Nguồn:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13905&rb=0101
GIAI
THOẠI CỦA THI SĨ
Vừa rồi, sau khi ra mắt hai tập Thơ tình Bùi Chí Vinh
và Thơ đời Bùi Chí Vinh trong nước lẫn trên mạng, tình cờ tôi được nghe một số
giai thoại hay hoặc không hay của thiên hạ bàn tán về mình. Ðối với tôi, hay hoặc
không hay đều vẫn là giai thoại. Nhưng giai thoại phải có cơ sở xác đáng, có thực
tế chứng minh, có những người trong cuộc chứng kiến thì giai thoại đó mới trường
tồn, truyền khẩu hợp lý và khoa học được. Những giai thoại đồn đại chung quanh
hình tích, sự đi đứng, năng khiếu làm thơ ứng khẩu của tôi xuất hiện ngay từ
sau giải phóng, lúc tôi còn rất trẻ, đang làm việc tại một tờ báo và chỉ mới 21
tuổi đầu. Giai thoại mỗi ngày mỗi phát triển thêm lúc tôi đi bộ đội, rồi đi
giang hồ, rồi làm đủ mọi thứ nghề để sống, thậm chí cả giai thoại lúc tôi bày tỏ
chính kiến của mình…
Trong phạm vi bài viết này tôi xin mở đầu bằng một
giai thoại quái đản nhất vừa nghe được. Sự quái đản ở đây tuỳ nghi ai muốn hiểu
sao thì hiểu trong khi câu thơ đồn đại về tôi lại khởi nguồn từ một tình bạn rất
đẹp. Cụ thể từ hai câu thơ tam sao thất bổn sau đây:
Trọc
đầu BÙI làm sao CHÍ ở
Nhục
còn chưa có lấy gì VINH
Và họ nói rằng hai câu thơ trên là do Bùi Giáng ứng khẩu
tặng tôi trong bàn nhậu lúc tôi đang múa may chữ nghĩa, khiến tôi hoàn toàn tâm
phục khẩu phục. Suy nghĩ như thế không riêng gì tôi mà những người quen biết
tôi đều phải phì cười. Bởi một lẽ đơn giản, tác giả hai câu thơ trên không phải
là Bùi Giáng tiên sinh mà là ông anh Mặc Tuyền, một nhà thơ kiêm kịch tác gia bụi
đời làm “chọc quê” tôi khi tôi mạt lộ đang ngồi ở vỉa hè phụ sửa xe cùng anh
Phan Văn Bồng, tự Bế Văn Bồng mưu sinh kiếm sống vào thời điểm cuối thập niên
80 đói rách. Thời điểm ấy nạn dịch bo bo khoai mì hoành hành, mâm cơm không có
gạo trắng mà ăn, Mặc Tuyền cố kiềm chế sự ngông cuồng của tôi nên làm hai câu
khá cảm động. Vừa chơi chữ, vừa nói về chữ “nhục”, nhục ở đây có nghĩa là “thịt”,
thi sĩ lớn cỡ nào mà đầu cạo trọc và thiếu thịt ăn thì bao tử cũng đói meo và
chí khí lẫn chí mén cũng đi chơi chỗ khác.
Còn Bùi Giáng tiên sinh đương nhiên thuộc về đẳng cấp
khác. Ông và tôi không phải huynh đệ hoặc thân thiết tri kỷ, nhưng khi gặp nhau
chưa bao giờ ông dèm pha biếm nhẽ thế hệ sau mình. Giai thoại giữa tôi và ông độc
đáo hơn nhiều. Cách đây hơn 20 năm, tôi và Hồ Lê Thuần (con trai cố bí thư
Thành Ðoàn trước 1975 là Hồ Hảo Hớn) vi hành xuống miệt Gò Vấp chợ Long Hoa lúc
nửa đêm. Nhằm vào lúc Bùi Giáng rời chùa Long Huê gần đó ra chợ quậy tưng bừng
khói lửa với một cây chổi rách tượng trưng cho ấn kiếm. Gọi là ấn kiếm vì Bùi
Giáng luôn vỗ ngực xưng vương bất cứ lúc nào cao hứng. Ðêm đó chúng tôi ngồi uống
rượu vỉa hè chứng kiến “vua cỏ” Bùi Giáng làm bà con chạy tán loạn và nhìn ông
múa chổi tiến về phía chúng tôi. Ông vừa đi vừa khạc thơ rồi dòm trừng trừng
vào mặt tôi. Trong cơn say xỉn ngất trời, Hồ Lê Thuần xúi tôi đọc thơ đáp lễ.
Thế là người ngồi người đứng xuất khẩu thành thi qua lại liên tục. Không biết
Bùi tiên sinh “phê” thơ tôi ra sao, chỉ biết Người tự động quỳ xuống bàn chúng
tôi dâng cây chổi rách lên và tuyên bố “Ðêm nay Trẫm thay mặt cựu hoàng Bảo Ðại
giao ấn kiếm cho thế hệ Hồ Chí Minh”. Câu nói đầy tính “chính trị” và đối phó của
Bùi Giáng bắt buộc tôi phải nhận cây chổi và làm một bài thơ tặng ông tại chỗ,
có chép lại nhét túi ông đàng hoàng, xin mạn phép ghi ra đây để khép lại lời đồn
về sự “tâm phục khẩu phục” của tôi trước Bùi Giáng:
CÁCH LẠY CỦA BÙI GIÁNG
Liên
tồn, l… tiên, liền tôn
Bác
Bùi chưa gặp đồng môn đây mà
Ta
hăm bảy tuổi đăng khoa
Bác
hơn sáu chục mới là Trạng Nguyên
“Bác
đi, bi đát” cơn điên
Ðể
mua trí tuệ “l… tiên, liên tồn”
“Riêng
ta” thành “ra tiên” con
Lúc
say xỉn vỗ hậu môn cười khà
“Bán
dùi Bùi Giáng” xót xa
“Bình
Chí Vui” ta vốn là “Bùi Vinh”
Bác
không màng nhắc triều đình
Có
đâu ta nỡ cố tình làm vua
Chi
bằng giữa chợ say sưa
Bùi
to Bùi nhỏ đi lùa các em
Kìa
sao bác lạy như điên
Ðợi
ta đỡ dậy chiêu hiền nữa sao?!?
Ngoài ra tôi còn chép cho Bùi tiên sinh bài thơ BÌNH
CHÍ VUI khi ông muốn tôi bình tĩnh chí nam nhi trở lại để có thể tồn tại trước
bọn sâu bọ làm người. Tôi đã làm bài thơ này theo “môđen” tiếng lái và chơi chữ
của ông:
BÌNH CHÍ VUI
“Bùi
Chí Vinh, Bình Chí Vui”
Không
bình chí, chắc tiếng cười mất tiêu
Chí
trong bình, chí mốc meo
Chui
ra bình, chí mới nhiều nhục vinh
Bùi
làm thiên hạ giật mình
Sờ
ngay “cái đó” kẻo em mếch lòng
“Bùi
như lạc” nhậu sướng không?
“Trần
như nhộng” Bùi tồng ngồng đái chơi
Bất
bình nên chí chưa vui
Các
em nên gọi ông Bùi Chí Vinh
Chuyện gặp Nguyễn Ðức Sơn giang hồ hơn. Trước đó khi mạn
đàm về thi ca cùng đồng nghiệp, tôi luôn luôn khẳng định miền Nam trước đây có
4 chưởng môn nhân đại diện cho 4 trường phái thi ca tiêu biểu. Ðó là Bùi Giáng
thơ trên trời, Nguyễn Ðức Sơn thơ dưới đất, Thanh Tâm Tuyền thơ tự do kiểu Tây
phương, Tô Thuỳ Yên thơ hành cổ điển kiểu Ðông phương. Vì thế lần hạnh ngộ Nguyễn
Ðức Sơn trên cao nguyên Ðại Lào sơn lam chướng khí, tôi đã ăn những gì ông tự
trồng tự hái và đã đấu khẩu những gì ông muốn.
Nguyễn Ðức Sơn vốn sở trường thơ lục bát và nổi tiếng
trước những bài thơ tinh gọn đến mức độ tối thiểu về chữ mà vẫn dào dạt ý tứ.
Có bài thơ chỉ hai câu, mỗi câu hai chữ như “Cái lỗ – Tối cổ” đủ nói hết về chế
độ mẫu hệ, về nơi khai sinh ra loài người. Có bài thơ chỉ ba câu, mỗi câu một
chữ như “Hột – Thì – Le” đủ nói hết về bản chất sinh tồn thiện ác của nhân loại.
Và tôi đã mượn những ý thơ độc đáo đó để đưa vô bài thơ làm tặng ông như một thứ
giai thoại truyền khẩu:
ÐỤNG ĐỘ NGUYỄN ĐỨC SƠN
“Hột
thì le” thật đó sao?
Ta
dân “thảy lỗ” đến chào đồng môn
Xưa
nay hai kẻ du côn
Ít
khi đời sống cô hồn như nhau
Như
miếng trầu khác miếng cau
Nhưng
có cau, chẳng có trầu, như không
Như
không sinh chuyện động phòng
Hột
sao le được “nụ hồng thi ca”
Như
không sinh nở đàn bà
“Cái
lỗ tối cổ” thành ra tầm thường
Ta
thừa văn, bác dư chương
Hôm
nay một chén Hồ Trường chao nghiêng
“Thiên
tài” nhờ lỗ “tai thiền”
Buồn
lên núi hú chẳng phiền Tarzan
Buồn
hái nấm luyện thành sâm
Buồn
quay vào vách thương thầm Ðạt Ma
Buồn
hơn xuống động bẻ hoa
Buồn
hơn chút nữa kiếm ta đỡ buồn
Kiếm
ta ta cứ ngông cuồng
Sánh
vai với Nguyễn Ðức Sơn cũng kỳ
“Kỳ”thì
theo “Thiệu” mà đi
Ta
theo bác đã chắc gì tịnh tâm
Chẳng
thà bút vẩy thơ đâm
Rong
chơi đợi trận cát lầm đi qua
Ðừng
khen chê trước mặt ta
Sợ
e tiếng gáy làm gà ghét nhau
Chẳng
thà trong cuộc bể dâu
Cưa
nhau chén rượu cho sầu chia hai…
Riêng đối với Phạm Thiên Thư thì tôi “quậy” theo kiểu
bụi đời hơn. Năm 1980 tôi được nghỉ phép, mặc đồ bộ đội rách xác xơ đi lang thang
cùng Hoàng Linh qua đường Lý Chính Thắng (tức Yên Ðỗ cũ). Hoàng Linh là bạn
giang hồ của tôi, anh là con trai nhà văn Hoàng Ly và là em vợ Phạm Thiên Thư
lúc đó. Anh giới thiệu tôi với Phạm tiên sinh đang mở tiệm hớt tóc và bỏ mối rượu
ngay trên đường này.
Cuộc hội ngộ diễn ra y chang truyện kiếm hiệp của Kim
Dung. Ngoài trời mưa tầm tã, bên trong tiệm Phạm tiên sinh ngừng hớt tóc cho vị
thân chủ mặt mũi kỳ dị và kéo vị ấy ngồi xuống rót chai rượu màu xanh tiếp tôi
và Hoàng Linh. Sau tuần rượu đầu đàm đạo về thơ, vị khách lạ đứng dậy chỉ vào mặt
tôi và phán “tuổi Giáp ngọ phải không, sanh vào cuối tháng 9 âm lịch phải
không, chào đời nửa đêm phải không?” Rồi ông ta đứng dậy bỏ đi một mạch. Lời
phán của kẻ dị nhân khiến tôi hoang mang nhưng hai anh em Phạm Thiên Thư, Hoàng
Linh chỉ khẽ gật gù khoái trá. Ðến giờ này tôi vẫn chưa hiểu dị nhân đó là ai
và tại sao chỉ sau một quẻ Dịch ông ta lại biết ngày giờ năm sinh tháng đẻ của
tôi trong khi cả bàn không ai biết. Hôm đó trong lúc cụng ly nghe Phạm tiên sinh
thố lộ về cuộc đời trôi nổi lên voi xuống chó của ông làm tôi ngậm ngùi vô tận.
Tôi thừa biết họ Phạm sở trường về thơ bốn chữ nên ứng khẩu tặng ông bài thơ
cùng thể loại mà ông ưa thích. Bài thơ như sau:
GHẸO PHẠM THIÊN THƯ
Rượu
Phạm Thiên Thư
Thơ
Bùi hiền sĩ
Một
chén càn khôn
Ðất
trời tuý luý
Tưởng
huynh tên “Thị”
Nên
mới vào chùa
Dè
đâu tửu sắc
Cũng
ghiền nam mô
Huynh
giữ một bồ
Chứa
toàn thịt chó
Ta
giữ bồ kia
Chứa
toàn tín nữ
Vì
huynh quân tử
Như
Nhạc Bất Quần
Ta
đành tiểu tử
Như
Ðiền Bá Quang
Tiếu
Ngạo cung đàn
Một
gian lều cỏ
Huynh
mới bẻ gươm
Ta
còn mãi võ
“Ðoạn
Trường” hai chữ
Huynh
ngâm nát lòng
“Vô
Thanh” đâu chứ
Cửa
thiền huynh trông
Ta
con nhà tông
Giống
lông giống cánh
Quen
ngủ chiếu rơm
Dùng
cơm khổ hạnh
Gặp
chiều mưa lạnh
Chén
tạc chén thù
Ðem
thơ tặng Phạm
Ðếch
cần Thiên Thư!
Cũng trong thời gian đó, tôi lang bạt rất nhiều nơi,
làm quen với nhiều người, trong đó có thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn từ Phan Thiết vô là
tác giả tập thơ Chiến tranh Việt Nam Và
Tôi nổi tiếng.
Nguyễn Bắc Sơn có hẹn hò đâu với Trần Mạnh Hảo nên rủ
tôi lên chung cư Hội Văn Nghệ số 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa lai rai ba sợi chơi. Khi
đi, tôi có rủ thêm Trần Hữu Dũng, Vũ Ngọc Giao là hai chiến hữu giang hồ cùng cạn
chén tang bồng hồ thỉ.
Rượu vào lời ra. Tôi và Nguyễn Bắc Sơn thay phiên nhau
khạc thơ chan chát. Có lẽ Nguyễn Bắc Sơn không ngờ tôi là một kẻ hậu sinh chưa
hề có tên tuổi trước giải phóng mà khạc thơ quá đã, nên anh “bốc” liền một câu:
“Thằng cha Bùi Chí Vinh này làm bài thơ
nào cũng hay hết, nhưng thơ họ Bùi là Ðồ Long Ðao, còn thơ Nguyễn Bắc Sơn ta mới
là Ỷ Thiên Kiếm”. Nguyễn Bắc Sơn đâu biết câu phát biểu đó vô tình làm “mồi”
cho một bài thơ giai thoại về anh và tôi sau này. Bài thơ được tôi ứng khẩu tại
chỗ như sau:
CÁCH NHẬU VỚI NGUYỄN BẮC
SƠN
“Ta
làm thơ bài nào cũng hay”
Nghe
gã Nguyễn Bắc Sơn nói thế
Té
ra gừng già ngươi chưa cay
Ta
chỉ hạt tiêu mà rơi lệ
Làm
thơ ta làm từ bụng mẹ
Ðợi
ngươi nổi tiếng là ta sinh
Sinh
sau đẻ muộn giống Hạng Thác
Cho
người Khổng Tử đỡ hợm mình
Sinh
sau đẻ muộn giống chim hạc
Cho
đàn cò đói đỡ ăn đêm
Nhà
ngươi bốc ta cứ như chưởng:
Rằng
thơ ta ngông như Tạ Tốn
Câu
trước câu sau Ðồ Long Ðao
Vần
dưới vần trên Ỷ Thiên Kiếm
Ðao
kiếm dành cho bọn cường hào
Có
đâu đưa vào thơ bố trận
Tại
đời lắm muối nên thơ mặn
Chứ
thiết gì ta nghiệp võ công
Kìa
coi hoàng đế Quang Trung đó
Ðến
chết còn ghê chữ má hồng
Tiếc
rằng ngươi không là thiếu nữ
Thiếu
nữ bốc, ta thành vua Trụ
Nhà
ngươi bốc, ta thành bia hơi
Uống
say bọt bay hết lên trời…
Ðối ẩm với Nguyễn Bắc Sơn tại nhà Trần Mạnh Hảo mà
quên nhắc đến họ Trần thì quả là điều không phải phép. Khi tôi 15 tuổi tham gia
phong trào sinh viên học sinh đấu tranh đô thị ở Sài Gòn thì bộ đội Trần Mạnh Hảo
đã siết cò AK ở trong rừng. Ngay giải văn học Thành phố Hồ Chí Minh đầu tiên
sau giải phóng 1976 – 1977, tôi và Trần Mạnh Hảo đã biết nhau khi anh đoạt giải
thơ với tập Tiếng chim gõ cửa, còn
tôi đoạt giải thơ với tập Hạnh phúc có
thật. Tôi với anh còn thân nhau bởi cùng đi lưu diễn đọc thơ các trường đại
học cùng với Nguyễn Duy, Văn Lê, Nguyễn Nhật Ánh. Phải nói thật, tôi thân với
Trần Mạnh Hảo hơn những nhà thơ ngoài Bắc khác một phần vì quê quán cha tôi thuộc
tỉnh Nam Ðịnh, đồng hương với anh.
Trần Mạnh Hảo và tôi mỗi người đều tạo ra những sóng
gió và dư luận riêng bởi cá tính và thơ của mình. Trong bàn nhậu đám đông, tôi
và anh luôn luôn giữ vai trò chủ lực trong việc đọc thơ phục vụ bè bạn bằng thơ
trí nhớ hoặc thơ ứng khẩu. Ai cũng khẳng định rằng tôi và anh đều có trí nhớ đặc
biệt, thuộc lòng bất kỳ bài nào của mình viết ra, cho dù là viết giỡn chơi. Thậm
chí giới giang hồ mỗi lần nghe tôi và anh đấu khẩu bằng thơ đều gọi là “Nam Chinh, Bắc Chiến”. Một lần ngồi dưới
chân cầu Công Lý trước nhà chị Phương Huệ, có mặt khá đông bá tánh tín đồ Phật
Giáo, Trần Mạnh Hảo đã cao hứng đọc oang oang bài thơ chinh phục thiên hạ. Bằng
trí nhớ tôi chép ra đây sau một thời gian quá lâu hơn 20 năm, nếu có sơ xuất hoặc
thiếu câu nào đoạn nào mong Trần Mạnh Hảo thông cảm:
PHÙNG PHẬT, SÁT PHẬT
Phùng
Phật phải sát Phật
Sát
Phật, Phật quay về
Ngộ
rồi mà chưa ngộ
Tỉnh
tỉnh mà mê mê
Thuý
Kiều vừa thành Phật
Mười
lăm năm tu hành
Cõi
tâm là cõi Phật
Lầu
không lầu không xanh
Phật
tự thân người đẹp
Không
dưng, sao Phật Bà
A
Di Ðà sát Phật
Phật
hoá thành đôi ta!
Tôi thấy tình hình căng quá bèn giải thoát cho các tín
đồ Phật Giáo bằng bài thơ thức ngộ sau đây:
PHÙNG PHẬT CỨU PHẬT
Trần
Mạnh Hảo sát Phật
Giữ
lại mình Quan Âm
Nói
theo kiểu phàm tục
Diệt
dục mà sinh dâm
Nói
theo kiểu cờ bạc
Úp
Tây mà lật Ðầm
Nói
theo Bùi hiền sĩ
Muốn
vậy chìa hai trăm!
Bao giờ cũng vậy, những cuộc đấu khẩu thơ giữa tôi và
Trần Mạnh Hảo đều làm thiên hạ bật cười nhẹ nhõm tới bến, sau khi thần kinh
căng thẳng cũng tới bến. Anh em văn nghệ mà. Những người có khả năng khuấy đảo
thiên hạ chỉ đếm trên đầu ngón tay, tại sao lại không biết thương nhau bảo vệ
nhau trước những cặp mắt cú vọ của đám tiểu nhân rình mò tâu hót ám hại.
Một giai thoại nữa có liên quan tới Trần Mạnh Hảo khi
họ Trần dẫn theo hai vị chức sắc thuộc tỉnh Hà Nam Ninh đến Hội Văn Nghệ 81 Trần
Quốc Thảo ăn nhậu và ra câu đối thách thức. Chuyện đó đã hơn 15 năm. Hôm đó tôi
đang ngồi uống bia dưới gốc cây đa cùng với Nguyễn Quốc Chánh, Ðoàn Vị Thượng…
và nhiều anh em văn nghệ khác. Hai bên chào nhau và ráp bàn. Trần Mạnh Hảo
tuyên bố: “Có một câu đối chúng tôi ra vế
mà từ Bắc vô Nam chưa ai đối được hoàn hảo về mặt nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu
các bạn trong bàn giải được, chúng tôi cá độ một chầu nhậu thả giàn”.
Vế đối ra như sau:
“BATA
đi giày vải”
Phải thú thật là vế ra quá độc. Bởi băng “Hà Nam Ninh”
của Trần Mạnh Hảo gồm đúng 3 người, mà cả 3 đều đi giày vải, và giày vải đều
mang hiệu BATA. Thế là anh em chiến hữu đều hướng mắt về phía tôi. Trong tình
thế chỉ mành treo chuông, tôi gật đầu cái rụp.
Sau 15 phút động não nhằm xác minh một đơn vị tiểu thủ
công nghiệp mang tên “Ðại Chúng” chuyên sản xuất dép râu ở Chợ Lớn, tôi hùng hồn
đứng dậy đối lại như sau:
“ÐẠI
CHÚNG lết dép râu”
Câu đối lại đã quá rõ ràng. Khi ba cán bộ đi giày Bata
thì đám đông đại chúng nghèo khổ đành phải mang dép râu lết bánh. Thế là sau một
hồi tranh cãi gọi điện thoại bàn xác minh cơ sở sản xuất dép lốp Ðại Chúng có
thật hay không thì băng Trần Mạnh Hảo đành phải chung độ chứ còn phải hỏi.
Cũng trong giai thoại về câu đối, nhân đây tôi nhắc
chuyện này như một nén nhang thắp tặng linh hồn hai vị thuộc giới văn nghệ đã
khuất. Ðó là hai nhà thơ trào phúng Tú Rua và bác Cử Tạ, vốn là hai nhân vật nằm
trong hai câu đối của tôi. Chuyện xảy ra vào cuối thập niên 80 khi tôi và Lê Dụng
(con trai cố nhạc sĩ Hoàng Việt) đến nhà Tú Rua chơi. Nhà thơ trào phúng Tú Rua
vừa là chủ tiệm may đắt khách, vừa là một cộng tác viên đắc lực của báo Văn nghệ
Thành phố, nơi Lê Dụng công tác. Trong lúc trà dư tửu hậu chén tạc chén thù,
ông chủ tiệm may Tú Rua cao hứng phán một câu “Nghe đồn Bùi Chí Vinh có khả
năng ứng tác về ca từ thi phú cổ điển. Vậy ông có ngon làm hai câu đối nói về
chí khí của Tú Rua tôi trong sáng như sao Tua Rua trên bầu trời đêm thì tôi sẵn
sàng đãi ông và Lê Dụng suốt một ngày khắp các quán Sài Gòn”. Lời phán của Tú
Rua như một tiếng sét đánh ngang mày. Mà đã là sét đánh thì nháng lửa và tung
tóe như sao. Bất giác tôi liên tưởng đến bác Cử Tạ phụ trách mục “Ôn Cố Tri
Tân” trên báo Long An cuối tuần thường hay bốc thuốc Ðông Y ở khu Ông Tạ. Tôi
nháy mắt với Lê Dụng như một nhân chứng và xuất khẩu thành… hai câu đối như sau:
TÚ
RUA “rua” SAO RUA
CỬ
TẠ “tạ” ÔNG TẠ
Tôi thấy Lê Dụng khoái trá, còn Tú Rua lặng người.
Trong ba từ “rua” của vế trên thì chữ “rua” thứ nhì là tiếng Pháp có nghĩa là
“bắt tay”. Tương tự trong ba từ “tạ” của vế đáp thì chữ “tạ” thứ nhì thuộc tiếng
Hán có nghĩa là “vái chào”. Và kết quả là chúng tôi say xỉn quắc cần câu như thế
nào có lẽ các bạn cũng hình dung ra được.
Cũng trong thập niên 80, tôi thường xuống khu Ông Tạ
giao du với gia đình nhà văn Lưu Ngũ và các hảo hớn anh chị sống ngoài vòng
pháp luật ở khu vực đó. Lưu Ngũ xuất thân là cựu trung uý Biệt động quân của
quân đội Sài Gòn, sau giải phóng đi học tập cải tạo và trở thành nhà văn bất đắc
dĩ nhờ đoạt giải văn học thành phố năm 1976 – 1977 với truyện dài Vũng Lầy. Anh
chán ghét chiến tranh đến mức độ chỉ muốn làm con người, nhưng làm con người giữa
thời đại “bo bo” và “xuyên tâm liên” thì quả khó làm sao. Trong một đêm nhậu đã
đời với những kẻ “Ðảng nghi ngờ, nhân dân chú ý” chúng tôi đã đi lang thang
trên đường phố chỉ toàn xe đò chạy bằng than, nhìn thấy những chiếc xích lô kiếp
ngựa thồ mà phu xe toàn là cựu chiến binh bộ đội lẫn quân đội chế độ cũ, chúng
tôi tiếp tục nhìn thấy những giọt lệ ứa ra từ các mệnh phụ phu nhân, các tiểu
thư nghèo khổ phải “đứng đường” đón khách kiếm tiền độ nhật. Bài thơ “Sinh nghi
hành” mở đầu một giai thoại truyền khẩu sau này ra đời từ đó:
SINH NGHI HÀNH
Sinh
nghi ta viết một bài hành
Vợ
nghi chồng, em út nghi anh
Cha
nghi con cái, bè nghi bạn
Thủ
trưởng thì nghi hết ban ngành
Láng
giềng dòm ngó nghi hàng xóm
Ngoài
đường nghi phố chứa lưu manh
Ngay
ta khi viết bài in báo
Cũng
nghi mình kiếm chác công danh
Trời
ơi, mọi chuyện sinh nghi thật
Chén
kiểu thường nghi kỵ chén sành
Thời
buổi công hầu như chén cứt
Thiếu
chó, mèo ăn cũng rất nhanh
Mèo
ăn cho chó leo bàn độc
Vừa
sủa vừa nhai riết cũng rành
Trẻ
con khát sữa, ai cho bú
Vú
mẹ gầy, sâu rúc nồi canh
Quang
Trung bỏ núi Tây Sơn xuống
Hoảng
hốt vì gương vỡ chẳng lành
Nguyễn
Du chỉ một đêm dạo phố
Ðoạn
Trường ngồi viết lại Tân Thanh
Thuý
Kiều phát triển nhiều như thế
Thảo
nào đất nước hoá lầu xanh
Nhà
tù phát triển nhiều như thế
Kẻ
sĩ làm sao dám học hành
Ta
làm thơ mà lòng đứt ruột
Suốt
đời bao tử chạy loanh quanh
Lãnh
tụ nói “đói quên nghi kỵ”
Ơn
ấy ngàn năm sáng sử xanh
Trước khi tạm ngưng phần đầu bài viết “Giai thoại của thi sĩ” này, tôi thiết
tưởng không có gì ý vị hơn khi nhắc đến một ông bạn phương xa là Nguyễn Lương Vị.
Hồi còn ở trong nước chưa định cư ở Mỹ, Nguyễn Lương Vị sống cùng địa phương với
tôi, và những lúc buồn bã cô độc, anh thường ghé nhà rủ tôi nhâm nhi chén rượu
quên sầu. Anh buồn vì một lý do cực kỳ giản dị: anh là một con người chứ không
phải một con thú hoặc một cỗ máy. Thậm chí anh còn rung động nhanh hơn con người bình thường một bậc, bởi
anh là… thi sĩ.
Nguyễn Lương Vị thường ngồi bứt tóc trong lúc đánh cờ
tướng. Ðánh xong bàn cờ là tóc anh rụng như mưa. Anh sống nửa dại nửa khôn nửa
tỉnh nửa điên như thế nên phải tự giải thoát mình trong triết lý Phật Giáo. Mỗi
lần say xỉn anh thường thuyết giảng cho tôi nghe về tiểu thừa đại thừa, về sắc
sắc không không, về cõi luân hồi sát na sát khí… để cho tôi “choáng” mà bớt quậy.
Nào dè tôi quậy còn tưng bừng hơn. Tôi có tặng anh bài thơ sau đây trước khi
anh sum họp gia đình bên Mỹ:
PHẬT SỐNG
Chư
huynh bàn về tu luyện
Ðứa
đại thừa, đứa tiểu thừa
Ðứa
nào cũng sắp thành Phật
Chỉ
mình ta còn gươm khua
Ðời
này nói đến hơn thua
Biết
bao giờ cho hết chuyện
Ta
thấy chư huynh yêu chùa
Cũng
là tự thân bảo hiểm
Nhưng
tu như vậy còn kém
Biết
khôn lựa gốc bồ đề
Có
người tu hang Pắc Bó
Sau
này thành Phật sướng ghê!
7. 2008
Bùi Chí Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ