Trang

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

BÁC SĨ ĐỖ HỒNG NGỌC, NHƯ TÔI BIẾT - Nguyễn Hiệp


             

Chi hội Văn học nghệ thuật La Gi vừa ra mắt giai phẩm HOA BIỂN chào mừng thị xã La Gi tròn 15 năm thành lập (2005-2020). Giai phẩm Hoa Biển tập trung vào các đề mục chính: Đối thoại, Biên khảo, Đất và người La Gi, Năm tháng và ký ức, Thơ, Văn xuôi, Ẩm thực, Nhiếp ảnh nghệ thuật… Trong giai phẩm này, nhà văn Nguyễn Hiệp gởi đến bạn đọc bài viết chân tình về người con ưu tú của La Gi - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Xin giới thiệu với bạn đọc


BÁC SĨ ĐỖ HỒNG NGỌC, NHƯ TÔI BIẾT
                                                      Nguyễn Hiệp

Hàng năm, cứ độ tháng Tám âm lịch, tôi lại được đón tiếp một người khách đặc biệt, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, là ông đưa gia đình về thăm quê tiện thể ghé nhà tôi. Bao giờ cũng vậy, ông cũng dành tặng một quyển sách mới, tôi cảm nhận được sự khuyến khích, tình cảm và những kỳ vọng của bậc đàn anh đồng hương đáng kính nên tự hứa với lòng sẽ viết một bài ngăn ngắn bày tỏ sự ngưỡng mộ đặc biệt về ông, nhưng mãi rồi vẫn chưa thực hiện được. Năm nay, quà của ông là tập truyện tranh “Tấm gương Việt” do Nhà xuất bản Phụ Nữ chọn 6 người có tâm có tầm điển hình ở thành phố Hồ Chí Minh tập hợp thành (trong danh sách đó có ông), tôi cầm quyển sách lòng tràn dâng niềm xúc động và chợt nghĩ tựa sách chính là tiêu ngữ thích hợp cho bài viết mà tôi muốn viết lâu nay. Nhưng khi trình bày ý này với ông thì ông khe khẽ bảo: “Tính anh, em đã biết, thích tĩnh lặng, thích giấu cái tôi của mình đi, nếu em có nhã hứng thì tùy duyên mà viết nhưng theo hướng vui vui thôi”. Và tôi cũng nghe sự hướng dẫn từ tính khiêm cung của ông để viết thật nhẹ nhàng. 

Quen biết ông thời gian khá dài, tôi luôn thấy cuộc đời ông, với tâm thế yêu thương con người sâu sắc, với nỗ lực tu thân tích đức không ngừng nghỉ, cùng những cống hiến đa dạng, hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thật xứng đáng để chúng ta ngả mũ kính nể, xứng đáng để chúng ta viết thành bài học về tu luyện bản thân và yêu thương con người mà truyền cho con cháu của mình. Ngoài hàng trăm bài viết, thơ, văn, tư vấn, tham vấn, cung cấp kiến thức về sức khỏe trên các mặt báo (Bách Khoa, Mai, Văn, Ý Thức, Tuổi Ngọc, Mây Hồng, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Thanh Niên, Mực Tím, Áo Trắng, Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, Sài Gòn Tiếp thị, Kiến thức ngày nay, Văn hóa Phật giáo, Giác Ngộ, Từ Quang, Liễu Quán…) và rất nhiều những buổi chia sẻ, nói chuyện, thuyết trình trên các phương tiện truyền thông khác, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc còn là tác giả của hơn 30 đầu Sách, tác phẩm về văn học, y học và Phật học. Sách của ông luôn được công chúng cả nước đón nhận nồng nhiệt.

Từ bàn chân trần ở trường làng Gò Ông Nồm: Trường Gò Ông Nồm, đó là ngôi trường nhỏ vài ba lớp tiểu học, được cất sơ sài trong thời kháng chiến, trên gò đất cao thuộc thôn Hiệp Trí, xã
Tân Hiệp, quận lỵ Hàm Tân (nay thuộc xã Tân Thuận, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), nơi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có những buổi học đầu tiên trong đời. Ngày nay trường không còn nữa nhưng thỉnh thoảng những người thân trong nhà cứ nhắc câu chuyện đôi giày của cậu bé Ngọc như một giai thoại đáng yêu của tuổi học trò miền quê. Chuyện rằng: Bé Ngọc được mẹ đi Phan Thiết mua cho đôi giày vải mới, cậu quý lắm, cứ ngắm hoài không chán. Sáng hôm sau, Ngọc mang đôi giày mới đến lớp với niềm vui thích hân hoan trong lòng, nhưng khi gần vào đến sân trường, nhìn chân các bạn hầu hết là mang guốc gỗ hoặc không giày dép gì cả, bé Ngọc dừng lại hồi lâu, nghĩ rằng mình mang giày mới mà các bạn thì không ai có, sợ các bạn buồn, Ngọc cởi giày đem giấu trong lùm cây và đi chân trần vào lớp cho giống các bạn. Chuyện của con nít, không có gì lớn lao, nhưng quả thực nó là tín hiệu nhạy cảm, tinh tế đầu tiên được biểu lộ của tâm hồn một con người biết thật sự quan tâm, thật sự yêu thương những người sống quanh mình.

Năm 1952, người cha của ông bị bệnh lao và qua đời. Cái chết của cha ở nơi vùng tản cư thiếu thầy, thiếu thuốc làm chấn động tâm hồn cậu bé Ngọc. Nhớ lời dặn của cha: “Có công mài sắt
có ngày nên kim!”, cậu ra sức học tập, nhất là thời gian mấy má con đùm túm về rau cháo qua ngày cùng với người cô trong một ngôi chùa ở Phan Thiết, ngoài bài vở ở lớp cậu còn đọc rất nhiều
sách. Nhờ mê đọc sách mà Ngọc biết đến học giả Nguyễn Hiến Lê, từ quyển sách “Kim chỉ nam của học sinh” được cậu coi là “kim chỉ nam” của mình, khi trọ học ở Sài Gòn, cậu còn tìm gặp trực tiếp ông Nguyễn Hiến Lê để xin tư vấn về lựa chọn ngành học của mình.

Đến Lời thề Hippocrates

Được học giả Nguyễn Hiến Lê khuyên nên theo ngành y, vì theo ngành y vẫn có thể viết văn và dạy học theo sở thích, Ngọc nghe theo và bắt đầu dấn thân vào ngành học rất cực nhọc mà cũng rất nhân văn này. Ngọc học Y khoa Sài Gòn (thời đó gọi là Y khoa Đại học đường Saigon) từ năm 1962 đến năm 1969 thì tốt nghiệp. Thời đó học Y khoa chương trình 7 năm, ra trường phải thi tốt nghiệp, đậu bốn môn Bệnh lý (Nội, Ngoại, Sản, Nhi) thì
được gọi là bác sĩ và hành nghề bác sĩ, sau khi đã đăng ký vào Y sĩ đoàn và thực hiện đúng Nghĩa vụ luận Y khoa. Sau đó, những ai làm luận án và bảo vệ thành công thì được nhận Văn bằng Tiến sĩ Y khoa Quốc gia (Doctorat en Médecine, Diplôme d’Etat). Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trình luận án tiến sĩ vào năm 1970, đề tài về bệnh Sốt rét ở Trẻ em, Hội đồng giám khảo gồm GS. Phan Đình Tuân, GS. Nguyễn Văn Út và GS. Nguyễn Thế Minh…
Từ ngày tuyên thệ, đọc lời thề Hippocrates, Đỗ Hồng Ngọc trở thành một bác sĩ mát tay, đặc biệt ông ít dùng đến thuốc, ông luôn chú trọng đến việc chữa cả thân bệnh lẫn tâm bệnh (Trong các dịp lễ Tết, ông thường chúc mọi người: “Thân tâm thường an lạc!” là xuất phát từ quan điểm thân tâm bất dị này).

Ông đến với Thiền học, tìm thấy ở Phật giáo con đường đi cho mình một cách tình cờ nhưng cũng như một cơn chấn động, trong lời tựa quyển sách Như Thị, ông viết: 

“Một hôm, kẻ “workmania” - điên vì say làm việc - là tôi bỗng thấy mình nằm trần truồng trên giường hậu phẫu sau cơn tai biến. Chợt nghe tiếng chim. Chợt thấy ánh nắng. Lá lay ngoài khung cửa. Mới toanh, lạ lẫm, giật mình. Lâu nay vẫn nhìn mà không thấy, vẫn nghe mà không biết. Thân quen mà xa lạ. Thì ra phép lạ quanh đây: Khi bước đi những bước lẫm đẫm trẻ thơ, khi đứng tần ngần dáng đứng người lớn. Rồi tủm tỉm cười một mình. Tức cười. Không phải muốn cười mà tức cười. Tức mà cười. Cho nên nó bỡ ngỡ mà hồn nhiên, nó ngây ngô mà bí hiểm… Nhìn đã khác, thấy đã khác…”.

Ông thực sự là người không biết về hưu là gì, sau này, ngoài thời gian viết báo ông được nhiều nơi mời đến nói chuyện về thiền, về sức khỏe, về Bát Nhã tâm kinh, về Kim Cương kinh…

“Người thầy thuốc chỉ có thể chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ, chỉ có thể chữa được cái bệnh mà không chữa được cái hoạn. Do vậy mà dù y học phát triển với những thành tựu đáng kinh ngạc nhưng tình trạng tâm thần tự tử, bạo lực, bất an và các bệnh do hành vi lối sống gây ra như tim mạch, tiểu đường, béo phì… cứ ngày càng phát triển. Thiền phải chăng là một lối thoát”.

Đó tinh thần chính yếu trong những cuộc nói chuyện của người bác sĩ tài hoa này.

Những chuyện khác… Và kết:

Chị Bích, một nửa của anh Ngọc, cũng chưa bao giờ vắng mặt trong những chuyến ghé nhà tôi. Anh thường kể vui với mọi người: “Chuyện tôi gặp vợ tôi là thế này: Tôi có người bạn thân, anh dẫn tôi đến “coi mắt” người yêu của anh. Trong lúc trò chuyện thì cô ta reo lên: Má về! Nhìn ra thấy một cô gái hãy còn trẻ chẳng có vẻ gì là “Má” cả… Thì ra đó là cô chị con gái lớn trong gia đình nên quán xuyến, chăm lo cho các em, được các em quý trọng… ghẹo bằng “Má”, thế thôi. Sau đó thì tôi trở thành “Ba”. Chuyện cũng hơn bốn thập kỷ rồi đó”.

Hiện nay, anh chị đã có bốn người con, bốn cháu, hai nội và hai ngoại. Tôi nhớ một phóng viên đã hỏi anh: “Trong cuộc sống của mình bác sĩ có hạnh phúc không?”, câu trả lời của anh thật ấn tượng, những lúc buồn giận hay mệt mỏi, tôi luôn nhớ lại từng câu của anh như là một cách dìu ba đào: “Hạnh phúc đi rồi hạnh phúc đến, hạnh phúc đến rồi hạnh phúc đi, cứ như hơi thở vậy. Cứ để nó đến nó đi. Sinh trụ dị diệt.”

Và khi xin anh cho một lời khuyên cụ thể là nên sống thế nào, anh sôi nổi: “Có một lời khuyên trong y học là SAFE (an toàn), tôi thêm chữ R thành SAFER (an toàn hơn), là chữ viết tắt của các biện pháp: Smoking (không thuốc lá), Alcohol (giảm rượu), Food (dinh dưỡng đúng), Exercise (rèn luyện thể lực) và Respiration (thở đúng phương pháp). Thực ra nó chính là ‘Giới’ và ‘Định’ đó vậy. Giới và Định tốt thì sẽ dẫn đến Tuệ. Nói khác đi, giảm được ‘tham sân si’ ta mới có được thân tâm an lạc.”

Có lần tôi và anh cùng đi đến thăm nhà thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn, nhà vắng, tôi đang lăng xăng, dáo dác tìm hỏi xung quanh thì quay lại bắt gặp anh đang ngắm say sưa những bông hoa vàng, anh mỉm cười nói với tôi: “Mấy bông vàng này rụng mà vẫn thật đẹp!”. Anh là vậy đó, tinh thần Thiền đã thấm đẫm vào từng phút giây đời sống của anh. Vậy nên thơ anh (bút hiệu Đỗ Nghê) dù mộc mạc nhưng bao giờ cũng để lại trong tôi những dư chấn, có gì đó như thấu nỗi đau đời, như thấu suốt đời sống con người, chẳng hạn, tôi đọc qua một lần rồi không thể quên những câu thơ trong bài “Thư cho bé sơ sinh”:

“… Khi anh cắt rốn cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ…”

Để kết bài viết lan man này không gì bằng xin được trích lời giáo sư Trần Văn Khê: 

“Người này có cả tâm hồn hướng về con người nên đã viết cho trẻ con, người già, người sản phụ; tìm những căn bệnh để trừ bệnh, để giúp cho người ta bớt bệnh, bớt khổ. Tâm tư đó là tâm “từ” đi tới “bi”. Người đó có một tinh thần phóng khoáng, một tâm từ, còn là một nhà văn dí dỏm, một nhà thơ mộc mạc dễ thương, đến với đạo Phật một cách rất tự nhiên với những trải nghiệm Phật pháp về tâm, về sự bất dị giữa thân và tâm, về hạnh phúc và các giá trị sống khác, đã trở nên rất gần gũi, thân thương như lời thủ thỉ, tâm tình, chia sẻ tới mọi người. Ông chính là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

                                                                                      Nguyễn Hiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ