Lễ
lên ngôi của hoàng đế ngày xưa là ngày trọng đại của quốc gia. Nó diễn ra như
thế nào trong lịch sử?
Tranh
minh họa lễ đăng cơ của hoàng đế ngày xưa.
Người xưa thường nói “nước không thể một ngày không có
vua”. Ngay sau khi vua băng hà, triều thần ngay lập tức bắt tay vào việc tôn lập hoàng đế mới. Người được vua cha hoặc quần thần chọn sẽ được thông báo thời
gian lên ngôi.
Câu chuyện về lễ đăng cơ của Lê Thần Tông (1619-1643)
- vị vua thứ sáu của thời Lê Trung hưng - được ghi chép trong sách Xã hội Việt
Nam từ thế kỷ XVII của tác giả Nguyễn Trọng Phấn, phần nào giúp hiểu hơn về lễ
đăng cơ.
Nghi
lễ trang nghiêm
Theo nội dung sách trên, chúa Trịnh cùng các võ quan,
nội các viện, các quan đô tổng binh, thừa chính sứ đến tư thất tân vương (Lê Thần
Tông), dâng áo bào để ông mặc, rước vua lên mình voi đến chính điện đã phủ vóc
vàng và vóc bạc. Vua ngự lên ngai, các quan đều phủ phục rồi đứng dậy cúi đầu
vái lạy, giơ hai bàn tay chắp liền lên trời và tuyên thệ trung thành với vua.
Ngay khi các quan hành lễ xong, vua Lê Thần Tông ban
cho mỗi người bốn lạng vàng và sáu lạng bạc. Chúa Trịnh được hai mươi lạng vàng
và bốn mươi lạng bạc. Quan đứng đầu nội các được mười lạng vàng và hai mươi lạng
bạc.
Ban thưởng xong, vua cho bắn ba loạt thần công đặt
quanh thành, ba loạt súng trường đặt trong một cánh đồng gần đấy.
Sau nghi lễ bắn đại bác, tân vương liền ngự kiệu, chúa
Trịnh và quan tổng lý nội các cưỡi ngựa đi đầu tiến vào nội cung. Các vương
phi, công chúa, mệnh phụ đến lạy chào. Sau đó, các quan vào dự tiệc yến, sau yến
tiệc là tuồng hát, đốt pháo bông suốt đêm.
Sáng hôm sau, 3.000 quân lính hôm trước lại tề tựu chỉnh
tề ở chỗ cũ, các võ quan đều về kinh đông đủ. Tân vương ngự kiệu mười sáu người
khiêng, có chúa Trịnh và quan tổng lý nội các cưỡi ngựa dẫn đầu ra khỏi cung,
theo sau có nhiều võ quan đi bộ, hát múa xung quanh, phường bát âm thổi sáo, thổi
kèn, đánh trống vang trời.
Ra đến chỗ dàn binh, tân vương bước xuống kiệu và ngự
lên trên thớt voi trận, ra giữa ba quân và các võ tướng tuyên thệ, ban cho chủ
tướng mỗi người một lạng vàng và hai lạng bạc, mỗi võ quan một lạng bạc và nửa
lạng vàng.
Riêng quân lính mỗi người được thưởng hai tháng lương.
Sau khi nhận thưởng, quân lính bắn súng chào mừng sau đó rút về trại đã dựng sẵn,
ăn uống suốt một đêm.
Vua Lê Thần Tông cũng đến ngự tại một tòa lầu bằng gỗ
sơn son thếp vàng dựng trong cánh đồng ấy. Ông ở đó hết đêm, trước dự yến tiệc,
sau xem pháo thăng thiên và còn hát vui ca nhảy múa.
Sáng hôm sau, vua cưỡi voi về thành. Đến cung, vua lên
điện, ngồi lên ngai vàng, ban thưởng cho những thợ đã chế ra pháo hoa, ca vũ và
những người tổ chức cuộc vui tối hôm trước và đã làm cho ngày hội ấy được linh
đình.
Mừng dịp lên ngôi, vua cũng cho phép chúng dân và hai
đại biểu phường buôn, phường thợ vào bệ kiến. Hai người đọc chúc từ, thay mặt
dân sự Kẻ Chợ (Hà Nội) nguyện trung thành với vua.
Vua ban thưởng cho phường buôn năm mươi lạng vàng và
ba trăm lạng bạc, phường thợ hai mươi lạng vàng và một trăm lạng bạc. Dân sự ra
về mở tiệc ăn uống, mở hội chèo hát bỏ thêm tiền riêng ra để giải trí trong hơn
một tuần.
Thăm
người nghèo, giảm thuế cho dân
Vài ngày sau, đoàn đại biểu các thôn, xã ở xa đến kinh
mừng và tuyên bố trung thành với vua. Tỉnh nào xưa nay vẫn một lòng với nhà Lê
được miễn thuế một năm, những nơi đã hưởng ứng với loạn thần chỉ được giảm sáu
tháng. Người tù nợ cũng được vua điều đình với chủ nợ và giảm cho có khi một nửa
số tiền nợ.
Nhiều động vật bị đem giết để cúng tế, vàng bạc được
vua phát ra để mua vải vóc dùng trong việc thờ cúng, mặc cho các tượng thần, vải
màu da cam để phát cho các sãi. Ngoài ra, vua còn lệnh cho phát rất nhiều tấm vải
xanh màu lục cho những người nghèo khổ đã đến ở nhờ các chùa, kể cả người nghèo
khổ ngoại quốc.
Trong tuần trị vì đầu tiên, vua Lê Thần Tông cũng đến
chùa, sống kham khổ và đi thăm các người nghèo khổ trong các chùa khác, bố thí
cho họ. Sau khi hết tuần đầu tiên, vua sai dựng một ngôi chùa tại chỗ ông đã chọn
trước.
Đầu tuần thứ hai sau khi lên ngôi, vua cưỡi voi trận,
có các võ quan ở triều và 12.000 quân lính đã được tuyển lựa riêng đi hộ giá. Họ
đến một cánh đồng rộng, tại đó đã lập sẵn ba tòa lầu dựng bên bờ sông, được sơn
son thiếp vàng cho vua, chúa và quan đứng đầu nội các cùng nhiều nhà nhỏ cho
người tùy giá.
Tượng
thờ vua Lê Thần Tông bên các bà vợ của mình.
Dưới bến là rất nhiều thuyền, trong đó có một chiếc
“thủy sư” lớn nhất, đẹp nhất. Suốt trong bảy hôm, vua sẽ nghỉ ở đây, xem các cuộc
tập trận, bơi chải. Thuyền nào bơi hơn các thuyền khác thì được thưởng. Hết tuần
thứ hai này, trước khi về cung, vua ban cho thủy binh hai tháng lương vào dịp lễ
đăng cơ.
Hết tuần vua ngự giá về cung. Tại đây, các nghi lễ
chào mừng tiếp tục được tổ chức hết tháng. Đêm nào cũng đốt pháo bông trước các
cung điện của các bà phi, các quan thị cũng nhập bọn với phường hát, phường múa
để mua vui.
Theo Nguyễn Thanh Điệp
Nguồn:
https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/chuyen-it-biet-ve-le-len-ngoi-bau-cua-hoang-de-ngay-xua/20200311061018330
https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/chuyen-it-biet-ve-le-len-ngoi-bau-cua-hoang-de-ngay-xua/20200311061018330
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ