Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

NHỮNG BIÊN KHẢO MỚI VỀ VUA QUANG TRUNG - Trần Đức Anh Sơn

Từ năm 2015 trở lại đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính (học giả người Việt ở Mỹ) trở nên nổi tiếng ở trong nước, với những biên khảo mới xuất bản về lịch sử Việt Nam và nhà Tây Sơn.

Học giả Nguyễn Duy Chính đi tìm bức chân dung của vua Quang Trung trong Thư viện Getty ở California, Hoa Kỳ. Ảnh: T. H.BÍCH


NHỮNG BIÊN KHẢO MỚI VỀ VUA QUANG TRUNG
                                                                 Trần Đức Anh Sơn

BỘ BIÊN KHẢO ĐỒ SỘ

Từ tháng 9.2015 đến nay, Nguyễn Duy Chính đã gửi 16 đầu sách viết về lịch sử và văn hóa Việt Nam và Trung Hoa mà ông là soạn giả để xuất bản ở Việt Nam. Trong đó, có bộ “tổng tập” về cuộc chiến chống lại quân xâm lược Mãn Thanh do Quang Trung Nguyễn Huệ lãnh đạo và lịch sử Việt Nam từ thời Lê mạt đến đầu thời Nguyễn.

Tiêu biểu là các biên khảo: Việt - Thanh chiến dịch (xuất bản năm 2015); Thanh - Việt nghị hòa. Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung (2015); Phái đoàn Đại Việt và lễ bát tuần khánh thọ của Thanh Cao tông (2016); Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận” - Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không? (2016); Lê mạt sự ký (2016); Đại Việt quốc thư (2016); Khâm định An Nam kỷ lược (2016); Đàng Trong thời chúa Nguyễn (2016)…

Bộ biên khảo đồ sộ nói trên đã đưa Nguyễn Duy Chính trở thành một sử gia có nhiều nghiên cứu lịch sử Việt Nam vào nửa sau thế kỷ 18, đặc biệt là về vua Quang Trung, triều đại Tây Sơn và mối quan hệ giữa Đại Việt và Trung Hoa sau cuộc chiến Việt - Thanh (1788 - 1789).

Mới đây, Nguyễn Duy Chính lại tiếp tục xuất bản ba đầu sách mới, theo đề tài mà ông đã theo đuổi bấy lâu nay: Đi tìm chân dung vua Quang Trung, Nguyễn thị Tây Sơn ký (đều do Nxb Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh xuất bản năm 2019) và Bắc hành lược ký (Nxb Hội Nhà văn, 2019).

Nguyễn thị Tây Sơn ký là tác phẩm khuyết danh, nhưng nội dung và văn từ của tác phẩm này cho thấy đó gần như là phó bản của phần viết về ba anh em Tây Sơn trong Đại Nam chính biên liệt truyện, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Tuy nhiên cách đánh giá về nhà Tây Sơn, đặc biệt là về Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, có những điểm khác, mới và khách quan hơn so với Đại Nam chính biên liệt truyện.

Nguyễn Duy Chính đã dịch tác phẩm này từ chữ Hán, có đối chiếu với Đại Nam liệt truyện để làm sáng tỏ những điểm khác biệt, những tồn nghi về thân thế của ba anh em Tây Sơn ghi chép trong Đại Nam chính biên liệt truyện, cho dù “không phải là những điều gì hoàn toàn mới mẻ, nhưng có thể soi sáng được nhiều chi tiết vốn dĩ vẫn được coi như bất di bất dịch. Việc đó cũng giúp chúng ta có cơ hội cân nhắc để lượng định tài liệu về đời Tây Sơn và tìm hiểu những thêm thắt được tiểu thuyết hóa theo thời gian” (Lời giới thiệu trong sách Nguyễn thị Tây Sơn ký).

Bắc hành lược ký là cuốn “hồi ký chính trị” của Lê Quýnh viết bằng chữ Hán, được Nguyễn Duy Chính dịch chú và giới thiệu. Lê Quýnh là cựu thần của nhà Lê, đã tòng vong theo Lê Chiêu Thống sang Trung Hoa sau khi Lê triều sụp đổ và nhà Thanh bị đại bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt vào cuối năm 1788, đầu năm 1789.

Tuy chỉ là cuốn hồi ký của một phận người lưu vong, từng bị cầm tù gần 10 năm trong các nhà ngục ở Trung Hoa, nhưng Bắc hành lược ký lại như một tấm gương soi phản ánh mối quan hệ giữa nhà Thanh với nhà Lê: khi thắm thiết, khi lạnh nhạt, khi ruồng rẫy; góp phần vạch trần chiêu bài chính trị “giúp đỡ phiên quốc” của Thanh triều, mà thực chất chỉ là cái vỏ che đậy những toan tính lớn.

VUA QUANG TRUNG VÀ MỘT GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ

Đi tìm chân dung vua Quang Trung là biên khảo đáng chú ý nhất của Nguyễn Duy Chính trong đợt xuất bản này. Cuốn sách tập hợp 10 bài viết, là các khảo cứu của Nguyễn Duy Chính và những biên dịch từ các nghiên cứu của người nước ngoài, liên quan đến vua Quang Trung và quan hệ giao thương giữa Đại Việt và Trung Hoa vào cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19 (kèm theo phụ bản chữ Hán và nhiều tranh ảnh tư liệu quý hiếm và giá trị).

Trong số đó, có những khảo cứu rất quan trọng, như: “Trận Kỷ Dậu từ tài liệu gốc của nhà Thanh”, “Khảo luận về thuyết Quốc vương An Nam Nguyễn Quang Bình sang Trung Hoa cuối đời Càn Long là người giả”, “Giải mã một bức tranh”, “Đã tìm ra chân dung vua Quang Trung?”, “Phúc Khang An và việc khôi phục quan hệ tông phiên Trung Hoa - An Nam cuối đời Càn Long”, “Khảo cứu về việc quốc vương Việt Nam Nguyễn Phúc Ánh sai sứ đến triều cống nhà Thanh”

Nguyễn Duy Chính đã không ngại lao vào những vấn đề rất gai góc như: Người sang nhà Thanh vào năm 1790 là vua Quang Trung thật hay giả? Bức chân dung do họa sĩ nhà Thanh vẽ vua Quang Trung liệu có đáng tin hay không? Ông đã lật lại những vấn đề tồn nghi hoặc chưa tìm hiểu thấu đáo về thời kỳ này, chẳng hạn: con số thực tế về quân Thanh đã tham chiến và bị chết trong cuộc chiến với quân Tây Sơn; vấn đề vua Quang Trung sang chúc thọ Càn Long là vua thật hay vua giả; tính xác thực của bức chân dung vua Quang Trung…

Từ những nỗ lực trong việc sưu tầm tài liệu gốc, đối chứng nhiều tài liệu từ các bên khác nhau, phân tích nội tình đất nước và quan hệ đối ngoại lúc đó, Nguyễn Duy Chính xác tín chính vua Quang Trung đã sang Trung Hoa vào năm 1790. Chuyến đi này là một sự kiện nổi bật, được nhiều tài liệu của Thanh triều ghi nhận. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử bang giao giữa Đại Việt và Trung Hoa, là một thắng lợi rất vẻ vang của vua Quang Trung về ngoại giao mà các triều đại trước đó chưa làm được. Chuyến đi này đã thúc đẩy một loạt các hoạt động tiếp theo giữa hai nước: mở cửa thông thương, thiết lập hòa bình, thúc đẩy cho việc hình thành một trật tự mới ở vùng Đông Á lúc bấy giờ.

“NGHIÊN CỨU SỬ LÀ ĐI TÌM SỰ THẬT”

Giao lưu với độc giả ở TP. Hồ Chí Minh nhân dịp ra mắt ba cuốn sách nói trên, khi được hỏi vì sao lại xới xáo câu chuyện chân dung vua Quang Trung, từng bị dư luận phản ứng trái chiều vào năm 2017, Nguyễn Duy Chính trả lời: “Người nghiên cứu sử là đi tìm sự thật, chứ không phải tìm sự khen chê của người đời, và rằng, sử học là khoa học, cho nên nếu sử học tiến bộ, thì phải càng ngày càng tiến gần đến sự thật hơn”.

Ông cũng bày tỏ quan điểm khi công bố và phân tích sử liệu: “Chúng ta phải đánh giá đúng tài liệu, đánh giá một cách khách quan chứ không dựa trên cảm xúc. Khi đó, ta mới tôn trọng tài liệu và sử dụng hiệu quả tài liệu cho công việc nghiên cứu”.

Với một góc nhìn mới, đa chiều trên cơ sở nghiên cứu cẩn trọng và phân tích thấu đáo các nguồn sử liệu trong và ngoài nước về triều đại Tây Sơn; xung đột nhà Lê - Tây Sơn, Tây Sơn - Nguyễn; chiến tranh và giai đoạn hậu chiến giữa Đại Việt và Trung Hoa vào cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19, Nguyễn Duy Chính đã xác lập một hướng đi mới, khách quan và khoa học trong cách tiếp cận và nghiên cứu lịch sử Việt Nam, thông qua các biên khảo đã được xuất bản từ năm 2015 đến nay. Đó cũng là những đóng góp của ông cho nền sử học nước nhà, đồng thời cũng tạo cảm hứng cho các nhà sử học trong nước, đặc biệt là những người trẻ trên bước đường nghiên cứu lịch sử Việt Nam một các khách quan và trách nhiệm.

                                                                            Trần Đức Anh Sơn

Nguồn:
https://baoquangnam.vn/tac-gia-tac-pham/nhung-bien-khao-moi-ve-vua-quang-trung-88292.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ