Nguồn:
Từ
Đại Đô Đốc Hải Quân đến người tỵ nạn xứ Cao Ly
https://www.dkn.tv/van-hoa/dung-tuong-dai-viet-danh-bai-quan-nguyen-mong-2-lan-tren-dat-trieu-tien-ong-la-ai.html
Trần Thủ Độ đưa nhà Trần lên ngôi, Lý Long Tường bái tạ đất Việt rồi lưu vong. (Ảnh: Youtube)
Có
bài thơ rằng:
“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
(Bạch Đằng Giang Phú - Trương Hán Siêu)
Lịch
sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến
công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và
dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của
cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?
Việt
Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo
Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn
còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt
Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn
cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải
nghiệm riêng.
DŨNG TƯỚNG ĐẠI VIỆT ĐÁNH BẠI QUÂN NGUYÊN MÔNG 2 LẦN TRÊN ĐẤT TRIỀU TIÊN, ÔNG LÀ AI?
Tĩnh Thuý (ĐKN)
Lịch
sử hay nhắc đến nhà Trần với 3 lần thắng quân Mông Cổ như một thần tích. Nhưng
ít ai biết là trên xứ Cao Ly xa xôi, một dũng tướng Đại Việt cũng đường hoàng
đánh bại quân Nguyên Mông đến 2 lần. Đó chính là hoàng tử Lý Long Tường.
Hàn Quốc hay Cao Ly ngày xưa là một xứ sở xinh đẹp và có nền
văn hóa lịch sử rất đáng ngưỡng mộ. Trong thời đại ngày nay, họ đã thành công
khi phần nào khôi phục văn hóa cổ và định hình văn hóa hiện đại, đồng thời còn
xuất khẩu văn hóa “Made in Korea” ra khắp thế giới.
Những chàng trai cô gái Hàn Quốc xinh tươi trong các series
phim truyền hình trở nên vô cùng nổi tiếng và hút khán giả, đặc biệt ở Việt
Nam.
Hưởng ứng theo làn sóng hâm mộ các nam tài tử Hàn Quốc,
chúng tôi xin gửi đến quý độc giả câu chuyện độc đáo về “Bạch mã Hoàng tử” thật
sự ở Cao Ly nhưng lại đến từ Việt Nam khoảng… 800 năm trước.
Chúng tôi đang kể về Hoàng tử Lý Long Tường (李龍祥, Hàn ngữ: 이용상/ Yi Yong-sang). Ông
là hoàng tử triều Lý nước Đại Việt, sau trở thành Hoa Sơn Tướng quân (Hwasan
Sanggun) nước Cao Ly và là ông tổ của dòng họ Lý Hoa Sơn (Hoa Sơn Lý thị) ngày
nay tại Hàn Quốc.
Lý Long Tường sinh năm 1174 (Giáp Ngọ), là con thứ bảy của
vua Lý Anh Tông (trị vì 1138-1175) và Hiền phi Lê Mỹ Nga. Ông được ban chức
Thái sư Thượng trụ quốc, Khai phủ nghị đồng tam tư, Thượng thư tả bộc xạ, lĩnh
đại đô đốc hải quân, tước Kiến Bình vương. Ông là em trai vua Lý Cao Tông và là
chú của Lý Huệ Tông.
Với tư cách là con vua Anh Tông, em trai vua Cao Tông, chú
Huệ Tông nên có thể nói Lý Long Tường là một trong những hoàng thất quan trọng
có vai vế vào hàng cao nhất của nhà Lý. Ông lại nắm trong tay lực lượng trên biển
hùng mạnh nhất trong khu vực thời bấy giờ, đó là hạm đội hải quân nhà Lý (trú
đóng tại Đồ Sơn).
Nhưng cuộc đời vốn không như là mơ, một vị hoàng thất tôn
quý quyền uy như vậy cũng không thoát khỏi số phận trầm luân trong thời khắc biến
động của lịch sử. Năm 1225, Trần Thủ Độ lật đổ nhà Lý bằng cách đưa cháu là Trần
Cảnh vào hầu Lý Chiêu Hoàng, dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và nhường
ngôi để lập ra nhà Trần. Sau đó Trần Thủ Độ (anh hùng và gian hùng) tiến hành
tàn sát con cháu nhà Lý, buộc con cháu nhà Lý đổi qua họ Nguyễn, đày con cháu
nhà Lý đi lên vùng núi non hiểm trở phía bắc.
Năm 1226 (tức niên hiệu Kiến Trung thứ hai đời vua Thái Tông
nhà Trần), để bảo toàn tính mạng và lo việc thờ cúng tổ tiên, Lý Long Tường đã
bí mật về Kinh Bắc, vái lạy tạ biệt lăng miếu Đình Bảng, tới Thái miếu thu gom
các bài vị, các đồ tế khí, rồi trở lại Đồ Sơn cùng sáu ngàn gia thuộc qua cửa
Thần Phù, Thanh Hóa chạy ra biển Đông trên ba hạm đội. Vậy là hoàng tử nhà Lý
đã trở thành một trong những thuyền nhân tỵ nạn đầu tiên của nước ta.
Điềm
lành đến từ phương Nam
Cuộc hành trình rời bỏ quê hương không bao giờ là dễ dàng.
Đó không phải là những chuyến ra khơi đánh cá, cũng không phải những cuộc viễn
chinh huyền thoại của Lý Thường Kiệt, tuy vất vả nhưng sau đó đều khải hoàn
quay về. Đoàn thuyền chiến gồm 3 hạm đội từng lừng lẫy biển cả năm xưa giờ phải
tháo chạy vô định trên biển, không biết ngày mai sẽ ra sao. 52 tuổi nhưng vẫn
phải đem cả gia quyến lưu lạc, mỗi khi nghĩ về cố hương, lòng của vị hoàng tử
đô đốc vẫn quặn lên từng hồi, vì nỗi nhớ quê và vì không biết ngày mai điều gì
đang chờ đợi ông và đoàn quân vong quốc này.
Sau một tháng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền gặp bão lớn
phải ghé vào Đài Loan. Khi Lý Long Tường quyết định lên đường thì một chuyện buồn
khác lại đến, con trai ông là Lý Long Hiền ốm nặng nên phải ở lại đảo Đài Loan
cùng 200 gia thuộc. Sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, cuối cùng đoàn thuyền
bị bão dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây
Cao Ly.
Trời đúng là không tuyệt đường con người, một điềm trùng hợp
kỳ lạ báo trước số phận của đoàn người nhà Lý đã diễn ra ngay trước khi họ đến
vương quốc Cao Ly.
Đất nước Cao Ly lúc này đang dưới thời Cao Ly Cao Tông (trị
vì 1213–1259) là vị vua thứ 23 của Cao Ly trong lịch sử Triều Tiên. Ông là con
trai duy nhất của Cao Ly Khang Tông và Nguyên Đức Vương hậu, được Thôi Trung Hiến
đưa lên làm vua, nguyên danh là Vương Hạo, tự Thiên Hựu.
Dù lên ngôi năm 1213, vua Cao Tông không có nhiều quyền lực
cho đến khi các quân sư đầy quyền lực bị giết hết. Năm 1216, Đế quốc Khiết Đan
xâm lược nhưng đã bị đánh lui. Nhưng quốc gia lại đứng trước nguy cơ xâm lăng của
một kẻ thù còn mạnh hơn gấp bội, đó là người Mông Cổ. Vị vua trẻ Cao Tông đầy
hùng tâm tráng chí đang rất đau đầu khi quốc gia còn yếu, không thể có vị đại
tướng tài ba giúp ông chống ngoại xâm.
Ông trời đã mỉm cười với Cao Tông, vào đêm nọ ông nằm mơ thấy
một con chim phượng hoàng cực lớn bay đến từ phương Nam và đậu xuống bờ biển
Cao Ly.
Điềm
lành từ phượng hoàng báo mộng Lý Long Tường đến xứ Cao Ly.
(Ảnh: medium.com)
Thấy giấc mơ quá lạ, ông kể lại cho quan chiêm tinh của mình
nghe, các quan nghe xong rồi đều đồng loạt tâu rằng:
“Xin
chúc mừng hoàng thượng. Phượng Hoàng là vua của loài chim, còn có nghĩa là dòng
dõi hoàng tộc cao quý và mang điềm lành. Nay nó đậu xuống nước ta nghĩa là bệ hạ
là vị Thiên Tử được lòng Trời, nên ông Trời cho chim Phượng đến, cũng có nghĩa
là thời gian ngắn sắp tới sẽ có người tài giỏi thuộc dòng dõi cao quý đến từ
phương Nam, không phải phía Nam của nước ta (Cao Ly) mà là đến từ một quốc gia
phía Nam. Người này chắc là mãnh tướng mà bệ hạ đang mong chờ”.
Cao Tông nghe vậy mừng rỡ vô cùng, liền xuống chiếu cho người
đi tìm khắp nơi. Trùng hợp vào thời điểm đó, hạm đội lưu vong của Lý Long Tường
cũng vừa cập bến Cao Ly.
Thông qua bút đàm và đàm thoại bằng Hán tự mà Lý Long Tường
có thể trình bày thân thế và sự việc của mình, và cũng qua giấc mộng nói trên
nên vua Cao Ly lệnh cho chính quyền địa phương tiếp đón ân cần, và đồng ý cho
Lý Long Tường ở lại dung thân.
Tại đây Lý Long Tường cùng tướng sĩ, gia thuộc trồng trọt,
đánh cá, chăn nuôi. Triều Lý là triều đại huy hoàng của Đại Việt, phát triển vượt
bậc cả văn trị lẫn võ công, nên Lý Long Tường lại càng là vị võ tướng tài kiêm
văn võ.
Cảm cái ân tri ngộ của vua Cao Tông, ông đem hết những sở học
đắc ý cả đời mở ra để dạy cho dân xứ này, mong muốn biến họ thành một dân tộc lễ
nghi văn võ như triều Lý vào thời hoàng kim. Do đó ông mô phỏng theo cách thức
nhà Lý, cho mở độc thư đường dạy văn (thi phú, lễ nhạc, tế tự) và giảng võ đường
dạy võ (binh pháp, võ thuật). Học trò theo học rất đông, lúc nào cũng trên
nghìn người. Kể từ thời đại này mãi đến vài trăm năm sau, hầu như những danh tướng
danh thần phần lớn đều xuất thân từ các ngôi trường này. Đây quả là điềm lành
và món quà từ Thiên thượng dành cho vua và dân Cao Ly vậy.
Lý
Long Tường cập bến Cao Ly dùng những kiến thức và kinh nghiệm có được, mở Độc
Thư Đường. (Ảnh: Pinterest)
Hai
lần chiến thắng quân Nguyên Mông
Lịch sử hay nhắc đến nhà Trần với 3 lần thắng quân Mông Cổ
như một thần tích. Nhưng ít ai biết là trên xứ Cao Ly xa xôi kia có một dũng tướng
Đại Việt cũng đường hoàng đánh bại chính diện quân Nguyên Mông đến 2 lần. Đó
chính là hoàng tử tỵ nạn Lý Long Tường.
Vào năm 1225, dưới triều vua Cao Tông (trị vì từ 1213-1259),
vị vua thứ 23 của nhà Cao Ly, Đế quốc Mông Cổ gửi sứ giả đến Cao Ly yêu cầu cống
nộp nhưng Cao Ly từ chối, đồng thời còn giết chết sứ giả của Mông Cổ là Trứ Cốc
Dư (Chu-ku-yu).
Năm 1232, Đại hãn Oa Khoát Đài (Ogotai) đem quân tiến đánh
Cao Ly bằng hai đường thủy bộ. Về đường thủy, quân Nguyên Mông vượt biển tiến
đánh tỉnh Hoàng Hải nhưng bị Lý Long Tường lãnh đạo tướng sĩ, gia thuộc và quân
dân địa phương đẩy lui. Khi ra trận, ông thường cưỡi ngựa trắng mặc áo giáp trắng
bào trắng đôn đốc quân sĩ, nên nhân dân gọi ông là Bạch Mã Tướng quân.
Nói vui một chút, bản thân ông cũng từng là hoàng tử, chẳng
lẽ nào xưng hiệu “Bạch Mã Hoàng Tử” xuất hiện từ đây? Chỉ có điều là hơi trái với
mơ ước thực tế của chị em về một anh chàng trẻ trung lịch lãm, tướng quân Lý
Long Tường vẫn oai hùng lịch lãm nhưng năm đó đã 58 tuổi rồi.
Nhà Nguyên nổi tiếng với các chiến dịch trên bộ nhưng sau
này đã phát triển thêm thủy quân để tấn công các nước như Đại Việt, Cao Ly, Nhật
Bản. Lúc ấy lực lượng gửi đến Cao Ly cũng là lực lượng hùng mạnh ghê gớm. Xứ
Cao Ly thời đó hải quân không mạnh lắm, vậy vì sao trong thời gian ngắn lại có
thể đánh bại quân Nguyên Mông cường như thế? Điều này có được hoàn toàn nhờ
công của Lý Long Tường.
Cũng cần nhấn mạnh một chút là, xét về khả năng chiến đấu của
Hải quân thì Hải quân nhà Lý thời đó là không có đối thủ ở châu Á (lục quân
cũng không kém khi có thể đánh bại nhà Tống xâm lược). Nước mạnh nhất châu Á thời
đó là nhà Tống cũng chịu nhục khi Lý Thường Kiệt ngang nhiên mang hải quân viễn
chinh hoành hành vô địch ngay trong lãnh thổ Tống ở Khâm Liêm 2 châu.
Vì thế Lý Long Tường khi ấy là Đại Đô Đốc Hải Quân, ông đã
đem đi 3 hạm đội mạnh nhất gồm 6000 thủy thủ và gia thuộc, đó là những tinh anh
trong Hải quân nhà Lý. Cái cần thiết nhất để xây dựng hải quân tinh nhuệ chính
là lực lượng thủy thủ nòng cốt tinh thông hải chiến và một vị đô đốc cùng bộ chỉ
huy chuyên tác chiến biển xa. Lý Long Tường đã đem cả hai thứ này dâng lên cho
vua Cao Ly, đồng thời lại thành lập giảng võ đường chuyên đào tạo võ công và
binh pháp cho sĩ quan cả thủy lẫn bộ.
Sự
hung hãn của quân Mông. (Ảnh: khoahoc.tv)
Quân Nguyên Mông cay cú không phục nên lại đánh phục thù lần
nữa vào 21 năm sau. Nhưng có lẽ người Việt Nam trời sinh là khắc tinh của dân
du mục Mông Cổ, quả đúng là:
“Địa
chuyển ngã Việt chủng cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành
thiên vạn lý.
Thiên
sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung quốc sử tiền miễn Nguyên triều đô hộ nhất
bách niên”.
Tạm dịch:
“Đất
mà chuyển dân Việt ta sống phương Bắc, vó ngựa Mông Cổ không thể tung hoành
châu Âu ngàn vạn dặm.
Trời
mà sinh thiên tài này ở nhà Tống, sử Trung Hoa đâu ghi dấu đô hộ Nguyên Triều một
trăm năm”.
Vì đụng phải khắc tinh vĩ đại nhất lịch sử của mình nên
Nguyên Mông đành phải nuốt hận lần nữa dù kẻ địch của chúng đã gần 80 tuổi.
Năm 1253, Đại hãn Mông Ca lại đem quân đánh Cao Ly lần thứ
hai. Quân Nguyên Mông do Đường Cơ chỉ huy tấn công Hoàng Hải cả đường thủy lẫn
đường bộ. Lý Long Tường lãnh đạo quân dân trong vùng chống trả quân Nguyên Mông
suốt 5 tháng ròng. Các đệ tử và tướng lãnh quân dân trong vùng bằng binh pháp của
Đại Việt do ông truyền dạy đã đánh cho quân giặc nhiều trận thua đau. Quân Mông
Cổ hết cách bèn bày mưu ám sát ông, chúng giả vờ giảng hòa, tặng ông năm hòm
vàng bạc châu báu lớn để làm lễ vật, nhưng chúng cho thích khách núp ở bên
trong để khi mở hòm ra là ám sát.
Đoán biết âm mưu của giặc, ông cho người khoét lỗ hòm rồi đổ
nước sôi vào, cả năm tên thích khách bị “luộc” chín, sau đó ông cho xe trả quân
giặc. Quân Mông Cổ không còn cách nào khác và đã thua quá nhiều nên vì thế phải
xin được rút về nước và lập đàn thề không xâm lược Cao Ly. Nơi quân Mông Cổ đầu
hàng được gọi là Thụ hàng môn và vua Cao Ly cũng cho lập bia tại đây để ghi
công ông (di tích này hiện nay vẫn còn).
Sau chiến công này, vua Cao Ly đổi tên Trấn Sơn thành Hoa
Sơn, phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn Quân hay Hoa Sơn Tướng Quân (Hwasan Sang
Gung) ban cho vùng Hoa Sơn làm thực ấp để sinh sống và thờ cúng tổ tiên. Kể từ
đó đã bắt đầu huyền thoại của một trong những dòng họ cổ xưa và danh giá nhất
Hàn Quốc – Hoa Sơn Lý Thị.
Vinh
hoa phú quý như mây nổi, quê nhà đau đáu mỗi chiều về
Bản thân lập đại công được phong tước vị, gia tộc định cư hưởng
vinh hoa phú quý đời đời ở Cao Ly, những tưởng Lý Long Tường sẽ hài lòng với những
gì đã đạt được những năm tháng cuối đời nơi xứ người. Nhưng trong lòng ông, dẫu
có xa xôi cách trở thì nỗi nhớ quê nhà vẫn thắt ruột mỗi chiều về.
Sống ở Hoa Sơn, Lý Long Tường đặt hiệu là Vi Tử Động. Mục
đích ra đi của Lý Long Tường là để giữ việc thờ cúng tổ tiên như trường hợp Vi
Tử đời Ân đã làm, nên ông đặt hiệu là Tiểu Vi Tử và nơi ở là Vi Tử Động.
Tại đây ông cho xây một ngôi đình làng y như kiểu đình làng ở
quê hương. Hàng năm vào dịp Tết và hội, người Lý Hoa thôn dù đi làm ăn xa khắp
lãnh thổ Cao Ly cũng trở về làng ăn Tết, cũng có “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây
nêu tràng pháo bánh chưng xanh” như phong tục Đại Việt.
Khi dân làng cúng lễ dâng hương tại đình thì vị tiên chỉ mở
Quốc phả ra đọc cho con cháu nghe về nguồn gốc của người Lý Hoa thôn. Ba hồi
chuông, trống âm vang trong không khí thiêng liêng. Sau khi dâng hương, người
dân Lý Hoa thôn khấn vái, đầu phủ phục trước đình, hướng về phương Nam cố quốc.
Phong tục ấy được nối tiếp đời đời qua nhiều thế hệ.
Tại Hoa Sơn có một ngọn núi cao nhất gọi là Quảng Đại Sơn.
Tương truyền rằng ngày ngày lão tướng quân Lý Long Tường dẫu tuổi cao sức yếu
nhưng vẫn lên đó ngóng trông về phương Nam mà khóc. Vì thế, ngọn núi mang tên
“Vọng Quốc Đàn” hay “Vọng Cố Hương”. Có lẽ kế thừa tình cảm yêu quê hương da diết
từ vị tổ Lý Long Tường, mà các thế hệ con cháu họ Lý Hoa Sơn luôn hướng về quê
cha đất tổ.
Ngày nay trên đại lộ từ phi trường Gimpo về thủ đô Seoul, du
khách được chiêm ngưỡng pho tượng Bạch Mã Tướng Công do chính phủ Hàn Quốc xây
dựng từ thập niên 1960.
Dù
là vương của xứ người nhưng trong ông nỗi nhớ quê hương lúc nào cũng trong
lòng.
(Ảnh: ĐKN)
(Ảnh: ĐKN)
Gia
tộc truyền thừa 800 năm, nhân tài lớp lớp
Lý Long Tường có hai người con trai trên đất Cao Ly, sau này
đều làm quan cho triều đình. Hậu duệ của Lý Long Tường là một danh gia vọng tộc
ở Hàn Quốc, từng nhiều đời làm quan to trong triều, được ca ngợi là những người
trung nghĩa. Khi triều đại ở Cao Ly thay đổi, trong họ có hai vị hiền sĩ về quê
quy ẩn, không ra làm quan với triều đại mới, giữ lòng trung với vua cũ, được sử
sách Cao Ly ngợi khen là tiết liệt.
Đặc biệt trong dòng họ có Tổng thống Lý Thừa Vãn – vị Tổng
thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc. Trong chuyến viếng thăm Sài Gòn ngày
6/11/1958 ông đã nói: “Tổ tiên tôi là người Việt Nam đấy”. Câu nói này hồi đó
được báo chí Sài Gòn đăng tải rầm rộ trên trang nhất. Ông chính là cháu đời thứ
25 của Lý Long Tường.
Gia phả của họ Lý Hoa Sơn lại chia làm hai nhánh rẽ. Trải
qua cuộc chiến Triều Tiên năm 1950 – 1953, một nhánh đi từ Hoa Sơn xuống Hàn Quốc
ngày nay, định cư tại vùng Andong và BongHwa (gần thành phố DaeGu) có khoảng
4.000 người. Nhánh còn lại ở Bắc Triều Tiên còn khoảng 1.500 hộ.
“Bao
giờ rừng Báng hết cây, Tào khê hết nước, Lý nay lại về”
Lời sấm truyền hàng trăm năm đã được ứng nghiệm sau 768 năm
kể từ ngày Lý Long Tường đặt chân lên Cao Ly. Rừng Báng giờ đã thành đồng ruộng
xanh ngắt, ngòi Tào Khê giờ cạn trơ không còn nữa, cũng đã đến lúc những cánh
chim xa quê được quay trở về với quê cha đất Tổ.
Ngày 18/5/1994, Lý Xương Căn – hậu duệ đời thứ 31 chính là
người họ Lý đầu tiên làm được “sứ mệnh tổ tiên” – đã làm lễ cúng bái tổ tiên ở
nơi thờ cúng 8 vị vua nhà Lý – ở TX. Từ Sơn, Bắc Ninh.
Năm 2000, ông Lý Xương Căn đã đưa cả gia đình gồm cụ thân
sinh (Lý Khánh Huân), vợ và 3 con về Hà Nội sinh sống. Cậu con trai út sinh ra
vào năm ông về thăm quê nên đặt tên là Lý Quốc Việt.
Ngoài gia đình ông Lý Xương Căn, một hậu duệ khác nổi tiếng
tại Seoul là ông Lý Hy Luận (Chủ tịch cộng đồng họ Lý xuất thân từ Hoa Sơn), cựu
Tổng giám đốc Tập đoàn xây dựng lớn Booyoung lẫn tham gia Tập đoàn công nghiệp
chế tạo Hyundai cũng có nhiều đóng góp xây dựng kinh tế ở Việt Nam.
Năm 2003, Chủ tịch tập đoàn tài chính Golden Bridge (tức Cầu
Vàng) Lý Tường Tuấn, một hậu duệ của Lý Long Tường sang Việt Nam, về đền Đô bái
yết tổ tiên. Năm 2006, ông thành lập văn phòng đại diện ở Hà Nội. Năm 2008 ông
được vinh danh là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của châu Á.
Quang
cảnh Đền Đô ngày nay. (Ảnh: Wikipedia)
Lời
kết:
Dân gian có câu: “Phúc đức tại mẫu”, họ Lý Hoa Sơn thịnh vượng
suốt 800 năm cũng là có lý do của nó. Triều Lý lập quốc trong lúc nước nhà rối
ren nhưng Thái Tổ vẫn quyết dời đô ra Thăng Long, xác lập nền đại thống cho
ngàn đời sau. Dẫu quốc gia còn nhiều khó khăn, các đời vua Lý từ cha đến con vẫn
cai trị hết sức nhân từ và tận tâm, ngoài ra còn ra sức hoằng dương Chính Pháp,
dùng đức hạnh của bản thân mình làm gương cho thiên hạ, chính tín Thần Phật, sống
đời đạo đức, khiến cho ngàn vạn dân được ấm no an lạc, nhà nhà sống cuộc đời
yên vui.
Nền tảng mà họ Lý đã gây dựng ấy, đến ngày nay dân ta vẫn
còn phải nhớ ơn. Đức hạnh của họ đâu chỉ ban ân cho con dân Đại Việt, chỉ một
người cháu 7 đời của Thái Tổ cũng khiến cho toàn dân Cao Ly được phúc khỏi xâm
lăng, lại còn dạy dỗ cho binh lính và vua quan được khai sáng tâm trí cả văn lẫn
võ. Ai đã dùng bản thân mình làm gương, 80 tuổi vẫn xông pha nơi tiền tuyến? Ai
cả đời thờ vua cúc cung tận tụy không màng phú quý vinh hoa, đến chết vẫn không
lúc nào quên hình ảnh quê nhà?
Chính lối sống, đạo đức và tâm nguyện xuyên suốt từ Thái Tổ
đến Long Tường mà ghi dấu son cho Lý Triều cũng như tạo nên phúc ấm suốt 800
năm đằng đẵng cho Hoa Sơn Lý Gia vậy. Hãy đọc câu lưu bút của hậu duệ đời thứ
31 khi lần đầu tiên về Việt Nam, chúng ta sẽ cảm nhận được tinh thần này của họ
Lý và hiểu được nguyên do hưng thịnh lâu dài của họ.
“Cháu
chắt xin thề nguyện không làm điều gì tổn thương đến vong linh tổ tiên bằng cả
tinh thần và sứ mệnh đặc biệt” – lưu bút của ông Lý
Xương Căn (Chủ tịch Ủy ban Người họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc) ghi trong sổ lưu niệm
tại đền Lý Bát Đế năm 1994.
Tĩnh Thuỷ
Cám ơn anh Phu Doan đã giới thiệu!
Trả lờiXóaCám ơn tác giả bài viết!
Xin phép chép về trang cá nhân để nhiều người cùng được đọc!