông thạo nhiều ngôn ngữ từ Hán, Nôm đến tiếng Latin, Pháp, Anh, Hy Lạp, Ấn, Nhật, cả tiếng Khmer, Thái, Lào. Ông để lại một di sản đồ sộ với khoảng gần 100 tác phẩm sách, báo, luận văn, bao gồm những khảo cứu về lịch sử, địa lý, ngôn ngữ đến bút ký, sáng tác thơ văn, dịch sách Hán, phiên âm truyện Nôm, từ điển. Ngoài ra, ông còn để lại nhiều thư bằng tiếng Pháp, tiếng Latin và quốc ngữ giao thiệp với các nhân vật đương thời và một số di cảo, tư liệu chưa ai có thể thống kê đầy đủ.
Giáo sư Sử học Phan Huy Lê
http://vanviet.info/.../sch-truong-vinh-k-noi-oan-the-ky.../
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ