Thầy Lê Mậu Tâm
Dạy Triết lớp Đệ Nhất C (Lớp 12) Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị niên khóa 1966-1967
Trường trung học Đệ Nhị Cấp Nguyễn Hoàng cho đến hè năm 1966 chỉ có lớp Đệ Nhất ban A và ban B. Học sinh ban C sau khi đậu Tú Tài bán phần (Tú Tài I) nếu không chuyển qua ban khác, muốn tiếp tục học ban C thì phải vào Huế học ở trường Quốc Học (nam) hay trường Đồng Khánh (nữ).
Sau khi thi đậu, tôi và Nguyễn Văn Quang đem toàn bộ hồ sơ học sinh cùng với giấy giới thiệu chuyển trường của thầy Hiệu trưởng Thái Mộng Hùng đem nạp vào trường Quốc Học. Trường Quốc Học không mặn mà với học sinh Quảng Trị và chúng tôi cũng không có duyên với trường Quốc Học nên Quang và tôi (là hai người không muốn vào Huế học vì điều kiện kinh tế) ôm hồ sơ về lại trường Nguyễn Hoàng, thuật chuyện với thầy Hùng. Sau khi lắng nghe nỗi lòng ấm ức của chúng tôi, thầy gật đầu quyết định mở lớp Đệ Nhất C. Tôi và Quang mừng như hồi còn nhỏ mừng mẹ đi chợ về. Vấn đề không phải là trước đây không mở được lớp Đệ Nhất ban C mà vì không đủ sĩ số và thiếu một giáo sư ban Triết tốt nghiệp Đại học Sư phạm. May thay, năm này có thầy Tâm là giáo sư môn Triết, tốt nghiệp Đại học Sư phạm về dạy, và sĩ số chúng tôi là 28 người gồm hai ban Anh văn và Pháp văn. Vậy lớp Đệ Nhất C chúng tôi là lớp đầu tiên, và trường Nguyễn Hoàng trở thành trường Đệ Nhị Cấp có đầy đủ các ban. Xin cám ơn thầy Ký hiệu trưởng trường Quốc Học lúc bấy giờ, là người tạo nên sự về lại trường Nguyễn Hoàng của chúng tôi.
Thầy Tâm làm chủ nhiệm lớp chúng tôi. Dáng thầy cao ốm, điềm đạm, nghiêm túc, ít nói, mang phong cách của thầy giáo Triết. Thầy người thôn Bích La Đông, Quảng Trị, có gia đình và hai con. Đỗ Tư Nghĩa xin học miễn chuyên cần suốt năm, chỉ dự học các giờ Triết và dự thi Đệ Nhất và Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt để được trường chứng nhận học bạ khi thi Tú Tài II thôi. Sau này tôi cũng xin nghỉ hai tháng cuối học kỳ 2, để đi làm thêm kiếm tiền chuẩn bị cho việc học ở Huế năm tới, thì cũng được thầy chấp nhận.
Lớp thầy phụ trách sinh hoạt rất giống các lớp ở trường Đại học Văn khoa Huế khi tôi vào học. Việc học phần lớn tự giác, việc trực lớp hay nề nếp kỷ luật trong lớp chúng tôi đều tự quản. Bên ban tiếng Pháp thì Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Tịnh và Trịnh Ước phụ trách. Ban tiếng Anh thì Lê Mậu Minh và tôi trách nhiệm. Học sinh và quý thầy đến lớp cũng như sinh viên và giáo sư đến giảng đường.
Thầy Tâm dạy các môn Siêu hình học, Tâm lý học, Đao đức học, Luận lý học theo bài thầy soạn. Chúng tôi có tham khảo thêm sách giáo khoa của linh mục Trần Thái Đỉnh (Siêu hình học), linh mục Cao Văn Luận (Tâm lý, Đạo đức, Luận lý). Thầy giảng đều đều, bài viết chơn chất rõ ràng không hấp dẫn bay bướm như Nguyên Sa Trần Bích Lan hay Hoàng Phủ Ngọc Tường qua các giáo trình in ronéo được phát hành ở các trường khác mà chúng tôi sưu tập được. Tôi nhớ có một lần có học sinh hỏi thầy “Bản thể nghĩa là gì?”. Thay vì trả lời liền, thầy giở từ điển triết học bằng tiếng Pháp của Lalande rồi đọc và dịch cho học sinh nghe. “Bản thể của một vật là cái mà khi nó lăn, chuyển động và nếu bị tác động thì cũng không bị thay đổi”. (Trí nhớ không được chính xác lắm).
Thầy giảng sự tương quan giữa các bộ môn trong triết học như sau: “Cái thuộc về xa xôi, siêu nhiên như Thượng đế mà con người chỉ nhận thức là siêu hình học, trong quá trình nghiên cứu, phát kiến, nắm bắt được thì đó là phạm trù (catégory) Tâm lý học, Đạo đức học. Còn cái được thực tiễn chứng minh là luận lý học cuối cùng là khoa học”. Trước Socrates các nhà triết học truy tìm cái viễn vông nên Socrates đã kêu gọi “Connais toi, toi même” (Bạn hãy biết tự chính mình). Sau đó Platon và Aristote phát huy triết học từ Socrates, thầy của mình. Thầy giảng “Triết học là đi đường” nhưng sự “đi đường” đó phải bắt đầu từ chính mình, nghĩa là từ con người chứ không phải từ mây gió, nước lửa xa xôi. Để giúp phân biệt các môn học, thầy có ra 3 đề luận cho học sinh chọn để làm bài:
Đề 1: “Ta không bao giờ tìm được tâm hồn của mình chiều hôm trước”.
Đề 2: “Kính hiển vi là độ nối dài của trí tuệ hơn là độ nối dài của con mắt”.
Đê 3: “Chỉ có cái khoa học về đo lường”.
Khi dạy các danh từ triết học hay ra đề luận, thầy luôn phụ đề tiếng Pháp để làm sáng tỏ các danh từ triết hay ý của tác giả, thầy sợ phản lại hay hiểu nhầm ý của tác giả. Ví dụ: Từ mặc khải tiếng Pháp có 2 từ, một là revéler, hai là dévoiler – Từ “mặc khải” (réveler) nếu với nghĩa là lập tức hiểu được vấn đề toàn diện như từ “ngộ” trong Phật giáo. Để giúp con người hiểu được toàn diện thì chỉ có Thượng đế mới mặc khải mà thôi, con người không thể mặc khải (revéler) cho con người được. Con người mặc khải cho con người nghĩa là chỉ giúp cho người khác hiểu được phần mình hiểu nghĩa là “mặc khải” vén màn (dévoiler). Vậy chỉ có Thượng đế là đấng thuần thần mới mặc khải (revéler) cho con người. Còn con người chỉ mặc khải vén màn (dévoiler) cho người khác nhận thức phần mình biết mà thôi.
Thầy ra nhiều đề để làm bài ở lớp hay ở nhà rồi cho thảo luận rất sôi nổi. Qua đó thầy dạy đạo đức, khơi gợi lòng vị tha, sự thông cảm của con người khi sống với nhau. Nhiều đề luận tôi không nhớ hết, chỉ tạm kể ra những câu như của André Malraus “Phán đoán tức là không thông cảm, vì khi người ta thông cảm thì người ta không phán đoán nữa”. (Juger, c'est de toute évidence ne pas comprendre puisque, si l'on comprenait, on ne pourrait pas juger.); của Gabriel Marcel “Tuyệt vọng về một người nào, tức là làm cho người đó tuyệt vọng về mình” (Despairing about a person, that makes him despair about you yourself) hay của J.P. Sartre “Cái nhìn của tha nhân đánh cắp mất đời tôi” (Le regard d’autrui m’a volé le monde); hay của Alfred de Vigny “Hãy yêu những gì mà bạn không thấy hai lần trong đời” (Aimez ce que jamais vous ne verrez deux fois) và một câu nữa mà tôi quên tác giả “Người ta trân trọng nâng niu những kiệt tác của nhân loại nhưng sẵn sàng lăng mạ người khác một cách dễ dàng mà quên rằng con người chính là kiệt tác của tạo hóa” (People cherish the masterpieces of mankind but are willing to insult others easily because they forget that man is a masterpiece of nature.)
Hồi đó triết hiện sinh rất thời thượng. Thầy đơn giản hóa cho chúng tôi hiểu như sau: Có phải hiện sinh là sống buông xả, thích gì thì thực hiện, và tận hưởng cuộc sống một cách thoải mái vô trách nhiệm như các nhân vật trong tiểu thuyết của Françoise Sagan chăng? Thầy giảng: Không phải thế, đó chỉ là một mảnh vỡ nhỏ của dòng hiện sinh vô thần. Thực sự thuyết hiện sinh là triết học về con người, về ý nghĩa cuộc nhân sinh, về nhân vị. Chủ thuyết hiện sinh phân làm hai nhánh, nhánh thứ nhất là hiện sinh hữu thần thì Kierkegaard là người khởi thủy, tiếp đến là Jaspers xướng lên thuyết hiện sinh siêu việt truyền đến Merleau Ponty đến Gabriel Marcel, ông này đi sâu vào hiện sinh huyền nhiệm đó là Huyền nhiệm của hữu thể và Huyền nhiệm của tình yêu. Gabriel khước từ chữ “tôi”, chỉ công nhận chữ “chúng ta”. Ông nói “Il faut être deux pour nommer que le ciel est beau”. Còn nhánh thứ hai là dòng hiện sinh vô thần khởi nguồn từ Nietzche, tiếp đến Heidegger với thuyết hiện sinh và hiện hữu; rồi qua Jean Paul Sartre với hiện sinh phi lý và một người viết về hiện sinh phi lý và phản kháng nổi tiếng là Albert Camus.
Trong một lần chúng tôi hỏi thầy tại sao trong “Le Mythe de Sisyphe” theo truyện kể - Sisyphe bị thần Zeus trừng phạt phải lăn tảng đá từ chân núi lên đỉnh. Sau bao cố gắng gian khổ mới đưa được tảng đá lên đỉnh, vừa thả tay ra thì tảng đá lại lăn xuống chân núi. Sisyphe phải xuống núi lăn đá lên đỉnh rồi lại rớt xuống và cứ thế tiếp tục mãi. Cuối truyện Camus lại kết luận: “Il faut imaginer Sisyphe heureux”. (Phải tưởng tượng rằng Sisyphe hạnh phúc). Thầy nói rằng đó là hình ảnh của con người như chúng ta trong cuộc sống hiện tại, lo phục vụ cho cái thân xác này, chỉ vì cái miệng, mắt, mũi, tai, cảm giác, cảm nhận và nếu thỏa mãn nó thì thấy hạnh phúc; nên phải phấn đấu, tranh giành giết nhau để chỉ phục vụ cho cái thân xác này. Hình ảnh Sisyphe lăn đá cũng vậy; cái vòng lẩn quẩn ta đang sống giống như Sisyphe lăn đá lên đỉnh, thả ra nó rớt xuống rồi lại xuống lăn lên như chính chúng ta sống ngày này rồi qua ngày khác cho đến khi nhắm mắt và ta nghĩ đó là hạnh phúc và càng tội nghiệp hơn khi còn lo đến hạnh phúc sinh tồn cho đến đời con đời cháu.
Thầy nói truyện này nhằm lôi kéo ta ra khỏi đời sống vô thức của những sinh hoạt hàng ngày, bó buộc ta phải thức tỉnh, vấn đề cấp bách nhất là sống để làm gì? Ngày qua ngày, từng ấy cử động, thói quen, tình cảm đều đặn nối tiếp như một cái máy vậy phải tự hỏi về ý nghĩa cuộc đời. Đời đáng sống hay không đáng sống? Ta có được quyền có một cuộc sống nào tốt đẹp hơn hay sống là phục vụ cho cái thân giả hợp này và bảo thế là hạnh phúc. Sao không chấm dứt nó như khi ta chưa sinh ra để khỏi đau khổ? Thử hỏi một người sắp chết khát ở sa mạc rằng đây là món ngon, người đẹp, tiền tài danh vọng xem thử anh ta có mê luyến không?
Camus hiểu rõ căn nguyên đó nên phát biểu: Chỉ có vấn đề quan trọng về triết học là chúng ta có chọn lựa tự tử hay không? Vì ta không có quyền được sinh ra, được chọn lựa cha mẹ, tổ quốc hay hoàn cảnh sống nhưng ta có quyền chấm dứt sự sống của ta. Và chính ông đã chọn lựa đó. Ông đã phản kháng lại cuộc đời, số phận.
Qua Sisyphe, Camus cũng bế tắc không có lối thoát đành phải chấp nhận hiện thực và kết luận “Đành rằng cuộc đời vô nghĩa, nhưng không có gì có ý nghĩa hơn cuộc đời”. Trong đoản thiên ‘L’exil et le Royaume’, Camus kết luận “Lưu Đày Chính Là Quê Nhà” dù nêu lên tính cách phi lý của cuộc đời, nhưng rồi buộc phải bằng lòng ở lại cuộc đời đó không còn một giải pháp nào khác. Cuộc đời càng vô nghĩa bao nhiêu, càng đáng sống bấy nhiêu. Ông càng phản kháng cuộc đời thì chính ông lại nhận thức được cuộc đời. Khác với Descartes đã nói: “Je pense donc je suis” (Tôi suy tưởng vậy tôi tồn tại); thì Camus nói: “Je me révolte, donc nous sommes” (Tôi phản kháng vậy chúng ta hiện hữu). Càng phản kháng Camus càng hiểu và yêu cuộc đời : “Tôi hiểu rằng giữa lòng phản kháng có sự ưng thuận, trong bầu trời pha trộn nước mắt và ánh sáng mặt trời, tôi tập chấp nhận cuộc đời này và đốt lửa lên trong ánh mờ của hội vui cuộc đời…” (J’ai compris qu’au coeur de ma révolte dormait un consentement, dans le ciel mêlé de larmes et de soleil. J`apprenais à consentir à la terre et à bruler dans la flamme sombre de ses fêtes...) Bởi vì chúng ta là con người, đã nhập thế thì phải làm tròn cuộc sống dù ước lệ hay không, trừ phi chúng ta phi nhân loại. Nói như Nguyễn Công Trứ:
Có trung hiếu nên đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây.
Sau khi thầy giảng các phần này thầy có ra 1 đề luận: “Sống là bất mãn với hiện tại, nuối tiếc dĩ vãng và mơ ước một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng khi tương lai kia tới rồi thì cũng chỉ tầm thường như trăm ngàn hiện tại khác đã qua.”
Tôi có một kỷ niệm với thầy. Nguyên năm 1967, cháu gái tôi thi vào Đệ Thất (lớp 6). Trường Nguyễn Hoàng tuyển 250 học sinh trên 2.500 học sinh dự thi. Ở nhà tôi đảm trách việc học của các cháu, nên lo lắng vì nếu thi hỏng thì phải ở nhà luyện tập để năm sau thi lại, chứ tiền đâu mà đi học trường tư. Với suy nghĩ dại khờ của một người học trò lớp 12 thời bấy giờ, tôi đến nhờ thầy Tâm giúp đỡ; nếu thầy vào làm giám thị trúng phòng của cháu. Sau khi trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba cháu mất cách đây 3 năm, tôi là người dạy dỗ cháu, dù tự tin, nhưng đây không phải là kỳ thi đủ điểm mà là kỳ thi tuyển sinh. Nên hy vọng cháu sẽ may mắn gặp được thầy trong phòng thi. Thầy mỉm cười an ủi tôi và nhận tờ giấy có ghi số báo danh. Trong kỳ thi, thầy không được phân công vào phòng thi của cháu, nhưng trước khi treo bảng tôi lại đến thăm thầy tình cờ và quên chuyện đã nhờ thầy vì lúc thi cháu đâu có gặp thầy. Vừa thấy tôi, thầy nói ngay: “Cháu của em giỏi nên đậu rồi, thứ hạng 70 trên 250 em thi đậu”. Tôi mừng rỡ, cám ơn sự quan tâm của thầy đối với một đứa học trò nhỏ. Điều này toát lên sự chân tình của thầy đối với những chuyện nhỏ, khi đã hứa đều có chú tâm đến.
Sau những năm tháng ra trường, đến năm 1974 tôi từ Quảng Trị vào dạy tại tỉnh Bình Tuy là tỉnh cuối miền Trung, giáp với tỉnh Long Khánh (tức Đồng Nai bây giờ). Thông qua thầy Nguyễn Như Lộc, trước là giáo sư Pháp văn Đệ Nhị Cấp trường Nguyễn Hoàng, nay là giám đốc Sở Học Chánh tỉnh Bình Tuy, tôi được biết thầy Tâm làm giám đốc Sở Học Chánh Quảng Trị, thay thế thầy Thái Mộng Hùng đổi về Đà Nẳng làm ở Viện Đại học Quảng Đà cho gần gia đình.
Sau năm 1975, thầy đi học tập. Mãn hạn, thầy về ở tại địa phương Quảng Trị một thời gian rồi cùng đồng bào các xã thuộc huyện Triệu Phong đăng ký đi di dân vào định cư tại Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.
Thầy làm nông trồng lúa, phát rẫy một thời gian dài. Kinh tế gia đình rất khó khăn, có lúc không đủ cơm độn ngô khoai để no bụng, rồi thầy bị bệnh qua đời. Tôi tìm đến Đạ Tẻ, thăm nhà thầy, gặp được người con trai đầu. Nhìn bàn thờ với di ảnh, rồi ra vườn nhìn ngôi mộ vắng lạnh dưới trời chiều hoe nắng tôi không cầm được nước mắt ! Lúc đó, trong tâm trí tôi chập chờn hình ảnh của thầy với dáng hình khắc khổ ngồi trên bục giảng, lắng nghe học sinh trả bài và lời giảng như vẫn còn vang vọng mãi, cùng với hư không. Thế là hết một đời người có phải không thầy ơi!
Thương thay cũng một kiếp người
Khéo thay mang lấy sắc tài làm chi!
Những là oan khổ lưu ly,
Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!
(Kiều)
Những bà con lối xóm nói cho tôi biết: Từ lúc thầy về ở nơi này, không bao giờ thấy thầy cười hay nói chuyện với ai. Sáng chiều chỉ với cái cuốc và bình nước trên vai, lên nương hay ra ruộng rồi về nhà. Thầy là một nhà giáo dạy triết học, không biết sản xuất vì xuất thân tầng lớp “Duy hữu độc thư cao” (Chỉ có đọc sách là cao cả nhất), không bạn bè, học trò, tri kỷ giúp đỡ đành chỉ biết độc thoại nội tâm. Ôi! “Lưu Đày Chính Là Quê Nhà” trong tính cách phi lý của cuộc đời sao!
Lúc đó tôi chợt nghĩ “Je me révolte, donc nous sommes” - Tôi phản kháng vậy chúng ta tồn tại đúng hay “Je mange donc Je suis” Tôi ăn, vậy tôi tồn tại ? Dù “suis” như thế nào đi nữa thì đúng như Sartre nói: "Tôi đã từng thấy những đứa trẻ chết đói. Trước một đứa trẻ chết đói, cuốn La Nausée không có một giá trị gì cả." (J'ai vu des enfants mourir de faim. En face d'un enfant qui meurt, La Nausée ne fait pas de poids.) Và đơn giản hơn, người xưa cũng từng dạy “Có thực mới vực được đạo” đó sao!?!
Viết xong ngày 25/01/2017
ĐOÀN ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ