Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ THÀNH CỔ LOA: KẾT LUẬN CỦA 4 GIÁO SƯ UY TÍN NHẤT TRONG GIỚI SỬ HỌC VIỆT NAM - Lê Tiên Long

Hàng năm, cứ vào mùng Sáu tháng Giêng âm lịch, nhân dân xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội lại tưng bừng mở hội để tưởng nhớ công lao của An Dương Vương, người tạo lập ra nhà nước Âu Lạc.



                                       Ảnh: HL, nguồn: thegioidisan.vn
     
Hàng năm, cứ vào mùng Sáu tháng Giêng âm lịch, nhân dân xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội lại tưng bừng mở hội để tưởng nhớ công lao của An Dương Vương, người tạo lập ra nhà nước Âu Lạc.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhà nước Âu Lạc chính là hình thức nhà nước đầu tiên ở nước ta, kế tục nhà nước Văn Lang mang tính truyền thuyết của các vua Hùng. Nhiều sử liệu cũng khẳng định An Dương Vương đã lãnh đạo đất nước chống lại cuộc xâm lược của nhà Tần, và sau đó là của vua Nam Việt Triệu Đà.
Âu Lạc cũng là nhà nước có kinh đô, với thành là Cổ Loa mà An Dương Vương xây dựng, mà hiện nay vẫn còn lưu giữ dấu vết.

NHÀ NƯỚC ĐẦU TIÊN, SỰ THẬT HAY HUYỀN THOẠI?

Đại Việt sử ký toàn thư, bộ chính sử lớn nhất của nước ta, viết rằng: An Dương Vương họ Thục, tên là Phán, người Ba Thục. Năm Giáp Thìn (258 trước Công nguyên), vua kiêm tính nước Văn Lang, đổi quốc hiệu làm Âu Lạc. Lúc đầu, vua nhiều lần đem quân đánh Hùng Vương, nhưng Hùng Vương binh mạnh tướng giỏi, vua bị thua mãi. Sau Hùng Vương vì ham ăn uống vui chơi, không sửa sang võ bị, nên bị Thục Vương tấn công bất ngờ, Hùng Vương thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân sĩ còn lại đều quay giáo đầu hàng Thục Vương.

Thục Phán xưng là An Dương Vương, xây thành rộng hơn nghìn trượng như hình trôn ốc, nên gọi là Loa Thành.

Về cuộc kháng chiến chống quân Tần, Toàn thư viết rằng năm Đinh Hợi, 214 TCN, sau khi An Dương Vương trị vì 44 năm, Tần Thủy Hoàng đem 50 vạn quân đi đánh phương nam, cho Nhâm Ngao làm Nam Hải úy, Triệu Đà làm Long Xuyên lệnh (Long Xuyên là quận của huyện Nam Hải). Ngao và Đà nhân thế mưu với nhau xâm Âu Lạc.

Khu di tích Cổ Loa nằm trên địa phận 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: TL. Nguồn: Thegioidisan.vn.

Năm 210 TCN, Triệu Đà đem quân sang đánh nhau với An Dương Vương ở núi Tiên Du (Bắc Ninh), nhưng bị vua dùng nỏ thần đánh bại, nên Đà lui về núi Vũ Ninh, xin hòa. An Dương Vương đồng ý, phân định từ sông Thiên Đức (sông Cầu) về Bắc thì Đà thống trị, trở về nam thì vua thống trị. Triệu Đà sai con là Trọng Thủy sang cầu hôn công chúa Mị Châu, để rồi dẫn tới thiên tình sử oanh nghiệt mà truyền thuyết còn lưu truyền, khi Mị Châu bị lừa đem bí quyết nỏ thần trao cho Trọng Thủy. Đến năm 208 TCN, Triệu Đà đem quân tấn công, An Dương Vương thua chạy, tục truyền chém chết Mị Châu ở núi Dạ Sơn xã Cao Xá, Diễn Châu rồi nhảy xuống biển đi mất.


TRUYỀN THUYẾT RÙA VÀNG VÀ TÌNH SỬ MỴ CHÂU

Những câu chuyện này đều mang màu sắc truyền thuyết. Trong sách Trung Quốc, thì bộ Giao Châu ngoại vưc ký, do Thủy kinh chú dẫn lại, là sách đầu tiên chép về truyền thuyết thần Cao Thông giúp An Dương Vương chế nỏ thần và Mị Châu bị Trọng Thủy lừa để phá nỏ.

Truyền thuyết về Cao Lỗ giúp An Dương Vương xuất hiện trong các bộ truyện cổ nước ta là Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh tập, nhưng tất các các truyện này cũng đều mang tính chất huyền thoại, không có nhiều cơ sở lịch sử.

Sử gia Ngô Sĩ Liên khi chép lại chuyện này trong Toàn thư, đã đặt ra câu hỏi rằng "chuyện rùa vàng có đáng tin không?".

Tuy nhiên, từ bao đời nay, các triều đình phong kiến đã luôn ghi nhận nhà nước Âu Lạc và An Dương Vương là vua của nước ta, và ở Cổ Loa, đền thờ nhà vua vẫn luôn được cúng lễ cả nghìn năm nay.

Sau khi vua Gia Long lên ngôi, khi bàn định việc đặt miếu phu cho các miếu lịch đại đế vương, thì bên cạnh các miếu Hùng Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, miếu các vua Lý, Trần, Lê, đã có miếu Thục An Dương Vương ở xã Cổ Loa, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay là huyện Đông Anh, Hà Nội).

           Nhà để bia trong đền Thượng. Ảnh: Sưu tầm.

Đến đời vua Thiệu Trị, khi nhà vua xét lại số lượng miếu phu cho các miếu lịch đại đế vương, bên cạnh việc bổ sung các miếu thờ Kinh Dương Vương, Mai Hắc Đế, Tiền Ngô Vương, thì miếu Thục An Dương Vương vẫn nằm trong danh sách cùng các miếu thờ vua thời Lý, Trần, Lê khác.

Tới cuối thế kỷ XIX, một số sử thần nhà Nguyễn cũng tỏ ý hoài nghi những ghi chép trên. Họ cho là Âu Lạc "hoặc giả ở ngoài cõi tây bắc giáp liền với nước Văn Lang" và Thục Vương không phải là người Ba Thục.
Dưới thời thuộc Pháp, Ngô Tất Tố cho rằng: "Nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục". Trần Trọng Kim cũng lặp lại các ý kiến của sử thần nhà Nguyễn. Một số học giả Pháp như H. Maspero, trong bài Vương quốc Văn Lang, cho rằng An Dương Vương chỉ là một "nhà vua thần thoại".

KHẢO CỔ HỌC CHỨNG MINH CÔNG LAO DỰNG NƯỚC, GIỮ NƯỚC CỦA AN DƯƠNG VƯƠNG LÀ CÓ THẬT.

Tuy nhiên, cả 4 vị GS uy tín nhất trong giới sử học nước ta là Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, đều có chung một nhận định: Triệu Đà là kẻ xâm lược nước Việt Nam, và An Dương Vương Thục Phán là người đã lãnh đạo nhân dân chống lại cuộc xâm lược từ phương Bắc.

GS Sử học Trần Quốc Vượng, một người từng dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử nước ta xung quanh thời kỳ Đông Sơn và khảo cổ tại khu vực Cổ Loa, đã đưa ra hai kết luận quan trọng: Thục An Dương Vương không phải là người Cổ Loa, và vua là người Âu Việt.

Từ những năm cuối thập kỷ 1960, kết quả nghiên cứu của nhóm An Dương Vương và quan hệ với thời kỳ Hùng Vương, do Trần Quốc Vượng (khi đó chưa được phong GS) làm nhóm trưởng, cũng rút ra 4 kết luận: Thời kỳ lịch sử An Dương Vương và nước Âu Lạc là có thật; Thời kỳ lịch sử này là bước tiếp nối của thời kỳ Hùng Vương; Có cuộc kháng chiến chống quân Tần và chống Triệu Đà.

Và dù không tin vào những huyền sử, thần thoại về chuyện Rùa vàng giúp An Dương Vương xây thành, thì dấu vết thành Cổ Loa còn lại đến nay là không thể chối cãi. Mà không chỉ một, hiện nay vẫn có thể thấy rõ 3 lớp vòng thành, với thành Ngoại chu vi lên tới 8km, thành Trung chu vi 6,5km, và vòng thành Nội chu vi 1,65km, với diện tích trung tâm lên tới 2km2.

                      Một đoạn tường thành Cổ Loa. Nguồn: hoangthanhthanglong.vn

Các dấu vết để lại cho thấy quy mô đồ sộ của thành lũy của thành Cổ Loa xưa, với chiều cao tường thành trung bình từ 4m-5m, chân lũy rộng tới 20m-30m, mặt lũy rộng 6m-12m. Phải có một trình độ tổ chức cao, cùng lực lượng nhân công, vật lực huy động đông đảo, mới có thể xây dựng được công trình tầm vóc như vậy.

Không những vậy, trên khu vực thành Cổ Loa, các nhà khảo cổ đã khai quật được nhiều mộ cổ, gạch, ngói, ngói ống, lưỡi rìu lưỡi xéo bằng đồng, tiền đồng, lưỡi cày, các vật dụng bằng gốm, đất nung và trống đồng Cổ Loa từ thời An Dương Vương. Điều đó chứng minh quy mô dân số và sự phát triển của xã hội, các tập quán canh tác, buôn bán, sinh hoạt của người đương thời. Đặc biệt, các hố khảo cổ thu được hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh, đã chứng minh về những trận chiến khốc liệt từng diễn ra bên cạnh những bức tường thành hơn 2.000 năm tuổi này.

 
             Hình ảnh một số di chỉ khảo cổ tại Cổ Loa. Nguồn: hoangthanhthanglong.vn

PGS, TS. Phạm Minh Huyền, một chuyên gia khảo cổ thời kỳ văn hóa Đông Sơn và trực tiếp là thành Cổ Loa đã khẳng định, các kết quả khảo cổ học cho thấy sự tồn tại và phát triển của triều đại An Dương Vương là có thật, là sự tiếp nối của thời đại Hùng Vương, đưa văn hóa Đông Sơn của người Việt lên một tầm cao mới với sự hình thành của một nhà nước sơ khai.

Tuy năm mất của An Dương Vương được sử sách nước ta ghi là năm 208 TCN, nhưng năm chính thức kết thúc triều đại nước Âu Việt đến nay vẫn còn chưa được thống nhất, khi vẫn tồn tại một mốc lịch sử khác là năm 179 TCN, mới là thời điểm Triệu Đà thôn tính nước ta, bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam.

Và dù không phải là người phát tích ở miền đồng bằng Bắc Bộ, nhưng với công lao thống nhất các bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt, thành lập một nhà nước sơ khai, tổ chức cũng như việc lãnh đạo nhân dân chống xâm lược phương Bắc, thì An Dương Vương vẫn luôn mãi mãi được các thế hệ người Việt ghi nhớ công ơn.


Tại Cổ Loa, đền thờ An Dương Vương nằm trên địa phận xóm Chùa, còn gọi là đền Thượng. Trước đền là hai con rồng đá, sân đền lát đá xanh, theo bia ký, đền xây dựng năm 1687 và sửa lại năm 1893.

Hằng năm, lễ hội Cổ Loa được khai mạc ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến ngày 18 tháng Giêng, với những nghi lễ trang trọng nhất.


               


             
              Lễ hội Cổ Loa mùng 6 tháng Giêng hàng năm. Ảnh: Sưu tầm.

                                                                                                           Lê Tiên Long


Nguồn:
https://soha.vn/an-duong-vuong-va-thanh-co-loa-ket-luan-cua-4-gs-uy-tin-nhat-trong-gioi-su-hoc-viet-nam-20200129231023277.htm
                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ