Trong 8 năm trời là Đệ nhất Ân phi của Vua Khải Định
bà Hồ Thị Chỉ vẫn không cảm thấy hạnh phúc vì khắc sâu trong tim bà vẫn là hình
bóng của vị vua ái quốc Duy Tân.
Thượng thư bộ Học Hồ Đắc Trung có 4 người con 2
trai, 2 gái. Trong đó, cô con gái áp út Hồ Thị Chỉ nổi tiếng là một giai nhân
quốc sắc thiên hương, cầm kỳ thi họa đều thông tỏ lại sử dụng được 2 ngoại ngữ
là Hán ngữ và Pháp ngữ khiến người đời đều ngưỡng mộ. Tuy tài sắc vẹn toàn lại
sớm bén duyên với hoàng thất, cuộc đời của Hồ Thị Chỉ ngỡ như một bộ phim cổ
trang hạnh phúc thế nhưng lại có kết cục buồn.
Vua Duy Tân (Ảnh: App)
Theo sử sách, vào khoảng năm 1913, khi vua Duy Tân
14 tuổi, tại vị được 6 năm, nhằm tránh việc nhà vua thiếu niên vướng vào chính
trị như vua cha Thành Thái, người Pháp đã cho xây tòa “Thừa lương” ở Cửa Tùng
(Quảng Trị).
Mỗi độ hè về nhà vua sẽ tới đây nghỉ ngơi và tắm biển,
đi theo đoàn tùy tùng của vua những lần ra Cửa Tùng có ông Hồ Đắc Trung, cùng 4
người con trong đó có Hồ Thị Chỉ và em gái bà là Hồ Thị Hạnh, để nhà vua có bạn
trò chuyện và nô đùa. Khi ấy, Hồ Thị Chỉ mới 12 tuổi nhưng đã toát nên vẻ xinh
xắn yểu điệu, lại có phong thái đoan trang dễ mến. Ngay từ phút đầu tiên gặp mặt,
hai người đã có tình cảm với nhau.
Sư bà Diệu Không (tức Hồ Thị Hạnh, em ruột Hồ Thị Chỉ)
viết trong hồi ký.
“Mỗi buổi sáng, mặt trời vừa mọc, vua cho đòi đám trẻ
đến để cùng đi ra biển bơi lội. Thầy tôi căn dặn chúng tôi phải giữ lễ vua tôi,
không được tự do cười nói như đối với người thường, nhưng nhà vua lại rất dung
dị, gọi các anh tôi bằng anh, gọi tôi bằng em. Ngài ít nói chuyện với chị tôi.
Mỗi khi vui đùa cùng hai anh tôi và tôi, ở những trò chơi con nít, vua chỉ nhìn
chị tôi mà không mời chơi. Khi nào Ngài cũng tỏ ra vui vẻ, song vẫn nghiêm
trang. Chúng tôi rất mến Ngài, nhưng vẫn không dám cười đùa nhiều, sợ thầy
chúng tôi quở. Khi mùa hè gần hết, vua tôi chia tay, chị tôi khóc. Ngài nói nhỏ
với tôi: Dỗ chị đi em, rồi sang năm chúng ta gặp lại”.
Bà Hồ Thị Chỉ (Ảnh: Dân Việt)
Năm sau gần đến hè, vì Hồ tiểu thư đã lớn nên mẹ bà
không cho phép bà theo các anh ra chơi ở Cửa Tùng. Hồ Thị Chỉ thương nhớ nhà
vua nên cứ nước mắt ngắn nước mắt dài, vậy mà vẫn không lay chuyển được quyết định
của mẫu thân. Về phần mình, vua Duy Tân cũng rất buồn nhớ cô tiểu thư họ Hồ
ngày nào… Do vậy, khi vua được hai bà Hoàng Thái Hậu cho phép nạp phi, ông đã
chọn Hồ Thị Chỉ.
Sư bà Diệu Không kể: “Mãn hè một tháng, một hôm có
thị vệ đến xin ảnh chị tôi đem vào nội (đình) cho hai Thái hậu xem mặt. Một tuần
sau, hai Ngài cho đòi thầy mạ (mẹ) tôi vào chầu và sau đó, tôi thấy kiệu vua đệ
ra nhà tôi một đôi bông tai và một đôi vòng vàng cho chị tôi, thầy mạ tôi quỳ lễ
bái lãnh… Đó là lễ hỏi của vua dành cho chị tôi. Chị tôi cũng ra lạy tạ ân vua
hạ cố”.
Thế nhưng, trớ trêu là cuối năm 1915, vua Duy Tân đã
mời Thượng thư Hồ Đắc Trung gặp riêng và rút lại lời hỏi cưới Hồ Thị Chỉ mà
không cho biết lý do. Đầu năm 1916, lễ nạp phi diễn ra, người ngồi kiệu hoa vào
cung là tiểu thư Mai Thị Vàng, con gái ông Mai Khắc Đôn, thầy dạy chữ Hán cho
vua Duy Tân.
Gia đình Thượng thư Hồ Đắc Trung, nhất là Hồ Thị Chỉ
đã rất thất vọng và buồn chán. Đến tháng 5/1916, vua Duy Tân bị Pháp bắt vì
tham gia vào cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quang Phục hội lãnh đạo, từ biến cố
này mọi chuyện mới dần được sáng tỏ. Theo lời của nhà vua sau khi bị người Pháp
bắt, sở dĩ ông thay đổi ý định kết hôn là vì không muốn gia đình Hồ Thị Chỉ phải
chịu liên lụy. Ban đầu người Pháp cũng đặt Hồ Đắc Trung vào vòng nghi vấn có
tham gia vào cuộc khởi nghĩa bất thành của Duy Tân. Nhưng nhờ lời khai của nhà
vua mà gia đình của ông thoát khỏi vòng lao lý.
Vị vua trẻ mới 16 tuổi, chẳng những đã biết lo lắng
cho vận nước mà còn sẵn sàng từ bỏ mối nhân duyên của mình để bảo vệ cho gia
đinh của người thân yêu quả thật khiến người ta phải cảm phục! Tiểu thư họ Hồ từ
đó càng thêm cảm mến tình cảm của Duy Tân và nguyện một đời sống chết vì vua.
Thế nhưng, ở đời mấy ai học hết được chữ “ngờ”…
“Nợ” vợ chồng với Khải Định
Vua Khải Định (Ảnh: Lịch Sử Việt Nam)
“Năm 1917, Khải Định ngự giá lễ đặt viên đá đầu tiên
xây trường Đồng Khánh. Vua thấy một nữ sinh xinh đẹp, khoan thai kính cẩn dâng
lên ngài một chiếc kéo mới tinh đặt trên một cái khay phủ gấm điều. Hoàng thượng
nhận chiếc kéo để cắt giải lụa hồng, buộc ngang cổng trường, trước khi tiến vào
sân hành lễ. Thế rồi, cô thiếu nữ sau này được đưa vào nội cung làm hoàng phi”,
sử sách chép.
Đối với gia đinh ông Hồ Đắc Trung, đây quả thật là một
tin chẳng lành, bởi vì Hồ tiểu thư vốn rất nặng tình với cựu hoàng Duy Tân, sao
có thể nhận làm vợ vua mới được. Bà Hồ Thị Chỉ từng vừa khóc vừa thưa với cha mẹ
rằng: “Con xin nguyện ở với cha mẹ trọn đời không lấy ai nữa hết!”
Thế nhưng, lệnh vua quả là khó trái, sau nhiều lần
thuyết phục, bà cũng đành chấp nhận lên xa giá về cung. Phần vì muốn cha mẹ
không phạm phải tội khi quân mà mắc vạ, phân vì nghe lời cô em Hồ Thị Hạnh: “Thầy
và anh Khải đều là văn nhơn, nay về làm ruộng sao được. Huống nữa còn 4 anh em
đang học ở Hà Nội, vậy ai là người nuôi các anh nên tương lai? Nếu chị mà không
biết hy sinh thì chị còn thua nàng Kiều đã bán mình chuộc cha. Còn Ngài (Duy Tân)
đã vị quốc gia, vậy sao chị không vị gia đình như Ngài đã hy sinh vì nước?”
Trở thành Đệ Nhất Ân Phi của vua Khải Định, người ta
thường thấy bà xuất hiện cùng chồng trong các buổi yên tiệc tiếp đãi quan chức
người nước ngoài. Với vẻ ngoài nổi bật xinh đẹp và kiến thức uyên bác về cả văn
hóa Phương Đông lẫn Phương Tây, bà nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các vị
công xứ.
“Tuy được gả cho vua mà tình người con gái vẫn còn
quyến luyến vua cũ không nguôi, còn thầy tôi làm quốc trượng… mà lòng vẫn buồn
nên thường lui tới chùa Trúc Lâm để tâm sự với ḥòa thượng Giác Tiêu cho vơi bớt
nỗi sầu thế sự”, sư bà Diệu Không cho biết.
Mới ngoài 20 mà phận gái đã long đong
Sau khi vua Khải Định mất năm 1925, bà Ân phi không
có con với nhà vua nên không còn được sống trong nội cung mà phải ở Cung An Định.
Cũng từ đó bà dần trở nên phiền muộn rồi hóa bệnh trầm cảm, không thuốc gì chữa
được. Các bác sĩ phương tây và ngự y nhiều lần chạy chữa đều bó tay, kể cả ông
Hồ Đắc Di anh ruột bà vốn là một bác sĩ giỏi, tốt nghiệp ở Pháp về nước (sau
này là hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hà nội), rất thương em gái, cũng bất lực.
Năm 1985 bà qua đời và được an táng cùng cha mẹ tại
TP Huế, gần chùa Hồng Ân do ni trưởng Diệu Không sáng lập và trụ trì.
Bà Hồ Thị Hạnh hồi còn trẻ
(Ảnh khoavanhoc-ngonngu)
Đời người như áng mây trôi, vốn là một tiểu thư khuê
các vừa xinh đẹp vừa tài giỏi, nhưng những bước ngoặt trong một thời kỳ lịch sử
biến động đã lấy đi của người con gái ấy một mối tình đẹp thời thiếu nữ và bẽ
bàng khiến bà trở thành góa phụ dù mới ngoài 20.
Câu chuyện về cuộc đời Hồ Thị Chỉ khiến ta không khỏi
thương cảm và luyến tiếc, để rồi khi nhìn lại cuộc đời mình, ta chợt nhận ra rằng:
Cần đâu giàu sang phú quý, cần đâu quyền cao chức trọng. Chỉ cần một gia đình
yên ấm bên cạnh người thân yêu, ấy đã là hạnh phúc nhất đời, thứ mà nhiều người
vẫn còn phải ao ước…
Trọng Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ