Trang

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

VÀI LỜI VỚI PHẠM ĐỨC NHÌ VỀ BÀI: "CÁI SIÊU VÀ CÁI VỤNG..." - Nguyên Lạc


Nhà thơ Nguyên Lạc

Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì đã nhiều lần "sờ gáy" tôi, tôi sợ nên "chạy làng"; thế mà cũng không yên, vẫn bị "truy lùng". Chi vậy? Luận tội?
Trong bài cảm nhận văn phong của 2 nhà văn tôi thích vừa đăng:
 
VÀI ĐIỀU VỀ CAO XUÂN HUY VÀ LÂM CHƯƠNG - Nguyên Lạc
 
http://phudoanlagi.blogspot.com/2020/12/vai-ieu-ve-cao-xuan-huy-va-lam-chuong.html
 
http://t-van.net/?p=47155
 
Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì liền đăng bài bình thơ:
 
CÁI SIÊU VÀ CÁI VỤNG CỦA NGUYỄN BÍNH TRONG MỘT BÀI THƠ – Phạm Đức Nhì
 
http://phudoanlagi.blogspot.com/2021/01/cai-sieu-va-cai-vung-cua-nguyen-binh.html
 
http://t-van.net/?p=47360
 
Bình thơ thì hãy bình thơ, sao lại lôi tôi vào phê phán. Than ôi!
Thôi tôi bắt buộc phải viết bài này, "thương thảo" với ông cho xong chuyện, không thôi bị truy đuổi hoài.
Xin "thương thảo" từng điểm mà nhà bình thơ đề cập đến tôi:
 
I.
Trước hết, xin ghi ra đây nguyên văn tiếng Anh của Lý thuyết "Tảng băng trôi" và thủ pháp "Show Do not Tell" kẻo nhà bình thơ kết án tôi nói "xạo":
 
- Lý thuyết tảng băng trôi:  "The Iceberg Theory - American writer Ernest Hemingway (1954 Nobel Prize–winning):
 
"The dignity of movement of an iceberg is due to only one-eighth of it being above water".
 
Tạm dịch:
"Cái thật sự chuyển động của một tảng băng trôi chỉ là do một phần tám của nó đang nổi trên mặt nước".
 
- Show do not tell:
 
"Don't tell me the moon is shining; show me the glint of light on broken glass."
 "In descriptions of Nature one must seize on small details, grouping them so that when the reader closes his eyes he gets a picture. For instance, you’ll have a moonlit night if you write that on the mill dam a piece of glass from a broken bottle glittered like a bright little star, and that the black shadow of a dog or a wolf rolled past like a ball."

                                                                                     Anton Chekhov
 
Tạm dịch:
 
"Đừng nói với tôi là mặt trăng đang chiếu sáng; hãy chỉ cho tôi ánh sáng lấp lánh trên mảnh thủy tinh vỡ"
"Trong các mô tả về Thiên nhiên, con người phải nắm lấy một số chi tiết nhỏ, gom chúng lại sao cho khí độc giả nhắm mắt, anh ta sẽ có một bức tranh. Ví dụ, bạn sẽ có được một đêm trăng sáng nếu bạn viết rằng: Trên cái đập nước xoay quạt, một mảnh thủy tinh từ một chai vỡ lấp lánh như một ngôi sao nhỏ sáng và rằng bóng đen của một con chó hay một con sói lăn cuộn qua như một quả bóng"
 
Vài hàng sơ lược về thủ pháp Show Do Not Tell
(Sẽ có bài riêng)
 
Chúng ta hãy xét các câu ca dao sau:
1.
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon
 
-- Hạnh phúc không cần phải đầy đủ vật chất, sang giàu; chỉ cần tấm lòng thật sự yêu thương nhau (a moonlit night - đêm trăng sáng), không cần giải thích (TELL) dài dòng chi tiết, bạn chỉ cần viết (SHOW = a piece of glass from a broken bottle glittered like a bright little star...): Râu tôm nấu với ruột bầu / Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon, độc giả tự suy ra hiểu, và họ sẽ thích thú vì xem như mình có dự phần vào.
 
2.
Một mai thiếp có xa chàng
Đôi bông thiếp trả đôi vàng thiếp xin
 
-- Tại sao "đôi bông thiếp trả, đôi vàng thì xin"? Đôi bông rất nhỏ (vài chỉ) so với đôi vàng (có khi cả lượng). Trả đôi bông, giữ đôi vàng?  Sao cô nàng không trả luôn đôi vàng?  Không lẽ người đàn bà dân quê Việt Nam mang thói tham lam?
 
Sự thật như vầy: “Đôi bông” là vật cha mẹ chồng cho nàng dâu hồi đám nói; đôi vàng là của riêng mà hai vợ chồng trẻ nhờ dành dụm sắm được lúc sau. Nàng dâu than vãn bà mẹ chồng khắc nghiệt nên sẵn sàng “trả đôi bông” lại cho mẹ chồng. Nhưng nàng vẫn thương chồng – “xin giữ đôi vàng” - công sức 2 người tạo ra, cô nàng nài nỉ chồng cất nhà ở riêng để thoát ách.
Để nói đến sự khắc nghiệt của bà mẹ chồng và sự thương yêu của người vợ, muốn tình nghĩa vợ chồng không tan vỡ (a moonlit night - đêm trăng sáng), không cần giải thích (TELL) dài dòng, chỉ cần viết (SHOW = a piece of glass from a broken bottle glittered like a bright little star...) "trả đôi bông, xin đôi vàng" là độc giả tự suy ra, tự hiểu những điều muốn nói trên, do đó họ sẽ thích thú vì xem như mình có dự phần vào.
 
3. Nhiều người biết câu thơ cổ này:
 
Ngô đồng nhất diệp lạc,
Thiên hạ cộng tri thu.
(Ngô đồng một lá rụng,
Người biết mùa thu về)
 
-- Chỉ cần SHOW cái cụ thể là chiếc lá rụng, không cần giải thích (TELL) dài dòng, "ù ơ ví dầu" về mùa thu, người đọc cũng cảm nhận được với cái trừu tượng của mùa thu, tình thu, hơi thu (a moonlit night - đêm trăng sáng)...  Họ sẽ rất thích thú vì có dự phần vào bài thơ.
 
II.
Tôi đã ghi rõ: "Vài Điều Về Văn Phong...". Vài điều có nghĩa là chủ quan cảm xúc văn thơ tôi đọc, tôi thích; có thể bạn Phạm Đức Nhì không thích, đó là quyền của bạn và bạn có quyền lên tiếng. Tuy nhiên, đừng chủ quan tự cho mình là đúng rồi chê người khác là "sai lầm", hãy để độc giả nhận xét.

Chuyện cảm nhận của riêng tôi đâu có gì mà bạn phải "nâng quan điểm", đưa đến nào là "Sai lầm mang tính lý thuyết, đụng chạm đến một trong những biện pháp tu từ quan trọng trong kỹ thuật viết văn, làm thơ". Khiếp quá vậy? Theo tôi, câu nói này "sao ấy".
Phê bình thơ thì lo phê bình thơ cho đạt đi, cho "công tâm", lôi tôi vào làm gì? Tội cho tôi quá.
Thôi, đành phải "thương thảo" với nhà bình thơ vài hàng:
 
 1. Bài của Cao Xuân Huy
 
- Về Lý thuyết tảng băng trôi: Cái "phần nổi" thì nhà bình thơ đã biết rồi: Văn phong của ông là giản dị, tránh những câu văn dài dòng, nói trực tiếp, không "son phấn", "hoa lá cành" (ít dùng tĩnh từ và trạng từ), cố tình bỏ lửng điều gì đó, không cần viết nó ra với chủ ý phần bỏ qua này dành cho độc giả tự cảm nhận, tự lãnh hội rồi phát triển thêm
- Về cái “phần chìm” thì tôi cũng đã nói: Thảm kịch nhân sinh sau ngày “đổi đời”, cảnh ngộ của miền Nam vừa sau ngày “giải phóng”, tính nhân bản và ... bản năng của con người.
Những điều Cao Xuân Huy viết ra là sự thật 100 %: Tôi biết có trường hợp một thiếu tá "ngụy", sau khi đi cải tạo về thì ngồi canh cửa cho con gái làm điếm, vì nhà nghèo đói.
 
- Lại nữa, tác giả không nói ra, để độc giả dự phần - Tính phê phán của nó được người đọc “hiểu ngầm" đâu cần tác giả phải nói (Tell) thảm kịch vầy vầy... độc giả cũng đoán biết điều tác giả muốn nói đến, nhiều khi còn rộng thêm: Đó không phải là Show Do Not Tell sao? Tôi sai chăng?
 
2- Còn về chuyện Bắt Khỉ của Lâm Chương
 
Cái "phần ngầm" tôi cũng đã nói trong bài viết:
- “Những con khỉ này đã ‘một thời’ bị ‘người ta tránh né và tránh xa như con vật quái đản’: ‘Vết thương’ đến nay đã nguôi và lành chưa?”
Sẵn đây tôi ghi thêm những ý này:
- Khỉ đầu đàn, khỉ chúa không làm, chỉ "xúi giục"
- Khỉ, suy rộng ra người đối xử nhau qua "màu lông" ...
 
III.
Về những đoạn nói này của nhà bình thơ Phạm Đức Nhì:
 
"Rõ ràng nhà văn Lâm Chương đã không “vòng vo Tam Quốc” mà nói thẳng, nói “toạc móng heo” ý chính của truyện ngắn Bùa Ếch. Bảo rằng nó là “tảng băng trôi”, có phần chìm “bị nước biển che khuất - là nơi ẩn chứa các hàm ý (implications) suy ra từ các ẩn dụ (metaphors) trong phần nổi” - như anh Nguyên Lạc - là hoàn toàn sai lầm"
                                                                                   Phạm Đức Nhì
 
"Trong truyện này chẳng có “tảng băng trôi” nào hết; ý chính của truyện có phần nổi chứ không có phần chìm"
                                                                                   Phạm Đức Nhì
 
"Truyện của mình không bóng gió, không nửa kín nửa hở, đã cho vũ nữ “sexy 100%” mà người ta lại chọn là tác phẩm có thủ pháp Show, Don’t Tell nổi bật thì không biết nhà văn Lâm Chương nên vui hay nên buồn? Riêng tôi, chỉ trách anh Nguyên Lạc đã không khéo, làm độc giả bối rối, không biết phải hiểu Show, Don’t Tell như thế nào cho đúng"
                                                                                   Phạm Đức Nhì
 
Trả lời:
 
Tôi xin được góp ý với nhà bình thơ:
1. Các thủ pháp trên tùy theo "hệ quy chiếu" của mỗi người, tùy theo cái tạm gọi là "trình độ", "độ sâu" của mỗi người mà "nắm bắt".
- Con ếch nằm đáy giếng nhận xét bầu trời khác với con chim đại bàng.
- Cái  tôi hiểu, vì "trình độ" hạn hẹp nên có thể  nghĩ "chưa tới"; còn nhà bình thơ "trình độ" cao hơn nên chắc nghĩ "tới" hơn. Tuy nhiên, việc đúng sai nên để người nhận xét, đừng "duy ngã độc tôn" cho mình hơn người.
2. Có lẽ vì "trình độ cao" hơn tôi, nên trong đoạn văn của Lâm Chương nhà bình thơ chỉ thấy "phần băng nổi": "cái đó" là "cái đó"; còn tôi vì "trình độ thấp" hơn, "mờ mắt" nên không thấy rõ "phần băng nổi", chỉ thấy mù mờ "phần băng chìm". Tôi không thấy rõ "mặt chữ", chỉ "lạng quạng" thấy "giữa hai hàng chữ": Không thấy "cái đó" 100% là "cái đó".
 
Tôi thấy gì?
- Thấy cái mà Sigmund Freud (an Austrian neurologist and the founder of psychoanalysis) đã nói đến, nó luôn chi phối cách "hành xử" của con người,
- Thấy "cõi tồn sinh" nơi ngã ba ("con đường ngã ba" - chữ của Bùi Giáng) cái mà con người muốn chiếm hữu, sở hữu ... do đó mới xảy ra chiến tranh đau thương, khổ sở ... và cũng tạo ra hạnh phúc, sung sướng ... nhờ đó nòi giống trường tồn.
Thí dụ như việc vì muốn chiếm đoạt “cái đó” của người đẹp Helen mà gây nên “Chiến tranh thành Troia” (trường thi của Homer: Iliad và Odyssey). Vì "cái đó" mà tiêu tan đất nước, toi mạng, tiêu đời…  Trụ Vương / Đắc Kỳ, Ngô Vương/ Tây Thi và Đồng Trác / Điêu Thuyền v.v…
 
- "Cái đó" nó chính là "Cái đó", mà cũng không chắc là "Cái đó".
Nếu nó là "Cái đó" mà cô gái nào cũng có thì tầm thường quá. Nó sexy 100% như nhà bình thơ Phạm Đức Nhì xác quyết, người nữ nào cũng giống vậy thì có đáng để chàng trai cố công lặn lội đi chuộc bùa. Tôi nhớ lại các câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn:
 
Vì đàn bà người nào cũng như người nấy
Nên ta bảo mình thôi hãy quên em
Nhưng đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy
Nên suốt đời ta nhớ nhớ quên quên
 
- Nhưng nếu "cái đó" chỉ riêng cô ấy có, thì "cái đó" là gì? Nhà văn Lâm Chương lấp lửng. Lão thầy bùa hạ chiêu thăm dò, chàng trai thì dấu kín... Chuyện có thể có vài mươi kết cục, tùy tâm trạng người đọc mà suy diễn.
Chính "Cái đó""phần băng chìm" đầy cảm xức, tùy theo "độ sâu" của người đọc.
- Và nhất là tôi thấy bản tính hồn nhiên, giản dị "lương thiện" của Lương Mập - một người "bình thường", không "cao siêu" thích thì nói thích, không quanh co như các "quan to" - các "trí thức" như các câu sau đây:
 
Trên sông một chiếc thuyền nan
Một cô gái Huế, một quan đại thần.
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần mần như ma
Ban ngày quan lớn như cha
Ban đêm quan lớn rầy rà hơn con
(Đùa quan đại thần – Nguyễn Công Trứ?)
 
Đó là những điều tôi thấy, tôi cảm nhận khi đọc đoạn văn Bùa Ếch cuả Lâm Chương. Chắc vì "trình độ", "độ sâu" không bằng nhà bình thơ nên không nhận ra "cái đó 100% là cái đó", hay như nhà bình thơ nói: - chỉ là "phần băng nổi", không có "phần chìm".
Sai đúng thì để cho người đọc nhận xét, xin đừng vội dùng "dao to búa lớn" như câu nói trên - xin được lặp lại: "sai lầm mang tính lý thuyết, đụng chạm đến một trong những biện pháp tu từ quan trọng trong kỹ thuật viết văn, làm thơ"
 
V.
Trả lời về câu này của nhà bình thơ: "không biết nhà văn Lâm Chương nên vui hay nên buồn?"

 - Nhà văn Lâm Chương là bạn tôi. Tôi đã gởi bài cho anh xem trước, hỏi anh có cần chỉnh sửa gì không? Anh Lâm Chương/ Chương Lâm FB góp ý với tôi: OK, cám ơn tôi, và nói không cần chỉnh sửa gì cả. Nói thêm, nếu bạn có đọc Sử Ký Của Tư Mã Thiên thì thấy văn phong của Lâm Chương như thế nào. Sử Ký Của Tư Mã Thiên - Nguyễn Hiến Lê dịch, in khoảng 1970-72, lúc đó có lẻ nhà bình thơ Phạm Đức Nhì vừa xong Tú tài rồi đi lính, không biết có thời gian đọc không?
 
Lời kết:
 
Theo tôi, vạch lá tìm sâu bắt chúng để chăm sóc vườn hoa là nên, là đúng. Tuy nhiên, bắt giết sâu để cho hoa không bị cắn, bị tàn lụi chứ không nên lấy cớ bắt sâu rồi "bẻ luôn cành hoa" thì tội cho cây hoa lắm và hỏng cả vườn hoa. Đừng tự cho mình đúng, hiểu hơn người, đừng "đóng sẵn cái hòm" theo ý mình mà phải đo kích thước người trước, kẻo... thì tội quá.
Trân trọng
 
                                                                                    Nguyên Lạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ