Trang

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 3) – Nguyễn Khôi

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.




Bài Thứ 7.
 
Hoàng giáp Trần Danh Án (1754-1794) người làng Bảo Triện (Bắc Ninh) một cựu thần danh tiếng đời Lê Chiêu Thống, ông có tác phẩm Liễu Am thi tập.
 
Ông là người khăng khăng giữ quan niệm “cô trung”, mặc dù cũng linh cảm được cái triều đại mà mình tôn thờ đã mất vai trò lịch sử. Đó là chuỗi mâu thuẫn trong tư tưởng được chuyển hoá thành nguồn thi hứng bi thiết:
 
Ngày mới sắp tới gần, ngày cũ sắp qua
Ngày mới cười vui, người cũ khóc
                                      (Trừ tịch)
 
Con bướm không biết rằng hoa đã rụng
Lòng ai còn quyến luyến cánh hoa
                                     (Đại Diện)
 
Về “thơ con cuốc” (nhớ nước cũ) ông là người mở đầu về sau này Phạm Quý Thích, Bà Huyện Thanh Quan, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Tản Đà … cũng theo hồn của Trần Danh Án mà cảm hứng về đề tài này:
 
Ai xui con cuốc gọi hè
Cái nóng nung người nóng nóng ghê…!
 
Thơ Trần Danh Án:
 
Giá cô tại Giang Nam
Đỗ Quyên tạo giang Bắc
Giá cô minh gia gia
Đỗ Quyên thanh quốc quốc
Vi cầm thượng hiền quốc gia thanh
Cô thần đối thử tinh nan cực
 
Lý Thanh dịch:
 
Bờ Nam vang dậy giọng gà rừng
Bờ Bắc kêu hoài tiếng đỗ quyên
Nhà nhà đối tiếng kêu ai đó
Nước nước âm vang một nỗi niềm
Nghĩ loài chim nhỏ còn trung hiếu
Khiến kẻ cô thần ngấn lệ riêng.
 
Thời ông vua Lê Chiêu Thống (dân gian gọi vua rước quân xâm lược nhà Thanh “cõng rắn cắn gà nhà), còn để lại một số tác phẩm về bà Nguyễn Thị Kim (vợ Lê Chiêu Thống).
 
Bà Nguyễn Thị Kim người xã Tỳ Bà, tổng Tỳ Bà huyện Lương Tài (Bắc Ninh), là vợ Lê Chiêu Thống. Khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc. Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu, bà Nguyễn Thị Kim chạy theo không kịp. Bà phải nương náu ở chùa, giấu tung tích đến năm Gia Long thứ 3 (1804), hài cốt Lê Chiêu Thống được đưa về nước, bà liền đến đón khóc lóc thảm thiết, rồi uống thuốc độc tự tử.
 
Sự việc trên đến tai quan Tổng trấn Bắc Thành, ông ta làm biểu tâu lên triều đình xin phong tặng. Vua Gia Long y cho và cho khắc bia đề chữ: “Yên trinh tuẫn nghĩa Nguyên Thị Kim chi môn”, cấp cho 2 người phu mộ và 20 mẫu ruộng, đồng thời sai con cháu nhà Lê trông nom việc thờ tự.
 
Tại văn bia Chính nghĩa am, khắc vào năm Tân Hợi, Tự Đức thứ 4 (1851) có bài minh, ca ngợi phẩm hạnh của bà Nguyễn Thị Kim như sau:
 
Phiên âm
 
Vĩ tai hiền tần
Nữ trung anh kiệt
Phùng thời bất tường
Nê lộ phong tuyết
Mộng chiếu đình hồ
Du du tuế nguyệt
Nghĩa dĩ tử thù
Thuỷ chung nhất tiết
Thảo hạnh hà kiên
Đoán kim luyện thất
Thạch trụ cương thường
Thiên thu tuyên dương
 
Dịch nghĩa
 
Lớn thay hiền nữ
Nữ trung anh kiệt
Gặp thời không may
rẻ như bùn tuyết
ôm mộng đi tu
Dặc dài năm tháng
Lấy chết đền ân
Trước sau trọn tiết
Chí sao bền bỉ
Như sắt như vàng
Bia đá cương thường
Nghìn năm tuyên dương
 
Tại văn bia trung bia ký khắc năm Quý Mùi, niên hiệu Tự Đức do Tri huyện huyện Lương Tài Nguyễn Tất Đạt cung tiến, đã có bài ca ngợi:
 
Không oán Sơn binh bách chiến lao
Hà kiều tiên đoạn cữu an đào
Tân tri cố quốc dự sinh định
Thân tuẫn quy trinh nhất tử hào
Kiệt truyện hãn văn chinh thạch lập
Danh hương độc kiến tiết môn cao
Thiền am thập cửu niên chung sự
Thanh mộng yến triều dĩ kỷ tao
 
Tạm dịch nghĩa:
 
Không nên oán quân Tây Sơn đánh trăm trận làm cho dân khổ; Cầu sông Nhị hà bị đứt lỗi này trốn vào đâu? Tấm lòng nhớ về cố quốc đã có từ lâu rồi. Thân thà chết đi, để lại ánh sáng của ngôi sao rơi. Câu chuyện liệt nữ ít được nghe, chỉ còn lại tấm bia đá trinh tiết đứng đây; Thanh danh ở làng chỉ đến miếu nêu cao đó thôi; Mười chín năm tu Phật, việc đời thế là xong; Giấc mộng sang nhà Thanh gặp vua mấy lần mà không thành (Nguyễn Quang sưu tầm).
 
Lý Thanh dịch thơ:
 
Chớ trách Tây Sơn bách chiến lao
Cầu sông Hồng đứt… lỗi ai nào?
Tấm lòng cố quốc khư khư giữ
Tuẫn tiết hồn vương một ánh sao
Chữ ghi liệt nữ còn bia đá
Tiếng ở làng truyền chốn miếu cao
Cửa thiền ẩn náu mười chín độ
Nhập Thanh bái đế… mộng thấy tao!
 
Cùng cảnh ngộ như Nguyễn Thị Kim có bài thơ tỏ ý chí “trung thần nhà Lê” không theo Sơn Tây, không làm quan với Gia Long (tuy có nhận chiếc khăn do Gia Long ban cho).
 
Xin tạm dịch:
 
Kiến ong còn biết nghĩa quân thần
Há lẽ làm người chẳng nhớ ân
Huống đã tập rèn khuôn lễ giáo
Lại từng rạng rỡ vẻ đai cân
Bắc song xử sĩ khôn quên Tấn
Đông Hải tiên sinh khó nhận Tần
Bên mộ người sau còn nhắc nhở
“Lê triều tiến sĩ nguyên họ Trần”.
 
Có người bạn tấm tắc khen hay rồi ngần ngại mãi mới dám chê câu cuối bị thất niêm ở chữ “tính” (họ) thanh trắc, đáng lẽ chữ ấy ở thanh bằng mới phải. Tiến sĩ Trần khiêm tốn, nhờ bạn sửa giùm:
 
Câu cũ là:
 
Cố Lê triều tiến sĩ tính Trần
 
Sửa mới là:
 
Lê Triều tiến sĩ, Nguyễn Triều cân
(Lê triều tiến sĩ, Nguyễn triều khăn).
 
Trần tiến sĩ vụt tỉnh ngộ liền vứt cái khăn của vua Gia Long (dân gian cho rằng ông vua này “Rước voi về rầy mả tổ”) xuống đất rồi bái tạ lỗi:
– Chết thật, không có huynh ông chỉ bảo thì trăm năm danh tiết còn gì.
 
Bài Thứ 8:
 
Từ Cao Bá Quát… đến Nguyễn Quyền.
 
Nhà thơ Cao Bá Quát (1808-1855) quê Bắc Ninh, cùng với Nguyễn Văn Siêu, đương thời đư­ợc coi là “Thần Siêu, Thánh Quát” hoặc “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán”. Thi xã Mặc Vân của Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương được các bậc công khanh và quan chức danh tiếng hưởng ứng như Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Siêu… Tùng Thiện Vương Miên Thẩm là bạn của Cao Bá Quát, nhưng là con trai thứ tư của vua Minh Mạng (bậc chú của vua Tự Đức) là một trong “Trường An tứ kiệt”. “Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”, nể Miên Thẩm, nên Cao Bá Quát cũng là hội viên của Thi Xã này, thế mà Cao Bá Quát “vuốt mũi không nể mặt”. Một hôm ở Viện Hàn Lâm, được xem những bài thơ xướng hoạ của Thi xã Mặc Vân, Cao Bá Quất lắc đầu, bịt mũi, ngấn ngẩm đặt một câu lục bát:
 
Ngán thay cái mũi vô duyên
Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An
 
Con thuyền buôn mắm xứ Nghệ và những bài thơ Thi xã đều nặng mùi như nhau.
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen, lại dám coi trời bằng vung chả thế mà (theo giai thoại) có dịp Cao Bá Quát (Cao Chu Thần) dám bịa thơ “lỡm” cả đấng minh quân (vua Tự Đức):
 
Huếch hoác ngựa về theo gió đưa
Hênh hoang người cũng tự về qua
Oanh vườn học nói khề khà giọng
Đào nội đua cười lấm tấm hoa
Lộp bộp chẳng nghe xuân móc nặng
Bài nhài chỉ thấy hạt mưa thu
Khù khờ câu cú ai không biết
Khệnh khạng còn đem hỏi khách thơ
 
Những “huyênh hoang, huếch hoác, bài nhài” đã có ý tinh nghịch “xỏ” ngầm vua, đến hai (2) câu cuối là chửi vỗ mặt “khù khờ, khệnh khạng”… Do đó Cao Bá Quát (Cao Chu Thần) bị vua Tự Đức đày ải, giết là không tránh khỏi.
 
Từ nửa sau thế kỷ 19 trở đi, cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp kéo dài là môt sự kiện trọng đại chi phối toàn bộ sinh hoạt và tư tưởng dân tộc ta . “Xã tắc lâm nguy, sỹ phu hữu trách.”
Các thi sỹ Bắc Ninh thời này đã khởi sắc với ý thức công dân rõ rệt, tiếp sau Cao Bá Quát là Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Cao, Hoàng Văn Hoè, Phan Văn Ái, Nguyễn Quyền… đã để lại những áng thơ văn yêu nước rất có giá trị.
 
Nguyễn Quyền (1869-1941), đỗ tú tài, làm Huấn đạo Lạng Sơn. Ông là sáng lập viên kiêm Phó Ban Giám hiệu trường Đông Kinh Nghĩa Thục (1907). Ông bị Pháp đầy ra Côn Đảo, sau chúng đưa về an trí tại Bến Tre và mất ở Sa Đéc.
 
Nguyễn Quyền để lại những câu thơ bất diệt ví dụ trong bài Kêu hồn nước:
 
Hồn xa dòng dõi Lạc Long
Con nhà Nam Việt ngư­ời trong giống vàng
Hoặc trong bài Phen này cắt tóc đi tu có câu:
Phen này cắt tóc đi tu
Tụng kinh Độc Lập, ở chùa Duy Tân…
Ai tu xin dốc một lòng
Nghìn thu quyết tạc chữ đồng đến xương.

 
Bài Thứ 9:
 
TỪ … HOÀNG CẦM ĐẾN … HOÀNG HƯNG

Thời kỳ từ 1930-1945 Bắc Ninh còn có thi sỹ Trần Minh Tước (Minh Tước, Xích Điểu) sinh năm 1913 ở Dục Tú - Từ Sơn -Bắc Ninh. Ông hoạt động thời kỳ Mặt trận Dân chủ; từng bị bắt và bị giam qua các nhà tù khám lớn Sài Gòn, Hoả Lò, Sơn La. Từ năm 1931 ông đã có thơ đăng báo, nổi tiếng là thơ trào phúng.
Trong dân gian vẫn còn nhiều người nhớ bài thơ Tết trong nhà tù Sơn La:
 
Tết nào bì kịp tết Sơn La?
Cảnh ngục mà xuân vẫn nở hoa
Ba bản kịch tình, chim Tước hót
Một màn vua bếp, kép Long ca
Chè lam Kinh Bắc, ngô thay lạc
Cỗ nấu thành Nam, sắn giả gà
Quốc tế ca vang hùng khí dậy,
Hẹn ngày phá hết xích xiềng ra
                                (Tết 1940)
 
Thơ trữ tình cách mạng cuả Minh Tước lạc quan, chân thực tuy chưa đạt tới mức như Tố Hữu; Nhưng ở Xích Điểu thì thơ ông lại là “cây súng số 1” trên báo Cứu Quốc, Nhân Dân một thời nã đạn trào phúng khá trúng đích đối phương, rất được tán thưởng.
 
Ngoài Minh Tước ra, Kinh Bắc còn có nhà thơ trào phùng châm biếm Lê Kim tiếng tăm với nhiều bài thơ đặc sắc trong thời chống Pháp và chống Mỹ.
 
Thế hệ kế tiếp có nhà thơ Hoàng Cầm.Thơ Hoàng Cầm, chất quan họ Bắc Ninh đạt tới độ Hàn Lâm. Từ thực tại đã thăng hoa tới những miền hư viễn của tâm linh. Rất nhiều đam si, rất nhiều trầm ẩn nên không hiếm khoảng khắc hồn thơ của thi sỹ nhập vào vô thức. Có thể ta không hiểu ngay được thơ ông! Song lại dễ cảm. Đó chính là giao điểm của thơ và người cảm thụ. Cái phi lý trong thơ (và nhiều khi cả trong đời thường) lại trở thành hợp lý của sự tồn tại, thích ứng cũng nên.
 
Bài thơ bên kia sông Đuống (1948) đã làm cho Hoàng Cầm thêm nổi tiếng và sông Đuống thành biểu tượng của quê hương chảy mãi mãi trong hồn thơ đất Việt, sánh ngang tầm với Hoàng Hà (Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian), Dương Tử (sông Dương Tử liễu đua tươi) trong thơ Đường bên Trung Quốc. Thơ Hoàng Cầm với một bút pháp độc đáo, một phong cách riêng không giống ai, ngôn ngữ tinh luyện siêu đẳng. Thường bất chấp văn phạm. Ông là người kế tục thơ mới và đi xa hơn về phía hiện đại – một lối thơ siêu thực hôm nay.
Đó là tiếng nói đầy chiêm nghiệm và cũng tràn trề giải thoát.
 
Kinh Bắc còn có nhà thơ Lê Đạt (sinh 1929) quê mẹ ở Đình Bảng, quê cha ở Ái Lữ. Vì số phận không bình thường, nên mạch thơ của Lê Đạt cũng không bình thường. Thời năm 1956-1957 cùng với Trần Dần, nhà thơ Lê Đạt cho ra một loạt thơ bậc thang, bắt chước Mai a (Liên Xô) rất to tiếng, gân cốt, ồn ào… định đi tiên phong “đổi mới thi ca” làm thơ chính trị, kiểu như hô khẩu hiệu, ví dụ như 2 câu kết của bài Cha tôi là bài “được” nhất của Lê Đạt thời ấy:
 
Cha đã dạy con một bài học lớn
Đau thương
Kiên quyết làm người
 
Cuối đời Hoàng Cầm làm chủ mảng Tình Yêu, còn Lê Đạt đi làm “Phu chữ”, cả hai đều đạt được những thành tựu lẫy lừng, để lại dấu ấn trên thi đàn, có tiếng vang ra cả nước ngoài.
 
Thơ Lê Đạt không phải viết cho đại chúng, là người đi tiên phong trong việc thể nghiệm cách tân thơ ở nước ta. Sự tìm tòi đổi mới có cái được, có cái chưa được. Nói như nhà thơ Hoàng Cầm: “vì anh mải vật vã quá kỳ thu nặng nhọc với các con chữ nên Nàng thơ đến rồi bèn bỏ đi. Rất nhiều chữ lấp lánh đấy nhưng chưa phải là ngọc. Kết quả những bài đó làm tôi cũng mệt theo anh lắm khi hoa cả mắt, nhức cả đầu”.
 
Thời gian sẽ là người thày phán xét công bằng nhất, cái tinh hoa sẽ còn mãi với đời. Có nhiều phong cách thể hiện thơ - những vẫn phải lấy cái Hồn mà tồn tại, đó là những ý tưởng lạ gắn với đời sống sinh động của chúng ta.
 
Tiếp bước Lê Đạt trong công cuộc Cách Tân Thơ có nhà thơ Hoàng Hưng sinh năm 1942 (người làng Phù Lưu - Bắc Ninh), cả hai đều tài hoa lãng tử “Dám”, đi tìm Bóng Chữ (Lê Đạt), và tìm Cái Mặt (Hoàng Hưng) Mặt gì? Không biết (Nói như kiểu nhà thơ Thanh Thảo).
Hoàng Hưng có một bài thơ đang được truyền tụng rộng rãi:
 
Người Về
Người về từ cõi ấy
Vợ khó một đêm con lạ một ngày
Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt
Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy
Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong bóng tối
Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi. (*)
 
Hãi quá! Cứ như là lặp lại Gia Ve (trong Những người khốn khổ của Vích Tô Huy Gô – Les Misirésables – Victor Hugo).
 
Thi sỹ là người đi tìm cái Đẹp của cuộc sống, của tình cảm. Vì thế, dù tân kỳ gì đi nữa thì thơ của anh cũng phải đu nhập được vào tâm tư và tình cảm của đồng bào quê hương anh.
Chúng ta rất mong có một thời đại thơ mới (thơ hiện đại) ra đời.
 
                                                                                      Nguyễn Khôi
 
Nguồn:
https://nghiencuulichsu.com/2013/04/11/bac-ninh-thi-thoai/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ