Trang

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

BÀN VỀ “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA, BÀI 3” THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG - Châu Thạch


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương


ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA (3)
 
“Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”
                                           Thôi Hộ
 
Ngày này xưa cổng này đây
Hoa đào má đỏ cùng lây ánh hồng
Đã ngưng một điểm thời không
Mở ra ngoài phía chiếc lồng thiên cơ
Đón vào sâu tận cõi bờ
Chưa ai vào được hay mơ được vào
Chợt nghe má đỏ hôm nào
Cười lên từ cổng hoa đào nhặt thưa
Cổng ơi mở cũng bằng thừa
Đừng tin kích thước gởi vừa Đường thi
Chàng Thôi ngắm hảo rồi đi
Một khung chết đứng mong gì ngàn sau.
 
                                 Vũ Hoàng Chương
 

BÀN VỀ “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA, BÀI 3” THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG
                                                                                           Châu Thạch  
Ghi Chú:

Phần I và phần II đã đăng ở “Bàn Về Đọc Lại Người Xưa” bài 1 và bài 2. Quý vị nào đã xem hai bài trên thì xin lướt qua để xem phần 3. Cảm ơn!
 
I - Sơ lược về nhà thơ Vũ Hoàng Chương:  
      
Vũ Hoàng Chương (1916-1978) ở Nam Ðịnh, nguyên quán ông là làng Phù Ủng, huyện Đường Hào nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên.  
Thi phẩm của Vũ Hoàng Chương được nổi tiếng nhất là tập Thơ Say (xuất bản năm 1940). Sau tháng Tám 1945, nhà thơ họ Vũ đã cho ra đời thêm mấy tập thơ nữa là: Mây (1943), Rừng Phong (1954); một tập kịch thơ Vân Muội, Trương Chi, Hồng Diệp (1944).  
 
Sau năm 1954, nhà thơ di cư vào Nam, ông tiếp tục sáng tác không ngừng cho đến khi ông mất. Các tác phẩm giai đoạn này là các tập thơ Tâm Sự Kẻ Sang Tần (1961), Lửa Từ Bi (1963), Ta Đợi Em Từ 30 Năm (1970), Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau (1973)... Ông từng được vinh danh là “Thi bá” Việt Nam.   Sau 1975 bị bắt giam ở Chí Hòa, do bệnh nặng Ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn.  
       
II – Sự Kiện của thơ:  
 
Sự kiện của thơ do nhà thơ La Thuỵ, quản nhiệm trang web blog Bâng Khuâng và đăng như sau:  
 
“Di cảo của Vũ Hoàng Chương (1975 – 1976), do Vũ Hoàng Chương trao cho Hoàng Hương Trang giữ trước khi qua đời, đây là công bố đầu tiên di cảo này, gồm 14 bài, trong đó có 1 bài thơ Tết vịnh Tranh Gà Lợn, 12 bài cùng 1 nhan đề ‘Đọc lại người xưa’, còn 1 bài ông làm trong tù gồm 12 câu, phải làm 6 lần, mỗi lần bà Đinh Thục Oanh vợ ông vào thăm nuôi, ông chỉ viết 2 câu trên mảnh giấy gói đồ, 6 lần vào thăm nuôi ghép lại mới hoàn chỉnh bài thơ, tuy nhiên bài ấy do bà Đinh Thục Oanh giữ và nay đã thất lạc, Hoàng Hương Trang chỉ nhớ vỏn vẹn 1 câu: ‘Tối về Khánh Hội sáng vô Chí Hòa’ để chỉ những cuộc thăm nuôi của bà Đinh Thục Oanh vào thăm ở Chí Hòa, lặn lội cuốc bộ về tới Khánh Hội ở đậu nhà bà Đinh Hùng thì trời đã chiều tối. Nhưng Hoàng Hương Trang nay cũng ở gần cái tuổi 80 rồi, sợ không giữ được, nên xin công bố, in vào tuyển tập sau này để lưu giữ được lâu dài, làm tài liệu cho văn học sau này.  
 
Năm 2012, La Thụy được chị Hoàng Hương Trang tặng TUYỂN TẬP THƠ VĂN XUÔI HOÀNG HƯƠNG TRANG, trong đó có in những bài thơ cuối cùng, là “di cảo do thi sĩ Vũ Hoàng Chương trao cho chị Hoàng Hương Trang giữ trước khi qua đời”. Những bài thơ này được in từ trang 398 đến trang 407 trong tuyển tập nêu trên. Xin giới thiệu cùng quý bạn đọc.” 


        


III- Nghiên cứu bài thơ “Đề Đô Thành Nam Trang” của Thôi Hộ:
 
Trước khi nhập đề “Đọc Lại Người Xưa” (3), nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã dùng hai câu thơ “Khứ niên kim nhật thử môn trung/nhân diện đào hoa tương ánh hồng” của Thôi Hộ trong bài thơ “Đề Đô Thành Nam Trang” để dẫn nhập cho bài thơ của mình, và cả bài thơ “Đọc Lại Người Xưa (3)” Vũ Hoàng Chương cũng cảm tác cho tình sử đã làm phát sinh bài  thơ hoa đào của Thôi Hộ. 
 
Thôi Hộ là ai?  Thôi Hộ tự Ân Công, người ở Bác Lăng là một thi nhân đời Trung Đường. Chưa thấy có tài liệu nào nói về năm sinh năm mất của ông.
 
Thôi Hộ đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 12 (796), làm quan đến Lĩnh Nam tiết độ sứ. Thơ ông Toàn Đường thi còn chép 6 bài, trong đó “Đề Đô Thành Nam Trang” được lưu truyền rộng rãi nhất.
 
Nhận xét về thơ của ông, hậu thế đã dùng những mỹ từ tán tụng mà bất cứ thi nhân nào cũng mơ ước. Bài thơ “Đề Đô Thành Nam Trang” như sau:                                      
 
ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG                                       
 
Khứ niên kim nhật thử môn trung,                                    
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.                                             
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,                                     
Đào hoa y cựu tiếu đông phong*.
 
Bản dịch nghĩa:                                 
 
Bài Thơ Đề Ở Ấp Phía Nam Đô Thành
                                                                         
Năm trước ngày này ngay cửa này,                                   
Mặt người, hoa đào ánh hồng lẫn nhau.                                      
Mặt người chẳng biết đã đi đâu?                                   
Hoa đào vẫn như xưa cười với gió đông.
 
Bản dịch thơ:
 
Cửa đây năm ngoái cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá,
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây. 

                                    Tản Đà
 
Năm ngoái, ngày này, dưới cánh song
Hoa đào ánh má, mặt ai hồng
Mặt ai nay biết tìm đâu thấy
Chỉ thấy hoa cười trước gió đông

                                 Bùi Khánh Đản
 
Hôm nay, năm ngoái, cửa cài,
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi.
Mặt người chẳng biết đâu rồi,
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.

                            Trần Trọng Kim
 
 




Sự tích phát sinh bài thơ như sau:
 
“Chuyện kể rằng vào tiết thanh minh năm ấy. Có một chàng trai dạo chơi ở phía nam Đô thành. Trông thấy một trang viên hoa đào nở rộ, sắc hoa tươi thắm, bèn lấy cớ vào xin nước uống để ngắm kĩ hơn. Chàng trai gõ cửa, bắt gặp một thiếu nữ tú lệ. Người con gái mang nước cho chàng trai uống, cử chỉ vừa dịu dàng vừa kín đáo làm người khác phải nao lòng. Uống nước xong, chàng trai cảm tạ rồi cáo biệt.
 
Khi về nhà, chàng trai vẫn nhớ mãi hình dáng hôm ấy của cô thiếu nữ có đôi má hây hây hồng tựa như cánh hoa nào.
 
Tròn một năm trôi qua, chàng trai trở lại chốn xưa, hy vọng gặp lại cố nhân. Nhưng cổng đóng then cài, gọi mãi mà chẳng thấy ai. Gặp cảnh sinh tình, chàng trai đề một bài thơ trên cánh cổng. Không lâu sau trở lại, nghe tiếng khóc vọng ra từ trang viên. Một ông lão bước ra, vẻ mặt tiều tụy hỏi chàng trai kia có phải là người đã đề thơ lên cổng. Thì ra người con gái con của ông lão đọc xong thơ, nhớ thương đến bỏ ăn bỏ ngủ rồi ốm chết. Chàng trai ngồi cạnh xác người con gái đã tắt thở nhưng vẻ mặt vẫn hồng nhuận như năm nào. Chỉ trách tạo hóa trớ trêu thay cho mối đoạn duyên.
 
Cũng có lời truyền rằng. Người con gái chưa hồn lìa khỏi xác, nghe tiếng khóc than của người thương thì tỉnh dậy. Từ đó hai người trở thành vợ chồng, cùng sống hạnh phúc ở đào hoa viên. Cũng từ điển tích này mà người ta hay ví gương mặt người con gái đẹp giống như hoa đào”
 
Tản mạn thêm:
 
“Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có một đoạn thơ tả lại cảnh lúc Kim Trọng trở lại vườn xưa cảnh cũ nơi mà Kim Trọng và Thúy Kiều đã nhiều lần hò hẹn tâm tình với nhau:
 
‘Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Xập xè én liệng lầu không
Cỏ lau mặt đất, rêu phong dấu giầy
Cuối tường gai góc mọc đầy
Đi về này những lối này năm xưa ....’
 
Thật ra trong ngôi vườn tình ái hò hẹn giữa Kim Trọng và Thúy Kiều năm xưa chưa chắc đã có cây đào nở rộ đầy hoa đang cười bỡn cợt với gió đông (gió xuân) lơi lả... Mà dù có cây đào đi chăng nữa cũng không là nét đặc trưng biểu tượng trong những vần thơ trữ tình nầy:
 
‘Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông ..’
 
mà chính Nguyễn Du đã muốn nhắc nhở lại cái điển tích của Thôi Hộ ‘Đào hoa y cựu tiếu đông phong ...’ trong bài thơ ‘Đề Đô Thành Nam Trang’ như một yếu tố ngôn ngữ chủ yếu làm phương tiện để dẫn dắt độc giả vào cái nhận thức hiện tại: cảnh xưa vẫn còn đó... nhưng người đẹp nay còn đâu ?.. Cái tài hoa khéo léo của Nguyễn Du là ngoài cái biểu tượng chính ‘hoa đào năm ngoái’ còn mang thêm những hình tượng ngôn ngữ để bổ sung cho nhận thức ‘cảnh đó người đâu ?’ , tạo nên một bức tranh trữ tình lãng mạn và gợi sầu gợi cảm vô cùng qua những hình ảnh chất liệu như : cỏ, lau, song, vách, trăng, mưa, én, rêu, dấu giầy, tường gai v.v... đã gây ra những ấn tượng sâu sắc, nguồn cảm xúc dào dạt, nồng nàn, xao động lòng người…
 
Bài thơ trữ tình lãng mạn của Thôi Hộ, hàm súc mang nhiều hình ảnh linh động và ý tình thắm thiết, đã đúng như định nghĩa Thơ mà Lamartine đã nói : ‘Thơ là sự hiện thân cho những gì sâu sắc thầm kín nhất của con tim và huyền diệu thiêng liêng nhất của tâm hồn con người, và khơi động những hình ảnh tươi mát sống động nhất, âm thanh tuyệt vời nghệ thuật nhất trong thiên nhiên...’ 

Bài thơ cô đọng bốn câu của Thôi Hộ là “một sự kết hợp hài hòa giữa cảnh sắc, hình tượng, ý tình, âm thanh, nhịp điệu và nhạc tính đã gây sự rung động và mẫn cảm, biểu tượng một thế giới cảm xúc, làm xao xuyến tâm hồn người đọc khôn nguôi…”
 
IV- Bàn  luận thơ “Đọc Lại Người Xưa, bài 3” của Vũ Hoàng Chương:
  
 Vũ Hoàng Chương mở đầu bài thơ với hai câu thơ như sau:                                         
Ngày này xưa cổng này đây                    
Hoa đào má đỏ cùng lây ánh hồng
 
“Ngày này” là ngày nào?  Đọc thơ ta có thể hiểu “ngày này” là ngày Thôi Hộ quay lại trang viên mà chàng đã một lần vào xin nước uống trong một ngày vào tiết thanh minh. Thôi Hộ nhớ lại ngày này năm xưa, trang viên đầy hoa đào nở, và hoa đào đã phản chiếu lên thiếu nữ chủ nhà, làm ửng hồng đôi má giai nhân. 
 
“Ngày này” cũng có thể hiểu xa hơn, chính là ngày mà Vũ Hoàng Chương sáng tác bài thơ nầy. Cái gặp của Thôi Hộ với người con gái tú lệ là sự gặp thực tế ngoài đời, còn cái gặp của Vũ Hoàng Chương với người con gái trong tình sử là sự gặp trong thơ, là sự gặp mang hương vị liêu trai của thi nhân với “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, nghĩa là gặp “nàng con gái đẹp như ngọc trong sách”. Chữ “Ngày này” của Thôi Hộ vào thế kỷ thứ 8 và chữ “ngày này” của Vũ Hoàng Chương vào thế kỷ thứ 20. 

 
Thư trung hữu nữ nhan như ngọc


Hiểu hai câu thơ bằng tưởng tượng lãng mạn như vậy, ta cảm nhận được nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã mang chính cái tâm tư của Thôi Hộ khi ông đọc bài thơ “Đề Đô Thành Nam Trang” đã lưu lại ngàn năm sau, người con gái hoa đào ngày ấy, ngày này đã nhập vào hồn thi sĩ Vũ Hoàng Chương
 
Hai câu thơ tiếp Vũ Hoàng Chương đã viết                
 
       Đã ngưng một điểm thời không                     
       Mở ra ngoài phía chiếc lồng thiên cơ
 
 “Đã ngưng một điểm thời không” có nghĩa là thời gian ngưng lại ở điểm hai người gặp nhau, lúc đó thi nhân và giai nhân cảm nhận vũ trụ hình thành từ đó. Lúc đó Thôi Hộ và người con gái tú lệ cảm nhận đó là ngày đầu tiền, giờ đầu tiên, phút giây đầu tiên của thê giới và của họ.
 
“Mở ra ngoài phía chiếc lồng thiên cơ” nghĩa là sự hội ngộ của hai người họ không phải do định mệnh, ngoài ý Trời. “Thiên cơ” nghĩa là phép mầu nhiệm của Trời sắp đặt mọi việc trong trời đất. Vậy mà Thôi Hộ và người con gái gặp nhau “ngoài phía chiếc lồng thiên cơ”, cho nên cuộc tình của họ gặp đau thương uẩn khúc là sự thường tình.
 
 Hai câu thơ thứ 5 và thứ 6 như sau:                        
 
Đón vào sâu tận cõi bờ                        
Chưa ai vào được hay mơ được vào
 
 Họ gặp nhau ở ngoài vòng thiên cơ, nghĩa là ngoài sự sắp đặt của Trời nhưng họ lại đón nhau vào “tận cõi bờ” nơi mà chưa ai vào được và chưa có ai mơ được như thế, vì dầu ở cõi thật hay trong cõi mơ, không ai có được một tình yêu nồng cháy như Thôi Hộ và cô gái Hoa Đào kia. “Tận cõi bờ” có thể hiểu là tận sâu kín trong tâm hồn họ. “Chưa ai vào được hay mơ được vào” có thể hiểu là tình yêu của họ say đắm đến nỗi không một cuộc tình nào trên đời nầy đạt đỉnh cao bằng họ.  Vũ Hoàng Chương muốn nói đến mối tình của họ như một thiên đường riêng, thiên đường thiêng liêng của linh hồn họ, mà con người không ai có thể yêu nhau như họ hay bằng họ được.  
 
Đọc bốn câu thơ trên: “Đã ngưng một điểm thời không/ Mở ra ngoài phía chiếc lồng thiên cơ/ Đón vào sâu tận cõi bờ /Chưa ai vào được hay mơ được vào” nhà thơ Vũ Hoàng Chương muốn mượn cuộc tình Thôi Hộ để gởi tâm sự của mình vào đó. Vũ Hoàng Chương cũng yêu thơ “ngoài phía chiếc lồng thiên cơ”. Vì yêu như thế nên thơ đã đưa ông vào vòng lao lý. Một đời vũ Hoàng Chương chỉ làm thơ và đi dạy, nhưng chính vì thơ mà ông đã vào tù và ra tù khi sắp chết. Thế nhưng thơ và Vũ Hoàng Chương như là hai quả tim vàng không phải trong một túp lều tranh mà đã “Đón nhau vào sâu tận cõi bờ” của chốn thiên đường “Chưa ai vào được hay mơ được vào” bao giờ, trừ duy chỉ nàng Ly Tao của Vũ Hoàng Chương và Vũ Hoàng Chương hạnh phúc trong cõi ấy.
 
Hai câu thơ kế tiếp: 
                         
Chợt nghe má đỏ hôm nào                           
Cười lên từ cổng hoa đào nhặt thưa
 
Vũ Hoàng Chương đã rút sơi dây thời gian để quay trở về quá khứ. Nhà thơ nghe được tiếng cười của cô gái hoa đào ngàn năm trước, đã cười tại cổng hoa đào đón chào Thôi Hộ. Cũng có thể nhà thơ đã nghe được tiếng cười của cô gái hoa đào ngàn năm trước, cười ngay trong “ngày này” tại cổng hoa đào khi tâm hồn Vũ Hoàng Chương đến ngưỡng của linh hồn bài thơ, thấy cô gái và nghe tiếng cười trong giấc thụy du của mình.  
 
Thế rồi Vũ Hoàng Chương chợt tỉnh giấc thụy du của mình, ông cảm nhận sự vô thường của trời đất, sự phù du của cuộc tình. Ông cho ngày xưa Thôi Hộ gặp cô gái hoa đào bằng mặt hay ngày nay ông gặp cô gái hoa đào trong thơ một phút cũng đủ rồi, không cần chi chiếc cổng phải mở để phải kéo dài cuộc tình thêm nữa, bởi vì cuộc tình có đi vào kích thước của bài thơ Đường để lại đời sau chăng nữa, thì cũng bằng thừa, bởi vì nó đã trọn vẹn rồi ở giây phút gặp nhau. Nhà thơ thốt lên:        
 
Cổng ơi mở cũng bằng thừa          
Đừng tin kích thước gởi vừa Đường thi
 
Để bổ sung cho đậm ý hai châu thơ trên, Vũ Hoàng Chương đã viết tiếp hay câu thơ chót như sau:               
 
       Chàng Thôi ngắm hảo rồi đi              
       Một khung chết đứng mong gì ngàn sau 
 
Hai câu thơ nầy Vũ Hoàng Chương muốn nói, cái giây phút Thôi Hộ và cô gái hoa đào gặp nhau, là giây phút “Đã ngưng một điểm thời không” là giây phút khởi đầu của tình yêu như sự khởi đầu của cả vũ trụ, cũng có thể nói thời gian tâm lý ngưng ngay tại đó, không còn trôi chảy nữa . Giây phút đó đã được đóng vào “Một khung chết đứng”, không còn giây phút thứ hai với bất kỳ ai và bất kỳ ở đâu nữa. Bởi vì cho rằng giây phút Thôi Hộ và cô gái hoa đào gặp nhau là đã trọn vẹn rồi, Vũ Hoàng Chương nói rằng đến ngàn sau cũng đừng mong gì nữa: “Một khung chết đứng mong gì ngàn sau”
 
Bài thơ “Đọc Lại Người Xưa (3)” của Vũ Hoàng Chương chỉ khó hiểu nếu ta không mang tâm trạng của ông đi vào trong thơ. Vũ Hoàng Chương đã mang tâm trạng của Thôi Hộ đi vào trong thơ của Thôi Hộ và lấy tâm trạng của chính ông đề bình luận cho thơ. Thôi Hộ còn quay lại cổng hoa đào, còn đề thơ lên cổng hoa đào, nhưng Vũ Hoàng Chương quan niệm khác, nhà thơ cho rằng “ngắm hảo rồi đi” là đủ, là đạt tình yêu tuyệt đỉnh rồi, là tình yêu đã đóng “khung chết đứng” tại đó rồi, đã thỏa mãn rồi, “đừng mong gì ngàn sau” nữa. Hiểu như thế ta thấy Vũ Hoàng Chương đã lãng mạn trên cái lãng mạn của ngàn xưa. Nhà thơ quan niệm “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt / Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” trong tình yêu, trong tình trường. 
 
Bài Đường thi của Thôi Hộ lưu truyền hậu thế trên ngàn năm vẫn còn tỏa sáng nhưng Vũ Hoàng Chương nói rằng “Đừng tin kích thước gởi vào Đường thi” nghĩa là ông cho bài thơ “Đề Đô Thành Nam Trang” của Thôi Hộ không nói đủ cái khối tình nẩy sinh trong lòng họ, nên ta không chỉ tin chừng đó trong bài thơ mà phải suy diễn, lũy thừa, hư cấu cho đến chốn tuyệt đỉnh của tình, khiến cho giây phút hai tâm hồn gặp sau thì mọi sự trở thành vô nghĩa ngay cả thơ.
 
Như đã nhiều lần trình bày, người viết bài này chỉ viết theo cảm nhận chủ quan của mình. Những tư liệu ít phổ biến người viết tìm trên google đều đóng trong ngoặc kép.  Mong quý vi thông cảm bỏ qua những gì sai trái đối với nhận xét của quý vị.
 
                                                                                        Châu Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ