Khánh
Trường, sinh năm 1948 ở Quảng Nam. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1988. Sự đóng góp của
anh vào văn học Việt Nam hải ngoại không nhỏ vì ngoài vẽ tranh, triển lãm
tranh, anh cũng là một nhà văn tên tuổi, viết với vài bút hiệu khác như Kim
Thi, Nguyễn Thị Giáng Châu. Khánh Trường đã xuất bản nhiều tác phẩm và từng là
chủ biên của tạp chí Hợp Lưu, Hoa Kỳ, từ 1990 đến 2005. Xin giới thiệu một bài viết của anh về Phạm Công Thiện.
Nhà
văn, họa sĩ Khánh Trường (Đinh Cường vẽ)
NHỚ
PHẠM CÔNG THIỆN
Khánh Trường
Tuần trước, Dung, vợ Phan Tấn Hải, chị Loan, vợ cũ Phạm
Công Thiện, và vợ tôi, Thu Oanh, cùng đi tham dự buổi ra mắt hai cuốn sách viết
về Bồ Tát Long Thọ của Vũ Thế Ngọc (16
năm nay, sau ngày bị tai biến, tôi gần như đoạn tuyệt với giới văn nghệ, không
liên hệ cũng như từ chối mọi lời mời tham dự những buổi ra mắt sách, vốn thường
xuyên tại quận Cam. Vợ tôi thỉnh thoảng thay tôi đi dự, nếu tác giả quá thân
quen).
Trong cuộc buổi hàn huyên, chúng tôi có gợi nhắc đến
Phạm Công Thiện. Chị Loan kể về những giây phút cuối cùng của PCT, cùng những
thói tật rất chướng khi “chàng” còn sống
chung với “nàng”. Tôi nói về những cú
điện thoại một hai giờ sáng của “chàng”:
“KT, đến cứu tao….”.
Nhà văn Phạm Công Thiện
Đó là những lúc có “đại
chiến” giữa “chàng” và “nàng”. Vài lần đầu tôi đến, đưa PCT lên
một chùa quen “tị nạn”. Nhưng những lần
sau tôi vờ đi, vì biết sẽ chả có chi trầm trọng. Một lần cũng xảy ra “đại chiến”, cũng từ “chàng”, nửa khuya, phát ra tín hiệu SOS,
tôi cũng nghe và vờ đi. Sáng ra đi ăn sáng ở SL, lại thấy “chàng” một tay bế con (cháu gái rất giống PCT, thông minh cực kỳ,
nay là một luật sư, vừa có chồng), một tay khoát tay vợ, “dung dăng dung dẻ”, mặt mày tươi rói, đôi mắt lấp lánh sau hai cái
đít chai dày cộm, bước vào SL, xem như vụ “đại
chiến” đêm qua chưa từng xảy ra, hoặc chỉ là chuyện giả tưởng.
Chị Loan rất yêu PCT, Lúc nào nhắc đến “chàng” “nàng” cũng một lòng trân quí.
Không sống được với nhau chẳng phải vì “nàng”
không yêu PCT, và vì, theo lời chị Loan, “giữa
anh ấy và con, tôi phải chọn một”. PCT là một người xuất chúng, nhưng cũng
là một thứ ngựa chứng so với người bình thường. Chả hạn “chàng” thích say sưa, và khi say “chàng thường nói năng lạng quạng đến trời cũng sợ”. Những bạn bè
hay chè chén với PCT đều biết, giữa “triết
gia” PCT và bợm nhậu PCT hoàn toàn không liên hệ gì với nhau. Chả hạn không
đi làm nên không bao giờ biết giá trị của tiền bạc, đối với PCT, 1$ hay 100$
giá trị như nhau. Đi mua sắm với “nàng”
“chàng” thường cằn nhằn “Sao em cứ trả
giá. Món đồ có ghi giá hẳn hòi, em còn trả giá làm gì.”. Cho nên, cũng theo
chị Loan, một người cha như thế làm sao dạy dỗ được con, “nàng” đành phải chia tay với “chàng”,
để con bé không bị ảnh hưởng, hầu ăn học nên người. Tôi không biết quan niệm của
chị L có đúng không, nhưng tôi biết chị rất yêu PCT nhưng cũng vô cùng thương
con. Sự hy sinh, theo nghĩa nào đó, tình yêu của mình, cho con, của chị L là sự
thật. Mấy mươi năm, chị vẫn ở thế, vò võ một mình, rất ít bầu bạn, ngày ngày đi
làm, nuôi dạy con, cho đến lúc cháu khôn lớn, thành đạt. Chị L là mẫu đàn bà VN
điển hình nhất tôi từng biết.
Nhà
Văn Phạm Công Thiện (phải) và Họa Sĩ Đinh Cường
PCT giỏi ngoại ngữ, thông minh. Điều nay ai cũng biết.
Sống gần PCT, chúng tôi còn biết thêm, “chàng”
có một trí nhớ cực kỳ tốt. Thời gian chúng tôi cùng làm tờ bán nguyệt san Thời
Nay, tiền thân của tạp chí Hợp Lưu, Phạm Việt Cường dịch truyện dài Hương Cây Hạnh, Tình Yêu Và Hoa Quỳnh của
Gabriel Garcia Marquez cho tờ nguyệt san. Trong một kỳ, PCT xem xong đoạn vừa dịch,
nói với chúng tôi: “Tao nhớ không lầm thì
mày (PVC) dịch sai chữ này rồi, xem lại đi.” Chúng tôi xem lại, quả Phạm Việt
Cường đã dịch sai. Cuốn sách này PCT đã đọc hơn 10 năm trước, hồi “chàng” còn ở Pháp.
Ngoài ngoại ngữ, thông minh và trí nhớ tốt PCT còn
trân trọng vô cùng với chữ nghĩa. Với chữ nghĩa, PCT không bao giờ tỏ ra cẩu thả,
xem nhẹ. Suốt 12 năm làm tờ HL, PCT và Nguyễn Tất Nhiên là hai người có bản thảo
sạch nhất tôi từng biết. Đọc bản thảo thảo của họ, tôi thoải mái lắm, những
dòng chữ ngay hàng thẳng lối, rõ ràng, sáng sủa. Nếu có gạch xóa thì cũng đâu
ra đó, phân minh. Đánh máy, lay-out xong, thường, tôi phải đưa “chàng” xem lại có sai sót nào chăng.
Trên dưới 30 năm trước, computer chưa thịnh hành như bây giờ, nhất là với lớp
người trung niên trở lên. Bản thảo của họ thường viết tay. Vài người có “tân kỳ” hơn, thì cũng chỉ đánh máy bằng
bàn máy chữ của thập niên 50, 60, như Thế Uyên, Hồ Minh Dũng. Thuở ấy làm báo
không dễ dàng như bây giờ. Một trong những khâu làm tôi “kinh hoàng” nhất là đọc bản thảo. Mỗi tuần phải đọc hàng trăm
trang chữ viết tay. Sẽ may mắn nếu được đọc những bản thảo sạch sẽ, rõ ràng.
Ngược lại, sẽ “đau khổ vô biên” nếu gặp
phải những bản thảo viết tháu, lại còn gạch xóa tùm lum, chú thích tiếng Tây tiếng
Mỹ, tiếng Đức, tiếng Tàu loạn cào cào. Những chú thích này nếu viết rõ ràng còn
khả dĩ, đàng này viết tháu còn hơn bác sĩ kê toa. Một lần tôi phải lái xe lên tận
phố Tàu ở Los, nhờ một ông Tàu hay chữ đọc và viết lại hộ một vài chú thích có
tiếng tàu, để sau đó tôi photocopy, thâu nhỏ lại, dán vào bản lay-out trước khi
mang đến nhà in. Làm báo thời kỳ ấy khổ như đi đày!
Rất tiếc tôi không thể lục tìm vài bài thơ của PCT
đăng trên tờ Thời Nay, trong hàng mấy chục thùng sách báo cũ chất đống trong
garage. Đó là những bài thơ tôi nghĩ rất hay so với những bài thơ trong tập Ngày Sinh Của Rắn xuất bản tại miền nam
VN trước 1975.
Nói đến thơ PCT, tôi chợt nhớ hai câu thơ của “chàng”, hai câu, tôi nghĩ là hay nhất,
bình dị, mộc mạc nhưng lại rất thơ, khác hẳn với những rối rắm bí hiểm kiểu Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực, Tôi hiếp dâm
mặt trời, sinh ra mặt trăng!:
Mưa
chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây
khế nhà ai trổ hêt bông
18. 8. 2017
Khánh Trường
Nguồn:
https://www.dutule.com/p114a8351/khanh-truong-nho-pham-cong-thien
https://www.dutule.com/p114a8351/khanh-truong-nho-pham-cong-thien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ