Trang

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

TẢN MẠN TÂM SỰ QUA THEO DÕI MỘT CUỘC TRANH LUẬN - Lê Nghị


             
                            Tác giả Lê Nghị


TẢN MẠN TÂM SỰ QUA THEO DÕI MỘT CUỘC TRANH LUẬN
                                                                                      Lê Nghị

Cuối tuần được đọc các ý kiến thân hữu tranh luận xung quanh hai cụm từ “miên trường”“bóng tà huy bay” thấy vui, mở rộng thêm kiến thức, nghe được thông tin nhiều chiều. Thật ra những bài này cũng tương tự nhiều bài khác, mình đã đọc vài lần, nhưng không bình luận. Lý do không phải sợ mất lòng một phía mà sợ bị ném đá từ cả hai phía. Hi,hi. Nhưng đã trình bày thì thật lòng, hiểu sao nói vậy, quý ACE thông cảm.

1. Những hiện tượng bất quy tắc trong tiếng Việt:
-Tiếng Việt cũng có bất quy tắc chứ không riêng một ngôn ngữ nào. Ví dụ tiền tố “bất” đặt trước một tính từ hay động từ hàm nghĩa phủ định, trái nghĩa với từ theo sau: bất nhã , bất động, bất lịch sự….Vậy mà: Thình lình hắn hiện ra = bất thình lình hắn hiện ra. Thình lình = bất thình lình.
-Ta đánh thắng quân Mông = Ta đánh bại quân Mông. Thắng =  bại!
Có ai thắc mắc đúng sai đâu?
- Thêm vào đó tôi hát nghêu ngao: “đi lang thang khuya lắc khuya lơ, đèn nhà ai tắt sớm.” cả thiên hạ ai cũng hát vậy. Một ngày tôi tự dưng hỏi mình: Kỳ quá ta, chơi khuya thì nhà người ta tắt đèn là đương nhiên sao gọi là sớm. Bạn tôi bảo: hơi đâu mà để ý các ca từ Bolero, ý nói ca từ của người bình dân ! Tôi cười vặn lại :
- Thế còn ca từ này, bài hát đẳng cấp đấy: “Khung cửa sổ hai nhà cuối phố, không hiểu vì sao chẳng khép bao giờ”.
- Có vấn đề gì? Chuẩn!
-Trời ạ, xưa nay cánh cửa mới khép mở, chứ khung cửa thì cố định chứ có khép mở bao giờ?
Có lần đang nhậu, anh bạn tôi hát một bài của Phạm Duy, phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên:

Người từ trăm năm về khơi tình động
Ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn chân
Ngã xuống bên đường đời
Sợi tóc vương chân người.

Đột ngột anh dừng lại và bình: “Tuyệt! tìm lại cuộc tình, chỉ sợi tóc xưa yêu mà vấp ngã”. Tôi thấy cũng hay, ý khác tôi. Vì tôi lại hiểu rằng người chạy ngã xuống bên đường, thiên hạ hững hờ đi qua, sợi tóc vướng chân, chẳng ai quan tâm. Sự khác nhau giữa hai người là chỗ hiểu sợi tóc đó của ai, của người chạy kiệt sức ngã xuống, hay của ai đó người chạy vấp phải. Cãi nhau làm gì, có gọi bác Nguyễn Tất Nhiên hỏi được không?
Tôi tự nghiệm ra rằng ngôn ngữ là sản phẩm của cộng đồng, bao gồm cả ngữ pháp lẫn từ ngữ. Thoạt tiên ai đó nói ra một từ, trong một cách dùng, cộng đồng nghe và chấp nhận và sử dụng. Ngôn ngữ có sinh mệnh: phát sinh, phát triển, biến đổi. Từ trực quan đặt tên một bộ phận bên ngoài: bụng. Đi sâu vào cái nằm bên trong: ruột. Trừu tượng hóa thành lòng. Cứ mỗi âm vị là hình vị để tạo ra từ mới đi kèm: tốt bụng, xấu bụng, ruột rà, thẳng ruột ngựa, lòng lành, lòng tốt. Từ ruột nhảy một cấp thành tim, từ tim biến thành tâm khi giao lưu ngôn ngữ. Một loạt từ ngữ sinh ra từ hình vị tâm: tâm sự, tâm tình… Giả định từ xa xưa sắc tộc Việt trên đường thiên di đến Hoa Nam bị đột biến gien thành người Hoa Nam. Do thiên nhiên cũng có thể do sở thích, phát khó khăn âm tim, hay để phân biệt tiếng mỗi vùng họ trại thành âm/ tâm/ Người Việt phát âm được tim tâm, thôi thì dùng âm /tâm/ cho cả hai bên cùng hiểu. Còn tim thì nói riêng với sắc tộc mình mà thôi. Cũng giống như người Quảng Nam khi nói chung với người cả nước họ phát âm/ đi làm/ nhưng trong tỉnh thì nói/ đi lồm/. Thế rồi tâm lại nhảy lên tới đầu: tâm trí. Khi tiếp xúc với đạo Bụt (buddar), thấy có khái niệm hình như là bản thể mọi hiện tượng, thôi thì gọi là Tâm cho xong. Hết chỗ nhảy lên rồi, đòi nhảy nữa thì nó vọt ra khỏi cơ thể, khỏi cõi người.
Một từ được dùng có thể sống lâu có thể chết yểu, nó tùy thuộc vào cảm thụ của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó. Lê Thánh Tông có câu:

Nhè nhẹ thuyền ai bến liễu dời
Lam am nghìn dặm nhuộm da trời

Câu thơ hay nhưng ngày nay không thấy ai dùng từ: lam am nữa. Có thể thay bằng xanh xanh, trong xanh, biếc xanh…

Lúc trước, khi có một thông tin chưa chính thức người ta nói nghe “phong thanh”. Nhưng bây giờ rất nhiều người dùng “phong phanh”. Không kể đến trường phái vọng Hán của An Chi, có nhà giáo kết luận để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải quay lại từ gốc phong thanh? Đó không phải là sự cưỡng bức, áp chế ngôn ngữ phát triển sao? Không hiểu ai đó viện lý do gì khi dùng phong phanh, riêng tôi khi nghe cái âm phong phanh, thì lập tức trong đầu hình dung tiếng gió đập phành phạch, lúc to lúc nhỏ, không lần nào giống lần nào, tạo cảm giác thông tin chưa rõ ràng. Mặc dù biết nghĩa gốc tôi vẫn chọn phong phanh là âm mới thay cho một âm cũ cùng một khái niệm. Nếu cần tôi vẫn viết: phong phanh, ai có chê dốt đành chịu.

Lần đầu nghe con tôi nói “dân đi phượt” tôi hỏi: phượt là cái gì? Tự điển làm gì có từ phượt? Sao không chọn một âm nào nghe thuận tai lại chọn một âm nghe nặng nề xa lạ? Vậy mà hơn 15 năm có thấy ai thay từ theo ý tôi đâu? Cộng đồng chấp nhận, ngôn ngữ là sản phẩm của chung chứ đâu phải theo cảm giác của tôi!?

Nhiều khi ta tự mâu thuẫn. Một mặt ta ca ngợi sự sáng tạo cách dùng một từ ngữ, một mặt ta lại đem nghĩa gốc, từ gốc xửa xưa để thẩm định đúng sai của cách dùng hôm nay !? Có thể nào sửa câu: “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” thành “chữ ruột/ lòng kia mới bằng ba chữ tài” được không? Được tất, không khác nghĩa. Nhưng lựa chọn của cộng đồng lại là chữ tâm.

Có lần tôi trình bày cách hiểu của mình về bài Diễm XưaKhúc Thụy Du. Trước hết về bài Khúc Thụy Du. Cặp vợ chồng là nhạc công và ca sĩ nghiệp dư. Người vợ không hiểu Thụy du là gì? Hỏi chồng giải thích cũng giống như mộng du. Cô vợ cãi lại mộng du là một chứng rối loạn tính cách, đem nó dùng cho một bài hát nghe cũng kỳ lắm, anh giải chưa thông. Anh chồng bực mình mắng: dốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Cô vợ ấm ức điện thoại hỏi tôi. Tôi bảo đưa điện thoại tôi hỏi lại chồng em. Thế là anh ta nói: thụy là ngủ sâu, là chết. Đoạn mở đầu:

Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa

Vậy mà tôi giải thích bã không chịu nghe! Anh giải cho bã nghe đi.!

Tôi trả lời: thui, cho tui xin. Ông bà thấy bản nhạc hay thì ông đàn cho hay, bà hát cho hay là khán giả vỗ tay, chứ khán giả có hỏi ông bà tiêu đề có nghĩa gì đâu mà cãi. Muốn hỏi chính xác thì hỏi nhạc sĩ Anh Bằng í. Chính xác hơn nữa thì hỏi nhà thơ Du Tử Lê.

Câu truyện chấm dứt ở đó. Nhưng riêng tôi thì thấy Thụy là tên gọi người yêu trong cuộc tình không thành, có lẽ hợp với một bản tình ca. Đoạn cuối có viết: “cắt đứt cuộc tình đầu, Thụy bây giờ về đâu?”. Câu đó xác định rõ Thụy là tên tượng trưng người yêu đầu. Thế còn du? Là tên tác giả bài thơ mà! Khúc Thụy Du là khúc nhạc dành cho chuyện tình của Thụy và Du. Tác giả bài thơ là Du Tử Lê. Hiểu như tôi cho khỏi nhức đầu. Nhưng âm hưởng thụy du khiến người nghe liên tưởng đến giấc mộng và cõi hư vô, cũng không có gì tôi phải cãi.

Diễm Xưa, khi còn ở trung học, tôi nghe các anh chị lớp trên giảng là nét đẹp mùa thu ngày xưa. Một kiểu hoài cổ giống như: dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương của bà huyện Thanh Quan. Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ là cảnh mưa rớt trên một đền đài tạo nên một cảnh đẹp mà buồn…
Nhưng khi lớn lên tôi liên hệ các câu tiếp : dài tay em mấy thuở mắt xanh xao , nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ, đường dài hun hút cho mắt thêm sâu… Tôi quyết định đi theo cách cảm thụ của mình. Bài hát nhắc tới cô Diễm ngày xưa, có thể là người yêu mình. Cũng có thể tả khách quan một cuộc tình khác. Bây giờ cô ây vẫn mong ngóng người mình yêu vì lý do gì đó ra đi chưa trở lại. Diễm là tên tượng trưng, gọi Kiều xưa cũng chẳng sao. Lời ca mở đầu nhắc, mắt, tay, gót. Cái đẹp của quá khứ khó mà có những bộ phận đó. Vậy tầng tháp cổ là gì? Là cái cổ ngóng mãi người về nên cao như một tầng tháp. Mưa chính là nước mắt, mắt ở trên cổ nên nước mắt rơi ướt cổ. Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ tạm hiểu là chắc em khóc nhiều như lá rụng trên con đường mòn thuở nhỏ. Mong giang tay đón người yêu về đến nỗi tay cũng dài theo năm tháng, dõi theo con đường mất hút bóng người yêu làm cho cặp mắt sâu thêm.

Đối với tôi, cho rằng đoạn ca từ mở đầu gợi lên nét đẹp xưa là vô nghĩa. Nhưng ai đó liên tưởng theo hướng trên hoặc hướng khác, họ có cảm thụ riêng của họ, có lý giải riêng của họ, mình không thể tranh cãi. Ở đây chỉ muốn nói thêm vào thập niên 1960, người ta quen nói Đào, Mận ngày xưa…nhưng nay ta lại nghe quen Nga xưa, tôi xưa, em xưa …bỏ bớt chữ ngày rất tự nhiên. Ngôn ngữ được sáng tạo, biến đổi là vậy. Khác với Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn sáng tạo ở cách dùng từ cũ để tạo ra một khái niệm mới chứ chưa thấy làm ra một từ lạ lẫm như cụ Bùi. Nhạc tình của họ Trịnh khơi dậy những tâm sự đã lắng đọng trong tiềm thức, tuổi quá trẻ thì ít trải nghiệm có thể cảm nhạc ông nhưng không nhiều, cũng không sâu sắc. Từ trung niên trở lên mới thấy nhiều đồng cảm. Còn cụ Bùi, là phù thủy ngôn từ, thực và bóng, ảo và hư chẳng biết đâu lần. Đặc biệt ông tạo ra từ mới chắc chỉ mình ông hiểu rõ, như tôi thì hiểu mang máng, thích thì bắt chước ông vậy thôi.

Do đó tôi có thói quen khi đọc một bài thơ, lắng nghe âm hưởng của nó, nếu tự nhiên nó làm tim tôi rung động thì tôi yêu thích. Tiếp đến tôi cố gắng hiểu tác giả muốn nói gì khi sử dụng từ ngữ chứ không đánh giá tác giả dùng đúng hay sai, chuẩn hay lệch một từ ngữ. Bởi vì tôi không là tác giả, không thật sự hiểu lý do tác giả chọn từ. Nếu bài đó không làm tôi rung cảm thì tôi không quan tâm, nếu khiến tim tôi rung động thì tôi có thể nhẩm lại câu mình đắc ý. Tôi nhớ hình như Lão tử có nói: dùng lời là để diễn ý, đạt ý hãy quên lời. Tôi cũng vài lần góp ý cho ông anh rất yêu mến tôi và tôi cũng rất trân quý anh ấy: thơ mình vợ người hơi đâu mà bàn!

2. Miên trường và bóng tà huy bay.

Thơ tôi nếu ai đọc thì thấy giống vè, hihi, lạm bàn thơ bạn quả không nên. Thật ra trên trăm bài tôi có dùng một lần “cõi miên trường” với nghĩa là cõi chết, cõi vĩnh hằng cho nó hợp vần. Tôi mượn từ ngữ của cụ Bùi, yên tâm cụ không thể chửi tôi. Nó nằm ở câu nào bài nào tôi cũng không nhớ. Thơ mình vần vè, bắt chước, nhớ làm gì cho mệt óc, hihi. Bài thơ Nguyên Xuân của Bùi Giáng tôi cảm giác đậm chất thiền:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

Tôi hiểu miên trường trong bài thơ Bùi Giáng là độ dài vô tận của thời gian, tôi còn liên tưởng đến chiều rộng và cao vô tận của không gian. Nhưng bài thơ không hề tạo cho tôi liên tưởng đến giấc ngủ dài. Cõi miên trường mà tôi đã mượn là cõi sau khi chết. Cách dùng của tôi chắc cũng có người đọc, chả ai dùng theo, tôi còn quên nữa là người khác, hihi.
Nhưng khi ai đó dùng với nghĩa là giấc ngủ, hoặc sự mềm mại cũng chẳng sao. Vấn đề là khi dùng như vậy nó có đọng lại trong lòng độc giả không? Biết đâu có người cảm và bắt chước cách dùng của họ. Và biết đâu không ai dám dùng?

Trong một câu thơ: “Miên trường trở giấc hồn cô quạnh”. Một ông anh tôi có nói rằng nếu dùng trường miên thì đúng cấu trúc từ kép tiếng Việt. Cũng phải. Vấn đề cũng là ai có dùng không và khi thay từ có làm câu thơ sẽ thêm rung cảm không.?
Nếu là tôi: Hiểu miên trường là giấc ngủ dài thì câu thơ không dùng tiếp từ “trở giấc” mà phải là tỉnh giấc, không ngủ nữa. Tỉnh giấc chợt nhận ra hồn cô quạnh, nhận ra không tươi đẹp như giấc mơ. Trở giấc thường diễn đạt giấc ngủ không ngon, giấc này sang giấc khác. Nhưng trở giấc vẫn thường dùng tỉnh dậy sau ngủ, thế thì cũng là tỉnh giấc vậy thôi. Còn nếu hiểu miên trường là không dứt thì “miên trường trở giấc” có nghĩa là thao thức, trằn trọc không thôi. Thao thức thấy hồn cô quạnh. Hiểu theo cách nào cũng được nhưng nó phải hợp ý với câu trước đó hoặc câu sau. Vì không đọc được đoạn thơ nên không dám bàn gì thêm.

Bóng tà huy bay. Có lẽ ai cũng hiểu tà huy là ánh sáng lúc xế chiều, thế còn bóng? Bóng là hiện tượng sinh ra khi một vật cản ánh sáng. Bóng có thể nằm dưới đất hoặc ở trên tường, tùy cự ly xa gần của vật cản với nền in bóng. Đó là cách hiểu theo vật lý học. Tôi cũng nhớ mình có vần vè mấy câu trong đó có dùng chữ tà huy:

Hoa cũng tàn mà nắng cũng phai
Cánh chim khuất bóng mờ chân trời
Biết đâu mỗi buổi tà huy lạnh
Đổ xuống mặt hồ một bóng tôi!

Ai cũng thấy ở đây tà huy là chỉ chiều sắp tối. Hai lần tôi dùng chữ bóng trong khổ thơ thì ắt là còn chưa phong phú từ. Bóng là hậu quả tôi đứng che nắng gần hồ, bóng tôi in dưới hồ, bóng không bay, bóng có thể lay động do sóng gợn, hoặc do tôi di chuyển. Nhưng có khi nào bản thân tà huy cũng có thể gọi là bóng tà huy không. Tôi nghĩ là có, nếu người ta muốn ví tà huy là buổi chiều. Nói bóng chiều được. Thậm chí còn có bóng tối, bóng đêm thực tế chẳng có cái bóng nào theo nghĩa vật lý, một hình thức khác của cách nói ban tối, ban đêm, mặc dù có mượn khái niệm của bóng vật lý. Vậy dùng bóng tà huy thì đã sao? Có khi ta nói bóng mây, bóng núi là đề cập đám mây xa xa trên trời, dáng núi mờ mờ chứ không có ý nói cái bóng của mây trên mặt đất, hoặc bóng do ngọn núi nào chắn. Tôi viết cánh chim khuất bóng là nói người đó đi xa, chứ ai lại quan tâm đến cái mảng đen thui dưới đất lúc dài, lúc ngắn, lúc méo mó bao giờ? Tôi lại viết “buổi tà huy lạnh”. Lại thêm “buổi tà huy”. Ai đó thắc mắc buổi chiều thì nói buổi chiều chứ nói buổi tà huy nghe chướng tai. Ánh sáng sao mà lạnh? Dùng: “Biết đâu những buổi chiều gió lạnh”, có hay hơn không? Chắc là tôi sẽ tức cười: trời ạ, đúng là tôi chỉ muốn viết ý như bạn nghĩ thế thôi, lúc viết tự dưng từ ngữ nó tới, mình viết cho vui chứ có phải là nhà thơ đâu mà ra được cách dùng từ lúc nào cũng hay! Bởi vì tôi làm thơ là một trò giải trí dễ dãi. Đối với người khác là đứa con tinh thần, họ yêu như con họ, đụng tới là sinh chuyện. Ai chê con bạn xấu bạn có buồn không.

Còn tà huy bay hoặc bóng tà huy có bay được không? Tôi nghĩ là có, nếu như tà huy in trên một tà áo. Hoặc bay được hiểu là biến mất dần. “Trông cho bóng người yêu cũ bay khỏi thơ tôi, vậy mà nó cứ ngồi lì ở mỗi trang thơ”. Viết như vậy cũng hiểu được. Trong câu văn ta chưa thấy dùng bóng tà huy bay, nhưng thơ thì có người đã dùng, vừa gợi hình ảnh vừa tạo âm hưởng lan tỏa. Nói bóng tà huy bay là nó dần biến mất, vậy có thể nói: “bóng tà huy đáp xuống những mái nhà tranh nơi xóm nhỏ”, được không? Tôi dùng bóng tà huy lạnh, tự tôi chấp nhận được, thì có người nào đó viết: “Hình như bóng tà huy nóng nảy thúc giục tôi phải gấp lên…” có được không? Tôi cho là được tất, nếu ta gắn liền với ngữ cảnh.

Tóm tắt lại vì tôi quan niệm ngôn ngữ là sản phẩm của cộng đồng, có thể biến nghĩa, có thể khác cách dùng quen thuộc. Đầu tiên phải có một người dùng, sau cộng đồng chấp nhận. Sự chấp nhận hay không là người ta có bắc chước theo không.

Vì vậy trong thơ văn tôi cố tìm hiểu tác giả muốn nói gì hơn là dùng chữ đúng hay sai. Người đọc thơ không nên xét nét từng câu chữ. Ta xét cả tới nghĩa bóng chứ đem nghĩa vật lý làm chuẩn cho văn thơ thì còn gì là văn thơ.

Hoặc có ý tốt góp ý cũng nên hỏi ý kiến tác giả trước. Người được góp ý cũng nên giải thích nhẹ nhàng. Trường hợp như anh nào đó trả lời một người có ý giúp cho câu thơ hay hơn theo suy nghĩ của người ấy, mà lại phản ứng với lời lẽ chê bai kém hiểu biết, quả là xúc phạm quá đáng. Nó làm cho người ta cảm thấy cái hay trong lời thơ rất nghịch với tâm hồn tác giả hoặc người bình luận.

Tôi cũng rút kinh nghiệm một lần 2 năm trước, khi tôi thấy một nhà thơ nữ trẻ, trên trang cô rất nhiều fan. Cô viết một bài thơ về Noel khá hay, tôi có còm một câu: “Bài thơ hay. Chúa nên viết hoa cho trang trọng. Bài thơ sẽ hay hơn nếu cắt hẳn khổ cuối. Bởi vì khổ thơ đầu đã nói đến rồi, lập lại ý bằng câu chữ khác ở khổ cuối cảm giác hơi thừa”. Thế là tác giả phản ứng dữ dội, nói tôi không hiểu gì về thơ, dòng cảm xúc đang tuôn ra mà bảo ngăn lại… Nhưng lời lẽ của cô cũng không quá đáng. Có vài bạn còm theo, mắng tôi đừng làm thầy. Tôi công khai xin lỗi cả tác giả lẫn người còm chê tôi. Lẽ ra nếu muốn, tôi phải nhắn tin riêng. Tôi thật tình nhưng thiếu tế nhị, nhất là tôi không hề thân quen với tác giả. Lỗi hoàn toàn của mình. Đa sự hi…hi! Sau đó tôi cũng tiếp tục theo dõi, like quả tim với vài bài. Tôi muốn tỏ ý rằng tôi có lỗi và không hề tự ái. Nhưng sau đó tôi không bao giờ dám góp ý.

Đọc đến đây Anh chị em có thể nghĩ rằng tôi là người ba phải. Điều ấy đúng một phần. Ở đời nếu ba phải mà không hại ai, lại đem được niềm vui cho người khác cũng ráng mà ba phải.

Nhưng tôi vẫn là người lắm chuyện, tôi không ngại đấu tranh với quan điểm tôi không đồng thuận. Cho dù kiến thức của họ có hàng bậc thầy của tôi, hoặc là có học hàm, học vị hẳn hoi. Tôi cũng dùng nhiều lời mỉa mai, châm biếm. Nhưng trước hết là vấn đề có liên quan tới dân tộc, tiếp đến tôi nhằm vào quan điểm chứ không nhằm vào con người. Ai có hằn học, thù ghét thì tôi cũng đành chịu.
Vì vậy những ý kiến tôi sắp trình bày dưới đây mới dễ bị ném đá nè !

2. Làm thế nào để nhận ra một từ Hán Việt:

Quý anh chị tuy tranh cãi nhau khá lớn tiếng, nhưng thống nhất: miên trường và tà huy là tiếng Hán Việt theo nghĩa Việt vay mượn từ tiếng Hán. Do đó lật từ điển Hán Việt ra tra xem tiếng Hán có nghĩa gì, dùng có đúng nghĩa gốc không? Gần đây có anh bạn thân cũng chia sẻ bài viết của một người trong ngành giáo về cách sử dụng đúng từ Hán Việt, nêu lên 16 lỗi là do theo hướng đó.

Tôi lại kịch liệt phản đối điều này. Nếu nói Hán Việt là những từ ngữ người Hoa và người Việt cùng dùng thì tôi không cãi. Nhưng nói Hán Việt là tiếng Việt từ gốc Hán, thì tôi gân cổ cãi ngay. Đối với tôi gốc và ngọn của tập hợp Hán Việt hiện nay rất mơ hồ, nghĩa là tiêu chuẩn để phân biệt từ Hán Việt hay là Việt Hán là gì, đa số không hề nêu hoặc không nêu được, thì hỏi sao biết dùng đúng hay sai? Các từ ngữ mà phần đông anh chị cho là gốc Hán tôi chỉ xếp vào cổ văn người Việt, khác với kim văn hiện nay thôi. Nghĩa là tôi cho rằng trong tập hợp đó có phần lớn gốc tiếng Việt, hoặc ta chưa biết được biết đâu là gốc - ngọn.

Đồng thời tôi chống lại việc lấy tiếng Hán trong từ điển làm hệ quy chiếu tiếng Việt. Tôi nghĩ rằng chỉ dùng từ điển tiếng Hán để hiểu các văn bản tiếng Hán, hoặc khi dịch sang tiếng Việt cho đúng ý thôi. Lấy nghĩa tiếng Hán rồi yêu cầu dùng tiếng Việt phải theo đúng như tiếng Hán là hiện tượng vô tình tiếp tay cho phá hoại văn hóa dân tộc.

Trước hết, khi tranh luận đa số lấy từ điển Việt Hán ra dẫn chứng nghĩa tiếng Hán. Tôi chưa thấy ai mở từ điển tiếng quốc ngữ - Nôm ra dẫn trước hay so cả hai từ điển rồi hãy kết luận. Tôi thấy nhiều người không phân biệt từ điển Hán Việt là cuốn từ điển in hình chữ Hán, hướng dẫn cách viết, cách đọc, ngữ nghĩa theo tiếng Việt và cách dùng trong câu chữ Hán. Từ điển Hán Việt là dành cho người Việt học chữ Hán. Ví dụ từ điển của Thiều Chửu.

Tôi lại thấy đa số vào từ điển Hán Nôm online để tra. Gõ tiếng quốc ngữ để tìm một chữ Hán.. Nó sẽ xuất hiện chữ Hán, giải thích, dẫn chứng nghĩa theo người Hoa thì kết luận đó là từ Hán Việt. Điều này không sai, nhưng lại dựa vào đó nghĩ là từ Việt đó gốc Hán và phải dùng như từ điển giải thích và dẫn chứng rồi đem ra tranh cãi là sai lầm. Tương tự như tra từ điển Việt Anh, có bao giờ ta lại xem tiếng Anh đó là gốc tiếng Việt không?

Thiết kế từ điển online Hán-Nôm mà ta thấy trên mạng được thiết kế tổng hợp vừa tra chữ vừa tra âm, nhưng chính và trước hết là tra âm vị tiếng việt. Nếu ai muốn biết chữ “phụ” của tiếng Việt thì tiếng Hán viết thế nào, cách dùng ‘trong câu thế nào, gõ chữ quốc ngữ “phụ” vào, ấn nút Hán Việt sẽ thấy chữ Hán tượng hình. Sau đó vì một âm phụ có 35 kiểu viết, diễn đạt khái niệm khác nhau, muốn rõ nghĩa một chữ ta phải dò xem chữ nào trùng ngữ nghĩa với tiếng Việt thì ta chọn chữ đó. Ta nhìn một chữ cụ thể người ta dành một trang ngắn dài tùy chữ. Nó hướng dẫn bộ thủ, phát âm, cách viết nét chữ, có giải nghĩa bằng tiếng quốc ngữ, nhưng ví dụ cách dùng trong câu tiếng Hán. Lúc này nó thực hiện chức năng từ điển Hán-Hán- Việt.
Tóm lại bộ từ điển này là Việt – Hán và Hán – Hán - Việt dành cho người Việt học tiếng Hán. Chứ bản thân nó không nói lên tiếng nào sinh ra tiếng nào.
Nếu các bạn gõ một chữ quốc ngữ, nhấn nút Hán - Nôm sẽ ra chữ tượng hình Nôm. Lẽ ra từ điển nay là từ điển tra chữ quốc ngữ - Nôm, họ lại để Hán Nôm, một sự ngụy trang tinh vi, cũng giống như phần nói trên phải để Việt Hán họ lại để Hán Việt.

Từ điển chữ Nôm rất quan trọng, vì nó chứa mọi âm vị người Việt từ xưa tới nay. Ta gõ bất cứ âm vị nào trong chữ quốc ngữ thì có chữ Nôm tương ứng. Các từ kép không có là do không cài đặt nên ta phải tự ghép hai âm vị lại với nhau. Vô số âm vị Việt chữ Hán không có, nhưng chữ Nôm lại có. Ví dụ âm vị/ con/ … Như vậy người Việt có viết giống chữ Hán một số âm vị mà ta gọi là mượn, ngoài ra tự tạo chữ viết cho mình theo chữ vuông, cùng hệ thống bộ thủ như người Hoa từ thời nào không rõ. Nhưng nếu so âm vị thì Việt nhiều hơn Hoa hàng chục lần. Ngược lại chữ Hoa nhiều hơn chữ Nôm, vì một âm vị họ rất nhiều nghĩa, mỗi nghĩa dùng một chữ, đôi lúc một âm, một chữ lại rất nhiều nghĩa khác xa nhau.
Hai ngôn ngữ sử dụng chung từ ngữ chưa bảo đảm ngôn ngữ nào đã vay mượn từ ngôn ngữ nào. Còn phải truy nguồn gốc chủng huyết tự nhiên ai là hậu duệ của ai. Thuyết thiên di nhân chủngdi dân nhân tạo dẫn tới biến thiên ngôn ngữ. Tiếng Hán đơn âm như tiếng Việt. Tiếng Việt xếp vào hệ Nam Á. Tiếng Nam Á vốn là bán đơn âm: Krong > sông; nghĩa là theo dòng thiên di thì tới Việt rụng bớt phụ âm đầu. Xếp tiếng Việt vào Nam Á là hợp lý. Tiếng Hán gần gũi với tiếng Việt mà xếp vào hệ Tạng - Hán là gượng ép, vì tiếng Tạng đa âm. Lẽ ra phải ghép một hệ Việt- Hán mới phù hợp với nhân chủng học và ngôn ngữ học hiện đại. (có những bài phân tích ngôn ngữ riêng).

Tóm tắt là hiện nay chưa có công trình thật sự khoa học nghiên cứu phân loại về nguồn gốc Hán Việt hay Việt Hán. Cho nên tạm thời phân ra cổ văn và kim văn. Nhóm từ ngữ mà hiện nay gọi là Hán Việt đa số là cổ văn, hai dân tộc cùng sử dụng. Riêng cá nhân tôi thì dựa vào so sánh âm vị để tạm định ra từ nào Hán Việt và từ nào Việt Hán. (có một loạt bài riêng)

Ở đây tôi lấy ví dụ cụ thể đang bàn đặt lại vấn đề ngược ngạo với đa số: Miên trường và tà huy có thực sự là từ tiếng Hán hay không mà ta lại đem ra đối chiếu với cách dùng trong tiếng Việt?

Tra từ điển Hán cũng có chữ miên và chữ trường. Tra từ điển Nôm cũng có miên và trường. Ghép hai từ lại cũng đều có nghĩa: dài dằng dặc, chữ miên cả hai ngôn ngữ cùng liên quan đến sợi tơ, cho hình ảnh dài dằng dặc như cuộn chỉ. Từ điển tiếng Nôm thể hiện âm vị / miên/ và / trường/. Về mặt chữ cũng y như chữ Hán vậy, tức là ta viết kiểu chữ Hán. Khi ta tra từ điển Hán Việt ta thấy có các từ kép: miên trường, miên man, lan man… mà tra chữ Nôm không có, ta vội kết luận rằng tiếng Việt không có. Ta quên rằng từ điển chữ Hán soạn từ lâu nên các từ kép ấy có. Từ điển tiếng Nôm mới soạn nên không đầy đủ từ kép. Chứ từ điển tiếng Việt vẫn có triền miên, miên man, lan man…. Từ miên trường người Hoa cũng ít dùng. Cổ văn người Việt cũng ít dùng. Ngày nay ta dùng lại biểu cảm. Cho nên khi tra một cổ ngữ ta cần tra từ điển quốc ngữ - Nôm trước, để xem rằng ngày xưa người Việt có dùng “âm” này không và nghĩa xưa và cách dùng của nó.
- Chỉ khi nào tiếng Hán có âm vị mà tiếng Việt cùng âm tiết nhưng không có âm vị mới gọi là tiếng thuần Hán. Ví dụ: âm tiết /cổn/ người Hoa có âm vị cổn, nghĩa của nó là: từng cái, còn một nghĩa khác là cái nhà xép. Người Việt phát được âm tiết /cổn/ nhưng không có nghĩa gì trong tiếng Việt, nên gọi tiếng Việt không có âm vị cổn, nó chỉ là từ tượng thanh khi nghe 2 vật cứng rỗng chạm vào nhau, kết hợp với lổn cũng là không có nghĩa tạo ra hai âm tiết lổn cổn, ta dùng tượng thanh, chứ tự hai âm tiết đó chưa có nghĩa. Nhưng tiếng Hoa âm cổn là một âm vị. Đó là từ thuần Hán, không hề Hán Việt, Việt hán gì cả. (âm vị là âm tiết có nghĩa, đơn vị nhỏ nhất của âm thanh có diễn đạt khái niệm). Ngược lại : trăm và năm tiếng Hán không có nghĩa. Người Hoa vẫn phát âm được 2 âm tiết này, nhưng không có nghĩa nên gọi là từ thuần Việt.
- Hoặc là cùng âm tiết hoặc cận âm tiết mà khác nghĩa thì sẽ phân ra được thuần Hán và thuần Việt.
Ví dụ: Kiền khôn hay càn khôn chỉ quả đất và không gian phía trên quả đất ta gọi là trời, đất. Tiếng Việt không có âm vị Kiền, khi biến âm càn cũng là khái niệm trời khi dùng càn khôn như kiền khôn vậy.
Đồng thời tiếng Việt có âm càn liên quan đến bậy bạ, ngang tàng: làm càn, nói càn, hoặc liên quan đến càn quét; những khái niệm tiêu cực, phàm tục. Không thể cùng một âm tiết đó mà cùng lúc diễn đạt khái niệm thiêng liêng: trời. Do đó chữ càn trong càn khôn là gốc Hán. Tiếng Việt không bao giờ dùng khôn để chỉ đất, mặc dù tiếng Việt có âm vị khôn chỉ mức độ cao của trí tuệ. Để chỉ đất tiếng Việt dùng đất, địa: thần đất, ông địa. Như vậy cho dù trùng âm tiết như: khôn hoặc cận âm như càn, nhưng nghĩa khác nhau nên kết luận càn khôn là gốc tiếng Hán. Trong khi đó càn quét và càn bậy thì càn là âm vị Việt.
- Nhưng nếu trùng âm vị (mặc dù có biến âm) và trùng ngữ nghĩa là hai ngôn ngữ dùng chung. (cái mà ta hiểu lầm là Hán Việt toàn bộ): miên trường và tà huy.

Miên trường đã nói, không thể phân biệt gốc ngọn Hán Việt, trước mắt là tiếng Việt cổ và tiếng Hoa đã dùng chung. Đối với người Việt dùng miên trường là cách xưa, trường miên nếu có dùng và sau đó nhiều người dùng theo là cách mới, không có gì đúng sai cả, tương tự học đường và trường học, nếu nó hợp cú pháp cổ kim thì quen nghe, dễ chấp nhận. Do đó không võ đoán khi nói: không thể ghép từ đơn tiếng Việt vào từ đơn tiếng Hán. Học + đường = học đường. Vậy học là tiếng Hán hay tiếng Việt? Không lẽ trước khi người Việt gặp người Hán thì không có khái niệm học hỏi? Trường đâu phải tiếng Hán không có âm vị để diễn đạt một nơi chốn? Trường học = học trường nghe lạ tai, nhưng môi trường thì sao? Thật sự nếu dùng âm vị học ta sẽ loại ra một lượng cực lớn các âm vị mà các nhà từ nguyên học thiếu kiến thức về nhân chủng học áp đặt có nguồn gốc tiếng Hoa.

Tà huy: cổ văn Việt có 13 chữ Nôm để biểu thị âm vị huy, nhưng về nghĩa thì nhiều chữ trùng nghĩa. Hán ngữ có 29 âm vị/ huy/. Cổ văn Việt có âm vị huy liên quan đến sắc thái vận động, dấy lên, lộ ra từ đó tạo ra những từ ngữ khác: huy động, chỉ huy, huy hoàng…. Ngoài ra còn có huy chỉ ánh sáng mặt trời. Xuân huy là chỉ ánh sáng tỏ của mặt trời, ví như cách dùng xuân sắc, xuân thời, hàm nghĩa tích cực. (Xuân cũng là một âm vị Việt, nội hàm hẹp hơn âm vị Xuân của người Hoa)
Âm vị cổ /huy/ tiếng Việt ít nghĩa hơn tiếng Hoa, còn lại là giống nghĩa. Nhưng không thể nói huy là âm vị từ Hoa ngữ, không có bằng chứng nào cả.
Tà: âm vị hán có nghĩa là lệch, nghiêng, trái với ngay, chính. Trong khi đó tiếng Việt tà ngoài nghĩa giống người Hoa như trên còn có nghĩa:
 1. trái với nhọn, bén, cùng nghĩa với cùn, mòn: mũi dao tà , gươm tà.
 2. Vạt áo phía dưới: tà áo.
 3. Chậm: tà tà, láy thanh nghĩa là không chậm lắm, hơi chậm. Tổng hợp lại tà trong tiếng Việt diễn đạt những khái niệm liên quan đến hiện tượng mòn dần, thấp dần.
Vì vậy người Việt khi nghe cái âm /xuân huy/ phát ra thì liên tưởng ánh sáng trẻ, mạnh, đang lên. Khi nghe /tà huy/ là ánh sáng yếu dần, ngay tức khắc liên tưởng tuổi già, điều tăm tối, tàn tạ… Cho nên đem nghĩa Hán, chỉ ánh sáng xiên buổi chiều để giải thích nghĩa Việt là khập khiểng. Tương tự vậy, đem nghĩa cổ mà so với nghĩa kim là cản đường phát triển ngôn ngữ.

Chúng ta sẽ cãi vã vô tận nếu so đo ngữ nghĩa Hán với Việt, cổ với Kim. Dịch một bài thơ chữ Hán của người Hán thì phải tìm hiểu chữ Hán nhưng cũng chưa đủ, ta cần phải tìm hiểu tâm lý người Hán theo bối cảnh xuất thân của tác giả, thời thế. Nhưng rốt cuộc không có gì chắc chắn rằng ta hiểu đúng ý thơ tác giả. Chỉ là đại khái. Dịch tức diệt là vì vậy. Đồng thời đưa bản dịch cho học giả Hán có thông thạo tiếng Việt, nếu họ không sống lâu năm trên đất Việt, giao tiếp nhiều với người Việt, nhận ra tâm lý Việt khác Hoa, họ cũng chẳng biết câu thơ hay chỗ nào? Việc tranh cãi trong dịch thơ Hán của người Hoa là việc làm tốn thời giờ. Nếu có tranh luận thì tranh luận cách hiểu và lựa từ ngữ khi dịch thơ chữ Hán của người Việt, chúng ta còn có một phần dữ liệu nắm chắc về lịch sử và vì cùng một cội nguồn tâm lý, văn hóa.

Tương tự vậy, tranh luận gốc Hán Việt hay Việt Hán là chuyện các nhà từ nguyên học, nhưng nó lại không ích lợi gì khi ta đọc thơ và làm thơ ngày nay. Đừng vin vào nghĩa gốc tiếng Hán mà đánh giá câu văn, bài thơ tiếng Việt. Hãy nhìn vào ngữ cảnh để định đoán tác giả muốn nói gì trước một cách dùng không quen tai mình. Từ ngữ và cú pháp được cộng đồng thừa nhận hay không lệ thuộc vào tiêu chuẩn: bị lãng quên hoặc được bắt chước. Trong cái học đa phần từ nền tảng bắt chước, sáng tạo là việc rất ít, sáng tạo hoàn toàn hầu như không có. Không việc gì xấu hổ khi bắt chước cách dùng từ ngữ của người đi trước. Đồng thời người đi trước dùng không phải là tiêu chuẩn duy nhất.

Trường học dạy môn tiếng Việt cho học sinh là dạy những chuẩn mực đầu tiên của ngữ nghĩa và ngữ pháp. Trường học là tổng kết những gì chung nhất của thực tiễn, nó sẽ bổ sung những gì thực tiễn phát sinh. Cho nên ngữ nghĩa và ngữ pháp của nhà trường là chuẩn mực của ngôn ngữ, nhưng không phải là phạm vi giới hạn của ngôn ngữ đời sống và nhất là trong thơ. Thơ là ngôn ngữ đời thường được nâng lên tầm nghệ thuật bằng các biện pháp mỹ từ, nó có nhịp và các thanh tạo ra tính nhạc... Đôi khi nó tuôn ra theo dòng cảm xúc không mang tính cân nhắc của trí tuệ. Bản nhạc được người này yêu thích mà người khác không cảm thấy hay, thậm chí không ưa, lệ thuộc vào tâm lý mỗi người.

Tuy nhiên không có nghĩa là người làm thơ buông thả tùy nghi. Sau khi làm xong cần đọc lại, cân nhắc lời thơ sao cho người đọc hiểu ít nhất là theo một liên tưởng nào đó. Còn ta làm theo cảm nhận thú vị của riêng ta bất chấp ai thì tốt nhất đừng phổ biến. Tôi từng công kích cách làm thơ của trường phái mạo danh Tân Hình Thức: bất chấp cú pháp trong câu nói, trong hình thức tương đối của ngắt câu. Một cách tập nói cà lăm, mà lại huênh hoang cho là khuynh hướng hiện đại.

3. Trình bày một cách hiểu 2 bài của Bùi Giáng không dựa vào ngữ nghĩa tiếng Hán.

Khi đọc bài Chào Nguyên Xuân, thoạt tiên tôi cảm thấy hay như một bản nhạc không lời. Cảm thôi chứ không hiểu gì cả. Nghe tác giả là một người uyên bác lẫn uyên thâm. Thâm ở đây hiểu thêm theo tiếng Việt là hóm hĩnh, trêu chọc, là sẽ bầm dập với ông già này. Tôi thắc mắc rất nhiều về cách dùng từ ngữ tiếng Việt của ông trong bài này.

Trước hết nguyên xuân là gì ? Tra từ điển tiếng Việt không thấy, thử tiếp từ điển Hán, Nôm đều không thấy? Tất cả đều có từ đơn mà không có từ kép. Hiểu làm sao đây? Chào là mới gặp chào đón, hay chào ly biệt? Trong bài thơ đều có hai từ chào đón và ly biệt. Chào nhau có lẽ là chào nguyên xuân, vì không thấy đối tượng nào khác, mà nguyên xuân là gì không nghe ai nói. Chữ này ông nổi hứng tạo ra không chừng. Hỏi trăm người ắt có trăm giải thích. Gọi ông là nhà thơ điên, hoặc vì thơ ông làm điên đầu người đọc ắt đều đúng.

Không hiểu nhưng nhặt ra thấy nhiều câu mình thích rồi thắc mắc tiếp:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau

Sao kỳ vậy ta? Mùa xuân là danh từ lại đối với miên trường là tính từ sao nghe vẫn thấy hay?

Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người

Bóng ta bên người là bóng của mình bên mình, hay bóng của mình bên một người khác?

Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con

Bàn tay có năm ngón rồi, ngón con nào lại nằm giữa bàn tay? Có khi ông già cắc cớ nói ngón con là con… gì đó của ông không?
- Có hồng tàn lệ ? hay Có hòng tàn lệ? khóc đời chửa cam: cam là ngọt hay là cam go ? chửa cam có phải là “cảm chưa” ?

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây ngang đầu

Đã bóng mà còn áng là muốn nói gì đây? Muốn nói đến mái tóc chăng?

Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa sắc màu nguyên xuân

Trùng ngộ nghe quen quen lạ lạ, tra từ điển không thấy. Có phải là gặp lại nhau không? Mà ai gặp ai nhỉ?

Thôi thì đọc kỹ mấy cũng không hiểu tác giả muốn nói gì. Chỉ cảm thấy hình như ông tự nói với mình, ông tự chào ông. Nguyên xuân có thể nguyên là y như cũ, xuân là tuổi đời. Ghép lại là con người ông. Ông đang độc thoại, đang suy ngẫm về triết lý khi nhìn về mình như một thực thể không có ranh giới cái sống và cái chết. Đời người chẳng qua là ngộ nhận giữa mảng chiêm bao, nó vốn là một thực thể trong cuộc hành trình từ vô tận của quá khứ đến vô tận tương lai.

Tôi cũng cảm đây là những vần thơ đẹp, có hai từ rất mới: nguyên xuân và trùng ngộ và một từ cổ miên trường. Dòng thơ tạo nên những nhịp vui thanh thản, an ủi động viên con người. Thế thôi, chứ ngồi mà thắc mắc thì không còn là thưởng thức thơ nữa. Tóm lại tôi yêu một bài thơ mà không chắc hiểu đúng một phần!

Còn bài thơ dịch của Andre Gide thì sao? Tôi cũng chẳng hiểu ông nói gì, nhưng có những câu ấn tượng:

Ta về giũ áo đười ươi
Trút tờ phong nhã cho người phụ nhau
……
Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay.

Lại ra một đống thắc mắc: giũ, trút là đem lại cho người khác hay vứt bỏ, áo đười ươi là sao? Cho người phụ nhau là trợ giúp nhau hay bội bạc nhau? Diệu Hoa lầu các có phải là bộ Diệu Pháp Liên Hoa kinh không? Bất bình là nổi giận hay không bình giảng được? Đầu xuân rất mực Biên đình nở hoa, là nghĩa gì? Có giống như câu thơ của Hoàng Cầm? :

Tối nay gác lạnh nghênh xuân sớm
Hai đóa quỳnh em nở hết mình.

Hay là đang ở ranh giới giữa u mê trong đầu từng này tuổi chợt ngộ ra bên kia là lý lẽ Diệu pháp liên hoa kinh? Ui, không lẽ phải tìm tập kinh này đọc mà so sánh?
Quần, chẳng lẽ nghĩa đen là cái quần, phải chăng là muốn nói tới tập hợp nhiều phần tử, quần thể? phong nhụy là gì, có phải là nhụy hoa còn nằm trong cánh hoa chưa nở? Có gì liên quan giữa “tờ phong nhã” với “quần phong nhụy”, giữa áo và tà? Tà huy bay là ánh sáng chiều bay lượn, hay muốn ví nỗi buồn biến mất. Thắc mắc và thắc mắc. Chẳng hiểu gì ráo, bản Pháp văn lại chẳng có. Nếu có, cũng có biết tiếng Pháp đâu mà đọc! Các vị cứ phân tích để được học hỏi, còn tôi nghĩ nữa thì bể cái đầu.

Thôi thì tôi cứ tạm hiểu rằng con người nên trút bỏ cái lớp áo bề ngoài dị hợm: là danh vọng, tiền tài, thú vui phàm tục… múa may như loài khỉ. Hãy trở về bản chất nguyên sơ tốt đẹp như những (quần) đóa hoa còn khép nhụy chứa ngát hương thơm, và để những ám ảnh như tà huy biến đi. Tay ngang này hiểu đúng hay sai hơi đâu mà chấp. Nhà thơ đã giũ, trút, buông xã rồi, mình cứ mãi câu chấp là sao?
Viết tới đây tôi chợt nghĩ đến chức năng của thi ca. Nó vừa giải trí vừa nuôi dưỡng tâm hồn nhân bản thông qua ngôn từ. Chúng ta có nên thưởng thức thơ bằng cách cho thơ mình hay lắm, chê bai người khác. Hoặc nghe người khác góp ý lại buông lời xúc phạm? Tôi tự hỏi tiếng Việt tôi thật sự hiểu hết nghĩa và biết đủ cách dùng chưa mà dám trình bày cái uyên bác của mình rằng hiểu chữ Hán! Đấy, hai bài thơ của Bùi Giáng nếu tôi làm chủ được ngôn ngữ Việt ắt tôi phán đúng- sai, hay - dỡ liền!

Tôi biết rằng khi viết những dòng tâm sự tản mạn này, có vài thân hữu sẽ bực mình. Ui, chuyện nhỏ. Ai giận thì ăn ngủ mất ngon ráng chịu. Hơn thua nhau vài từ ngữ để làm gì, trong khi cả dân tộc không khéo thì thua đậm. Vì tôi liên tưởng đến gần đây, nhiều người sùng Hán kêu gọi khôi phục Hán Nôm, chắc có phần hiểu được thơ xưa hơn. Chứ nhân nghĩa lễ trí tín thì dân tộc nào cũng có cứ gì phải từ Nho học! Còn những nọc độc, cái lỗi thời khác của Nho học thì quá nhiều người phân tích, chia sẻ rồi.
Thậm chí nhân ý định đặt tên đường ghi nhớ công đóng góp làm nên chữ quốc ngữ của A.de Rohdes. Họ kết tội ông và chữ quốc ngữ dẫn đường cho Pháp xâm lược. Họ bảo rằng bỏ học chữ Hán- Nôm là mất gốc. Họ chứng minh rằng Tàu - Nhật - Hàn không bỏ chữ tượng hình sao lại tiến bộ hơn ta. Họ không đưa số liệu 30% người Hoa, tức là gần 500 triệu người còn mù chữ. Họ cũng không nêu câu hỏi nếu các nước đó cải cách được chữ viết thì họ còn tiến bộ hơn nữa không? Những câu hỏi trên cũng thuộc phạm trù chữ nghĩa đáng quan tâm tranh luận.

Ngày trước cũng có những nhóm nhà nho khả kính như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng công kích nhóm Phạm Quỳnh truyền bá chữ quốc ngữ và kết ông tội theo thực dân, bán nước. Ông trả lời nhẹ nhàng, làm các vị cứng họng: “Khi tôi sinh ra thì nước đã mất làm sao tôi bán được?”. Có phải ông đã mắng khéo rằng chính cái hủ nho đã khiến cho ngu dân dẫn tới đất nước lạc hậu rồi mất nước không?

Dẫn lại hai bài thơ của Bùi Giáng.

CHÀO NGUYÊN XUÂN

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người

Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau

Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu

Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

                                                      Bùi Giáng

CẢM ĐỀ LA PORTE ÉTROITE
GIDE TẶNG SOPHOCLE

Ta về giũ áo đười ươi
Trút tờ phong nhã cho người phụ nhau
Em về thảng hoặc mai sau
Diệu Hoa lầu các đêm nào hóa sinh
Còn nghe cơn cớ bất bình
Đầu xuân rất mực biên đình ra hoa
Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay.

                                           Bùi Giáng

Trong chùm thơ “Cảm đề La porte étroite” in trong phần Phụ lục của truyện dài “Khung cửa hẹp” (La porte étroite, tác giả André Gide) do Bùi Giáng dịch

                                                                                        LÊ NGHỊ

19 nhận xét:

  1. Rất là thích thú cùng các bạn "thương thảo" để tiến bộ. Tất cả điều tôi muốn nói đều có trong bài LẠI BÀN VỀ "BÓNG TÀ̀ HUY BAY" trên FB tôi và trang BÂNG KHUÂNG, nên tôi không bàn thêm. Tuy nhiên, để trả lời các phản biện và bài viết của bạn Lê Nghị tôi chỉ muốn "nhấn mạnh" ý này của riêng tôi về chữ BÓNG - nó cũng đã được nói trong bài:
    Đây là vài điểm tôi cần bàn với Lê Nghị:

    1- Tôi hiểu miên trường trong bài thơ Bùi Giáng là độ dài vô tận của thời gian, tôi còn liên tưởng đến chiều rộng và cao vô tận của không gian. Nhưng bài thơ không hề tạo cho tôi liên tưởng đến giấc ngủ dài. Cõi miên trường mà tôi đã mượn là cõi sau khi chết.
    Sự hiểu biết về "miên trường" củ tôi cũng giống bạn: Đây là trích đoạn bài viết tôi:
    Thử xét câu thơ
    "Miên trường trở giấc hồn cô quạnh" - XYZ

    a. Như đã biết: Chữ Hán Việt là chữ Hán viết theo chữ Việt. Thí dụ câu: 君 在 湘 江 頭 (thuần Hán) - Quân tại Tương giang đầu (Hán Việt) - Chàng ở đầu sông Tương (thuần Việt)
    Trong các bài trước tôi đã phân tích: Tiếng Hán Việt cũng giống tiếng Anh: Tính từ đứng trước danh từ, khác với tiếng Việt
    Thí dụ: Bạch mã (H) White horse (A) Ngựa trắng (V)
    b. Theo nghĩa: Trường là dài, Miên là miên viễn = rất dài. Vậy tập hợp "Miên trường" nghĩa là dài dài, dài rất dài, dài dằng dặc.
    - Câu thơ trên muốn nói gì?
    - Nếu muốn nói đang ngủ rồi trở giấc, ta phải nói "Trường miên", vì Trường là dài, Miên là ngủ; Trường miên là giấc ngủ/ giấc mộng dài. Do đó câu thơ trên phải được viết: "Trường miên trở giấc hồn cô quạnh".

    2 - Về vụ bạn bàn 2 câu thơ của Bùi Giáng:
    Xin chào nhau giữa con đường
    Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau

    Sao kỳ vậy ta? Mùa xuân là danh từ lại đối với miên trường là tính từ sao nghe vẫn thấy hay? - Lê Nghị
    - Bạn nên xét lại, miên trường đây không dùng như tính từ, nó là danh từ ̀: Sự dằng dặc, dài dài ... cùng có thể nghĩ là sự chết.
    Đây là câu thơ có sự đối tỷ, sự so sánh trước và sau: Trước là mùa xuân thì sau phải mùa xuân hay mùa nào đó. Trước là cảm xúc- mùa xuân vui - thì sau phải cũng là cảm xúc - mùa vui hay buồn nào đó - chứ không thể là giấc ngủ/ giấc mộng - nếu hiểu miên trường là giấc ngủ/ giấc mộng dài (?).
    Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau có thể nghĩ: Phía trước mùa Xuân , mùa vui, khởi đầu/ phía sau mùa Đông dài, mùa buồn, mùa chết ... Theo tôi nghĩ: Mùa Xuân phía trước đoạn trường phía sau"
    (còn tiếp)

    Trả lờiXóa
  2. ( tiếp theo)
    3. Về BÓNG và BAY
    - BÓNG = BÓNG DÁNG (Bd ) vật, ta thấy được- trừ những "vật trong suốt"
    - BÓNG (B ) = Cái BÓNG được tạo ra trên NỀN khi ánh sáng chiếu rọi "vật cản". Nên nhớ ở đây "vật cản" phải là thật, nếu trong suốt, chân không thì không tạo BÓNG
    a. Bd như con chim, phi cơ... thì có thể BAY, tuy nhiên B của chúng, do ánh sáng chiếu hiện trên NỀN, không BAY được vì chúng "bị dính" vào nền ngang/ nghiêng/ ̣đứng như đã nói trong bài.
    b. Vì NẮNG trong suốt nên ta không thấy được Bd nó, ta chỉ nhận biết Bd của nó thông qua "màu nắng" hiện ở các đám mây. Mây bay thì "màu nắng" bay theo. Tuy nhiên "màu nắng" không phải là Bd thật sự của nắng = Tà Huy. Nó cũng không phải là B

    4. NẮNG =Tà Huy vì trong suốt và cũng không thể tự chiếu rọi nó, nên như đã nói, nó không có B thật sự, ta chỉ biết B của nó thông qua bóng cây, bóng lá v.v.. Dĩ nhiên những bóng cây, bóng lá này hiện, dính vào nền nên BÓNG NẮNG/ BÓNG TÀ HUY không thể BAY như ̣đã nói về mục BAY trong bài viết
    Tóm lại TÀ HUY BAY là đúng, BÓNG TÀ HUY - bóng theo nghĩa B - không thể BAY, sử dụng BÓNG TÀ HUY BAY theo chủ quan tôi không chính xác.
    4. Về dùng cụm chữ BÓNG TÀ HUY LẠNH bạn Lê Nghị dùng, tôi thêm cả luôn BÓNG TÀ HUY NÓNG: Đó là sử dụng cụm từ đúng, còn nếu bạn dùng BÓNG TÀ HUY BAY là không chính xác. Tại sao?
    - Như đã bàn trên, BÓNG (B) TÀ HUY chỉ biết được thông qua bóng lá, bóng cây... tự nó TÀ HUY/NẮNG trong suốt và không thể "tự chiếu rọi" để tạo ra BÓNG mình. Những bóng cây, bóng lá ... này hiện trên nền tuyết lạnh hoặc nền hè nóng... thì thì ta nghĩ những BÓNG TÀ HUY này lạnh /nóng. Có thể nói luôn khi "tâm" ta lạnh/ nóng thì ta thấy những BÓNG TÀ HUY này cũng lạnh / nóng. Đó là cảm xúc. BÓNG TÀ HUY (B) theo tôi dứt khoát không thể nói BAY - thị giác - vì bóng cây/ lá "hiện/dính" vào nền.
    (còn tiếp)


    Trả lờiXóa
  3. ( tiếp theo)
    5. Bạn nói bóng tà huy bay là nó dần biến mất - Lê Nghị
    - Nếu chữ BAY dần biến mất thì TÀ HUY BAY - giống như Bùi Giáng dùng - cũng là chiều dần mất, thêm chi chữ BÓNG cho rắc rối? Các nhà phê bình thường nói: "Trong văn thơ, nếu bỏ thêm được chữ nào mà câu vẫn giữ nguyên nghĩa thì nên bỏ" , ở đây lại cố tình thêm chữ.
    Nếu cố tình nghĩ " bóng tà huy bay" là chiều dần biến mất thì ta viết "bóng tà huy PHAI" nó hay gắp nhiều lần: Chiều dần dần phai màu rồi đêm tới, nó cũng giải quyết luôn vấn nạn chữ BÓNG

    6- Tôi lại kịch liệt phản đối điều này. Nếu nói Hán Việt là những từ ngữ người Hoa và người Việt cùng dùng thì tôi không cãi. Nhưng nói Hán Việt là tiếng Việt từ gốc Hán, thì tôi gân cổ cãi ngay. Lê Nghị
    - Ý nghĩ tôi cũng giống bạn. Và theo tôi, vì cả hơn ngàn năm bị đô hộ, bị hủy hoại văn tự nên người Việt đã có mượn một số chữ Hán, nhưng "thuần hóa" chúng thành Hán Việt - Chữ Hán đọc viết theo âm Việt. Tra từ điển để hiểu nghĩa những chữ Hán Việt này cho rõ ràng để sử dụng cho chính xác, chứ kẻo không rõ nghĩa mà dùng càn làm câu văn thơ vô nghĩa hay sáo rỗng. Tra từ điển là như thế, chứ không phải quy tiếng Việt tất cả là đều có nguồn gốc từ chữ Hán như nhóm vọng Hán của An Chi.

    7-
    a. Tôi cố gắng hiểu tác giả muốn nói gì khi sử dụng từ ngữ chứ không đánh giá tác giả dùng đúng hay sai, chuẩn hay lệch một từ ngữ. Bởi vì tôi không là tác giả, không thật sự hiểu lý do tác giả chọn từ. - Lê Nghị
    - Bạn nói sao vặy? Nếu thi văn sĩ dùng chữ không đúng nghĩa, không hiếu nghĩa rõ ràng thì câu văn thơ làm sao độc giả hiểu ý tác giả muốn nói? Đừng có nói "Thơ chỉ cảm, không cần hiếu": Đây chỉ là ngụy biện. Không hiểu rõ người con gái đẹpxấu, hiền dữ... làm sao bạn yêu được?
    Bạn thử nghĩ sao về câu này: "Chiếc thuyền trôi êm đềm trên biển khơi cuồng nộ" . Không cần nghĩa chính xác, đúng sai hả?
    b. Tuy nhiên không có nghĩa là người làm thơ buông thả tùy nghi. Sau khi làm xong cần đọc lại, cân nhắc lời thơ sao cho người đọc hiểu ít nhất là theo một liên tưởng nào đó. Lê Nghị
    - Cái này tôi đồng ý với bạn. Thí dụ câu trên, tôi suy nghĩ kỷ, hiểu rõ nghĩa chính xác từ chữ dùng, tôi sẽ viết lại như sau" Chiếc thuyền trôi êm đềm trên biển khơi ĐỜI cuồng nộ": Lòng /tâm ta vẫn an dù biển đời cuồng nộ, ý nghìa rõ ràng chứ không còn vô nghĩa như câu trên.
    Trân trọng chào bạn hiền cùng lời chúc sức khỏe.
    Nguyên Lạc

    Trả lờiXóa
  4. Bài thơ “Cảm đề La porte étroite” in trong phần Phụ lục của truyện dài “Khung cửa hẹp” (La porte étroite, tác giả André Gide) do Bùi Giáng dịch
    Bài thơ do Bùi Giáng sáng tác chứ không phải dịch.
    Bùi Giáng chỉ dịch truyện truyện dài “Khung cửa hẹp” (La porte étroite, tác giả André Gide) thôi !

    Trả lờiXóa

  5. Thật vui khi cuộc tranh luận của chúng tôi (bạn Lac Nguyen và tôi) được bạn Lê Nghị quan tâm và viết một bài có giá trị !
    Vì đề tài của bài viết của bạn Lac Nguyen là VÀI Ý VỀ CHỮ DÙNG TRONG THƠ (8) nên bàn về CHỮ DÙNG, từ ngữ trong thơ là chính. Chúng tôi trao đổi cùng nhau, thậm chí tranh luận quyết liệt không nhân nhượng, nhưng vẫn hòa nhã và tôn trọng nhau.

    Trả lờiXóa
  6. Góp ý với tác giả Lê Nghị về câu này: “Họ chứng minh rằng Tàu - Nhật - Hàn không bỏ chữ tượng hình sao lại tiến bộ hơn ta”.
    *
    Trong lịch sử thì người Triều Tiên sử dụng "Hanja" hay Hán tự để ký âm cho ngôn ngữ của mình (chữ tượng hình)
    Vào thế kỷ 15, vua Triều Tiên Thế Tông phát minh ra chữ Hàn Chosŏn'gŭl (hay Hangul), có thể kết hợp với hanja để viết các từ Hán-Triều. Tại Hàn Quốc hiện nay vẫn dạy 1800 ký tự Hanja (Hán tự) cho trẻ em, trong khi đó CHDCND Triều Tiên đã hủy bỏ việc sử dụng Hán tự trong hệ thống văn nói và viết này từ cách đây hàng thập kỷ.
    Chosŏn'gŭl hay Hangeul là bảng chữ cái TƯỢNG THANH của người Triều Tiên dùng để viết tiếng Triều Tiên, khác với hệ thống chữ tượng hình Hanja (Hán tự) mượn từ chữ Hán.
    Thoạt nhìn, Chosŏn'gŭl trông có vẻ như kiểu chữ BIỂU Ý (hay có thể xem là tượng hình), thực sự nó là chữ BIỂU ÂM.
    Trước đây, chữ Triều Tiên được viết theo cột từ trên xuống dưới, phải sang trái, nhưng bây giờ cũng được viết từ trái sang phải, trên xuống dưới giống như cách người Việt viết chữ quốc ngữ.
    Chosŏn'gŭl – tiếng Triều Tiên: Latinh cải tiến.
    Hangeul – tiếng Hàn: Latinh cải tiến.

    Trả lờiXóa
  7. Chúng tôi sẽ trao đổi với tác giả Lê Nghị về phần này:
    "Làm thế nào để nhận ra một từ Hán Việt:
    Quý anh chị tuy tranh cãi nhau khá lớn tiếng, nhưng thống nhất: miên trường và tà huy là tiếng Hán Việt theo nghĩa Việt vay mượn từ tiếng Hán. Do đó lật từ điển Hán Việt ra tra xem tiếng Hán có nghĩa gì, dùng có đúng nghĩa gốc không? ........." (Lê Nghị)
    Phần này bạn Lê Nghị có đề cập đến từ điển Hán Việt, Hán Nôm. Chúng tôi bàn về chữ Nôm, từ Hán Việt và những điều liên quan. Sẽ rất dài nên chúng tôi sẽ chia thành những comments ngắn...

    Trả lờiXóa

  8. TỪ VIỆT HÁN VÀ TỪ HÁN VIỆT

    Việt Nam và Trung Quốc sống cộng cư với nhau hàng nghìn năm và địa bàn cư trú của người Việt bị người láng giềng phương Bắc lấn chiếm dần dần. Người Việt phải rời bỏ quê cha đất tổ để Nam tiến và lập quốc…
    Trong quá trình cộng cư và giao thoa văn hóa, ngôn ngữ và phong tục xã hội thì đều diễn ra cả qua lại hai chiều. Chẳng lẽ chỉ có người Việt nói, đọc mượn âm Tàu thôi sao? Người Tàu cũng nói, đọc mượn âm Việt nữa chứ. Chắc gì dân bị trị mới học ngôn ngữ văn minh của dân cai trị mà không nói ngược lại. Lịch sử Tàu cho thấy, vua quan Mãn Thanh cai trị dân Hán nhưng lại bị Hán hóa đó ư ! Triệu Đà (gốc Tàu) cùng triều đình nhà Triệu cai trị nước Nam Việt, nhưng lại sống theo phong tục tập quán Âu Lạc đó ư ! Chưa kể đến việc nền văn minh lúa nước Âu Lạc, Hà đồ, Lạc thư, Kinh Dịch của dân đồng bằng Âu Lạc đã “được” dân du mục “Hoa Hạ” Tàu tiếp thu rồi cưỡng chiếm, biến của người thành của mình. Việc này, thì học giả Kim Định xướng xuất và hiện tại nhiều học giả VN ra sức chứng minh (đang trong vòng tranh luận).
    Ngôn ngữ cũng thế, trong quá trình giao thoa văn hóa, ngôn ngữ; chắc hẳn không ít từ ngữ vốn là tiếng Việt được người Tàu mượn, qua thời gian dài trở thành từ Việt Hán, hoặc Hán Việt. Muốn xác định phải tra từ điển đó là từ gốc Việt của từ Việt Hán hay từ gốc Hán của từ Hán Việt.
    Tôi đồng ý với bạn Lê Nghị “không thể chỉ lấy tiếng Hán trong từ điển làm hệ quy chiếu tiếng Việt”. Muốn tra cứu thì trước hết hãy dùng từ điển tiếng Quốc ngữ - Nôm hay so cả hai từ điển rồi hãy kết luận.


    ĐẶC ĐIỂM VĂN TỰ CỦA NGƯỜI VIỆT QUA NGHÌN NĂM BẮC THUỘC

    Khác với dân tộc Mãn Châu, khi cai trị Trung Quốc, họ tiếp thu văn minh Hán tộc nhưng tỏ ra hòa hiếu, nên chứng tích vẫn còn rõ ràng. Còn Tàu khi cai trị “An Nam” thì hết sức tàn bạo, thâm độc. Chúng đã ra sức vơ vét tinh hoa nhân vật lực của An Nam thu về Tàu và tìm cách hủy diệt văn hóa bản địa như đốt cháy, phá hủy thần phả, thư tịch, trống đồng và các sản phẩm văn minh, văn hóa… của An Nam cho sạch chứng tích.
    Bên cạnh đó Tàu bằng mọi cách để đồng hóa dân Việt. Sách, sử, chữ viết cổ, tư liệu, các chứng tích văn minh, văn hóa của dân Việt gần như bị tận diệt. Nên để tra cứu, tìm tòi chứng tích cũ là điều vô cùng khó khăn.
    Người Việt cổ đã có chữ viết khắc trên xương thú, trên vách hang động, chạm khắc vào trống đồng, đồ gốm như những hoa văn dạng chữ tượng hình GIÁP CỐT VĂN. Nhưng loại chữ viết cổ này gần như xóa sổ dưới chính sách đồng hóa của Trung Quốc, chỉ còn sót lại đôi chút di vật, di tích hiếm hoi…
    Một số trí thức (nho sĩ) Việt nghĩ ra chữ Việt, gọi là chữ Nôm – “Nôm” là Nam nói trại.
    Chữ Nôm là loại chữ bắt chước cách viết của chữ Hán để ký âm tiếng Việt.

    Trả lờiXóa
  9. Nhờ có chữ Nôm thì các áng văn chương bất hủ mà chúng ta đang thưởng thức như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, Nhị Độ Mai, Phan Trần..., thơ văn của Nguyễn Trải, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Chu Mạnh Trinh lưu truyền trong văn học không bị mai một.
    Những tác phẩm truyện Nôm khuyết danh khác như Thạch Sanh, Trê Cóc, Nhị độ mai, Phan Trần, Tấm Cám, Lưu Bình Dương Lễ, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Nữ tú tài, Tô Công phụng sứ, tất cả được phổ biến rộng rãi
    Mời xem một số tự dạng chữ Nôm ghi âm tiếng Việt:

    Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu :

    花 鱩 蛮 漠 別 纙 衛 兜
    Hoa trôi man mác biết là về đâu".

    風 情 固 錄 群 傳 史 撐
    Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.

    Trả lờiXóa
  10. CHỮ NÔM BỊ SỬ DỤNG HẠN CHẾ CHÍNH NGAY TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT

    Ban đầu khi mới xuất hiện, chữ Nôm thuần túy mượn dạng chữ Hán y nguyên để ghi âm tiếng Việt cổ (mượn âm Hán để chép tiếng Quốc âm). Phép đó gọi là chữ "giả tá". Dần dần phép ghép hai chữ Hán lại với nhau, một phần gợi âm, một phần gợi ý được dùng ngày càng nhiều và có hệ thống hơn. Phép này gọi là "hài thanh" hoặc "hình thanh" để cấu tạo chữ mới.
    Cách viết chữ NÔM khó hơn viết chữ Hán và tùy theo người viết và có các cách đọc khác nhau.
    “Giá như chữ Nôm được dùng trong công quyền, thành “quốc gia văn tự” qua các triều đại thì nó đã tiến hoá như chữ Nhật hay chữ Hàn (trước thế kỷ 15), và biết đâu bây giờ nó vẫn được dùng như người Nhật, người Hàn (trước thế kỷ 15) đã dùng chữ Nhật, chữ Hàn tại nước của họ! Và nếu được dùng chính thức, hình thái của nó ngày nay chắc chắn không còn rườm rà như ngày xưa mà đã được đơn giản hoá để dễ dàng phổ cập. (theo ý thầy Hoàng Đằng)
    *
    Song sử liệu, nhất là chính sử cùng các văn bản hành chính của triều đình thì gần như toàn phần đều bằng chữ Hán. Ngoại lệ là những năm tồn tại ngắn ngủi của nhà Hồ (thế kỷ 15) và nhà Tây Sơn (thế kỷ 18).
    - Hồ Quý Ly - vị vua nổi tiếng với những cải cách tiến bộ vượt thời đại - dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (1400-1407), ông cũng kịp đưa chữ Nôm vào nội dung thi cử, cho dịch một số sách ra chữ Nôm. Nhà Hồ sớm bị đánh bại nên những cải cách của Hồ Quý Ly mãi chỉ là giấc mơ dang dở.
    - Vua Quang Trung chính là người đầu tiên trong lịch sử đưa chữ Nôm vào các văn bản hành chính của nhà nước. Nhờ sự khuyến khích của vua Quang Trung, văn chương chữ Nôm thời kỳ này phát triển mạnh, khẳng định được vị thế của mình. Tiếc là, sự ra đi của vua Quang Trung kéo theo sụp đổ của vương triều Tây Sơn, khiến chữ Nôm không còn giữ được vị thế của mình.
    CHỮ NÔM cùng song hành với chữ Hán và có nhiều khả năng thay thế chữ Hán để là chữ QUỐC NGỮ nếu các triều đại Hồ Qúy Ly và Quang Trung (cùng con cháu) trị vì lâu dài...
    Nếu các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn... sử dụng chữ NÔM làm chữ viết chính thức trong các văn bản của quốc gia như các bản tấu sớ, sắc, dụ, chiếu, chỉ, tờ trình, sổ sách kê khai, văn bản ngoại giao... và trong các khoa thi như ở triều Tây Sơn, các sĩ phu triều Hậu Lê đừng ra sức chống phá việc dùng chữ Nôm của triều Tây Sơn (họ buông lời "nôm na là cha mách qué") mà có hành vi ngược lại, thì chữ Nôm không bị mai một.
    Đến thời Nguyễn, Nhà nước lại quay lại với việc sử dụng chữ Hán trong các văn bản hành chính nhà nước. Chữ Nôm thất thế ngay trong lòng dân tộc từ đây...

    Dù là dạng chữ Việt chưa là cổ xưa lắm, chữ NÔM lại khó đọc hơn cả chữ Hán. Hiện nay số người Việt Nam đọc thứ chữ ghi QUỐC ÂM này không còn mấy ai, trừ một số vị từng làm việc ở Viện Hán Nôm và rất ít học giả khác. Đáng tiếc học giả Nguyễn Tôn Nhan, người khá am tường chữ Nôm cũng đã qua đời từ năm 2011…
    NGƯỜI VIỆT ĐỌC CHỮ HÁN CÒN RẤT NHIỀU NHƯNG ĐỌC ĐƯỢC CHỮ NÔM CHẲNG CÒN MẤY AI...
    Dù bị hạn chế rất nhiều, nhưng chữ Nôm cùng với văn học dân gian, văn học truyền khẩu đã góp phần không nhỏ trong việc truyền bà và phổ biến văn chương Việt.

    Trả lờiXóa
  11. TÀ HUY, MIÊN TRƯỜNG LÀ TỪ HÁN VIỆT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG THƠ VĂN CHỮ HÁN VÀ BÌNH CHÚ VỀ PHẬT HỌC

    Như đã nói, suốt hơn nghìn năm cai trị, Tàu và chính các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn... sử dụng chữ Hán làm chữ viết chính thức trong các văn bản của quốc gia như các bản tấu sớ, sắc, dụ, chiếu, chỉ, tờ trình, sổ sách kê khai, văn bản ngoại giao... và trong các khoa thi. Các trường học từ trung ương như Quốc Tử Giám cho đến các trường làng do các thầy đồ truyền dạy, chương trình, sách vở đều dùng chữ Hán.
    Sách học từ tứ thư, ngũ kinh, bách gia chư tử đều nhồi nhét vào đầu “người học” An Nam. Sự giao thoa văn hóa trong ngôn ngữ từ vựng của hai phía thì kẻ cai trị luôn lấn át. Dòng văn hóa bác học chịu ảnh hưởng nặng văn hóa phương Bắc khi sử dụng chữ Hán trong hầu hết văn bản.
    Nói riêng, từ Hán Việt được sử dụng với mật độ dày đặc có tính cách trang trọng, kiểu cách
    Ngược lại, với dòng văn học dân gian thì từ ngữ trong thơ ca hò vè, truyện thơ, ca dao tục ngữ… giản dị, thông dụng, không kiểu cách, và thuần Việt
    *
    Bởi vậy, các từ như TÀ HUY, MIÊN TRƯỜNG làm ta nghĩ ngay đến từ Hán Việt. Mà quả thế, từ ngữ TÀ HUY xuất hiện từ lâu trong thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn, Nguyễn Du, Nguyễn Phúc Ưng Bình, Vương Thực Phủ

    - Trong “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn:
    Tà huy, tà huy, hựu tà huy
    Thập ước giai kỳ cửu độ vi
    (Đặng Trần Côn)
    Chiều rơi, chiều rơi lại chiều rơi
    Ước hẹn mười phen chín bận dời
    (Nguyễn Huy Hùng)

    - Trong bài thơ “Há than hỷ phú” của Nguyễn Du có câu:
    Tịch tịch thuyền song vô cá sự,
    Ngư ca giang thượng khán tà huy.
    Nguyễn Du
    Lặng lẽ cửa thuyền không việc bận,
    Trên sông chài hát bóng chiều trông!
    Lâm Trung Phú dịch

    - Trong bài thơ “Nhật Lệ giang vãn diểu” của Nguyễn Phúc Ưng Bình có câu:
    Mâu Lệ thanh cao hữu Trực kỳ,
    Cảnh liêu nhân xứ thị tà huy.
    Nguyễn Phúc Ưng Bình
    Sông Lệ núi Mâu hướng phố phường,
    Hữu tình phong cảnh bóng tà dương.
    (Lương Trọng Nhàn dịch)

    - Trong “Tây sương kí” của Vương Thực Phủ có câu:
    “Liễu ti trường ngọc thông nan hệ,
    Hận bất sai sơ lâm quải trụ tà huy”
    Nhượng Tống dịch:
    Rừng thưa ơi! có thương ta?
    Vì ta, mi níu bóng tà lại nao!
    *
    Cũng như vậy MIÊN TRƯỜNG, MIÊN VIỄN được hiểu là lâu dài, vĩnh cửu, bất diệt và chỉ xuất hiện trong văn học bác học, xuất hiện trong bình chú kinh Phật như bài “Mùa Xuân Miên Viễn” của Hòa Thượng Thường Chiếu hay bài “10 Thọ Giới Là Làm Cho Phật Pháp Miên Trường Giữa Thế Gian” của Thượng Tọa Thích Thiện Siêu..., nên người đọc có thể cảm nhận ngay từ ngữ này là từ Hán Việt

    Tây Du Ký là một trong tứ đại danh tác nổi tiếng của Trung Hoa được sáng tác vào thời nhà Minh thế kỷ thứ 16 có câu:
    “Phổ dụ thế nhân vi thiện, quản giáo nhĩ hậu đại miên trường”
    (Tây Du Ký đệ thấp nhất hồi)
    Tạm dịch:
    Khuyên nhủ người đời làm điều thiện, dạy dỗ đời sau của mình lâu dài. (Tây du ký hồi 11)
    *
    Chưa thấy từ ngữ “miên trường, miên viễn” xuất hiện trong văn học dân gian, văn học truyền khẩu

    Trả lờiXóa
  12. VỀ TRA TỪ ĐIỂN HÁN NÔM TRÊN MẠNG

    Cùng một từ, khi bạn click chuột vào dòng chữ TRA HÁN VIỆT thì nó hiện tự dạng chữ Hán và giải thích nghĩa. Khi bạn click chuột vào dòng chữ TRA HÁN NÔM thì nó hiện tự dạng chữ Nôm.

    *
    Tra từ điển Hán Nôm, tôi tìm thấy chữ BÚA ghi bằng tự dạng chữ Nôm là 斧.
    Mà tự dạng chữ Nôm này chính là chữ PHỦ đọc theo âm Hán Việt (có nghĩa là cây búa)
    Người Việt đã mượn chữ 斧 để ghi âm BÚA (trong chợ búa) của chữ Nôm sáng tạo riêng cho mình
    Tự dạng chữ Nôm 斧 đọc là BÚA giống chữ quốc ngữ (bờ-ua-bua- sắc -búa) để ghép với CHỢ thành CHỢ BÚA không cần biết gì đến nghĩa chữ Hán nó mượn.
    - Một chữ Nôm cũng có đến vài cách ghi, nên chữ BÚA (trong chợ búa) có khả năng ghi bằng nhiều tự dạng chữ Nôm khác nhau.
    + Với chữ 鈽 , âm Hán Việt tiêu chuẩn là "bố", chỉ nguyên tố hóa học plutonium (Pu)
    . Âm Nôm chữ 鈽 ấy là BÚA có nghĩa là búa rìu; hóc búa
    Nên BÚA (trong chợ búa, hóc búa, búa rìu) đều có thể viết theo tự dạng chữ Nôm bằng 斧 hay chữ 鈽 đều được cả.

    Người Việt đã mượn chữ Hán để ghi âm Nôm. Nhưng khi ghi thành âm Việt, thì chữ Hán đã mượn không còn mang nghĩa như chữ Hán đó nữa, mà thành nghĩa Tiếng Việt với cách ghi mới và nghĩa riêng đặc thù.
    Chữ Nôm 斧 có cách đọc mới và có nghĩa mới, cũng là BÚA nhưng không phải là búa rìu đốn cây, mà là BÚA của âm Việt cổ, chỉ nơi họp trao đổi mua bán hàng hóa.
    Không riêng từ BÚA mượn chữ Hán ghi âm Nôm mà nhiều âm Nôm khác cũng thế, được mượn chữ để ghi âm mà không cần đến ý nghĩa gốc.

    Âm CHỢ có 2 cách ghi trong tự dạng chữ Nôm:
    1/ 助 chợ : phiên chợ, chợ trời
    2/ 𢄂 chợ : phiên chợ, chợ trời

    Vì vậy có thể ghép bất kỳ các tự dạng chữ Nôm của 2 cặp trên để ghi từ ngữ CHỢ BÚA

    Trả lờiXóa
  13. Mình xem từ điển đồng nguyên của bs Nguyễn Hi Vọng. Tự nghiệm ra cấu trúc các từ ghép của tiếng Việt: từ mới + từ cũ để nhấn mạnh giống như lấy cũ định nghĩa mới.:
    Đen kịt, trắng bóc, chim chóc.... theo đó tiếng theo sau cùng nghĩa tiếng trước là từ cổ: kịt, bóc, chóc là từ cổ. Chợ búa phải chăng cùng dạng?

    Trả lờiXóa

  14. Wikipedia cho rằng:
    Búa: âm Hán Việt cổ của tự dạng chữ Nôm "斧", âm Hán Việt là "phố" (鋪)
    *
    - Nếu cho rằng BÚA là là âm Hán Việt cổ của chữ "phố" 鋪 như tự điển Wikipedia nêu:
    + Búa là âm Hán Việt cổ, thì đây là âm cổ thời Hán. Từ/âm Hán Việt cổ là những từ tiếng Hán được tiếng Việt thu nhận trước thời Đường thông qua giao tiếp bằng lời nói. Hầu hết từ/âm Hán Việt cổ bắt nguồn từ tiếng Hán thời nhà Hán.
    + PHỐ 鋪 (âm Hán Việt bây giờ) chỉ phố xá, tiệm buôn, và từng có âm cổ BÚA.

    Tại sao khi mượn chữ Hán để ghi lại âm tiếng Việt BÚA qua tự dạng chữ Nôm (trong từ ‘chợ búa’), người Việt không mượn chữ PHỐ này, vừa có âm cổ tương đương, lại vừa đồng nghĩa hoặc cận nghĩa, mà lại người Việt mượn chữ PHỦ 斧 (có nghĩa là "cái búa") chỉ riêng có nghĩa tiếng Việt đọc lên là BÚA (không liên quan chi đến ‘cửa hàng, phố xá’ cả) để ghi trong từ ‘chợ búa’

    Trả lờiXóa
  15. Theo ông An Chi trong tập Chuyện Đông Chuyện Tây (trang 70, sách dạng Pdf mà tôi download về máy tính, thì:
    *
    “Tương tự (chợ) búa # (thị) phố = tiệm bán hàng)
    Về trường hợp chữ BÚA, năm 1951 Phan Khôi đã viết như sau CHỢ BÚA: Tôi nói do chữ Hán, "thị phủ" mà ra, có lẽ không đúng. Năm 1949, ông Nguyễn Thiệu Lâu cho tôi biết ở Hà Tĩnh vẫn gọi cái chợ nhỏ là búa. (Việt ngữ nghiên cứu, Hà Nội, 1955, trang 67)

    Đúng là chợ búa không do thị phủ mà ra vì phủ ở đây là nơi làm việc của quan lại, còn phố mới là nơi buôn bán. Còn điều thông tin mà Nguyễn Thiệu Lâu đã cung cấp cho Phan Khôi chỉ chứng tỏ rằng búa là một từ cổ hãy còn độc lập (nghĩa là chưa thành tiếng đệm) trong lời ăn tiếng nói của người Hà Tĩnh chứ chẳng phải là một bằng chứng để phủ nhận BÚA là do PHỐ hoặc PHỦ mà ra. Về mối quan hệ b # ph, chúng tôi đã đề cập nhiều lần trên KTNN, đặc biệt là trong bài”tìm hiểu về hai từ BỤTvà PHẬT” (số 84, trang 15-17)
    Trích AN CHI
    (CHUYỆN ĐÔNG CHUYỆN TÂY, trang 70)
    (nhatbook-Chuyendongchuyen tay-AnChi 2002-2006.pdf)
    *
    Nhận xét của tôi:

    1/ Ông An Chi nói: “thông tin mà Nguyễn Thiệu Lâu đã cung cấp cho Phan Khôi chỉ chứng tỏ rằng búa là một từ cổ hãy còn độc lập (nghĩa là chưa thành tiếng đệm) trong lời ăn tiếng nói của người Hà Tĩnh”.
    2/ Bài CHỮ NÔM trong tự điển Wikipedia thì có dòng chữ “chữ "búa" 斧 ("búa" trong "cái búa", âm Hán Việt tiêu chuẩn là "phủ") được dùng để ghi lại từ "búa" trong "chợ búa" ("búa" trong "chợ búa" là âm Hán Việt cổ của chữ "phố" 鋪).

    Chúng tôi muốn tìm hiểu BÚA là từ cổ Việt Nam hay là từ âm Hán Việt cổ ?
    Thú thật, rất khó để có đủ tư liệu xưa nay để tra cứu, bên cạnh đó vốn chữ Nôm của tôi quá tệ (hầu như bằng không). Tôi cho rằng, BÚA (trong chợ búa) là âm Việt, vì:
    1/ Chợ búa là một từ kép. “Chợ” là từ Việt, “Búa” do đó cũng là từ Việt. Chả lẽ lại có một từ kép có các thành tố vừa Việt vừa Hán
    2/ Có người giải thích từ "Búa" là từ cổ của người Mường (người Mường là người Việt cổ), để chỉ nơi họp trao đổi mua bán hàng hóa
    3/ Ông An Chi nói: “thông tin mà Nguyễn Thiệu Lâu đã cung cấp cho Phan Khôi chỉ chứng tỏ rằng búa là một từ cổ hãy còn độc lập (nghĩa là chưa thành tiếng đệm) trong lời ăn tiếng nói của người Hà Tĩnh”.

    Trả lờiXóa
  16. An Chi là ông đội Hán. Từ Việt nào ông ấy cũng quy về tiếng Hán cả. Thậm chí những từ : khéo léo, kỳ cục ... cũng xuất phát từ Hán!
    Phát hiện búa là từ gọi chợ ở một vùng, nhất là Thanh Hoá, nơi sắc tộc Mường định cư lâu năm, là một từ cổ có giá trị lý giải về tiếng Việt cổ. Sắc tộc Mường Thanh Hoá vốn là sắc tộc tồn tại vùng giáp ranh Vân Nam- Quảng Tây, cái nôi người Việt cổ khi thiên di từ Nam Á ven dãy Himalaya tới từ 35.000 năm trước, là cộng đồng sắc tộc trong nhà nước Văn Lang. Khi nhà Tần xâm lược 214-218 TCN một bộ phận di cư vào Thanh Hoá. Do họ , cũng như nhiều bộ tộc thiểu số khác, sống vùng rừng núi , xa tộc Việt có thói quen sống nơi đồng bằng trồng lúa nước, nên còn lưu lưu giữ nhiều từ cổ mà người Việt đã dùng. Các nhà ngôn ngữ tìm ra khá nhiều từ cổ của người Việt còn lưu lại trong ngôn ngữ sắc tộc thiểu số. Đặc biệt là sắc tộc Mường, vì vậy tạm xếp tiếng Việt vào nhánh Việt - Mường.
    Nhưng thay vì hiểu rằng đó là từ ngữ thời Văn Lang tộc Lạc Việt đa số, các sắc tộc cùng dùng, họ lại quy kết 30% là tiếng Việt là tiếng từ các sắc tộc thiểu số! 70% là từ Hán! Nghĩa là người Việt không có tiếng nói! Trong khi ngay cả đến nay người Hoa còn gọi tiếng Hoa Nam là Việt ngữ.
    Ngày nay xem lại những từ kép ta nghĩ là những âm tiết vô nghĩa, nhưng thực ra nó là từ cổ đồng nghĩa với từ mới. Các từ cổ này còn sử dụng trong các sắc tộc thiểu số ( có bài viết về so sánh âm vị)
    Ta thấy một trong các quy luật cấu tạo từ kép là âm vị mới đi trước, âm vị cổ đi sau:
    Trắng bóc, đen kịt, đặc sệt, mít đặc, kín mít, chim chóc ( không thể nói ngược: bóc trắng, kịt đen...)
    Vì vậy chợ búa chứng tỏ rằng chợ là từ mới so với búa.
    Vì sao không nghĩ rằng trên con đường thiên di lên Bắc, hậu duệ người Việt cổ tức người Hoa Nam đã biến âm búa thành phủ? Vì đầu óc các vị đó ám ảnh việc cái trị của người Hoa cách nay 2000 năm và kéo dài 1000 năm. Họ quên rằng mặt bằng ngôn ngữ chung của nhân loại đã cơ bản hoàn chỉnh cách nay đã trên 4000 năm. Không những là lớp từ sinh tồn, trực quan mà đã tới khái niệm trừu tượng về triết học đã ra đời.
    Tất nhiên hậu duệ phát sinh nhiều từ ngữ mới do có khái niệm mới cần diễn đạt. Nên người Hoa Nam có ảnh hưởng ngôn ngữ du mục Hoa Bắc do quá trình xâm lược dần về Nam , bắt đầu là thời nhà Thương, và người Việt trong ngàn năm nô lệ có ảnh hưởng nhất định từ ngữ Hoa phát sinh, nhưng rất ít. Chủ yếu là dùng chung và âm tiết phát ra khác nhau một ít.
    Ngày nay, phải kết hợp nhân chủng học và ngôn ngữ học hiện đại để truy nguồn gốc cổ ngữ, trên cơ sở so sánh âm vị biến thiên theo thiên di và di dân, chứ không phải dựa vào tự điển Hán như trước đây.
    Nhân đây cũng nói : tiếng Hán từ đâu mà có? Kinh Thi sưu tập từ nhà Chu, không có bài nào từ nước Hán. Lý do là thời đó Hán chỉ là một bộ tộc vùng sông Hán, một chi lưu của sông Dương Tử nơi hợp lưu là thành phố Vũ Xương ngày nay. Cho đến khi nhà Tần tóm thâu lục quốc, trong lục quốc cũng không hề có nước Hán. Trước đó vùng sông Hán thuộc nước Sở. Lưu Bang là người sinh ra và lớn lên trong vùng này. Khi diệt Tần thì xuất phát từ Sở cùng Hạng Võ, sau diệt Hạng Võ lên làm vua xưng nhà Hán 221 TCN. Từ đó mới áp đặt tiếng Hán, chữ Hán trước đó nhà Tần đã thống nhất bộ thủ.
    Ba nước : Việt- Sở- Ngô thời Chiến quốc đều có quan hệ xa gần với nhau. Nước Việt của Câu Tiễn không phải là gốc của người Việt cổ, ngược lại là hậu duệ. Hán cũng nằm trong dòng thiên di đó, chứ không phải là gốc Bắc Kinh hay Hoa Bắc.

    Trả lờiXóa
  17. - Từ ngữ “BÓNG TÀ HUY” làm cho tôi có cảm nhận sự “đài các”, “trang trọng” và “kiểu cách” của văn chương hàn lâm...

    - Từ ngữ “BÓNG TÀ”, “BÓNG CHIỀU” mà nhà thơ Nguyễn Du dùng nghe dung dị nhưng lại thấm đẫm hồn Việt:

    “Bóng tà như giục cơn buồn,
    Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo.
    Dưới cầu nước chảy trong veo,
    Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”.
    *
    “Một vùng cỏ áy bóng tà,
    Gió hiu hiu thổi một vài bông lau”.
    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

    Trả lờiXóa
  18. BÙI GIÁNG VÀ TỪ NGỮ “MIÊN TRƯỜNG”, “MIÊN VIỄN”

    “Xin chào nhau giữa con đường
    Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”
    (Bùi Giáng)

    Có thể nói MIÊN TRƯỜNG và MIÊN VIỄN là từ ngữ không hề xa lạ. MIÊN TRƯỜNG, MIÊN VIỄN được hiểu là LÂU DÀI, trường cửu, bất diệt và chỉ xuất hiện trong văn học bác học, xuất hiện trong bình chú kinh Phật như bài “Mùa Xuân Miên Viễn” của Hòa Thượng Thường Chiếu hay bài “10 Thọ Giới Là Làm Cho Phật Pháp Miên Trường Giữa Thế Gian” của Thượng Tọa Thích Thiện Siêu... , nên người đọc có thể cảm nhận ngay từ ngữ này là từ Hán Việt

    Tây Du Ký là một trong tứ đại danh tác nổi tiếng của Trung Hoa được sáng tác vào thời nhà Minh thế kỷ thứ 16 có câu:
    “Phổ dụ thế nhân vi thiện, quản giáo nhĩ hậu đại miên trường”
    (Tây Du Ký đệ thập nhất hồi)

    Tạm dịch:
    Khuyên nhủ người đời làm điều thiện, dạy dỗ đời sau của mình lâu dài. (Tây du ký hồi 11)

    *
    Chưa thấy từ ngữ “miên trường, miên viễn” xuất hiện trong dòng văn học dân gian, văn chương truyền khẩu.

    *
    Nhà thơ Hoài Khanh trong bài thơ MỘNG ĐỜI MIÊN VIỄN với lời đề tặng: (Tặng Phạm Công Thiện để nhớ những tháng ngày Đà Lạt xa xưa thời Thân Phận), đã nói lên rằng “miên viễn” là “bất tuyệt”, “phiêu hốt”

    MỘNG ĐỜI MIÊN VIỄN

    Có phải đó là mộng đời bất tuyệt
    Nói cho ta ý nghĩa cuộc sinh tồn
    Vì những đoá hoa nào thời trẻ dại
    Hơn một lần phai lạt sắc và hương!

    Có phải đó là mộng đời phiêu hốt
    Nói cùng ta qua đôi mắt mơ buồn
    Khi em hiểu sương tan trên đầu núi
    Là chuyện đời xiêu đổ dưới màu sương

    Hoài Khanh
    *
    MIÊN TRƯỜNG hay MIÊN VIỄN ngoài ý nghĩa là lâu dài còn có ý nghĩa là “xa xôi, dằng dặc”. Nhà thơ Thế Lữ gợi tả bằng câu thơ thật sâu lắng:

    “Buồn ơi ‘xa vắng mênh mông’ là buồn”

    Từ MIÊN vốn đã có nghĩa :
    a/ Dài. Lâu dài.
    b/ Nối tiếp không dứt, kéo dài

    Trong Chinh Phụ Ngâm có câu:
    “Đưa chàng lòng dặc dặc buồn”

    Nguyên tác thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn:
    “Tống quân hề tâm MIÊN MIÊN”

    Câu này có dị bản:
    “Tống quân hề tâm du du”

    Bùi Giáng là thiên tài trong thi ca và có ngôn ngữ sáng tạo. Khi phong trào kiếm hiệp của Kim Dung phát triển, Bùi Giáng nằm tại Vạn Hạnh, tự học chữ Hoa trong 6 tháng, ông ta trực tiếp đọc sách Kim Dung bằng Hoa Ngữ. Ông đã viết một số bài bình về Kim Dung chẳng hạn như “Tại sao Tiêu Phong chết”

    Bùi Giáng nhắc tới Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung với chi tiết: khi Trương Tam Phong dạy Thái Cực Kiếm cho Trương Vô Kỵ, ông nói lên tinh hoa của kiếm thuật là:

    “Thần tại kiếm tiên, MIÊN MIÊN bất tuyệt”
    (Cái “thần” trước hết ở nơi kiếm, kéo dài không dứt).

    Nếu kết hợp MIÊN với TRƯỜNG (dài), với VIỄN (xa) thành MIÊN TRƯỜNG hoặc MIÊN VIỄN cùng có nghĩa chung là “dài lâu, trường cửu, bất diệt” mà các thiền sư hay dùng để chú giải phật học…

    Bùi Giáng từng dạy học Đại Học Vạn Hạnh, ông đọc nhiều bình chú thiền học, nhiều chú giải kinh kệ, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nên những từ ngữ như MIÊN TRƯỜNG, MIÊN VIỄN được ông sử dụng linh hoạt, sáng tạo trong thi ca…

    Trả lờiXóa
  19. Comment trên của thi sĩ Phú Đoàn rất hay. Rất đúng theo ý tôi nghĩ

    Trả lờiXóa

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ