Trang

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

THI SỸ HUY TƯỞNG PHƯƠNG HUYỀN MỘNG – Tâm Nhiên


Nhà thơ Huy Tưởng và nhà thơ Bùi Giáng


Từ Nguyễn Du đến Bùi Giáng, lục bát Việt Nam đã tạo nên một bước đi tân kỳ, một bước nhảy ngoạn mục, rung lên những tiếng thơ tự tình giữa trường mộng nhân sinh, nỗi ngậm ngùi nhân thế với niềm xao xuyến, bồi hồi. Rồi tiếp nối trên những bước đi song hành cùng lục bát, rạt rào bao sóng vỗ ngân nga, hòa âm thâm thiết với những tâm hồn quá đỗi tiêu sái như Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn, Hồ Dzếnh, Phạm Thiên Thư, Huy Cận, Trần Xuân Kiêm, Huy Tưởng, Vũ Hoàng Chương… Đặc biệt Huy Tưởng, riêng một cõi trời thơ Mười Phương Tố Vọng phiêu diêu giữa Phương Chiều:

        Trũng hai mắt vọng bia đời
       Cổng tồn sinh mở mù khơi nắng tà
       Lòng tay nát mộng châu sa
       Phương chiều bãi quạnh mưa qua bến mình
       Nghiêng tầm con mắt soi kinh
       Vẳng nghe tâm lặng hồn chênh chếch về
       Phôi thu rụng lá mây đè
       Phiền ban sơ dậy đất se sắt lòng
       Im nghe thác máu loạn dòng
       Trôi phiêu lạc giữa vô cùng mộ Không
 
Bồng bềnh, phiêu lãng, mênh mang bay về Phương Khói Mộng:
 
       Mây cao xuống lá nghiêng dòng
       Rụng trời thiên cổ đuối hồng trăm hoa
       Tôi về nhức gió mù sa
       Gieo màu trăng mộ phủ nhòa vết thu
       Chân đi lạc nẻo non mù
       Động bờ tâm vọng giọt phù ảo rơi
 
“Giọt phù ảo rơi” rụng xuống Phương Cố Cùng:
 
       Nhốt trong tim ánh lửa ngời
       Nửa khuya mửa máu độc trời huyền ngôn
       Tôi nằm lã tóc cô đơn
       Cúi xa thẳm liếm oan hồn tôi xưa
       Khói xanh loang sắc âm thừa
       Mười phương tố vọng mắt trưa nẻo cùng…
 
Cung bậc lục bát, trầm sâu sáu tám hàm dung, lặng lẽ trôi chảy khơi vơi mà thâm thúy dị thường giữa lòng thi sỹ Huy Tưởng, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi nhưng vẫn còn đồng vọng vang lên trên mặt đất diệu vời. Mười Phương Tố Vọng là 10 bài thơ lục bát đăng trong Tập san Tư Tưởng, cơ quan luận thuyết của Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn năm 1970. Lúc đó, Huy Tưởng mới 27 tuổi đời thanh xuân bừng rực rỡ.
 
Thở bầu khí hậu sâu thẳm, trầm tư mặc tưởng nên lời thơ ảo biếc huyền mộng, bồng tênh bay chuếnh choáng, rúng cả tim hồn qua thể điệu lục bát chan chứa trữ tình như thế mà có một số người vọng ngoại, không thấy được hết giá trị của nó nên hờ hững xem thường. Họ chạy theo hết trào lưu này đến chủ nghĩa nọ, dọ dẫm theo những lối thơ trừu tượng, siêu thực, những cách tân rối rắm, náo nhiệt tìm cách đổi mới, như đang diễn ra… đã khiến cho Bùi Giáng, một lần kia phải thốt lên: “Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy theo đuôi mọi thứ trào lưu, chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào cả để thể hội rằng, lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển, ba bảy sông hồ…”*
 
Cảm nhận được cái “hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất” của lục bát ấy nên  Huy Tưởng, sau khi đã thể nghiệm qua nhiều thể thơ trừu tượng, tân hình thức... cuối cùng tự nhiên để cho mình bước đi như nhiên cùng lục bát. Một thể thơ tuy thuần chất dân tộc nhưng cũng rất cách tân, làm mới mẻ thể thơ này. Thật vậy, từ Một Mùa Tóc Mộ đến Đêm Vang Hình Tiếng Chuông, lục bát vẫn là thể điệu phiêu nhiên, nổi bật nhất trong thế giới thi ca và tư tưởng của thi nhân. Ẩn hiện một Con Đường sương khói bảng lảng, lấp lánh long lanh cả một trời thơ diễm lệ:
 
       Này em.ta dắt nhau về
       Vang vang dưới núi chiều tê lạnh rồi
       Con ong cái kiến qua đồi
       Và trăng xanh nữa im lời nước mây
       Bước chầm chậm giữa hàng cây
       Đừng rung em nhé sợ ngày rụng theo
       Bóng ta rớt dưới chân đèo
       Em ơi! Có thấy ít nhiều hoang vu
       Thôi nằm ngủ giấc rừng thu
       Mai ta thức dậy thân mù mịt sương
       Mai ta bỏ phố quên phường
       Dìu nhau đi suốt con đường hư không
 
Hư không là con đường phương ngoại phương, vô vi, vô sở trú. Con đường sương biếc huyền lộ, tha hồ cho thi sỹ nhào lộn, khinh khiêu theo thể điệu chịu chơi phóng khoáng. Bước ngao du như gió tiêu dao, dạo rong chơi trên tinh thần chân thiết, miên man sáng tạo vô lường:
 
       Bước Kinh Dịch chữ về trời
       Ấy hồn mây trắng nối lời gọi nhau
 
Kinh Dịch, Kinh Thi tựu thành nơi cuộc Lữ thiên thu, như Tuệ Sỹ nhận định: “Kinh Thi và Kinh Dịch như đôi cánh của con chim nhạn mang chở định mệnh lịch sử của Trung Hoa bay lượn suốt mấy mươi thế kỷ trên vòm trời Viễn đông. Dịch trải rộng con đường cho những bước đi lịch nghiệm trong cuộc tồn sinh, Thi là tâm nguyện khẩn thiết và trung thực từ giữa chỗ sâu thẳm của tình người và lòng người, được mang ra để lịch nghiệm cuộc Lữ mà Dịch đã phơi bày ra đó. Âm hưởng của Thi là tiếng vang của nhịp bước trong cuộc Lữ.”** Từ đó, cuộc Lữ thi ca thả bước bồng tênh lên rừng xuống biển, hiện ẩn diệu vời nơi xứ miền mênh mông không có đâu, đôi khi dừng gót vân vi, nghỉ ngơi chốn Phương Thiền:
 
        Hồn ngã lưng dựa bóng cây
        Chiều tham thiền sóng vỗ gầy biển mơ
        Rung chuông sao chạm phương mờ
        Tịnh huyên náo đổ loang hồ chiêm bao
 
Hay nghỉ ngơi nơi cửa Không chốn già lam Đêm Tá Túc Tại Chùa Trúc Lâm:
 
       Còn đây dấu mộng tầm nguyên
       Nằm nghe hoa nở vang rền hư không
       Nhập thân đỗ bến ngô đồng
       Xuôi tờ kinh lặng trôi sông ảo mù
 
Ảo mù là dòng sông tưởng vọng, lăn tăn đầy sóng vỗ trong tâm thức mênh mang. Lang thang một hình một bóng dọc theo bãi bờ mộng mị rồi ghi chép lại thành những bài thơ bi thiết, uyên tư giữa tàn canh khuya khuắt. Lặng im trong bóng nguyệt tỏ mờ chợt thấy nghìn giấc mơ bay về tung tăng Như Đàn Bướm Trắng:
 
       Về trong hang tối lắng im
       Nghe đàn bướm trắng thả nghìn.giấc mơ
       Thầm kín tôi chép bài thơ
       Kẻo khuya trăng sáng lại ngờ chiêm bao
 
Thực và mộng không còn biên giới chi nữa mà vô phân biệt trí, huyền đồng. Giống như Trang Tử bàng hoàng chẳng biết mình hóa thân thành cánh bướm hay cánh bướm là mình đang chấp chới tung bay, khi thi nhân thấy “ba ngàn thế giới lung lay” ngay trong lúc lắng nghe tiếng Gió Trong Cánh Bướm:
 
       Quạ kêu.tối sẫm cả chiều
       Từng con bướm trắng cũng.liều lĩnh bay
       Ba ngàn thế giới lung lay
       Gió trong cánh bướm thổi ngày.xuống đêm
 
Ba ngàn thế giới cũng lung lay, chuyển động theo từng cánh bướm tung bay chập chờn trong bóng xế hoàng hôn là cái thấy bằng con mắt thiền. Ngôn ngữ trong thơ Huy Tưởng thường bàng bạc, phiêu phưởng một hương vị thiền, ẩn hiện giữa có không, mộng thực, mất còn, sống chết, đến đi, mê ngộ, vô thức và ý thức, hư vô và vĩnh viễn, thực tại xen lẫn mộng huyễn, chiêm bao. Chiêm bao là cảnh giới dị thường, hư phù, chỉ xuất hiện trong giấc ngủ, nằm mộng thấy mà thôi. Cảnh giới đó tuy cũng có nhưng hư ảo, không hiện hữu nên chưa có tên chi cả, tạm gọi là Không Đề:
 
       Chiêu kinh vỡ giữa sông chiều
       Mây vang trăng lạnh muôn triều nước dâng
       Ta nằm đất lệch trong thân
       Nghe đêm hằng cửu dấu chân mơ hồ
 
Dấu chân mơ hồ ngao du giữa đêm vạn đại, miên trường, thường hằng vĩnh cửu thì đương nhiên ý niệm về thời gian, không gian cũng vắng mặt, còn chăng là dư vang những bước chân đi xào xạc, mơ hồ âm vọng trong khoảng vắng lặng quanh đây. Ngay trong một Tiếng Đập Cánh của chim trời cũng nghe xao động cả mộng đời muôn thuở trong tim:
 
       Chim bay.đã tự ngàn xưa
       Sao tiếng đập cánh như vừa.lướt qua
       Từ trong áo mộng.bước ra
       Lời thiên cổ gọi bao la.trập trùng
 
Giữa trập trùng bao la, bát ngát, bỗng vang lên “lời thiên cổ gọi” nghe rờn rợn dưới trăng tà. Thấp thoáng một bóng chim qua từ nghìn năm trước hay một bóng người chập chờn qua mà dường như lướt khướt, bước xiêu ngã, tả tơi trong đêm dài sinh tử. Chợt nhìn thấy trên bàn tay buông thõng của mình những thâm huyền, uyên áo vụt tàn phai tà Áo Mộng Trên Tay rơi rụng xuống hai bờ vai bạc phếch bụi hao gầy: 
 
       Phai màu áo mộng trên tay
       Gió khuya thổi nguyệt hao gầy bóng chim
       Đi tơi tả dưới trời đêm
       Sao nghe mặt đất vang rền chiêm bao?
 
Ồ! “Sao nghe mặt đất vang rền chiêm bao?” một trực giác, cảm nhận thật độc đáo. Đặt nghi vấn mà không cần ai phải trả lời chi hết. Thật vậy, từ xưa đến nay, cuộc tồn sinh thiên diễn đầy lưu linh lạc địa, đầy khổ lụy, bi thương, đầy biển sầu núi hận, đầy máu lệ bể dâu… chẳng qua như một giấc mộng, một giấc chiêm bao ảo dị mà thôi. Biết bao nổi chìm, trôi dạt giữa đại dương sinh tử, cứ mãi mãi luân hồi, trôi lăn trong ba đời, sáu cõi… Trải qua vô số cảnh giới trùng trùng duyên khởi, nhấp nhô cùng thập loại chúng sinh, chập chùng Phương Mộ, trùng điệp chết đi rồi sống lại, tái sinh giữa cát bụi ta bà:
 
       Cúi hồn soi lưới mưa sa
       Hư vô thăm thẳm huyệt tà dưới chân
       Ôm xương trắng hạt vi trần
       Khuất trong thiên cổ lệ trần ai rơi
       Bao năm đuổi bóng trên đời
       Khóc câu oan nghiệt lửa ngời tha ma
       Về cô độc giữa sương hoa
       Mới hay cõi chết nấm nhà ta xưa
 
Từ “Hư vô thăm thẳm…” đến “Mới hay cõi chết nấm nhà ta xưa.” Cho thấy, thi sỹ Huy Tưởng bị cái chết, hư vô và chiêm bao ám ảnh. Dường như tâm trạng của anh chẳng khác chi tâm trạng đại thi hào Nguyễn Du, dù ý Nguyễn Du muốn nói, hãy sống trọn vẹn với giây phút ở đây và bây giờ:
 
       “Tưởng bây giờ là bao giờ
       Rõ ràng trước mắt còn ngờ chiêm bao”
 
       “Bây giờ rõ mặt đôi ta
       Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”
 
Đó là hai câu thơ mà Thiền sư Nhất Hạnh lấy viết thư pháp, treo trong mấy thiền đường Làng Mai bên Pháp, Thái. Chiêm bao, ảo giác là một trạng thái tâm lý kỳ lạ, thường xảy ra trong vô thức, tàng thức mông lung mơ mộng, không thật có. Nó xuất hiện như huyễn như hóa mà thi sỹ ghi lại thành Chuyện Của Một Người Chiêm Bao:
 
       Ngó lên.ngắm nghía chung quanh
       Và ngó xuống với chính mình.xem sao
       Dưới chân.mộ huyệt chưa đào
       Đã nghe lạnh lẽo trăng vào.cửa sau
       Hai tay.vốc một nhúm màu
       Thả bay theo gió về lau bầu trời
       Dăm ba.tiếng rót trong lời
       Những nông nổi đuổi theo người chiêm bao…
 
Chiêm bao hay thực tại là một thái độ của mình nhận thức về vạn pháp, về cuộc đời. Đôi khi, thi sỹ tự nhận diện bản thân mình, theo lời Đức Phật chỉ cách quán chiếu vạn pháp là huyễn hóa trong Kim Cang Bát Nhã:
 
       Hữu vi pháp hiện trùng trùng
       Như huyễn như bọt nước tung vỡ rồi
       Như ánh chớp như sương rơi
       Thường quán như vậy nhẹ vời phiêu nhiên
 
Bằng tuệ nhãn, trực giác thấu thị, anh quán chiếu cõi đời như chiêm bao, bào ảnh, như ánh chơp sương rơi nên không bị giao động trước vạn vật vô thường. Vì thế, nhẹ nhàng, thanh thản đi về lãng đãng dưới ngàn trăng, lắng nghe mặt đất ngân dài những lời tình tự thiết tha hòa lẫn giọt lệ và nụ cười giữa dòng nhấp nhô sinh diệt trong Đêm Nghe Chim Kêu Bên Hồ thánh thót dư vang:
 
       Ráng chiều trĩu bóng bờ lau
       Chim kêu võng tiếng gió cau mặt hồ
       Giữa dòng sinh diệt.lô xô
       Đêm giăng vách mộ.hư vô tuyệt cùng…
 
Hư vô, “hư vô tuyệt cùng” cũng như nhà văn Hemingway, người đã từng được giải Nobel văn chương năm 1954, bị hư vô ám ảnh suốt một đời cho đến khi tuyệt lộ tự tử, Huy Tưởng cũng có phần nào tương tự, khi thấy hư vô ngùn ngụt bao phủ mịt mùng: “Hư vô thăm thẳm huyệt tà dưới chân” rồi “Hốt nhiên tôi sợ hư vô cháy bùng” thiêu đốt cả trời mây:
 
       Bỏ thêm cọng cỏ khô này
       Hơ cho đỡ lạnh bàn tay sương mờ
       Ngồi bên ngọn lửa hoang sơ
       Hốt nhiên tôi sợ hư vô cháy bùng
 
Cái chết, hư vô, chiêm bao là những ám ảnh thường xuyên xuất hiện trên dặm dài lữ thứ, xuôi ngược đó đây của người thi sỹ cô đơn, rờn rợn cô liêu. Nỗi cô liêu phiêu dật, trầm hùng như một dật sỹ Đông phương mang mang sầu vạn cổ:
 
       Mấy mươi năm sống ai ngờ
       Tựa câu thơ chép lên tờ chiêm bao
       Thả bay biền biệt trăng sao
       Chữ đi tầm tã rạt rào dưới hoa
       Mấy mươi năm sống hóa ra
       Là cái chớp mắt nối ta với trời
       Mấy mươi năm giữa ngôi Lời
 
Thật lạ lùng, mấy mươi năm trời đằng đẵng trôi qua gần hết một kiếp người, thi nhân vẫn thấy như một cái chớp mắt lặng vèo qua. Cái chớp mắt thiên thu ấy đã thấy đầy đủ, toàn diện cả thế giới thi ca và tư tưởng của chính mình. Thế mà, cái sự chiêm bao kia mãi còn đeo đuổi khôn nguôi, dù đã bỏ Về Núi tận rừng sâu rú thẳm nằm lẫn khuất trong sương khói nhạt nhòa:
 
       Ta về núi ở nghe em
       Vui bên cây cỏ cùng chim chóc và
       Cõi u thiêng lạnh trăng tà
       Soi hình thiên cổ hình hoa mịt mờ
       Ta về núi ở như mơ
       Để mai anh đốt dăm tờ chiêm bao
 
Núi ở đây là đỉnh thượng sơn chất ngất hoang vu, u ẩn trong tận đáy tâm hồn thi nhân. Một chiều, cất bước rong chơi, đứng trên tuyệt đỉnh cao vời vợi giữa lòng mình, anh nghe Niềm Im Lặng Và Tiếng Trả Không Của Trời Đất:
 
       Đất trời khinh bạc.lặng thinh
       Đá sương câm nín.vô minh tuyệt mù
       Nghìn năm sau nữa.cho dù
       Biển ngàn réo gọi chim gù trả không
 
Bỗng anh chợt nhớ thi bá Giả Đảo và bỡ ngỡ Thơ Đi Tìm Người:
 
       Câu thơ đắc ý.bất ngờ
       Đem sum soe với bụi bờ.trăng sao
       Cỏ im núi lặng.trời cao
       Bỏ tôi thui thủi chiêm bao.trái giờ
       Quay về đứng ngẩn ngồi ngơ
       Đang khuya vang tiếng chuông mờ.dưới trăng
 
Ơi chao! Dưới trăng nghe văng vẳng, đồng vọng tiếng chuông trong mờ sương khuya khuắt. Lặng buốt cả thần hồn trước càn khôn vũ trụ hàm chứa đủ thứ linh thiêng, huyền vi, bí mật vô ngần, khi Đi Trong Trời Đất:
 
Đi trong trời rộng đất dày
Tiếng quạ lợp xám lắt lay nắng chiều
Bìa rừng bằn bặt tịch liêu
Đất trời cất giấu vạn điều.huyền vi…
 
Huyền vi, huyền diệu, huyền bí, huyền mật, huyền không, huyền mộng, huyền chi hựu huyền, khiến cho thi nhân rất mực chân thành, tha thiết quyện hòa suối nguồn Linh thể uyên nguyên, tuyệt vời và va chạm được suối nguồn vi diệu, luôn luôn cảm xúc, rung động với trời đất, nhật nguyệt, làm ngân vang tiếng thi ca Và Nghìn Năm Cùng Lá Cỏ:
 
Ồ tiểu thư ngọn bông chiều
Để anh hái tặng em triều sóng hương
Mai về bóng lệch tà dương
Hồn xiêu phách lạc ngậm hường nhớ nhau
Lưu ly tơ cỏ nghiêng màu
Nghìn câu vắng lặng dâng sầu xé hoa
Ồ tiểu thư giọt mù sa
Xin em xuống mộng đêm ngà ngà say
Anh về triệu bước mây bay
Quên thân sinh tử bụi đầy áo trăng
 
Lặng hồn lắng nghe nguồn thơ đi như ngọn “triều sóng hương” như “đêm ngà ngà say” đến “quên thân sinh tử” thôi, thì ai mà còn dám phê bình, giảng luận chi thêm được nữa. Hãy nín thở, ngưng thần bặt niệm để thưởng thức tiếng thơ đồng vọng về Nửa Trang Thánh Mộng tuyệt vời:
 
Bừng trang âm vọng chân Người
Bước xiêu loạn nguyệt thét lời u ca
Nằm tơ diệu mộng sương sa
Bay mê oan nhập nghìn hoa gọi hồng
Về nghiêng bến lục mùa Không
Nghe chăng lá cỏ dậy trong Tiếng Trời?
 
“Tiếng Trời” khơi vơi dội rền vang giữa “mùa Không” những thanh âm trầm bổng ngân huyền, khiến thi sỹ đi về giật mình thấy ra Ngõ Mắt Hoa Nghiêm chẳng ở đâu mà hiện hữu tại đây, ngay ở chỗ này:
 
Cây vườn hoa lạc vườn tây
Màu sương lá mục đổ gầy trăm sương
Hoàng hôn vỡ đóa phai hường
Vạn cành vô sắc trần truồng tắm đêm
Tôi về ngõ mắt Hoa Nghiêm
Chìm trong hạt cát tiếng em gọi chiều
 
Chiều thiên thanh xanh biếc huyền mộng, anh nhận ra lẽ thâm sâu mật ý của Bát Nhã, Hoa Nghiêm nằm ngay trong những cái đơn sơ, giản dị, ngay trên chiếc áo nâu sồng mộc mạc của ni cô, của những tâm hồn lặng lẽ sống hiền từ, lặng im, khiêm hạ mà nao nao Sầu Kín Nhớ Ni Cô:
 
Não nùng tơ cỏ vườn xưa
Môi vàng Bát Nhã đêm trưa kinh cầu
Hoa Nghiêm mắt lệ không màu
Như Lai xuống mộng thoáng sầu ni cô
Tôi về sông rất bơ vơ
Trôi từ bi chút sóng mơ áo già
 
Bát Nhã, Hoa Nghiêm là hai bộ kinh đồ sộ của Phật giáo Đại thừa, đề cao tinh thần Trí tuệ siêu việt. Hãy lấy Trí tuệ đó để đi vào cuộc đời, nhập cuộc chịu chơi với toàn thể vạn pháp trùng trùng duyên khởi, không hề sợ hãi mà cứ tự do, tự tại, thong dong, thõng tay vào chợ… Những vị xuất sỹ ni cô đã chọn con đường mây trắng phong quang đó, nhẹ nhàng lặng lẽ ra đi. Áo cà sa phơ phất ngõ già lam màu nâu sồng đạm bạc, để cho bàn tay gầy guộc, âm thầm mỗi canh khuya ngồi Rung Chuông Hoài Mộng:
 
Theo cây đổ tận trên ngàn
Chìm sông nước lũ sóng tràng giang đi
Ta về nhớ quá tàn y
Một vùng sương khói chết vì chiêm bao
Khuya xanh nhuộm bóng yêu đào
Quỳ xin sư nữ bước vào cà sa
Đuổi nhau mơ cõi ta bà
Rung lầu chuông ngọc ngân nga ải trời
 
Ải trời ngân nga bao tiếng lòng rung rinh tình đạo, tình đời, tình thơ, tình mộng… hòa quyện những âm giai trong Bài Tình Nhân Cuối Đời Giữ Lại:
 
Lên non chạm tiếng chim gù
Biết mình đã lỡ đường tu mất rồi
Cùng em lêu lổng hoa trôi
Mai theo mây trắng viết lời tình nhân
 
Tình nhân như những thiên thần về trên Tiết Nhịp:
 
Trời xanh.xanh rất nhu mì
Đồi nghiêng cỏ mọc rậm rì gót chân
Về trong tiết nhịp tình nhân
Lần đầu anh thấy thiên thần… bay lên
 
Người tình muôn thuở của thi sỹ là nàng thơ diễm tuyệt, huyền nhiệm, im lặng xanh ngời mắt biếc, thuyền quyên thục nữ hiền lương, thường đi về trên nhịp điệu dịu dàng Gót Lục Tiểu Thư:
 
Xé đau mảnh áo ngô đồng
Tiểu thư gót lục băng sông sương mờ
Vén tầm tã nửa trang thơ
Gieo thu nguyệt mộng lót tờ kinh xanh
Lá đêm trùng ngạn buông cành
Gào mây vô ảnh dặm thành cố vong
 
Phóng khoáng, lãng bạt, tang bồng nên long đong, đuối mộng cũng nhiều, anh không những rung động trước những hồng nhan, tiểu thư, giai nhân, thiên hương quốc sắc mà còn cảm hứng khi diện kiến thùy mị ni cô, như Bùi Giáng nhận xét về Huy Tưởng, trước khi được cùng nhau hội ngộ qua Phạm Công Thiện và Tuệ Sỹ: “Lại một tâm hồn thi sỹ thượng đẳng. Ông còn trẻ lắm chắc? Tập thơ ông còn vài vần vướng vướng cái gì, nhưng nhiều bài thâm thiết khôn tả. Tôi kính yêu ông này như một hóa thân Thôi Hộ về hội diện ni cô hiện đại Việt Nam. Tôi chưa dám bàn nhiều về ông, e sỗ sàng chăng? Chỉ xin ghi ra đây một bài thơ xuất thần, nhập thánh đáo thiên tiên:
 
Nghe Kinh
 
Ướt hai tà áo nâu rồi
Bên chùa mục giọng kinh hồi lệnh sang
Giọt kinh rơi thấm cỏ vàng
Nghe kìa.sư nữ vừa choàng áo tu!
 
Tôi nằm ấp lá đêm thu
Mai sau nở trái sa mù pháp không”*
 
Bùi Giáng là chỗ giao tình văn nghệ với Huy Tưởng. Có một thời gian dài, anh mở quán cà phê Bà Lê Chân, số 11 A, Tân Định, Sài Gòn, thì thi sỹ Bùi Giáng thường lai rai ghé đến, trên bước xiêu quàng điệu khiêu vũ, múa may, nhảy nhót rỡn đùa chơi rồi nghêu ngao đọc thơ tặng chủ quán giọng khề khà:
 
Cảm ơn thần thánh thiết tha
Vốn người xứ Quảng vốn là chịu chơi
 
Quảng Nam, thị xã Tam Kỳ là nơi thi sỹ lớn lên ở đó, nhưng sinh ra trên núi rừng heo hút, quanh năm sương phủ Kon Tum xa mù kia, theo lời anh tự kể hôm nào: “Chào đời trên một ngọn Đông giá rét giữa núi cao và đá tảng ngất ngưởng thượng du Trung Việt…Tôi được hạ sinh trên núi rừng cao nguyên Kon Tum (năm 1943) xuyên qua một mối tình điềm đạm mà thơ mộng giữa cha tôi, gốc người chân chất Quảng Trị, là kỹ sư và là người Việt duy nhất (còn lại là ngời Pháp) làm chủ nhà đèn (điện lực) thời bấy giờ. Mẹ tôi gốc Hoàng phái, Thừa Thiên - Huế. Và rồi tôi lớn lên mộc mạc, thô tháp giữa những con người và cỏ cây, suối rừng, ngơ ngác, xao động chung quanh… Đến giờ và cả đời mình, đó là giấc mơ diệu vợi, khôn nguôi, giấc mơ huyền ảo giữa ban ngày…”
 
Vậy nên anh mang “giấc mơ huyền ảo giữa ban ngày” ấy đi phơ phất tận cuối đất cùng trời. Mây trắng, nắng vàng, mưa xanh, gió biếc, trăng huyền, suối mộng, sương lam, khói xám, chim bướm, cỏ hoa…đã hòa nhập sâu xa, bám phủ xuống suốt trong lòng uyên tư, u uẩn của thi nhân. Thế mà trên cuộc phong trần lữ thứ, bất thần bàn tay thiên địa Xô Xuống Chiêm Bao té ngả nghiêng, chới với giữa hố thẳm tuyệt mù:
 
Vớt lên đầy chén sa mù
Chút hương lá mục.chim gù rẻo cao
Tiếng đêm ràn rụa trăng sao
Xô đời tôi xuống chiêm bao mất rồi
 
Cuộc đời thi nhân cũng ba chìm bảy nổi theo dòng nghiệp mệnh, lênh đênh đủ thứ ghềnh sâu, thác lũ u sầu như chính anh tâm sự: “Từ thuở nhỏ đã phải biết rõ thế nào là tuyệt cùng cay đắng và đau đớn với nghìn mối tủi cực quá sức một đứa bé - Và đứa bé đã câm lặng với những khép kín cóng buốt nhưng một đôi lần quá bức thúc đành phải dẫn tới hành động khốn cùng: 3 lần tự tử thất bại - Tiếp tục như thế, biến thành một mối ám ảnh lớn lao, vừa bi thương ghê hồn vừa thơ mộng ngợp trời…Không phe nhóm với ai. Một mình và mãi mãi, chỉ đi một mình, đi ngóng đợi một chiều định phận xế lục nào đó sẽ tung theo gió mộ nhảy thoát ra khỏi chính bóng mình.”
 
Thinh lặng trôi qua bao ngày tháng mưa nắng dãi dầu. Sau năm 1954 gia đình thi sỹ đoàn tụ ở Tam Kỳ. Cha mẹ anh thành lập hãng trà danh tiếng với thương hiệu Mai Hạc, lấy cảm hứng từ hai câu thơ Hán Nôm của thi hào Nguyễn Du, được diễn dịch như sau: “Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ Hạc là người quen.”
 
Với anh, người Mẹ là một nhân vật phi thường, là đấng cứu tinh cho bao sinh linh, đã liều mình đánh đổi cả mạng sống cho, từ mẹ già đến đàn con bé dại, trên sự bạo tàn của chiến tranh, nghèo khổ, thù hận triền miên… Anh tôn thờ hình ảnh người Mẹ như thánh mẫu và căm ghét, khinh bỉ những thuyết dụ hàm hồ, chó sói… Hình ảnh người Mẹ đã băng rừng vượt suối thời kỳ ly tán, tản cư, gánh chịu vô vàn gian nan, khổ lụy ấy, quả thật bất khả tư nghì mà anh thừa hưởng phước lành, được rất nhiều gia bảo:
 
Có điều gì quá.lớn lao
Nói không đủ để.trời cao hiểu giùm
Gầm rú trong đất.khàn câm
Mẹ ơi.con nuốt lăn trầm.riêng con
(Hỡi trăng và đá.hao mòn
Có nghe đất duỗi chồi non.trở mình?)
 
Tình mẹ vô biên như trời cao xanh lặng lẽ Mẹ Tôi Và Trò Chơi Ưa Thích Của Người Già:
 
Mẹ già như trái cau khô
Đêm đêm bỡn cợt hư vô.hóa hình
Ngày mẹ chuốt gọt câu kinh
Hư vô và mẹ tráo hình.đuổi nhau…
 
Câu kinh mẹ tụng còn vang vọng giữa hư vô lồng lộng, dội suốt trong lòng anh ngày khởi hành, bỏ xứ phiêu du Hỏi Đường Cùng Mây Trắng mười phương. Cuộc viễn hành ca suốt Một Mùa Tóc Mộ qua những xứ miền duyên hải Nha Trang, lên cao nguyên Đà Lạt rồi xuống phố thị phồn hoa, dừng gót chân lãng tử tại Sài Gòn. Một thành phố miền Nam, trước năm 1975 là nơi quy tụ toàn bậc cao thủ, thượng thừa trong giới văn nghệ sỹ. Thuở ấy, anh thường được các trường Đại học mời thuyết trình về thi ca, thỉnh giảng về văn chương, báo chí và bắt đầu tham gia cộng tác sinh hoạt văn nghệ khơi vơi chơi.
 
Khởi viết từ năm 1960, thơ anh xuát hiện trên các diễn đàn văn học nghệ thuật thời đó. Nhà xuất bản Kinh Thi là do anh cùng Như Hạnh thành lập, đã xuất bản nhiều tác phẩm giá trị. Những tác phẩm thi ca của anh lần lượt được ấn hành như Mưa Trong Vườn Chiêm Bao (1968) Một Mùa Tóc Mộ (1970) Trăng Kêu Xanh Trong Đá (1975) Áo Nguyệt Ca (1975) Hỏi Đường Cùng Mây Trắng (1996) Người Nuôi Lửa Tịch Mịch (1998) Những Màu Âm Xô Giạt (2018) Đêm Vang Hình Tiếng Chuông (2020) và 3 tác phẩm biên dịch Chàng Tuổi Tre Gan Dạ Trên Chiếc Đu Bay, truyện của William Saroyan (1973) Tuyết Trên Ngọn Kilimanjaro, truyện của Hemingway (1997) Thi Ca tiểu luận của Georges Jean (2016)
 
Hầu hết các thi phẩm trên đều do anh tự ấn hành. Anh yêu quý thi ca, sống hào hoa, phong nhã, hòa điệu với nàng thơ thiên thu diễm tuyệt. Có lần nữ sỹ Trịnh Thanh Thủy phỏng vấn về thơ, về sứ mệnh của thi nhân, anh trả lời: “Tôi luôn đặt đức tin cao nhất vào Thi ca. Tôi tuyệt đối tin vào sự truyền dẫn của cảm xúc và sự trợ lực tối thượng của siêu hình. Một người làm nghệ thuật mà chỉ dựa vào sự khéo tay, kỹ thuật vững vàng không thôi, không mảy may có một ám ảnh, một vọng động nào réo gọi từ tầng cao của ngùn ngụt hư vô… thì cũng tội nghiệp như một “tín đồ” không có đức tin, khi đối diện trước đền thờ mà lòng cứ dửng dưng, trơ cạn niềm tin và trống khô như ngói. Nếu bạn không có cảm xúc thì khó mà truyền dẫn người đọc…
 
Theo Thông Thiên Học xếp hạng thì Thi sỹ chỉ đứng sau những Thánh Thần, Phật Chúa. Ngoài ra, họ đứng trên các ngôi vị khác rất xa và nhân gian vẫn truyền xưng họ cùng với “đẹp như thơ”…
 
Quan niệm về thơ của Huy Tưởng tương ứng với Trúc Thiên: “Thơ và đạo thành tựu trong cuộc sống cái tâm đại đồng, bao hàm cả quá khứ và vị lai, cả không gian và thời gian, cả nghệ thuật và nhân sinh, cả riêng và tư, cả tri và hành, bao hàm tất cả và chảy tan, tiêu dung tất cả. Con người hiện nguyên hình là điểm anh linh của Vô Cực, suốt thông từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, hòa nhịp trong thơ, viên dung trong đạo. Không gì chẳng là thơ. Không gì chẳng là đạo. Con người phục hồi trọn vẹn thể tánh người - Con người của Đạo và Thơ”***
 
Thơ và đạo, thi sỹ, đạo sỹ thường tao phùng, trùng ngộ tại Sài Gòn. Quán cà phê vỉa hè của anh là chốn hẹn hò, là nơi gặp gỡ các tao nhân mặc khách đó đây. Tuy giao du chư bằng hữu bốn phương rất nhiều nhưng anh cho biết, chỉ có vài người bạn chí cốt, vong niên là Quách Tấn, Hoàng Trúc Ly, Thành Tôn, Nguyễn Tôn Nhan và Nguyễn Nho Sa Mạc mà thôi.
 
Trong số các văn nghệ sỹ, có lẽ Trần Tuấn Kiệt là người thấu hiểu Huy Tưởng nhiều nhất: “Huy Tưởng xuất bản thơ, sống đẹp và kín đáo như một nhà ẩn dật. Anh hòa mình với thiên thu trường mộng nhưng cũng rất mơ màng cùng vẻ đẹp của những nàng Thơ bên người đầy cung cách của một hào hoa thi sỹ…Trên tư tưởng Đông phương huyền mặc hôm nay, có vài người như đạt tới cái đạo Sống, cái đạo Tình cũng như cái đạo Thơ, trong đó phong cách của Huy Tưởng biểu hiện rõ nét an nhiên, tự tại…”
 
Tự tại, an nhiên là cốt cách của Thiền sư, là phong thái tiêu dao du Trang Tử, vô vi Lão Tử và của người thi sỹ đi về giữa “thiên thu trường mộng” hay giữa đời sống thường nhật cũng vậy. Đất trời bao la có nói gì đâu cũng như tính thể của ngôn ngữ là vô ngôn, vốn không lời. Cho nên cái đạo Sống, đạo Tình, đạo Thơ ấy chẳng phải ở đâu xa cả mà ngay đây, thể hiện bằng hành động bồng tênh, huyền đồng, thư thả ra vào vô phân biệt dưới mỗi bước chân lặng thầm, tĩnh lự, từ tốn, trầm nhiên Tiếng Lời Ít Ỏi:
 
Vốn tôi ít chữ vụng lời
Tri tâm chưa đủ như người tài hoa
Nuôi lòng tát cạn bao la
Lay thức tĩnh lặng.âm ba đất trời
Đành thôi.ít ỏi tiếng lời
Đường mây trắng sẽ tuyệt vời lãng du
 
Tiếng Lời Ít Ỏi là bài thơ cuối cùng trong thi phẩm Đêm Vang Hình Tiếng Chuông của Huy Tưởng. Tuy nói là ít ỏi tiếng lời nhưng kéo dài gần 200 bài lục bát xanh ngần bất tuyệt, miên man như thầm Gởi Bạn Thơ:
 
Câu thơ.nặng được mấy cân
Mà mong tung bụi xoay vần.thế gian
Chim non ríu rít.trên ngàn
Nhiều khi vớt được trăng vàng dưới khe
 
Dưới khe lấp lánh ánh trăng vàng, long lanh ngàn hư ảnh lung linh như thế cũng khiến cho Lý Bạch, một nhà thơ mà Tuệ Sỹ nói là: “Lãng đãng với tài hoa vừa lãng mạn vừa kiêu hùng, nên quyến rũ và tạo ra một trường say sóng. Say trong một buổi tiệc, lượm lặt những vật phế khí của trời đất để thống ẩm cuồng ngôn…”** Một đệ nhất thi sỹ phiêu bồng có nhiều giai thoại như một đêm trăng rằm nọ, cao hứng chèo thuyền ngắm trăng trên sông nước diêu mang rồi bất thần nhảy xuống dòng sông, ôm bóng trăng mà chết mị kỳ Khi Trích Tiên Qua Sông:
 
Qua sông.sóng vỗ tăm tăm
Nhớ người say mộng.ôm trăng đáy hồ
Trên cao.chim nhạn lửng lơ
Trích tiên thương nỗi bơ vơ mây trời
 
Khơi vơi sầu bi Lý Bạch rồi cũng chạnh lòng thương nhớ xa xôi Thôi Hiệu, lúc Đọc Lại Hoàng Hạc Lâu Nhớ Người Xưa một cách mơ màng:
 
Đi về.nắng nhuộm tím than
Dấu xưa.mây trắng rợp Hoàng hạc lâu
Tiếng chim vang bóng.xô mầu
Trên sông.khói sóng giục sầu cố hương…
 
Rồi lại vu vơ nhớ Vương Duy, nhà thơ thiền kỳ lạ, tuy còn thanh xuân nhưng rất đỗi tài hoa mà hình bóng dường như còn thấp thoáng Trên Nhánh Chiều Tà:
 
Thở cùng đất đá.hồn nhiên
Tôi theo trăng sáng u rền.cội hoa
Dế con mê mải hát ca
Có nghe mây đã chiều tà qua sông?
 
Xem Gái Hái Sen Nhớ Hạ Tri Chương:
 
Ra hồ.xem gái hái sen
Bỗng câu thúy lục cũng len.lén hường
“Thái liên khúc” ngát trầm hương
Một thời phong nhã khác thường.rộ hoa
 
Hết bi ca, niệm khúc, rung hồn cảm thán ngàn trùng heo hút người thời xưa rồi đến rưng rưng ngấn lệ bể dâu, tiêu điều, hiu hắt, lặng sầu thương nhớ người thời nay, những tâm hồn đồng điệu, hỡi Bùi Giáng đại ca, hỡi Nguyễn Tôn Nhan chí cốt, hỡi Tuệ Sỹ mặc như lôi, hỡi Phạm Công Thiện cuối trời viễn xứ, hỡi Nguyễn Đức Sơn cô hành độc lữ trên rừng hoang rú dại mang mang Chàng “Sơn Núi” Đã Lặng Lẽ Ra Đi:
 
Đá im khản giọng.chim rừng
Sơn Núi lặng chết.như từng lặng thinh
Lặng thinh trần trụi riêng mình
Phất tay nện một chày kinh.bỏ về…
 
Sơn Núi vừa mới rời bỏ Phương Bối Am trên đồi cao Bảo Lộc để về nơi chốn Vô Cùng, Phạm Công Thiện vội lên đường bay theo khói mộng vô vi và Bùi Giáng cũng đã ra đi, sau cuộc chơi tiếu ngạo giang hồ lêu lổng, điên quàng, lang thang suốt trọn một bình sinh hy hữu trong cuộc sống. Không nhà, không cửa, không vợ, không con, không là chi hết trên vạn nẻo, lêu bêu xó chợ đầu đường, nên thường nương tựa vào cửa chùa, xin chút cơm thừa canh cặn để lay lất qua ngày. Thế mà lạ thay! Ngày lên chuyến xe tang chạy về thiên cổ, mọi người mới bàng hoàng, sững sốt trước những tác phẩm đồ sộ của nhà thơ điên rồ để lại. Tiếc thương biết mấy, khiến Huy Tưởng cũng ngậm ngùi Đêm Nằm Mộng Thấy Bùi Giáng:
 
Đêm qua Bùi Giáng hiện về
Mang bao giỏ xách bộn bề thị phi
Lùa chân theo gió mà đi
Áo xanh tóc trắng phương phi khác thường
Nhớ thời dãi nắng dầm sương
Nửa khuya hú gọi loáng đường Lê Chân
Bái xin hoàng hậu mẫu thân
Hồng nhan xô Trẫm xuống phần mộ xanh
Ô hay! Bàng Giúi sao đành
Tan trong tráng lệ vô thanh ra về?
Tôi nằm thiếp giữa cơn mê
Câu thơ thánh nhập mãi đè nặng tôi
“Xác thân Bồ tát tan rồi
Tụng kinh dưới đất trên trời mây bay”
Trên trời mây cứ còn bay
Dưới đất tôi cố níu ngày xuống đêm
Sao cho giấc mộng dài thêm
 
Dài thêm giấc mộng trăm năm hay giấc mơ nghìn đời, thật tình thi nhân chẳng cần biết nữa, chỉ giật mình dậy giữa đêm vạn đại mịt mù, khi nghe Ai Vừa Hú Gọi tên mình trong tàn canh, lạnh ánh trăng sao vời vợi:
 
Đêm mù mịt dưới cánh dơi
Trăng soi non nõn nụ cười đá xanh
Dưới giàn mây trắng.mỏng manh
Ai vừa hú gọi thất thanh.tên mình?
 
Tên mình là Huy Tưởng, nhưng Huy Tưởng là ai trên quả địa cầu tròn đang quay lông lốc giữa hư không này, hỡi Cao Xanh?:
 
Cao xanh ồ cao và xanh
Cớ sao mãi đứng trên cành lắt lay?
Xuống đây cùng với heo may
Chiều thôi hắt bóng sẽ quay về trời
Cao xanh và cao xanh ơi
Gặp nhau ta sẽ trao lời cố nhiên
Mây vàng hoặc chốn thần tiên
Cũng không giữ được ai trên đời này
Sao ta lại phải về ngay
Khi chưa thả hết thơ đầy thế gian?
Nơi đây khổ lụy nồng nàn!
 
Thi sỹ đến đây để mần thơ tặng mặt đất rồi đi thôi. Đến thư thả và đi chậm rãi, cho nên “khi chưa thả hết thơ đầy thế gian” thì chưa phải vội vã tung vó bụi hồng ra đi. Mặc dù mần thơ tuy lao đao, khổ lụy mà vẫn có hương vị nồng nàn, như Tuệ Sỹ nói: “Người làm thơ, một đời bị đày ải truân chuyên, trong đó cũng có cái ảo diệu của vị chua, vị mặn… Suốt đời làm thơ thì suốt đời khổ lụy, lao đao nhưng không là khổ lụy, lao đao. Chỗ ảo diệu đó, chưa đạt đến cõi thượng thừa của thi ca, làm sao hiểu nổi?…”** Vì thế, tuyệt nhiên lặng lẽ, anh vẫn âm thầm, thâm thiết Trong Niềm U Mật Phiêu Linh:
 
Chiều buông lận đận.tinh khôi
Một thoáng hồng xế trên môi người tình
Trong niềm u mật.phiêu linh
Vầng trăng hé rạng.rúng mình cỏ hoa
 
“Trong niềm u mật phiêu linh” ấy, nhà thơ làm cuộc lữ đăng trình, vượt đại dương qua tận xứ muôn trùng Úc Đại Lợi, cùng với gia đình định cư ở thành phố Melbourne, từ năm 2010 đến nay. Mười năm biền biệt tận góc bể chân trời nhưng anh vẫn miên man sáng tạo không ngừng. Sáng tạo trên nhịp bước phiêu lưu kiểu Henry Miller, đại văn hào Mỹ: “Chỉ có một cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất mà thôi, đó là đi vào bên trong tâm hồn sâu kín, thăm thẳm trong lòng mình và đi vào giữa lòng mình thì thời gian, không gian, ngay đến hành động cũng không quan trọng chi cả.” Từ đó, cuộc lữ thi ca qua đêm dài sinh tử, thi sỹ đốt lên một ngọn lửa tịch mịch và cõi thơ mở ra những phương trời huyền mộng, mông mênh…
 
Tình thơ, ý thơ, đường thơ từ đây bát ngát một trời thơ vừa huyền mộng vừa viễn mộng, khi thi nhân chọn bến bờ viễn xứ làm quê hương, để rồi hằng đêm thiêm thiếp trên trang kinh nhật nguyệt, thiên địa, lặng hồn lắng nghe heo hút Tiếng Muôn Trùng:
 
Đi chưa hết tiếng muôn trùng
Đèo cao vách dựng.núi rừng u linh
Đá nằm thiêm thiếp trang kinh
Tôi cùng cây cỏ nghiêng mình.bước qua
 
Bước qua mặt đất, trần gian, lội qua suối nguồn nguyên thủy thi ca, chảy trôi vàng óng ả, triền miên giữa mộng đời bất tuyệt. Hiển mật viên dung, hòa điệu cùng cung bậc thênh thang sáng tạo, rồi một chiều nơi xứ lạ, bất thần Chợt Nhớ Ra một điều chi vi diệu, cốt tủy:
 
Khi về một bước phân thân
Thấy trong nắng rỡ.mộ phần tôi xưa
Chìm theo lận đận gió mưa
Mừng thay tôi vẫn còn chưa ra đời!
 
“Mừng thay tôi vẫn còn chưa ra đời” Ồ! Phải chăng, đó là thấy được cái bản thể, cái tự tánh Chơn Không thanh tịnh? Một cái thấy quán tuyệt thiên thu, xuyên suốt cổ kim vô cùng tận. Khi thi nhân thấy được cái bản lai diện mục của mình vốn là bất sinh bất diệt, thì chỉ cần niêm hoa vi tiếu, mỉm cười Viết Câu Diệu Ngữ:
 
Nhánh cành.tách hạt trong khuya
Nơi thăm thẳm đã.vàng tia lục hồng
Cảm ơn nguồn cội rỗng không
Viết câu diệu ngữ hát câm giữa trời…
 
Khi thấy được cội nguồn rỗng không, vô ngã của chính mình, của nhân sinh, vũ trụ là hoát nhiên bừng ngộ lẽ Chơn Không Diệu Hữu. Bấy giờ, thi ca trở thành diệu ngữ, linh ngữ, mật ngữ và thi nhân cất lên tiếng hát ca, một bài ca Im Lặng, nhẹ thênh…  
 
Trên ngõ về im lặng, một chiều cuối thu, du sỹ này đang lang thang dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, chợt lặng cả thần hồn khi bất ngờ, nhận được tập thơ Đêm Vang Hình Tiếng Chuông của Huy Tưởng từ bên kia Úc Châu gởi về. Thế là, quá khứ một trời xưa dĩ vãng liền ùa tới, hồi sinh trong ký ức: Những ngày tháng lang bang khắp phố thị Sài Gòn, thường ghé tạt vào quán cà phê vỉa hè Lê Chân, Tân Định của anh, ngồi chơi suốt buổi. Ngồi đó là gặp đủ cả bạn bè thân quen hay sơ ngộ, những khuôn mặt đạo sỹ, lang thang sỹ, nữ sỹ, văn nghệ sỹ…
 
Còn nhớ, một chiều nọ, Trần Từ Duy mời anh về nhà bày tiệc rượu thân mật, tình cờ tôi đến chơi và cùng cụng ly với anh trọn một buổi xế tà bên thềm cửa. Bữa đó, anh cao hứng đọc bài thơ Ước Hẹn, một bài thơ mà anh làm tặng Tuệ Sỹ từ năm 1970:
 
Tôi đứng hái tàn những bóng cây
Nhìn thu trải lá vẫn chưa đầy
Hai hàng cỏ biếc trăng sao rụng
Tóc dẫy dụa về sau Mái Tây
 
Em bước bàn chân trên đồi thu
Tôi nghiêng bia mộ bóng đêm gù
Thấy năm ngón nhỏ đầm lá ướt
Dẫm nát hồn tôi mộng sương tu
 
Gởi một cành mây về sơ nguyên
Âm vang hạt muối vỡ trăm miền
Nửa khuya ghé hỏi dòng sông cạn
Nghe đá tảng rền lời tịch nhiên
 
Thôi hãy quay về buổi hồng hoang
Rơi cánh chim rẫy chết trên ngàn
Theo hoa với mộng thơm bờ suối
Tôi dìu em máu chảy mê hoang
 
Và đọc thêm bài thơ Cuốc Đất Trên Vườn Rẫy Cam Ranh. Theo anh, đây là một loạt những bài thơ bát ngát, thơ mộng với nhiều kỷ niệm cùng người em trai vô cùng thương mến Nguyễn Thân, nay đã mệnh chung, trong thi tập Áo Nguyệt Ca:
 
Đào lên.một gốc hoa vàng
Ôi.sao nghe động trăng ngàn suốt thu
Con giun cái dế.sa mù
Ngày mai thôi nhé.thân mù mịt bay…
Ngày mai.cô độc nơi này
Bóng ta cuốc đất.vai trầy hư không!
 
Kỷ niệm nhớ mãi với anh là ngày Bùi Giáng từ trần, an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức. Đứng trước huyệt mộ, tôi đứng gần bên cạnh, lắng nghe anh đọc bài điếu văn do anh viết Bùi Giáng: Kẻ Tận Hiến. Một bài điếu văn bi tráng, hùng hồn, lột tả được chân dung Bùi Giáng: “… Là một sinh thể luôn bị lay động, cấu xé bởi ánh sáng và lửa tịch mịch, điêu linh với những ám ảnh về lẽ sinh tử không cùng, dấn mình một cách hiên ngang, khốc liệt vào cõi Thi ca. Tận Hiến hết cả đời mình cho duy nhất Thi ca. Từ buổi sơ ngộ đầu đời đến những giây phút cuối cùng về với chốn lâm chung - Tận hiến mà không hề nhận lại một sự bù đắp, đối đãi nào của nhân thế, trút gởi hết thảy xương máu, hồn phách, lưu lại ở đời như vay tạm một hình cốt mong manh, bi thiết và mộng mị. Với riêng tôi, hình ảnh đắm chìm của tận hiến hung hiểm đó, chính là một tượng đài vĩ đại đến khủng khiếp của thiên tài thơ Bùi Giáng…”
 
Ngàn con sóng vỗ rào rạt từ dưới bãi biển Non Nước vọng vang vào, xào xạc lá cây cành quanh vách núi Ngũ Hành Sơn cùng hòa quyện âm ba tiếng nhạc Beethoven văng vẳng mà cứ ngỡ như tiếng thơ của Huy Tưởng, đồng vọng đâu đây, trong buổi chiều tà quá mộng phiêu diêu này. Vậy thì, còn nói chi thêm nữa, chỉ xin đọc bài thơ Thi Sỹ Huy Tưởng Phương Huyền Mộng mới viết, riêng kính tặng anh, một người thi sỹ tài hoa mà tôi quý mến tự thuở xa xưa nào:
 
Ồ! Mưa trong vườn chiêm bao
Ướt chưa gót lữ bước vào man thiên
Một mùa tóc mộ u huyền
Xỏa bay sơ thủy vô biên tuyệt cùng
 
Tiếng kêu xanh trong đá rung
Động trời thiên cổ tao phùng bao la
Áo nguyệt ca phất phơ tà
Trăng xanh muôn thuở ngân nga diệu vời
 
Hỏi đường cùng mây trắng chơi
Những màu âm xô giạt trời xa xăm
Đêm vang hình tiếng chuông trầm
Thấy trong tịch mịch lửa tâm tư ngời
 
                                                                     Tâm Nhiên
                                              (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng 21. 11. 2020)
 
……….
 
Thơ Huy Tưởng: Trích trong Một Mùa Tóc Mộ và Đêm Vang Hình Tiếng Chuông
* Bùi Giáng. Đi Vào Cõi Thơ. Ca Dao xuất bản, Sài Gòn 1969
** Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng. Ca Dao xuất bản. Sài Gòn 1973
*** Huyền Giác. Chứng Đạo Ca. Trúc Thiên dịch. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1970
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ